Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Truyện ngắn HƯƠNG RỪNG

 
Hương rừng
Truyện ngắn của Trọng Bảo
       Thời ấy, tàu xe đi lại khó khăn. Cảnh người nằm, người ngồi, chờ đợi lộn xộn, dúm dó ở các bến tàu, bến xe trở thành quen mắt. ở những nơi có đủ các loại người ấy xảy ra đủ chuyện. ồn ào, nhốn nháo. Tiếng người kêu khóc mất trộm, tiếng chân rầm rập đuổi bắt kẻ gian chưa kịp lắng xuống thì tiếng rao của những người bán hàng rong, tiếng còi tàu lại rộ lên lảnh lót. Người đang ngủ gà, ngủ gật vùng dậy chạy ra tàu. Người từ ngoài sân ga xô đẩy nhau qua cửa soát vé. Suốt đêm, suốt ngày nhốn nháo, dập dềnh không dứt.
          Giữa quang cảnh ấy, tôi chợt nhận ra nàng. Cũng như tôi, để giết thòi gian lúc chờ tàu, nàng chen vào đám đông xem mấy người diễn trò ảo thuật bán thuốc dạo. Nàng chẳng có gì nổi bật so với những người con gái khác đang đứng trên sân ga. Nhưng tôi chú ý đến nàng bởi nàng đang xách theo một cái làn khá đặc biệt, khác với mọi người. Cái làn to ấy chứa đầy những loại cây giống. Những cây bưởi, cây ổi, cây hoa hồng. Cũng là vô tình, nàng len đến đứng cạnh tôi. Vừa chú ý giữ cho cái làn cây khỏi quyệt vào mọi người, nàng vừa nghển cổ xem ảo thuật. Nhờ thời cơ ấy, tôi nhìn nàng được kỹ hơn. Nàng không thật đẹp rực rõ nhưng có khuôn mặt thật dễ thương. Đôi môi nàng tô son hơn đậm, vẻ vụng về. Nàng mặc một chiếc áo sơ mi màu hồng bó sát lấy người làm hẳn lên khuôn ngực tròn đầy. Một cơn gió lạnh chợt ào qua khiến nàng hơi co người lại, vai nàng chạm vào cánh tay tôi.
          Bất chợt nàng quay sang phía tôi. Tôi bối rối khi chạm phải ánh mắt nàng. Hình như không nhận ra sự lúng túng của người đang nhìn trộm mình, nàng hỏi:
          - Làm sao mà người ta lại có thể lồng hai cái vòng thép kín vào với nhau được anh nhỉ ?
          - À... - Tôi ấp úng: - Trò ảo thuật ấy mà!
          - Thế còn những quả bóng bàn... Họ nuốt vào miệng lại lấy ra được từ tai?
          - Thì... thì... - Tôi đang tìm cách giải thích quấy quá cho xong thì lại có tàu vào ga. Cánh cổng sắt mở loảng xoảng. Mọi người xô đẩy chen lấn nhau vào cửa. Đôi quang gánh cồng kềnh của một bà buôn tách tôi và nàng mỗi người sang một bên. Khi dòng người vào ga lên tàu xuôi đã dứt, tôi đưa mắt tìm nàng. Tôi nhận ra nàng giữa đám đông nhốn nháo trên sân ga nhờ cái làn đựng đầy cây xanh. Nàng đang cầm một que kem vừa ăn vừa đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm ai. Và, thật bất ngờ, ánh mắt chúng tôi gặp nhau. Tôi khẽ gật đầu với nàng. Không ngờ cái gật đầu tưởng như vô tình ấy đã kéo nàng đến với tôi. Nàng len lỏi qua đám người đang đứng ngồi ngổn ngang trên sân ga đến chỗ tôi. Đặt chiếc làn xuống, nàng hỏi:
          - Anh chờ tàu về đâu?
          - Về Thái Nguyên, cô bé ạ!
          - Em cũng về Thái... - Nàng vui mừng reo lên. Tôi bảo:
          - Trên ấy thiếu gì cây mà lại đem gỗ về rừng thế này?
          Nàng nói:
          - Loại hoa hồng này là của chú em cho, giống quý lắm. Còn đây là giống ổi Bo và mấy cây bưởi đường, giống lai. Trên quê em không có đâu!
          Tôi cười trêu:
          - Cây quý thế mà cô chủ nỡ để nó chịu khát trong khi mình ăn kem. Lẽ ra phải bỏ mấy que kem vào gốc cho nó mát chứ.
          Nàng cười khúc khích, hồn nhiên. Nàng lại hỏi:
          - Hình như anh đóng quân ở gần nhà em phải không?
          Chưa kịp để tôi trả lời, nàng đã tíu tít kể chuyện, gần trường đại học - nơi mẹ nàng dạy - có một đơn vị bộ đội đóng quân. Khi còn bé, nàng hay theo mẹ nàng vào đơn vị ấy giúp đội văn nghệ tập nhạc, mẹ nàng là giáo viên dạy nhạc. Đúng là tôi có đóng quân ở Thái Nguyên một dạo. Hồi ấy, tôi mười tám tuổi, là lính mới nhập ngũ. Tôi hỏi: "Thế cô bé bao nhiêu tuổi?". Nàng đáp: "Mười tám!". Tôi trêu: "Có khai gian không đấy! Giỏi lắm thì cũng chỉ mười sáu rưỡi là cùng!". Nàng cố cãi: "Chỉ ba tháng nữa là tròn mười tám đấy nhé. Đừng có mà bắt nạt!". Tôi lại tìm cách phản công: "Ừ... thôi cứ cho là mười tám! Nhưng anh đóng quân gần nhà em từ gần mười năm trước. Tính ra lúc ấy em mới có bảy tuổi... À! Thôi đúng rồi! Anh nhớ có lần gặp em đi học lớp mẫu giáo, bị bạn trêu cứ kêu khóc mãi, cô giáo dỗ không chịu nín". Nàng làm bộ giận dỗi bảo: "Đã thế, từ giờ cứ gọi là chú cho biết!". Đoạn nàng dài giọng:
          - C... h...ú... coi đồ giúp cháu! Cháu đi mua đôi dép nhé!
          Nàng bỏ mặc tôi với một loạt các loại ba lô túi xách, làn đựng cây giống đi ra phía cổng nhà ga. Trời đã tối hắn. ánh điện thành phố hắt lên bầu trời những quần sáng lấp lánh. Nàng đi khá lâu. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi sao lại có một cô gái dễ tin người đến thế nhỉ? Tôi và nàng còn chưa biết tên nhau cơ mà. Sắp đến giờ lên tàu. Tôi sốt ruột ngóng ra phía cổng nhà ga. Những người đi tàu ngược Thái Nguyên đã rậm rịch nhích dần đến gần cửa soát vé. Tôi rút cuốn sổ cài ở cóc cái ba lô buộc của nàng ra xem có ghi tên, địa chỉ gì không. Trang đầu cuốn sổ chỉ gọn lỏn có hai chữ "Hương Lan". Chẳng biết đó có phải là tên của nàng hay không. Cuốn sổ chép đầy những bản nhạc. Chắc là nàng đang học nhạc. Một tấm ảnh rơi ra. Tôi nhặt lên xem. Nàng đứng giữa đám bạn bè trông trẻ con nhất.
          Lại có một con tàu nữa vào ga đón khách. Dòng người dồn dịch khiến tôi phải tay xách nách mang lùi vào sát tường. Giữa lúc đó thì nàng quay lại. Vẻ mặt nàng hơi dớn dác đôi chút khi không nhìn thấy tôi ở chỗ cũ. Tôi giơ tay vẫy. Trông thấy tôi, nàng nhoẻn miệng cười, ào đến. Nàng đưa tôi xem đôi dép mới mua, hồn nhiên khoe: "Gót cao phải đến năm phân đấy nhé!". Tôi trêu: "Trẻ con muốn làm người lớn, đi dép này cho cao lên chứ gì?". Nàng lại làm ra vẻ tự ái vờ quay mặt đi. Tôi liều mạng giơ tay véo một cái vào cái má bầu bĩnh rất trẻ con của nàng. Nàng đe:
          - Này! Đã là người lớn thì phải rất nghiêm túc đấy nhé!
          Giữa lúc đó thì có tiếng loa rè rè thông báo khách đi Thái Nguyên vào ga lên tàu. Nàng đứng dậy nhét vạt áo vào trong quần bò và bảo: "Phải thế này mới được chú ạ! Nếu không lúc chen lên tàu bọn con trai nó nghịch kéo tung hết áo".
          Hồi ấy, con gái chưa hay bỏ áo trong quần như bây giờ. Nàng bỏ áo vào trong quần cũng làm nổi lên bộ ngực tròn trịa, kiêu hãnh. Rất tự nhiên nàng nắm lấy tay tôi nói như ra lệnh: "Đi thôi!". Tôi và nàng len lỏi giữa dòng người hối hả vào ga. Biên cương đang có chiến sự, sân ga xanh màu áo lính. Chúng tôi lựa bước đi giữa những ba lô, bao gạo ngổn ngang. Chợt có tiếng gọi to:
          - Việt... có phải là Việt đấy không?
          Tôi giật mình quay lại. Nhận ra anh bạn thời cùng học trường sỹ quan. Anh nhào đến bắt tay tôi. Anh hỏi rối rít: "Khoẻ không! Vợ con gì chưa?". "Chưa!". Tôi đáp và hỏi lại: "Thế còn ông?". Anh lắc đầu: "Cũng chưa! Nào đã kịp gì đâu, hết mặt trận phía Tây Nam lại ra phía Bắc. Sau trận này cái đã!". Tôi và anh chỉ kịp hỏi han nhau vài câu vì tàu sắp chạy. Anh về hướng Vị Xuyên, Hà Giang, tôi lên Cao Bằng. Chúng tôi chia tay nhau cũng vội vã.
          Tàu thưa khách. Chúng tôi tìm được chỗ ngồi ở cuối toa. Tôi thận trọng xếp làn cây giống của nàng lên giá. Con tàu từ từ rời ga. Nàng ngồi sát cửa sổ để ngắm cảnh phố xá. Nhưng chỉ một lúc sau, con tàu đã trườn vào màn đêm mênh mông. Qua cầu Long Biên, gió sông Hồng lùa vào lành lạnh. Khi chẳng còn gì để nhìn ngắm nữa, nàng quay lại hỏi chuyện tôi:
          - Chú Việt chưa có vợ thật à?
          Nàng đã biết tên tôi và đã nghe được chuyện của tôi và anh bạn lúc ở sân ga. Tôi lắc đầu:
          - Chưa... đang tìm!
          - C...h...ư...a...!  - Nàng nhại lại vẻ diễu cợt. Môi nàng dẩu ra rất trẻ con: - Đừng có mà nói dối nhé!
          - Thế bé con đã có người yêu chưa?
          - Có rồi! Sắp cưới nữa là đằng khác!
          - Định cưới tảo hôn à? - Tôi trêu và hỏi: - Thế anh chàng ấy làm gì?
          - Hắn đang học đại học sư phạm. Là sinh viên lớp mẹ cháu làm chủ nhiệm đấy. Cũng mới đang khởi đầu giai đoạn tìm hiểu thôi, chưa sắp cưới đâu. Mà hắn buồn cười lắm chú nhé!
          - Sao lại buồn cười?
          - Thì... khi ngồi nói chuyện với nhau, hắn chỉ biết hết đếm sao trời, lại vặt cỏ dưới đất, chả biết gì hơn... - Nàng bật cười khe khẽ rồi kể tiếp: - Hôm hắn đến nhà chơi, mẹ đi vắng, cháu thì bận nấu nướng, bảo hắn ra chợ mua rau. Thế là hắn đem về một rổ su hào... Người đâu mà ngốc ơi là ngốc.
          Tôi bênh chàng trai:
          - Thế vẫn còn khá đấy! Có lần, cũng tình huống tương tự, anh còn mua về một rổ ớt nữa là...
          - Phịa... chỉ toàn là chuyện phịa! Mà này...- Nàng cảnh cáo: - Phải xưng là "chú" chứ!
          Nàng bật cười vẻ thích thú rồi che miệng kêu buồn ngủ. Nàng dặn tôi coi hành lý rồi dựa đầu vào vai tôi tin cậy nhắm mắt lại. Một lát, hơi thở của nàng đã đều đều. Con tàu vẫn lắc lư, lầm lũi đi trong đêm. Đã khuya. Trong toa lắng tiếng người. Thời gian cũng chầm chậm trôi. Một cơn gió lạnh chợt lùa qua cửa sổ. Nàng khẽ rùng mình thu người lại trông càng nhỏ nhoi. Tôi quờ chân khều cái ba lô của mình lấy một cái áo khe khẽ đắp cho nàng.
          Con tàu chậm chạp bò về hướng núi. Tiếng còi tàu báo chuẩn bị vào ga chợt vang lên làm nàng tỉnh giấc. Nàng hỏi:
          - Đến ga nào rồi chú nhỉ?
 - Sắp đến ga Phúc Yên!
 - Chú không ngủ à?
          - Không! Bộ đội thức đêm quen rồi em bé ạ!
          Như nhớ ra điều gì, nàng nhoài người ngó ra cửa sổ và bảo:
          - Núi Đôi ở phía kia kìa!
          - Ừ...
          - Chú có thuộc bài thơ Núi Đôi không?
          Tôi không trả lời câu hỏi mà ghé vào tai nàng khe khẽ đọc: "Bảy năm về trước em mười bảy/ Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng/ Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/ Bữa thì em tới, bữa anh sang. Lối ta đi giữa hai sườn núi/ Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi...". Thấy tôi dừng lại, nàng liền đọc tiếp: "Em vẫn đùa anh sao khéo thế. Núi chồng, núi vợ đứng song đôi".
          Nàng chợt buồn:
          - Tình yêu của họ đẹp thế mà kết thúc lại buồn quá chú nhỉ?
          - Chiến tranh mà lại!
- Em ghét chiến tranh! - Nàng đột ngột đổi cách xưng hô và giọng nói thì nghiêm túc hẳn: - Chiến tranh đã đưa anh trai em đi không về. Anh ấy còn trẻ lắm, chưa có người yêu, chưa một lần được cầm tay con gái!
 Ngừng một lát, nàng dặn:
 - Anh ra mặt trận lần này phải thật cẩn thận nhé!
          Tôi lặng im, không dám trêu nàng nữa. Sắp đến ga Thái Nguyên. Sắp phải chia tay nàng rồi. Nàng xuống tàu còn tôi đi tiếp lên ga Quán Triều. Có xe của đơn vị về nhận quân trang và hẹn đón chúng tôi ở đó.
          Tiếng còi tàu hụ lên, chầm chậm vào ga. Mọi người đều lục tục đứng dậy tìm hành lý. Tôi định nhỏm dậy lấy đồ giúp nàng thì nàng kéo tôi ngồi xuống. Một hành khách vác chiếc bao tải che khuất ánh sáng của chiếc đèn dầu tù mù mà người soát vé treo ở đầu toa. Lợi dụng bóng tối, nàng bất ngờ hôn lên má tôi một cái. Tôi quá bất ngờ, chưa biết phản ứng ra sao thì nàng kéo bàn tay tôi đặt lên ngực mình giữ chặt. Ngực nàng dềnh lên như có sóng. Tôi cảm nhận được con tim của nàng đang đập nhoi nhói...
          Nàng đã xuống dưới sân ga. Tôi chuyển các loại ba lô, túi xách, làn đựng cây giống qua cửa sổ cho nàng. Nàng lưu luyến nắm chặt tay tôi. Con tàu hộc lên từ từ chuyển bánh. Những người xuống tàu đã ra hết. Chỉ còn một mình nàng đứng lại trên sân ga giơ tay vẫy. Trông nàng sao thật nhỏ nhoi. Tôi chợt nhớ là tôi và nàng đã quên không ghi địa chỉ cho nhau.
*
          Đại đội tôi làm nhiệm vụ phòng ngự trên điểm cao hơn sáu trăm mét. Mỗi lần lên, xuống thị trấn nhận gạo, hay về sở chỉ huy tiểu đoàn họp phải mất nửa ngày đường. Cuộc sống sinh hoạt nơi tuyến trước khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy nhưng những người lính vẫn kiên gan giữ đất. Bởi phía sau chúng tôi là hậu phương, là bao kỷ niệm của làng quê thân thiết.
        Tôi nhớ, một lần lên trung đoàn họp. Cuộc họp triển khai nhiệm vụ kéo dài những hai ngày. Khi tôi vừa về đến đơn vị, đồng chí phó đại đội trưởng nói ngay:
        - Hôm qua anh đi vắng, có đoàn đại biểu của thanh niên thành phố Thái Nguyên lên thăm đơn vị. Họ tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ đại đội ta, vui lắm anh ạ. Đoàn có hai cô gái. Anh đi vắng, tôi bố trí cho các cô ấy nghỉ ở phòng của anh. À... hình như có một cô biết anh đấy. Cô ấy cứ hỏi thăm anh mãi. Tiếc quá! Anh về chậm họ vừa mới đi sáng nay rồi.
        Tôi băn khoăn không hiểu là ai. Tôi về phòng mình. Chăn màn được gấp gọn ghẽ. Duy chỉ có cái gối là lại bị lật ngược đặt ở trên. Tôi lật cái gối lên và giật mình nhìn thấy một dấu môi son in đậm giữa gối. Tôi ngó nhìn quanh quất và tìm thấy một mảnh giấy gấp rất nhỏ gài dưới chiếc cốc thuỷ tinh để bàn chải đánh răng. Tôi vội mở mảnh giấy. Nét chữ con gái viết vội xiêu vẹo: "Anh ơi! Em nhận ra anh nhờ tấm ảnh anh chụp cùng các chiến sĩ treo ở nhà chỉ huy. Biết anh vẫn khoẻ em mừng. Em cầu mong cho anh luôn bình an. Hôn anh! Em Hương Lan". Thì ra là nàng. Tôi tiếc vì đã không được gặp nàng. Sau chuyến tàu đêm ấy đã một năm rồi, chắc nàng đã lớn hơn cô bé trên sân ga hôm nào... Tôi bâng khuâng và mỉm cười một mình khi nghĩ đến một cô bé rất hay lý sự. Sực nhớ, tôi vội giở mảnh giấy nàng để lại ra xem. Nàng cũng không ghi lại địa chỉ của mình. Có thể nàng đã quên. Cũng có thể là nàng chủ định như thế.
Sau lần ấy, mỗi lần có dịp đi qua thành phố Thái Nguyên, tôi lại nhớ về một kỷ niệm của ngày trên đường lên biên giới.
*
          Tôi được mời tham gia ban giám khảo hội diễn văn nghệ quần chúng của lực lượng vũ trang và học sinh sinh viên trên địa bàn quân khu Một. Bận việc, sắp giờ khai mạc đêm hội diễn tôi mới có mặt. Tôi vội vàng ngồi vào ghế dành cho mình. Hết chương trình biểu diễn của đơn vị đầu tiên, đèn hội trường bật sáng. Tôi ngả người ra ghế và quay sang hỏi chuyện vị giám khảo bên cạnh. Đó là một phụ nữ. Cả hai chúng tôi đều giật nảy mình khi ánh mắt chạm nhau. Tôi nhận ra nàng. Nàng cũng nhận ra tôi. Nàng đưa tay định cầm tay tôi. Nhưng chợt nhớ là đang ở chỗ đông người, nàng rụt ngay tay lại. Nàng khe khẽ hỏi: "Anh có còn nhớ em không?". Tôi gật đầu: "Quên thế nào được!".
          Suốt buổi tối ấy, tôi không thể tập trung được vào các chương trình biểu diễn. Hình như tất cả các tiết mục tôi đều cho điểm cao. Nàng ngồi bên cạnh, đôi mắt chăm chăm nhìn lên sân khấu. Nhưng tôi biết nàng cũng đang có tâm trạng như mình.
          Tan buổi khai mạc hội diễn, ban giám khảo còn ở lại hội ý một lát. Khi tôi và nàng ra đến cửa hội trường thì một cô bé ào đến túm lấy tay nàng. Tôi ngỡ ngàng. Đúng là một bản sao của nàng mười bảy năm về trước. Nàng bảo: "Con gái em đấy, nó ở đội văn nghệ sinh viên trường sư phạm". Tôi nhận xét:
          - Hai mẹ con thế này mà đi với nhau thì dễ bị nhầm là hai chị em...
          - Anh lại bắt đầu rồi đấy... - Nàng lại lên giọng đe, tựa như câu chuyện của tôi với nàng vừa mới hôm qua chứ không phải là đã mười bảy năm rồi. Bé Linh - con gái nàng biết tôi là thành viên ban giám khảo thì dặn: "Tối mai tụi con mới biểu diễn. Bác nhớ là phải cho các tiết mục của trường sư phạm điểm thật cao nhé!". Tôi cười bảo: "Mẹ cũng là giám khảo. Con hát mẹ khen hay, lo gì". Bé Linh lắc đầu: "Không trông chờ ở mẹ được đâu bác ơi! Mẹ con chúa là khắt khe". Con bé bật cười khanh khách rồi kéo mẹ đi.
          Đêm đầu thu chợt lạnh. Đường phố đã thưa vắng ánh đèn xe. Tiếng còi tàu chợt văng vẳng phía xa xa. Có mùi hương hoa thơm dìu dịu. Tôi không nhận ra hương của loài hoa gì. Phải chăng đó là hương của rừng thoảng bay.
                                                               Thái Nguyên 3-2004
                                                                            Hà Nội 4-2005

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

Truyện ngắn MƯA LÚC TAN TẦM

Mưa lúc tan tầm
                   
  Truyện ngắn của Trọng Bảo

Vừa tan tầm thì mưa.
Cơn mưa đổ xuống sầm sập như trời đang hờn dỗi.
Đường phố kẹt cứng những người là người. Tất cả cùng chịu trận mưa to. Ai nấy vội vã trùm áo mưa lên người. Dòng người đang trôi trên đường trông đủ loại hình thù, đủ loại màu sắc nhạt nhoà trong mưa. Những chiếc xe ngược xuôi, đan chéo nhau. Ai cũng muốn mau thoát khỏi cơn mưa chiều xối xả. Nhưng dòng người thường chậm hơn dòng nước.
Khi những hạt mưa đầu tiên ném vào người, vào mặt như sỏi thì Hân vội phanh kít xe lại. Cô bật yên xe. Bàn tay cô quờ vào khoảng rỗng của cốp xe. Buổi sáng, trước lúc đi làm Hân đã quên không bỏ cái áo mưa vào trong cốp. Và cũng sáng nay lần đầu tiên Đoàn - chồng Hân không dắt chiếc xe @ nặng nề của cô ra tận cổng như mọi khi. Thường thường là mỗi sáng Hân đi làm, Đoàn đều nhanh nhẹn dắt chiếc xe ra cho vợ. Rồi anh săm sắm hỏi han, kiểm tra xem Hân đã đem đủ các thứ cần thiết chưa. Nào là túi sách, son phấn, khăn giấy lau mặt, điện thoại di động, chìa khoá nhà và nhất là áo mưa. Trời nắng trang trang anh cũng lo Hân quên áo mưa.
Thế mà sáng nay, Đoàn không dắt xe ra cửa cho Hân như mọi sáng. Từ tối hôm qua, hai người giận nhau. Nguyên nhân phải kể đến là từ khi cơ quan của Hân xuất hiện một anh chàng kẻng trai, ga lăng. Đó là một tiến sĩ mới tu nghiệp ở nước ngoài về. Hắn tên là Khải được đề bạt là thủ trưởng cơ quan. Việc đầu tiên hắn đề nghị với mọi người trong cơ quan là ngay thứ bảy tuần này tổ chức buổi gặp ra mắt tại khu du lịch Ao Vua. Mọi chi phí xe cộ đi lại, ăn uống, dịch vụ hắn bao tuốt. Hắn còn mở ngoặc thêm là các nhân viên đều được đem theo phu nhân hoặc phu quân. Hắn ta vừa ra khỏi phòng, đám nhân viên nữ đã oà lên choe choé:
- Ghê quá nhỉ! Định tỏ vẻ anh hùng nhất khoảnh hả.
- Hắn là con đại gia đấy…
- Đại gì thì đại, kéo nhau đi cả đống cho hắn biết tay… Mà nhớ mỗi tên phải kèm một xuất ăn theo nữa nhé!
Đám con gái ngoắc tay nhau. Cánh nhân viên nam cũng hứa sẽ đi đủ cả đôi. Nếu cần sẽ kèm theo một nhóc con nữa cho biết Ao Vua thế nào.
Hân về nói với chồng chuyện cơ quan. Đoàn gạt phắt đi:
- Em không nhớ là đã hẹn thứ bảy tuần này về quê thăm mẹ cơ mà!
Hân cụt hứng nhưng cố vớt vát:
- Hay mình để tuần sau hẵng về quê đi anh…
- Không được! Mẹ bảo tuần này về còn sang nhà chú Vĩnh bàn việc xây mộ cho ông nội…
- Nhưng việc của cơ quan em…
- Việc gì mà việc. Kéo nhau đi chơi bời thì có. Họp hành gì gì mà ở tận mãi cái nơi chuyên ăn chơi du hí thế!
Hân vùng vằng. Hai vợ chồng giận nhau. Suốt buổi tối Hân lầm lì. Lúc đi ngủ mỗi người quay mặt về một phía. Hai người nằm yên giả tảng như đã ngủ. Nhưng chả ai ngủ được. Hân giận chồng. Người gì mà suốt ngày chỉ biết chúi mũi vào công việc, ăn mặc thì lôi thôi. Hai vợ chồng đi với nhau ngoài phố ai cũng tưởng là anh chạy xe ôm chở tiểu thư con nhà giàu đi chợ. Đã thế mỗi khi cơ quan gặp mặt dâu rể cũng cứ ăn mặc xoàng xĩnh như khi đi làm khiến đám bạn cứ trêu chọc mãi.
Hân là con út một gia đình gốc Hà Nội, được bố mẹ nuông chiều từ bé. Hân quen và yêu Đoàn khi cô là sinh viên xuống nhà máy anh thực tập. Đoàn được giao nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ Hân. Hai người chú chú, cháu cháu rồi chuyển sang anh anh em em từ lúc nào cũng chẳng hay. Rồi yêu nhau. Bố mẹ Hân cũng rất quý Đoàn. Hai người thành vợ thành chồng sau khi Hân tốt nghiệp đại học. Đoàn chăm sóc Hân như là một người chồng và cả như một người anh.
Hai vợ chồng gần như suốt đêm không ngủ. Đoàn cũng thấy ân hận vì chưa chi đã gạt ngay chuyện Hân vừa nói. Lẽ ra anh phải lựa lời phân tích để Hân hiểu. Đoàn tính sáng ra sẽ gọi điện về quê khất mẹ tuần sau. Anh nghĩ chắc mẹ cũng sẽ cảm thông cho anh và Hân. Anh quay lại nằm sát Hân. Bàn tay anh đặt lên ngực Hân. Thường là suốt đêm bàn tay anh đều giữ chặt bầu vú tròn trịa của Hân. Hân cũng rất thích như vậy. Nhưng đêm nay Đoàn vừa đặt tay lên ngực mình Hân đã gạt phắt ngay đi. Cô trở mình nằm úp xuống gối, hai vai rung rung.
Đoàn thấy hơi phật ý. Anh cũng nằm thẳng đuỗn người ngửa mặt nhìn lên trần nhà tối mờ mờ trong ánh đèn ngủ.
Buổi sáng, khi Đoàn còn đang trong nhà vệ sinh thì Hân đã dắt xe đi làm mà không chờ chồng như những bữa trước. Cũng vì thế mà tan tầm buổi chiều khi cơn mưa ập xuống Hân không có áo mưa.
Cơn mưa xối xả khiến đường phố nhanh chóng biến thành những dòng sông. Nước chảy ào ạt. Bánh xe ngập dần trong nước. Chết máy. Hân đành lội bộ dắt xe. Chiếc xe @ lúc đi thì êm re, dắt thì thật nặng nề. Mỗi khi có một chiếc ô tô phóng qua, sóng nước mạnh như sóng biển khiến cả người Hân và xe chao đảo.
Nước dâng nhanh. Mọi thứ dềnh lên. Rác rưởi từ các ngõ ngách trôi ra đường phố. Mọi thứ chất thải của con người, con vật lăn ra đường. Hân hét lên khi một con chuột chết từ đâu dạt đến cứ lẩn vẩn quanh chân. Hân mặc cái váy mỏng. Con chuột chết bị nước đẩy chạm vào đùi khiến Hân buông cái xe hốt hoảng chạy lên hè đường. Cái xe @ đổ kềnh. Hân sợ đến phát khiếp. Con chuột chết trôi đi. Hân không làm sao dựng được chiếc xe lên. Không ai giúp cô vì mọi người đều không thể dừng lại. Xe của họ ngập lút trong nước dừng lại sẽ bị chết máy ngay. Cô bật khóc. Nhưng cũng không ai biết cô khóc. Mưa ướt đẫm mái tóc bồng bềnh kiểu mỳ tôm của Hân. Cái váy Hân đang mặc ướt sũng, dính sát vào người.
Giữa lúc Hân đang đứng lúng túng với chiếc xe đổ chìm trong nước giữa đường thì cửa ngôi nhà bên đường bật mở. Một người đàn ông đội mưa đi ra. Anh ta nâng dựng chiếc xe cho Hân. Hân giật mình nhận ra Khải - người mới về nhận chức tại cơ quan. Anh ta bảo:
- Nhà tôi ở đây! Hân tạm vào trú, ngớt mưa, nước rút hãy về…
Cũng không còn cách nào khác. Hân đi theo Khải. Hắn dắt chiếc xe của Hân vào trong khuôn viên. Trời vẫn mưa to. Nước tràn cả lên hè đường. Khải mở cửa đẩy chiếc xe của Hân vào giữa phòng khách. Hân ngập ngừng theo hắn vào nhà. Nước từ cái váy của cô rỏ xuống ướt cả nền gạch hoa.
Khải mở tủ lấy đưa cho Hân một bộ đồ phụ nữ thơm mùi nước hoa ngoại. Hắn bảo:
- Hân thay đồ đi kẻo nước mưa ngấm vào người ốm đấy…
Hân như một cái máy làm theo lời hắn.
Cô vào nhà tắm. Nước nóng và bộ quần áo khô ấm làm cho Hân tỉnh táo hẳn. Khi Hân bước ra phòng khách thì Khải cũng từ trên gác đi xuống. Hắn cũng đã thay bộ quần áo ướt lúc ra dắt xe giúp Hân. Khải pha cho Hân một cốc sữa nóng. Hân uống cốc sữa thấy người ấm hẳn lên.
Hai người ngồi nói chuyện với nhau. Qua câu chuyện Hân biết đây là ngôi nhà Khải mua sau khi từ nước ngoài về. Khải đang ở một mình. Bà giúp việc về quê có giỗ. Mưa vẫn chưa ngớt. Trời bắt đầu tối. Câu chuyện của hai người mỗi lúc một thêm sôi nổi. Hân kể chuyện cơ quan. Khải quan tâm đến mọi chuyện của Hân. Vừa nói chuyện Khải vừa đứng dậy lúc thì lấy hoa quả, khi thì đi tìm thứ bánh kẹo gì Hân ăn đỡ đói. Mỗi lần đứng lên, ngồi xuống hình như khoảng cách giữa hai người lại gần nhau hơn.
Một tiếng sét nổ vang khiến Hân giật mình co rúm người lại. Điện vụt tắt. Phòng khách tối om. Khải quờ tay tìm cây nến. Bàn tay hắn túm vào tay Hân. Hân không rụt tay lại. Tiếng thở hổn hển của hai người rất rõ. Rồi còn nhanh hơn tiếng sét lúc nãy Khải ôm xiết lấy Hân. Hân hơi tỏ vẻ kháng cự. Nhưng mọi việc trong bóng tối thường diễn ra nhanh hơn rất nhiều. Vội vã. Hối hả. Hân cong người lên trước sức nặng và sự mạnh mẽ của Khải. Khi sự dồn dập khám phá vừa kết thúc thì điện bỗng bật sáng. Tất cả trần trụi. Hân vội lấy tay che ngực. Cô thấy hoảng hốt vì sự việc diễn ra nhanh quá.
Mưa tạnh hẳn. Khải loay hoay tìm cách nổ máy chiếc @ của Hân rồi dắt ra cổng. Nhìn Khải cẩn thận dắt xe cho mình, Hân chợt nghĩ đến Đoàn. Cô cúi gằm mặt ngồi lên yên xe, né cái hôn nhẹ của Khải.
Hân về đến nhà đã hơn tám giờ tối. Không thấy Đoàn đâu. Cô lục túi tìm chìa khoá cửa. Khi vừa đẩy được chiếc xe vào nhà thì Đoàn về. Đầu tóc quần áo Đoàn bê bết, ướt sũng. Nhìn thấy Hân, Đoàn gần như reo lên vì mừng:
- Anh đem áo mưa đến cơ quan em thì em đã về. Anh phóng xe đi khắp các lối em thường hay đi tìm nhưng không gặp, lại đến cả nhà mấy chị cùng cơ quan em nữa…
Nghe Đoàn nói vậy bao nhiêu giận dỗi từ sáng trong Hân tan biến. Tự dưng Hân thấy ngượng ngập. Cúi nhìn bộ đồ đang mặc thơm phức trên người, Hân chợt thấy nóng ran cả mặt. Tim Hân đập thình thịch hoang mang.
Buổi tối hôm đó Hân không bỏ vào phòng ngủ sớm như mọi khi. Hân cùng Đoàn ngồi xen ti vi. Đài truyền hình đang chiếu bộ phim “Tự dưng muốn khóc”. Mãi Hân mới ngập ngừng bảo:
- Thứ bảy này mình về quê anh nhé!

                                                         Hà Nội, ngày mưa 24/9/2008
                                              

Truyện thiếu nhi Dòng sông chảy ngược

trẻ em

Dòng sông
 chảy ngược
Truyện của Trọng Bảo
        Cái túi ni lông đựng rác bung ra. Hai mắt của cái Nhiên sáng lên khi nhìn thấy một con vịt bằng nhựa to bằng nắm tay trẻ con rơi xuống rãnh nước. Con bé vội đặt cái bao tải xuống lề đường cầm lấy con vịt nhựa. Con vịt bằng nhựa màu vàng nhạt còn khá mới. Hai cánh nó dang ra như muốn bay lên. Con vịt bị sứt mất một mẩu ở mỏ. Có lẽ vì thế nên một đứa trẻ con nhà giàu nào đó đã vứt nó vào bao rác và bị ném ra lề đường.        
          Nâng niu con vịt nhựa trên tay cái Nhiên đi dọc phố. Bây giờ là buổi chiều. Lúc mà người ta bắt đầu ném các bịch đựng rác ra đường. Con bé gói cẩn thận con vịt nhựa vào mảnh giấy báo cũ cho vào bao tải. Với một cái que sắt, nó tiếp tục móc các túi ni lông tìm những thứ có thể thu gom để bán cho những người chuyên thu mua phế liệu. Từ ngày bố mất vì tai nạn khi chuyển vật liệu lên giàn giáo nhà cao tầng, nó phải bỏ học để giúp mẹ. Mẹ nó ốm yếu bán hàng nước ở đầu ngõ phố bờ sông, chả đủ tiền nuôi cả hai chị em nó đi học cùng một lúc. Em gái nó mới vào lớp một. Nếu không phải bỏ học thì năm tới nó đã là học sinh lớp bốn rồi.

          Cái Nhiên thấy chợt thấy vui vui. Cái bao tải nó khoác trên vai nặng chĩu. Hôm nay nó nhặt được nhiều thứ. Ở khu phố sang trọng này những cái túi đựng rác để bên hè phố có nhiều vỏ bia hộp, chai rượu ngoại, sách báo, túi ni lông. Hôm trước cũng tại đây, nó nhặt được một cuốn sách gì đã cũ, giấy ố vàng, ông già cửa hàng sách báo cũ nhìn thấy cầm lên xem rồi đưa đưa luôn cho nó hai trăm nghìn đồng, gần bằng cả tháng đi nhặt rác của nó. Hôm nay cái Nhiên thấy vui vì nó nhặt được con vịt nhựa. Lát nữa về qua nhà chú Vạn chuyên hàn yếm xe máy, nó sẽ nhờ chú ấy hàn lại cho cái mỏ bị sứt của con vịt. Hai chị em nó sẽ cùng chơi chung. Cứ nghĩ đến cảnh em Liên thả con vịt vào chậu nước rồi cười tít mắt lại là nó lại thấy hân hoan trong lòng.
           Cái Nhiên kéo lê bao tải phế liệu xuống bến sông. Sau khi xếp riêng những tờ giấy, báo, nó bắt đầu giặt rửa những thứ nhặt được như túi ni lông, chai lọ nhặt được. Đem các thứ phế thải lên bờ, chợt nhớ, nó lôi con vịt nhựa ra. Có một vết bùn bẩn trên lưng con vịt nhựa. Nó lại lội xuống sông.
           - Ối! - Cái Nhiên kêu lên. Nó trượt chân chới với tuột xuống sông. Nó hốt hoảng buông rơi con vịt nhựa, hai tay cào vào bờ đất nhẵn cố níu người để khỏi bị nước cuốn lôi ra xa.
           Khi đã ép người được vào bờ đất, nó mới nhớn nhác nhìn quanh. Con vịt nhựa trôi lềnh bềnh ra xa. Nó lội ra, cố với tay nhưng thấy nước lún sâu, nó hốt hoảng lùi vào bờ. "Mất con vịt rồi Liên ơi!" - Nó buột miệng gọi tên em. Nước mắt nó ứa ra lăn trên gò má gầy nhem nhuốc. Vừa thút thít khóc vì tiếc con vịt nhựa, nó vừa cắm cúi gột rửa nốt mất cái bao ni lông và một mảnh vải bạt rách. Trời đã sâm sẩm tối. Chợt cái Nhiên thấy một vật gì trăng trắng rạt vào tay nó. Ôi! Chính là con vịt nhựa. Nó đã trôi đi rồi sao quay lại được nhỉ. Hình như nước sông đang chảy ngược.
         Cái Nhiên đang sung sướng cầm con vịt nhựa thì có tiếng quát:
           - Đứa nào kia! Lên bờ ngay, nước lũ đang tràn về đấy!
           Cái Nhiên hốt hoảng leo lên bờ. Nó ôm vội mấy thứ đồ nhặt được đang để sát mép nước rồi chạy ngược lên bờ đê. Thì ra mải làm, nó không biết nước lũ từ trên nguồn đang đổ về. Nước sông dâng lên cao. Dòng nước va vào mỏm đá nhô ra phía dưới bến bật chảy ngược trở lại, tạo thành một vùng xoáy nước lớn. Dòng sông chảy ngược đã đem con vịt nhựa trả lại cho cái Nhiên. 
         Cầm con vịt nhựa trong tay, nhìn dòng sông đang cuồn cuộn chảy cái Nhiên lẩm nhẩm: "Cảm ơn dòng sông... cảm ơn dòng sông...".
                                                                Hà Nội, ngày 31/7/2009         

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Truyện ngắn Hôm nay trời nhiều gió

Hôm nay trời nhiều gió

Truyện ngắn của Trọng Bảo

Mẹ và con
          Hai mẹ con đi chợ từ rất sớm. Bé Thương được mẹ cho đi chợ thì thích lắm. Lẽ ra hôm nay nó phải đến lớp mẫu giáo. Nhưng cô giáo bị ốm nên nó phải nghỉ học. Không thể để con bé ở nhà một mình, cái ngôi nhà khuất sau làng toàn bọn nghiện hút lảng vảng nên chị đành cho nó cùng ra chợ.
          Mẹ quẩy gánh rau muống đi trước. Con bé lon ton chạy theo sau. Chân nó ngắn nên chốc chốc chị lại phải dừng lại chờ nó. Con bé cố chạy cho kịp để mẹ khỏi phải chờ. Nó biết gánh rau của mẹ nặng lắm. Hôm qua mẹ đã mất cả buổi chiều để hái từng ngọn, bó từng mớ thận cẩn thật. Nó hỏi: "Sao mẹ không lấy liềm cắt cho nhanh ạ!". Chị bảo: "Rau cắt bằng liềm đem ra chợ người ta chê không mua con ạ!". Nó lại hỏi: "Sao thế ạ?". Chị lại phải giải thích cho nó là rau muống cuối vụ đã kém mơn mởn lại dùng liềm cắt cọng rau hay bị vỡ, chẻ ra, ngọn to ngọn nhỏ lẫn lộn, nhiều khi có cả cỏ nên thường rất khó bán. Con bé có vẻ hiểu. Nó thương mẹ lắm. Mới năm tuổi nhưng nó biết mẹ vất vả. Bố đi làm ăn xa, quanh năm đảo về vài luợt. Mọi công việc đồng áng ở nhà đều do một mình mẹ nó đảm đương. Không biết bố làm ăn thế nào nhưng nó thấy có lần mẹ phải vét gần hết cái bồ lúa nhỏ mang ra chợ bán đưa tiền cho bố nó đem đi.                            
          Từ nhà ra đến chợ hơn một cây số. Con bé đã mỏi chân lắm rồi. Chị động viên: "Con có mệt không! Cố gắng lên! Lúc về mẹ sẽ không để con phải đi bộ nữa". Con bé gật đầu ra vẻ không mệt để mẹ yên tâm. Đến chợ chị tìm mãi mới có một chỗ trống để đặt gánh xuống. Hai mẹ con ngồi giữa gánh rau muống.
  Trời bắt đầu trở gió. Gió bắc từng đợt tràn về. Một bà mua mớ rau nhìn thấy con bé ngồi thu lu thì mắng chị:
          - Hôm qua không xem thời tiết trên ti vi à? Đưa con ra chợ mà để nó ăn mặc phong phanh thế.
          Chị ấp úng. Nhà chị thì làm gì có ti vi mà xem. Tối nào chị cũng phải đưa con bé Thương đi sang nhà hàng xóm xem nhờ chương trình thiếu nhi. Khi con bé về nhà ngủ rồi chị mới một mình hì hụi ngồi gọt, nạo sắn để ngày mai phơi cho kịp nắng.
          Đến giữa buổi chợ mà gánh rau muống chị mới bán được vài mớ. Thấy hàng hoa bên cạnh có người vừa mua vừa nói chuyện chị mới sực nhớ hôm nay là ngày rằm. Mùng một, ngày rằm ở quê bây giờ người ta cũng thường cũng bái, tổ chức ăn uống vì thế ít người mua rau muống. Chị ôm chặt con bé vào lòng cho nó đỡ rét và hỏi:
          - Con đói rồi phải không?
          Nó gật đầu. Chị bảo:
          - Để mẹ sang hàng bên cạnh mua cho con cái bánh rán.
          - Mẹ cứ bán hết rau đi đã...
          Con bé gàn mẹ. Chị lần túi áo. Mới chỉ có hai nghìn đồng của bà mua rau lúc nãy. Chị mua cho con hai cái bánh rán. Con bé đưa lại cho mẹ một cái. Mẹ cũng chưa ăn gì lại gánh rau nặng từ nhà lên chợ. Chị xoa đầu đứa con gái nhỏ hiếu thảo và nói:
          - Con cứ ăn đi kẻo đói. Mẹ không đói đâu. Bán được hết rau hôm nay mẹ sẽ khao con một bát bún riêu cua đồng thật ngon.
          Con bé nuốt nước miếng. Nó cầm cái bánh rán ăn nhỏ nhẻ như muốn tận hưởng hết cái vị ngon của bánh. Cái bánh còn nóng, vỏ đường bọc bên ngoài ròn tan, ngọt lịm.
          Phiên chợ vẫn ồn ào. Người qua người lại nói cười râm ran. Một vài bà cầm mớ rau của chị lên xem chê rau già, không ngon, rồi đi.
Trời mỗi ngày một gió to hơn. Gió giật phành phạch mấy tàu lá cọ che trên quán chợ. Chị khẽ rùng mình. Chị lo cho con gái bị lạnh. Nhưng chưa bán hết gánh rau hai mẹ con chưa về được. Chị lo lắng nhìn lên bầu trời. Buổi sáng lúc hai mẹ con đi ấm áp. Bầu trời còn có mấy ngôi sao muộn lấp lánh. Thế mà bây giờ mây kéo về sám xịt. Gió bắc thổi ào ào. Mưa lắc rắc. Nhiều người đi chợ đã nháo nhác ra về.
          Giữa lúc ấy thì phía cổng chợ có tiếng người hò hét, kêu cứu. Tiếng ai đó quát to vẻ hốt hoảng: "Chạy... chạy... đi! Một thằng điên... nó cầm dao xông vào chợ đấy...". Mấy bà quẳng cả rổ rau bỏ chạy.
          - X... u... n... g... p... h... o... n... g....
          Tiếng chân chạy rầm rập. Chị hốt hoảng ôm chặt lấy con lùi lại.
          - Bắt... bắt... lấy... tước ngay con dao của nó...
          Tiếng nhiều người gào lên. Nhốn nháo. Xô đẩy, đạp nhau mà chạy. Đúng là vỡ chợ.
          Một người đàn ông mặc độc một cái quần đùi "bà bô", tay cầm con dao chọc tiết lợn lao về phía dãy hàng rau hô to: "Xung... phong... xung... phong...".
         Anh ta vừa chạy vừa hô vang. Lát lát, anh lại nằm xuống bò lê dưới rãnh nước bùn bẩn lều phều những cọng rau và vảy cá. Con dao trong tay anh chém xỉa lung tung. Mọi người hốt hoảng chạy rạt ra. Chị ôm con gái rúc vội vào một góc quán. Người đàn ông lao đến chỗ gánh rau của chị phạt lia lịa. Những mớ rau bị chém làm đôi, làm ba, tơi tả.
          Một người bảo vệ chợ lựa thế lao vào quật ngã và tước được con dao của anh ta. Mấy người nữa ập vào đè nghiến anh ta xuống nền đất nhoe nhoét những bùn đất. Họ dùng dây trói chân, trói tay anh ta lại như trói một con lợn. Anh ta vẫn luôn mồm hò hét: "Các... đồng... chí... xung... phong... xung... phong...". Một người đàn bà đầu tóc tả tơi từ đâu hớt hải chạy đến xoa xoa vào đầu anh ta vẻ an ủi. Anh ta dịu dần. Mọi người giúp người đàn bà đưa anh ta đi. Các hàng quán lại trở lại bán hàng. Tiếng nói cười lại râm ran như chẳng có gì xảy ra. Chị và con gái lúc này mới hoàn hồn. Con bé mặt mũi vẫn còn tái nhợt. Nghe mọi người lao xao nói chuyện chị mới biết đó không phải là một người điên. Anh ấy là một thương binh sọ não mới chuyển về ở thị trấn. Vì trời bất ngờ trở gió nên làm anh bất ngờ phát bệnh. Lúc phát bệnh anh cứ nghĩ là mình đang xung trận đánh giặc. Anh lao vào chợ, cướp được con dao của bà bán thịt lợn ở cổng. May mà không chém vào ai. Nghe mọi người nói, chị thấy thương xót cho người thương binh ấy. Chị nhặt những mớ rau muống bị chém tơi tả cho vào rổ để đem về. Bà bán bánh cuốn ở dãy đối diện đi sang đưa cho chị cái bao tải bảo:
          - Cho hết vào đây, tôi mua cho mà về...
          Chị ngạc nhiên:
          - Rau nát cả rồi bà mua làm gì ạ?
          - Mang về chăn nuôi! Còn ba chục mớ phải không. Mỗi mớ ba trăm đồng như vẫn bán. Đây mười nghìn, cho con bé một nghìn mua kẹo nhé!
          Chị lí nhí cảm ơn bà bán bánh cuốn rồi quẩy quang gánh dắt con gái ra cổng chợ. Bé Thương nắm chặt tay mẹ. Nó bước đi lập cập vẻ lạnh và vẫn còn sợ.
          Đang đi chợt bé Thương níu tay mẹ bảo:
          - Mẹ ơi dừng lại đã...
          - Gì thế con?
          - Có một thằng bé...
          - Thằng bé nào?
          Chị nhìn theo tay con gái. Có một thằng bé đang ngồi phệt ở gốc cây cạnh đống rác. Mặt mũi nó nhem nhuốc. Nó ngồi lẫn giữa các bao rác. Nó đang khóc. Thấy hai mẹ con chị đến gần nó mếu máo: "Đừng trói bố cháu... đừng trói bố cháu...". Thì ra nó là con của người đàn ông vừa cầm dao lao vào chợ lúc nãy. Bé Thương moi từ trong túi áo ra cái bánh rán bé xíu đưa cho nó bảo:
          - Em ăn đi...
          Thì ra nó vẫn để dành cái bánh phần mẹ. Thằng bé cầm cái bánh nín khóc. Hai mẹ con chưa biết làm thế nào thì thấy người đàn bà đầu tóc tả tơi lúc nãy đang nhớn nhác tìm gọi con. Thằng bé nhận ra mẹ. Nó đã chạy theo mẹ ra chợ tìm bố. Khi được mẹ bế đi nó còn ngoái lại nhìn cái Thương mãi. Cái Thương bảo mẹ: "Chú thương binh lúc nãy khổ quá mẹ ạ! Chú ấy bị người ta đè xuống chỗ bùn bẩn để trói... Con thương chú ấy lắm!".
          Hai mẹ con ra khỏi chợ. Chị bảo tìm một hòn đá cho cân để gánh con khỏi phải đi bộ. Bé Thương không chịu. Nó nói vẫn đi được. Hai mẹ con băng qua con đường trống giữa cánh đồng. Gió càng mạnh. Chị nhặt được một cái áo ni-lông loại hai nghìn bị rách toạc của những người đi xe máy vứt đi khoác cho con đỡ rét.
          Bóng hai mẹ con như hai cái chấm nhỏ liêu xiêu giữa cánh đồng. Hôm nay sao trời nhiều gió thế.
                                                                                                  Ngày 21/3/2008
         

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Truyện ngắn Nấm mộ không mã số


Nấm mộ không mã số
Truyện ngắn của Trọng Bảo
     
        Hoa sim
        Chuẩn bị thi đại học thì chúng tôi nhận lệnh nhập ngũ. Tôi tống luôn những tập sách giáo khoa và những cuốn vở viết dở cho con em họ đang học lớp dưới. Con bé mừng hú, năm học tới nó có sẵn sách giáo khoa và tha hồ xé những trang vở tôi viết dở làm giấy kiểm tra 15 phút và làm nháp.
        Hôm lên huyện tập trung để làm lễ giao nhận quân tôi chỉ có một bộ quần áo mặc trên người và cái túi đựng cuốn sổ ghi lưu bút của bạn bè. Trong khi đó thằng Đan đeo một cái bọc to kềnh càng sau lưng. Tôi hỏi:
        - Mày mang theo đồ đạc gì mà nhiều thế?
        - Tao mang theo sách vở để lúc nào rỗi thì học thêm! Hoàn thành nghĩa vụ trở về tao lại thi đại học.
- Mày viển vông quá! Đang chiến tranh thế này biết bao giờ mới trở về đi học được?
- Chiến tranh rồi cũng phải kết thúc chứ!
        - Nhưng hành quân súng đạn gạo củi nặng bỏ mẹ mày còn đeo thêm sách vở  thế nào được.
        - Tao sẽ cố...
        - Thôi mặc xác mày!
         Nhận quân trang xong, lại được cấp thêm 7 ki-lô-gam gạo nữa nên ba lô của chúng tôi căng phồng. Tôi cứ tưởng là sẽ leo ngay lên ô tô rầm rập phóng ra mặt trận ngay. Nhưng không, chúng tôi được biên chế vào một đơn vị thuộc tỉnh đội. Và việc đầu tiên là hành quân bộ vượt sông Lô sang huyện Lâm Thao huấn luyện. Đoạn đường năm mươi cây số không xa nhưng lần đầu tiên cuốc bộ lại không quen với đôi dép cao su mới phát nên chân tôi chầy chật rớm máu. Tôi để ý thấy thằng Đan vẫn lặng lẽ bước đi phía trước. Trong nó vóc dáng đã bé nhỏ nên như bị cái ba lô đè gập người xuống. Tôi nghĩ: "Cứ đà này thì qua phà nó ném bọc sách vở cho trôi sông luôn!". 
         Nhưng Đan vẫn đeo được bọc sách vở về đến đơn vị. Suốt thời gian huấn luyện chiến sĩ mới thời gian được nghỉ tôi thường thấy Đan chúi đầu vào mấy cuốn sách. Mặc cho tôi và mấy thằng cùng tiểu đội khích bác nhưng Đan vẫn bỏ ngoài tai. Nhiều lần gặp tôi nó khoe vừa giải được một bài toán khó trong tuyển tập đề thi đại học. Tôi bảo:
        - Biết bao giờ mới được ra quân mà thi, mày học làm gì cho tốn công tốn sức?
        - Thì rồi cũng phải ra quân chứ! Chiến tranh chống Mỹ kết thúc rồi, họ sẽ cho tụi mình về thôi!
        Nhưng chúng tôi không được xuất ngũ như Đan nói. Đơn vị chúng tôi nhận lệnh hành quân lên Hà Giang làm kinh tế. Chúng tôi nhận nhiệm vụ mở con đường lâm nghiệp giữa rừng sâu. Đó là những ngày gian khổ nhất của cuộc đời chiến sĩ chúng tôi. Sống giữa rừng sâu ăn uống thiếu thốn, làm việc vất vả. Tôi và Đan mỗi người về một đơn vị khác nhau. Hôm đi công tác qua tiểu đoàn 1, tạt vào thăm Đan, tôi vẫn thấy trên giá ba lô chỗ nó nằm những cuốn sách ôn thi địa học đã sờn gáy. Thì ra nó vẫn không quên việc học tập. Hình như đối với nó học là một niềm vui, hy vọng của cuộc sống.
        Niềm hy vọng vào đại học của thằng Đan lại không thể thực hiện được. Chiến tranh biên giới đang có nguy cơ nổ ra bất cứ lúc nào. Khi đơn vị biên chế lại, từ đội hình làm kinh tế sang đội hình chiến đấu thì tôi và Đan lại về cùng một trung đội thông tin. Từ những người lính chuyên cuốc đất, đặt mìn phá đá mở đường, chúng tôi quay về nghề cũ từ ngày mới nhập ngũ là lính thông tin. Tôi là tiểu đội trưởng tiểu đội vô tuyến 2W còn Đan là tiểu đội trưởng tiểu đội truyền đạt của trung đội thông tin tiểu đoàn. 
         Đơn vị chúng tôi lật cánh sang hướng Cao Bằng. Hôm gặp nhau ở vùng đồi núi cỏ tranh thuộc huyện Ngân Sơn để cùng dự lớp tập huấn cán bộ tiểu đội tôi vẫn thấy Đan đeo một cái ba lô đầy sách vở. Sau gần một tháng tập huấn, đại đội tập huấn thông tin gồm toàn những cán bộ tiểu đội, trung đội chúng tôi được lệnh hành quân bộ lên biên giới để nhận quân. Vốn toàn là lính cũ nên việc hành quân bộ đường dài đối với chúng tôi là chuyện bình thường. Chúng tôi vượt qua đèo Mây, đèo Cao Bắc, dốc Sìn Hồ về Hoà An. Con đường gập ghềnh dốc cao hun hút. Tôi còn nhớ mãi chuyện anh Lộc, đại đội trưởng vốn là một giáo viên vừa ở trường về có lẽ chưa quen đi bộ nên hai chân anh bị phỏng rộp chảy máu ròng ròng, thấm đẫm ra cả lớp băng trắng. Thế mà anh ấy vẫn luôn luôn đi trước hàng quân. Tôi để ý thấy Đan vẫn lặng lẽ đi ở phía sau hàng quân. Tôi biết trong cái ba lô nặng trĩu của nó vẫn có những cuốn sách giáo khoa.
        Tới Hoà An, đại đội tập huấn của chúng tôi giải thể. Mỗi người về một hướng. Tôi và Đan cùng nhau lên Hà Quảng. Trung đội thông tin lúc này đang đóng quân trong nhà dân ở sát đường biên giới. Chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra. Mọi công tác chuẩn bị cho cuộc chiến diễn ra rất khẩn trương. Dọc con đường độc đạo từ biên giới xuống thị trấn huyện lỵ nằm chênh vênh trên miệng vực đơn vị xây dựng các trận địa chặn giặc. Chúng tôi đào các hố tại các vị trí mà có thể đổ hàng trăm cân thuốc nổ đánh sập cả đoạn đường xuống vực sâu khi cần thiết để chặn xe tăng và bộ binh địch. 
        Một buổi tối tôi đang nằm nghỉ sau một ngày đào hầm, xây dựng trận địa thì Đan ở đâu về đưa cho tôi hơn chục miếng bìa cứng có những ký hiệu bằng chữ và số, được ép platstic cẩn thận bảo:
        - Đây là mã số của từng người trong tiểu đội của ông. Nhớ dặn mọi người luôn luôn để trong túi ngực, phòng khi...
        Nghe Đan nói, tôi hiểu. Đây là mã số của từng người để khi ai hy sinh thì chôn theo sau này còn biết danh tính liệt sĩ. (Nếu tôi nhớ không nhầm thì mã số của tôi ngày ấy là JA-301).
        Đưa cho tôi những miếng mã số để đánh dấu mộ chí khi cần thiết xong, Đan thần mặt ra một lúc rồi hỏi:
        - Không biết sau trận này mình có được ra quân về đi học tiếp không nhỉ?
        - Chắc chắn rồi! Cứ yên tâm...
        Nói vậy nhưng tôi cũng không tin lời mình lắm. Đan cũng lặng lẽ không nói gì thêm. Hai đứa cùng nhìn ra ngoài trời. Ánh trăng mờ nhạt trong hơi sương lạnh lẽo. Rừng núi âm u. Cuộc chiến tranh vẫn lẩn khuất ở đâu đó bên kia biên giới.
*
        Tôi cũng thấy ngạc nhiên là khi chiến tranh nổ ra mình lại bình tĩnh thế. Chập tối có lệnh triển khai các tổ đài về các vị trí đảm bảo liên lạc đến hơn 12 giờ đêm mới xong. Tôi vừa chợp mắt thì nghe tiếng súng nổ. Giật mình giấc, nghĩ là bọn địch đánh bộc phá lấy đá làm công sự như mọi bữa, tôi kéo chăn kín đầu định ngủ tiếp thì nghe tiếng trung đội trưởng quát:
        - Tất cả ra hang chỉ huy của tiểu đoàn ngay! Bọn địch bắt đầu tấn công rồi đấy!
        Tôi bật ngay dậy vớ khẩu súng AK và chiếc ba lô lao ra ngoài sàn nhà. Bầu trời sáng rực những luồng đạn pháo của bọn giặc từ bên kia biên giới bắn sang. Tôi nhảy xuống đất. Mấy anh em trong tiểu đội chạy theo. Chúng tôi men theo chiến hào chạy ra vị trí chỉ huy của tiểu đoàn. 
        Chạy ra đến giữa cánh đồng thì đạn địch bắn vào bản. Tiếng đạn pháo va vào vách đá nổ chát chúa, lộng óc. Những ánh lửa bùng lên. Chớp đạn lằng nhằng như sấm sét dọc ngang trên bầu trời. Khói bụi mù mịt. Ngôi nhà sàn tôi vừa ở lửa cháy bùng lên. Trong bản tiếng người kêu khóc, trâu bò rống, tiếng gà vịt, tiếng chó sủa hoảng loạn. Đạn súng 12li7 của bọn địch từ trên cao quét sàn sạt xuống mặt ruộng. Chúng tôi phải bò ép người sau những bờ ruộng cao để tránh đạn. Đến gần sở chỉ huy của tiểu đoàn thì tôi gặp Đan đang chạy ngược trở lại. Nhận ra tôi, nó bảo:
        - Lên ngay hang đi, pháo bọn địch sắp bắn tới đây đấy!
        - Thế mày còn đi đâu đấy?
        - Đường dây hữu tuyến lên 11 đứt rồi, tao lên truyền đạt mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng.
        Nói xong nó lao đi về phía súng đang nổ dữ dội. Lên đến vị trí chỉ huy của tiểu đoàn, chúng tôi nhanh chóng mắc ăng-ten máy vô tuyến điện, nối thông liên lạc. Mệnh lệnh chiến đấu được truyền đi thông suốt, chỉ huy tiểu đoàn bớt gào thét, quát mắng. Lúc này tôi mới nghĩ đến chiến tranh. Thế là nó đã xảy ra thật rồi. Và thế là mình cũng được chứng kiến giờ phút đầu tiên một cuộc chiến tranh đã nổ ra như thế nào, còn sự ác liệt, sự chết chóc và nỗi kinh hoàng của nó thì những ngày sau tôi mới hiểu hết. 
        Tảng sáng, xe tăng và bộ binh địch bắt đầu tấn công. Cuộc chiến đấu ở điểm tựa cây đa sát cửa khẩu rất ác liệt. Sau một ngày chặn địch, 11 tổn hao gần hết quân số, điểm chốt khó có thể trụ thêm một ngày nữa. Sang ngày thứ hai, tiểu đoàn trưởng quyết định chặt đứt đoạn đường phía bên trái chốt cây đa để chặn xe tăng quân giặc tràn về phía sau. Trung đội thông tin chúng tôi nhận được lệnh chi viện cho tổ công binh phá đường. Đã gần sáng. Anh nuôi vừa đem cơm nắm lên. Đang ăn thì có lệnh, Đan vội đưa cho tôi nắm cơm vừa cắn được một miếng bảo:
        - Cầm lấy cất cho tao, lát nữa về ăn! Tao nhận được lệnh dẫn mấy anh em gùi thuốc nổ lên cho công binh phá đường chặn địch.
        - Nhớ thật cẩn thận nhé!
        Đan đi rồi, tôi nhét nắm cơm ăn dở vào cóc ba lô để nó về còn có cái mà ăn. Cả ngày chiến đấu có khi chỉ có mỗi một nắm cơm nhỏ này thôi. Đan đi được một lúc thì tôi cũng nhận được lệnh dẫn một tổ lên chi viện cho bộ phận phá đường. Chúng tôi đeo trên lưng mỗi người hơn ba mươi ki-lô-gam thuốc nổ và mấy hộp kíp mìn. Khi chạy, lúc bò dưới làn đạn địch tôi cũng hơi hoảng. Lỡ mà đạn địch bắn trúng khối thuốc nổ trên lưng thì... Tuy vậy, chúng tôi cũng đem được thuốc nổ đến vị trí đặt bộc phá. Hơn hai trăm cân thuốc nổ mạnh cùng hàng trăm cái kíp kích nổ được nhồi xuống một cái hố đã đào sẵn. Việc chắp nối dây cháy chậm và khối bộc phá được bộ phận công binh hoàn thành nhanh gọn. Trời đã sáng hẳn. Đạn pháo của bọn giặc bắn dữ dội. Xe tăng và bộ binh địch đánh lướt qua trận địa của 11 tràn xuống phía thị trấn. Anh Tâm - tiểu đội trưởng tiểu đội công binh giật chiếc nụ xoè lắp ở đầu một đoạn dây cháy chậm khá dài để điểm hoả khối thuốc nổ. Chúng tôi đã rút được về phía sau an toàn. 
        Nhưng mãi không thấy tiếng nổ, anh Tâm lấy ông nhòm quan sát rồi kêu lên:
       - Hỏng rồi! Có lẽ mảnh pháo địch cắt đứt mất dây cháy chậm rồi.
       Anh Tâm lăn ngay xuống vệ đường tiến lên phía trước tiếp cận khối bộc phá để kiểm tra. Nhưng anh vừa nhô lên khỏi rãnh nước ven đường thì gục xuống. Tôi lo lắng nhìn mãi không thấy anh động đậy gì. Có lẽ anh ấy trúng đạn hy sinh rồi. Đan đang nằm ép bên cạnh tôi nói:
        - Để tôi lên kiểm tra lại khối thuốc nổ.
        Nói xong, Nó lăn xuống con mương toài người bò lên phía trước. Tôi hồi hộp nhìn theo Đan. Một chiếc xe tăng của địch đã nhô ra ở quãng đường ngoặt, cách khối bộc phá không xa. Đạn bắn thẳng của bọn địch cày trên mặt đường. Đan vẫn theo con mương bên đường bò lên. Khi Đan chỉ còn cách khối bộc phá vài mét thì chới với ngã sấp xuống lòng mương cạn. Một quả đạn pháo nổ gần chỗ chúng tôi đang nằm, khói bụi mù mịt. Tôi vẫn cố căng mắt quan sát, vẫn không thấy Đan động đậy. Khi chúng tôi chuẩn bị lên tiếp ứng thì thấy Đan nhỏm dậy lết lên phía trước. Qua ống nhòm, tôi thấy một bên chân anh đẫm máu và hình như không còn cử động được nữa. Chiếc xe tăng của bọn đich chồm tới rất nhanh trong khi Đan vẫn nhích lên từng đoạn một. Khi Đan đến được chỗ đặt khối bộc phá thì chiếc xe tăng địch chỉ cách nó một đoạn. Chiếc xe tăng dừng lại rê nòng pháo bắn thẳng vào vách núi chỗ chúng tôi đang ém quân. Tôi vẫn quan sát Đan. Đan nằm nghiêng người rút dao găm ra kê đoạn dây cháy chậm lên báng súng xiết mạnh. Khi thấy anh lắp nụ xoè vào đoạn dây cháy chậm ngay phía trên khối thuốc nổ hàng trăm cân, tôi chợt hiểu và thấy lạnh cả xương sống. Đan định cho khối thuốc nổ nổ tức thì. Đúng như tôi dự đoán. Sau khi lắp xong nụ xoè, Đan nằm im như chết dưới lòng con mương bên đường.
        Khi chiếc xe tăng và bộ binh địch tiến sát khối thuốc nổ thì Đan nhỏm dậy. Nó nhoài người dậy nằm đè lên phía trên khối thuốc nổ và giật nụ xoè, điểm hoả. Gần như đồng thời với hành động của Đan là một tiếng nổ rung trời chuyển đất dội tới. Cả một đoạn đường mù mịt khói bụi, đất đá văng rào rào. Tiếng súng của ta và địch đều lặng đi. Khi khói lửa dần tan tôi nhìn thấy cả một một đoạn đường đã bị hất xuống vực. Chiếc xe tăng và những tên lính giặc hung hăng biến mất.
*
         Chúng tôi đắp cho Đan một nấm mộ ở ven rừng trước khi rút lui khỏi thị trấn. Nấm mộ không có hài cốt. Hình hài và hồn phách của Đan đã tan hoà cùng sông núi. Tôi đặt xuống xuống lòng cái hố đào vội nông choèn nắm cơm Đan cắn dở và một cuốn sách giáo khoa nó vẫn đem theo từ ngày mới nhập ngũ. Nấm mộ nơi biên ải không có mã số nhưng mãi mãi sẽ chẳng vô danh.
                         Hà Nội, 22-12-2009