Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Truyện ngắn CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 1)

        
             

Chuyện đời hắn
Truyện ngắn của Trọng Bảo

Hắn mồ côi bố ngay từ đang còn trong trứng. Người đàn bà mẹ hắn trong một cơn cuồng si đầy nhục dục chợt thấy người đàn ông đang nằm trên bụng mình giật giật mấy cái rồi ưỡn người lên thẳng đơ. Hai bàn tay đang xoắn chặt bầu ngực nở nang của bà chợt lỏng ra rũ xuống. Bà hốt hoảng nhận thấy ông ta hình như đã ngừng thở. Bà cuống cuồng đẩy ông ta lăn xuống rãnh luống ngô. Bà vội vã kéo quần lên cho ông ta và cho mình rồi chạy về làng kêu cứu.       
        Cả làng đổ ra. Nhưng mà vô phương cứu chữa. Cơ thể người đàn ông đã lạnh. Đôi mắt ông ta vẫn mở, nét mặt ông có vẻ viên mãi. Mọi người xúm xít quanh người đàn ông đã chết ồn ào bàn tán. Song rất ít người tin người đàn ông kia bị cảm chết. Họ cũng không tin việc người đàn bà bất chợt đi qua bắt gặp ông ta nằm ở đây chạy về làng kêu cứu. Họ nhìn đám ngô non bị quần nát, nhìn bộ quần áo nhàu nát của người đàn bà rồi gật gù. Có ai đó nói bóng gió xa xôi:
- Chết mà sướng thế này cũng đáng để chết lắm chứ!
- Ông này bị trúng gió "phạm phòng" ấy mà!
Người đàn bà cúi gằm mặt. Ngực bà còn rưng rưng. Cái cảm giác tê mê râm ran trong người còn chưa dứt hẳn. Bà lướt nhanh xuống bụng. Bà mơ hồ cảm nhận sự phối hợp đã viên mãn. Bà cũng thảng thốt nhận ra sự hẫng hụt chới với như đang sa xuống một cái hố sâu hun hút mà càng rơi xuống không khí càng loãng, càng khó thở. Bà cảm thấy hụt hơi.
Công an và chính quyền khám xét hiện trường nơi người đàn ông là bố hắn chết, thẩm vấn người đàn bà là mẹ hắn rất lâu rồi lập biên bản. Đây không phải là một vụ án mạng bởi vì không có ai là thủ phạm cả nhưng tự dưng bà cứ thấy mình chính là sát thủ. Sự ám ảnh đó theo đuổi trong tâm trí của người đàn bà sau này là mẹ hắn.
Hơn chín tháng sau hắn ra đời. Mẹ hắn đặt cho hắn cái tên là thằng cu Lỗi. Cũng chả hiểu tại sao mẹ hắn lại đặt cho hắn cái tên ấy. Hay là tại vì hắn không có bố.
Thế là xóm Củi có một thằng không bố.
Mẹ hắn cúi gằm mặt xuống đất để làm lụng nuôi hắn. Người đàn bà khốn khổ ấy đã sống trong sự tủi hổ để cố gắng nuôi đứa con mồ côi trưởng thành. Làng quê ngày trước âm u, hủ tục còn nặng nề. Chuyện không chồng mà chửa là chuyện tày đình. Hợp tác xã vừa mới thành lập. Khí thế lao động sản xuất tập thể đang ngùn ngụt dâng cao. Việc có một xã viên chửa hoang làm cho khí thế thi đua của đội sản xuất số 1 xóm Củi, hợp tác xã Cây Cọ sụt giảm hẳn. Ông đội trưởng đội sản xuất đành bố trí cho bà mẹ hắn làm các công việc riêng lẻ để khỏi ảnh hưởng đến khí thế chung của toàn đội. Phụ nữ nông thôn ngày ấy đẻ sau mười ngày đã đi làm đồng. Nông dân làm gì có chế độ nghỉ đẻ, có tiêu chuẩn bồi dưỡng gì đâu. Chính vì thế mà mẹ hắn kém sữa. Hắn quặt quẹo ốm o, đen chùi chũi. Mẹ hắn bỏ hắn bò lê la ở góc sân kho để rũ rơm. Nhiều bữa hắn ngồi gặm củ sắn sẩn đắng nghét khóc chả ra hơi. Ấy vậy mà hắn cứ lầm lũi lớn lên chả ốm đau gì. Khi hắn to lớn lộc ngộc thì mẹ hắn đổ bệnh. Mái tóc của bà tự dưng bạc trắng. Đôi mắt mờ dần nhìn chả rõ người hay cây cối nữa.
       Hắn học chưa hết cấp 2 liền bỏ đi làm thuê nuôi mẹ. Hắn học rất giỏi. Nhung hắn hiểu, là thằng con kẻ chửa hoang không có bố có học giỏi đến mấy cũng chả làm nên cơm cháo gì. Chẳng ai người ta cho hắn đi học lên trung cấp, lên đại học, bởi vì vì hắn cái thằng không cha, không được kết nạp vào đội thiếu niên tiền phong, không được gia nhập Đoàn thanh niên Lao động. Hắn cũng muốn đi làm ruộng cùng các xã viên trong đội sản xuất số 1 nhưng không ai muốn làm cùng với hắn. Họ ngại làm việc cùng thằng con hoang mất "danh dự", mang tiếng, mặc dù hắn là người rất khoẻ và chăm chỉ, chịu khó. Quê hắn có nhiều chân ruộng lầy thụt không thể cày bừa được phải cuốc. Một buổi sáng hắn có thể hùng hục cuốc xong bay cả một sào ruộng. Trong khi đó mấy chục xã viên dàn hàng ngang cả buổi vừa cuốc vừa nói chuyện, nghỉ giải lao hai ba bận có khi cả ngày cũng chỉ nổi mỗi một sào. Làm ăn tập thể "đánh trống ghi tên" để lấy công điểm là chính chứ chả ai quan tâm đến năng xuất lao động. Chán cảnh bị cô lập ở quê, hắn mò ra ga tàu hoả kiếm việc bốc vác thuê. Hoá ra có sức khoẻ, lại chịu khó hắn cũng kiếm được tiền. Hắn bốc vác hàng hoá lên xuống tàu cho những người đi buôn chuyến. Nhiều đơn vị, cơ quan có hàng hoá gửi theo tàu hoả cũng thuê hắn bốc vác lên, xuống tàu cho nhanh tránh tàu bay Mỹ bắn phá.
Một lần máy bay Mỹ bắn trúng một toa tàu vận chuyển đạn và quân trang của bộ đội đang đỗ tại ga. Hôm ấy, hắn không kiếm được việc, chẳng có ai thuê làm gì. Hắn đang ngồi hút thuốc lào vặt ở cổng nhà ga thì nghe tiếng kẻng báo động. Máy bay bọn Mỹ ầm ầm kéo đến. Tiếng pháo cao xạ bắn như quãi đạn lên trời. Tiếng bom nổ đinh tai nhức óc. Hắn lăn mấy vòng nhào luôn xuống một cái hầm cá nhân bên hè đường. Mùi bùn thối inh xộc vào mũi hắn. Mặc kệ. Cái hố cá nhân nông choèn, hắn phải cúi gập người xuống để đề phòng mảnh bom phạt ngang lưng. Khu nhà ga mịt mù khói bụi. Có nhiều tiếng kêu: "Cháy toa chở đạn rồi... cháy toa chở đạn rồi!". Rồi tiếng chân người chạy rầm rập qua chỗ hắn đang nấp. Bộ đội và dân quân tự vệ nháo nhác gọi nhau lao vào đám cháy cứu đạn dược và quân trang cho bộ đội. Đang chui dưới hầm hắn liền nhao lên lao vào trong ga. Hắn lăn xả vào đám cháy chả biết sợ là gì nữa. Hắn giúp các chiến sĩ vần những hòm đạn ra khỏi đám cháy và vác chạy ra phía ngoài cánh đồng. Hắn còn cõng một anh bộ đội bị thương chạy về trạm cấp cứu.
Sau việc này, đơn vị quân đội đã tìm hiểu và về tận quê hắn làm việc với chính quyền xã, đề nghị khen thưởng cho hắn. Ông chủ tịch xã nghe xã đội trưởng thông báo xong đầu đuôi sự việc thì há hốc mồm gạt đi:
- Khen cho thằng Lỗi á! Nó là thằng con hoang, khen thưởng cho nó thì làm mất danh dự cả xã này à?
Khi làm việc với anh cán bộ đơn vị quân đội, ông chủ tịch khăng khăng nói:
- Đề nghị đơn vị cứ cấp giấy khen cho đoàn thanh niên của xã chúng tôi là đã có thành tích giúp bộ đội trong chiến đấu là được!
- Nhưng... đây là thành tích của một người mà cậu này rất dũng cảm, giữa lúc máy bay địch đáng bắn phá vẫn dám lao vào đám cháy giúp bộ đội vác đạn chạy ra vị trí an toàn!
Ông chủ tịch xã nhăn mặt xua xua tay:
- Thì... các đồng chí cứ coi đây là chiến công, là thành tích chung của toàn thể thanh niên xã chúng tôi. Vì thế việc khen thưởng chung cho tuổi trẻ xã chúng tôi sẽ càng động viên được tinh thần, khí thế chiến đấu của đông đảo thanh niên xã nhà...
Anh cán bộ đơn vị quân đội cố thuyết phục ông chủ tịch xã là chỉ nên đề nghị tặng giấy khen cho riêng hắn. Nhưng mặc anh thuyết phục, ông chủ tịch xã vẫn dứt khoát không chấp nhận việc khen cho thằng con hoang. Ông chỉ ký tên, đóng dấu xác nhận vào bản thành tích chung của thanh niên xã. Đơn vị nọ đành quyết định tặng một cái giấy khen về thành tích chiến đấu cho đoàn thanh niên của xã theo yêu cầu của địa phương. Họ cũng xin gửi tặng phẩm cho hắn. Đó là một tấm vải dù và một bộ quân phục Tô Châu mới cứng. Anh cán bộ đơn vị quân đội nói là hôm lao vào đám cháy vác đạn quần áo của hắn bị cháy và rách hết. Ông chủ tịch giữ và đưa những tặng phẩm ấy vào phòng truyền thống của xã mà không trao cho hắn. Hắn cũng chả biết có chuyện khen thưởng này. Khi ấy hắn còn đang nằm co quắp ở nhà ga để chờ bốc vác thuê kiếm tiền nuôi mình và gửi cho mẹ hắn ốm yếu ở quê.
(hết phần 1)                                Hà Nội, tháng 2-2011

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Truyện ngắn Lời hẹn đêm giao thừa

            Mùa Xuân 

Lời hẹn đêm giao thừa
Truyện ngắn của Trọng Bảo
          Sắp đến giao thừa, trời như bỗng ấm hơn. Núi rừng biên giới đang chuyển sang xuân. Sương rắc nhẹ trên cành cây mặt đất những hạt nước li ti, rầm rì kiên nhẫn gọi những mầm xanh. Những bản làng trên lưng chừng núi lung linh ánh đèn mong chờ, cảnh giác. Đất nước đang sang xuân, trên điểm tựa những người lính chúng tôi không ngủ.
          Trong căn lán của tổ sửa chữa đường dây lên điểm tựa chỉ còn có tôi và Vinh. Những ngày cuối năm này, chiếc bánh chưng, hộp mứt xếp vào ba lô, tiểu đội hữu tuyến của chúng tôi chia nhau thường trực ở các trục đường dây, quyết tâm giữ vững liên lạc trong dịp tết. Tuy chỉ còn có hai người nhưng tôi và Vinh vẫn tíu tít sắm sửa để đón giao thừa. Trong căn lán nhỏ vẫn có một cành hoa đào rừng nho nhỏ, có mứt kẹo chờ mùa xuân đến. Và, điều quan trọng là đúng giao thừa chúng tôi sẽ có khách, mà lại là khách con gái nữa nhé. Hai cô y tá ở trường hậu cần quân khu về thực tập tại trạm quân y trung đoàn hẹn sẽ đến "xông nhà" chúng tôi đúng phút đầu tiên của năm mới. Vì vậy, chúng tội khẩn trương chuẩn bị nơi tiếp khách. Vinh thì hý hoáy ghép mấy quả pin cũ để thắp những chiếc bóng đèn pin xanh đỏ trên cành đào, tôi thì cẩn thận dán mấy tờ tranh và cái lốc lịch mới lên vách. Tờ lịch ngày cuối năm hồng lên trong ánh "điện" của Vinh. Chúng tôi rất vừa ý với căn lán của mình. Giữa lúc đó, tiếng chuông máy điện thoại bỗng reo lên gấp gáp. Vinh cầm ống nghe mặt xịu xuống buồn thiu. Tôi hỏi:
          - Có chuyện gì thế?
          - Mất giao thừa rồi! - Vinh lẩm bẩm: - Đường dây lên vị trí chỉ huy tiểu đoàn đứt rồi!
          - Thế hả? - Tôi cũng ngẩn người ra. Đường dây lên điểm tựa, lên sở chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi đã củng cố rất cẩn thận mấy ngày liền sao lại xảy ra tình huống này. Tôi bảo Vinh:
          - Chắc là tại bị đứt ở đoạn qua "thung lũng cảnh giác" rồi. Biết làm thế nào bây giờ, hai cô bạn sắp đến chúc tết, hay là chờ giao thừa xong ta hãy đi...
          Vinh lắc đầu:
          - Không được! Chúng mình phải đi ngay thôi. Cậu lấy giấy ghi mấy chữ đặt trên bàn để các cô ấy biết, thông cảm.
          Vừa nói, Vinh vừa khoác khẩu súng lên vai. Tôi vội xé tờ lịch ngày cuối năm lật mặt sau ghi vội mấy chữ xin lỗi hai vị nữ khách rồi để trên mặt bàn. Đoạn, tôi vơ lấy chiếc máy điện thoại và cuộn dây rồi bảo Vinh: "Nào thì đi!".
          Chúng tôi bước ra ngoài cửa. Gió lạnh táp vào mặt, con đường ngược lên điểm tựa hun hút giữa sương đêm. Chúng tôi lần theo từng mối dây, lòng dạ bồn chồn vì lỡ hẹn với những người bạn gái. Chắc các bạn sẽ thông cảm nhưng sao tôi cứ thấy băn khoăn, áy náy. Cứ nghĩ đến lúc hai khuôn mặt xinh xắn của Thu và Yến buồn thiu khi thấy chúng tôi vắng nhà, tôi cứ thấy nao nao trong lòng. Mải suy nghĩ, tôi vấp luôn vào một mô đá ngã chúi xuống mặt đường, chiếc máy điện thoại văng ra xa. Vinh quay lại gắt:
          - Cậu đi đứng thế hả? Đang ở trên miệng vực đấy!
          - Đau quá! - Tôi xuýt xoa.
 Vinh soi đèn cho tôi tìm lại cái máy điện thoại và nhắc:
          - Cẩn thận, sắp đến "thung lũng cảnh giác" rồi!
          Chúng tôi tiếp tục kiểm tra tuyến đường dây. Tới "thung lũng cảnh giác" gió thổi mạnh hơn. Cái tên "thung lũng cảnh giác" là do chính anh em đường dây chúng tôi đặt. Bởi vì cái thung lũng nhỏ không tên này sát với đường biên, bọn địch thường hay luồn sang cắt phá hoại đường dây. Cách đây mấy tuần tổ sửa chữa đường dây chúng tôi đã chạm súng với một toán thám báo địch. Cái tên "thung lũng cảnh giác" ra đời từ đó. Thung lũng khá xa lán chúng tôi. Có lẽ đ
ã đến giao thừa. Có tiếng pháo hay tiếng súng nổ lẻ tẻ, xa xôi. Đêm biên giới, gió thổi cồn cào trên vách đá. Cái rét tái tê xát xiết vào da thịt. Chúng tôi vẫn lần theo đường dây lên điểm tựa. Ánh đèn pin bịt giấy bóng lờ mờ của Vinh soi từng mối nối. Thỉnh thoảng, tôi lại mắc máy vào đường dây quay thử. Đến giữa thung lũng thì phát hiện ra chỗ đứt. Vinh ra hiệu cho tôi nối dây. Đường dây đã thông, tôi cầm ống nghe, tiếng chuông máy reo rộn rã, chỉ huy tiểu đoàn báo cáo về phía sau: "Đơn vị đón giao thừa cảnh giác". Từ sở chỉ huy trung đoàn thông báo ngày mồng một tết sẽ có đoàn đại biểu và văn công từ hậu phương lên vui xuân với chiến sĩ. Tín hiệu cứ truyền đi, truyền lại ríu rít...
          Tôi và Vinh thu máy trở về. Đã gần sáng. Con đường mòn hiện mờ mờ trong sương sớm. Khi chúng tôi đến lán thì ở bình minh đang bừng dậy. Dưới bản nhỏ Nà Liền nhộn nhịp. Cây nêu đã dựng, màu cờ đỏ hòa trong màu hoa đào rạng rỡ.
          Bước vào lán, chúng tôi ngạc nhiên vì hộp mứt, gói kẹo đặt trên bàn mời khách vẫn còn nguyên. Tờ lịch tôi ghi vẫn cài ở góc bàn. Tôi buồn rầu nói với Vinh.
          - Chắc các cô ấy lên, thấy chúng mình đi vắng nên bỏ về luôn.
          - Có thể như vậy. Bây giờ chúng mình xuống chỗ các bạn ấy đi.
          - Ừ, thì xuống xin lỗi các cô ấy một câu cậu ạ!
          Thế là tôi và Vinh đem mứt kẹo xuống nhà quân y. Tôi còn cẩn thận cầm theo cả tờ lịch cuối năm. Xuống tới chỗ của hai cô gái, chúng tôi ngạc nhiên thấy nhà vắng người mà cửa vẫn để mở. Tôi và Vinh bước vào nhà. Trên một chiếc bàn nhỏ bày sẵn bánh kẹo, có một cành hòa đào tươi rói. Tôi cầm tờ giấy nhỏ màu hồng được chèn bằng một bao thuốc lá đặt ở giữa bàn lên xem. Cũng là một tờ lịch ngày cuối năm. Phía sau tờ lịch là những dòng chữ: "Hai anh thân mến! Vì ở dưới bản Nà Liền có ca cấp cứu đột xuất, chúng em phải xuống đó ngay nên không lên đón giao thừa với các anh như đã hẹn được. Nếu các anh xuống thăm mà không gặp, rất mong các anh thứ lỗi. Năm mới kính chúc sức khỏe các anh".
          Tôi và Vinh nhìn nhau. Hóa ra lúc giao thừa tất cả chúng tôi đều phải đi làm nhiệm vụ, không giữ được lời hẹn cùng nhau vui đón năm mới. Nhưng có lời hẹn ước nào quan trọng hơn là nhiệm vụ của người chiến sĩ.
                           Cao Bằng, tháng 1-1979

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Truyện ngắn NGÔI NHÀ SAU ĐỒI (phần 2)

 
Ngôi nhà sau đồi
Truyện ngắn của Trọng Bảo
          Sau cái đêm lạc rừng ấy, có một sinh linh đã hình thành. Khi cái thai đã đội kênh vạt áo lên, không thể giấu đồng đội được nữa, cô du kích xinh đẹp đành phải bỏ đội để trốn chạy vì không thể chịu được những cái nhìn khinh rẻ và sự truy xét của mọi người, không thể chịu những đêm ngồi kiểm thảo và ánh mắt săm soi của ông đội trưởng đội du kích.
    

        Bỏ trả lại cây mã tấu cho động đội, cô tìm đường lên vùng Na Hang, Chiêm Hoá tìm mẹ đã đi tản cư trước đó. Thằng Chiến đã ra đời trong vòng tay của một bà mẹ dân tộc Tày. Hai mẹ con sống nhờ gia đình bà mẹ người Tày ấy cho đến ngày hoà bình lập lại.
*
          Dắt con về làng cũ, bà Hân chờ đợi. Tuổi trẻ của bà qua đi rất nhanh trong những ngày tháng chờ đợi nặng nề ấy. Để trốn tránh sự chê bai là đào ngũ và chửa hoang, sau ngày mẹ mất, bà đã đưa con lên tận gần chân núi Sáng dựng lều, vỡ đất trồng sắn. Thương cảnh mẹ con côi cút những người dân tốt bụng mà phần lớn là ngụ cư, tứ xứ tụ lại do chiến tranh đã giúp bà dựng được ba gian nhà tre lợp lá cọ. Ngôi nhà khuất sau đồi có hai mẹ con côi cút. Bà đã phải tần tảo nuôi con, nuôi mình, bữa cơm, bữa sắn. Mỗi khi nghe ai đó mắng thằng con nghịch ngợm: "Đồ con hoang, thằng không cha" là bà Hân lại thấy đau nhói trong tim. Hàng ngày bà cứ ngóng trông ra ngoài cổng chờ đợi một người xuất hiện. Đó là người lính năm xưa. Nhưng hoà bình đã lâu rồi mà người đó vẫn không thấy về. Bà vẫn chờ đợi cho dù vô vọng...
          Bà Hân đâu có biết người lính ấy đã trở về tìm bà ngay sau ngày hoà bình lập lại trong khi bà và đứa con còn đang ở Tuyên Quang. Bà cũng đâu có biết người lính ấy lại nhận nhiệm vụ vào miền Nam chiến đấu cho đến gần ngày đại thắng 30-4-1975 thì hy sinh.
          Mấy lần được ra miền Bắc, ông đều lặn lội lên vùng Lập Thạch tìm nhưng không ai biết gì về câu chuyện của ông kể. Chiến tranh và những trận càn, trận bom của giặc Pháp đã xóa đi bao làng xóm, bao gia đình. Mãi sau những lần tìm kiếm ấy ông mới quyết định lấy vợ. Vợ ông là một người phụ nữ đã có tuổi. Đứa con gái duy nhất của ông là kết quả của lần cuối cùng ông đưa thương binh ra Bắc năm 1973, sau Hiệp định Pa-ri. Và người con gái của người lính không trở về ấy nhờ đồng đội của bố đã tìm được bà Hân...
Bà Hân hỏi:
          - Làm thế nào mà bố con có cái vòng bạc và ảnh của anh Chiến?
          - Khi bố con hy sinh, con mới hơn một tuổi. Di vật của bố con do đơn vị gửi về mẹ con cất rất kỹ trong hòm. Mãi khi con lớn lên mẹ mới đưa cho xem cuốn sổ ghi chép của bố. Con thấy có tấm ảnh anh Chiến và cái vòng bạc nhưng không biết là thế nào. Cứ mỗi lần đọc nhật ký của bố đến đoạn bố ghi: "Con gái ta đã hơn một tuổi mà ta chưa biết mặt..." là con lại khóc, không đọc tiếp được nữa. Phần cuối của cuốn nhật ký lại bị thấm nước nên mờ và rất khó đọc. Gần đây, có một bác cựu chiến binh cùng đơn vị cũ của bố con đến thăm, con đưa cái vòng và ảnh anh Chiến ra hỏi thì bác ấy kể lại là: Một hôm, khi kiểm kê đồ đạc trong ba lô của  liệt sĩ mới hy sinh ở mặt trận chuyển về, bố con tìm thấy cái vòng bạc và tấm ảnh của anh Chiến, xem lại quê quán, tên thân nhân của liệt sĩ thì bật khóc và kêu lên đau đớn: "Đúng là con trai của tôi rồi!". Nghe bác ấy kể, con cố đọc lại đoạn nhật ký bị mờ thấy bố có viết về việc tặng mẹ cái vòng bạc có khắc tên ở phía trong...
          - Cái vòng bạc ấy hôm chia tay bố con đã dùng dao găm khắc tên ông ấy và tên mẹ rồi dặn mẹ phải giữ thật cẩn thận. Mẹ đã đưa nó cho anh Chiến với hy vọng vào chiến trường anh ấy sẽ tìm được bố... - Bà thở dài: - Nào ngờ ông ấy chết mà không biết mặt cả hai đứa con đẻ của minh...
          - Bố con cũng ghi trong nhật ký là nhất định sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở về sẽ đi tìm mẹ... nào ngờ...
          - Thôi con ạ! - Bà nắm chặt tay Thu khi thấy cô lại sắp bật khóc: - Bây giừ gặp được con và cháu thế này là mẹ mừng lắm rồi.
          Rồi bà lẩm bẩm như nói với riêng mình: "Đúng là ông trời còn có mắt!".
*
          Thu và con gái ở chơi với bà Hân ba ngày. Cô định đón bà Hân về Hà Nội thăm mẹ và nhà mình nhưng bà có ý chưa muốn đi ngay. Mấy ngày liền bà Hân cứ như tỉnh như mơ. Bà con làng xóm kéo đến hỏi thăm, ngôi nhà nhỏ sau đồi lúc nào cũng chật người. Ai cũng mừng cho bà lão tưởng như suốt đời cô quạnh nay bỗng tự nhiên lại có con, có cháu. Bà Hân ứa nước mắt khi bé Hiền đột nhiên bảo mẹ:
 - Thế là từ nay con có hai bà ngoại mẹ Thu nhỉ!
 Thu nhìn con gật đầu.
          Bà Hân xúc động ôm lấy con bé. Những giọt nước mặt lăn trên khuôn mặt già nua, khắc khổ. Bà chợt nghĩ tới những đận nuôi con vất vả, thiếu thốn đủ bề. Cu Chiến lớn lên trong vòng tay của bà. Nó đã bao lần đánh nhau với lũ trẻ con trong làng vì bị chúng gọi là "thằng không cha, đứa con hoang". Bà chịu đựng bao nhiêu khó khăn, tủi nhục nhưng bà vẫn cắn răng chịu đựng. Nhưng nỗi đau lớn nhất của bà là mỗi lần thấy con trở về nhà với khuôn mặt thâm tím. Bà biết là nó vừa có một trận đánh nhau với bọn trẻ vì bị gọi là "thằng không cha, đứa con hoang...".
 Bà nhớ khi lớn lên, cu Chiến nhất định đòi đi bộ đội. Bà không cản. Hôm con lên đường bà làm mâm cơm cúng, cầu thần, khấn phật cho con ra mặt trận tránh được hòn tên, mũi đạn. Bà đưa cho con cái vòng bạc và dặn con vào chiến trường tìm bố. Nhưng rồi cả đứa con duy nhất của bà cũng không bao giờ trở về nữa.
           Thu đặt tấm ảnh của bố lên bàn thờ cạnh ảnh anh Chiến và thắp một nén hương. Khói hương thơm lan tỏa khắp ba gian nhà nhỏ.
           Chiều trung du lồng lộng gió. Bầu trời vẫn trong xanh ngăn ngắt như thuở nào...
                              Trại viết văn Nha Trang-2000
            (Hết)

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Truyện ngắn NGÔI NHÀ SAU ĐỒI (phần 1)

 
Ngôi nhà sau đồi
Truyện ngắn của Trọng Bảo
     Khách hỏi thăm vào nhà bà Hân là một cô gái độ hai sáu, hai bảy dẫn theo một cô bé đang tuổi mẫu giáo. Họ là hai mẹ con. Cả hai vừa xuống xe. Chuyến xe ca cà khổ, chật ních người, chạy chậm rì rì trên con đường đất đỏ, gập ghềnh từ thị xã Vĩnh Yên lên Lập Thạch.
          Xuống xe, hai mẹ con lần mò hỏi đường. Ở quê hỏi đường thì dễ nhưng đi thì xa. Cả hai mẹ con phải đi bộ hơn hai cây số mới tìm được đến nhà bà Hân. Lũ trẻ chăn trâu quần áo bẩn thỉu, lôi thôi đang đánh khăng cãi nhau ỏm tỏi nghe hỏi thăm liền ào đến. Nghe chúng hỏi nhau: "Có phải bà Hân là mẹ anh Chiến đi bộ đội hy sinh ở miền Nam không?", thì cô biết là đã tìm đến đúng địa chỉ. Hai mẹ con theo bọn trẻ chăn trâu ra ngôi nhà nhỏ phía sau đồi. Tuy mệt nhưng cô gái vẫn giữa được nét duyên dáng và vẻ đẹp hiền thục. Còn đứa bé thì từ lúc đi vào lối mòn trên đồi thì mắt nó sáng lên, không còn nhõng nhẽo đòi mẹ cõng nữa. Thỉnh thoảng nó lại reo lên: "Hoa gì đẹp quá mẹ ơi!". Và, mỗi khi nó chỉ tay, lũ trẻ chăn trâu dẫn đường nhiệt tình lại bẻ ngay cho nó bông hoa ấy. Chả mấy chốc nó đã ôm trong tay một bó hoa rừng lớn.                    
          Đến ngôi nhà nhỏ phía sau đồi, thằng bé lớn nhất bọn vừa mở cánh cửa khép hờ vừa bảo:
          - Cô và em vào nhà đi!
          - Nhưng... - Cô gái ngập ngừng: - Bà không ở nhà, cô vào có được không?
          - Cô cứ vào đi! Chắc là bà chỉ loanh quanh ngoài vườn thôi. Bà vẫn để cửa cho chúng cháu khi nào khát vào tìm nước uống đấy.
          Đoạn, nó chỉ một đứa bé gái tóc buộc túm đuôi gà nói như ra lệnh:
          - Cái Ngọc chạy đi gọi bà về ngay, có khách!
          Con bé gật đầu rồi chạy đi.
          Cô gái chưa vào nhà. Cô nắm chặt tay con gái, trong lòng trào lên một nỗi niềm khó tả. Cô bỗng thấy ngôi nhà ba gian nhỏ bé giữa miền quê bình yên này trở nên thân thiết như nhà mình. Cô lặng lẽ nhìn xung quanh. Mấy cây cau, cái chum đựng nước, cái chuồng gà nhỏ, hàng dâm bụt, phía ngoài là nương sắn với những cây sắn đã rụng hết lá. Tất cả gần đúng như hình dung của cô - một cô giáo dạy văn hay liên tưởng - trên đường tìm về đây.
          Hồi lâu, con bé giật giật tay cô:
          - Vào nhà đi mẹ, con mỏi chân lắm rồi.
          Lúc này cô mới nhận ra lũ trẻ đã tản đi đâu hết. Cô dắt con bước vào nhà. Đập ngay vào mắt cô trên bàn thờ là tấm bằng "Tổ quốc ghi công" và ảnh một người lính. Cô buột miệng khẽ kêu lên: "Đúng là anh Chiến rồi!".
*
          Bà Hân vừa về đến cửa. Bà ngạc nhiên khi thấy một người con gái đứng trước bàn thờ nhà mình. Đang hái chè mãi ngoài mé đồi thì bọn trẻ chăn trâu chạy ra tìm nói là bà có khách, lại là khách lạ từ xa đến. Bà ngạc nhiên. Bởi vì khách của bà chủ yếu là bọn trẻ chăn trâu và bà con hàng xóm. Một năm đôi bận, ngày 27-7 và dịp tết nguyên đán có thêm khách của xã đến thăm đưa quà vì bà là mẹ liệt sĩ. Những năm gần đây xã xây được một cái hội trường lớn thì những dịp ấy họ mời bà lên để gặp gỡ, thăm hỏi, chúc tết, tặng quà luôn. Thành thử, khách của bà bây giờ ai đến, đến vào lúc nào bà đều nhớ hết. Bà Mẫn, bà Sửu cứ phiên chợ là rẽ vào biếu bà lá trầu, quả cau tươi. Bà Mơ thì giữa tháng lên lĩnh tiền trợ cấp thân nhân liệt sĩ là lại theo bà về nhà. Chị em mua vài bìa đậu nấu cơm cùng ăn. Còn ông lão Công nhận cái đầm hoang để nuôi cá thì cứ cuối tháng là đến khi thì cho bà mớ tép khô, khi thì cho một con cá trôi còn vẫy đuôi ngoay ngoảy vừa vớt ở đầm lên. Bà Nhân thì nhà gần, tối nào cũng dò dẫm sang cùng bà chia nhau miếng trầu, ngồi nhớ lại cái đận chạy giặc, tản cư lên mãi vùng Chiêm Hoá, Na Hang, Tuyên Quang.
          Thế mà chiều nay bà lại có khách lạ. Bà đánh tiếng:
          - Nào! Xem khách nào đến thăm nhà bà lão này đây!
Cô gái quay lại. Cô nhìn bà Hân chăm chăm. Đôi môi mọng đỏ của cô run run rồi cô kêu lên:
- Mẹ! Mẹ... mẹ ơi...
Cô cầm lấy tay bà Hân và bật khóc. Bà Hân ngạc nhiên và thấy hoang mang quá. Bà không hiểu tại sao lại có một cô gái lạ tìm đến nhà, gọi bà là mẹ thế này? Con bé đang tha thẩn ngoài sân thấy mẹ khóc cũng chạy vào oà khóc theo. Bà Hân bối rối:
- Cháu... cháu... là...
Cô gái vừa chùi nước mắt vừa nghẹn ngào nói:
- Con... con tên là Thu, là con gái của bố Thắng ạ!
- Thắng nào?
Bà Hân buột miệng. Đường đột quá, trong đầu bà chưa nhớ ra một điều gì cụ thể. Cô gái lập cập tìm cái túi xách. Kéo mãi cô mới mở được khoá túi. Cô rút ra một cái vòng bạc và hai tấm ảnh đen trắng đã ố vàng đưa cho bà Hân. Bà Hân run run đỡ lấy cái vòng và hai tấm ảnh. Bà sửng sốt nhận ra tấm ảnh của con trai mình. Nhưng bà càng sửng sốt khi nhận ra một khuôn mặt nữa trong tấm ảnh kia. Bà Hân thấy trời đất quay cuồng. Mãi sau bà mới tĩnh tâm lại được và hỏi:
- Thì ra... con là con gái bố Thắng?
- Vâng ạ!
- Nhưng sao con lại có tấm ảnh của anh Chiến?
- Dạ! Đây là những di vật của bố con để lại ạ...
- Thế... thế...
Bà Hân thấy mặt mũi sa sẩm. Cô gái vội đỡ bà ngồi xuống chõng và lại bật khóc:
- Bố... bố con cũng đã hy sinh ở miền Nam rồi...
Đất trời như lặng đi. Bà Hân nhìn như vô định ra phía cửa. Những cây cọ đứng im phăng phắc như những hàng quân lặng lẽ. Bà vẫn chưa hiểu hết mọi chuyện. Cuộc đời bà biết bao nhiêu sự bất ngờ, bao khó khăn, tủi nhục. Một mình bà nuôi con, đắng cay chồng chất nhưng vẫn dạy con nên người. Rồi đứa con duy nhất đi bộ đội hy sinh, bà tưởng mình không thể gượng dậy nổi sau nỗi đau thưong, mất mát to lớn ấy. Được bà con làng xóm đùm bọc, động viên chia sẻ, bà mới dần nguôi  ngoai. Cứ ngỡ sau bao gập ghềnh, sóng gió, cuộc đời bà chẳng còn điều gì bất ngờ xảy ra nữa thì mẹ con Thu xuất hiện. Bà ngập ngừng hỏi:
- Sao con biết mà tìm đến đây?
- Dạ! Mẹ con bảo nhất định phải đi tìm bằng được mẹ. May nhờ có cuốn sổ ghi chép và những tấm ảnh, địa chỉ bố con để lại nên con mới tìm được về quê mẹ đấy ạ!
- Vậy nhà con ở tận đâu?
- Nhà con ở Hà Nội, phố Hàng Đường. Con dạy học ở ngoại thành. Chồng con cũng là bộ đội đang công tác ở Hải Phòng. Con cũng đã điện cho nhà con rồi. Vài hôm nữa nếu xin phép được nghỉ anh ấy cũng sẽ về thăm mẹ.
- Thế mẹ con có khoẻ không?
- Mẹ con yếu lắm, chân lại bị bệnh khớp nên không đi xa được. Mẹ con cũng rất muốn đi cùng con lên tìm mẹ đấy.
Bà con rất xúc động vị vì cuộc gặp gỡ bất ngờ. Ngót năm mươi năm rồi, những chuyện tưởng như đã đi vào quên lãng giờ lại dần hiện lên trong tâm khảm của bà.
*
Mùa đông năm ấy trời lạnh lắm. Cái rét làm héo khô cả những vạt cỏ tranh. Sương muối giăng dày như những cơn mưa bụi mà đất vẫn khô khát. Đêm đêm những người tản cư đốt lửa bập bùng ven rừng cho đỡ lạnh. Ban ngày ở vùng tự do nhưng sát vùng tề nên bộ đội, dân công đi lại cũng phải giữ bí mật. Đội du kích làng Xuân Trạch chủ yếu là con gái. Cánh thanh niên trai tráng đều xung phong vào quân chủ lực.
Có một thiếu nữ nổi trội nhất đội du kích. Người nữ chiến sĩ vừa xinh đẹp lại vừa hát hay khiến nhiều chàng trai mê mẩn. Cánh trai làng trước khi vào bộ đội lên chiến khu không ít anh nhăm nhe toan "dấm chỗ" nhưng cô du kích ấy chưa nhận lời với ai. Bởi lẽ cô còn rất trẻ.
Trận càn "chim giẽ giun" của giặc Pháp lên vùng tự do của ta bắt đầu vào  tháng 12  năm 1950. Bộ đội kéo về chuẩn bị đánh giặc. Súng ống, xoong nồi lỉnh kỉnh. Đội du kích làng Xuân Trạch được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chống càn. Du kích và bộ đội phục kích đánh giặc dọc con đường tỉnh lộ và quốc lộ 2C. Cô du kích xinh đẹp nhất đội được phân công giúp bộ phận cấp dưỡng của đại đội chủ công. Nói là bộ phận nhưng cũng chỉ có hai người. Một bác lính già và một chàng lính trẻ trạc tuổi cô gái. Họ hì hục suốt đêm đào bếp, nấu cơm, nắm cơm rồi đem ra trận địa cho bộ đội.
Cuộc tiến công của quân Pháp ngày càng ác liệt. Bọn giặc cắt đường từ Tam Dương qua Ba Làng sang Dương Chỉ tiến quân ngược lên Vân Trục. Một mũi toàn línnh Âu Phi từ Liên Hoà lên Liễn Sơn đánh thốc sang Tử Du. Bốn bề Lập Thạch đều có giặc. Đại đoàn 312 quần nhau với giặc, đánh chúng thua liểng xiểng và bao vây cô lập chúng ở cánh đồng Xuân Trạch.
Khi cô du kích đang cùng hai chiến sĩ nuôi quân nấu cơm ở một bìa rừng thì một toán lính Âu Phi thua trận tháo chạy qua phát hiện. Chúng bắn xối xả vào lán. Người lính già trúng đạn gục ngay xuống rổ sắn tươi đang gọt dở. Máu thấm đỏ những củ sắn trắng tinh. Chàng lính trẻ vội kéo cô gái chạy vào rừng lim già. Họ vừa bắn trả vừa rút sâu vào trong núi. Trời tối hẳn, hai người mới lần tìm về lán nuôi quân. Xác người lính già đã chết còn bị bọn giặc dùng lưỡi lê đâm nát. Xoong nồi bị đập bẹp dúm, gạo, sắn, rau đổ vung vãi khắp nơi. Những dấu giày đinh của bọn giặc chà sát dọc ngang trên nền đất.
Hai người vừa khóc vừa lựa một mảnh chăn còn lành để liệm cho người lính già. Họ hì hụi trong đêm chôn cất cho người đồng đội rồi dắt nhau đi tìm đơn vị.
Bọn địch bị đánh tan tác ở cánh đồng làng Xuân Trạch. Các đơn vị chủ lực được lệnh rút đi nhưng chàng lính trẻ và cô du kích vẫn không biết. Tiếng súng thưa dần khiến họ rất khó định hướng của quân ta. Họ bị lạc ngày càng xa đơn vị hơn.
- Dừng lại nghỉ một lát đã, em mệt và đói lắm rồi!
Cô gái nói. Chàng vệ quốc quân bảo:
- Em cứ ở đây để anh ra chỗ bãi cỏ tranh trống trải kia xác định hướng đi.
- Nhưng ở lại một mình em sợ lắm...
- Đừng sợ! Em cầm lấy quả lựu đạn này!
Đưa cho cô gái quả lựu đạn, anh xách súng rẽ cây thận trọng tiến ra khoảng trống quan sát, xác định phương hướng.
Ngồi lại một mình, cô du kích thấy tim mình đập thình thịch. Tiếng hai con sóc nhỏ đuổi cắn nhau trên cành cây cũng làm cô giật mình. Cô nghĩ đến cái chết của người lính già, lại lo lắng cho mình và anh lính trẻ. Đã gần nửa tháng họ ở cùng bộ phận nuôi quân. Mới đầu cô có vẻ hơi coi thường anh vì nghĩ anh chẳng hơn cô về tuổi tác lẫn sự từng trải. Mấy ngày lạc rừng cô mới nhận thấy vẻ "người lớn" và sự bình tĩnh ở anh. Cũng bởi sự rụt rè nên cả hai chẳng hiểu gì về nhau ngoài cái tên.
Chàng lính trẻ đã quay lại. Anh bảo:
- Xác định được phương hướng đi rồi. Cứ theo hướng Đông Bắc là sẽ tới Sơn Nam. Từ Sơn Nam sẽ tìm đường lên đèo Khế nhất định gặp lại đơn vị...
- Nhưng em phải về với đội du kích chứ!
- Ừ nhỉ... - Chàng lính trẻ có vẻ bối rối: - Thôi thế này! Ngày mai chúng mình sẽ về làng Xuân Trạch tìm đội du kích trước...
Đó là đêm cuối cùng họ ở bên nhau. Chiến tranh, cái lạnh lẽo của rừng sâu hay cái lạnh lùng của sự chia tay khiến họ nhích lại gần nhau hơn. Có thể chưa hẳn là đã chín của một tình yêu nhưng họ đã trao gửi, dâng hiến cho nhau tất cả trong cái đêm đông cuối cùng giữa rừng già ấy. Họ trao kỷ vật cho nhau, hẹn và tin ở ngày gặp lại sau chiến tranh. Họ có ngờ đâu chẳng bao giờ có một ngày như thế.
Đó là câu chuyện của bà Hân từ gần năm mươi năm trước...
                                        Trại viết văn Nha Trang-2000
                   (Hết phần 1)