Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 34)

    
    
Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

        Bất ngờ thấy có một chiếc xe ô tô con tiến vào cổng, đang rẫy cỏ ngoài vườn, vợ và con gái thằng Đang vội buông cái cuốc chạy về nhà. Hai mẹ con đứng rúm ró trên thềm mà không dám ra đón khách. Có lẽ họ sợ và ái ngại điều gì chăng. Nhìn người đàn bà và đứa con gái hắn chợt thấy chạnh lòng. Hắn nhớ ngày nào cả hai tả tơi trong đám ma của chồng, của bố. Bây giờ sau bao nhiêu năm mà họ vẫn tơi tả như thế. Đứa con gái đã lớn rồi mà vẫn phải mặc quần áo cũ kỹ, vá vai.  
         Vợ thằng Đang vẫn chưa nhận ra hắn là ai. Vì hắn diện com-lê lại đi bằng xe ô-tô con đến họ không thể ngờ. Hắn lừ lừ bước vào cổng nhà. Vợ thằng Đang ớ người khi chợt nhận ra người quen. Chị ta chào:
         - Bác mới về làng ạ!
         - Ừ! Cô và cháu vẫn khoẻ chứ?
         - Vâng… - Vợ thằng Đang đáp nhưng lại húng hắng ho.
         Hắn lại hỏi:
         - Tại sao cô và cháu lại chuyển ra ở ngoài rừng… À mà bây giờ họ gọi đây là xóm Mới à?
         - Chuyện lâu lắm rồi bác ạ! Mời hai bác và cháu vào nhà đã!
         Người đàn bà mở cánh cửa gỗ mộc cũ kỹ. Khi chị ta đẩy cánh cửa thì bụi mọt bay rơi trắng cả nền nhà. Hắn và Thu bước vào căn nhà thấp lè tè lợp bằng lá cọ, thoang thoảng mùi phân gà. Đứa con gái chủ nhà khẽ vẫy vẫy bé Lan Hương bảo:
         - Em ra vườn với chị không! Chị sẽ hái cho em một quả khế ngọt rất to!
         Con bé có vẻ thích, nó hỏi:
         - Chị có bắt được con bươm bướm trắng không! Lúc nãy em nhìn thấy nó bay vút qua sân… - Đoạn nó quay sang mẹ: - Mẹ cho con ra vườn với chị nhé!
         Thu gật đầu, con bé hớn hở đi theo người chị mà nó vừa quen. Người đàn bà chủ nhà dặn với theo:
         - Đừng để em bị muỗi đốt Giang nhé!
         - Vâng ạ! - Từ ngoài sân, tiếng đứa con gái đáp lại.
         Vợ thằng Đang mời hai vợ chồng hắn ngồi xuống một cái phản ghép bằng mấy tấm ván kê ở giữa nhà. Hắn đảo mắt nhìn xung quanh. Ba gian nhà trống huếch, chả có thứ tài sản gì đáng giá cả. Góc nhà bên trái còn có cả một cái cày, cái bừa và mấy cái cuốc, xẻng để ở đấy nữa. Thấy hắn cứ nhìn vào chỗ mấy thứ nông cụ cũ kỹ, vợ thằng Đang bảo:
         - Nhà em ở ngoài này nên mọi thứ đều phải để trong nhà không thì mất hết. Tối đến khi mấy con gà đi ăn ở ngoài vườn về cũng phải nhốt vào bu đưa vào trong nhà đấy bác ạ!
         - Ngôi nhà hai tầng chỗ nhà cô cũ là nhà ai vậy?
         - Đó là nhà bác cả của cái Giang đấy!
         - Thế tại sao cô và cháu lại chuyển ra đây? - Hắn nhắc lại câu hỏi lúc nãy.
         - Chuyện dài lắm bác ạ… - Vợ thằng Đang giơ tay lên chùi mặt. Chị ta có vẻ ngần ngừ không muốn nói. Còn hắn thì lại rất muốn biết tại sao vợ con của một thằng lính chiến mà đã bao nhiêu năm sau chiến tranh rồi vẫn phải lầm than, khốn khổ thế này.

*
         Ngày ấy, sau đám ma thằng Đang mấy tháng thì xảy ra một chuyện.
         Có một anh bộ đội khoác ba-lô vào làng hỏi thăm đến nhà thằng Đang. Anh ta tên là Tuyến, đồng đội cũ của Đang đóng quân ở Lạng Sơn. Anh ta cũng chính là người đã giúp đưa xác của người chiến hữu cũ về quê. Nhân dịp được nghỉ phép, anh về thăm gia đình thằng Đang và ra viếng mộ người bạn chiến đấu năm xư­a.
         Việc anh bộ đội cùng đơn vị cũ của thằng Đang về thăm nhà và viếng mộ nó khiến mấy ông anh, bà chị của thằng Đang suy nghĩ. Nhất là khi biết anh sĩ quan ấy vẫn chưa có vợ. Ông anh cả thằng Đang quyết định triệu tập gấp ngay một cuộc “họp kín” với mấy ông em trai và mấy bà em gái. Khi mọi người đến đầy đủ, ông ậm è hắng giọng rồi nói:
         - Hôm nay, tôi mời các cô chú đến đây vì một việc rất hệ trọng! - Quan sát một lượt nét mặt chú ý lắng nghe của các em rồi ông nói tiếp: - Chú Đang là con út. Khi còn sống chú ấy đi bộ đội. Lúc về phục viên chú ấy lấy vợ và ở với bố mẹ tại ngôi nhà và mảnh đất hương hoả, có bàn thờ của tổ tiên, họ tộc. Bây giờ bố mẹ đã mất rồi, chú ấy cũng đã chết. Chú ấy lại chỉ sinh con một bề, có mỗi một mống con gái. Nếu mà thím ấy lấy chồng, đưa chồng về ở đây có phải cả chi họ ta mất chỗ thờ tiên tổ không?
         - Đúng vậy! - Một bà lên tiếng: - Tôi thấy cái chú bộ đội hôm nọ về đây có vẻ quyến luyến thím Hiên lắm. Mà cái con Giang cũng suốt ngày lẵng nhẵng đi theo chú ấy trông cứ như hai bố con ấy…
         - Thế thì không được rồi! - Ông anh kế trên thằng Đang là một cán bộ ngành văn hoá trên huyện lên tiếng: - Thím ấy mà tái giá, chồng mới về đây ở thì chi họ nhà ta mất chỗ thờ tổ tiên thì chết cả nút. Động mồ động mả không bằng động đến bát nhang. Bàn thờ tổ tiên ông bà, bố mẹ mà không yên thì em là người “chết” đầu tiên đấy. Em đã được đưa vào nguồn cán bộ lãnh đạo, sắp sửa bỏ phiếu tín nhiệm chức phó chủ tịch huyện, sơ xuất một tý là hỏng bét hết!
          Một bà chị gái trên thằng Đang một đốt thì nói, giọng thảng thốt:
          - Chết! Em lấy chồng xa không biết rõ mọi chuyện ở nhà. Nhưng chuyện này là hệ trọng lắm. Các bác bá và chú Đãng phải tính toán cho chu đáo. Không được để mất hương hoả của tổ tiên, ông bà kẻo mà lụn bại cả họ đấy… Thôi đúng rồi, sắp có chuyện thế này xảy ra thảo nào mà dạo này em làm ăn buôn bán không được thuận lợi gì cả, buôn chuyến nào lỗ chuyến ấy…
          Sáu người mỗi người một ý kiến, ai cũng lo lắng sẽ bị lụn bại sự nghiệp, tan hoang cơ đồ, tiệt con đường làm ăn, buôn bán thất thiệt khi bàn thờ tổ tiên có nguy cơ bị chuyển rời, chấn động. Ông anh cả thằng Đang sốt ruột:
          - Vậy thì bây giờ các cô chú định tính toán thế nào đây?
          - Tính toán gì nữa! - Bà chị gái cả của thằng Đang lên tiếng: - Thím ấy muốn đi lấy chồng thì dứt khoát phải đi theo về nhà chồng. Thuyền theo lái, gái theo chồng. Việc ấy chả phải tính toán gì cả!
          - Chị tính thế nhưng mà chưa thấu đáo! - Ông Đáng, anh trên thằng Đang ba đốt giờ mới lên tiếng: - Giả thử thím ấy theo chồng, nhưng con gái thím ấy vẫn ở đây. Sau này nó lấy chồng, đưa chồng về ở tại căn nhà của bố mẹ để lại thì có phải chi họ nhà ta vẫn cứ mất chỗ thờ cúng tổ tiên không?
          - Đúng! Bác tính toán xa xôi thật! Bây giờ em có ý kiến thế này! - Lại bà chị gái trên thằng Đang một đốt phát biểu: - Theo em, bác cả phải chuyển về ở chỗ ngôi nhà của bố mẹ để lại giữ hương hoả của tổ tiên. Sau này bác chết thằng con cả nhà bác nó sẽ kế tục bác thắp hương cho ông bà. Thằng cả nhà bác cả nó cũng đã có con trai rồi nên không phải lo gì nữa…
           Ông anh cả thằng Đang nhăn mặt khi bà em gái tính toán xa đến cả sau khi ông ta bị… chết nữa. Ông nói có vẻ bực:
           - Tôi làm sao mà tự dưng chuyển về ở ngôi nhà của bố mẹ được?
           - Hay là bác đổi nhà cho thím Hiên!
           - Đổi là đổi thế nào! - Ông anh cả cắt lời cô em gái: - Đất nhà tôi đang ở rộng gấp hơn hai lần mảnh đất cũ của bố mẹ. Với lại nhà tôi làm bê-tông, mái bằng, móng chắc, chuẩn bị lên tầng hai. Căn nhà gỗ cũ kỹ của bố mẹ chả bằng cái nhà bếp của nhà tôi. Đổi là đổi thế nào!
           Bà chị gái cả thằng của Đang bảo:
           - Hay là chú Đáng đổi nhà cho thím Hiên vợ thằng Đang?
           - Không được! - Bà chị trên thằng Đang một đốt lên tiếng gạt phắt ngay đi: - Nhà bác Đáng cũng toàn là bọn thị mẹt. Sau này chúng nó lấy chồng có phải cũng mất luôn chỗ thờ cúng tổ tiên không!
           - Cô câm ngay cái mồm đi! - Ông anh trên thằng Đang ba đốt đùng đùng nổi cáu: - Nhà cô đấy, có một thằng con trai quý tử­ thì dính vào đề đóm, cờ bạc, nghiện hút, liệu có còn giữ nổi hương hoả hay không hả?
           - Bác không phải nhiếc móc em…- Bà chị gái trên thằng Đang một đốt gào lên: - Bác về mà xem con gái bác ấy, tý tuổi đầu đã mắt xanh, mỏ đỏ, cặp kè với đám con trai ngoài bờ, ngoài bụi cả đêm…
           - Câm ngay!
           Ông Đáng bật dậy giơ tay định tát cô em gái. Ông anh cả thằng Đang bực quá đập bàn quát tháo ầm ĩ:
           - Các cô, các chú có yên đi không! Tôi mời các cô, các chú đến đây để bàn việc gìn giữ hương hoả, bảo vệ nền nếp gia phong dòng tộc, không phải là mời các cô chú đến đây để cãi nhau, đánh nhau hiểu không!
           Mọi người im lặng, hạ hỏa. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Các cụ ngày xưa đã dạy thế rồi. Một lúc sau bà chị cả thằng Đang mới lại lên tiếng hỏi ông anh cả:
           - Vậy thì theo ý bác thế nào?
           Ông anh cả:
           - Tôi tính thế này! Khu nhà đất của bố mẹ để lại ta chia đều cho bảy anh em, mỗi người một phần!
           - Sao lại chia làm bảy phần! Chúng ta còn có sáu anh em thôi mà?
           Bà chị gái trên thằng Đang một đốt lại lên tiếng. Ông anh kế trên thằng Đang là cán bộ văn hoá huyện nói:
           - Thằng Đang tuy chết rồi nhưng nó vẫn phải có xuất chứ! Nó cũng là con của bố mẹ mà!
           - Đúng! - Ông anh trên thằng Đang hai đốt nói: - Thằng Đang vẫn phải có xuất. Xuất đất ấy chúng ta phải chia cho vợ con nó, không được cạn tàu ráo máng với người đã chết!
           Ông anh cả quyết định:
           - Thôi được! Chúng ta sẽ chia làm bảy xuất. Nhưng, khoảnh đất nhà bố mẹ ở cũ đã có sổ đỏ mang tên thằng Đang, bây giờ vợ nó đang giữ, làm sao mà anh em ta chia được?
           Ông anh thứ hai:
           - Việc này đề nghị chú Đãng là cán bộ huyện, chú hiểu rõ các quy định của luật thừa kế, luật đất đai, chú lại quen tuốt tuột các cán bộ từ xã đến huyện và cán bộ địa chính. Chú ấy mà ra tay thì mọi việc sẽ xong xuôi hết, đúng quy định hết, không ai cãi lại được!
           Thế là việc đảm bảo tính pháp lý của việc chia tài sản thừa kế được giao cho ông anh kế trên của thằng Đang. Sáu anh chị em ruột vui vẻ, hoà thuận lại sau những phút tranh cãi, xô xát, suýt nữa choảng nhau. Giữa lúc đó thì ông Đảng, anh trên thằng Đang hai đốt, là người lành hiền nhất chợt kêu lên:
           - Ơ… ơ… dưng mà hôm nay chúng ta bàn việc giữ lại mảnh đất và căn nhà hương hỏa làm nơi thờ phụng tổ tiên, thế mà lại đem chia mỗi người một phần thì làm chỗ thờ cúng thế nào được cơ chứ!
           - Ờ! Đúng vậy! - Ông Đáng, anh trên thằng Đang ba đốt cũng chợt nhớ ra: - Miếng đất của bố mẹ chiều ngang chỉ có hơn chục mét, chia làm bảy phần, mỗi phần chiều rộng chỉ chưa đầy hai mét thì làm nhà thế quái nào được?
           Ông anh cả lúc này mới cười và bảo rằng:
           - Đúng là các cô chú chỉ biết cãi nhau và tính chuyện chia phần thôi. Việc này tôi đã bàn kỹ trước với chú Đãng rồi (chú Đãng là anh kế trên của thằng Đang, người sắp lên chức phó chủ tịch huyện)! Chia ra như thế thì mới đúng luật, đúng cả lệ nữa và mới có thể giữ lại được mảnh đất hương hỏa của cha ông. Sau khi mỗi người nhận một phần rồi thì phải có nghĩa vụ đóng góp trở lại để xây dựng nhà thờ họ! Tôi tính vậy có đúng không?
           - Đúng… đúng… bác cả và chú Đãng tính toán kín nhẽ thật!
           Sau cuộc “họp kín” là một cuộc họp công khai có cả vợ thằng Đang tham dự. Tranh cãi. Giải thích. Khóc lóc. Rồi người hả hê, kẻ buồn bã. Cuối cùng, mảnh đất có ngôi nhà vợ con thằng Đang đang ở được chia ra làm bảy phần. Vợ thằng Đang đành đưa con ra ngoài đồi hoang ở, góp phần đất của mình được chia để xây nhà thờ họ. Phần đất ấy thực ra đó là phần của thằng Đang-nguời đã chết. Bác cả nhận trách nhiệm thờ cúng tổ tiên đã chi thêm tiền phá ngôi nhà gỗ nhỏ của bố mẹ xây hẳn một ngôi nhà hai tầng, thỉnh bát hương lên trên tum cao, các cụ ngồi trên bàn thờ tha hồ mát. Dân làng góp cây que, lá cọ giúp mẹ con thằng Đang làm một căn nhà nhỏ tường đắp bằng đất ngoài khu đồi hoang. Lâu dần trong làng cũng có nhiều gia đình tách hộ ra làm nhà ở gần nhà hai mẹ con. Xã đầu tư làm một con đường vào khu đồi hoang. Một cụm dân cư được hình thành mang tên xóm Mới.
*
          Câu chuyện của vợ thằng Đang tuy xảy ra cả chục năm rồi nhưng hắn vẫn thấy ấm ức trong bụng. Thu thì cứ cầm mãi hai bàn tay chai sạn và gầy nhẳng của người đàn bà quê chồng. Cô chợt thấy nỗi buồn xót xa dâng dâng lên trong lòng. Thì ra kiếp đàn bà ở đâu cũng luôn luôn phải chịu muôn nỗi thống khổ. Ba người ngồi im lặng lúc lâu trong căn nhà nhỏ.
          Có tiếng cười trong trẻo của hai cô bé ngoài vườn.
          Hắn chợt nhớ hỏi:
          - Con bé nhà cô học hành thế nào?
          - Cháu tuy vất vả, thiếu thốn nhưng vẫn học giỏi lắm. Cháu vừa thi đại học xong. Nó đã có giấy gọi vào đại học rồi nhưng hoàn cảnh em thế này không biết có nuôi nổi cho cháu đi học không!
          - Cô cứ cho cháu đi nhập học! Vợ chồng tôi sẽ giúp đỡ để cháu học hành đến nơi đến chốn. Mà cháu thi vào trường đại học nào nhỉ?
          - Trường đại học nông nghiệp ở Phúc Yên. Cháu bảo đi học nông nghiệp để sau này về giúp mẹ!
          - Thế thì tốt rồi! Công ty của tôi cũng có một kỹ sư từng học đại học nông nghiệp, quen biết nhiều thầy cô giáo của trường. Cậu ấy đang lái xe cho tôi. Để tôi ra cổng gọi cậu ấy vào đây dặn cậu ấy nhờ các thầy cô giáo ở trường quan tâm giúp thêm cho cháu…  
           Hắn bước ra sân. Trời đã về chiều. Khu xóm Mới phảng phất mùi khói đốt nương, hun cỏ. Hắn cố nhìn xem nơi ngày xưa mình vẫn chăn bò, đánh trận giả ở đâu nhưng quang cảnh đã thay đổi nhiều quá. Người ta xẻ đồi, xây dựng nhà cửa, mở đường làm biến dạng cả một vùng đồi núi ngày xưa.
           Khi hắn và kỹ sư Tâm kiêm lái xe vào nhà thì Thu và vợ thằng Đang đang ngồi bóc sắn để luộc. Thu kéo hắn ra ngoài góc sân bàn việc phải hỗ trợ xây cho vợ con thằng Đang một căn nhà thay cho ngôi nhà vách đất, lợp lá cọ đã xiêu xiêu muốn đổ này. Hắn gật đầu đồng tình.
           Mấy hôm sau, anh chủ tịch xã ngạc nhiên thấy có chiếc xe vận tải chở gạch, xi-măng, cát sỏi liên tục chạy về hướng làng hắn. Từ làng hắn có con đường độc đạo vào xóm Mới. Anh chủ tịch xã nghĩ: “Sao lão này chở nhiều vật liệu thế nhỉ. Lão định xây mộ mẹ thật hoành tráng à!”. Anh chủ tịch xã không biết ở khu xóm Mới còn có một căn nhà nhỏ liêu xiêu sắp đổ.
          (hết phần 34)                                                   Hà Nội, tháng 2-2011

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 33)

        

Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

       Đường về quê hắn còn rất gập ghềnh. Con đường làm bằng đất đỏ, mưa thì lầy lội, nắng lại bụi mù, lỗ chỗ những ổ trâu, ổ gà. Người ta chú ý đầu tư các tuyến đường ở vùng xuôi theo phương thức BOT để nhanh chóng thu hồi vốn. Còn các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện ở vùng sâu, vùng xa thì chưa được nâng cấp do người ta ngại đầu tư vì lâu thu hồi được vốn đã bỏ ra. Sống trong thời kinh tế thị trường người ta thường trông vào đồng tiền để làm việc nhiều hơn là nhìn vào những câu khẩu hiệu để hành động. Mặt trái, mặt phải của cơ chế như thế nào thì không biết, chỉ biết có tiền là có tất cả. Bây giờ mà cứ hô khẩu hiệu suông mãi thì chả làm được việc gì. Con người ta có thể trở nên nhân ái hay bạc bẽo đều từ đồng tiền mà ra cả.
         Mỗi khi chiếc xe xóc nảy lên chồm chồm bé Lan Hương lại reo to:
         - Phi ngựa, phi ngựa mẹ ơi!
         Nó nhớ đến chuyện cưỡi ngựa gỗ ở lớp mẫu giáo. Nó ngó ra ngoài đường rồi hỏi bố:
         - Bố ơi, cả nhà mình cưỡi ngựa đi đâu đấy ạ?
         Hắn phì cười bảo:
         - Nhà ta về quê con ạ!
         - Sao lại phải về quê hả bố?
         Hắn bí quá, không biết trả lời con gái thế nào. Thu liền giải thích:
         - Mình về thăm bà nội con ạ!
         Con bé phụng phịu:
         - Con ứ về thăm bà nội đâu! Bà nội chả bao giờ đến đón con ở lớp mẫu giáo cả. Bà nội bạn Linh, bạn Mai í ngày nào cũng đến đón rồi đưa các bạn ấy đi ăn kem đấy bố mẹ ạ.
         Hắn thấy cay cay trong khoé mắt. Con bé còn nhỏ quá nên chưa biết gì. Còn hắn thì chợt nhớ lại quãng đời khốn khổ của hai mẹ con khi hắn còn nhỏ. Bây giờ khi hắn có thể báo hiếu thì mẹ hắn đã nằm sâu dưới lớp cỏ rồi. Về thăm quê lần này hắn cũng chỉ có thể xây cho mẹ một nấm mộ thật đẹp thôi. Ngày còn sống mẹ chỉ thèm một bữa ăn ngon thôi mà chả bao giờ hai mẹ con có được. Hắn nhớ một lần câu trộm ở ao của hợp tác xã được một con cá trắm to phải đến hơn hai cân. Khi mẹ hắn đang mổ cá thì mấy ông bảo vệ và công an xóm ập vào. Mẹ con hắn bị lập biên bản để khi đến vụ phạt trừ vào mức ăn chia 5 cân thóc vì đã xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, câu trộm cá trong ao của hợp tác xã. Con cá đã xắt thành khúc lập tức bị tịch thu đưa về sử dụng làm thực phẩm bữa ăn đêm cho bộ phận công an bảo vệ thường trực. Còn sót lại một bộ lòng và nửa cái đầu cá đang rửa ở chậu nước đỏ lòm máu cá nên cánh công an, bảo vệ không biết. Bữa tối hôm ấy mẹ ra vườn cắt mấy quả chuối tiêu tước vỏ thái miếng nấu với bộ lòng và mảnh đầu cá để lấy chút chất tanh. Mảnh đầu cá còn sót chút thịt mẹ gắp cho hắn. Hắn không bao giờ quên được bữa cơm hôm ấy. Sau đó mẹ con hắn còn bị phạt trừ thêm ba cân thóc nữa. Nguyên nhân là hắn phát hiện ra tại thằng con ông đội trưởng chính là người đã hớt lẻo chạy đi báo cho bảo vệ biết chuyện hắn đã câu được con cá để họ ập vào bắt quả tang. Thằng này là một học sinh ngoan, hạnh kiểm tốt. Nó bị hắn tống cho một quả hộc cả máu mồm, máu mũi. Công an, bảo vệ lại kéo đến nhà hắn để lập biên bản phạt mẹ hắn tội để con hành hung người khác.
         Trên đường về quê trong ký ức hắn những chuyện của ngày xưa cứ hiện lên như thế. Chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui…
         Anh chủ tịch xã ra tận cổng trụ sở đón vợ chồng hắn. Mấy người hôm trước trong đoàn đại biểu lên thăm trang trại và công ty TNHH Hoàng Thu cũng đều có mặt nghênh tiếp. Họ mời hắn đi “thị sát” công trình nhà thư viện đang xây dựng. Hắn tỏ vẻ hài lòng vì vốn đầu tư của mình đã được sử dụng có hiệu quả. Anh chủ tịch xã cho biết công trình nhà thư viện sẽ được khánh thành vào đúng dịp tổ chức lễ đón danh hiệu anh hùng của xã. Hắn hứa sẽ mang về khoảng một nghìn cuốn sách để đưa vào thư viện trước khi khánh thành. Anh chủ tịch và các cán bộ xã phấn khởi lắm. Trong lúc chờ đám phục vụ làm cơm, họ dẫn hắn sang xem nhà truyền thống của xã. Nhà truyền thống cũng đã được nâng cấp, quét vôi ve chuẩn bị cho ngày lễ trọng. Anh chủ tịch hào hứng giới thiệu:
         - Xã ta có nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thanh niên hăng hái lên đường vào vệ quốc quân, tham gia lực lượng chủ lực ra mặt trận, nhân dân tích cực đóng góp lương thực nuôi bộ đội, đi dân công hỏa tuyến. Đặc biệt là đội du kích của xã đã phối hợp với bộ đội chủ lực dũng cảm chiến đấu trong trận càn “Chim giẽ giun” của bọn giặc Pháp lên vùng an toàn khu kháng chiến, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, thu được nhiều vũ khí. Trong trận càn này có bốn du kích của xã hy sinh, sáu người bị thương…
         Anh chủ tich xã vẫn thao thao bất tuyệt. Về những chuyện này hồi nhỏ còn ở nhà hắn đã nghe kể và biết còn rõ hơn cả anh chủ tịch này. Nhưng hắn vẫn im lặng nghe anh ta nói.
         - Không những trong kháng chiến chống Pháp có nhiều chiến công mà trong chống Mỹ xã ta cũng có rất nhiều thành tích, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, là hậu phương của bao nhiêu chiến sĩ ra mặt trận. Hơn ba trăm thanh niên xã ta đã lên đường nhập ngũ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đấy… Có mười bảy liệt sĩ, bốn hai thương, bệnh binh, năm Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước… Và, đặc biệt là ngay tại hậu phương, thanh niên xã ta cũng góp phần làm nên chiến công hiển hách… Đây, xin mời anh chị xem!
          Anh chủ tịch kéo hắn lại một cái tủ kính đặt trang trọng ở gian bên phải. Trong tủ có một bộ quân phục Tô Châu còn mới, một miếng vải dù và một tấm giấy khen. Anh chủ tịch chỉ cho hắn xem rồi nói:
          - Một lần, khi giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc trúng một toa tàu quân sự chở  đầy đạn dược, quân trang ra mặt trận. Hàng trăm thanh niên xã ta không sợ đổ máu hy sinh, họ đã dũng cảm kịp thời lao vào đám cháy cùng bộ đội cứu đạn, đưa những người bị thương đi cấp cứu. Sau trận ấy, chỉ huy đơn vị bộ đội đã về tận xã ta trao giấy khen và những tặng phẩm này đấy!
          Hắn ngạc nhiên:
          - Chuyện đó xảy ra vào thời gian nào vậy?
          - Vào khoảng giữa năm 1972… Anh chủ tịch đáp và sực nhớ ra liền gọi to: - À… à…! Thầy Tuấn, thầy Tuấn đâu rồi, mau đem ngay bản thảo cuốn lịch sử xã ta ra đây!
          - Vâng ạ!
          Một thanh niên còn rất trẻ và nhanh nhẹn, khuôn mặt sáng sủa, thông minh cầm một tập giấy in vi tính chạy đến. Anh chủ tịch xã giới thiệu:
          - Đây là thầy Tuấn, giáo viên dạy môn lịch sử được hiệu trưởng trường phổ thông trung học tăng cường cho xã để giúp đỡ thiết kế trưng bày nhà truyền thống và chắp bút biên soạn cuốn lịch sử của xã chuẩn bị cho ngày lễ đón danh hiệu anh hùng.
           Đoạn anh chủ tịch quay sang hỏi thầy Tuấn:
           - Sự kiện thanh niên xã ta dũng cảm tham gia cứu toa tàu quân sự chở đạn xảy ra vào thời gian nào nhỉ?
           - Dạ! Vào tháng 6 năm 1972 ạ!
           Hắn càng ngạc nhiên. Giữa năm 1972 khi làm thuê ở nhà ga chính hắn cũng tham gia vào việc cứu một toa tàu hoả chở đạn bị trúng bom Mỹ. Hắn đã cùng các chiến sĩ không sợ nguy hiểm lăn xả vào chỗ toa tàu bị trúng bom vác những hòm đạn có nguy cơ phát nổ bất cứ lúc nào ra khỏi đám cháy đem ra phía ngoài cánh đồng. Hắn còn cõng một anh bộ đội bị thương đưa về trạm cấp cứu.
           Nhớ lại chuyện cũ, hắn chợt ớ người ra rồi hỏi lại:
           - Nhưng… nhưng xã Quang Lâm ta cách nhà ga tàu hoả gần nhất cũng hơn hai mươi cây số, làm sao mà ngay sau khi bom Mỹ ném xuống trúng đoàn tàu quân sự đã có ngay “hàng trăm thanh niên thanh niên của xã” đã không sợ hy sinh, dũng cảm kịp thời lao vào đám cháy cùng bộ đội cứu toa tàu chở đạn được?
            Anh chủ tịch xã cũng bày tỏ sự băn khoăn:
           - Về sự kiện này bọn chúng tôi sinh sau, đẻ muộn, khi chiến tranh vẫn còn rất bé nên cũng không biết, cũng chả có tư liệu nào ghi chép lại, chỉ có mỗi cái giấy khen này và nghe bác phó chủ tịch huyện nguyên là chủ tịch xã ta thời ấy kể lại thôi.
           Anh chủ tịch xã nói thêm:
           - Bác phó chủ tịch huyện nguyên là chủ tịch xã mình ngày ấy giờ cũng đã nghỉ hưu. Hiện bác ấy là trưởng ban biên soạn cuốn lịch sử của xã ta đấy anh ạ! Khi thảo luận về việc này tôi cũng đã hỏi. Bác ấy nói ngày ấy đúng là cũng “có một số” thanh niên của xã ta đã tham gia cứu toa tàu chở đạn ở nhà ga. Sau đó, đơn vị quân đội đã cử cán bộ tìm về tận xã ta làm việc. Chính bác ấy đã gặp và trao đổi các cán bộ đơn vị quân đội. Rồi họ mới quyết định khen thưởng cho thanh niên xã ta đấy.
           Thì ra chuyện là như vậy. Hắn chợt thấy buồn. Hắn đã bị người ta cướp mất công lao ngay từ ngày ấy rồi nhưng mãi đến tận bây giờ, sau hơn hai mươi năm hắn mới biết…
           Xem qua một lượt trưng bày trong nhà truyền thống của xã, hắn chào mọi người rồi kêu Thu và bé Lan Hương ra xe đi thăm mộ mẹ. Anh chủ tịch xã xin đi cùng. Họ đến khu nghĩa địa của xã. Trời đã quá trưa, một cơn giông đang dậy phía chân trời. Mộ mẹ hắn đã được xã cho người phạt sạch cây cỏ, đắp điếm cẩn thận. Một tấm bia đá mỏng còn mới khắc tên mẹ hắn chôn ở đầu nấm mộ. Hắn và Thu bày hoa quả và thắp hương cúng mẹ.

*
          Rời khỏi trụ sở ủy ban xã, hắn bảo lái xe đưa về làng. Họ đến chỗ từng là ngôi nhà thuở nhỏ hắn sống cùng với mẹ. Căn nhà đã đổ nát từ lâu. Bây giờ nền nhà là một bãi hoang đầy cỏ và cây xấu hổ đầy gai. Hắn đứng lặng bên cây bưởi già mà khi vẫn còn ở nhà nó mới cho lứa quả đầu tiên chua loét. Cây bưởi bây giờ thân khòng khèo, lá quăn queo, quả sần sùi bằng nắm tay. Nó cũng đã từng trải qua thời gian và sương gió.
          Bé Hương kêu buồn ngủ. Hắn bảo Thu lên xe. Chiếc xe chạy về phía cuối làng. Hắn ngạc nhiên thấy chỗ căn nhà gỗ xoan nhỏ của thằng Đang, nơi mà ngày xưa khi hắn đưa xác nó từ biên giới về bây giờ là một ngôi nhà hai tầng trông rất to và hoành tráng. Hắn bảo thằng Tâm dừng xe lại để hỏi thăm. Một ông nông dân vác cày, giong trâu đi qua bảo:
          - Vợ con thằng Đang chuyển vào tít hút trong xóm Mới ở từ lâu rồi!
          - Là ở chỗ nào ạ?
          - Thì chính là cái khu đồi bãi bỏ hoang ngày xưa mà khi còn ờ nhà chú vẫn chăn bò ở ấy đấy!
          - Cám ơn bác!
          Hắn đã biết chỗ nhà mới của vợ con thằng Đang rồi. Nhưng hắn chỉ băn khoăn thắc mắc là tại sao vợ con thằng Đang lại phải bỏ làng ra ngoài rừng ở như thế. Hắn hỏi thì bác nông dân chỉ tặc lưỡi nói: “Chuyện này lằng nhằng lắm, chú cứ ra ngoài ấy mà hỏi vợ thằng Đang thì khắc rõ...”.
           (hết phần 33)                                       Hà Nội, tháng 2-2011

  

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 32)

      
         Ảnh: Cây sanh "mâm xôi con gà" có giá 100 tỷ đồng.
       
Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

          Hữu xạ tự nhiên hương. Trang trại Ma Gà ngày càng thêm nổi tiếng bởi là nơi có nhiều loại cây cảnh, cây thế, bon-sai dáng lạ, quý hiếm và rất phong phú các giống loài phong lan rừng đặc biệt. Lại thêm ông bà chủ là những người lởi xởi, tính tình phóng khoáng, rộng rãi. Khách đến tham quan, mua bán hàng ngày rất đông. Tự dưng hắn được mọi người tôn trọng và thán phục bởi cái đầu giàu trí tưởng tượng, sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa. Nhiều loại phôi cây cảnh mua về với giá rất thấp qua bàn tay hắn tỉa tót, uốn nắn chỉ một thời gian sau trở nên có giá trị tăng vọt. Có một chuyện tưởng như không thể tin. Đó là một gốc cây hóc cá mà khi làm nên đường dạo trước đám công nhân đã dùng máy ủi xô xuống khe núi hắn nhìn thấy gọi người đào đem về trồng và chăm sóc. Khi gốc cây hóc cá chắc chắn sống khoẻ, hắn bắt đầu tạo dáng cho nó. Sau vài năm cây hóc cá được hắn đặt cho cái tên là “mãnh thú” ấy được đưa trồng vào một chiếc chậu khá lớn đặt ngay giữa sân. Ai đến tham quan trang trại cũng ngạc nhiên và trầm trồ bởi cái dáng lạ của nó, trông giống hệt như một con sư tử đực đang tung bờm vồ mồi.
          Bữa nọ, có một ông tự lái chiếc xe con bóng lộn đến trang trại xem cây. Hắn nhận ra ngay chính là cái lão đã mua cây lộc vừng “Phật Di lặc” và cây si cổ thụ dạo nào.
          Sau khi gật gù ngắm nghía khá lâu cái cây hóc cá cổ thụ mang tên “mãnh thú” lão ta liền lân la gạ hắn bán. Nhớ tới lời thằng Hạnh lái xe đã dặn, để khỏi bị hớ và cũng vì không muốn bán đi một cái cây mà mình rất thích nên hắn bèn nói vống lên:
          - Thằng hóc cá mang dáng “mãnh thú” này có giá không thường đâu nhé! Hơn 500 triệu đồng đấy!
          Lão ta trợn tròn mắt thè lưỡi, lắc đầu ra vẻ kinh ngạc rồi bảo:
          - Làm quái gì mà ông “hét” kinh khủng thế!
          Nghe lão ta lủng bủng như vậy, hắn đắc ý cười thầm trong bụng và nghĩ: “Mình quát giá cao gấp cả trăm lần thế này chắc lão sẽ sợ chết khiếp luôn!”. Không ngờ, lão ta rút ví moi ra mấy tờ giấy và bảo:
          - Cái xe ô tô này của tôi vừa mới mua 520 triệu đấy! Đây là giấy tờ xe. Bây giờ tôi sẽ viết giấy sang tên, gán chiếc xe cho ông để đổi lấy cái cây “mãnh thú” này. Xong việc, tôi sẽ theo xe tải chở cây đi luôn.
           Đến lượt hắn há hốc mồm vì kinh ngạc. Sao lại có một chuyện kinh thiên động địa thế nhỉ! Hay là lão này bị thần kinh. Đến khi lão ta leo lên chiếc xe vận tải chở cây hóc cá “mãnh thú” đi rồi mà hắn vẫn còn bán tín, bán nghi. Hắn cứ sờ mó mãi chiếc xe con của lão mua cây để lại mà vẫn chưa tin hẳn đó là chuyện thật. Mãi mấy hôm sau, thằng Hạnh mới gọi điện về. Nó thông báo cho hắn biết là lão mua cái cây hóc cá “mãnh thú” rồi bán sang tay ngay cho người khác được gần bảy trăm triệu đồng. Khi ấy thì hắn mới thôi nghĩ lão mua cây bị bệnh thần kinh, chập mạch. Và, cũng mãi đến khi được kết nạp vào hội cây cảnh của tỉnh, được đi tham quan đây đó hắn mới hiểu còn có những cái cây cảnh, cây thế trị giá cả tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Mà những cái cây ấy có cây hắn thấy không hơn gì những cây hắn đang có trong trang trại của mình.
           Đoạn này tác giả viết thêm, không có trong truyện: Cũng phải mãi thời gian sau này hắn mới biết trong thế giới cây cảnh Việt Nam còn có những cái cây trị giá bằng tổng thu nhập một năm của cả một huyện giàu có. Cây sanh “mâm xôi con gà” của ông Nam Thành, một đại gia buôn vàng bạc, đá quý tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ đem đến trưng bày ở bảo tàng Hà Nội có giá là 5 triệu đô-la xấp xỉ khoảng 100 tỷ Việt Nam đồng. Bộ bốn cây thế có tên "chiến thắng Bạch Đằng" của hội sinh vật cảnh thành phố Hải Phòng cũng có giá khoảng 40 tỷ đồng. Cây sanh có dáng rồng bay của một ông tên là Hoàng Quân ở Thái Bình có người trả tới 60 tỷ đồng nhưng ông ấy không bán. Không thuộc dạng “đỉnh nhất” nhưng nhắc đến tốp những cây cảnh đẹp và đắt nhất Việt Nam, không một tay chơi cây cảnh nào ở thủ đô Hà Nội dám bỏ qua cây sanh trên một trăm năm tuổi của ông Nguyễn Gia Hiền ở Triều Khúc, Hà Nội. Đã có người trả giá đến 10 tỷ đồng nhưng ông không bán. Cây sanh này đã trải qua bốn đời và được gia chủ chăm sóc như một con người. Đồn rằng khi nhà có tang cây cũng được quệt vôi chịu tang cùng gia chủ. Theo ông Hiền vì vậy khi chuyển bán cho ai không hẳn chỉ là chuyện tiền nong mà phải có “duyên” mới “gả bán”. Hắn đã lần mò đến tận nơi để xem những cái cây trị giá bạc tỷ ấy.
          Thế là tự dưng nhờ một cái gốc cây già cỗi tình cờ nhặt dưới bờ suối khe núi đem về mà hắn có hẳn một chiếc ô tô con của riêng mình. Cái xe vẫn còn rất mới. Thằng Tâm kỹ sư có bằng lái xe ô tô khi cần trở thành tài xế riêng chở hắn, đưa Thu đi đây đi đó tham quan, giao dịch, ký kết hợp đồng rất oai. Hắn không phải suốt ngày cưỡi trên cái xe máy Trung Quốc giá rẻ kêu phành phạch đến nhức óc và rất tốn xăng nữa.

 *
           Một ngày đầu mùa hạ, đột nhiên trang trại Ma Gà có đoàn khách đặc biệt đến thăm. Đó là đoàn cán bộ từ quê hương hắn. Thì ra danh tiếng của hắn cũng đã bay về đến tận quê hương. Ngày xưa hắn khi làm thuê bốc vác ở ga có công liều mình lao vào đám cháy tham gia cứu toa xe chở đạn và quân trang đã được chỉ huy đơn vị quân đội về tận quê trao tặng giấy khen chung cho thanh niên toàn xã. Lúc hắn vướng vào chuyện thuốc phiện của thằng oắt con ở nhà ga cũng có công an hình sự về tận làng để thu thập tài liệu, hoàn chỉnh hồ sơ để truy tố bị can. Nhờ vậy mà cán bộ xã biết đến hắn. Bây giờ hắn làm ăn kinh tế giỏi thì chẳng cần ai về quê thông báo mà tin tức cũng đến tận tai lãnh đạo của xã rất đầy đủ, chi tiết. Đoàn cán bộ do anh chủ tịch xã dẫn đầu. Họ thuê một chiếc xe du lịch mười bốn chỗ ngồi hành trình qua một đoạn đường khá dài lên thăm trang trại của hắn. Hắn hơi ngạc nhiên. Hơn mười năm không về thăm quê hương nên khi có người từ quê đến hắn chợt thấy xốn xang trong lòng. Các cán bộ xã bây giờ toàn là lớp trẻ nên hắn không biết ai. Hắn chỉ mang máng nhận ra chị chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã chính là cái con bé Tèo hay khóc nhè khi bị hắn véo mũi những lần sán đến để nghe hóng hắn kể chuyện kiếm hiệp nhưng không bao giờ nộp đủ cỏ non cho con bò mộng của hắn. Hắn vui vẻ dẫn mọi người đi thăm trang trại và cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng của mình. Đoàn cán bộ xã nhà rất thích thú với mô hình làm ăn kinh tế khác đặc biệt của hắn. Họ kinh ngạc khi thấy những cái cây cảnh, cây thế đẹp và nghe anh kỹ sư nông nghiệp nói giá trị mỗi cây hàng chục đến cả trăm triệu đồng. Đến tham quan khu nhà lưới trồng phong lan họ càng thích thú với những giò phong lan rừng đang nở hoa rất đẹp, rất thơm.
          Sau khi dẫn đoàn cán bộ quê hương đi tham quan khắp khu trang trại rộng lớn, xem đủ các loại cây cảnh và phong lan, hắn đưa họ trở về phòng khách. Hắn gọi người đem nước mát giải khát và đưa vải thiều đầu vụ hái từ những cây trồng được trong trang trại ra mời khách. Xong xuôi, hắn lẻn ra phía đầu nhà nháy máy điện thoại gọi Thu từ cửa hàng về lo cơm trưa đãi khách.
          Anh chủ tịch xã sau khi trịnh trọng phát biểu nhiệt liệt chúc mừng mô hình làm ăn kinh tế rất thành công của hắn liền chuyển sang thông báo về tình hình của quê hương và mục đích của việc đoàn đến thăm trang trại. Thực ra, ngay từ khi đoàn khách này mới đến hắn đã phần nào đoán được mục đích của họ. Anh chủ tịch cho biết xã Quang Lâm-cũng tức là quê hắn vừa mới được phong tặng danh hiệu anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Xã đang chuẩn bị đón nhận danh hiệu cao quý này. Để tiến tới ngày hội lớn của toàn thể nhân dân trong xã, chính quyền đang gấp rút xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa, công trình dân sinh để chào mừng. Anh chủ tịch trải ra bàn một bản sơ đồ quy hoạch của xã Quang Lâm và mời hắn xem. Anh chuyển cho hắn tờ giấy màu hồng in lời kêu gọi của cấp ủy, chính quyền và mặt trận tổ quốc xã gửi đến những người con ở xa quê hương lời kêu gọi đóng góp xây dựng “nơi chôn rau cắt rốn” ngày càng giàu đẹp.
          Hắn nhận tờ giấy in “Lời kêu gọi” có đóng dấu đỏ chót cẩn thận cất vào tủ rồi nói:
          - Tôi xin hứa sẽ xem xét đóng góp kinh phí để góp xây dựng nhà thư viện của xã và ủng hộ một số sách cho thư viện. Riêng về buổi lễ đón anh hùng tôi xin góp mười triệu đồng vào kinh phí tổ chức. Còn bây giờ, xin mời đoàn ăn bữa cơm rau với anh em công nhân trong công ty chúng tôi.
          - Thế thì quý hóa quá!
          Anh chủ tịch và đoàn cán bộ xã Quang Lâm vô cùng hỉ hả ngồi vào bàn tiệc. Bữa “cơm rau” có lợn mán, gà nuôi thả đồi, ba ba nấu chuối, đặc sản măng rừng, khoai môn lệ phố, bia chai Hà Nội và rượu ngô núi đá. Cả khách và chủ vừa chẵn hai mâm. Mọi người ăn uống chúc tụng vui vẻ. Bữa tiệc càng vui, hào hứng hơn sau khi hắn tranh thủ “hội ý” nhanh với phó giám đốc và công bố quyết định số tiền sẽ ủng hộ quê hương. Công ty TNHH Hoàng Thu sẽ “tài trợ không hoàn lại” cho xã Quang Lâm 300 triệu đồng để xây nhà thư viện và thêm 100 triệu đồng tiền mua sách cho phòng đọc của thư viện.
          Anh chủ tịch xã vô cùng phấn khởi và xúc động, tay run run nâng cốc bia lên:
          - Em xin thay mặt toàn xã chân thành cảm ơn anh chị và công ty đã nhiệt tình ủng hộ xây dựng quê hương. Chúng em sẽ ghi tên công ty ta vào trang nhất cuốn sổ vàng của xã. Trân trọng kính mời anh chị về thăm quê và dự lễ động thổ khởi công xây dựng nhà thư viện của xã. Mong anh chị sẽ nhận lời…
          - Nhất định chúng tôi sẽ về… - Hắn đáp.
          - Vậy thì xin mọi người cùng chạm cốc chúc mừng xã ta anh hùng…
          - Anh hùng… anh… hùng… Nào… một… hai… ba… zô…
          - 100%... 100%... 100%...
          - Zô… zô… z…ô… ô… ô…
          Hắn và mọi người trong công ty liên tục chạm cốc với anh chủ tịch và các cán bộ xã nhà. Hắn vừa tiếp khách vừa nghĩ đến chuyện sẽ thu xếp đưa cả nhà về thăm quê hương. Từ khi lấy Thu hắn cũng chưa đưa cô về thăm quê và thắp hương ở mộ mẹ. Khi đoàn cán bộ chuẩn bị ra về, phó giám đốc Thu cho chuyển lên xe sáu túi quà. Mỗi túi có dăm lạng chè, một cân măng khô, một thang thuốc bổ để ngâm rượu và một chiếc phong bì nho nhỏ xinh xinh.
          (hết phần 32)                                         Hà Nội, tháng 2-2011

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 31)

       
     
Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

        Đúng là số hắn không thể làm người lãnh đạo. Công ty TNHH Hoàng Thu đều do Thu và cái Hà điều hành. Việc kinh doanh, buôn bán ngày càng phát triển, lợi nhuận ngày càng tăng. Bây giờ thì suốt ngày đêm Thu ở ngoài cửa hàng. Hắn thì trông coi trang trại. Có tiền, hắn bắt đầu mua hàng loạt nhiều loại phôi cây cảnh về trồng và tiến hành uốn tỉa. Các tràn ruộng khô chỉ cấy được một vụ bây giờ đều ươm các gốc cây đủ loại. Sẵn có xi-măng, cát hắn mày mò học cách quay, đóng chậu để trồng cây cảnh, cây thế và bán cho dân chơi cây cảnh. Khu trang trại cũng phải thuê thêm người làm. Ba người khác đều là thanh niên trai tráng để làm các công việc nặng nhọc, uốn tỉa, chăm sóc cây, vận chuyển cây và khay chậu trồng cây cảnh. Trong số đó có một kỹ sư ngành nông nghiệp. Người đàn bà khốn khổ không đẻ được con trai bị nhà chồng hắt hủi cũng được hắn thuê làm công. Chị làm các công việc như cắt cỏ nuôi cá, tưới cây và buổi trưa thì nấu cơm cho cánh làm trong trang trại và các nhân viên ngoài cửa hàng vật liệu xây dựng.
          Trang trại Ma Gà bây giờ trở thành một khu cây cảnh, cây thế, bon sai lớn nhất vùng. Cái tên Ma Gà tự dưng tạo nên sự thu hút của giới tầm cây cảnh, bon sai trong và ngoài tỉnh. Hắn bắt đầu cho bán các loại cây cảnh, cây thế để thăm dò thị trường, thị hiếu của khách hàng. Những loại cây thế được uốn tỉa theo ý thích của hắn lại được nhiều ông chủ để mắt tới. Hắn đặt cho cây những cái tên rất lạ như “đại bàng vô mồi”, “rồng vờn ngọc”, “châu chấu đá voi”…  Khách hàng rất thích những cái cây thế được uốn tỉa theo ngẫu hứng ấy của hắn. Họ trả giá khá cao để mua cây.
          Một hôm đi rừng về hắn gọi thằng Tâm- kỹ sư nông nghiệp đến bảo:
          - Cậu thiết kế cho tôi một khu nhà lưới để trồng phong lan!
          - Trồng phong lan công nghiệp thì phải làm nhà kính chú ạ!
          - Chúng ta không trồng lan công nghiệp mà nuôi trồng lan rừng!
          - Trồng lan công nghiệp thì mới thu hồi được vốn nhanh và phát triển làm ăn lớn được. Còn trồng lan rừng thì việc nuôi trồng rất khó. Lan rừng ghép vào giá thể sống được đã khó, nuôi nó lớn và ra hoa lại càng khó…
          - Chính vì vậy mới quý!
          - Nhưng cháu vẫn không hiểu tại sao chú lại chỉ định trồng lan rừng mà không trồng lan công nghiệp vừa nhanh, vừa ít vốn…
          - Vì trang trại chúng ta ở xa thành phố, trồng lan công nghiệp đem đi bán xa lại không cạnh tranh được với các vườn lan ở dưới xuôi. Hơn nữa, ta ở rừng làm được lan rừng mới quý, mới hấp dẫn được khách hàng chứ. Không ai từ dưới xuôi lại lên rừng để mua hoa lan công nghiệp cả…
          - Cháu hiểu rồi! - Thằng Tâm đáp.
          Hắn nói tiếp:
          - Hôm nay vào rừng tao gặp đám dân bản đang đi tầm lan rừng đưa ra ngoài đường quốc lộ bán cho đám dân dưới xuôi lên du lịch về mua. Một số vườn lan dưới xuôi còn lên tận đây đặt mua hàng tạ phong lan chở đi đấy. Tao thấy xót cho rừng đã bị chảy máu gỗ rồi lại bị chảy máu cả các loài phong lan quý thế này quá. Vì thế tao quyết định làm một khu nuôi trồng phong lan rừng. Mục đích chính không phải là để kinh doanh mà muốn để gìn giữ những giống phong lan quý của rừng… Có lẽ mày phải đi học thêm kiến thức về loài phong lan đi!
          - Vâng! Ở trường đại học nông nghiệp, cháu có ông thầy chuyên nghiên cứ­u về hoa phong lan! Ở chỗ thầy cháu cũng có một vườn thí nghiệm nuôi và nhân giống phong lan rừng đấy ạ!
          - Thế thì hay quá! Làm xong khu nhà lưới trồng phong lan mày thu xếp để đi học luôn! Kinh phí đi tham quan, học tập đã có tao lo!
          - Vâng!
          Thế là trang trại Ma Gà phát triển thêm một ngành nghề kinh doanh mới là nuôi trồng phong lan rừng. Một nghề mà hắn rất say mê. Hắn nhớ những ngày đào đãi vàng trên vùng rừng núi Tây Bắc có rất nhiều loài hoa phong lan đẹp và quý. Hắn chỉ tiếc là không đem về được những cây phong lan đã sưu tầm được. Nhưng ở vùng rừng núi thung lũng Ma Gà này cũng có nhiều loại lan rừng. Bọn trẻ con hàng ngày lên rừng chăn trâu hái củi tìm được cây phong lan nào chúng đều đem về trang trại bán cho Công ty Hoàng Thu. Hắn cho mua các loại lan rừng và tiến hành việc nuôi ghép. Những cây phong lan rừng bắt đầu nảy rễ. Khu trang trại Ma Gà bây giờ như một khu thí nghiệm và sản xuất. Hàng ngày những chiếc ô tô vào đem cây cảnh, cây thế và phong lan đi. Cũng có những chiếc xe con xịn đến. Đó là những đại gia đến tham quan trang trại. Một số người từ xa kéo đến học tập kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh. Và cũng vì thế mà ông phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã lại phải đến trang trại Ma Gà. Lần này ông ta chỉ đến có một mình. Sau khi đi tham quan khu ươm trồng các loại cây cảnh và khu nhà lưới trồng ghép lan rừng, ông ta nhắc nhở Công ty TNHH Hoàng Thu phải đăng ký bổ sung thêm mã hàng kinh doanh. Hắn chẳng hiểu ra sao nhưng cái Hà thì biết ngay. Nó lại phải “chi nóng” mấy trăm nghìn đồng cho vị phó chủ tịch xã để ông ta yên tâm ra về.
 *
           Khu nhà chính trong trang trại bây giờ đã được xây dựng khá khang trang làm nơi tiếp khách và nơi nghỉ cho đám người làm việc tại vườn ươm cây cảnh và nhà lưới trồng phong lan. Nhiều loại cây cảnh quý hiếm được đặt xung quanh khu nhà vừa để trang trí và cũng là để bảo vệ. Có những cái cây trị giá cả chục, cả trăm triệu đồng.
           Một đêm, hắn đang nửa nằm, nửa ngồi ở sa-lon trong phòng khách của trang trại thì có tiếng động lạ ngoài hành lang. Hắn nhìn ra ngoài cửa sổ. Mất điện nên chỉ có ánh trăng thanh đầu tháng soi mọi vật vừa rõ lại vừa mờ ảo. Hắn chợt thấy hình như có một bóng người mặc áo trắng đi lướt qua ngoài hiên. Hắn vội rời ghế sa-lon bước ra cửa nhìn theo. Đúng là có một người con gái. Hắn chỉ kịp thoáng nhận thấy một khuôn mặt trái xoan, một đôi mắt sáng long lanh và một mái tóc rất dài của cô gái. Cô gái đi như lướt trên mặt cỏ hướng về phía khu nhà trồng hoa phong lan rừng. Hắn vội vã lật đật chạy theo. Có một mùi hương thơm ngan ngát khiến hắn cảm thấy như bị mê man đi. Hắn chợt giật mình chợt nghĩ: “Ma… đúng là mình gặp ma rồi…”. Hắn cố bước thật nhanh để theo kịp người con gái. Nhưng hình như hắn càng bước nhanh thì người con gái lại càng đi nhanh hơn. Hắn cất tiếng hỏi:
           - Nàng là ai?
           - Em là Lan Hương!
           - Nàng là người hay là ma?
           - Em không phải là ma nhưng cũng không phải là người!
           - Vậy thì đúng nàng là yêu tinh rồi…
           Có một tiếng cười khe khẽ nghe như tiếng gió, tiếng rì rầm của cây. Hắn cố căng mắt ra nhìn. Cô gái đã đứng ngay trước mặt hắn. Hai tay nàng giơ lên. Những mảnh áo mong manh tuột khỏi người nàng bay vút lên lấp loá ánh trăng. Nàng khoả thân hoàn toàn trước mặt hắn. Ngực nàng tròn trịa ưỡn lên kiêu hãnh. Hắn vô cùng hoảng sợ khi nhìn thấy một thân hình trắng ngần lồ lộ của người con gái đang đứng trước mặt. Hắn vội lùi lại. Người con gái khoả thân không trốn chạy nữa mà lại rấn bước về phía hắn. Hắn càng lùi lại thì nàng càng tiến đến rất gần. Bộ ngực của nàng dập dềnh như sắp chạm vào hắn. “Đúng là ma rồi” - Hắn hốt hoảng nghĩ. Hắn dùng tay cấu mạnh vào má mình một cái xem là thật hay mơ. Rõ ràng không phải là mơ rồi vì hắn thấy má rất đau. Hắn hét lên:
           - Ma… có ma…
           - Ma đâu mà ma?
           Hắn giật mình choàng tỉnh. Thu đang đứng trước mặt hắn. Cô hỏi:
           - Anh mê ngủ gì mà hét to thế. Em gọi mãi không được phải véo vào má anh thật mạnh anh mới tỉnh đấy! Mà sao anh lại nằm ở ghế phòng khách mà ngủ thế này?
           - Em mới đi nhận hàng về à? Anh… anh vừa ngủ mê thấy gặp một con ma nữ…
           - Thảo nào mà anh hoảng hốt la hét to thế! Vậy mà anh cứ nói là không hề sợ ma! - Thu mỉm cười: - Chắc là com ma nữ ấy đẹp lắm anh nhỉ! Nó mặc quần áo màu gì? Hay… là nó không mặc quần áo gì phải không?
           - Em chỉ được cái hay suy diễn lung tung…
            Hắn lấp liếm, không dám thú nhận là cô gái mà hắn vừa gặp trong mơ ấy đã khỏa thân. Tuy chỉ là một giắc mơ thôi nhưng sao hắn vẫn nhớ như in bộ ngực của cô ấy rất đẹp, trắng tinh và vươn cao lấp loá dưới ánh trăng. Thu vẫn chưa tha. Cô gật gật đầu như trả lời thay hắn:
            - Chắc chắn là cô ấy rất đẹp rồi…
            - Nhưng con ma này lạ lắm! - Hắn thú nhận: - Người nó có mùi hương rất thơm… - Hắn hít hít mấy cái rồi nói tiếp: - Mùi thơm của nó lạ lắm… đấy… đấy… em có ngửi thấy vẫn có mùi thơm thoang thoảng quanh quẩn không?
            Thu phì cười nhưng cô cũng chun mũi hít nhè nhẹ. Đúng là có một mùi hương thơm thoang thoảng ngan ngát như lẫn vào ánh trăng đang tràn ngập trong thung lũng. Hắn bật dậy vớ cái đèn pin rồi kéo tay Thu cùng đi ra phía trái hiên nhà. Thu ngạc nhiên nhưng cũng đi theo hắn. Hai người ra đến đầu nhà. Dưới ánh trăng, mùi hương thơm càng thêm ngan ngát khiến người ta cảm thấy vô cùng khoan khoái. Hắn chợt nhớ trong giấc mơ cô gái có mùi hương thơm ấy đã đi về phía khu nhà lưới trồng phong lan rừng. Hắn cùng Thu cùng đi về phía nhà lưới. Đã chớm sang thu. Trăng sáng trong nhưng hơi lạnh. Thu đi sát bên hắn. Nghe hắn nói có ma cô cũng thấy hơi sờ sợ. Hai người bước vào khu nhà lưới. Khu nhà bị che bởi những tấm lưới màu sẫm nên hơi tối. Những cây phong lan rừng ghép vào gốc cây, cành cây sù sì, cong queo treo lủng lẳng trông toàn là những hình thù kỳ quái. Mùi hương càng thêm ngan ngát. Hắn bật đèn pin. Những chùm hoa phong lan màu trắng buông dài lấp loá ánh đèn. Hắn và Thu chợt hiểu, mùi thơm ngan ngát chính là từ những chùm hoa phong lan vừa mới nở này. Đó là loài quế lan hương-loài phong lan quý của núi rừng. Hắn lại giật mình khi nhớ lại trong giấc mơ khi hắn hỏi, cô gái khoả thân đã nói tên mình là “Lan Hương”. Phải chăng cô gái đó chính là hồn hoa.
            - Loài quế lan hương này thơm thật anh nhỉ!
            Thu nói. Hắn “ừ… ừ…” rồi kéo Thu đi xem hoa. Thu và hắn đều thấy mê mẩn khi nhìn những chùm hoa phong lan trắng tinh vừa chớm nở toả hương thơm ngan ngát trong đêm trăng trong. Tự dưng hắn thấy rạo rực trong lòng. Có cái gì cứ dâng dâng lên mãi trong hắn không dừng lại. Hắn chợt nhớ đến cái đêm trăng hai người chạy thoát khỏi sự truy đuổi của công an, biên phòng và cả bọn buôn lậu sau khi để mất gùi hàng mà bên trong toàn là tiền giả và thuốc lắc. Hắn kéo Thu đi ra phía sau khu nhà lưới. Hai người ngồi xuống đống cỏ khô. Trăng càng về khuya càng sáng. Thu khe khẽ lắc người. Chiếc váy ngủ mỏng manh cô đang mặc trên người tụt xuống. Thu khỏa thân. Cô chống hai tay ra phía sau hơi ưỡn người lên. Bộ ngực cô chĩa lên lấp loá ánh trăng, phảng phất mùi hương hoa phong lan. Hắn chợt giật mình khi thấy Thu sao mà giống người con gái hắn đã gặp trong giấc mơ lúc nãy đến thế. Hắn nhoài người kéo Thu nằm xuống đống cỏ. Tiếng con dế ri rỉ kêu trong đống cỏ khô chợt im bặt bởi tiếng rên xuýt xoa sung sướng của con người…
            Hơn chín tháng sau cái đêm ở khu nhà lưới trồng phong lan ấy có một bé gái ra đời tại trang trại Ma Gà. Nhớ đến giấc mơ kỳ lạ đêm ấy, hắn đặt tên cho con gái là Lan Hương-tên của một loài hoa phong lan có mùi hương thơm ngan ngát đắm say lòng người…
            (hết phần 31)                                                   Hà Nội, tháng 2-2011
  

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 30)

   
  
Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo

          Cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng của nhà hắn thế mà đông khách. Thu đúng là người có duyên bán hàng. Hoá ra, hắn và Thu chỉ phải bỏ một chút vốn ban đầu làm ba gian nhà cấp bốn ở cổng trang trại sát mặt đường để lấy chỗ chứa hàng hóa là sắt thép, xi-măng. Gạch ngói thì xếp luôn ngay ra vườn. Hàng hoá thì đã có các nhà cung cấp đem tới ký gửi, khi nào bán gần hết hàng thì họ mới đến lấy tiền rồi lại tiếp tục rót thêm hàng mới. Có chủ hàng gọi mãi họ mới đến nhận tiền. Thành thử kho hàng trị giá đến cả tỷ đồng nhưng toàn là của các chủ hàng đem đến chưa thanh toán.
          Việc buôn bán vật liệu xây dựng ngày càng phát đạt. Cửa hàng của nhà hắn đảm bảo vật liệu xây dựng cho cả vùng. Hắn thuê hẳn một chiếc xe vận tải nhẹ để chở xi-măng, sắt thép, gạch ngói đến tận chân công trình theo yêu cầu của khách hàng. Đơn vị thi công mặt đường đặt hàng hắn cả trăm tấn xi-măng, sắt thép để xây cầu, cống, rãnh thoát nước. Cửa hàng của hắn đều cung ứng đầy đủ. Thực ra có lúc cửa hàng của hắn gần như một trạm trung chuyển vật liệu xây dựng cho các công trình đang thi công. Nhiều xe chở vật liệu đến không kịp nhập kho đã chạy thẳng ngay đến nơi khách hàng  đang yêu cầu. Việc buôn bán phát triển nên việc ghi chép sổ sách, làm hóa đơn chứng từ nhiều nên hắn phải thuê thêm người phụ việc. Đầu tiên là có thêm một cô bé vừa tốt nghiệp trung cấp kế toán chưa có việc về làm kế toán cho cửa hàng, chịu trách nhiệm quản lý sổ sách và phụ việc bán hàng cùng với Thu.
          Mọi chuyện tưởng như đang xuôi chèo, mát mái thì lại xảy ra sự cố.
          Hôm đó, cửa hàng đang nhập một xe hai mươi tấn xi-măng Hoàng Thạch thì có một toán người ập đến. Đó là đoàn kiểm tra liên ngành. Dẫn đầu lại là ông phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã, người đã dẫn các cán bộ an ninh đến nhà hắn bắt cướp dạo trước. Họ gồm công an, thuế vụ và quản lý thị trường. Cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng của hắn bị họ đòi lập biên bản phạt hành chính vì kinh doanh không đăng ký, không mở mã thuế, không nộp thuế cho nhà nước… Họ đọc lên một loạt những quy định về buôn bán, kinh doanh, về việc mở công ty tư nhân. Mà chiểu theo bất cứ quy định nào hắn cũng vi phạm cả. Hắn nghe ù cả tai mà chả hiểu ngô khoai ra sao. Họ thông báo là sẽ đóng cửa cửa hàng, niêm phong cả kho hàng hóa. Hắn nổi xung lên định quát tháo, tống cổ đám người này ra khỏi cửa hàng thì cái Hà-con bé vừa được vợ chồng hắn thuê về làm kế toán kéo tay hắn vào phía trong bảo:
          - Họ nói đúng đấy chú ạ!
          - Thế thì chúng ta sai à?
          - Vâng! Cửa hàng của ta không có giấy phép kinh doanh, không có mã số, không nộp thuế là trái với các quy định của nhà nước.
          - Tao tưởng cứ có tiền thì muốn làm gì thì làm chứ! Tiền của mình chứ tiền của họ đâu?
          Con bé mỉm cười:
          - Kinh doanh buôn bán thì cũng đều phải xin phép chú ạ! Cháu thấy cô chú nên xin phép thành lập hẳn một công ty tư nhân chú ạ! Khi đó thì mình buôn bán thoải mái, hóa đơn giá trị gia tăng do chính ta phát hành, không phải mua hóa đơn khống rồi mượn danh của các công ty khác để đưa cho khách hàng nữa, không còn lo ai kiểm tra, kiểm soát, hạch sách nữa. Về việc làm hồ sơ thủ tục xin phép thành lập công ty chú cứ để cháu sẽ lo.
          - Thế à… nhưng còn việc hôm nay thì tính sao bây giờ?
          - Việc này cũng cứ để cháu lo… nhưng…
          - Nhưng gì nữa?
          - Chú cho phép cháu “chi nóng” một ít tiền và để ngoài sổ sách nhé!
          - Chi vào việc gì?
          - Dạ! Thì chi vài trăm ngàn “bồi dưỡng” cho “đoàn kiểm tra liên ngành đột xuất” này để họ vui vẻ ra về chú ạ!
          Hắn cũng chưa hiểu ra sao. Còn con bé Hà thì lại có vẻ rất thành thạo việc này. Nó mở cặp lấy ra bốn cái phong bì. Mỗi cái phong bì nó nhét vào hai trăm nghìn đồng. Bốn ông gồm phó chủ tịch xã, công an, quản lý thị trường, thuế vụ với nét mặt khó đăm đăm vẫn đang ngồi chờ để lập biên bản. Cái Hà kẹp mấy cái phong bì vào tờ báo rồi ra tiếp họ. Con bé khéo léo trấn an các nhà hành pháp rằng cửa hàng này chỉ vừa mới mở, đang thăm dò thị trường để xác định mặt hàng, nhóm hàng ưu thế nên chưa xin cấp phép kinh doanh. Khi đã định hình được mặt hàng chủ yếu sẽ lập tức xin cấp giấy phép ngay. Nó nói một thôi, một hồi. Giọng nó dẻo kẹo. Cứ theo lời nó nói thì cái cửa hàng này đang thua lỗ nặng, nguy cơ sắp phá sản đến nơi rồi. Ông phó chủ tịch xã và mấy tay phòng thuế, quản lý thị trường cũng thấy xiêu xiêu trong lòng… Họ làm ra vẻ hết sức thông cảm, chia xẻ với những người kinh doanh buôn bán nhỏ trong cơ chế thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Rồi họ nhận tờ báo có kèm theo mấy cái phong bì bồi dưỡng và kéo nhau ra về. Ra đến sân, ông phó chủ tịch xã còn cố quay lại đe:
          - Phải xin phép cẩn thận rồi hẵng tiếp tục kinh doanh nhé! Nếu không là phạm luật đấy!
          - Vâng… vâng…
          Cái Hà đáp. Vừa tiễn đoàn cán bộ hành pháp ra đến đường quay vào nó đã nhéo nhéo điện thoại: “Họ biến hết rồi! Tiếp tục cho xe đến lấy hàng nhé!”. Hắn nhìn con bé nghĩ nó đúng là một nhân tài đây. Và cũng nhờ có cái Hà mà công ty TNHH Hoàng Thu được thành lập. Tự nhiên hắn trở thành giám đốc, Thu là phó giám đốc và cái Hà làm kế toán trưởng. Công ty vẫn chuyên kinh doanh ngành vật liệu xây dựng nhưng hắn thì đã nghĩ đến một tương lai khác.
          Từ khi công ty TNHH Hoàng Thu được thành lập việc buôn bán, kinh doanh càng phát đạt, nộp thuế đầy đủ. Một hôm, ông phó chủ tịch xã lại đến. Lần này ông không dẫn theo công an, quản lý thì trường và cán bộ thuế nữa. Một anh cán bộ văn hoá xã đi cùng với ông. Họ bước vào cửa hàng. Hắn gọi con bé Hà pha nước mời khách. Sau khi vui vẻ khen ngợi việc làm ăn của công ty phát triển và tinh thần chấp hành nghiêm túc pháp luật, nộp thuế đầy đủ, đúng hạn của công ty, ông phó chủ tịch xã thông báo việc xã đang xây dựng công trình nhà văn hoá và kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp vì sự nghiệp mở mang văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân địa phương. Thế là lại phải đóng góp. Hắn quyết định trích lợi nhuận ủng hộ mười triệu đồng. Ông phó chủ tịch xã và anh cán bộ văn hoá vô cùng vui vẻ ra về. Mấy hôm sau bà chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã đến, lại thêm hai triệu ủng hộ hội phụ nữ xã để xây dựng quỹ góp phần phát triển kinh tế gia đình cho hội viên. Tiếp mấy hôm sau nữa là ông cán bộ mặt trận tổ quốc đến. Lần này là quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Về việc này thì hắn sốt sắng đóng góp ngay. Hắn nghĩ đến cảnh người dân, trẻ em vùng lũ ngồi vắt vẻo trên nóc nhà giữa biển nước mênh mông chờ tiếp tế. Nhưng hắn rất bực chuyện cứ phải liên tục đóng góp vào nhiều loại quỹ vớ vẩn của xã. Cái Hà bảo hắn:
          - Không tránh được đâu chú ạ! Mình phải coi đây là một phần trong chi phí sản xuất thôi.
          - Nhưng tao chỉ bực những bọn chuyên “há miệng chờ sung” lúc người ta  khó khăn, làm ăn thất bát thì chả thấy mặt mũi ở đâu, lúc có được tý ti lợi nhuận thì lập tức nhâu nhâu bu đến kiếm ăn! Ngày trước ở bãi vàng có bọn chủ bưởng, bọn đầu gấu bóc lột “phu vàng” cũng không nhiều khoản phải nộp như thế này. Mà ngày ấy đừng hòng thằng nào thu được của tao nhé, còn bây giờ thì ai đến thu cũng được!
          Tuy vậy hắn lại bảo:
          - Khi no nhớ đến lúc đói, khi có của ăn, của để phải nghĩ đến lúc cơ hàn cháu ạ!
          - Cháu nhớ rồi ạ!
          Còn hắn thì không quên một bữa đang ngồi phụ vợ bán hàng thì có một người khách đi vào. Đó là một người đàn bà trông dáng vẻ là người lầm than khốn khổ. Nét mặt chị tiều tụy như vừa trải qua một sự cố gì nghiêm trọng trong gia đình. Thấy chị ta cứ thẫn thờ rờ rẫm bên đống tấm lợp prô-xi-măng, hắn buột miệng hỏi:
          - Chị định mua tấm lợp prô-xi-măng để về để lợp chuồng lợn à?
          Nghe hắn hỏi người đàn bà sững người rồi ngồi sụp xuống ôm mặt khóc nức nở. Hắn lúng túng không hiểu vì sao. May đúng lúc ấy Thu và cái Hà vừa đi giao hàng về. Hai người xúm lại hỏi han, an ủi người đàn bà. Khi người đàn bà nguôi nguôi, chị ta kể lại câu chuyện về cuộc đời cực khổ của mình. Chị có chồng và hai người con gái. Do không sinh được con trai nỗi dõi tông đường nên chị bị gia đình nhà chồng khinh rẻ, miệt thị. Anh chồng suốt ngày say xỉn, đồ đạc trong nhà bán hết và thường xuyên đánh đập ba mẹ con. Người mẹ không được ngồi ăn cùng gia đình. Mỗi bữa chị chỉ có lưng bát cơm cháy còn bỏ thừa trong nồi. Đã thế chị phải làm lụng quần quật suốt ngày nên người  trông gầy yếu xơ xác. Đứa con gái lớn mới mười lăm tuổi bị bố đánh mắng liên miên đã bỏ nhà ra đi, bây giờ không biết sống chết ra sao. Nghe nói nó bị bọn buôn người lừa đem bán sang Trung Quốc. Đứa con gái nhỏ đang học lớp một cũng bị bố đánh gãy tay phải bỏ học. Khi anh chồng đưa một người đàn bà khác về thì hai mẹ con họ bị đuổi ra khỏi nhà. Hai mẹ con không tiền, không chỗ nương thân. Chị đưa con chui vào một hốc đá ở tạm. Hai mẹ con nhịn đói nằm ôm nhau. Sáng ra, chị tìm đến cửa hàng bán vật liệu xây dựng định mua chịu bốn tấm prô-xi-măng để về làm một cái lán nhỏ ven đường lấy chỗ trú thân cho hai mẹ con. Chính vì nghe câu hỏi vô tình của hắn là có phải mua prô-xi-măng về để lợp chuồng lợn hay không nên người đàn bà khốn khổ đã bật khóc vì tủi thân.
          Nghe câu chuyện của người đàn bà mọi người đều ngậm ngùi. Hắn thấy căm ghét thằng chồng vô lương của chị ta. Hắn chỉ muốn đi tìm và nện cho nó một trận. Hắn bàn với Thu và cái Hà đem vật liệu giúp chị ta dựng lấy một gian nhà nhỏ, lại cho hai mẹ con ba chục cân gạo để có chút lương thực ăn qua lúc khó khăn. Câu chuyện của người đàn bà khốn khổ khiến hắn nhớ lại quãng đời trôi dạt, khốn khó của mình trước đây. Nhưng hắn là đàn ông, lại một thân, một mình nên bất cần đời, tự kiếm sống cũng dễ. Còn những người đàn bà ốm yếu, con nhỏ thì để tồn tại được không phải là đơn giản gì.
         (hết phần 30)                                           Hà Nội, tháng 2-2011

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Truyện dài CHUYỆN ĐỜI HẮN (phần 29)

           

Chuyện đời hắn
Truyện của Trọng Bảo 

         Khi các công nhân làm nền đường rời đi rồi hắn và Thu lại tiếp tục quay về với cái trang trại của mình. Số tiền lương ít ỏi mấy tháng làm công nhân  hợp đồng họ đầu tư vào mua cây vải thiều giống, phân bón cho lúa và chè. Con đường hình thành nên bắt đầu có nhiều người qua lại thung lũng Ma Gà. Dọc theo tuyến đường có các cụm dân cư mới hình thành.
          Một hôm, đào hố trồng cây trên bờ cái ao mới đào, hắn chợt thấy cái gốc cây sù sì mà máy xúc nhấc lên bỏ ở một góc ruộng ẩm ướt đang nảy ra những cái chồi non. Đó là một gốc lộc vừng. Hoá ra cái cây không chết. Nhìn cái gốc cây có dáng vẻ kỳ dị, hắn nảy ra một ý. Hắn nhờ mấy người giúp di chuyển về góc sân nhà. Hắn trồng cái gốc cây ngay góc sân lối cổng đi vào. Cái cây hồi sức đâm rễ, vươn cành lộc non. Nó tuy già cỗi nhưng vẫn còn chứa chất nhựa sống ở bên trong.  Nhân dịp làm sân và xây hai cái trụ cổng, hắn cho làm luôn một cái bể chứa nước quanh gốc cây. Giống lộc vừng phải ở gần nước mới tốt và ra hoa. Hắn tỉa tót uốn cành đẽo gọt cái gốc cây lộc vừng theo ý thích ngẫu hứng của mình. Cái gốc bây giờ trông như một pho tượng di lặc tọa ở góc sân nhà. Hắn rất thích khi cành lá lên xanh trên cái gốc cây tưởng như đã khô ấy. Hắn đặt tên cho nó là “Phật Di lặc”.
          Một hôm có ông khách lái một chiếc xe ô tô con ghé vào nhà hắn xin nước uống và hỏi đường. Ông này có vẻ là một nhà doanh nghiệp. Ông ta rất vui thích và ngạc nhiên trước một cái trang trại nơi sơn thuỷ hữu tình này. Đặc biệt ông ta rất chú ý và vô cùng thích thú với cái gốc lộc vừng trồng nơi góc sân nhà hắn. Cái cây đang ra hoa. Những chùm hoa lộc vừng buông dài xuống như những sợi râu của phật.
          Ngắm nghía gật gù chán, ông khách đột nhiên hỏi:
          - Anh bán cho tôi cây lộc vừng này và cây si gần lối cổng vào nhé!
          Tưởng ông ta đùa, hắn cười bảo:
          - Cái cây lộc vừng “Phật Di lặc” cổ thụ này có trả đến tiền triệu chưa chắc tôi đã bán đâu nhé!
          - Tiền triệu cơ à?
          Ông ta hỏi lại và vớ lấy cái cặp khoá số vẫn xách theo bật “tách” một cái rồi lôi ra một tập tiền mới cứng đặt vào tay hắn nói:
          - Năm chục triệu đây! Ngày mai tôi sẽ cho xe đến đào cây!
          - Ơ… ơ…
          Hắn ngơ ngác. Ông khách lại mở cái cặp lấy tiếp ra một cọc tiền loại năm mươi nghìn đồng đưa cho hắn và nói thêm:
          - Còn đây là năm triệu! Tiền bồi thường để anh xây lại cái cổng nhà và đào bỏ mấy cây vải thiều lấy lối cho xe ô tô tải vào đào, chở cây. Ngày mai, tôi sẽ phải phá cái cổng để cho xe cẩu vào đào hai cái cây đấy! Mà anh gọi cái cây lộc vừng này tên là gì nhỉ! Là “Phật Di lặc” à? Hay… hay quá, nhìn đúng là thật giống ông Phật Di lặc lắm… ha… ha… ha…
          Hắn càng ngạc nhiên. Một cái gốc cây vứt đi mà lại bán được nhiều tiền đến thế này cơ à! Cả đời hắn chưa bao giờ lại có một số tiền lớn đến thế. Ông khách phóng xe đi rồi thì Thu đi chợ về. Biết chuyện, Thu cũng hết sức ngạc nhiên. Cầm tập tiền trong tay cô chợt hốt hoảng kêu lên:
          - Thôi chết! Hay là tiền giả, khéo mà anh bị ông ta lừa rồi!
          - Nhưng mà ông ta lừa mình cái gì cơ chứ?
          - Ừ nhỉ! Ông ta cũng đã đào hai cái cây đem đi đâu mà bảo là bị lừa!
          Thu cẩn thận giở tập tiền ra xem kỹ lại từng tờ năm trăm nghìn đồng mới tinh còn thơm mùi mực in rồi lại lẩm bẩm:
          - Đúng là tiền thật rồi anh ạ!
          Hai vợ chồng gần như suốt đêm không ngủ vì bất ngờ có một số tiền lớn đến thế. Họ cũng chưa nghĩ ra sẽ làm gì với số tiền lớn này. Năm mươi triệu đồng với họ bằng cả một gia tài đấy.
          Sáng hôm sau, ông khách mua cây hôm trước lại đến. Theo sau chiếc xe con do ông ta tự lái còn có một chiếc xe vận tải lớn và một chiếc xe công trình có gầu ngoạm. Họ sẽ cẩu gốc lộc vừng và đào cây si đưa lên xe tải chở đi. Khi người lái xe cẩu và mấy người đi theo tiến hành phá cái cổng và đào cây si thì anh lái xe tải nhảy xuống đi đến chỗ hắn. Hắn nhận ngay ra đó là thằng Hạnh, lái xe ủi ở bộ phận thi công làm nền đường dạo trước. Hạnh bảo bây giờ làm lái xe cho doanh nghiệp tư nhân của ông chủ là người đã mua cây của nhà hắn. Hạnh ngó nghiêng có ý dè chừng ông chủ rồi túm tay kéo hắn ra chỗ khuất nơi đầu nhà và hỏi nhỏ:
          - Sao anh bán hai cái cây rẻ quá thế?
          - Năm mươi triệu đồng, cả một đống tiền đấy!
          - Đúng là anh không hiểu gì rồi! Anh bán rẻ quá, mất ít nhất một nửa số tiền rồi. Hai cái cây này ông ấy mua năm mươi triệu đem về chỉ cần uốn nắn, sửa sang thêm một chút rồi bán lại, thấp nhất cũng phải trên một trăm triệu đồng đấy!
          - Làm gì ghê gớm đến thế! Mày vẫn cứ cái tính hay huếnh lên…
          - Đúng là anh chả biết mẹ gì về bon sai, cây cảnh rồi! Em đi theo ông chủ này mua bán cây cảnh mãi rồi nên em biết rất rõ! Cái cây si và gốc lộc vừng tuyệt đẹp thế này giá cả không phải là vừa đâu nhé!
          Thằng Hạnh lắc đầu rồi dặn thêm:
          - Lần sau nếu định bán cây gì anh nhớ là phải phôn cho em biết trước để em lên xem rồi tư vấn cho nhé, không thì lại hố to với họ đấy! Số điện thoại của em đây.
          Nói xong, nó nhét vào tay hắn một mẩu giấy nhỏ rồi chạy đi. Ông chủ đang kêu nó đánh lùi chiếc xe tải vào để đưa hai cái cây lên xe. Khi bọn họ đem hai cái cây đi rồi hắn vẫn còn ngỡ ngàng trước những điều thằng Hạnh vừa nói. Hắn không tin là hai cái cây cổ thụ hoang dại mà lại có giá cao đến thế. Nhưng có lẽ nó nói thật. Hắn chợt nhớ chuyện hôm qua ông khách chả thèm mặc cả một câu nào đã đưa luôn cho hắn năm chục triệu đồng mà không cần ghi hoá đơn, giấy biên nhận gì. Rồi ông ta lại còn chi thêm những năm triệu nữa để hắn xây lại cái cổng và di chuyển mấy hom vải thiều. Cái cổng chỉ là hai trụ gạch, mua một túi xi-măng rồi tự hắn xây lại cũng chả hết một trăm ngàn đồng. Hắn kể lại cho Thu nghe những điều thằng Hạnh đã nói, Thu cũng ngớ người ra rồi bảo:
          - Thảo nào mà ông ta đưa tiền cho anh nhanh đến thế!
          Hắn bảo:
          - Chỗ bờ ao còn gần chục gốc lộc vừng và mấy gốc si già nữa, nếu như thế này thì là cả một gia tài rất lớn đấy!
          Thu gật đầu dặn hắn phải chú ý bảo vệ mấy gốc lộc vừng, cây si trong trang trại. Cô bàn với hắn dùng số tiền hơn năm mươi triệu như vừa từ trên trời rơi xuống ấy mở một cửa hàng nhỏ bán vật liệu xây dựng. Hắn đồng ý với Thu vì từ khi con đường mở ra nhu cầu vật liệu xây dựng ở đây rất cao. Nhiều nhà dân, công trình dân sinh, công trình công cộng đang khởi công dọc hai bên đường. Hắn cũng nghĩ ngay đến mấy cây lộc vừng còn lại chỗ bờ ao và đám ruộng ngập nước. Có ba cái cây gần nhau rất giống ba ông tam đa mà hắn vẫn gọi là “Phúc-Lộc-Thọ”. Ba cây ấy mà bán thì chắc cũng bội tiền. Nhưng hắn nghĩ sẽ không bao giờ mình bán thêm một cái cây nào nữa mà hắn sẽ trồng thêm nhiều cây để làm cho cái thung lũng Ma Gà này ngày một xanh tươi hơn.
         (hết phần 29                                                      Hà Nội, tháng 2-2011