Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Truyện thiếu nhi ĐỜI LƯƠN CHẠCH


                Mụ cá sấu 

Đời lươn chạch
Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo

          Tại khu đầm lầy ngập nước có rất nhiều loại cá hoang. Nổi tiếng ngang tàng hay quậy phá là hai anh em nhà lươn chạch. Bọn chúng cậy có thân hình dài và nhẵn như một mũi tên nên bơi nhanh vun vút. Trong đầm có việc gì xảy ra bao giờ chúng cũng có mặt trước tiên. Phát hiện ra nơi nào có thức ăn là chúng liền lao ngay đến xí phần trước. Do nhiều lần đoạt giải nhất các cuộc thi bơi nên chúng lên mặt coi thường các loại cá khác. Lúc nào chúng cũng khoe khoang tự phụ, cho mình là thông minh, tài giỏi nhất.
          Một hôm trong khu đầm lầy xuất hiện một mụ cá sấu. Mụ này bị con người săn lùng lấy da làm ví đựng tiền đâm trượt nên chột mất một mắt. Mụ ta phải đeo một mảnh lá sen che bên mắt chột nên trông như một tên cướp biển. Mọi loài cá trong đầm lầy đều cảnh giác vì mụ cá sấu rất thâm hiểm, gian giảo. Mụ ta đi đến đâu các loài đều lảng tránh, đề phòng. Một bữa mụ đang lừ lừ bơi giữa đầm thì gặp anh em nhà lươn chạch. Mụ ta khích:
          - Chúng mày cứ khoe là bơi nhanh nhưng tao thấy bọn cá trôi, cá chép, cá chuối còn bơi nhanh hơn rất nhiều!
          Hai anh em lươn chạch sửng cồ:
          - Chúng cháu bơi nhanh nhất... nhanh nhất...
          - Chưa chắc! Tao không tin!
          - Bà không tin thì xem chúng cháu bơi nhé!
          - Tao sẽ tin nếu chúng mày dám thi bơi với các bọn cá khác đủ tám vòng quanh hồ.
          - Thi thì thi... chúng cháu sợ gì? Chúng cháu sẽ chấp các loài cá khác một vòng đầm.
          Lươn và chạch nói và đi tìm các loại cá khác để thách đấu thi bơi. Chúng lên giọng chê bai, dè bửu khiến nhiều loài cá thấy rất tự ái vì bị xúc phạm. Họ đều ghét lươn và chạch nên gọi nhau đi thi rất đông quyết làm cho hai thằng này một phen bẽ mặt. Lão rùa có kinh nghiệm sau lần thi chạy với thỏ nên hăng hái nhận làm trọng tài.
          Bọn cá sẽ thi bơi việt dã tám vòng quanh đầm lầy. Toàn những con cá béo khoẻ dự thi. Lão rùa phất cờ lệnh. Bọn cá ào ào lao vào đường bơi trong khi lươn chạch thì đủng đỉnh. Bởi với thân hình nhọn như mũi tên chúng chỉ cần co người bắn một phát là vượt tất cả bọn cá khác. Khi bọn cá đã bơi được một vòng lươn chạch mới bắt đầu xuất phát. Sau ba vòng đầm lầy lươn và chạch đã bơi kịp bọn kia rồi vượt lên dẫn đầu. Đến vòng thứ bảy thì bọn cá đã thấm mệt. Nhiều con bơi lờ đờ miệng thở ra toàn bong bóng. Ở khu vực đích rất nhiều bố mẹ bọn cá đang háo hức chờ để đón đoàn thi bơi về đích. Không ai để ý mụ cá sấu lặng lẽ lùi lại phía sau và bơi lảng đi. Mụ ta vòng sang bên kia bờ đầm đón đoàn cá thi bơi về vòng cuối cùng. Mụ nấp sau một bụi cỏ rậm. Mỗi khi có con cá nào bơi qua chỉ cần ngoác mồm ra đớp một cái mụ đã nuốt gọn vào bụng. Gần như cả đoàn cá thi bơi đến vòng cuối cùng đều lọt vào cái miệng há ngoác to của mụ cá sấu chột mắt.
          Chờ mãi không thấy con cá nào bơi cán đích ngoài hai thằng lươn chạch đoạt giải nhất và giải nhì bố mẹ bọn cá tham dự thi mới đổ đi tìm. Lũ cá hốt hoảng khi gặp những cái vây, cái vảy cá trôi rải rác dọc đường bơi. Nhưng tiếng gọi con thảng thốt sủi bong bóng lên khắp đầm lầy. Mụ cá sấu chột mắt bụng no tròn đang nằm phơi nắng trên bờ cười sằng sặc bảo:
          - Đừng gọi nữa, lũ nó đã nằm trong bụng tao cả rồi. Hãy nhớ lấy hôm nay chính là ngày giỗ của bọn chúng... hi... hi... hi...
          Mụ cá sấu nói thêm:
          - Cám ơn hai thằng lươn chạch đã tổ chức cuộc thi này giúp tao có một bữa ngon. Tao công nhận là chúng mày bơi nhanh nhất... he... he... he...
          Đám cá bố mẹ kêu khóc rồi quay lại đuổi đánh lươn và chạch. Lươn chạch lao về nhà gọi bố mẹ chạy trốn. Nhưng biết chạy đi đâu. Cả nhà lươn chạch vội chui sâu xuống bùn để trốn tránh. Sau vụ thảm sát kinh hoàng ở đầm lầy ấy, bọn cá quyết định khai trừ lươn chạch ra khỏi cộng đồng.
  Kể từ đó loài lươn chạch phải sống chui rúc dưới bùn. Thi thoảng khi các loài cá khác không để ý chúng mới dám nhoáng nhoàng ngoi lên đớp vội một chút không khí rồi lại chui ngay xuống lớp bùn bẩn thỉu ẩn náu. Sống chui lủi mãi dưới bùn đen thiếu ánh sáng nên đôi mắt của lươn và chạch trở nên ti hí lờ đờ. Chuyện đời lươn chạch là như vậy. Và đến nay thì chúng không thể bơi nhanh được nữa.

                                                                                       Ngày 12/5/2010

 

Truyện ngắn Người đầu gỗ

Người đầu gỗ
 Truyện ngắn của Trọng Bảo
 
           Trẻ con hát:
                Người là người
                Là xương là thịt
                Là mắt là môi
                Người là hổ
                Sao đầu người bằng gỗ
                Tiếng gầm thét rung trời
                Máu chảy tơi bời
                Lửa rừng rực lửa...
Người lớn than:
                Thủ lĩnh Bách Bung
                Lực kiệt, thế cùng
                Núi Sáng thành tăm tối
                Trận cuối cùng dữ dội
                Xác giặc đầy khe
                Khói phủ mây che
                Lòng người vẫn tỏ
                Chết dù mang đầu gỗ
                Giặc vẫn mãi kinh hoàng.
          Nghe tiếng hát, tiếng than của nhân thế các bậc cao niên bàng hoàng. Họ hướng về phía Bắc vái lạy. Họ hiểu thế là hết. Vị thủ lĩnh áo nâu, con hùm xám Yên Thế đã không còn. Hơn ba năm rồi họ chờ đợi một sự trỗi dậy của nghĩa quân với khí thế chẻ tre thuở nào. Nhưng đường trời hình như đã tận.
Còn nhớ chuyện từ hơn ba năm trước. Vào một buổi chiều, trời bỗng kéo mây đen, một tiếng sét nổ vang giữa rừng. Tiếng cây đổ ầm ầm trên núi Sáng. Mưa. Gió lốc mịt mù. Cơn mưa sầm sập đổ xuống trắng cả non ngàn. Mưa như gào, như thét. Mưa như đảo đất hất lên trời như ghìm mây trên trời xuống đất.
Dân làng Đồng Quế rụng rời chân tay khi nghe từ hướng núi tiếng súng cứ thưa dần. Nghĩa quân đang đánh trận huyết chiến cuối cùng. Trận đánh sinh tử giữa những người nông dân áo vải với bọn thực dân và lũ tay sai. Cụ Cả Nhân từ rừng về gọi con cháu đến giọng run rẩy bảo:
- Mang hết số ván canh ra bào nhẵn đi...
- Làm gì hả bố?
Anh con cả ngạc nhiên hỏi. Cụ vừa mở kho ván gỗ vừa chùi mắt:
- Đóng quan tài...
Tiếng cụ nghẹn ngào. Đám con cháu mặt mũi tái nhợt đi vì sợ. Cụ lại bảo:
- Gọi vài kíp thợ đóng mới kịp, nhanh lên đi...
Nghe cụ giục, anh con cả cố trấn tĩnh hỏi lại:
- Bố còn khoẻ thế mà sao sao đã vội...
- Không phải đóng quan tài cho tao... - Cụ gắt: - Tao còn lâu mới chết... mà là đóng quan tài để lên rừng nhặt xác anh em nghĩa quân...
Nói đến đây cụ không nén nổi nữa mà bật thành tiếng khóc. Tiếng khóc não nùng. Nước mắt cụ ròng ròng trong nước mưa:
- Các con ơi! Anh em nghĩa quân chết hết cả rồi!
Con cháu của cụ Cả và dân làng giờ mới tin là đã hết. Họ khóc. Tiếng khóc lan từ làng này sang làng khác. Nỗi đau nối dài từ tổng này sang tổng nọ. Niềm hy vọng vụt tắt trên những khuôn mặt dân quê hiền lành, lam lũ.
Mưa vẫn mưa. Tiếng súng trên núi cứ thưa thớt dần rồi tắt hẳn. Tiếng đục đẽo dưới các làng dày thêm. Nghĩa quân Yên Thế đã bị đánh tan. Trận chiến cuối cùng bi hùng tại núi Sáng những người nghĩa binh lần lượt ngã xuống. Khu đại bản doanh Bách Bung trên núi tan hoang. Nhưng vị thủ lĩnh không chết. Những cận vệ võ nghệ song toàn đã đưa được thủ lĩnh của mình vượt thoát khỏi vòng vây, khỏi cái chết trong gang tấc. Toán tinh binh của nghĩa quân quần áo tả tơi đỏ máu và bùn đất mở một con đường huyết hướng lên phía bắc bỏ lại phía sau chiến địa khói lửa ngút trời cùng bao đồng chí từng nếm mật nằm gai thân xác rải đầy chiến luỹ. Họ mong sẽ có ngày trở về báo thù trả hận cho anh em.
Xác của những nghĩa quân đã được dân các làng xung quanh núi Sáng tìm kiếm mai táng.
Bọn lê dương, khố xanh, khố đỏ ngó nhìn, kiểm tra từng cái xác. Nhưng chúng không thấy điều chúng mong muốn.
*
          Hắn tên là Kỳ, họ Lương, một tay chuyên buôn bán thuốc phiện. Con đường thuốc phiện của hắn là tuyến Bắc Giang - Quảng Đông, Trung Quốc. Hắn phải tập hợp một đoàn quân đảm bảo cho công việc khó khăn và nguy hiểm này. Đoàn tuỳ tùng, vệ sĩ của hắn vừa là người vừa là ma. Bọn chúng xây dựng và đảm bảo con đường thuốc phiện an toàn, hoạt động thông suốt. Người ta gọi hắn và đồng bọn là lũ "song tử". Chữ tử ở đây mang nghĩa xấu đó là cái chết. Cái chết bằng đao kiếm và cái chết bằng thuốc phiện. Bọn chúng đi đến đâu đem theo cái chết tới những hai lần.
          Hắn là một đứa con lạc loài. Chả ai biết hắn sinh ra từ đâu, chỉ biết hắn từ đâu đến và mang theo cái gì. Con đường thuốc phiện của hắn xuyên rừng, vượt qua vách núi cao theo lối đi của loài sói. Tuy vậy do làm nghề bất hợp pháp nên hắn hiểu muốn tồn tại phải biết làm người hai mặt. Hắn kết thân với nghĩa quân Đề Thám, ủng hộ tiền bạc, lương thực, thuốc phiện để có lối đi giữa rừng. Hắn bí mật đầu hàng câu kết làm tay sai cho bọn thực dân làm kế bảo toàn và thị trường cho việc buôn bán hàng quốc cấm.
          Một bữa hắn vừa từ Chợ Chu về tới Bắc Giang thì có xe của phủ toàn quyền lên đón. Chiếc xe hòm kín mít chạy qua cầu Long Biên đưa hắn vào nội thành Hà Nội. Toàn quyền Đu-me tiếp hắn trong trong một căn phòng nhỏ kín đáo trong dinh.
          Đu-me hỏi thăm về gia cảnh của hắn cố tạo không khí cho có vẻ thân mật. Thực ra tên thực dân cáo già này đâu có quan tâm gì đến lũ tay sai bản xứ ngoài sự lợi dụng. Mọi sự xã giao cuối cùng cũng quay về chủ đề chính. Đu-me thăm dò:
- Ông Hoàng đã bị giết ở khu rừng cách chợ Gồ hai cây số. Một tên đem nộp thủ cấp lấy hai vạn đồng tiền thưởng rồi.
Lương Kỳ không biểu lộ thái độ gì trước tin ấy. Đu-me đành ngửa bài:
- Nhưng lại có tin đấy là đầu ông sư chùa Leo ở gần đó. Vị sư này có khuôn mặt rất giống Hoàng Hoa Thám, chưa phân biệt được. Vậy theo ông thì thế nào?
          Lúc này Lương Kỳ mới tỏ thái độ. Hắn biết rằng mình sẽ có vai trò quan trọng trong việc này nên đắc chí cười:
          - Thưa quan lớn! Ngộ biết đó không phải là đầu của Hoàng Hoa Thám. Nếu đúng thì ngộ đã đến vuốt mắt cho ông ta. Đằng nào chả là bạn hữu...
          Đu-me dấn thêm:
          - Tôi biết là hai vị đã có một thời bằng hữu mật thiết với nhau. Nhưng ngài thì sớm quay đầu, tỉnh ngộ, còn ông Hoàng thì cứ kiêu dũng mãi. Kể từ khi ông ta trốn khỏi núi Sáng tới nay là ba năm rưỡi, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi chiêu hồi. Chúng tôi bắt được bà vợ ông ta là Ba Cẩn và con gái út sáu tuổi Nước Hai, Cao Bằng. Nhưng trên đường đưa sang Pháp bà ấy đã nhảy xuống biển tự tử. Cô con gái út ông ấy được đưa về Pa-ri nuôi nấng cho học hành tử tế thế mà ông ấy vẫn không hề thay đổi ý chí. Chúng tôi phải tiêu diệt ông ta thôi.
Lương Kỳ nói:
- Thưa quan toàn quyền, ngộ biết Hoàng Hoa Thám còn sống. Ông ấy vẫn nhờ vào nguồn tiếp tế tiền bạc, thuốc phiện của ngộ mà.
- Ngài có thể giúp người Pháp chấm dứt mối lo ngại lâu dài được không?
- Ồ không... không! - Lương Kỳ làm bộ chối đây đẩy: -  Ngộ và ông ấy là bạn hữu hảo mà...
          Đu-me đã nhìn thấu tâm địa của tên con buôn tham lam này. Vì lợi lộc thì mả cha nó cũng dám đào chứ bạn bè kết nghĩa đã là gì. Cái chính là mở cho nó một lối để giữ cái danh dự hão là được.
          - Tôi biết người Á đông các ngài vốn coi trọng tín nghĩa, danh dự. Nhưng chữ tín cũng có nhiều cách viết phải không thưa ngài?
          Lương Kỳ thấy yên lòng hơn. Một chút nhân tâm sắp tàn lụi hết được xoa dịu. Đu-me gợi ý hắn mượn tay người khác giúp việc sát hại Đề Thám để tránh cho mình cái điều còn phân vân, do dự. Tuy nhiên trong lòng Lương Kỳ vẫn thấy hơi hổ thẹn khi nhận hai vạn đồng tiền thưởng để giết Hoàng Hoa Thám. Hắn nói lí nhí trong mồm câu gì đó làm cho tên thông ngôn phải ghé sát tai mà không nghe thấy gì để dịch.
          Toàn quyền Đu-me cười nhạt, hắn biết Lương Kỳ còn định vòi vĩnh thêm. Y nói thêm:
          - Tôi đặt niềm tin cậy vào ngài. Vì vậy xin giao trước cho ngài một vạn đồng. Các việc khác sau này khi mọi sự đã thành ngài cứ yên tâm...
          Lương Kỳ trở về bàn việc với một người tin cẩn là Ma Văn Sang. Sang là con nuôi của Kỳ. Sang đang làm bang tá đồn lính dõng châu Sơn Dương. Sang có sức khoẻ và võ nghệ rất cao, tay không dám vật nhau quật chết được cả gấu. Lương Kỳ yêu quý nhận Sang làm con nuôi để bảo vệ cho con đường thuộc phiện của mình. Kỳ đầu hàng Pháp được cho làm chủ vùng chợ Chu, Bắc Cạn, vừa cai trị, bóc lột dân bản địa vừa độc quyền chuyện buôn bán thuốc phiện. Hắn giầu có, sống sa hoa nhất vùng. Tuy vậy, Kỳ vẫn giữ quan hệ với Đề Thám, cung cấp hậu cần cho nghĩa quân ở núi Sáng. Sang là người đảm nhận đường dây liên lạc giữa Lương Kỳ và Hoàng Hoa Thám. Số phận của vị thủ lĩnh áo nâu đã được hai cha con tên bội phản bàn bạc với nhau ngay bên bàn đèn thuốc phiện. Chúng tính toán kín kẽ mọi nhẽ để tiếp cận và hạ sát được Đề Thám.
          Có tài liệu ghi chép lại rằng:
          Đề Thám và hơn chục thủ hạ ẩn náu bí mật trong các hang đá tại khu rừng thông Thanh La Kim Trận, thượng lưu sông Đáy thuộc châu Sơn Dương. Họ mong có cơ hội phục binh lấy lại cơ đồ, quyết không hàng phục, chiêu hồi. Lối vào hang của cụ Đề Thám được bố trí ba chặng gác. Bất kỳ ai muốn vào cũng phải được cụ cho phép và phải bỏ hết vũ khí ở bên ngoài.
          Ma Văn Sang và một tên tuỳ tùng dắt theo hai con ngựa thồ. Như mọi lần, họ đem muối, thuốc lào, thuốc phiện và bạc trắng tiếp tế cho tàn quân của Đề Thám.
          Khi họ xuất hiện ở khu rừng được canh phòng cẩn mật, người gác chặng thứ nhất vào báo trạm thứ hai, trạm thứ hai báo vào trạm thứ ba, trạm thứ ba báo vào để cụ Đề Thám biết. Nghe tin có Ma Văn Sang đến, Đề Thám cho lệnh đón vào ngay. Bọn Sang cởi súng để lại, chỉ mang theo túi đựng bạc trắng và hai hộp thuốc phiện. Tên tuỳ tùng cởi thồ hàng lấy các bao muối, thuốc lào giao cho nghĩa quân và ở lại đợi ở trạm ngoài.
          Đề Thám đón Sang từ cửa hang, ra hiệu cho người nghĩa binh dẫn đường quay lại. Hai bên tay bắt mặt mừng. Sang đặt túi bạc cái xuống cái sạp làm bằng phên nứa. Tiếp theo móc túi lấy ra hai hộp thuốc phiện kính cẩn đưa biếu Đề Thám.
          Sang thưa:
          - Cha nuôi sai tôi mang đến cho thúc phụ năm trăm đồng bạc trắng, bốn lạng tây thuốc, hai chục cân muối và năm chục bánh thuốc lào Vĩnh Bảo.
Đề Thám cảm động nói:
          - Ông về chuyển giúp tôi lời đa tạ tấm lòng của Lương huynh.
          Hai người ngả bàn đèn. Sang bảo:
          - Mời thúc phụ cứ hút cho thoả thích, để tôi tiêm hầu cho.
          Đề Thám sắp hết thuốc phải hút dè đã mấy hôm nay. Được lời mời của Sang, cụ bằng lòng ngay. Đề Thám duỗi hai chân nằm nghiêng gối đầu lên chiếc gối gỗ vuông, ngậm tẩu rít thuốc. Ống nhĩ kêu ro ro, khói thuốc phả ra thơm lựng. Mấy con tắc kè trên nóc hang quen ngửi khói bò từ trong kẽ đá bò ra.
          Đề Thám say thuốc, mắt lờ đờ rồi nhằm nghiền, buông rơi cán tẩu.
          Ma Văn Sang gọi thăm dò:
          - Thưa thúc phụ! Thưa thủ lĩnh...
          Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng ngáy khò khò của người say phê thuốc. Sang lấm lét quan sát xung quanh. Không có ai. Hắn rút chiếc búa đinh giấu trong túi bạc trắng, nhằm thái dương Đề Thám nện thật mạnh. Đề Thám ngất xỉu ngay không kêu được tiếng nào, chân tay giẫy giụa bành bạch. Hắn nện tiếp mấy nhát búa nữa vào đầu Đề Thám. Sau một lát giẫy giụa, Đề Thám nằm yên tắt thở. Sang nhanh chóng lấy dao cắt lấy thủ cấp giấu trong áo đi ra.
          Theo mưu kế đã định, Lương Văn Phê - tên tuỳ tùng cùng đi - gửi lại cả hai khẩu súng, xin phép đem ngựa vào đợi ở trạm trong cùng để kịp về. Anh em nghĩa binh vui vẻ cho đi. Tên Phê ngồi ở trạm ngoài chuyện vãn với người lính gác. Hán biếu anh ta mười đồng bạc trắng và một bánh thuốc lào để làm thân. Nhác thấy Sang đã ra gần tới nơi, tên Phê bèn xin phép người gác cho dẫn ngựa vào đón chủ. Người lính gác bằng lòng. Con ngựa trông thấy chủ chạy xộc ngay tới. Sang nhảy ngay lên ngựa giục đi nhanh. Qua chỗ người gác hắn còn vẫy chào. Sang và tên tuỳ tùng qua khỏi ba chặng gác, bỏ lại luôn hai khẩu súng, thúc ngựa phi nước đại.
          Thấy hai người của Lương Kỳ bỏ cả súng đạn để đi vẻ hốt hoảng vội vã như chạy trốn, các nghĩa quân nghi ngờ. Họ vội đổ xô vào hang của thủ lĩnh. Thì hỡi ôi mọi việc đã hỏng cả. Xác vị thủ lĩnh của họ nằm trên sạp nứa không đầu, máu chảy đỏ loang cả nền hang.
          Hơn chục nghĩa sĩ can trường chỉ còn biết nghiến răng trợn mắt. Họ đánh chịu bất lực vì không có ngựa để đuổi theo hai tên sát thủ. Họ ngồi khóc thủ lĩnh của mình mà lòng đau đớn, căm hận. Họ bàn bạc việc mai táng cho vị thủ lĩnh của mình. Họ hạ một cây gỗ hương đẽo một cái đầu bằng gỗ rồi tiến hành khâm niệm. Cái đầu gỗ vừa đặt vào thân xác của Đề Thám thì lạ thay máu ở cổ ngừng chảy. Chỗ hốc mắt của cái đầu gỗ ứa ra một dòng nước như là lệ. Các nghĩa binh đào nền hang đặt thi hài Đề Thám xuống lấp lại, khoả bằng để không ai phát hiện ra nơi chôn cất vị thủ lĩnh.
          Nghe nói sau khi cúng bái đủ ba ngày cho thủ lĩnh, họ lấy đá lấp kín cửa hang. Rồi họ chia tay nhau mỗi người đi một ngả, biệt tăm tích.
          Sự tích về người đầu gỗ được ghi chép lại là như vậy.
            Vĩ thanh
               1- Sau khi hạ sát được Đề Thám, Lương Kỳ được người Pháp hết sức trọng dụng. Hắn được cai quản, làm chủ một vùng. Hắn đi đến đâu có thổ ti, bang tá phục dịch, bảo vệ đến đấy. Hắn vẫn nghĩ mình sẽ an toàn tuyệt đối, dù những nghĩa binh của Đề Thám còn sống sót trong dân gian muốn báo thù cũng không thể có cơ hội.
           Nhưng chuyện kể lại rằng, một hôm hắn cưỡi ngựa qua sông. Sông Đáy mùa cạn trơ cả sỏi đá. Hắn lỏng chân cương giong ngựa qua sông. Toán tuỳ tùng lũ lượt đi trước đi sau và kèm hai bên hộ vệ. Con ngựa quý của hắn đang đi bỗng hí lên hoảng hốt chồm dựng ngược lên. Do không phòng bị nên Lương Kỳ bị hất tung lên lao cắm đầu xuống dòng sông cạn. Đám tuỳ tùng vội xô đến cứu. Bọn chúng vô cùng kinh hãi thấy đầu của Luơng Kỳ vỡ toác khi đập vào một gốc cây khô cưa cắt nham nhở chìm dưới dòng nước nông. Đó là một gốc cây bị nước lũ cuốn từ đâu về. Có người sau này biết chuyện thì dứt khoát bảo đó chính là gốc cây gù hương mà các nghĩa binh đã chặt để đẽo cái đầu gỗ cho Đề Thám. Chuyện thật giả chả biết thế nào...
           2- Đã từ lâu tôi nghe kể về một trận đánh kinh hoàng trên núi Sáng. Với tài trí của mình, cụ Đề Thám đã khéo léo chỉ huy nghĩa quân lừa cho bọn địch bắn nhau một trận chí tử, bị thiệt hại rất lớn. Tôi rất muốn viết về vị thủ lĩnh áo nâu, con hùm xám Yên Thế, người đã chọn núi Sáng quê tôi làm căn cứ địa thứ hai cho cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược.
           Cuối tháng hai vừa qua, tôi bất ngờ nhận được điện của ông Đỗ Văn Tường, nguyên bí thư huyện uỷ Lập Thạch nói có một tài liệu về Hoàng Hoa Thám ở núi Sáng. Ông đã cung cấp để tôi viết truyện ngắn này. Đây chỉ là một truyện dã sử, có thể nhiều tư liệu còn phải nghiên cứu, hiệu chuẩn lại. Với truyện ngắn này tôi xin làm một nén nhang để tưởng nhớ vị thủ lĩnh và những nghĩa quân trên núi Sáng.
                                                                             Hà Nội, tháng 3-2009               
                  

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Truyện ngắn BẾN SÔNG XƯA


        
Bến sông xưa
    Truyện ngắn của Trọng Bảo     
                    
      1- Buổi sáng mùa đông ảm đạm. Kinh thành còn chìm lẫn trong sương sớm. Sau biến cố thất triều, phố phường chưa trở lại được cái nếp sinh hoạt cũ. Hàng quán mở cửa muộn hơn. Thi thoảng có một tiếng hú và tiếng vó ngựa rầm rập vút qua. Đó là đám lính chạy chiếu thư của tân triều truyền lệnh cho các bộ. Đã bao đời nay việc thay ngôi, đổi chủ thường diễn ra trong loạn ly, máu chảy. Cũng có lúc là sự chuyển giao ôn hoà. Nhưng dù là hình thức chuyển giao chế độ như thế nào thì đám vương gia cựu triều cũng lâm vào thế thất sủng, hoảng loạn, ly tán. Thiếu gì chuyện kẻ mới lên ngôi lo việc diệt trừ tận gốc rễ để phòng hậu họa. Vậy nên việc họ Hồ tiếm ngôi nhà Trần khiến đám quan lại, họ hàng thân, sơ triều cũ bàng hoàng, kinh hãi. Nhiều người phải bỏ kinh trôi dạt tứ phương.
          Lại nói về một buổi sáng mùa đông ảm đạm. Dòng Nhị Hà sóng lặng. Thuyền bè hai bờ tả hữu còn gác mái chờ sáng. Trong cái khoảng tĩnh không ấy có một con thuyền nhỏ lặng lẽ rời bến Chương Dương. Con thuyền cố tránh va chạm với những thuyền bè khác gây nên tiếng động lớn. 
          Chiếc thuyền nhỏ ra đến giữa sông thì quay mũi ngược phía thượng nguồn. Nước sông chảy xuôi miết vào mũi thuyền tạo nên tiếng rào rào như xé. Chủ nhân con thuyền ấy là đôi vợ chồng trẻ. Họ rời kinh thành không hẳn vì sợ loạn ly, có lẽ là cám cảnh suy tàn của một vương triều đem lại bao nhiêu đau thương cho lương dân. Hoặc là họ chưa thích ứng được với tân triều. Tuy nghe chuyện Hồ Quý Ly tuy là một võ tướng nhưng có tư tưởng canh tân, mưu vãn hồi tình cảnh đất nước, song vốn dĩ là người cầu an nên Trần Án(1) vẫn quyết định cùng vợ rời bỏ kinh đô lên miền sơn cước tá túc. Họ đem theo một vài gia nhân, những tay chèo khoẻ mạnh. Mái chèo chém vào sóng nước tạo nên những âm thanh gọn gàng, chắc khoẻ. Con thuyền lướt đi trong màn sương sớm lạnh lẽo và ẩm ướt. Trần Án ngồi ở mũi thuyền, mắt đăm đăm nhìn về phía trước ước lượng từng đoạn đường sông. Chàng có vẻ suy tư, lo cho những điều bất định của ngày sau, không biết đoạn trường phía trước rồi sẽ ra sao. Nhưng rồi Trần Án lấy lại sự bình tâm, tin ở tuổi trẻ và lời dặn của cố nhân “hữu siêng, tất phú”. 
          Chợt có hơi ấm toả ra ở phía sau lưng, Trần Án quay lại. Đặng Thị Hoàn(2) - vợ Trần Án nhẹ nhàng khoác cho chồng tấm áo choàng. Nàng hỏi chồng:   
          - Chàng có điều gì phải lo nghĩ? Có phải chàng ngại nơi thâm sơn, cùng cốc khó bề kiếm kế sinh nhai?    
          - Ta không lo sự tồn tại bởi siêng năng thì chẳng sợ gì khó nghèo!  
          - Thế chàng còn lo nỗi gì nữa?
          - Ta lo tại sự tồn sinh!
          - Trần Án nói giọng buồn buồn. ánh mắt nhìn vô định. Đặng Thị Hoàn hiểu chồng. Hai người lấy nhau đã lâu, đều trẻ trung mà mãi chưa sinh được mụn con nào. Chồng nàng lo lên vùng rừng sâu, nước độc, lao động vất vả, thiếu người nối dõi tông đường, ít nhân lực để khai sơn, phá thạch. Đặng Thị Hoàn lây nỗi buồn của chồng. Nàng lặng lẽ ngồi xuống bên Trần Án. Một cơn gió lạnh lùa sương sớm tạt lên mặt người khiến đôi vợ chồng trẻ rùng mình. Họ càng hiểu sự tha hương và những nỗi chuân chuyên đang chờ ở phía trước.    
          Con thuyền đến ngã ba Hạc Trì thì mặt trời đã lên độ một con sào. Mặt nước quang quẻ. Sóng dồi lớp lớp từ nguồn Lô, nguồn Thao tạo nên sự mênh mông của dòng sông đổ về phía hạ lưu. Một đàn hạc trắng chợt bay ngang sông, tiếng kêu thảng thốt vọng lan mặt nước. Hai vợ chồng sững sờ trước cảnh non nước thần tiên. Ngước lên phía thượng nguồn là núi Nghĩa Lĩnh thờ Tổ uy phong, bên tả, bên hữu là hai dãy Ba Vì và Tam Đảo trấn vững. Trần Án thốt lên: “Quả là một nơi ẩn cư, dụng chí”.   
           Trần Án bảo đám gia nhân tìm bến neo thuyền, dò phong thuỷ định nơi dựng trại. Thấy địa trang Sơn Đông vốn là miền gò đồi rừng rậm bao phủ, sinh cảnh nghèo nàn chưa ai khai phá lại có vượng khí lan toả nên Trần Án bàn với vợ dừng chân định cư. Họ chặt cây rừng dựng buộc thành kèo cột, đắp tranh cỏ làm mái toan tính việc khai hoang, lập ấp. Nhưng buổi đầu ở chốn thâm sơn việc cấy lúa, trồng ngô khoai đâu dễ. Lúa cấy không quen thuỷ thổ nên lay lắt chẳng chịu làm đòng, hạt ngô vùi xuống đất chim chuột moi lên ăn hết. Cái đói, cái lạnh rập rình vây bủa. Nhưng bao giờ cũng vậy, bức bí cùng đường tất sinh sáng kiến. Một bữa vào rừng bẫy thú, lúc ngồi nướng thịt dưới gốc cây dọc, vun lá khô nuôi mồi lửa Trần Án chợt thấy những cái hạt cây bằng ngón tay khô đen cháy rần rật như nến. Đó là hạt quả dọc. Trần Án nảy ra ý nghĩ ép hạt dọc lấy dầu đốt thay cho mỡ lợn vốn là loại thực phẩm rất quý. Ép dầu dọc là một việc công phu. Hạt quả dọc được nhặt về đạp trầy vỏ, phơi ưởi cho ngót bớt nước, giã dập vỡ, đem đồ lên như đồ xôi. Khi mùi thơm nồng ngậy bốc lên là hạt dọc đã chín có thể đem ép lấy dầu. Dụng cụ để ép dầu dọc là một khung gỗ lim. Một đầu khung gỗ được chôn xuống đất thật chắc. Phía thanh xà sát đất đục một lỗ nhỏ để khóa đầu hai tấm ván ép. Thanh xà phía trên đục một rãnh dài để lắp phần trên của hai tấm ván. Hai tấm ván ép dầu dọc như một cái kẹp lớn. Hạt quả dọc đồ chín còn nóng bỏng được đổ vào bao gai gói lại gài vào giữa hai tấm ván ép. Đoạn dùng nêm chêm vào hai đầu rãnh làm hai tấm ván ép chặt vào nhau. Hạt quả dọc nóng bị ép chặt, tinh dầu thoát ra chảy xuống chậu sành. Dầu dọc sánh như mật ong nhưng sẫm hơn, toả ra mùi thơm dìu dịu. Dầu dọc cháy sáng hơn, không khét, nổ lép bép như mỡ lợn lại rất thơm, xua được âm khí. 
           Nhờ học được nghề ép dầu dọc mà cuộc sống của gia đình họ Trần Án ở Sơn Đông đỡ vất vả hơn. Việc ép dầu dọc thường làm vào buổi đêm để tránh nắng làm dầu hao. Ban ngày Trần Án gánh dầu đi bán rong khắp chốn. Một bữa, đi qua đền thờ Tây Thiên quốc mẫu(3) nổi tiếng linh thiêng Trần Án bèn đem dầu dọc vào cung tiến cho đền chùa. Sư cụ trụ trì bảo chàng thắp một nén nhang và lạy tạ Quốc mẫu cầu đảo. Lúc ra đến cửa thì trời đất mù mịt mưa gió, Trần Án xin nghỉ lại tại chùa. Đêm ấy, Trần Án ngủ mơ thấy có người đến bên giường bảo: “Tiên đồng giáng thế ắt sinh anh kiệt”. Trần Án bừng tỉnh nghĩ mãi mà vẫn chưa hiểu sự thể là thế nào. 
     
          2- Khi chồng đi bán dầu Đặng Thị Hoàn ở nhà quản bọn gia nhân ép dầu, làm ruộng. Nàng còn son rỗi nên phóng túng. Một hôm trời nắng, đi cấy ở ruộng về, nàng ra sông Lô tắm. Nước sông trong xanh, nhìn như thấu đáy. Cá tôm lao xao, có con nhảy vút lên khỏi mặt nước khi nàng dìm mình xuống nước. Một toà bảo tháp thiên nhiên ẩn hiện. Dòng nước mát tràn ứ dập dềnh. Thít chặt dải yếm, nàng thoả sức vẫy vùng. Sau khi lặn ngụp đã thích, Đặng Thị Hoàn bơi về phía bờ. Chợt nàng thấy dòng sông như nghiêng đi. Những cuộn sóng cuộn tròn từ phía giữa sông lăn về phía bến. Đặng Thị Hoàn ngỡ ngàng nhìn ra. Một con giao long trồi hẳn lên mặt nước quẫy đảo, vảy rồng lấp lánh, sắc khí, hương thơm lan toả khắp mặt sông. Thoạt đầu Đặng Thị Hoàn hoảng sợ. Sau nàng thấy bình tĩnh lại. Con giao long tạo nên những làn nước như búi dây vô hình quấn riết quanh người nàng. Ngực nàng như bị xiết chặt, dải yếm đứt tung. Nàng cảm nhận được sự mơn man khắp da thịt, có một sự xâm nhập kỳ lạ vào cơ thể. Nàng thấy đê mê, bồng bềnh không trọng lượng tưởng sắp tan biến vào dòng nước. 
           Hồi lâu dòng sông Lô lặng sóng. Con giao long biến mất. Lạ quá, trời sập tối. Bóng tối như tấm lụa đen che chở cho nàng về sơn trại tránh mọi con mắt tò mò của sinh linh trên bến, dưới thuyền.   
           Sau bận ấy Đặng Thị Hoàn thụ thai. Trần Án mừng lắm. Đặng Thị Hoàn sinh hạ được một cậu con trai khôi ngô. Trần nhớ chuyện gặp mộng ở đền Mẫu quốc bèn đặt tên con là Hãn, lót thêm chữ Nguyên. Trần Nguyên Hãn(4) lớn lên có sức khoẻ hơn người, lại thông minh sáng dạ, vợ chồng Trần Án, Đặng Thị Hoàn mừng lắm. Nguyên Hãn giúp bố mẹ chăn trâu, kiếm cá và phụ gánh dầu dọc đi bán. Từ bé Nguyên Hãn đã thích tập kiếm cung, võ thuật lại giỏi bơi lội, đi dưới nước như đi trên cạn. Một hôm ngồi trên bến Đông Hồ câu cá, Nguyên Hãn chợt trông thấy giữa dòng nước xiết một xác người trôi dạt lập lờ. Không do dự, Nguyên Hãn ném cần câu lao xuống nước kéo cái xác vào bờ. Đó là một người con gái trẻ bị chết trôi. Nguyên Hãn đưa cái xác lên chôn cất cẩn thận trên bãi cao. Sau khi đắp điếm mồ mả xong xuôi, cảm thương không muốn để tử nữ vô danh Nguyên Hãn bèn đặt cho nàng một cái tên là Duy để ghi lên bia mộ. Nguyên Hãn chắp tay cầu khấn: “Nàng phận bạc, gặp nạn thiệt thân! Ta chẳng cứu được người, chỉ đắp được cho nàng một nấm mồ. Về sau nếu ta có gặp sự rủi ro, quẫn bách mong nàng phù hộ…”.   
          Chuyện tưởng thế là thôi nhưng sau này khi đầu quân tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, một trận bị giặc Minh vây hãm, dùng chó săn truy đuổi Nguyên Hãn phải chui trốn trong hốc cây bồ đề. Khi đàn chó săn đánh hơi sục đến Nguyên Hãn nhẩm khấn gọi tên người con gái chết trôi năm xưa. Bỗng đâu có một con cáo trắng từ trong hốc cây chạy vọt ra dụ đàn chó săn hung dữ đuổi theo. Nhờ vậy mà Nguyên Hãn thoát chết.   
           Lại nói thêm về thuở thiếu thời, Nguyên Hãn thường giúp cha mẹ làm ruộng, cuốc nương. Chàng vẫn thường cày cuốc ở khu gò đất hoang gần nhà. Một hôm, Nguyên Hãn đào được một thanh sắt dài, trông từa tựa như lưỡi gươm, đem về cất vào góc nhà. Đêm đến thấy ánh sáng lấp lánh từ thanh sắt toả ra. Đoán là báu vật, Nguyên Hãn giữ gìn cẩn thận, lựa những buổi đêm rỗi việc đem ra mài ở hòn đá lớn cạnh Vụng Tó. Hòn đá mài gươm mòn vẹt đi còn thanh sắt lộ hình lưỡi gươm sáng quắc và sắc như nước. Một lần đi bán dầu qua bến đò sông Phó Đáy đoạn qua làng Phú Hậu gặp lúc lão hàng chài kéo lưới từ dưới sông lên nhặt được cái chuôi gươm, Nguyên Hãn liền đổi ba gáo dầu dọc lấy cái chuôi đem về lắp vào lưỡi gươm vừa khít. Chàng thích lắm luôn đeo thanh gươm bên mình. Một tối Nguyên Hãn đi đặt đó đơm cá, nửa đêm kiểm tra các lờ, đó đều đầy tôm cá nhưng sáng ra thì đã rỗng không. Nghi có trộm, chàng liền để ý đi rình. Đêm sau từ chỗ nấp, chàng thấy có bóng người cao lớn lần tìm những lờ, đó của mình lấy tôm cá ra nhai sống. Nguyên Hãn ập đến rút gươm ra dọa. Trong đêm tối lưỡi gươm toả ra một thứ ánh sáng xanh lạnh sắc. Người kia hoảng sợ khụy xuống không chạy nổi. Thì ra đó là một con ma có dáng hình, mặt mũi kỳ quái. Con ma sợ hãi van nài:   
          - Ngài nhờ có gươm thần nên mới bắt được tôi. Nay nếu được tha tội, tôi xin biếu ngài một cái áo. Áo này có trăm cái cúc, nếu cài đủ sẽ có phép tàng hình, không ai nhìn thấy được.   
          Nguyên Hãn nhận cái áo. Quả là nó có thể giúp con người tàng hình. Chàng gọi nó là "ma y". Cái áo của con ma đã giúp Nguyên Hãn nhiều lần thoát nạn hiểm nghèo, lập công lớn, chém đứt lìa đầu tướng giặc Liễu Thăng trong trận đánh ở quan ải Chi Lăng sau này.   
          Khi Trần Nguyên Hãn mười tám tuổi thì cha mẹ đều chết. Nguyên Hãn dẫn hơn một ngàn quân lặn lội từ miền Sơn Đông, Lập Thạch(5) vào Lam Sơn, Thanh Hoá giúp Lê Lợi khởi binh lập nghiệp. Nguyên Hãn được Lê Lợi trọng dụng bởi tài năng quân sự xuất chúng, cầm quân bách trận, bách thắng, được giao trọng trách đứng đầu hàng quan võ, cùng ngồi trong trướng với chủ soái bàn việc kín… Khỏi phải nhắc lại những công danh của Trần Nguyên Hãn, bởi sự ấy mọi người đều rõ.     

          3- Một sáng, cũng phải đến hơn một năm sau ngày lập quốc, Hoàng đế thiết triều với dáng vẻ mệt mỏi. Những năm khởi nghiệp nếm mật, nằm gai, đói rét khiến nhà vua suy kiệt sức lực, lại buồn chuyện Quận vương(6) bậy bạ, lộng quyền, lo lắng bọn Văn Xảo(7) vốn gốc rễ Kinh Lộ sau này có chí khác. Giữa lúc đó thì Nguyễn Trãi dâng biểu tâu việc ghi danh các vị khai quốc công thần để lưu truyền muôn thuở. Liếc thấy tên Trần Nguyên Hãn được viết ở cột nhất, nhà vua chau mày. Khi Nguyễn Trãi lui xuống, nhà vua cầm cây bút lông chấm mực gạch một nét, xoá tên Trần Nguyên Hãn trong bản danh sách công thần. Nguyễn Trãi nhác thấy rùng mình, đổ mồ hôi hột, thấy như có cơn gió lạnh chạy dọc sống lưng. Trần Nguyên Hãn đứng ở xa thì bỗng tối tăm cả mặt mũi tựa có ngọn roi quất ngang mặt. Cố ngước lên nhìn nhà vua, Trần Nguyên Hãn kinh ngạc chợt nhận ra dung nhan thật của Hoàng đế Lê thái tổ. Giữa lúc ấy lại nghe như có tiếng nói vang vọng bên tai: “Đế Việt Vương chi tướng, bất khả đồng diệc lạc” (Nhà vua có tướng mạo giống như Việt Vương Câu Tiễn, không thể cùng hưởng yên vui, sung sướng được). Vậy nên mặc dù được Lê Lợi trọng dụng, Trần Nguyên Hãn vẫn có ý quy hưu. Trước việc Trần Nguyên Hãn cáo quan về vườn nhà vua mừng lắm, coi như bớt một mối lo hậu họa. Nhà vua hạ chiếu cho Trần Nguyên Hãn được từ quan về quê, đòi mỗi năm phải về kinh chầu một lần. Trần Nguyên Hãn và mấy quân thần xuống thuyền ngược dòng Nhị Hà theo lối cha mình ngày trước lên Hạc Trì. Hơn mười năm bôn ba chinh chiến, Trần Nguyên Hãn vẫn để vợ con ở Sơn Đông, Lập Thạch làm ruộng, ép dầu dọc…
           Về đến bến đò sông Lô thì Trần Nguyên Hãn gặp một cụ già tóc râu trắng như cước chặn lại hỏi:  
          - Gươm báu của ngài đâu rồi?    
          - Ta đã trao cho chủ soái để người cầm quân!   
          - Thế còn ma y?   
          - Cũng đưa để nhà vua lập nghiệp!   
          Cụ già nghe vậy lắc đầu thở dài không hỏi thêm nữa và buông áo để Trần Nguyên Hãn đi. Trần Nguyên Hãn đi vài bước quay lại đã không còn thấy cụ già đâu nữa. Trần Nguyên Hãn về làng xây phủ đệ, đóng thuyền đánh cá lại hay tụ tập bạn sơn tràng bàn việc điền viên. Bọn gian thần trong triều vốn căm ghét Trần Nguyên Hãn bởi bản tính cương trực nên mượn cớ ấy để dèm pha là tụ quân mưu phản khiến Lê Lợi thấy lòng dạ bất yên. Nhà vua hạ chiếu cho triệu Trần Nguyên Hãn về kinh. Khi nghe quan khâm sai truyền chỉ, lại thấy các lực sĩ xá nhân đao kiếm hầm hè đứng đen trên chiến thuyền đậu ở bến sông thì Trần Nguyên Hãn đã hiểu. Ngài dặn dò đám gia nhân việc hậu sự, từ biệt vợ con. Ra đến bến sông, Trần Nguyên Hãn ngửa mặt lên trời than rằng:   
          - Tôi với vua cùng mưu việc cứu dân, lập quốc, lòng trung không đổi! Nay khi việc lớn đã thành, nhà vua sớm quên chuyện đồng cam cộng khổ, lại mưu bức hại tôi. Xin trời cao thấu tỏ!   
          Khấn xong cười ha hả mà bước xuống thuyền. Đám quan binh lấm lét nhìn Trần Nguyên Hãn. Thuyền ra đến giữa sông thì neo lại. Quan khâm sai bảo: 
          - Hoàng đế ghi nhớ công lập quốc nên cho ngài được chết toàn thây!
          Đoạn sai tứ nhị lực sĩ trói Trần Nguyên Hãn lại. Nguyên Hãn mặt không biến sắc đứng im mặc cho bọn lực sĩ xông lại bắt trói. Đám lực sĩ dùng dây thừng xiết cổ để giết chết Trần Nguyên Hãn. Chúng ra sức kéo hai đầu dây. Vòng dây thừng thít chặt cổ mà Trần Nguyên Hãn mãi vẫn không chết. Ngài vẫn cười ha hả mà nói:  
          - Ta là con cháu của thần giao long làm sao giết nổi?   
          Đám quan quân, lực sĩ vung gươm đao định chém, Trần Nguyên Hãn bảo:   
          - Để ta tự trầm!   
          Nói xong, Trần Nguyên Hãn vùng vẫy, dây trói đứt lả tả. Ngài vẫn cười ha hả nhưng nước mắt thì lại trào ra giàn giụa đỏ tươi như máu. Bỗng giông gió nổi lên mù mịt. Cả một đoạn sông Lô ầm ầm tiếng sét nổ, sóng nước cuồn cuộn, thuyền bè chao đảo, tôm cá nhao lên. Đám quan quân triều đình vô cùng hoảng loạn. Trần Nguyên Hãn bước ra mạn thuyền gieo mình xuống dòng sông sâu.    
          Một lúc sau, trời trở lại quang quẻ, sóng nước bình yên. Quan quân triều đình trông thấy một con giao long đang từ từ chìm xuống đáy sông. Sóng nước trào lên ngầu đỏ rực.  
          Khi Trần Nguyên Hãn nhảy xuống sông tự vẫn cũng là lúc vua Lê đang ngồi cùng đám cận thần uống rượu. Nâng ly rượu lên định uống, nhà vua chợt kinh hãi nhìn thấy ly rượu của mình đỏ rực màu máu. Nhà vua lập cập buông rơi cái ly. Ly rượu vỡ tan, màu đỏ máu tràn loang trên nền điện. Hoàng đế buột miệng thốt lên: “Ta chót nghe theo lời sàm tấu vu cáo đã gây nên họa lớn cho Nguyên Hãn mất rồi!...”.    

          4- Đêm đã về khuya. Sương lạnh ngưng tụ thành giọt rơi lộp bộp ngoài sân. Câu chuyện của cụ thủ từ Đền Thượng vẫn còn dài. Tôi lặng lẽ ghi chép và cảm nhận sự linh nghiệm như vẫn còn hiện hữu. Ngoài bến Đông Hồ sóng sông Lô vỗ vào bờ đều đều tạo nên những âm thanh day dứt mãi đến muôn đời.
          Cụ thủ từ chợt ngừng câu chuyện và bảo tôi: “Thôi chú đi nghỉ đi! Mai là ngày chính giỗ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, nghe nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ về thắp hương cùng dân làng Sơn Đông tưởng nhớ người xưa. Hai vị danh tướng ấy hai thời đại khác nhau, âm dương cách biệt nhưng hình như có sự đồng cảm với nhau đấy chú ạ...".
                                                          
                                                                          
Lập Thạch, 12-2006
                                                                                      
-------------------------------------------------
 Chú thích truyện ngắn dã sử Bến sông xưa
(1)- Trần Án, bố Trần Nguyên Hãn.
(2)- Đặng Thị Hoàn, mẹ Trần Nguyên Hãn.
(3)- Thuộc khu vực núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
(4)- Tức Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, nhân vật trong truyện ngắn dã sử này.
(5)- Thuộc tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay.
(6)- Thái tử Tư Tề, do tính khí ngông cuồng sau bị phế xuống làm thứ dân.
(7)- Tức Phạm Văn Xảo, người nổi tiếng văn thơ và tài năng quân sự ở Thăng Long.

Truyện ngắn LÃO VÕ

        

        LÃO VÕ
        Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Sau chiến tranh lão Võ về phục viên. Mười bảy năm bộ đội mà lúc ra quân lão chỉ có mỗi một cái ba lô rách và hai bộ quần áo cũ. Những kỷ vật quý giá nhất lão đem về ngày ấy là con dao găm nhãn hiệu “made in USA”, cái hăng-gô nhãn hiệu “made in China” và một cái ca sắt tây tráng men có ghi dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
           Về làng, lão cũng chẳng còn người thân. Căn nhà gỗ xoan cũng đã cũ nát, sập xệ lắm rồi. Bà mẹ chết khi lão còn đang ở mặt trận. Căn nhà không có người trông coi nên càng nhanh xuống cấp. Lũ trẻ con biến nhà lão thành nơi tụ tập để chơi đùa, đánh trận giả. Có đứa láo lếu còn phóng uế ngay giữa sân.
           Lão dọn dẹp lại căn nhà hoang. Làm đơn mấy bận, lão mới được ban quản trị hợp tác xã phê duyệt bán cho hai trăm tàu lá cọ và ba trăm viên gạch để sửa nhà. Lá cọ dùng dọi lại mái nhà còn gạch để lát chỗ nền bị bong tróc. Sửa chữa xong nhà cửa lão tính chuyện làm ăn. Phục viên về quê không nghề ngỗng gì nên lão phải khá chật vật lo kiếm miếng cơm hàng ngày. Sau chiến tranh cả nước đều đói. Có bữa lão ăn toàn sắn. Những củ sắn đắng ngắt có bữa làm lão ngộ độc say lử. Mãi vẫn không thấy lão lấy vợ. Thằng Bông láo lếu nhất làng thì bô bô:
           - Hình như lão Võ bị mảnh đạn bay trúng làm cụt mất cái ấy rồi nên không dám cưới vợ!
           Ông Bân trưởng thôn mắng nó:
           - Mày đừng có mà nói bậy!
           - Thì đấy… lão ấy coi ao cá giống suốt ngày lội nước mà lúc nào cũng thấy lão đánh bộ quần áo dài, có dám mặc quần đùi, áo lót bao giờ đâu!
            Khi xóa bỏ bao cấp, làng xã giàu dần lên. Người ta bắt đầu kiến thiết, xây dựng nhà cửa. Đường xá mở rộng, các công trình công cộng, dân sinh được đầu tư. Căn nhà và mảnh vườn của lão Võ nằm trúng vị trí quy hoạch xây dựng nhà truyền thống của xã. Nhà lão bị giải tỏa. Xã cấp cho lão một rẻo đất xa hút, gần khu nghĩa địa của làng. Ông Bân trưởng thôn huy động dân quân và bà con trong làng giúp lão di chuyển ra nơi ở mới. Mấy thằng thanh niên vừa khênh kèo cột vừa cợt nhả:
           - Lão Võ này thế mà khôn thật! Lão chuyển nhà ra gần nơi “yên giấc ngàn thu” cho tiện sau này đỡ phải đi xa… 
            Nhà truyền thống xây dựng xong. Lão cũng được mời dự lễ khánh thành vì là cựu chiến binh chống Mỹ. Lão còn được mời lên đứng ở đầu hàng vì lão là người có tuổi quân lâu nhất. Lão đứng co ro phía trước khối cựu chiến binh. Lúc cắt băng khánh thành có một ông trung tướng trông rất bệ vệ cứ chăm chú nhìn lão mãi. Ông này từ tận Hà Nội về dự lễ. Pháo giấy nổ bôm bốp. Những mảnh giấy nhiều màu rơi xuống lả tả. Lão Võ đang định chuồn ngay về để xem cái ao cá đêm qua mưa to có bị sạt bờ không thì ông tướng kéo anh chủ tịch xã đến chỗ lão. Vị tướng già nắm tay lão hỏi:
            - Ông không nhận ra tôi à?
            - Ơ... ơ...
            Lão ú ớ. Ông tướng giới thiệu với mọi người:
            - Ông Võ cùng đơn vị với tôi! Ông ấy chiến đấu dũng cảm lắm. Hôm đưa tôi bị thương về tuyến sau gặp địch phục kích còn vật nhau với một thằng Mỹ, cướp được dao găm của nó, giết chết nó. Sau đó, ông ấy còn bị bom na-pan cháy hết người, may mà vẫn còn sống...
            Vị tướng lật cổ cái áo bộ đội cũ của lão Võ ra. Vai lão cháy đen, nham nhở, sần sùi. Thảo nào mà chả ai nhìn thấy lão cởi trần bao giờ. Vị tướng còn thở dài khe khẽ nói: “Ông ấy còn bị nhiễm chất độc da cam rất nặng nữa...”. Ông tướng kéo lão Võ và anh chủ tịch xã cùng vào xem nhà truyền thống. Hiện vật trưng bày chỉ có vài thứ lèo tèo. Hai khẩu súng CKC cũ kỹ, mấy thanh mã tấu sét gỉ. Một đôi thùng gánh nước được ghi là của các bà mẹ trong xã gánh nước uống lên trận địa phòng không, một ít giẻ rách của các cháu thiếu nhi tặng bộ đội lau pháo. Chỉ có trên tường là la liệt các loại giấy khen, bằng khen chủ yếu là của những năm gần đây. Vị tướng già chợt hỏi lão Võ:
           - Ông có còn giữ được con dao găm của thằng Mỹ không?
           - Còn...
           - Thế thì ông nên tặng lại cho nhà truyền thống của xã!
           - Vâng... vâng...
           Vị tướng cùng anh chủ tịch xã và mấy người theo lão Võ về nhà. Lão lôi từ trong gầm giường cái ba lô cũ. Lão lấy ra con dao găm “made in USA”, cái hăng-gô “made in China”, cái ca sắt tráng men “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đặt lên bàn. Lão mở cái hăng-gô đổ ra một đống huân huy chương các loại. Lão đồng ý tặng cho nhà truyền thống của xã ba thứ kỷ vật mà lão quý nhất. Anh chủ tịch hứa là “sẽ gìn giữ thật cẩn thận những hiện vật quý này để giáo dục truyền thống thế hệ trẻ”. Thằng Bông nghe thấy thế liền bữu môi nói với bọn thanh niên:
            - Lão Võ chiến tích đầy mình, đúng là một nhân chứng sống! Vậy mà chả ai thèm quan tâm, họ chỉ quan tâm đến mấy thứ hiện vật vô tri vô giác ấy thôi!
            Một thằng vẻ cũng lấc cấc thì bảo :
            - Hiện vật đem về cho vào tủ kính khóa lại là xong! Còn lão ấy sống nhăn răng mỗi năm chén hết cả hơn tạ gạo, rồi rau dưa, thịt cá, hút hết mấy cân thuốc lào, lại ốm đau liên tục. Lấy lão ấy làm hiện vật, nhân chứng sống thì bố ai mà chăm lo cho được...
            - Ừ phải... Bọn mình đi đá bóng thôi!
            Đám thanh niên ồn ào kéo nhau đi mất. Trong ngôi nhà cũ kỹ vừa mới dựng lại chỉ còn vị tướng già, lão Võ và anh chủ tịch xã.
                                                                            Hà Nội, 28/4/2011

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Truyện ngắn MỘT NGÀY Ở QUÊ

           
   
Một ngày ở quê
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Một ngày ở quê. Đang đi lang thang trên con đường mới mở ven đồi, tôi chạm trán lão Vụ đang cố đạp cần khởi động chiếc xe máy Trung Quốc cũ kỹ. Vừa nhìn thấy tôi, lão Vụ liền reo lên mừng rỡ:
          - May quá! Anh xem giúp cái xe… Tự dưng nó giở chứng không chịu đi nữa!
          - Bố kiểm tra lại xem hay là hết xăng?
          Tôi nhắc lão. Lão càu nhàu:
          - Hết là hết thế nào! Vừa đổ xăng lúc sáng, mất mẹ nó cả chục lít rượu sắn đấy!
          Tôi đặt khóm cây dương xỉ vừa nhổ được xuống vệ đường để giúp lão Vụ. Tôi đạp liền mấy cái. Chiếc xe máy cũ kỹ chỉ hừ hự rú lên rồi lại im bặt. Tôi mở nắp bình xăng. Đúng là bình xăng còn đầy ắp. Tôi rút bu-ri ra lau kỹ rồi lắp vào. Đạp cần khới động. Chiếc xe vẫn không chịu nổ máy. Tôi lại xem xét chiếc xe rồi kêu lên:
          - Bố khoá đường dẫn xăng lại thế này có mà đạp đến Tết nó chả nổ!
          Tôi mở khoá xăng rồi nhún nhẹ cần khởi động mấy cái chiếc xe đã rú lên bành bạch. Lão Vụ nghiến răng ken két:
          - Mả bố anh em nhà thằng Ngan, Ngỗng. Lúc nãy hai anh em nó xúm xít vào khen lấy, khen để chiếc xe này còn mới, máy còn ngon rồi lén khoá lại đấy. Chúng nó định chơi xỏ tao phải dắt bộ về nhà. Tý nữa mà gặp tao sẽ tẩn cho hai thằng trời đánh ấy một trận…
          Lão Vụ lại càu nhàu nói rồi bảo tôi:
          - Mới về thăm quê à! Lên đây tao đèo về luôn…
          Thấy tôi ngần ngừ vì muốn kiếm mấy cái cây mọc hoang dại ven rừng. Lão giục:
          - Vứt mẹ nó mấy thứ cây vớ vẩn này đi. Về nhà tao leo lên cây de già mà gỡ lấy mấy khóm phong lan. Có một khóm đang nở hoa đẹp lắm.
          Nghe lão nói vậy tôi thích quá. Tôi vội leo lên ngồi sau lão. Lão loạng choạng phóng xe đi. Chợt tôi hốt hoảng:
          - Không có mũ xe máy công an tóm được phạt chết.
          - Công an nào thèm vào con đường rừng này mà sợ! Đứng trong đường rừng để họ ăn cháo à?
          - Nhưng bố có biết đi xe máy không đấy, sao cứ loạng choạng thế?
          - Hề… hề… biết hết! Cả làng này ai mà chẳng biết đi xe máy. Tháng nào làng ta chả có thằng chết, thằng vỡ đầu, thằng gãy chân, què tay vì ngã xe máy… Ngày mới tập đi xe máy mấy lần tao phải phóng vào cây rơm ở cổng mới dừng lại được đấy! Hôm qua, bà Mía còn lao tõm luôn cả xe lẫn người xuống ao, uống no nước suýt chết, phải nhờ người buộc dây thừng khiêng xe lên bờ đấy!
           Nghe lão nói tôi phát hoảng. Tôi bảo lão để cho mình cầm lái cho nhưng lão nói: “Không cần, sắp về đến nhà rồi”.
           Nhà lão Vụ ở cuối xóm Trại. Ngày xưa khi tôi còn bé. Tôi nhớ chỗ này là một khu rừng già, cây cối um tùm, có nhiều loại gỗ quý. Bây giờ chỉ còn sót lại hai cây lim to, vài cây bứa già, mấy cây ngát, cây de, cây thành ngạnh ở một góc đồi rộng độ hai mẫu. Đấy là công lao của lão Vụ. Lão đã bảo vệ được góc đồi cây nguyên sinh cạnh nhà khi xung quanh người ta đã chặt phá hết để làm nương trồng sắn, trỉa ngô.
           Tuy không phải lao vào cây rơm để dừng xe nhưng lão Vụ cũng loạng choạng suýt ngã vì chiếc xe máy chở nặng leo lên dốc. Để xe máy ở sân, lão Vụ kéo tôi ra khu rừng nguyên sinh nhỏ bé của mình. Lão leo lên cây de sù sì định nhổ một khóm địa lan to. Tôi vội ngăn:
           - Bố chỉ tách cho tôi vài nhánh thôi nhé! Để yên ở trên cây nó mới tốt!
           - Hừ… để tao lấy cho đem về mà trồng. Bọn thằng Ngan, thằng Ngỗng mấy lần nhòm ngó định nhổ trộm rồi đấy!
           Lão Vụ leo cây như con sóc. Một loáng lão đã tụt xuống đưa tôi một bụi lan kiếm, một nắm giả hành lan lọng và bốn nhánh thuỷ tiên. Tôi bảo lão thôi đừng lấy nữa để trên cây cho lan phát triển. Với số phong lan lão đưa tôi ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cũng đến mấy trăm ngàn đồng chứ chẳng phải chơi.
           Lão Vụ kéo tôi vào nhà. Lão lôi chai rượu ra. Từ chối chả được, tôi đành làm một chén nhỏ. Nhăn mặt nuốt ngụm rượu sắn đắng ngắt, tôi vừa bảo:
           - Nông thôn bây giờ khá quá nhỉ,! Nhà nào cũng có xe máy, ti vi, tủ lạnh...
           - Thì... cứ bán đất đi là có tất! Mà phải cám ơn cái anh Tàu khựa. Nó đánh mình vỡ đầu mẻ trán nhưng cũng nhờ nó mà cả làng ta ai cũng có xe máy phóng vù vù. Tao mua lại cái xe này của thằng Lẫm, có năm triệu đồng, chả bằng nửa con trâu, thêm năm trăm ngàn nữa mua lấy cái bằng lái thế là phóng luôn ra đường...
           - Nhưng nông dân bán mất ruộng thì biết làm gì?
           - Mất ruộng thì đi làm thuê! Tiền làm thuê một ngày bằng hơn hai yến thóc, ăn đủ!
           - Thế khu công nghiệp họ không tuyển công nhân à?
           - Có chứ! Nhưng họ dự định tuyển loại U70 như tao vào bộ phận chuyên chế tạo vũ khí hạt nhân thì chúng tao làm thế quái nào được chứ? May mà tao còn một sào ruộng thụt chó trong thung lũng và bãi nương trồng sắn gần nhà nên vẫn đủ gạo ăn và rượu uống ngày ngày…
           Lão Vụ cười phô cả hàm răng đã bị khuyết mất mấy cái. Tôi lại hỏi:
           - Thế bọn thanh niên làng làm gì?
           - Chúng nó là công nhân chính hiệu chứ còn làm gì nữa. Chúng nó còn là những "trí thức" nữa đấy. Anh xem! Chúng nó suốt ngày, suốt đêm ngồi trong quán Internet chơi "gêm" trông có giống những cán bộ đang nghiên cứu khoa học không chứ?
           Tôi ậm ừ và định chào lão để về thì chợt nghe có tiếng kêu khóc ầm ĩ ở giữa xóm. "Giết... nó giết... tôi rồi... ".  Tôi hốt hoảng bảo lão Vụ:
           - Bố phải sang ngay xem có chuyện gì...
           - Tiếng con mụ Hoát đấy!
           - Hình như có đánh nhau to, chúng ta cùng đến xem thế nào?
           - Kệ mẹ mụ ta! Ngày nào chả thế. Ông chồng nã tiền để đi mát-xa, tắm hơi rồi uống rượu về đòi chi thêm để đi tiếp. Mụ ta không chịu nên bị xơi vài cái bạt tai ấy mà… Chỉ tý nữa thôi trúng con đề mụ ấy lại cười xoe xóe cho mà xem! Ngày nào cũng thế mà, nhiều tiền thì sinh chuyện…
           - Nhà bà ấy ngày xưa nghèo nhất xóm cơ mà, lấy đâu ra tiền?
           - Ôi dào… mấy sào ruộng nhà mụ ấy sát đường được đền bù nhiều tiền nhất xóm. Nhận cả bao tải tiền đền bù đấy. Cả nhà ăn chơi thoải mái, hả hê… nhưng cũng chỉ được thời gian thằng con trai duy nhất vướng vào nghiện hút phải đi cai rồi, ông chồng thì sa vào cờ bạc, thích vui vẻ tươi mát, suốt ngày nã tiền vợ…
           Nghe lão Vụ nói kể chuyện xóm làng tôi thấy lòng mình trống chếnh. Rời nhà lão Vụ tôi đi dọc con đường mới mở ven xóm Trại. Vừa đi tôi vừa ngắm nhìn những căn nhà hai bên đường. Nông thôn miền núi đất rộng thế mà hai bên con đường liên xã cũng chia lô, xây nhà ống chen chúc như ở thành phố, cũng có những quán cà phê vách ngăn, những tiệm cắt tóc, gội đầu thư giãn, những nhà nghỉ cửa kính tối màu. Thành phố có gì bây giờ làng quê có nấy. Ra đường trẻ con mẫu giáo cũng “hê-lô”, “gút-bai” ríu rít, bà già cũng điện thoại di động cầm tay vừa gánh phân ra ruộng vừa í ới gọi nhau hẹn đi lên đồng, áp vong, lễ phật…
           Một ngày ở quê để lại trong tôi một sự cảm nhận có những cái đang hình thành và bao điều đang dần dần tàn phai sau lũy tre làng ngàn đời yên ả.
                                                                      VP, ngày 20/11/2011      
        

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Truyện ngắn NGỌN GIÓ SÂN CHÙA

                   
                    Ngọn gió sân chùa
                    Truyện ngắn của Trọng Bảo
                                
     Từ khi chuyển đổi cơ chế, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân khá hơn. Cứ nghĩ lại cái thời bao cấp sau chiến tranh ai cũng vẫn còn thấy sởn gai ốc. Ngày ấy, có được miếng thịt là may. Cầm tem phiếu đi mua thịt, chỉ mong cô bán hàng thực phẩm cắt cho miếng có tý mỡ để còn rán sào được cả tuần, cả tháng.
       Bây giờ thì khác. Ai cũng ngán ăn nhiều thịt sợ coletron, máu nhiễm mỡ, khó tiêu hoá. Ngày xưa còn có cả loại “phở không người lái” (không thịt). Còn bây giờ thì nhan nhản những nhà hàng đặc sản. Quỹ  phúc lợi cũng tăng lên. Vì vậy, năm nào cơ quan tôi cũng tổ chức cho công nhân viên chức đi du lịch tham quan danh lam thắng cảnh. Thôi thì Chùa Hương, Tam Cốc, Bích Động, Hạ Long, Yên Tử đủ cả.
      - Năm nay cơ quan ta sẽ đi thăm Huế! - Ông cán bộ công đoàn tuyên bố: - Thế nhưng phải tổ chức bình xét cẩn thật. Ưu tiên các cá nhân là chiến sĩ thi đua, bằng khen, giấy khen trước đã...
      - Tôi đề nghị thế này! - Thằng Hùng nêu ý kiến: - Chúng tôi chẳng là cá nhân tiên tiến, xuất sắc, chiến sĩ thi đua gì cả nhưng xin cơ quan cứ cho đi. Chúng tôi xin nộp một trăm phần trăm chi  phí, cho cả vợ con đi luôn.
      - Đồ hợm của, cậy tiền... - Thằng Quang ghé tai tôi nói nhỏ: - Nó cậy có tay nghề cao, chân ngoài dài hơn chân trong, kiếm tiền như nước đấy anh ạ!
      - Thây kệ nó kẻo mất đoàn kết. - Tôi bảo. Thằng Quang im lặng nhưng vẫn hậm hực.
     Thế là chuyến đi Huế được tổ chức. Chúng tôi sẽ vừa đi, vừa tham quan dọc đường vào, cũng như lúc quay ra. Khi đến Ninh Bình, thằng Hùng chợt bảo:
      - Ở đây có một ngôi chùa đẹp và linh thiêng lắm nhé, ta vào thắp hương cầu cho thượng lộ bình an...
      Cũng đã tới lúc nghỉ ăn trưa nên ông trưởng đoàn đồng ý dừng lại. Chúng tôi theo Hùng vào một khu cây cối um tùm, thấp thoáng những mái cong của am tự.
      - Mô Phật! Thí chủ vào nơi cửa thiền xin chớ nói to.
       Một vị sư nữ ra đón và nhắc vì thằng Hùng cứ oang oang khi đã vào tới sân chùa. Tôi nhìn nhà sư và giật mình những nét quen quen trên khuôn mặt. Nhà sư quay đi và dẫn đoàn vào chùa chính. Tôi len lên phía trước cố đến gần để nhìn kỹ nhà sư. Nhưng trong chùa ánh nến mờ ảo, khói nhang nghi ngút, nhà sư lại trùm khăn, chỉ hở khuôn mặt thật khó nhận ra là có phải người quen không.
      Cắm nén nhang trước Phật đài, tôi cũng chắp tay thầm khấn cho vạn sự như ý. Khi cả đoàn kéo đi tham quan hang động, tôi nấn ná chờ. Lúc nhà sư bước ra tiễn khách, dưới ánh sáng tự nhiên, tôi bật lên thảng thốt: “Đúng là Thảo rồi!”.
      - Thảo! Có  phải là Thảo không?
      - Mô Phật...
      Tiếng niệm Phật như một tiếng thở dài của gió tan biến vào không gian tĩnh mịch của cõi thiền.
       Lưỡng lự vài giây, nhà sư quay lại mặt hơi cúi xuống khẽ nói:
      - Anh Trung!
      - Sao Thảo lại ở đây? - Tôi hấp tấp, muốn biết ngay mọi việc, tôi nói thêm: - Lâm vẫn đi tìm thảo đấy!
      - Bây giờ Thảo đã là người của nhà chùa rồi!
      - Vì sao lại như vậy! Lâm đã mấy lần về Thái Bình tìm Thảo, lặn lội cả lên đơn vị cũ ở tận Tây Nguyên nữa.
       Nén một tiếng thở dài nhè nhẹ, Thảo bảo:
      - Tìm làm chi, chuyện cũ bây giờ còn gì đâu.
      - Nhưng... nhưng... - Tôi cố giãi bày khi nét mặt và đôi mắt của Thảo như đã trở về với cõi hư không của một thế giới tâm linh: - Nhưng Lâm vẫn đi tìm và đợi Thảo đấy!
      - Mô Phật! Nhờ anh Trung nhắn với anh Lâm là Thảo bây giờ không còn là... Thảo của ngày trước nữa. Lâm đừng tìm, đừng chờ đợi vô ích, hãy quên Thảo đi mà lo chuyện của riêng mình.
       Nói xong, Thảo lui vào phía sau những pho tượng phật đang trầm tư trên bệ. Tôi định đi theo để hỏi cho rõ mọi chuyện thì mọi người gọi ra xe vì cả đoàn đang chờ.
       Bất ngờ gặp Thảo nên tôi đột ngột quyết định bỏ dở chuyến đi quay về Hà Nội tìm Lâm. Lúc leo lên chiếc xe khách để quay lại, tôi còn nghe tiếng thằng Hùng léo nhéo: "Hâm... hâm... mấy ông cựu binh là hâm bỏ mẹ".
*

       Về đến cơ quan, tôi vứt vội đồ đạc vào phòng rồi vớ xe phóng đi tìm Lâm. Leo lên tận tầng năm mệt bở hơi tai mà phòng cậu ta lại khoá ngoài im ỉm. Tôi đến chỗ Lâm làm việc, gặp bác thường trực thì biết cậu ta đang cùng đoàn khảo sát thực tế để thiết kế cây cầu ở Phú Thọ, ngày mai mới về Hà Nội.
       Đành quay về. Đêm ấy, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được, mong cho trời mau sáng và Lâm trở về nhanh để đi tìm Thảo. Tôi nghĩ đến cảnh họ gặp lại nhau mà thấy lo lo. Không hiểu họ sẽ ra sao khi bây giờ Thảo và Lâm đã ở hai thế giới khác nhau. Bất giác tôi nhớ lại cái đêm trăng non mờ ảo ấy khi chiếc xe của chúng tôi vượt qua ngầm Ma Trơi gập ghềnh, nước xiết.
       Không hiểu từ bao giờ cánh lái xe vận tải quân sự vượt Trường Sơn ngày ấy lại gọi đó là cái ngầm “Ma Trơi”. Lần đầu tiên chạy tuyến đường này, tôi ghì chặt vô lăng và bảo Lâm:
      - Này! Cẩn thận, sắp đến ngầm Ma Trơi rồi đấy.
      - Sao lại gọi là ngầm Ma Trơi hả anh?
      - Chả biết! Chắc là có ma...
      - Úi trời! - Lâm khẽ kêu và ngồi thu lại. Cậu ta còn rất trẻ, vừa học mấy tháng lái xe là vào Trường Sơn ngay. Làm phụ lái cho tôi, Lâm rất chịu khó, chỉ phải cái hơi dát. Có hôm xe bị sa lầy cạnh bãi tha ma giữa cánh đồng, tôi bảo cậu ta chạy vào xóm nhờ dân quân ra giúp. Lâm sợ không dám đi. Bảo cậu ta coi xe để tôi đi thì cậu ta càng hoảng vì một mình ở cạnh bãi tha ma. Bực quá, tôi phải quát lên cậu ta mới dám ù chạy vào xóm tìm người.
       Đến ngầm Ma Trơi, tôi cho xe chạy chậm lại. Dưới ánh tăng non mờ ảo, tôi nhận ra những cô gái thanh niên xung phong mặc áo lót trắng đứng thành hàng làm cọc tiêu sống cho xe qua ngầm.
      Gần vượt qua ngầm thì bị bom. Lâm nhoài người ra cửa xe rồi kêu lên:
      - Anh Trung ơi dừng lại đi! Có một cô thanh niên xung phong bị nước cuốn trôi rồi! 
      Tôi quát:
      - Không dừng lại được! Xe đạn trúng bom nổ chết hết bây giờ, cậu nhảy xuống cứu cô ấy, nhanh lên.
      - Vâng! - Lâm đáp rồi mở cửa xe lao xuống dòng nước.
      Tôi cho xe vượt lên tạt vào vị trí an toàn. Kiểm tra xe, ngụy trang cẩn thận rồi tôi chạy quay lại. Đến lưng dốc thì gặp Lâm đang chạy lên. Tôi hỏi:
      - Cô ấy thế nào rồi?
      - Cô...cô...cô...cô...
      - Cô cô cái gì ? - Tôi quát: - Làm gì mà lập bà lập bập run như cầy sấy thế hả?
      - Cô... cô... - Lâm vẫn chưa trấn tĩnh lại được. Tôi cáu:
      - Cô ấy chết rồi à?
      - Không ạ! Chỉ bị thương thôi anh ạ!
      - Đồ hèn! Mới thế mà đã khiếp sợ rồi hả?
      - Không  phải thế mà... mà là vì... cô bị... trôi hết cả quần áo...
      Tôi phá lên cười:
      - Có thế mà đã sợ! Tưởng là ma hay đười ươi chứ gì?
       Lâm vẫn chưa hết run. Cậu ta lập bập kể:
      - Em nhìn thấy cô ấy bị bắn tung lên rồi bị nước cuốn đi. Biết cô ấy bị bom. Em nhảy xuống lao theo. Lúc ôm được cô ấy, em mới biết là cô ấy chẳng mặc gì trên người cả. Em sợ quá nhưng thấy cô ấy còn thở nên...
      - Thế bị thương có nặng không?
      - Chỉ bị sức ép nhẹ, choáng chút thôi. Khi em đưa được cô ấy lên bờ, chị em thanh niên xung phong ào đến đưa đi cấp cứu rồi.
      - Thế là ổn rồi! Thôi ta đi tiếp. Tưởng cậu sợ vì bom thì tớ tống cổ về phía sau ngay, còn sợ ma thì được.
       Lâm làu bàu:
      - Chỉ tại bà em đấy, hồi em bé cứ hay kể chuyện ma biến thành con gái đẹp lừa người nên mới sợ.
       Lúc đã ngồi yên trong ca bin rồi Lâm lại hỏi:
      - Sao cô ấy lại không mặc gì nhỉ?
      - Thì...có khi cô ấy đang tắm thì thấy xe qua nên lao ra làm “cọc tiêu sống” hoặc quần áo bị nước cuốn trôi... Mà lần đầu tiên nhìn thấy con gái khoả thân hả?
       Lâm gật đầu. 
*
 
   
    Sau cái lần bế nàng E-va từ suối lên ấy, Lâm đỡ nhát hơn, lại hay tủm tỉm cười một mình. Một lần dừng lại nghỉ ở gần ngầm Ma Trơi, chúng tôi đang nấu cơm thì có một cô gái xách mấy ngọn măng rừng đến. Lâm ấp úng giới thiệu:
      - Đây là Thảo... cô gái bị bom ở ngầm Ma Trơi...
      - A! Ghê thật... đã quen nhau rồi cơ à?
      Cô gái bẽn lẽn. Tôi trêu:
      - Hay là hôm ấy giả vờ thế để được người ta cứu đấy!
      Thảo đỏ bừng mặt, liếc nhanh về phía Lâm. Cô gái dáng mảnh mai, khuôn mặt trái xoan xinh đẹp. Lâm và Thảo thật đẹp đôi. Từ ấy mỗi lần qua khu vực đơn vị thanh niên xung phong của Thảo, tôi đều viện lý do dừng lại để hai người có dịp gặp nhau. Tình yêu đến với họ trong sáng và vô tư quá. Chắc là hai người đã hò hẹn với nhau nhiều chuyện của ngày mai.
       Chiến tranh vẫn diễn ra tàn khốc. Máy bay B52 của Mỹ rải thảm triệt hạ những cánh rừng già dọc tuyến được ra trận. Một đêm sau khi trả hàng xong, chúng tôi quay ra thì cả khu vực ngầm Ma Trơi chỉ còn là một bãi đất đá lẫn cây cối hoang tàn. ánh lửa còn cháy trên những thân cây lập loè như những bóng ma. Lâm hốt hoảng sục sạo khắp mọi chỗ nơi đơn vị thanh niên xung phong trú quân để tìm kiếm. Tịnh không có một bóng người. Chỉ có những hố bom sâu hút vào lòng đất. Một cái áo lót con gái vương trên cành cây máu vẫn chưa khô. Tôi bảo Lâm:
      - Tìm nữa cũng vô ích. Ta cứ đi tiếp, biết đâu họ đã lùi về phía sau rồi.
      Lâm thẫn thờ bước lên xe. Vừa chạy được một đoạn thì có tiếng người quát:
      - Dừng lại! Có bom nổ chậm đấy!
      Tôi nhảy xuống hỏi:
      - Ai đấy ?
      Vẫn tiếng người lúc nãy:
      - Chúng tôi là lính đơn vị công binh...
      - Thế đơn vị nữ thanh niên xung phong ở đây đâu rồi?
      - Hình như họ hy sinh hết trong trận bom lúc chiều rồi. Đơn vị chúng tôi được điều đến để thông đường.
      - Hy sinh hết rồi à? - Tiếng Lâm thảng thốt:
      - Có mấy người bị thương nặng đã được chuyển về phía sau cứu chữa rồi.
      - Nhưng đường còn đi được không? - Tôi hỏi.
      - Vẫn đi được nhưng chưa tìm hết bom nổ chậm!
      - Thế thì cứ cho chúng tôi qua.
      - Cẩn thận đấy! Đến đoạn cua trước mặt phải bám vào phía núi kẻo lăn xuống vực!
      Tôi và Lâm thay nhau lái xe quay về phía hậu cứ. Gặp xe nào đi vào cũng hỏi thăm. Nhưng chẳng ai biết về số phận những cô gái thanh niên xung phong ở ngầm Ma Trơi cả.
       Những chuyến tiếp theo, mỗi lần qua khu vực ngầm Ma Trơi, chúng tôi đều dừng lại tìm kiếm, dò hỏi nhưng cũng chẳng ai biết gì hơn. Khi bọn Mỹ rút đi, ngầm Ma Trơi được gia cố, bắc cầu phao cho xe pháo ra trận chuẩn bị tổng tiến công, không còn những hàng “cọc tiêu sống” nữa.
       Chiến tranh kết thúc, tôi và Lâm đều chuyển ngành. Lâm vào học tiếp đại học giao thông vận tải tốt nghiệp thành kỹ sư thiết kế cầu đường. Cậu ta vẫn không ngừng tìm kiếm, nhiều lần tìm về quê Thảo nghe ngóng tin tức. Gặp nhau lần nào, Lâm cũng bảo:
       - Em vẫn tin là Thảo không thể chết. Cô ấy có địa chỉ của em nhất định cô ấy sẽ tìm em.
       Tôi an ủi Lâm vài câu chứ cũng không tin lắm.
       Lâm là một kỹ sư giỏi, được đề bạt làm trưởng phòng. Nhiều cô gái sắc nước, hương trời tìm đến nhưng cậu ta cứ dửng dưng. Có một cô sinh viên thực tập do cậu ta giúp làm luận án tốt nghiệp rất thuỳ mị, luôn quan tâm chăm sóc, thầm yêu nhưng Lâm chỉ coi như bạn, thậm chí chỉ coi như là em gái khiến cô ta giận lắm. Vợ tôi cũng giở trò mai mối, hết đám này đến đám khác nhưng Lâm chỉ ậm ừ cho qua chuyện... 

*

       Mãi xế chiều hôm sau, Lâm mới về đến Hà Nội. Nghe bác thường trực cơ quan nhắn, Lâm bổ đến tìm tôi. Nghe tôi thuật lại việc bất ngờ gặp Thảo, Lâm há hốc mồm vừa mừng, vừa lo. Tôi bảo:
      - Sáng mai mình sẽ đưa cậu vào gặp cô ấy!
      - Sao lại sáng mai! Đi ngay bây giờ anh ạ.
      - Trời tối đến nơi rồi, mà mãi tận Ninh Bình cơ mà!
      - Tối cũng đi! Ngày xưa anh em mình lái xe vượt Trường Sơn toàn đi ban đêm đấy thôi, hay anh sợ?
       Nói đoạn, Lâm dắt chiếc xe máy cọc cạch ra cổng. Thì đi. Tôi cũng nổ máy. Ra khỏi Hà Nội thì trời mưa tầm tã. Lâm tạt vào một quán ven đường mua hai cái áo ni lông mỏng tang đưa cho tôi một chiếc.
       Trời sụp tối. Lạc đường loanh quanh mãi, gần chín giờ đêm chúng tôi mới tìm được ngôi chùa định đến.
       Đêm vùng quê cô tịch, chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả. Tạnh mưa, đom đóm bay ra lập loè. Tiếng mõ niệm kinh đều đều như tiền định khắc vào không gian.
       Nghe tiếng đập cổng, chú tiểu ra mở cửa rồi dẫn chúng tôi vào gặp sư cụ. Sau khi nghe chúng tôi trình bày mọi chuyện, sư cụ chắp tay:
      - Mô Phật! Các thí chủ đến chậm mất rồi!
      - Sao thế ạ?
       Sư cụ không trả lời. Người với tay mở cái hộp lấy ra một phong thư đưa cho chúng tôi.
       Lâm lập cập mãi mới mở được và ghé vào ngọn nến đọc. Càng đọc, nét mặt cậu ta càng tái đi vẻ thất vọng... Lâm đưa bức thư cho tôi.
      Thảo viết: “Anh Lâm! Thảo biết thế nào rồi anh và anh Trung sẽ đến tìm nên để lại bức thư này trước lúc ra đi. Xin anh Lâm tha thứ cho Thảo bởi những lời ước hẹn khi xưa. Thảo cũng đã đi tìm và biết anh Lâm đã học hành thành đạt, lại có nhiều người con gái khác mong muốn thành thân. Vậy là Thảo mừng. Thảo bây giờ không thể gặp anh Lâm được nữa, bởi vì Thảo đã là người của nhà chùa, thoát khỏi cõi trần tục rồi. Thảo chỉ xin các anh đừng đi tìm nữa, hãy làm việc và sống hạnh phúc. Đó cũng là điều mà Thảo mong muốn và mãn nguyện lắm rồi”.

       Nhìn những dòng chữ xiêu xiêu và nhòe ướt, tôi hiểu Thảo đã khóc khi viết bức thư này. Lâm thẫn thờ nhìn ngọn nến leo lét cháy, trực tắt mỗi khi có gió. Sư cụ vừa lần tràng hạt vừa chậm rãi kể:
      - Sư Thảo bị bom Mỹ ở Trường Sơn phải cắt bỏ dạ con, mất cả chức năng của con người do tạo hoá ban cho nên không muốn gặp lại con vì không thể làm vợ, làm mẹ được nữa. Khi về quê lại chẳng còn họ hàng thân thích nên đã xuống tóc vào chùa đi tu. Sư Thảo cũng đã nhiều lần tìm và dõi con từ xa, biết con công thành, danh toại nên yên lòng lắm.
      - Thế sư cụ có biết bây giờ cô ấy đi đâu không?
      - Khi rời chùa này ra đi, sư Thảo có đến lạy ta và nói: “Lần này con xin đức trụ trì xá tội, con không thể nói sẽ đi đâu vì con biết người có tấm lòng đại đức, đại bi sẽ động tâm khi họ hỏi”. Vì thế, ta cũng không rõ sư Thảo đã đi về phương nào!

      Lâm vẻ bức bối, thất vọng:
      - Giá như em không la cà ăn uống với mấy thằng bạn ở Việt Trì mà về ngay Hà Nội từ hôm qua có phải kịp đến gặp Thảo không?
      Tôi bảo:
      - Thảo đã quyết như vậy rồi dù có gặp được cũng thế thôi.
      - Nhất định em sẽ tiếp tục đi tìm bằng được cô ấy!
      Tôi lắc đầu nhìn Lâm. Ngoài sân có tiếng lá khô lăn nhè nhẹ như tiếng bước chân người. Một ngọn gió cô đơn nào đã thổi qua sân chùa...
                                                  
                                                                       Mùa Đông 2002