Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Truyện ngắn HƯƠNG THỊ (phần 2)


              

Hương thị
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Tôi được biên chế về trung đoàn 246B. Thời chống Mỹ, quân đội ta đều có các đơn vị A và đơn vị B. Đơn vị có chữ A thường là khung huấn luyện, đơn vị có chữ B là đơn vị chiến đấu. Mặt trận cũng đặt là theo chữ cái A, B, C sau này thêm mặt trận K nữa. A là mặt trận miền Bắc. Miền Bắc cũng phải đánh nhau với máy bay của bọn Mỹ. Mặt trận B là chiến trường miền Nam, C là chiến trường Lào, K là Campuchia. Ngày ấy cứ nói đi B tức là sẽ vào miền Nam chiến đấu. Ở chiến trường A (miền Bắc) còn có hy vọng sống, còn đi B thì phần sống trở về rất thấp. Làng tôi ngày ấy mười người đi B thì chỉ có ba, bốn người trở về. Cũng vì thế mới có chuyện nhiều người mang danh hiệu “bê quay”. Đó là những người không chịu nổi bom đạn, hy sinh bỏ mặt trận hoặc đào ngũ khi được biên chế vào đơn vị B, trên đường đi chiến trường thì trốn quay trở về hậu phương.
          Đơn vị tôi khẩn trương huấn luyện để chi viện cho miền Nam. Hồi ấy chỉ là bọn “lính quèn” nên tôi không biết chuyện có kế hoạch chuẩn bị tổng tiến công giải phóng miền Nam năm 1975, chỉ biết sẽ ra đi không biết ngày nào trở về. Chúng tôi được cấp phát các loại vũ khí, trang bị, quân trang để sẵn sàng lên đường. Khẩu súng AK nhãn hiệu “made in CCCP”, bộ quần áo, tăng võng, cái bình tông “made in China” va cái ca tráng men sắt tây có in dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
          Một buổi trưa ăn cơm xong tôi vừa chợp mắt thì tiểu đội trưởng kéo chân gọi nhỏ:
          - Ra ngay chiêu đãi sở có khách đến thăm!
          - Khách nào thế hả anh?
          Tôi hỏi. Tiểu đội trưởng lắc đầu:
          - Chả biết! Cũng là lính tráng. Nghe nói cùng quê với ông. Nhớ là chuyện trò tâm sự gì thì đến trước giờ báo thức buổi chiều phải về để đi tập chiến thuật nhé!
          - Vâng… nhưng cùng là lính tráng sao trực ban không cho vào luôn trong doanh trại hả anh?
          - Quy định là như thế! Vào đây để các ông trò chuyện ầm ầm, đơn vị mất ngủ, chiều đi tập thế nào được hả!
          Tôi vội mặc quần áo ra nhà chiêu đãi sở. Một người mặc quân phục vải Tô Châu mới tinh đang ngồi chờ sẵn. Tôi vô cùng ngạc nhiên nhận ra đó là thằng Thân. Thằng Thân rất vui mừng vì gặp được tôi. Hai thằng ngồi nói chuyện với nhau suốt buổi trưa.
           Qua lời kể của thằng Thân tôi lờ mờ hiểu được mọi chuyện.
          Ngay sau khi tôi lên đường nhập ngũ thì chi đoàn lớp 10B cũng tổ chức kết nạp đoàn cho thằng Thân. Trong một buổi sinh hoạt lớp Thằng Phú đã nhận việc nó đến mượn cuốn sách hoá học của thằng Thân đã sơ ý để quên cái bút Kim tinh và tờ năm đồng vào hộc bàn chỗ ngồi của thằng Thân. Khi mọi việc vỡ lở nó đã định nhận lỗi của mình ngay nhưng lại sợ khuyết điểm nên không dám nói. Bây giờ nó thấy hối hận nên xin chịu kỷ luật trước lớp và chi đoàn.
           Việc thằng Phú nhận là vô tình bỏ quên cái bút máy và tiền vào hộc bàn đã xoá được cái tội ăn cắp cho thằng Thân. Trong lớp có người nghi ngờ việc “vô tình bỏ quên” của thằng Phú nhưng không ai muốn truy cứu. Việc xong xuôi, êm đẹp thì thôi. Ngày ấy ai cũng sợ khuyết điểm, mất thành tích chung của tập thể. Lớp không có người ăn cắp thì càng tốt. Cô bé Thu, lớp trưởng kiêm bí thư chi đoàn lớp tôi ngày ấy là một người con gái rất xinh, tính tình hìền dịu, nhu mỳ, lúc nào cũng chỉ sợ thành tích lớp mình kém lớp khác. Hôm lớp xảy ra chuyện “ăn cắp” của thằng Thân, tôi để ý thấy Thu rất buồn. Cả năm xây dựng phong trào thanh niên, tổ chức phong trào thi đua của lớp thế là công lao đổ hết xuống sông, xuống bể. Thu đã khóc sưng cả mắt và buồn hơn chính cả thằng Thân - tên tội phạm số 1 của lớp 10B chúng tôi ngày ấy.
          Thân thoát tội ăn cắp và được xem xét kết nạp vào đoàn thanh niên lao động. Đơn xin nhập ngũ của nó lập tức được chấp nhận, và nó trở thành một người lính, một đồng đội của tôi. Nó cũng ở một đơn vị B đóng quân gần đơn vị. Đơn vị nó cũng đang khẩn trương huấn luyện để chuẩn bị hành quân ra mặt trận chiến đấu.
          Lại nói về chuyện ở lớp 10B ngày ấy. Thằng Phú bị kiểm điểm vì đã gây ra chuyện nghi ngờ trong lớp có kẻ ăn cắp, làm cho lớp tôi mất điểm thi đua trong học kỳ 1. Cuối năm học, thằng Phú không đạt tiêu chuẩn “Đoàn viên 4 tốt”. Thế mà nó có vẻ chẳng lo lắng, buồn phiền gì. Sau này chúng tôi mới biết việc nó đứng lên nhận khuyết điểm trước lớp đã gây họa, làm oan cho thằng Thân là có một sự hy sinh, đánh đổi của một người khác. Người đó chính là Linh. Linh đã đoán biết ngay là thằng Thân là nạn nhân, bị ném đá giấu tay, vu oan giáo họa. Linh cũng biết cả người đã ném đá giấu tay và lý do vì sao hắn làm như thế. Linh đã gặp Phú. Rồi sau đó Linh đã nhận yêu nó. Sau khi thằng Phú nhận lỗi trước lớp, chịu hình thức kỷ luật hình như Linh còn hiến dâng cho nó tất cả. Linh đã cứu danh dự cho thằng Thân như thế đấy. Chẳng biết Linh làm như vậy là khôn hay dại.
           Đám học sinh cùng lớp, cùng trường, nhất là bọn học sinh thủ đô sơ tán về nông thôn có nhiều đứa bảo là thằng Phú ngu, tự dưng lại giơ đầu chịu báng, nhận hết khuyết điểm về mình một cách hoàn toàn tự giác như thế. Khi thằng Phú không đạt tiêu chuẩn “Đoàn viên 4 tốt”, có người đẫ gặp để chia sẻ, an ủi nó. Họ không biết thằng Phú làm như thế là nó đã “bắn một mũi tên trúng hai đích”. Nó đã có được một người con gái đẹp. Điều quan trọng hơn là nó còn đạt được một mục đích khác nữa mà bọn chúng tôi ngày ấy không một ai nghĩ tới.
           Thằng Phú có một ông chú làm ở Bộ Tổng tham mưu quân đội. Ông này là cán bộ cấp cao, biết được nhiều thông tin bí mật. Ông biết chuyện sẽ tổng động viên chuẩn bị cho những chiến dịch lớn giải phóng hoàn toàn miền Nam. Là một người lính chiến, ông càng hiểu rõ sự khốc liệt, chết chóc của chiến tranh. Thằng Phú là đứa con của anh ruột ông, cũng là cháu đích tôn của dòng họ. Ông ấy tính đến chuyện an toàn cho thằng cháu. Khi đi công tác qua Vĩnh Phú, ghé thăm anh trai và cháu ở nơi sơ tán, ông đã bày cách để thằng Phú khỏi phải đi bộ đội. Việc thằng Phú nhận khuyết điểm gây nên sự hàm oan cho bạn nên cuối năm học không đạt tiêu chuẩn “Đoàn viên 4 tốt” lại là một cơ hội tốt. Thế là nó cũng không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội. Đi bộ đội đánh Mỹ ngày ấy chỉ ưu tiên cho những thanh niên ưu tú mà thôi. Sau đó một thời gian ngắn nó chuyển trở về Hà Nội, làm lại học bạ và đi học đại học, trong khi thằng Thân và tôi cũng chuẩn bị ra chiến trường.
 *
           Buổi trưa hôm ấy tôi và thằng Thân đã nói với nhau rất nhiều chuyện. Chúng tôi nhớ về ngày ấu thơ cùng nhau cắp sách tời trường, nhớ về kỷ niệm những đêm lửa trại thanh niên, cả chuyện hai thằng trốn học đi bộ lên huyện xem phi công Mỹ bị bắt sống tại núi Sáng. Bao nhiêu chuyện được nhắc lại nhưng tiệt nhiên không thấy thằng Thân nói về chuyện của nó với Linh. Nó chỉ tặc lưỡi nói mấy cậy thị trên đồi Ma mùa này ra quả xanh sai lắm, ánh mắt thì lại có vẻ xa xăm, thoáng buồn. Lúc chia tay tôi thằng Thân bảo:
          - Đơn vị tao sắp đi rồi… Hẹn gặp mày ở quê sau ngày chiến thắng nhé!
          - Ừ! Mày cũng phải cố gắng mà rèn luyện. Trông mày nhỏ con, gầy yếu thế liệu có đủ sức mà leo qua đỉnh Trường Sơn không đấy?
           - Mày yên tâm! Nhất định tao sẽ không bao giờ chịu lùi bước đâu.
           Chúng tôi chia tay nhau.
           Sau ngày miền Nam giải phóng tôi có gặp lại thằng Thân nhưng không phải tại quê hương trung du của chúng tôi như lời hẹn ước ngày còn ở thao trường huấn luyện Thái Nguyên. Thằng Thân đã không trở về quê sau ngày chiến thắng trong một mùa thị chín như là lời nó đã hẹn với tôi…
                                                                               Hà Nội, 10-2011
          (còn nữa)

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Truyện ngắn HƯƠNG THỊ (phần đầu)

       
       
Hương thị
Truyện ngắn của Trọng Bảo

           Truyện ngắn Hương thị tôi viết từ khi đang còn là học sinh lớp 10. Tính đến nay vừa đúng bốn mươi năm. Bản thảo chả còn giữ được. Truyện ngắn này chỉ được đăng một lần duy nhất trên tờ báo tường lớp 10B của tôi ngày ấy. Tôi chỉ nhớ đại ý của truyện. Ấy vậy mà lại có một người nói vẫn còn nhớ được gần như nguyên văn truyện ngắn. Thật thú vị, đó lại chính là nhân vật nữ mà tôi viết trong truyện ngắn. Và cũng đúng bốn mươi năm tôi cũng mới gặp lại nguyên mẫu một nhân vật của mình.
           Hôm đó là ngày nghỉ các con không về vì đều bận việc của cơ quan, tôi tự lo việc ăn uống. Tôi ra chợ mua vài lạng thịt, mớ rau muống. Mấy lạng thịt lợn và mớ rau đủ cho tôi chén trong hai ngày nghỉ. Thịt rang mặn, mỗi bữa luộc vài ngọn rau lấy nước luộc dầm sấu chan cơm là ổn. Mấy ngày nghỉ tôi sẽ cắm mặt vào màn hình máy vi tính quyết tâm sửa chữa cho bằng xong tập tiểu thuyết “Chuyện đời hắn” kịp nộp nhà xuất bản như đã hứa với họ.
          Vừa đến chợ qua dãy hàng thịt nhìn thấy tôi, chị bán hàng đã đon đả:
          - Anh vẫn đúng hai mươi nghìn chứ ạ?
          - Vâng… - Tôi đáp. Chị bán thịt đã quen với định mức thịt mà tôi vẫn mua cho bốn bữa trong hai ngày nghỉ. Cầm mẩu thịt lợn bé tý, tôi sang dãy hàng rong mua rau. Những người bán rau này thường ở ngoại thành. Họ trồng rau rồi đem vào nội thành bán. Tôi hỏi mua một mớ rau muống. Người phụ nữ bán hàng nói: “Xin anh năm nghìn!”, rồi cho mớ rau vào cái túi ni-lông. Khi ngẩng lên đưa rau cho tôi người đàn bà bỗng đứng bật dậy ngập ngừng hỏi:
          - Có phải… có phải anh là… là…
          Tôi cũng ngỡ ngàng nhận ra một nét mặt quen quen. Tôi cố nhớ xem đã gặp ở đâu thì người đàn bà bán rau đã nói:
          - Em là Linh… hồi năm bảy hai sơ tán về quê anh…
          Tôi giật mình. Trong trí nhớ của tôi vùn vụt trở lại những hình ảnh của bốn mươi năm trước. Cô Linh xinh đẹp hoa khôi của lớp 10B chúng tôi ngày ấy đây ư! Nhìn người đàn bà lam lũ bên gánh rau muống tôi như chưa tin ở mặt mình. Nhưng rồi tôi bừng tỉnh. Đã bốn mươi năm rồi cơ mà. Linh như hiểu cái nhìn của tôi. Hai bàn tay đen đúa của cô vặn vặn vào nhau rồi nói:
          - Hôm nào anh rỗi đến nhà em chơi. Nhà em ở số… Cầu Giấy. Em và anh Phú vẫn nhắc đến anh và những ngày sơ tán lên Lập Thạch đấy…
          - Thế Linh và Phú…
          - Vâng anh Phú là chồng em! Anh ấy ốm đau luôn, bây giờ yếu lắm rồi…
          Tôi hứa sẽ đến thăm nhà Linh. Khi tôi cầm mớ rau muống định quay đi thì Linh lại bảo:
          - Em vẫn nhớ như in câu chuyện Hương thị của anh viết ngày ấy đấy.
          - Thế à! - Tôi ngạc nhiên nhưng chợt nghĩ: “Linh là nhân vật chính của truyện ngắn nên cô ấy nhớ là phải thôi!”. Truyện ngắn ấy khi đăng trên tờ báo tường ai chả biết là tôi viết về Linh và những người bạn trong lớp mặc dù tên các nhân vật trong truyện tôi đã viết khác đi. Đó chính là truyện ngắn đầu tay của tôi.
           Khi về đến nhà tôi tạm dẹp tập bản thảo cuốn tiểu thuyết dày cộp đầy những gạch xoá, sửa chữa chi chít sang một bên để cố nhớ lại những gì đã viết trong truyện ngắn Hương thị của bốn mươi năm trước.

*

           Bước vào năm học cuối cấp 3, lớp 10B có thêm mấy học sinh mới. Đó là đám học sinh Hà Nội sơ tán về vùng quê trung du này. Trong số học sinh mới tôi chú ý đến một cô bé rất xinh xắn có mái tóc cắt ngắn ngang vai. Tên cô bé là Linh. Đó đúng là một người con gái đẹp - Tôi nghĩ. Lũ học sinh nông thôn, nhất là lũ con gái thấy ghen tỵ với đám học sinh mới đến. Bọn chúng sao mà thơm tho sạch sẽ, tươi tắn thế. Người thủ đô có khác. Ngược lại, cánh học sinh nông thôn chúng tôi có đứa suốt ngày lội ruộng cấy lúa, chăn trâu trên đồi. Buổi sáng đi học thì buổi chiều gánh phân ra đồng. Quần áo, sách vở thì luôn lấm lem bùn đất. Đứa nào có cái xe đạp cũ kỹ để đi học là may mắn lắm rồi.
           Chúng tôi nhìn đám học sinh Hà Nội với con mắt luôn có một khoảng cách. Vậy mà chỉ sau một thời gian Linh lại kết thân với tôi và thằng Thân. Tôi và thằng Thân cùng tuổi, nhà ở gần nhau, cùng học với nhau từ lớp vỡ lòng cho đến cấp 3. Hai thằng chúng tôi như hình với bóng. Dù hai đứa khác nhau về tính cách lẫn hình dáng. Tôi vốn tính hấp tấp, nóng nảy, thấy việc gì chướng tai, gai mắt là nói luôn. Thằng Thân thì tính tình trầm tĩnh, ít nói. Trông nó lúc nào cũng lù đù như chuột chù phải khói. Có người còn bảo nó đần. Ấy vậy mà khi Linh làm bạn với hai thằng chúng tôi lại rất thích trò chuyện trao đổi với nó. Hai chúng tôi đều học giỏi. Tôi là học sinh giỏi văn, thằng Thân giỏi toán, còn Linh thì giỏi cả văn lẫn toán. Chúng tôi hình thành một bộ ba gắn bó rất khăng khít. Giữa tôi và Linh chỉ là tình bạn. Con giữa thằng Thân và Linh thì đã vượt lên trên tình bạn một chút. Ngày ấy, học sinh cấp hai đã đi bộ đội. Cánh học sinh cấp ba chúng tôi lớn lộc ngộc. Năm nào chúng tôi cũng tiễn các bạn lên đường nhập ngũ ra trận.
           Linh và Thân yêu nhau rất bí mật, cả lớp không ai biết. Ngày ấy đang là học sinh phổ thông mà yêu nhau thường bị nhắc nhở, kiểm điểm vì sợ ảnh hưởng đến học tập. Việc tôi và thằng Phú phát hiện ra họ yêu nhau hoàn toàn tình cờ.
           Ngày ấy quê tôi rừng núi còn nhiều cây cối rậm rạp. Ở sườn đồi ven cánh đồng có những cây thị cổ thụ. Mùa thị chín màu vàng sáng cành cây, hương thơm ngào ngạt. Khi còn nhỏ cánh học trò chúng tôi hay rủ nhau leo cây hái thị ăn. Bọn con gái rất thích có những quả thị bé tý teo bằng ngón chân cái để trong cặp sách, bỏ trong túi áo cho hương thơm toả ra hít căng cánh mũi. Thằng Phú là đứa trong đoàn học sinh Hà Nội sơ tán về quê tôi. Nó cận thị nặng, lúc nào cũng đeo cặp kính dày cộp trên mắt.
            Một hôm tự dưng nó gạ tôi:
            - Mày kiếm cho tao một quả thị chín thật nhỏ nhé?
           - Định tặng em nào trong lớp hả?
           Nó ấp úng không trả lời. Tôi bảo:
           - Thôi được! Mày theo tao lên rừng. Tao sẽ trèo lên cây kiếm cho mày một quả thị thật bé nhưng thật thơm.
           Thằng Phú rất thích, nó đi theo tôi. Tôi cũng muốn giúp nó cũng còn vì một lý do khác. Bố mẹ nó là nhân viên của Thư viện quốc gia đem theo rất nhiều sách quý sơ tán về quê tôi. Nhờ nó mà tôi mượn được nhiều sách hay. Tôi là một người mà bọn cùng lớp vẫn nói là một thằng “nghiện sách”. Tôi có thể đọc sách bất cứ lúc nào. Chỉ cần nghe nói ai có sách là tôi lân la tìm cách mượn cho bằng được. Có cuốn sách chỉ được mượn qua đêm, tôi thức suốt đêm để đọc. Từ ngày Thư viện quốc gia đem sách sơ tán về quê tôi, nhờ thằng Phú mà tôi có được những cuốn sách quý để đọc.
           Tôi và thằng Phú chui vào khu rừng rậm rạp, nơi có mấy gốc thị cổ thụ trên cành đầy quả chín. Giống thị là thế, cây càng già, quả càng sai và hương lại càng thơm. Hương thị khiến người ta có cảnh giác thư giãn, sảng khoái, hứng khởi trong lòng.
           Tôi dắt thằng Phú chui vào chỗ gốc cây thị già. Vừa đến một cây cọ thì nghe có tiếng động, tiếng người thì thào phía gốc cây thị. Tôi giữ thằng Phúc đứng lại. Vạch lá cây ra nhìn, tôi chợt nhận ra đó là thằng Thân và Linh. Thân và Linh đang đứng sát bên nhau cạnh gốc cây thị. Linh đang cầm trên tay một quả thị chín vàng. Còn thằng Thân thì đang ôm ngang lưng cô gái. Đôi má của Linh đỏ ửng. Hình như họ vừa hôn nhau. Tôi thấy phục thằng Thân quá. Lù đù như nó mà lại yêu được một đứa con gái đẹp nhất trong số con gái ở Hà Nội sơ tán về làng tôi. Đúng là tẩm ngẩm tầm ngầm mà dẫm chết voi, như các cụ vẫn nói.
            Giữa lúc tôi đang cố ngó nghiêng để xem thằng Thân và Linh có “hành động” gì thêm không thì thấy vạt áo mình bị giật mạnh. Thằng Phú túm tay lôi tôi lùi lại chui ra khỏi đám cây rừng rậm rạp, tránh xa gốc cây thị. Nó lôi tôi đi như bị ma đuổi phía sau lưng. Tôi bị vấp vào một gốc cây cụt bên lối đi đau điếng. Tôi làu bàu:
           - Mày làm gì thế! Không lấy thị nữa à?
           - Không… về thôi!
           - Sao thế?
           - Đã bảo về là về cơ mà…
           Tôi nghĩ bụng: “Không biết thằng này mắt cận lòi như thế liệu nó có nhìn thấy cảnh thằng Thân và Linh ôm nhau không nhỉ! Chắc là nó chả nhìn thấy gì đâu!”. Nhưng rồi tôi lại tự hỏi: “Nếu không nhìn thấy thì việc gì nó lại bực bội thế. A… hoá ra nó cũng rất thích cái Linh. Nó gạ tôi trèo hái thị chín là để đem cho cái Linh…”.
            Sau bận ấy tôi thấy tự dưng thằng Phú buồn bã và học kém hẳn đi. Nó cũng là một thằng học giỏi của lớp. Mấy tuần sau thì lớp tôi xảy ra một chuyện. Sau giờ ra chơi thằng Phú kêu mất cái bút máy Kim tinh và năm đồng là tiền học phí nó đem đến lớp chưa kịp nộp cho thầy giáo chủ nhiệm. Ngày ấy cánh học sinh nông thôn chúng tôi có một chiếc bút máy Trường Sơn là đã sang lắm rồi. Chỉ có đám học sinh Hà Nội sơ tán về là có bút máy Kim tinh. Việc thằng Phú kêu mất bút và tiền khiến lớp tôi nhốn nháo hẳn lên. Thầy chủ nhiệm lập tức xin phép tạm dừng tiết học tiếp theo để tổ chức điều tra. Đội cờ đỏ của lớp được giao nhiệm vụ kiểm tra các ngăn bàn. Họ tìm thấy trong hộc bàn chỗ thằng Thân ngồi cái bút Kim tinh và tờ giấy bạc năm đồng cuộn nhỏ, nhét tít ở phía trong hộc bàn. Thằng Thân tái mét mặt đi vì sợ hãi và xấu hổ. Nó cúi gằm mặt xuống mặt bàn. Tôi là bạn thân của nó. Tôi biết nhà thằng Thân rất nghèo. Buổi sáng đến trường nó chỉ có một khúc sắn ăn lót dạ, không có bát cơm rang như tôi. Ngày giáp hạt nhiều bữa buổi trưa đi học về nó cũng chỉ có sắn luộc ăn thay cơm. Có lần năm lớp 8 đi cắm trại cả bọn góp cơm nắm, muối vừng, trứng luộc để ăn chung thì nó bảo bận tý nữa mới ăn. Đoạn nó len lén lẩn ra phía bờ suối. Tôi cầm nắm cơm lặng lẽ đi theo. Đến bờ suối, nó nấp sau một gộp đá lôi cái bọc giấu trong người mở ra. Nó chỉ có hai củ sắn cho bữa trưa. Thì ra vì vậy mà nó ngại ăn chung cùng các bạn trong lớp. Đang nhai củ sắn, nó chợt há hốc mồm khi thấy tôi đứng sững ngay trước mặt. Tay nó cầm củ sắn run run. Tôi ngồi xuống cạnh nó. Tôi bẻ đôi nắm cơm đưa cho nó một nửa và cầm luôn củ sắn còn lại của nó. Tôi biết, nhà thằng Thân nghèo, nó vẫn mơ ước có một cây bút máy nhưng nhất định nó không phải là một thằng ăn cắp. Làm bạn với nó từ nhỏ đến bây giờ nên tôi hiểu. Nhưng, tôi cũng không làm sao mà thanh minh cho nó được.
           Thằng Thân không nhận mình đã lấy cây bút máy Kim tinh và tiền của thằng Phú. Nhưng nó cũng không thể giải thích tại sao cái bút và năm đồng lại ở trong ngăn bàn của nó. Thằng Thân buồn lắm. Đợt 26-3 năm ấy lẽ ra nó được kết nạp vào đoàn cùng tôi nhưng lại bị huỷ quyết định.
            Cuối năm lớp 10 có đợt gọi nhập ngũ. Tôi và một số bạn trong lớp có danh sách trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Thằng Thân cũng đã khám sức khoẻ và đăng ký nghĩa vụ quân sự. Nhưng nó không đủ điều kiện nhập ngũ vì chưa phải là đoàn viên thanh niên lao động. Nó buồn lắm. Từ ngày nó “dính” vào cái án ăn cắp thì quan hệ giữa nó và Linh cũng không còn thân thiết nữa. Bộ ba của chúng tôi cũng tan luôn. Tuy vậy tình bạn giữa tôi và Thân không thay đổi. Tôi mãi mãi coi nó là một người bạn thân nhất mặc nhiều lúc nó cố ý tránh xa tôi. Hôm tôi lên đường nhập ngũ, nó đèo tôi lên tận huyện tập trung. Lúc chia tay, nó dúi vào tay tôi tờ bạc một đồng. Không nhận thì sợ nó giận. Tôi biết để có được một đồng bạc cho tôi nó đã phải gánh mấy gánh củi sang tận chợ Tam Dương ở huyện bên cạnh để bán cho được giá. Nó định nói với tôi một câu gì đó thì thôi vì nhác trông thấy Linh và thằng Phú đi đến. Nó xiết chặt tay tôi rồi lảng ra khỏi đám đông của những người đi, người ở ồn ào.
           Phú và Linh đến để tiễn tôi lên đường nhập ngũ. Phú tặng tôi một cuốn sổ bìa cứng để ghi nhật ký. Linh thì tặng tôi một cái khăn mùi-xoa có thêu hai chữ “kỷ niệm”. Chiếc khăn tay thơm ngát mùi hương thị chín…
                                                                 Hà Nội, 10-2011
            (hết phần đầu)

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Truyện cực ngắn CHÚC MỪNG VỢ


Chúc mừng vợ

Truyện cực ngắn của Trọng Bảo

          Hai ông bạn lâu ngày mới gặp lại. Họ kéo nhau vào quán đặc sản. Và, niềm vui hội ngộ không gì hơn là nâng cốc. Mồi ngon, rượu ngon họ tha hồ rôm rả chuyện trò vui vẻ. Đến gần tám giờ tối, một ông mới hốt hoảng sực nhớ ra:
          - Thôi chết! Gặp ông, mải vui quên béng mất một việc cực kỳ quan trọng cần làm ngay!
          - Việc gì mà quan trọng thế?
          - Hôm nay là ngày 20 tháng 10...
          - Hai mươi tháng 10 hay ba mươi, bốn mươi tháng 10 thì cũng kệ xác nó, cứ uống đi!
          - Thế ông không biết ngày 20 tháng 10 là ngày gì à?
          - Không...
          - Là ngày phụ nữ Việt Nam hiểu không! Ông đã mua quà gì cho vợ chưa?
          - Chưa... nhưng tôi nhớ là hồi đầu năm đã có một ngày phụ nữ rồi cơ mà?
          - Đấy là ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, còn 20-10 là ngày phụ nữ Việt Nam.
          - Sao lắm ngày của phụ nữ thế nhỉ?
          - Cũng chả biết tại làm sao nữa?
          - Đằng nào chả là phụ nữ! Sao họ không sáp nhập hai ngày làm một cho dễ nhớ và cũng tiết kiệm được tiền quà... nhỉ?
          - Việc ấy ta sẽ kiến nghị sau! Bây giờ hai thằng ta đi mua quà cho các mụ vợ đi. Say thế này mà tay không về nhà là lọt vào luôn ổ... phục kích của các bà ấy đấy.
          - Ừ đúng… đúng! Chủ quán đâu... thanh toán!
          Thanh toán xong một ông lại kêu lên:
          - Thôi chết! Nhà hàng này đắt quá, hết mẹ nó tiền rồi!
          - Lộn túi ra xem hai thằng còn được bao nhiêu. Có đủ mua hai bó hoa nữa không?
          Đếm một lúc ông kia reo lên:
          - Tổng cộng còn ba trăm hai mươi nghìn, đủ hai bó hoa đẹp rồi. Nhưng tôi bàn thế này, ta ra tận chợ hoa ngoại ô mua cho rẻ, hoa đẹp lại tươi...
          - Mua đây không được à! Lại ra tận ngoại thành, vẽ chuyện quá!
- Thế mới thật là tôn trọng vợ chứ! Nào thì ta đi, ông lên tôi đèo nhé!
          Hai ông phóng xe ra chợ hoa buổi tối ở ngoại thành. Đến mấy hàng bán hoa cả hai đều chê hoa đắt, không đẹp, bó hoa không hoành tráng. Đang quành xe đi đi lại lại thì tiếng còi “toét… toét…” vang lên lảnh lói. Anh công an giơ gậy mời hai ông dừng xe kiểm tra giấy tờ vì đã cố vượt đèn đỏ. Năn nỉ mãi không được, hai ông đành nộp hai trăm nghìn tiền phạt. Cũng may! Anh công an này không có máy đo nồng độ cồn, nếu không thì hai ông còn bị phạt nặng hơn.
          - Còn có một trăm hai mươi nghìn đồng thì còn hoa hoét gì nữa?
          Một ông phàn nàn. Ông kia cáu:
          - Đấy! Đã bảo mua ở ngay trong phố không nghe. Bây giờ biết làm thế nào?
          - Thôi… - Ông kia cũng băn khoăn: - Tôi bàn thế này, còn một trăm hai mươi ngàn đồng, ta vào mua hai mươi ngàn xăng. Một trăm ngàn còn lại mà mua hai bó hoa thì hoa chả ra hoa, về tặng vợ là rất kém tôn trọng vợ… Thôi hay ta nghĩ cách khác để chúc mừng các bà ấy vậy!
          - Chúc mừng thế nào?
          - Thì ta làm vài… cốc bia uống để chúc mừng chả được à!
          - Ờ… đúng… đúng quá! Sáng kiến của ông thật tuyệt vời…
          Hai ông lập tức vào quán bia. Họ nâng cốc rôm rả chúc mừng vợ nhân ngày phụ nữ Việt Nam.
          Đang uống, một ông lại chợt giật mình hốt hoảng:
          - Thôi chết! Đưa cả cho lão chủ quán tờ một trăm nghìn đồng rồi, tý nữa kiếm đâu ra hai nghìn đồng mà trả tiền gửi xe máy hả?
          - Ờ… làm cách nào bây giờ?
Ông kia băn khoăn suy nghĩ rồi reo lên:
          - A… a… có cách rồi! Chủ quán ra ngay đây, nhanh lên!
          Lão chủ quán chạy ra. Ông này liền chỉ đĩa lạc luộc trên bàn nói rất oách:
          - Đếm ngay 20 củ lạc…
          - Làm gì ạ! - Lão chủ quán ngạc nhiên hỏi lại.
          - Chúng tôi trả lại hai mươi củ lạc, lấy lại hai ngàn để trả tiền gửi xe! Chúc mừng vợ chin mươi tám ngàn đồng là đã hoành tráng lắm rồi, hiểu không!?

                                                              Ngày PNVN 20-10      
          

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Truyện cực ngắn DÂN CHỦ TUYỆT ĐỐI

         

    
DÂN CHỦ TUYỆT ĐỐI
Truyện cực ngắn của Trọng Bảo

          Dịch tiếp câu chuyện vui của nước ngoài.
          Sau khi nghe quan giám sát tấu trình tình hình đất nước nhà vua suy nghĩ rất lung. Đất nước thanh bình không thể duy trì mãi chế độ cai trị theo kiểu mệnh lệnh quân sự được nữa. Nhà vua quyết định chuyển sang thực thi chế độ “dân chủ tuyệt đối”. Ngài bèn ban chiếu quy định rõ ràng theo chế độ này thì mọi việc dù ngoài xã hội hay trong gia đình đều phải có sự dân chủ bàn bạc. Dứt khoát các việc đều phải có 2/3 số phiếu biểu quyết thì mới được thực hiện.
          Những ngày đầu thực thi kế sách “dân chủ tuyệt đối” trong xã hội và trong gia đình có sự thay đổi rõ rệt. Đất nước thì hoà bình, gia đình thì hoà thuận, ai cũng phấn khởi.
          Thế nhưng một thời gian sau lại nảy sinh mâu thuẫn. Nhiều việc đình trệ không giải quyết được vì không đủ số phiếu biểu quyết quá 2/3 như nhà vua đã quy định. Đầu tiên là việc trong từng gia đình. Khi bàn luận việc gì nếu hai vợ chồng không nhất trí thì không làm được, vì lúc biểu quyết cứ 50%, chả làm sao quá bán. Vợ đồng ý thì chồng không nhất trí. Chồng thích mê nhưng vợ lại bác bỏ. Ngày xưa chế độ mệnh lệnh quân sự vợ ra lệnh là chồng phải theo răm rắp, chồng bảo thì vợ phải nghe. Bây giờ thì chịu, chả ai nghe ai. Vợ biểu quyết “lên giường” chồng lại bỏ phiếu “uống rượu”, cứ vênh váo nhau, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như thế thật khó thực hiện.
          Rồi chuyện xảy ra ngay trong cung đình của nhà vua. Một hôm do bọn nô tỳ sơ ý trong khi thắp nến gây ra hoả hoạn. Lửa bùng cháy ở một gian phòng rồi lan ra toàn bộ hoàng cung. Cả cung điện cháy rụi. Nhà vua bực lắm, cho triệu ngay quan tể tướng đến hỏi:
          - Tại sao các khanh có cả hàng trăm, hàng ngàn cấm vệ quân, thái giám, nô tỳ mà lại không chữa cháy được, để lửa thiêu rụi hết cả cung điện thế hả?
          - Tâu bệ hạ! Là tại các quan không thống nhất được phương pháp chữa cháy ạ!
          - Thống nhất cái gì! Lửa cháy phải dập ngay còn bàn bạc gì nữa?
          - Thưa bệ hạ, là khi lửa vừa bắt đầu bùng lên, quan văn thì bảo phải dùng câu liêm, đem thùng gỗ xách nước dội vào để chữa cháy. Quan võ thì yêu cầu sử dụng bình bọt, xe cứu hỏa để dập lửa. Chả bên nào chịu bên nào, biểu quyết thì cứ 50% trên 50% nên không thể thực hiện được ạ!
          Vua đập bàn cáu:
          - Chữa cháy bằng cách nào dập được lửa thì làm, tại sao các quan phải bàn luận vớ vẩn thế?
          - Không hẳn thế ạ! Quan văn thì bảo dùng câu liêm và nước dập lửa là cách truyền thống của chế độ ta, còn sử dụng bình bọt và xe cứu hoả là các thứ ta mua của các nước thuộc “chế độ tư bản chủ nghĩa”. Nếu dùng bình bọt và xe cứu hoả thì sẽ xúc phạm đến chế độ ta ạ!
          - Các khanh thật là lắm chuyện nên mới để cháy hết cả cung điện của ta thế này!
          - Thưa bệ hạ! Khi không thống nhất được biện pháp để chữa cháy bọn thần quyết định dùng cả hai phương pháp, nhưng lại nảy sinh ra mâu thuẫn khác ạ!
          - Lại mâu thuẫn gì nữa?
          - Thưa là khi chuẩn bị cho quân lính chữa cháy thì các quan văn lại có ý kiến. Họ nói khu chính điện, nơi nhà vua ngự khi thiết triều không được chữa cháy bằng các dụng cụ của các nước tư bản, vì như thế là “khi quân phạm thượng”, tội chém đầu không tha. Nghe vậy ai cũng hoảng sợ ạ!
          Nhà vua bực bội:
          - Đúng là các khanh thật vớ vẩn quá!
          - Không những thế khi quân lính đưa nước vào chữa cháy, có quan lại bảo: Nước chữa cháy chỗ vua ngồi phải là nước sạch, không được múc nước dưới ao hồ lên mà phải lấy nước ở giếng ngọc trong cung. Trước khi dùng dập lửa nước còn phải pha chất thơm vào mới được sử dụng ạ!
          Nhà vua giơ cả hai tay lên trời. Ngài thấy ngán cái lý lẽ “dân chủ tuyệt đối” của các quan quá. Giữa lúc đó thì có một vị quan truyền tin hớt hải chạy vào tâu:
          - Muôn tâu! Biên cương đang có bọn giặc xâm phạm nhưng các tướng chỉ huy bàn bạc mãi mà chưa thống nhất được cách đánh, tiến hay lùi, dùng cung tên của chế độ phong kiến ta hay sử dụng tàu bay, súng pháo của chế độ tư bản. Biểu quyết thì không đủ 2/3 theo quy định. Bọn giặc lợi dụng khi ta còn đang bận bàn bạc đã xâm phạm bờ cõi, giết hại rất nhiều dân thường ạ.
          Nhà vua nghe tâu liền đứng bật dậy thét:
          - Bàn luận gì nữa! Giặc đến là phải đánh không thì mất nước. Kẻ nào bàn lùi giết ngay! Hiểu không?
          Nói xong nhà vua rút phắt thanh bảo kiếm ra. Các quan hầu cận đang đứng chầu chung quanh sợ tái hết cả mặt…
          Câu chuyện tiếp theo thế nào thì chưa rõ vì tôi chưa dịch được. Cũng tại vốn ngoại ngữ của tôi ít lại vấp liền mấy cụm từ khó nên phải tạm dừng để đi tìm mua một cuốn từ điển về nghiên cứu thêm cái đã...
                                                                          Ngày 17/8/2011
   

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Truyện cực ngắn MỆNH LỆNH QUÂN SỰ

 

        
 
MỆNH LỆNH QUÂN SỰ
Truyện cực ngắn của Trọng Bảo

          Truyện cực ngắn vui này là do tôi dịch được của nước ngoài.
         Tại một nước nọ họ vẫn duy trì rất nghiêm khắc chế độ mệnh lệnh quân sự. Mọi người từ bé đến lớn, từ già đến trẻ đều phải nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh khi người chỉ huy, người phụ trách ban ra. Ví dụ ở nước này không cần có bệnh viện. Khi một người có hiện tượng sắp bị ốm, ông thủ trưởng cơ quan chỉ cần hô mệnh lệnh: “Dừng lại, không được ốm” thì lập tức anh ta sẽ không ốm nữa. Đàn ông định đánh vợ, người vợ chỉ cần hô: “Nghiêm” là ông chồng đứng nghiêm như một quân nhân, không dám động chân, động tay chạm vào bà vợ.
          Mệnh lệnh quân sự tạo cho cả nước luôn luôn răm rắp hành động, muôn người như một. Vị vua ở nước này chả cần phải ban hành các văn bản hiến pháp, pháp luật gì cả, chỉ việc hàng ngày hô khẩu lệnh cho thần dân là xong. Ví dụ để nhân dân ra đồng làm việc vua chỉ cần hô: “Tất cả đi cày!”. Thế là toàn dân sẽ đi cày. Vua chỉ thét: “Binh lính ra trận!”. Toàn quân sẽ lập tức xông ra mặt trận, chiến đấu không ngừng nghỉ, tiêu diệt hết quân thù mới trở về quê hương.
          Đất nước này vì thế mà giữ được ổn định, thái bình rất dài lâu.
          Nhưng rồi lại xảy ra một hiện tượng lạ là trong nước xuất hiện quá nhiều trẻ con, đàn ông thì ngày một ốm yếu, tiều tụy, làm việc công tác năng xuất không cao. Mỗi khi lệnh vua ban ra họ vẫn chấp hành rất nghiêm túc nhưng máy móc, không có sự sáng tạo. Trước tình hình ấy, nhà vua liền cho gọi vị quan giám sát đến bảo:
          - Nhà ngươi hãy đem theo vài nghìn lạng vàng làm lộ phí đi điều tra xem sự thể dân nước ta thế nào mà tinh lực, thể lực, trí lực và công lực lại càng ngày càng thấp thế?
          - Thưa bệ hạ thần xin tuân chỉ!
          Vị quan giám sát cải trang làm dân thường đi tuần thú thiên hạ. Sau một thời gian ông ta trở về gặp nhà vua. Vừa nhìn thấy ông ta, nhà vua kinh hãi hỏi:
          - Tại sao nhà ngươi lại tiều tụy thế. Khi rời khỏi hoàng cung nhà người béo khỏe mà bây giờ lại xơ xác thế này!
          - Là tại thần đi thực tế để thực hiện mệnh lệnh của bệ hạ đấy ạ!
          - Thế người đã tìm hiểu rõ sự thể vì sao dân nước ta thế nào mà tinh lực, thể lực, trí lực và công lực lại càng ngày càng thấp chưa?
          - Dạ thưa là vì… vì… nước ta thi hành chế độ quân lệnh quá hà khắc và quá lâu đấy ạ!
          - Tại sao thế! Chế độ mệnh lệnh quân sự giúp nước ta trăm người như một, nhất trí đồng lòng trong mọi việc lại không tốt à?
          - Cũng có mặt tốt, cũng có hạn chế ạ!
          - Hạn chế ở điểm nào?
          - Hạn chế ở chỗ nhiều người đã quá lạm dụng mệnh lệnh quân sự ạ!
          - Nhà ngươi ví dụ cho ta nghe nào?
          - Ví dụ… các bà vợ đã lạm dụng mệnh lệnh quá mức. Họ thường xuyên hô mệnh lệnh cho các ông chồng: “Không được uống rượu!” ạ…
          Nhà vua cắt lời vị quan giám sát:
          - Không uống rượu là tốt, đỡ say sưa quá đà gây mất ổn định đất nước.
          - Nhưng các bà ấy cũng lại rất hay hô khẩu lệnh cho các ông chồng: “Lên giường!”. Rồi cứ luôn mồm hô: “Tiếp tục… tiếp tục…”, không cho các ông chồng dừng lại. Vậy thế nên đàn ông nước ta ban ngày thì bị vua hô ra đồng, vào xưởng máy lao động, ban đêm thì bị vợ hô lên giường “làm việc” dẫn đến tinh lực, thể lực, trí lực, công lực càng ngày càng suy giảm, trẻ con thì ngày lại càng đông ra vì vậy ạ!
          Nhà vua trầm ngâm suy nghĩ về những lời tấu trình của quan giám sát. Chợt vua lại hỏi:
          - Còn nhà ngươi tại sao chỉ sau một chuyến công du mà trở nên tiều tụy, thảm hại thế hả?
          Quan giám sát ấp úng nhưng vì lệnh vua hỏi phải tâu thật:
          - Tại một hôm đi thám thính thần vào một nhà hàng. Ở đây toàn con gái. Thấy thần đem theo nhiều vàng họ liền hô mệnh lệnh cho thần lên giường. Mà lại có mấy cô hô liền một lúc nên thần mới ra thế này đấy ạ!
          Nhà vua tái mặt. May mà chế độ mệnh lệnh quân sự chỉ áp dụng cho thần dân. Nếu mà áp dụng cả trong hậu cung thì nhà vua cũng nguy ngập ngay. Ba trăm mỹ nữ, cùng tần cùng một lúc hô các mệnh lệnh quân sự thì nhà vua cũng nguy cấp.
          Sau chuyện này không rõ ông vua nọ có cải tiến, thay đổi chế độ cai trị đất nước hay không? Vì phần tiếp theo tôi chưa dịch xong nên cũng chưa biết như thế nào!
                                                                Ngày 17/8/2011              

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Truyện dài TRONG VÒNG LỬA (thêm một vĩ thanh)


Trong vòng lửa
Truyện của Trọng Bảo

          Tôi đưa Giang từ trại ăn dưỡng về quê tôi, cũng là quê của anh Bính, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1. Giang bị thương mù cả hai mắt nên đi đường khá vất vả. Lúc ngồi trên xe ô tô Giang bỗng bảo tôi:
          - Hà này! Khi về đến quê gặp chị Thanh, vợ anh Bính và cháu Hoa chúng mình biết nói như thế nào nhỉ?
Tôi như sực tỉnh:
          - Ờ… ờ… Mình cũng đang nghĩ không biết nói thế nào được đây! Mấy lần trước đến thăm nhưng tao nói là không ở cùng đơn vị nên không biết anh ấy đã hy sinh thế nào, tại sao không tìm thấy xác…
          - Hay là chúng mình cứ kể hết mọi chuyện cho gia đình anh ấy biết. Kể cả cái chết rất anh dũng của anh ấy!
          - Kể hết à? - Tôi hỏi lại.
          - Ừ! Có lẽ như vậy là tốt nhất Hà ạ! Có như vậy chị Thanh và cháu sẽ hiểu anh ấy hơn và thông cảm với chúng mình hơn.
          Tôi im lặng suy nghĩ, đắn đo. Có lẽ Giang nói đúng, mình phải kể lại cho chị Thanh vợ anh Bính và cháu Hoa về những phút giây cuối cùng của anh trên điểm tựa trước lúc hy sinh. Nhưng tôi cứ đắn đo suy nghĩ, tôi bảo Giang:
          - Như thế liệu có ổn không? Gia đình anh ấy có lẽ đến bây giờ đã nguôi ngoai nỗi đau mất mát rồi. Chúng mình kể lại như vậy vô tình sợ khơi lại nỗi đau vợ và con anh ấy cũng nên?
          Nghe tôi nói như vậy, Giang cũng băn khoăn. Nhưng bàn đi, tính lại mãi chúng tôi đều nhất trí đành phải kể lại cho vợ, con anh Bính tất cả mọi chuyện, nhất là những lợi anh dặn và hình ảnh anh trước lúc ngã xuống.
          Hình ảnh ấy Giang không bao giờ quên được. Đó là ngày hai hai tháng hai. Sau năm ngày chiến đấu ác liệt, đương đầu với hàng trăm tên giặc. Trung đội của Giang chỉ còn có bảy tay súng. Hơn mười người đã ngã xuống, một số bị thương đã được đưa về tuyến sau. Tiểu đoàn trưởng Bính cũng bị thương vào đầu. Gần sáng, anh gọi tiểu đoàn phó Phương, tiểu đội trưởng trinh sát Giang cùng mấy anh em còn sống sót đến nói:
- Năm ngày qua chúng ta đã chiến đấu vô cùng anh dũng. Bọn địch đã bị thiệt hại nặng, hàng trăm tên phải bỏ mạng và 3 xe tăng bị tiêu diệt. Chúng ta tuy chỉ còn lại có bảy người nhưng trận địa vẫn được giữ vững. Ngày hôm nay nhất định bọn địch sẽ tấn công ác liệt hơn. Đạn dược chúng ta đã sắp hết, liên lạc với đại đội bị mất từ hôm qua. Vì vậy bây giờ tôi phân công thế này: Đồng chí Phương, tiểu đoàn phó và hai đồng chí chặn địch ở phía sau tràn lên. Tôi và ba đồng chí còn lại chịu trách nhiệm chặn địch ở phía biên giới đánh xuống. Chúng ta dựa lưng vào nhau mà đánh nhé!
Dừng một lát anh nói tiếp:
- Còn đồng chí Giang quen đường lại là chiến sĩ trinh sát, sẽ tìm cách vượt vòng vây về hướng thị trấn Sóc Giang bắt liên lạc với trung đoàn và tiểu đoàn 3 rõ chưa?
          Giang nghe vậy liền giãy nảy lên:
          - Không… không! Em ở lại chiến đấu với các anh thôi.
          Tiểu đoàn trưởng Bính ôn tồn nói:
- Cậu phải đi Giang ạ! Đường đi nguy hiểm lắm. Cậu biết đường lại trẻ nhất, nhanh nhẹn. Cậu đi còn khó khăn, nguy hiểm hơn anh em ở lại. Bọn mình tin ở cậu lắm!.
Thấy Giang còn chần chừ, anh nói tiếp:
- Cậu đi nhanh, nếu liên lạc được thì đề nghị trung đoàn lên chi viện để giữ vững trận địa, hoặc đề nghị tiểu đoàn 3 giúp việc đưa số thương binh đang ẩn nấp ở khu vực Đôn Chương lên trên núi nhé. Việc này quan trọng và cấp bách lắm. Tính mạng của mấy chục thương binh đang đặt ở sự mưu trí, dũng cảm của chúng ta đấy!
          Giang im lặng một lát rồi lặng lẽ xách súng đứng dậy chuẩn bị. Anh Bính mở cái ba lô lép kẹp của mình rút ra một gói nhỏ đưa cho Giang rồi nói:
          - Mình có cái áo hoa mua cho con gái, cậu cầm giúp mình với nhé!
Đoạn anh quay lại bảo mọi người còn trên chốt:
- Thằng nào có cái gì không cần thiết cho trận đánh… ngày mai thì đưa cho Giang nó cầm đi luôn một thể…
          Anh Bính cố tránh không nói đến mấy từ "trận đánh quyết tử cuối cùng". Mấy anh em còn lại trên trận địa đều lắc đầu. Bởi vì họ đều còn rất trẻ, vợ con chưa có, có đứa còn chưa có cả người yêu nữa là khác. Họ chẳng có một thứ tài sản gì để gửi về cho người thân trước lúc hy sinh nữa. Họ chỉ còn một tấm thân tả tơi sau bao ngày chiến đấu và một cây súng đã gần hết đạn để đánh trận cuối cùng nữa thôi. Sáng mai có thể tất cả họ sẽ ngã xuống, trái tim quả cảm của họ sẽ gửi vào trong lòng đất mẹ thân yêu.
          Giang cầm cái gói của anh Bính nhét vào ba lô. Nó lặng lẽ nhìn mọi người rồi tìm cách tụt xuống chân đồi. Trong khi đó, anh Bính chia cho mọi người mỗi người thêm một quả lựu đạn.
          Trong khi Giang chưa kịp ra khỏi trận địa thì bọn địch lại tổ chức tiến công dữ dội lên chốt. Hàng trăm tên lính giặc xông lên. Chúng bao vây bốn phía. Những tên giặc khát máu dẫm qua xác đồng bọn lao lên, miệng không ngớt hô: "Tả... tả... tả...". Tiếng kèn sừng dê, tiếng kèn đồng của bọn xâm lược rúc lên inh ỏi lẫn trong tiếng súng gầm vang. Đất bụi mịt mù trùm lên khắp trận địa.
          Anh Bính vừa bắn vừa gào lên:
          - Anh em ơi… đánh đến cùng nghe không. Dù chết cũng không ai để lọt vào tay địch rõ chưa?
          - Vâng! Anh cứ yên tâm!
Mấy người còn lại cùng gào lên đáp lại và nổ súng bắn chặn bọn địch. Hàng chục tên địch ngã gục xuống sườn đồi, có thằng lăn lông lốc xuống chân dốc kêu thảm thiết. Nhưng bọn chúng rất đông. Chúng tiếp tục xông lên. Đạn pháo, đạn ĐKZ, đạn cối 60, đạn bộ binh nổ rền rĩ, khói bụi mù mịt cả mỏm đồi.
Hoả lực của các chiến sĩ tiểu đoàn 1 yếu dần. Những tiếng súng lẻ tẻ ở các góc chiến hào rồi tắt hẳn. Những giây phút cuối cùng đã đến. Những người lính bảo vệ biên cương lần lượt ngã xuống. Giang bị thương nặng vào đùi và vào ngực. Nghe anh Bính gọi, Giang cố lết về phía anh. Lợi dụng địch tạm dừng, anh Bính nhanh chóng băng bó cho Giang, đưa nó vào hầm rồi lại chạy ra vị trí chiến đấu. Ngồi trong hầm Giang vẫn nhìn rõ anh Bình đầu cuốn băng trắng xỉn. Lưng áo anh rách toạc đầm đìa mồ hôi và máu. Máu chảy nhiều hơn cả mồ hôi. Mồ hôi của người lính già đã cạn dần nhưng máu thì vẫn còn chảy mãi. Những giọt máu của anh đã từng rơi xuống ở chiến trường miền Đông Nam bộ trong chiến tranh chống Mỹ. Những giọt máu của người lính già bây giờ lại rơi xuống nơi biên cương phía Bắc. Người thương binh ấy đã cầm súng đi qua hai cuộc chiến tranh.
Anh Bính đang ghì súng quét về hướng quân địch. Bọn địch đã tràn lên sát bờ công sự. Cái chiến thuật lấy thịt đè người của bọn xâm lược đã có hiệu quả. Đang bắn đột nhiên hết đạn, anh vội bật lê lên. Hàng chục tên giặc xúm lại quanh anh. Có tên bị trúng lê rống lên thảm thiết. Nhưng rồi anh buông súng xuống. Anh đứng thẳng dậy. Những tên giặc xông đến định bắt sống anh bỗng cùng thét lên kinh hoàng khi chúng nhìn thấy trên tay anh là hai quả lựu đạn đang xì khói. Một chớp lửa bùng lên cùng tiếng nổ dữ dội. Anh Bính ngã xuống. Xung quanh xác quân thù tơi tả. Thịt xương người lính già cũng đã tan hòa vào đất đá biên cương.
          Giang cũng vội rút một quả lựu đạn cuối cùng của mình ra chờ bọn địch xông vào hầm. Một quả pháo rơi trúng cửa hầm, Giang bị ngất đi vì ngạt khói trong khi cửa hầm cũng bị lấp kín. Khi Giang tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm trên cáng thương. Các chiến sĩ đơn vị bạn lên chiếm lại trận địa, họ đã bới tìm thấy Giang còn đang thoi thóp trong cái hầm bị sập. Giang được đưa về tuyến sau cấp cứu và điều trị.

*

          Thời gian trôi đi. Lúc này tôi đã về học ở một trường sĩ quan tại Bắc Ninh. Một hôm tôi đến thăm mấy người bạn tại trại an dưỡng. Đang ngồi trò chuyện với các bạn thì có xe chở thương binh từ viện quân y về trại an dưỡng. Chiếc xe dựng lại ngoài sân trại. Nhìn một thương binh dáng người nhỏ bé, mắt đeo kính râm, đang được một nữ y tá dắt xuống xe tôi bỗng ngờ ngợ rồi hét toáng lên:
          - Trời ơi Giang… Có phải mày là Giang đấy phải không?
          Người thương binh đeo kính râm ngơ ngác ngó quanh. Tôi vội bỏ đám bạn bè vọt ra sân chạy đến nắm lấy tay Giang…
          - Đúng là Giang rồi, mày vẫn còn sống hả! Tao Hà “Vĩnh toét” đây…
Lúc này Giang mới reo lên:
          - à! Mày cũng vẫn còn sống hả! Cứ tưởng cũng đã hy sinh trong trận đánh ở Kép Ké rồi.
Nói đến đây, như chợt nhớ ra điều gì, Giang lập cập mở cái túi vẫn đeo trên người, rút ra một cái gói nhỏ, miệng lắp bắp…
          - Cái áo… cái áo… của anh Bính gửi cho con, tao chưa đem đến nhà anh ấy được, cũng không nhờ ai đem đến được… Mày giở ra xem thử, nó còn nguyên vẹn không? Nó có bị rách, bị bẩn hay dính máu của tao không? Năm năm nay, tao luôn giữ nó bên mình mà không biết nó còn nguyên vẹn không. Tao bị mù cả hai mắt rồi. Lần ấy, sau khi được đưa ra khỏi trận địa, tao bị thương hỏng cả hai mắt. May cái ba lô vẫn đeo trên lưng nên cái áo của anh Bính vẫn còn. Mày xem lại cái áo rồi chúng mình cùng về quê mày đem đến cho con anh ấy.
          Tôi bảo:
- Hôm chuẩn bị vượt vây sang Nguyên Bình tao cũng đã nghe anh Hoàng nói việc anh Bính hy sinh và chuyện cái áo anh ấy gửi cho bé Hoa. Nhưng đánh nhau, vượt vây thất lạc lung tung không biết thế nào. Không ngờ mày vẫn giữ được cái áo ấy.
Giang đưa tôi cái gói nhỏ. Tôi lập cập mở cái gói, lấy cái áo ra. Cái áo vẫn được gấp cẩn thận nhưng bị ố vàng và có một vết rách nhỏ.
Tôi ngần ngừ một lát rồi nói cho Giang yên tâm:
          - Vẫn còn mới nguyên! Chỉ có tay áo bên trái bị rách một tý thôi Giang ạ!
          - Thế hả? Vết rách ấy là mảnh đạn nó cứa đấy. Thế là yên tâm rồi. Mấy lần mình giở ra hỏi các cô y tá, ai cũng bảo là vẫn còn mới, mình chỉ sợ nó đã cũ và bị bẩn mà các cô ấy sợ mình buồn nên nói như vậy. Trại an dưỡng này chỉ cách quê mày và anh Bính bảy mươi cây số. Mày phải xin đi tranh thủ, đưa tao mang cái áo về tận nhà trao cho con anh ấy mới được.
          Cầm cái áo tôi sực nhớ ra:
          - Nhưng hỏng rồi ông ơi! Cái áo này anh Bính mua cho con gái lúc nó mới chưa đầy sáu tuổi. Năm sáu năm rồi, con gái anh ấy đã mười hai, mười ba tuổi rồi. Mà con gái thì lớn nhanh lắm. Mấy lần về quê tao đều gặp nó, nó to lộc ngộc rồi làm sao còn mặc được nữa chứ?
          Giang ngẩn người ra:
          - Ừ nhỉ?
Thằng Giang ngồi bệt xuống sân cỏ, mặt thừ ra, hai tay ôm đầu miệng lẩm nhẩm tự trách mình:
- Thế mà tại sao năm năm rồi giữ cái áo của anh ấy gửi cho con ở bên mình mà tao lại không nghĩ ra điều ấy nhỉ. Tao lúc nào cũng chỉ nghĩ, dù có bị mù cả mắt, gãy chân nhưng còn sống, còn phải gìn giữ cái áo này và mang đến đưa tận tay cho con gái anh ấy… ai ngờ…
          Tôi an ủi thằng Giang:
          - Thôi đừng buồn nữa Giang ạ! Chúng mình sẽ mua tấm vải hoa giống hệt cái áo này rồi may cho con anh ấy một cái áo khác. Còn cái áo này đem về để chị Thanh vợ anh ấy và bé Hoa giữ làm kỷ niệm.
          Giang đồng ý ngay với phương án của tôi.
Hôm sau, tôi và Giang dồn phụ cấp và số tiền dành dụm được lại, kéo nhau lên tận chợ lớn thị xã Bắc Ninh để tìm mua vải. Đến chợ, tôi dắt Giang đi khắp các dãy hàng tìm vải, mỗi khi tôi nói có loại vải giống như cái áo, Giang lại bảo tôi đưa cho Giang cầm rờ xem thử. Loại thì Giang chê thô, loại thì Giang bảo vải mỏng quá.
Gần trưa, chúng tôi mới mua được tấm vải vừa ý. Vẫn còn tiền Giang bàn với tôi mua thêm hai mét vải lon xanh làm quà cho chị Thanh, vợ anh Bính.
          Mua được vải rồi, tôi với Giang còn cẩn thận hỏi cặn kẻ mấy bà, mấy chị đi chợ xem cái áo của em bé gái mười hai, mười ba tuổi dài rộng như thế nào. Cẩn thận hơn, Giang còn bắt tôi phải vào tận cửa hàng bách hoá nơi có quần bán quần áo trẻ em may sẵn để hỏi cho kỹ lưỡng.
          Khi chiếc áo may xong, Giang xin phép chỉ huy trạm an dưỡng theo tôi lên đường về quê đến nhà anh Bính. Chúng tôi quyết định sẽ kể lại cho chị Thanh vợ anh Bính và cháu Hoa hết mọi chuyện về cái chết anh dũng của anh ấy. Chúng tôi tin rằng khi thấy lại cái áo của bố may cho cháu Hoa ngoan hơn, sẽ sống và học tập tốt hơn.
          Khi viết lại câu chuyện này, tôi còn muốn nói thêm rằng: Anh Bính đã đi rồi nhưng anh không chỉ để lại cho đứa con gái một cái áo hoa. Mà anh và những người ngã xuống nơi biên cương đã để lại cho chúng ta tất cả những gì thiêng liêng cao quý về cuộc sống và trách nhiệm đối với nhân dân và Tổ quốc thân yêu.

                                                                       Bắc Ninh, 2-1984