Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Tản văn TRONG NIỀM VUI ĐẠI THẮNG

        Nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi xin post lại tản văn này. Tản văn đã đăng trên một số tờ báo và Website. (Trọng Bảo)


TRONG NIỀM VUI ĐẠI THẮNG
 Tản văn của Trọng Bảo

       Tôi nhập ngũ vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thuộc lớp chiến sĩ tổng động viên cho cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975. Sau một tháng huấn luyện dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ các Vua Hùng trong đội hình của Trung đoàn Văn Lang, chúng tôi được điều động về Trung đoàn 246B. Ngày ấy, nhiều đơn vị quân đội đều có hai đơn vị A và đơn vị B. Các đơn vị A thường là khung ở miền Bắc chuyên huấn luyện tân binh giao quân cho các đơn vị ở mặt trận. Các đơn vị B là đơn vị sẽ hành quân thẳng ra chiến trường tham gia chiến đấu.
       Tôi còn nhớ như in buổi lễ xuất quân tại khu đồi bạch đàn thuộc xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái. Tại lễ xuất quân, Trung đoàn 246B (tên danh dự còn gọi là Trung đoàn Tân Trào) được trao hai lá cờ có thêu dòng chữ "Quyết chiến, quyết thắng". Đó là một lá cờ đỏ sao vàng là "Quân kỳ quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam; một lá cờ nửa đỏ, nửa xanh là "Quân kỳ quyết thắng" của Quân giải phóng miền Nam.

               
Ảnh ngày mới nhập ngũ 1975  
                          Ảnh chụp ngày mới nhập ngũ năm 1975 tại Trung đoàn 246B.
                      Từ trái qua: Nguyễn Văn Đam (hy sinh), Hoàng Hùng và tác giả.
       
       Đơn vị chúng tôi nhận được lệnh khẩn trương huấn luyện và chuẩn bị sẵn sàng để lên đường bất cứ lúc nào. Những người lính thời chống Mỹ tất cả trang bị đều mang trên vai. Khẩu súng để chiến đấu, cái cuốc, cái xẻng bộ binh để đào công sự, hầm trú ẩn, làm bếp Hoàng Cầm. Cái bình tông đựng nước, cái hăng-gô để nấu cơm, đun nước uống, cái ruột tượng (bao) đựng gạo, cái võng, cái tăng (ni-lông) để ngủ giữa rừng và cáng thương binh, người ốm. Và khi hành quân không thể thiếu hai bó củi to bằng bắp chân dài độ ba bốn mươi phân để nấu nướng dọc đường. Cũng không thể thiếu một cái bao bằng ni-lông khi gặp sông suối cho tất cả ba lô, quần áo vào làm thành cái phao vượt qua sóng nước, khi lâm trận dùng làm đồ khâm liệm để chôn cất liệt sĩ.
       Nhưng đơn vị chúng tôi chưa kịp lên đường thì tin chiến thắng từ mặt trận dồn dập báo về. Trên tấm bảng tin của đại đội liên tục thông báo tin chiến thắng. Tờ báo QĐND, tờ báo Nhân dân được truyền tay nhau đọc đến nhàu nát vì ngày nào cũng có những thông tin sốt dẻo của cuộc tổng tiến công và nổi dậy.
       Chúng tôi nhận được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng vào đầu giờ chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đơn vị đang lao động. Đại đội trưởng tuyên bố: "Tất cả nghỉ để ăn mừng đại thắng". Một con lợn tạ được mổ ngay. Tại nơi đơn vị trú quân dã ngoại tiếng reo vang khắp các làng, các xóm. Mặt người già, trẻ, gái trai đều hồ hởi trước tin Việt Nam toàn thắng. Vẫn biết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dù có dài đến đâu, dù có gian khổ ác liệt đến đâu cũng sẽ đến ngày kết thúc thắng lợi. Nhưng khi đón nhận tin chiến thắng tất cả vẫn cứ thấy bàng hoàng vì bất ngờ. Có phải là sự hy sinh quá lớn nên mới có tâm trạng như vậy không. Ngày chiến thắng người người hân hoan. Đi đến đâu tôi cũng nghe tiếng hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Bộ đội hát, thanh thiếu niên diễu hành trên đường hát, các cháu nhi đồng trong lớp mẫu giáo hát... Cả nước tổ chức ăn mừng vào một ngày giữa tháng 5. Không có pháo hoa, đơn vị tôi đã tổ chức bắn từng loạt pháo hiệu (loại dùng trong diễn tập) cùng nhân dân địa phương mừng vui trong ngày đại thắng.
       Cả hàng tháng trời cái không khí chiến thắng cứ lâng lâng trong lòng mọi người như vậy. Niềm vui chiến thắng thật là bất tận. Nhưng trong những ngày vui đó, tôi bắt gặp bao bà mẹ, người chị ánh mắt thẫn thờ khi nhìn những người lính từ miền Nam trở về trên nắp ba lô cài con búp bê, tay xách chiếc khung xe đạp. Đó là những người đã tham gia giải phóng Sài Gòn. Họ là những người có thân nhân không trở về sau ngày chiến thắng. Làng tôi có bà cụ Nghĩa, chồng chết từ lúc tóc còn xanh, ở vậy nuôi con. Anh con trai duy nhất lên đường nhập ngũ. Ngày anh đi cũng là ngày cuối cùng mẹ nhìn thấy mặt con. Ngày đại thắng anh không về, chỉ có tin báo tử anh về làng với mẹ. Hàng ngày bà cụ ngồi trên bậu cửa ngơ ngác nhìn ra sân kho hợp tác xã nhìn cảnh mít tinh, liên hoan hò reo chiến thắng. Rồi có một người cha là ông Hà Khắc Bảy, ngày ngày vẫn cứ lặn lội đạp xe đi tìm hỏi tin con là liệt sĩ Hà Khắc Cử qua từng người lính vừa từ miền Nam trở về, mong sao tờ giấy báo tử và cái bằng "Tổ quốc ghi công" vừa nhận kia là một sự nhầm lẫn.
       Trong niềm vui của ngày chiến thắng là nỗi đau xót của hàng ngàn, hàng vạn gia đình có người ngã xuống trong chiến tranh. Với họ cái không khí hân hoan của ngày hội non sông thống nhất không thật trọn vẹn. Đơn vị tôi ngày ấy - Trung đoàn Tân Trào - đã góp phần rất to lớn cho đất nước đến ngày toàn thắng cũng có biết bao nhiêu người lính không trở về như thế. Trung đoàn tôi có cả trăm người ngã xuống trước khi xung trận. Họ đã không chết vì bom đạn quân thù mà nhiều người đã chết vì đói. Một trung đoàn đói lả trên dãy Trường Sơn. Một trung đoàn lang thang đi đào củ rừng, tìm kiếm từng buôn làng, gặp từng người dân để xin lương thực, vay đồng bào từng cân thóc, củ sắn, bắp ngô. Những nắm thóc nhân dân san xẻ cho đem về những người còn chút sức lực dùng đá, dùng cành cây chà dập cho vỡ vỏ trấu, nhặt từng hạt gạo nấu cháo cầm hơi cho bộ đội, ưu tiên những người ốm. Đói thế, khổ thế và cái chết gần thế song những người lính "5 em" của trung đoàn tôi không một ai bỏ ngũ, thoái lui. "5 em" tức là 5 chữ M: Măng, me, môn, mỳ (sắn) và muối - những thứ lương thực, rau rừng cầm hơi của người lính trung đoàn tôi trên dãy Trường Sơn. Nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết: "Đồng đội tôi ăn trụi những cánh rừng". Nhưng cũng chính những người lính đói lả ấy đã góp phần làm nên chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 khiến cả nước Mỹ rung chuyển. Một trong những cái tên vinh quang của Trung đoàn Tân Trào-Trung đoàn 246 chúng tôi chính là cái tên "trung đoàn cận vệ" vì từng là đơn vị bảo vệ Bác Hồ và Trung ương Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người lính trung đoàn 246 từng theo Bác Hồ đi chiến dịch, từng cùng Bác có những đêm không ngủ thương anh chiến sĩ, lo cho đoàn dân công hoả tuyến. Trong cuộc hành quân vượt dãy Trường Sơn ra mặt trận, Trung đoàn 246 còn có thêm một cái tên mà mỗi lần gặp nhau, chúng tôi vẫn không quên nhắc đến và rưng rưng nước mắt nhớ về đồng đội, nhớ về những ngày gian khổ trên chiến trường đánh Mỹ, cái tên xót xa, đau nhói trong tim mỗi người đó là "trung đoàn hai bốn... đói". Cái đói đã đi vào "truyền thống" và tâm trí mỗi người lính của trung đoàn tôi như vậy. Chúng tôi đã đi qua mọi khốc liệt của cuộc chiến tranh để đến ngày đại thắng vinh quang của Tổ quốc. 
Để đến được Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 có bao nhiêu người đã ngã xuống suốt ba mươi năm trước. Và để có được một Việt Nam sau hơ­n ba mươi năm như hôm nay cũng không thể không có những người đã tiến vào Dinh Độc Lập từ hơn ba mươi năm trước ấy.
                                                                                              
                                                                                    Hà Nội, tháng 4-2009

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

LANG THANG - thơ

        Cây đa
    
      Lang thang

        Lang thang chốn thôn quê
        Trên con đường rơm rạ
        Tôi như quen, như lạ
        Giữa cánh đồng quê hương.
        Có điều chi thân thương
        Khi trở về lối cũ
        Sông bên bồi, bên lở
        Bến vẫn đợi, vẫn chờ
        Vẫn xanh thắm bãi ngô.
        Con đò xưa cũ kỹ
        Mà tháng ngày bền bỉ
        Đưa bao người sang ngang.
        Cây đa nơi đầu làng
        Lá vẫn xanh màu lá
        Đàn chim về ăn quả
        Đem hạt đi muôn phương.
        Tôi nhặt được trên đường
        Sợi rơm vàng kỷ niệm,
        Bao tháng năm tìm kiếm
        Tôi đã gặp lại mình…

               VP, mùa hè 2011
                  TB

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Truyện đăng Báo Tuổi trẻ cuối tuần

    
     Càng bệnh nặng càng tốt
         (Báo Tuổi trẻ cuối tuần số 15-2012)
       
        Bà mẹ già được ông con làm quan to đón từ quê lên tỉnh chơi. Vốn bản chất là một nông dân chăm chỉ nên lên thành phố không có việc gì làm bà cụ thấy chân tay như thừa thãi.
        Đã như thế ngày nào cụ cũng được ăn ngon, toàn những thứ khi còn ở quê cụ chưa được ăn bao giờ. Ông con làm quan to nhưng về quê tỏ ra rất khiêm tốn để khỏi bị dị nghị.       
        Thấy ăn không ngồi rồi mãi bà cụ tỏ vẻ lo lắng nói với thằng cháu nội:
        - Cứ ăn mà không làm gì thế này thì sạt nghiệp mất cháu ạ!
        - Bà khỏi phải lo... - thằng cháu lấc cấc nói - Bố mẹ cháu đón bà lên đây là để bà sẽ “tạo nguồn thu tài chính mạnh” cho nhà mình đấy ạ!
        Bà cụ ngạc nhiên:
        - Bà già cả rồi còn làm được cái gì ra tiền nữa...
        - Ối... bà làm ra nhiều ấy chứ!
        - Nhưng bà cứ ốm yếu liên tục thế này thì còn làm gì được?
        - Thì chỉ cần bà cứ... bệnh liên tục là được, càng bệnh nặng càng tốt, càng làm ra nhiều tiền bà ạ! Hôm trước bố cháu bị “đau lưng” một tí vào viện mấy hôm “thu hoạch” đã bằng ngày xưa bà cấy một mẫu ruộng hai ba năm liền đấy!
         Bà cụ không hiểu thằng cháu nói như thế nghĩa là thế nào. Nhất là khi bà cụ nghe lỏm con dâu nói với con trai bà:
        - Gay quá ông ạ! Bà lên đây được ăn uống sướng lại khỏe ra, chả ốm đau gì, thế này khéo mà... lỗ vốn mất ông ạ!
        Ông con trai bảo:
        - Cứ yên tâm, cụ già rồi thể nào mà chả có lúc ốm! Hay là bà đưa cụ đi khám rồi nằm viện vài hôm để thông báo cho mọi người trong cơ quan đến thăm...
        - Nhưng cụ bảo chả ốm đau gì không chịu đi viện đâu!
        Ông con trai đành nói:
        - Thôi đành chờ vậy!
        Cụ nghe hai vợ chồng ông con trai trao đổi mà không hiểu gì. Một hôm do mắt kém lại sơ ý cụ bị ngã cầu thang gãy chân. Trong khi chờ xe cấp cứu đến, thằng cháu gọi điện cho bố mẹ báo tin:
       - Tốt quá rồi bố mẹ ơi! Bà đã bị gãy chân, vỡ đầu chảy máu lênh láng, bố mẹ về ngay để đưa bà đi viện nhé!
                                                                                                  TRỌNG BẢO

           http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Thu-gian/index.html

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Truyện cười CÁC BÁC KHỔ THẬT


                   
             Các bác khổ thật!
                  Truyện cười của Trọng Bảo
            
             Một ông lão nông dân miền núi cưỡi con trâu ra đồi chăn thả. Gặp một chiếc xe du lịch bóng lộn đang dừng cạnh đường, ông lão tò mò dừng lại hỏi xem cái xe này của ai và giá cả bao nhiêu. Anh lái xe hào hứng giới thiệu về cái xe đẹp, hiện đại, chạy êm và có máy lạnh mát mẻ như thế nào rồi bảo:
            - Cụ ơi! Giá cái xe này những hơn hai tỷ đồng đấy cụ ạ! 
            Nghe vậy, ông lão nông dân lẩm nhẩm tính toán một lúc rồi gật gù suýt xoa vẻ rất thán phục:
            - Thế thì các bác sướng thật! Cái xe bằng những hơn 500 con trâu mộng. Cả đời lão cũng chỉ được cưỡi có một con trâu thôi, đằng này các bác lại cưỡi liền một lúc những... 500 con trâu thế này thì sướng thật! Các bác cán bộ đúng là sướng thật!
          Ông cán bộ đang cầm lon bia uống nghe thấy thế giật mình. Ông ta liền lên tiếng giải thích, động viên an ủi ông lão:
          - Chả sướng bằng cụ đâu ạ! Cụ cưỡi trâu đi trên đường quốc lộ không phải nộp phí giao thông. Rồi cưỡi trâu băng qua đồi núi thoải mái, chẳng cần có đường cũng vẫn đi được. Chúng tôi ngồi ô tô thì phải đi trên đường quốc lộ và bây giờ phải nộp phí giao thông cao lắm. Mỗi năm mất đứt hai con trâu đấy cụ ơi!
          Ông lão tròn mắt:
          - Nhiều những thế cơ à?
          - Không những thế, cụ cưỡi trên lưng trâu luôn luôn có gió thiên nhiên mát rười rượi, chúng tôi ngồi trong ô tô nóng bức nên phải mở máy điều hòa hay bị đau viêm họng lắm!
          - Thế hóa ra các bác cũng khổ nhỉ?
          - Khổ ghê lắm cụ ạ! Trâu của cụ lỡ có lao vào gốc cây hỏng thì còn thịt ra để ăn được, chứ ô tô lao vào gốc cây hỏng không thịt ăn được mà có khi còn chết người nữa cụ ạ!
          Ông lão chép miệng:
          - Thế này thì công nhận đúng là các bác khổ thật! Tôi quanh năm cưỡi trâu sống lâu vui vẻ chứ các bác cán bộ suốt ngày đi trên cái ô tô bằng cả trăm con trâu thế này cũng nguy hiểm quá…. Mà tôi còn nghe nói có bác vừa mới hôm trước thôi còn cưỡi ô tô phóng bon bon, mấy hôm sau đã phải đi làm cái việc “bóc lịch” gì đó đến mỏi tay những mấy chục năm liền cơ đấy!
          Nói xong ông lão cưỡi trâu đi mất còn ông cán bộ nọ thì cứ há hốc mồm ra quên cả lon bia đang uống dở…
                                                               Ngày 10/4/2012

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Truyện ngắn GÃ HOẠN LỢN (phần cuối)


                      
          
            Gã hoạn lợn
            Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Sau buổi tối mưa to gió lớn sấm chớp ầm ầm ấy kỹ sư Khoa càng thêm quyết tâm xin chuyển vùng công tác. Anh làm đơn xin về một huyện vùng núi cao của tỉnh Hà Giang. Đơn của anh đã được gửi lên cơ quan tổ chức chính quyền. Hàng ngày đến cơ quan anh tránh không gặp cô Thoa. Cô Thoa vẫn chằm bặp, lượn lờ quanh anh. Anh cũng hạn chế việc làm thêm cuối giờ để tránh gặp phải tình huống oái oăm như hôm trước. Cô Thoa bắt đầu đi học đại học tại chức vào các buổi chiều tối thì anh thấy yên tâm hơn khi ở lại làm thêm.
          Một hôm, ông trưởng phòng lại gọi kỹ sư Khoa lên gặp. Anh mừng thầm vì nghĩ đơn xin chuyển công tác của mình đã được trên chấp nhận. Nhưng khi nhìn thấy vẻ mặt buồn bã của ông trưởng phòng thì anh hơi chột dạ. Ông trưởng phòng hỏi:
          - Cậu và cô Thoa có chuyện gì phải không?
          - Không ạ!
          - Không là không thế nào! Cô ấy đang “kiện” cậu kia kìa!
          - Kiện cái gì ạ!
          - Tao… tao… cũng không rõ! Chỉ thấy ông chủ tich tỉnh gọi điện cho tao nói gần, nói xa có ý đe rằng cậu mà “bỏ của chạy lấy người” là chết cả nút hiểu không?
          - Sao thế ạ! Em và cô ấy chỉ là cấp trên với nhân viên thôi, không có việc gì đâu, bác cứ yên tâm!
          Ông trưởng phòng lắc đầu vẻ ngán ngẩm:
          - Thôi! Cậu về đi, nhớ là phải hết sức cẩn thận đấy, làm trái ý cô Thoa… à… à… làm mếch lòng cấp trên là hỏng bét mọi sự đấy!
          - Em chả việc gì phải sợ ai cả…
          Kỹ sư Khoa đáp rồi định đi. Chợt nhớ ra anh quay lại hỏi:
          - Việc em xin chuyển công tác giải quyết đến đâu rồi ạ!
          - Chuyển với chiệc cái gì… khéo mà hỏng hết rồi hiểu không?
          Ông trưởng phòng lắc đầu. Kỹ sư Khoa không hiểu hết cái lắc đầu của ông. Anh vốn là một người sống vô tư, đơn giản, chưa hiểu hết những phức tạp trong cuộc đời. Sau bận anh mắng thậm tệ cô Thoa vì tội lơ là công việc, nhất là chuyện hay ăn mặc hở hang vào phòng anh khi vắng người thì mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn. Nhất là khi Vân-người yêu của anh lên thăm gặp đúng lúc cô Thoa đang ở cơ quan. Vân gặp cô Thoa ngoài cổng cơ quan. Vân hỏi thăm và tự giới thiệu là vợ sắp cưới của kỹ sư Khoa. Hôm ấy cô Thoa bỏ việc đi đâu mất là cả phòng nông nghiệp nháo nhào vì không có nước sôi pha chè. Và cũng không hiểu sao sau lần Vân lên thăm anh thì có tin đồn anh quan hệ “lằng nhằng” với cô nhân viên chuyên đun nước ở cơ quan đang bị kiểm điểm. Thế là Vân ngãng ra. Tình yêu của hai người nhạt dần rồi tan luôn. Kỹ sư Khoa cũng không hiểu tại sao lại có cái tin đồn ác ý ấy. Có lẽ chỉ có cô Thoa là hiểu. Cô Thoa đã gặp anh nói bóng nói gió về việc anh sẽ lên làm trưởng phòng nông nghiệp huyện nếu chấp nhận lấy cô ấy. Và, chỉ có như vậy hoặc thôi việc chứ không có chuyện chuyển vùng công tác. Khi đã rõ mọi chuyện, kỹ sư Khoa quyết định bỏ việc ở phòng nông nghiệp huyện.
          Về làng, kỹ sư Khoa cũng chưa biết làm gì để kiếm sống. Ruộng đất đã chia hết cho nông dân. Mẹ anh chỉ có một sào ruộng khoán, cày cấy năng xuất có hơn hẳn thời hợp tác xã thì cũng chỉ đủ cho một miệng ăn. Kỹ sư Khoa đành vác mai đi đào đất thuê cho mấy ông chủ lò gạch thủ công ngoài bãi sông. Một hôm ngồi nghỉ cùng mấy ông bà gánh đất thuê ở lò gạch thấy họ bàn nhau việc tìm thợ về thiến mấy con lợn để nuôi vỗ béo thì kỹ sư Khoa chợt nhớ ra mình chính là dân chuyên ngành thú y, chăn nuôi. Anh nhận sẽ giúp họ việc thiến lợn. Quả là kiến thức học ở trường đại học của anh vẫn còn có tác dụng. Sau lần thiến giúp đàn lợn của mấy ông bà cùng làm thuê ở lò gạch thủ công, nhiều người biết tiếng tìm đến mời anh. Thế là kỹ sư Khoa quyết định sắm sửa một bộ đồ nghề hoạn lợn. Anh rong ruổi khắp vùng với chiếc thòng lọng buộc dọc theo cái khung xe đạp và túi đồ nghề hoạn lợn đeo bên hông. Anh thiến lợn, cả chó, trâu bò nữa. Anh còn kiêm cả việc chữa chạy cho động vật nhất là lợn, trâu, bò ốm nhiều trường hợp thành công nên rất có uy tín trong vùng. Ngày ấy nhiều khi người ốm cũng không sợ bằng lợn ốm. Người bỏ ăn một ngày không sao, lợn bỏ máng một bữa là vợ chồng con cái đã lo méo mặt.
           Nghề hoạn lợn cũng lắm chuyện buồn vui. Có lần vừa cất tiếng rao: “Hoạn… lợn…ơ…” thì một thằng thanh niên gọi kỹ sư Khoa dừng lại ra bộ nghiêm mặt bảo: “Ông là loại người gì mà dã man như vậy hả? Nó là loài động vật đã khổ lắm rồi, có mỗi một “cái ấy” để sướng mà ông cắt mất! Thật vô nhân đạo quá! Tôi mà có quyền tôi ra lệnh hoạn hết những tên hoạn lợn...”. Rồi một hôm đến làng nọ có mất cô vừa nhìn thấy anh đã nhao nhao: “Chúng em đang đi tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình đây, đề nghị anh đi cùng. Nếu có ông nào không nghe tuyên truyền thì anh lập tức “xử lý cái ấy” tại chỗ giúp tụi em nhé!”. Nói xong, các cô cười ré lên.
           Kỹ sư Khoa không thèm chấp bọn thanh niên. Anh vẫn lang thang qua tháng ngày trên con đường hoạn… lợn. Và như thành định kỳ hàng tháng, anh đều cố gắng đi qua làng Xuân Nội bên kia sông Đáy một lần. Trước khi vào làng anh mua cân đường, hộp sữa và ít hoa quả. Anh vào một ngôi nhà giữa làng. Có một người đàn ông đang ngồi trên chiếc xe lăn ở thềm. Vừa nhìn thấy anh ông ta đã hỏi, miệng méo đi nói rất khó khăn:
          - Ẫn… i… oạn… ợn… à…? (Vẫn đi hoạn lợn à?)
          - Vâng!
          - Ó… iếm… ủ… ăn… ông…? (Có kiếm đủ ăn không?)
          - Em vẫn kiếm được đủ sống bác ạ!
          - Ế… ì… ốt…! (Thế thì tốt!).
          Ông già đó bị tai biến mạch máu não nên nói năng rất khó khăn.
          Kỹ sư Khoa mở túi lấy ra cân đường, hộp sữa rồi ngồi xuống bân cạnh ông già xoa nắn chân tay cho ông. Nét mặt anh ngậm ngùi. Ông già chớp chớp mắt nhìn anh rồi bảo: “Ần… au… ến… ơi… ông… ải… oà… áp… ì… á…”.  (Lần sau đến chơi không phải quà cáp gì nhá!). Kỹ sư Khoa gật đầu để ông già yên tâm. Anh ngồi chơi với ông một lát rồi chào ông để đi.
           Ông già bị tai biến mạch máu não ấy không phải là ai khác. Đó chính là ông trưởng phòng nông nghiệp huyện ngày trước. Mấy tuần trước khi về nghỉ hưu thì ông bị tai nạn. Hôm ấy ông chủ trì buổi họp phòng để “tự kiểm điểm nghiêm khắc” về việc trong cơ quan xảy ra chuyện quan hệ nam nữ bất minh (mà việc này ông cũng không rõ sự thể là như thế nào) và để xảy ra vụ cung cấp nhầm giống “ngô không hạt” cho bà con nông dân. Việc kiểm điểm là từ trên chỉ đạo xuống. Khi đang họp kiểm điểm thì ông nhận được một bì công văn hoả tốc. Mở công văn ra xem ông liền đứng dậy. Tay ông run run. Ông chưa kịp đọc thì tờ giấy tuột khỏi tay rơi xuống đất. Ông cúi người giơ tay định nhặt tờ giấy đang nằm lăn lóc dưới đất thì chúi người ngã lao luôn đầu xuống nền nhà. Mọi người nhốn nháo xô ngay đến định đỡ ông ngồi dậy. Anh bác sĩ thú ý vội vàng ngăn lại. Anh đoán ra ngay là ông bị đột quỵ, tai biến mạch máu não. Ông là người có tiền sử huyết áp cao. Phải để nguyên ông nằm yên ở dưới đất sơ cứu rồi gọi bác sĩ chuyên khoa đến xử lý, đưa đi bệnh viện. Nhờ sơ cứu đúng cách như vậy mà ông còn sống và không bị hôn mê như một số bệnh nhân đột qụy khác.
            Khi trưởng phòng được đưa đi bệnh viện rồi mọi người mới tìm nhặt tờ công văn ông đánh rơi xuống đất lúc nãy lên xem. Hoá ra đó chính là tờ quyết định đề bạt cô Thoa giữ chức quyền trưởng phòng nông nghiệp huyện khi ông trưởng phòng sẽ nghỉ hưu vào đầu tháng tới. Cô Thoa đã tốt nghiệp loại giỏi đại học tại chức ngành trồng trọt.
            Khi biết tin ông trưởng phòng bị tai biến mạch máu não rồi về nghỉ hưu kỹ sư Khoa thường ghé thăm mỗi khi đi hoạn lợn rong qua quê ông. Ông trưởng phòng tỏ ra rất vui mỗi khi anh đến thăm. Có lẽ anh là người mà ông đã nhận ra ngay kể sau lần bị đột quỵ. Có nhiều người quen mà hỏi mãi ông mới lờ mờ nhận ra là ai. Những người dưới quyền ông trước đây chả thấy ai đến thăm ông bao giờ. Đời là vậy. Khi còn đương chức lắm kẻ vây quanh, khi đã thất sủng chẳng ai ngó tới. Người ta phù thịnh, chả ai phù suy. Khi đã về hưu thì tiệt nhiên chả ai còn nhòm ngó đến nữa. Tình đồng chí thường là rất nhạt. Tình đồng nghiệp thì chỉ có khi còn công tác. Chỉ có tình người là bền vững thì thời buổi này lại rất hiếm.
            Rời khỏi nhà ông trưởng phòng cũ kỹ sư Khoa vừa đạp xe vừa suy nghĩ mãi về điều ấy. Quành qua một khúc ngoặt chiếc xe đạp tồng tộc của anh phóng xuống một đoạn dốc cua của con đường đất đỏ ven đồi bạch đàn. Khi nhận ra có một chiếc ô tô con rất xịn đang đỗ ở bên đường thì đã quá gần. Anh cố miết cả hai chân xuống mặt đường mà không phanh nổi. Chiếc xe đạp đang đà đổ dốc đâm mạnh vào phía sau cái ô tô con. Kỹ sư Khoa ngã lăn ra mặt đường. May mà anh không việc gì. Anh lồm cồm ngồi dậy. Cánh cửa xe ô tô bật mở. Một tiếng quát:
           - Đi đứng kiểu gì thế! Mắt mù à?
           - Tôi… tôi…
           Tài xế chiếc xe con là một thanh niên còn trẻ. Hắn ta lao ngay về phía sau xe túm tay kỹ sư Khoa rồi chỉ vào đuôi chiếc xe con sừng sộ:
            - Mù à? Nhìn đây này! Xước một vết sơn rồi phải đền cho tôi ngay!
            Kỹ sư Khoa nhìn thấy một vết xước nhỏ trên đuôi chiếc xe con bóng lộn. Anh lập cập:
            - Vâng… vâng… tôi… xin…
            - Biết vết xước này phải sửa mất bao nhiêu không hả?
            - Không…
            - Ít nhất là mười triệu! Đưa tiền đây!
            Kỹ sư Khoa hốt hoảng:
            - Những mười triệu! Tôi lấy đâu ra… mà chỉ xước một tý thế này…
            - Không có tiền thì về đồn công an!
            Tên lái xe vẫn hùng hổ. Kỹ sư Khoa vã mồ hôi vì lo lắng. Giữa lúc đó thì có tiếng một người đàn bà lên tiếng can:
            - Thôi! Để cho anh ta đi đi…
            - Nhưng… - Tên lái xe miễn cưỡng buông anh ra.
            Kỹ sư Khoa nhìn về phía người đàn bà. Anh giật mình nhận ra đó là cô Thoa, nhân viên dưới quyền của anh khi còn là cán bộ của phòng nông nghiệp huyện. Cô Thoa bây giờ đã là phó giám đốc sở nông nghiệp tỉnh. Cô đang trên đường đi xuống cơ sở để kiểm tra tình hình sản xuất nông lâm nghiệp. Cô Thoa định hỏi thăm nhưng lại thôi. Kỹ sư Khoa đã ngồi lên yên cái xe đạp tồng tộc. Một tay anh cầm cái thòng lọng bắt lợn vừa bị văng ra. Cái thòng lọng chĩa ra phía trước đu đưa trông như một cái giá treo cổ nghiêng nghiêng.
            Kỹ sư Khoa lại đạp xe đi tiếp trên còn đường đất đỏ vắng bóng người qua lại. Chiếc xe con của bà phó giám đốc sở nông nghiệp từ phía sau phóng vụt qua. Bụi đỏ cuốn lên mù mịt trùm lấp cả người và xe của gã hoạn lợn lang thang…
            Tái bút: Câu chuyện về gã hoạn lợn xin được dừng lại ở đây. Hy vọng sẽ đem đến cho bạn đọc một ý nghĩa gì đó về cuộc sống thông qua cuộc đời một con người mà tôi đã biết. Tất nhiên gã hoạn lợn là nguyên mẫu của truyện ngắn này cuộc đời có khác hơn, khá hơn so với nhân vật. Nhưng chưa chắc trong cuộc đời thực gã có được những giây phút tuyệt vời như gã hoạn lợn trong câu chuyện của tôi… (Trọng Bảo).

                                                                     Hà Nội, tháng 3-2012