Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Truyện ngắn CHÂN TRỜI XA


                          
                 
         Chân trời xa

          
Truyện ngắn của Trọng Bảo
         
          Thằng Mẫn len lén quay vào nhà. Nó đứng lặng hồi lâu nhìn em gái đang nằm co quắp trên giường. Con em vừa ngủ thiếp đi, vệt nước mắt còn hằn trên má. Ba gian nhà trống toang, trống toàng, quạnh quẽ. Mẹ nó vẫn đang lầm lũi nấu cám lợn dưới bếp. Còn bố nó giờ này chắc lại đang la cà ngoài quán rượu sau khi hất đổ mâm cơm của mấy mẹ con nó.
          Thằng Mẫn lần trong túi áo lấy ra một tờ giấy bạc năm nghìn đồng. Nó gấp lại thật nhỏ đặt vào tay bé Mận rồi khẽ khẽ gập mấy ngón tay của em nắm lại giữ chặt để tờ giấy bạc khỏi rơi và đề phòng bố nhìn thấy. Bé Mận mơ ngủ gọi mẹ. Thằng Mẫn khe khẽ vuốt má em một cái rồi lách cửa đi ra.
          Trời vẫn còn se lạnh. Bàn chân trần của thằng Mẫn giẫm vào những hạt cơm rơi vãi trên sân nhem nhép. Trong căn bếp nhỏ, bóng mẹ nó chập chờn méo mó in trên vách. Nó muốn gọi mẹ một tiếng trước khi ra đi nhưng không dám. Nó sợ mẹ sẽ không cho nó bỏ nhà đi như thế.
          Thằng Mẫn quyết rời quê ra thành phố kiếm tiền. Nó không thể chịu đựng được mãi cái cảnh bố nó suốt ngày say rượu, hành hạ mẹ và anh em nó. Trận đòn chiều nay của bố càng thôi thúc nó phải ra đi. Nó biết khi không tìm thấy nó, mẹ và em chắc sẽ hoảng sợ lắm. Nhưng ý chí của nó đã quyết. Nó cắn chặt môi lầm lũi bước ra cổng.
          Chiều nay, đội dịch vụ thủy nông bơm hút nước hồ Chằm đổ lên đồng chống hạn. Khi nước hồ gần cạn, cả làng ào xuống hôi cá. Cá thả thì người ta đã vớt hết, hồ chỉ còn lại một ít cá hoang. Đám đông quần thảo mò cá làm bùn sục ngầu lên. Lũ cá rô, cá trạch, cá trê ngoan cố chui sâu dưới bùn cũng phải ngoi cả lên. Thỉnh thoảng, một con cá bị dồn đuổi giẫy đành đạch là cả đám đông lại hò hét xúm đến tranh cướp nhau. Ai nấy đều lấm lem bùn đất. Thằng Mẫn bất ngờ tóm được một con cá quả to. Con cá giẫy đành đạch. Đám người xông đến. Thằng Mẫn bị xô đẩy ngã dúi dụi úp mặt xuống bùn. Nhưng nó kiên quyết không chịu buông con cá. Ngón tay cái của thằng Mẫn thọc vào miệng con cá quả, ngón chỏ móc vào mang nó giữ chặt. Răng con cá nghiến vào ngón tay nó đau điếng. Có tiếng người quát:
          - Thằng Mẫn bắt được con cá rồi! Để cho nó đem lên bờ.
          Mọi người bấy giờ mới chịu tản ra tiếp tục mò cá. Thằng Mẫn như vừa chui lên từ bùn đất. Quần áo nó sũng bùn. Nó ôm con cá quả lao lên bờ. Con cá có dễ phải đến hai cân. Nó giẫy giụa làm ngón tay thằng Mẫn bật máu.
          Con cá ấy thằng Mẫn bán được năm mươi nghìn đồng. Nó vui lắm. Thế là ngày mai sinh nhật bé Mận, nó sẽ có tiền mua cho em một bộ quần áo mới. Mai lại đúng là phiên chợ, nó sẽ dẫn em gái ra thị trấn. Em Mận thích bộ quần áo nào, Mẫn sẽ mua cho em bộ đó. Bộ quần áo trẻ con chỉ khoảng ba, bốn chục nghìn. Nếu còn thừa tiền nó sẽ mua kem hai anh em cùng ăn. Hay là sẽ mua cho em một cái váy. Bé Mận đang học mẫu giáo. Hôm trước, đi học về nó phụng phịu nói với anh: “Em không có váy, nên cô giáo ứ cho vào tốp múa!”. Thằng Mẫn thương em lắm. Từ khi mới sinh ra em đã chịu khổ. Mẹ đau ốm thiếu sữa. Bố thì mất việc lại ra vào rượu chè, nghiện ngập lấy đâu tiền mua quần áo đẹp cho các con. Bé Mận chưa được một ngày sung sướng. Còn nó - thằng Mẫn nghĩ - nó dù sao thì cũng có những ngày vui vẻ, đủ đầy. ấy là khi bố nó đang còn là công nhân kỹ thuật cao của một công ty liên doanh với nước ngoài. Cái công ty ấy có một nhà máy to ở ngay đầu làng, chuyên sản xuất các loại ti-vi, tủ lạnh. Bó nó lương cao. Mẹ nó là giáo viên trường tiểu học. Thằng Mẫn được chiều chuộng, nâng niu. Quần áo chưa cũ đã bỏ. Giầy dép chưa mòn đã cho. Khi còn học lớp mẫu giáo nó đã muốn gì được nấy. Học lên cấp một, nó được bố mẹ đón đưa, mỗi lần đạt điểm giỏi đều được thưởng tiền.
          Nhưng rồi nhà nó dần dần sa sút. Sa sút ấy lại bắt nguồn chính từ sự đủ đầy, tăng trưởng. Cái công ty liên doanh sản xuất ti-vi, tủ lạnh càng làm ăn phát đạt, doanh thu, lãi xuất ngày càng cao. Tất nhiên, lương thưởng của công nhân cũng tăng lên. Dần dần người ta quên đi những đồng tiền Việt lẻ. Những tờ trăm, tờ chục USD cũng trở thành quen quen trong ví người Việt Nam. Khi đời sống kinh tế phát triển ắt xuất hiện các loại dịch vụ. Dịch vụ từ thị trường công cộng tiến dần vào tư gia. Dịch vụ thường là tốt. Nó làm cho cuộc sống con người khá hơn, tốt hơn, nhàn hạ hơn, hoàn thiện hơn. Nhưng cũng có những loại “dịch vụ” thì lại làm cho con người ta suy đốn, đời sống xã hội lụi tàn đi.
          Xung quanh cái nhà máy nửa xã hội chủ nghĩa, nửa tư bản chủ nghĩa đầu làng xuất hiện nhiều loại dịch vụ mà người nông dân lần đầu tiên mới được biết. Đó là các loại dịch vụ mát xa, karaôkê, tắm nóng lạnh, "cà phê… đen" - tức là nơi người ta ngồi uống cà phê trong bóng tối.
          Sẵn tiền trong tay, nhiều người dần quen với các loại dịch vụ. Là công nhân kỹ thuật bậc cao, bố thằng Mẫn luôn rủng rỉnh tiền trong túi. Bố nó cũng thử rồi đâm ra nghiện các loại dịch vụ. Từ tắm nóng lạnh sau ca đến mát xa, karaôkê. Thường là vậy. Dịch vụ là một ngành công nghiệp không sản sinh ra vật chất mà chỉ tiêu tốn vật chất. Nó chuyển hóa tiền bạc của tầng lớp người này sang những người khác. Đừng vội khoe lương cao, bổng hậu, hãy cứ thử qua các loại “dịch vụ” rồi sau hãy nói.
          Số tiền hàng tháng bố đưa cho mẹ ít dần. áo quần của thằng Mẫn cũ dần. Bữa sáng trước kia nó đòi phở là có phở, muốn trứng vịt lộn là có trứng, giờ thì cơm rang cũng nhạt mỡ. Mẹ nó có bầu cũng chẳng còn tiền để bồi dưỡng thêm. Bố nó chỉ đưa đủ tiền ăn hàng tháng. Chút tiền ăn ấy rồi cũng không còn. Mẹ nó hỏi mới biết bố nó ham các loại dịch vụ quá nên tiêu tốn sạch lương, thưởng. Bố nó   ăn cắp linh kiện vật tư của nhà máy đem bán để có tiền bao các cô trong quán đèn mờ. Bảo vệ nhà máy phát hiện, bố nó bị đuổi việc. Thế là nguồn sống nhà nó chỉ còn trông vào mấy trăm nghìn đồng tiền lương giáo viên bậc tiểu học của mẹ. Khi sinh bé Mận, mẹ nó ốm hậu sản tưởng chết. Bố nó đã không giúp được gì lại còn sinh ra nghiện ngập, rượu chè. Cả ngày bố la cà ngoài quán. Suốt ngày bố nó say. Lúc nào bố về nhà cũng chỉ là để tróc nã vợ con tiền uống rượu. Các thứ đồ đạc trong nhà dần dần đội nón ra đi hết. Mẹ nó khổ lắm. Ăn uống thiếu thốn chả đủ sữa cho con bé Mận bú. Nhiều lần mẹ nhịn đói đi dạy, thiểu lực, ngã khụy xuống ngay trên bục giảng. Bé Mận năm tuổi mà bé loắt choắt. Nó chưa một lần có được manh áo đẹp. ít khi thấy nó cười. Cứ mỗi khi nhìn thấy bố về nhà là nó sợ chết khiếp. Nhiều lần nó chứng kiến cảnh bố mẹ giằng xé nhau, hất đổ mâm cơm đang ăn. Có lần sợ quá, nó chui vào đống rơm trốn rồi thiếp đi, mẹ và anh tìm mãi mới thấy.
          Ngày mai là bé Mận tròn sáu tuổi. Thằng Mẫn thương em lắm. Năm mươi nghìn đồng bán cá nằm trong túi áo nó. Nghĩ đến lúc bé Mận mặc cái váy mới cong tay múa, thằng Mẫn lại thấy rộn rực trong lòng. Nó co chân nhảy tưng tưng vào ngõ. Chợt có tiếng quát:
          - Thằng kia đứng lại!
          Thằng Mẫn giật bắn người nhận ra tiếng bố. Nó ấp úng:
          - Bố! Có việc gì ạ?
          - Việc gì à? Đưa ngay tiền cho tao!
          - Tiền nào ạ?
          - Tiền… tiền… mày vừa bán con cá lúc chiều cho bà Nụ hiểu không?
          - Nhưng đấy là tiền của con chứ!
          - Của mày à?
          Bố nó sấn lại túm lấy cổ nó. Thằng Mẫn giẫy giụa. Nó cố giữ chặt túi áo. Bố nó nghiến răng giật tay nó ra. "Xoạc"- vạt áo rách toạc. Thằng Mẫn vẫn nắm chặt tờ giấy bạc. Bố nó thì cố bẻ, cạy mấy ngón tay nó ra.
          - A… thằng này láo… Dám cắn tao hả?
          - Bốp! - Một cái tát khiến thằng Mẫn loạng choạng, mắt nổ đom đóm. Nó ngã dúi dụi xuống rãnh nước. Tờ năm mươi nghìn rơi ra. Bố nó nhặt tờ bạc giơ lên nhìn rồi cười ha hả. Thằng Mẫn van vỉ:
          - Bố ơi! Con xin bố! Bố đừng lấy tiền của con… Tiền ấy con dành mua cho em Mận bộ quần áo mới. Ngày mai là sinh nhật em năm tuổi…
          - Sinh nhật với chả sinh nhiệc! Vẽ chuyện, vớ vẩn mãi quen…
          Bố nó vừa lẩm bẩm, vừa khật khưỡng đi ra cổng. Thằng Mẫn ngồi thẫn thờ bên vệ đường. Cái tát của bố còn đau ê ẩm nhưng nó không khóc. Nhưng nghĩ đến em gái thì nước mắt nó ứa ra giàn giụa. Thế là ngày mai bé Mận không có quần áo mới rồi.
          Thằng Mẫn uể oải chống tay đứng dậy. Nó thất thểu bước về nhà. Nhìn  mảnh bát và những hạt cơm vương vãi khắp sân, nó biết bố nó vừa mới về nhà xong. Thằng Mẫn vội đi tìm em. Bé Mận đang ngồi thu lu ở góc thềm vẻ mặt hoảng sợ. Mẹ nó thì đang thái rau lợn dưới bếp. Thằng Mẫn bế em vào nhà. Nó lau nước mắt cho em rồi hỏi:
          - Em có đói không?
          Con bé gật đầu rồi thỏ thẻ:
          - Bố hất đổ nồi cơm rồi anh ạ.
          - Anh đi mua bánh mỳ cho em ăn nhé!
          - Anh cho em đi với nhé!.
          Thằng Mẫn dắt em ra ngoài đầu làng mua cho em cái bánh mỳ một nghìn. May còn sáu nghìn đồng bán mớ cua, cá vụn thằng Mẫn lận ở tay áo xắn lên nên bố nó không biết. Bé Mận ăn hết cái bánh mỳ thì hai mắt díu lại buồn ngủ. Thằng Mẫn bế em lên giường, vỗ vỗ vào lưng dỗ dành nó ngủ. Con bé cứ nắm chặt tay anh. Chờ em ngủ hẳn, thằng Mẫn mới gỡ tay mình ra. Nó lặng lẽ nhìn em gái. Ước mơ mua cho em một bộ quần áo mới đã không thành, nhưng ý chí, quyết tâm bỏ nhà ra đi của thằng Mẫn đã chín. Nó nhè nhẹ xoa má em một cái rồi quả quyết bước ra cửa. Nhưng khi ra đến sân, giẫm vào những hạt cơm nhem nhép, sực nhớ ra còn năm nghìn đồng trong túi, nó liền quay lại. Ngày mai là sinh nhật của bé Mận.
                                                                   
*
          
          Thằng Mẫn ra đến đầu làng thì trời bắt đầu mưa phùn. Có lẽ là mưa xuân. Đường làng láng ướt. ánh điện nhạt nhòa hắt ra từ những ngôi nhà ven đường. Trời còn lạnh. Thằng Mẫn cố khép vạt áo lại. Cái áo bị bố giật rách toạc không đủ ấm. Thằng Mẫn rảo bước. Chợt có tiếng gọi:
          - Mẫn ơi đứng lại… dì bảo!
          Thằng Mẫn ngạc nhiên dừng lại. Nó nhận ra bóng dì Miên đang đuổi theo. Thằng Mẫn và dì Miên cùng tuổi, cùng học lớp 5. Hai đứa cứ mày, tao quen rồi. Đây là lần đầu tiên Miên xưng "dì" với nó. Thằng Mẫn ấp úng:
          - Dì ạ!
          - Định… đi hả Mẫn?
          - Vâng… cháu…
          - Này cầm lấy! Có tiền mà đi tàu hoả!
          Dì Miên vừa nói vừa dúi vào tay thằng Mẫn tờ bạc mười nghìn đồng. Dì Miên cởi cái áo ấm cũ đang mặc khoác lên người thằng Mẫn nói thêm: “Trời vẫn còn lạnh  lắm đấy!". Thằng Mẫn “vâng” một tiếng rồi lý nhí: “Chào dì… cháu đi!” Nó biết dì Miên cũng khổ lắm. Ông trẻ bên ngoại mất, dì còn nhỏ mà đã phải lao động, tần tảo như người lớn.
          Thằng Mẫn bước qua cái cổng làng có cây đa cổ thụ, rễ rủ loà xòa. Nó nhìn về hướng thành phố xa xa. Một quầng sáng đùng đục hắt lên bầu trời. Nó cũng chưa biết mình sẽ làm việc, kiếm tiền ra sao ở cái nơi đô hội ấy. Nó sẽ làm nghề nhặt rác, đánh giầy, hay bán báo. Làm gì cũng được. Nhưng nhất định nó sẽ phải có tiền để mua cho bé Mận một bộ quần áo mới. ý nghĩ ấy thôi thúc nó đi tới một chân trời xa...
                                                                                          Tháng 6-2005
            

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

VOV đọc truyện ngắn Chim lợn kêu ngang trời

Truyện ngắn Chim lợn kêu ngang trời của Trọng Bảo đã đăng trên báo Văn nghệ Trẻ và hai lần được Chương trình "Đọc truyện đêm khuya" phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Mời nghe: >> Nghe âm thanh tại đây

 

Chim lợn kêu ngang trời




 (VOV) - Truyện ngắn của Trọng Bảo

  >> Nghe âm thanh tại đây

Trời bắt đầu trở lạnh. Đã cuối mùa thu. Sương muối rơi lộp bộp trên mái nhà lợp bằng lá cọ. Bà Chiều vừa thiu thiu ngủ bỗng giật mình nghe tiếng kêu của con chim lợn đi ăn đêm. Tiếng nó “eng éc” nghe lạnh cả người. Nó bắt đầu kêu từ khu nghĩa địa bên kia cánh đồng. Bay ngang qua làng Trung tiếng nó có vẻ thảm thiết hơn. Người ta bảo khi nó kêu là lúc đã ăn no rồi đang bay về tổ.
Nhưng chim lợn kêu nhiều thường là có người sắp lìa cõi trần.
Tiếng chim lợn kêu ngang trời như gọi hồn người chết thăng thiên. “Chết thôi! Ông Túc đang ốm. Con chim hôm nay sao mà kêu ghê thế… hay là…”. Bà Chiều nghĩ vậy. Bà trở mình, giát giường kêu cót két. Bà ngồi dậy quờ chân tìm dép. Không bật điện, bà lập cập vặn to ngọn đèn dầu hạt đỗ đặt trên bàn thờ. Bà vừa rút một nén hương chưa kịp châm thì nghe thấy tiếng người ồn ào rộ lên ở phía cuối làng. Bà thở dài: “Thôi ông ra đi cho mát mẻ!”. Giọt nước mắt ứa ra trên gò má nhăn nheo của bà.
Bà Chiều lay thằng cháu ngoại đang nằm ngủ ở giường bên cạnh. Nó cáu cẳn:
- Bà làm gì thế! Cháu vừa mới ngủ được một lát bà đã gọi…
- Mày đưa bà xuống nhà ông Túc ngay.
- Đang đêm bà xuống nhà lão ấy làm gì?
- Hình như… ông… ấy…
- Lão ấy đang ốm nặng… đã ngoẻo rồi hả bà?
- Vả vào cái mồm mày! Ăn với nói… dậy đi!
Thằng cháu uể oải ngồi dậy. Nó bật điện tìm cây đèn sạc. Bà Chiều cũng đã tìm được cây gậy.
Thằng cháu soi đèn đưa bà ngoại đến cổng nhà lão Túc. Trong nhà đèn điện sáng choang, tiếng người ồn ào. Đúng là ông ấy đã đi rồi. Từ ngoài cổng thằng cháu thính tai đã nghe rõ mọi chuyện. Nó bảo bà:
- Lão ấy ngoẻo… À...à… - Nó vội lấp liếm: - Ông Túc chết rồi bà ạ! Bà vào nhà ông ấy nhé. Cháu về ngủ tiếp đây. Mai cháu sẽ đi đào huyệt…
Nói xong nó để bà đi vào nhà lão Túc rồi quay về ngủ tiếp.
Bà Chiều che mắt cho khỏi chói ánh điện bước vào sân. Một phụ nữ nhìn thấy chạy ra dắt tay bà vào nhà. Lão Túc đang được mấy người mặc cho bộ quần áo mới để khâm liệm. Cái quan tài lão chuẩn bị sẵn sơn đỏ loè loẹt đã được kê ra gian giữa.
Bà Chiều nhìn mặt lão Túc lần cuối trước khi người ta gấp tấm vải xô lại để buộc dây bó kín thi thể. Trong đầu bà chuyện về lão Túc như chợt hiện về từng đoạn, từng đoạn, rất rành mạch.

Đó là những ngày tiền khởi nghĩa. Thanh niên, phụ nữ làng Trung hào hứng, phấn khởi nghe lời kêu gọi của cán bộ Việt Minh chặt tre làm gậy gộc, cắm dao vào cán gỗ làm giáo sẵn sàng vùng lên giành chính quyền. Lão Túc hồi ấy là những người hăng hái nhất. Lão Túc là dân bần cố nông, làm thuê, cuốc mướn. Được giác ngộ, lão càng thêm nhiệt tình hoạt động. Lão là người đã vác mã tấu đi sát anh cán bộ Việt Minh dẫn đầu đoàn người biểu tình xông vào toà công sứ Pháp ở trên tỉnh cướp chính quyền. Trong kháng chiến, lão là đội viên đội công an xung phong của xã chuyên diệt tề, trừ gian. Một mình lão ban ngày ban mặt dám áp sát tên Việt gian chỉ điểm giữa chợ xỉa vào sườn nó một nhát dao khiến nó ngã xuống giữa đám lính dõng hoảng loạn.
Cải cách ruộng đất nổ ra, lão Túc được chọn làm hạt nhân cốt cán để đấu tố, phát hiện địa chủ. Chả là từ bé, lão đã đi ở chăn trâu cho nhà ông Biên. Ông Biên có mấy mẫu ruộng, hai con trâu, một ngôi nhà gỗ xoan. Khi đội bồi dưỡng cho lão Túc chuẩn bị đấu tố, mà người sẽ đấu là ông Biên, lão ngạc nhiên hỏi lại:
- Tôi ở làm cho nhà ông Biên thật nhưng ông ấy đâu có “bóc lột” gì tôi. Ông ấy cho tôi ăn, có gì ăn nấy. Ông ấy cho tôi quần áo. Ông ấy mặc áo nâu, tôi cũng mặc áo nâu. Mùa màng, ông ấy cũng đi cày, đi gặt… tại sao ông ấy lại là địa chủ, bóc lột được?
Ông đội trưởng đội cải cách hỏi:
- Thế ông ấy có trả công xứng đáng cho ông không?
- Trả công gì ạ! Tôi đói, ông ấy cho ăn, tôi rét, ông ấy cho mặc. Tôi vào du kích, công an kháng chiến ông ấy gửi gạo tiếp tế…
Ông đội giải thích một thôi một hồi về việc lão bị bóc lột như thế nào. Lão Túc cố căng tai ra nghe mà không hiểu. Ông đội nghiêm khắc nhắc nhở lão Túc về vai trò của người công an viên cách mạng, lưu ý thêm việc lão chuẩn bị được kết nạp, chuẩn bị được giao giữ chức vụ quan trọng. Lão Túc thấy hoang mang quá. Lão hứa sẽ phát huy tính tiền phong gương mẫu của người công an xung kích, quyết tâm vạch tội ác dã man của bọn địa chủ…
Hôm tổ chức đấu tố bọn địa chủ, cả làng kéo nhau ra sân đình. Ông Biên và mấy người bị trói quặt cánh khỉ ở các cột tre đóng trên bãi cỏ. Đám đông người xúm xít xung quanh ra sức kêu gào, rỉa rói kể tội họ bóc lột, cưỡng hiếp, làm tay sai cho đế quốc thực dân, quốc dân đảng... Lão Túc được mời lên bục phát biểu. Giọng lão run run, vẻ bức xúc, phẫn uất. Nhưng lão lại không kể tội, đấu tố ông Biên như đã được đội “bồi dưỡng” trước. Mà ông nói về việc ông Biên đã nhặt được lão nằm đói lả ở ngoài bờ đê thế nào, cho ăn, uống thế nào. Khi lão bị bệnh một sống, chín chết ông Biên nửa đêm cõng lão đi tìm thầy lang để cứu chữa. Rồi lão nói rõ thêm về chuyện bà Thêm tố cáo ông Biên “cướp” cái vại muối dưa của nhà bà ấy thế nào.
- Chiều Ba mươi tết… - Giọng lão Túc bức bối: - Bà ấy đem cái vại đến khóc lóc, nói nhà không có nổi một đấu gạo nếp gói bánh cho con. Ông Biên đã bảo tôi xúc cho bà ấy hai đấu gạo nếp, cho thêm nửa cân thịt. Ông ấy không nhận nhưng bà ấy cứ để cái vại ở sân đùm gạo mang về. Thế mà bây giờ bà ấy lại xưng xưng nói ông Biên cướp cái vại muối dưa của nhà bà ấy… thật là chuyện “gắp lửa bỏ tay người”, lấy oán báo ân…
Cả đám người đang say đấu tố sôi lên. Ông đội trưởng đội cải cách thét: “Quân phản động! Đồ… đồ… ôm đít bọn địa chủ phong kiến bóc lột…”. Ông ta ra lệnh không cho lão Túc nói nữa, tri hô du kích xông vào lôi lão xuống khỏi bục. Lão Túc bị xô đẩy ngã dúi dụi xuống đất. Mồm lão ngậm đầy cát bụi. Lão lồm cồm bò dậy. Trước khi bị lôi dẫn đi lão còn cố ngoái lại nhìn ông Biên. Lão thấy ông ấy khóc, nước mắt chảy dài trên gò má hốc hác nhem nhuốc.
Người ta xử bắn ông Biên cùng một địa chủ khác. Hồi ấy bà Chiều mới mười sáu tuổi. Bà cũng có mặt ở buổi đấu tố ấy. Từ lâu, bà thầm mến anh thanh niên Túc khoẻ mạnh, đẹp giai, tốt tính, hay giúp đỡ người khác.
Đám ma ông Biên chỉ có vài người thân. Người ta sợ liên lụy với thành phần bọn địa chủ, ác bá nên ngại. Bà vợ ông dắt thằng con trai bốn tuổi lặng lẽ đi sau quan tài. Lão Túc một mình đứng ra lo việc tang lễ của ông Biên, từ việc tắm rửa, băng bó vết thương do đạn bắn rồi khâm liệm cho ông. Rồi cũng một mình lão hì hụi đắp tròn nấm mộ cho ông Biên. Người vợ và thằng con ông Biên tả tơi, rách nát đứng nhìn. Đó là một buổi chiều mùa Đông năm 1953. Sau bốn chín ngày, bà vợ ông Biên dắt thằng con nhỏ bỏ làng đi biệt tăm. Bà đưa con di cư vào Nam sinh sống.
Sau đó có sửa sai, người ta phục hồi lại thành phần trung nông cho ông Biên. Rồi nhiều năm nữa qua đi ông Biên còn được tặng thưởng huân chương vì có công giúp cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến chống Pháp. Sau đám tang ông Biên, lão Túc cũng đi mất. Lão lên mạn ngược làm thợ xẻ gỗ tà vẹt đường tàu. Đến khi phong trào thành lập hợp tác xã nông nghiệp mở rộng ở miền Bắc thì lão mới lò dò mò về làng. Chả thấy lão có vợ con gì. Lão có hai sào ruộng của ông cha để lại ở cánh đồng Ngòi. Lão làm đơn xin vào hợp tác xã nông nghiệp nhưng mãi chả thấy ban quản trị chấp thuận. Thành thử khi cả làng đã vào hợp tác xã, lao động tập thể, ngày ngày ra đồng, nghỉ giải lao, về nhà đều theo tiếng kẻng thì lão Túc vẫn là hộ làm ăn cá thể. Thửa ruộng tư hữu của lão nằm giữa cánh đồng hợp tác như một chướng ngại vật gây khó khăn cho việc cày bừa bằng máy, cấy chăng dây thẳng hàng.
Thửa ruộng nằm giữa cánh đồng hợp tác cũng gây nhiều phiền hà cho lão Túc. Lão không thể dẫn nước qua ruộng của hợp tác xã về ruộng của mình. Ông đội trưởng đội sản xuất làng Trung cảnh cáo: “Ruộng hợp tác xã đã đổ phân bón lót, ông không được lấy nước lấy hết chất của phân bón của tập thể đấy!”. Cũng may do ruộng trũng, nước ngấm qua bờ nên hai sào ruộng của lão Túc cũng đủ nước cấy. Trời hạn hán thì thật khốn khổ. Khi đội sản xuất tổ chức tát nước lên đồng đông vui như hội, tiếng hát, tiếng hò rộn ràng, cờ đỏ tung bay khắp cánh đồng thì lão Túc lủi thủi một mình gánh nước từ ao ra đổ xuống ruộng cứu lúa.
                                                                     *
Bà Chiều nhớ lại thời trẻ, gặp lại lão Túc từ mạn ngược trở về ở ngoài đầu làng hai người đã nói chuyện với nhau rất lâu. Bà thương lão Túc. Nhưng mối tình của họ không thành. Ông bố bà gầm lên như hổ dữ khi biết hai người có tình ý với nhau:
- Con kia! Mày là người hay là thứ gì mà dính vào cái thằng “tư nhân, tư hữu” ấy hả… mà mày đã hai nhăm hai sáu, ế thừa rồi đấy. Dính vào nó thì ai người ta còn dám nhìn ngó đến mày nữa hả?
Bà cãi:
- Nhưng anh ấy là người tốt! Anh ấy…
“Bốp” một cái tát đau điếng khiến bà loạng choạng. Ông bố kiên quyết ngăn cấm nên bà và lão Túc cũng không thể thành duyên. Bà vẫn cố tìm cách giúp lão, khi thì gánh nước, khi thì cấy, làm cỏ lúa. Ông đội trưởng đội sản xuất làng Trung rất bực vì năng xuất lúa ở thủa ruộng của lão Túc cao hơn hẳn những chân ruộng của hợp tác xã ở chung quanh. Nhất định lão này đục lỗ ngầm rút hết tinh chất phân đạm từ ruộng của hợp tác xã vào ruộng tư hữu của mình rồi. Ông cho công an xóm thường xuyên theo dõi. Để yên tâm hơn, ông đội trưởng còn cho đắp một bờ vùng bờ thửa xung quanh ruộng nhà lão Túc thật chắc chắn. Ông mấy lần gặp bà Chiều đe: “Cô không được giúp đỡ, tiếp tay cho phần tử tư nhân, tư hữu, nhất là không được phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho nó nhé!”. Chả là hồi ấy bà Chiều là thành viên của đội kỹ thuật của hợp tác xã. Bà được đi dự một lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp trên huyện.
Thế nhưng việc thửa ruộng tư hữu của lão Túc năng xuất lúa và hoa màu vẫn cao hơn ruộng của hợp tác xã đã thành vấn đề nghiêm trọng. Hợp tác xã nông nghiệp, làm ăn tập thể, khí thế sôi nổi, phấn khởi, lúa cấy chăng dây thẳng hàng, phân chuồng, phân hoá học bón đúng định kỳ, bèo hoa dâu vùi xuống gốc lúa thêm chất đạm sinh học thế mà năng xuất cứ thấp. Thế là thế nào. Ông đội trưởng trực tiếp gặp lão Túc. Lão Túc e ngại mỗi khi có cán bộ đến gặp. Lão pha nước mời ông đội trưởng. Ông đội trưởng không uống. Có lẽ ông sợ uống nước của phần tử tư hữu chăng. Ông è è hắng giọng rồi chậm chạp nói:
- Ông Túc này! Hiện nay miền Bắc ta đang thẳng tiến lên chủ nghĩa xã hội, ra sức chi viện cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam…
- Vâng…
- Vậy nên khí thế thi đua lao động rất mạnh mẽ…
- Vâng…
- Mọi người đều đồng lòng nhất trí…
- Vâng…
- Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt…
- Vâng…
- Vậy mà ông lại không ủng hộ…
- Vâng… - Lão Túc chợt giật nảy mình ấp úng vội chữa lại: - À… không… không… tôi vẫn… vẫn ủng hộ… ủng hộ đấy chứ…
- Ủng hộ… mà tại sao ông vẫn làm như thế?
- Tôi có làm gì đâu ạ?
- Thì ruộng lúa của ông năng xuất chả gấp đôi của hợp tác xã là gì?
Lão Túc không hiểu. Ông đội trưởng giải thích:
- Ruộng lúa của ông năng xuất gấp hai ruộng hợp tác xã. Làm ăn tập thể có tổ chức, có kỷ luật, có khí thế động viên sôi nổi mà lại không bằng cá nhân tư hữu thì còn ra làm sao nữa…
- Vâng…
- Vậy nên… ông cần xem lại. Như thế có phải là ảnh hưởng đến khí thế thi đua của tập thể xã viên đang hăng hái ra sức phấn đấu để tiến lên chủ nghĩa xã hội, chi viện cho miền Nam không?
- Vâng… vâng…
- Vậy ông nên xem lại cách làm ăn của mình, chống lại tập thể là không được đâu…
Lão Túc chột dạ khi nghe vậy. Khi ông đội trưởng ra về lão vẫn ngồi thừ ra ở cái chõng tre kê giữa nhà.
Thấy ruộng lúa của lão Túc để cỏ rậm bà Chiều sốt ruột. Lão này có tiếng là chăm chỉ cơ mà. Bà vừa lội xuống định giúp lão vơ cỏ thì nghe tiếng lão phía sau lưng:
- Thôi… cô lên ngay đi đừng làm nữa, mà từ bây giờ cứ mặc kệ tôi…
Ô hay! Hôm nay ông này làm sao thế này. Hay là ông ấy biết chuyện mình sắp đi lấy chồng. Ông bố bà đã nhận trầu cau, gả bà cho một anh tính hơi dở dở nhà ở giữa làng. Bà cầm nắm cỏ bước lên bờ rồi cúi mặt đi về làng.
Từ khi về nhà chồng, bà không còn dám đến giúp đỡ lão Túc cấy lúa, làm cỏ, sàng sảy như trước nữa. Nhưng bà vẫn theo dõi cuộc sống của lão, thương cảm cho cuộc đời của lão. Là hộ tư nhân, lão Túc không có chế độ bao cấp gì. Lão không có sổ mua muối, mua dầu hoả, diêm, không có phiếu vải, phiếu thịt. Tất cả lão phải mua ngoài chợ đen mà không phải chợ đen lúc nào cũng có. Đã có lần bà phải dấu chồng con đem cho lão nửa cần muối, lưng chai dầu hoả.
Có một chuyện bà còn nhớ mãi đó là chiều ba mươi tết năm Hợi. Bà đang gói bánh thì nghe tiếng trẻ con gọi nhau í ới: “Ra xem kẻ thịt trộm lợn bị bắt…”. Bà vội đậy rá gạo nếp lại chạy ra kho của đội sản xuất. Lão Túc đang bị dân quân dẫn giải vào sân kho.
Lão mặc bộ quần áo nâu bạc phếch, trên vai vác một con lợn độ ba mươi cân đang cạo lông dở nham nhở. Tiết lợn chảy đỏ loè lưng áo vá của lão. Hai anh dân quân cầm súng CKC đi kèm hai bên. Lão Túc bị đưa vào giữa sân kho rộng mênh mông. Đây có lẽ là lần đầu tiên lão bước chân vào cái sân kho của hợp tác xã. Trẻ con người lớn xúm đông xem cảnh bắt giữ tên “thịt lợn trộm”. Con lợn lão đang vác trên vai là lợn do lão nuôi.
Thời bao cấp, nuôi được con lợn cũng không được phép thịt ăn, cũng không được tự đem bán ra ngoài chợ mà phải bán cho cửa hàng thực phẩm quốc doanh hoặc do hợp tác xã thu mua dành cung cấp cho các cơ quan, cán bộ, bộ đội và những người có phiếu mua thịt. Người nuôi có lợn bán được hợp tác xã ghi vào sổ, cuối năm sẽ căn cứ vào số thịt hơi đã bán cho nhà nước để phân phối lại, ghép vài nhà cho thịt chung một con lợn để ăn tết. Nhà nào tự ý giết lợn là vi phạm pháp luật, là “thịt lợn trộm”. Lợn nuôi được muốn bán phải báo hợp tác xã và chờ đợi nhân viên cửa hàng thực phẩm quốc danh về thu mua cho.
Lão Túc đang thịt con lợn giò của mình nuôi được ở sau nhà thì bị dân quân ập vào bắt quả tang. Con lợn cạo lông dở của lão bị tịch thu được chuyển ngay cho cửa hàng thực phẩm quốc doanh. Tết năm ấy lão chỉ có thịt của một con vịt đực già.
Từ khi thực hiện khoán mười, sang cơ chế thị trường tự dưng lão Túc lại không còn là thành phần chậm tiến nữa. Mấy sào ruộng nhà lão năng xuất càng cao hơn vì lão có vốn đầu tư. Rồi lão lại nhận thầu thêm mấy mẫu đầm lầy gần nhà vét bùn nuôi trồng thuỷ sản, làm trang trại. Nghe nói lão có người cháu ở miền Nam gửi tiền về đầu tư thêm. Lão Túc giàu nhưng sống rất tiết kiệm. Lão không có gia đình, vợ con gì. Lão thường xuyên đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của thôn, của xã và giúp đỡ bà con trong làng. Lão cũng dành tiền xây cho ông Biên một ngôi mộ nhỏ, ốp đá hoa cương cẩn thận.
                                                              *
Đám ma lão Túc không có tiếng khóc. Mấy đứa cháu họ đầu đội khăn tang nhưng mắt thì ráo hoảnh. Đám thợ chuyên khóc mướn của phưòng bát âm thỉnh thoảng lại rú lên: “Ới ông ơi…” giọng ẽo ợt nửa như hát chèo, nửa giống ca cải lương, nghe vui hơn là buồn.
Chuẩn bị đưa ma thì có một chiếc xe tắc-xi lao nhanh vào cổng nhà lão Túc. Mọi người đổ xô ra nhìn. Cửa xe bật mở. Một ông mặc bộ com-lê thẳng nếp màu đen, tuổi độ sáu mươi tuổi bước xuống xe. Ông chào mọi người rồi bước vào nhà. Ông se sẽ gạt cái chiếu trải trước quan tài lão Túc sang một bên. Chiếu trải là để cho người làng đến viếng đứng vái hoặc quỳ lạy còn con cháu tang chủ vào viếng thì phải quỳ xuống đất hoặc nền nhà. Ông cúi gập người quỳ xuống nền nhà vái lạy. Đoạn, ông đứng dậy cầm cái mũ tết bằng bẹ chuối khô để trên nắp quan tài đội lên đầu mình, khoác cái áo xô ra bên ngoài bộ com-lê, cầm cây gậy tre tươi đứng ra phía đầu quan tài cúi đầu chịu tang.
Mọi người ồn ào. Có ai đó nói vống ra phía ngoài cửa: “Chắc ông này là con vơ, cháu váo tít mù khơi ở đâu về chịu tang để đòi chia tài sản của lão Túc đây...”. Bà Chiều len vào nhà nhìn kỹ rồi khẽ thốt lên: “Ôi! Anh cu Thuyên con ông Biên...”.
Đó chính là ông Thuyên, con “địa chủ” Biên bị xử tử năm nào. Ông là giám đốc một doanh nghiệp lớn ở miền Nam. Ông vẫn chuyển tiền về giúp lão Túc nhận thầu nuôi thả cá, làm trang trại. Ông vừa xuống máy bay thuê tắc-xi chạy gấp về thẳng làng Trung để kịp đưa lão Túc ra đồng...

                                                                                      Hà Nội, tháng 8/2009

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Tản văn CƠM NẮM MO CAU

Tản văn này đăng trên báo Quân đội nhân dân số 18342 ra ngày Chủ nhật (6/5/2012) http://baoin.qdnd.vn/

Cơm nắm mo cau
Tản văn của Trọng Bảo

          Có lẽ đã có từ rất lâu ở các vùng cư dân trồng lúa nước. Đó là một cách chế biến lương thực đơn giản nhất. Nắm cơm làm lương ăn cho người đi xa. Ở quê tôi ngày trước hay làm món "cơm nắm". Cũng là bởi cái thời bao cấp xa xưa ấy, không có nhiều hàng quán như bây giờ. Một huyện cũng có một hai cái cửa hàng ăn uống, giải khát. Tại các trung tâm huyện cũng có các cửa hàng lương thực bán bánh mỳ. Nhưng những người nông dân chúng tôi làm gì có tiền để vào cửa hàng ăn uống, lấy đâu ra tem phiếu mà mua bánh mỳ. Cho nên lương ăn cho những người lỡ bữa xa nhà chủ yếu vẫn là cơm nắm. Nắm cơm ở vùng quê nghèo như quê tôi ngày ấy có khi còn độn lẫn cả ngô, cả sắn, cắt ra chấm muối ăn mà lòng cứ rưng rưng.

 

                     

         Tôi còn nhớ, mẹ tôi thường nhặt những cái mo cau, lột mỏng đi để gói cơm nắm. Thường là ngày mai có ai đi quá bữa như lên rừng lấy măng, chặt củi, chúng tôi đi cắm trại, huấn luyện quân sự... thì hôm trước mẹ cũng nấu thêm cơm. Cơn dùng để nắm thường nấu dẻo, nhão hơn một chút. Cơm dẻo thì nắm sẽ rền, khi cắt ra thành lát, hạt cơm nhào mịn vào nhau như miếng bánh. Kèm thêm nắm cơm là gói muối vừng, muối lạc. Nhà nào nghèo không có vừng lạc thì muối trắng rang mỡ. Cơm nắm cắt từng miếng chấm muối vừng ăn thật ngọt. Nhà nào khá lắm thì có thêm quả trứng luộc cắt đôi chia nhau. Những năm tháng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, sáng ra bố mẹ đi làm, đi trực chiến bắn máy bay địch bằng súng bộ binh, những em bé đeo túi cứu thương, tay ôm một mo cơm nắm lên rừng vào nơi sơ tán.
          Khi vào bộ đội, những ngày hành quân dã ngoại, chúng tôi được anh nuôi quân phát cho khi thì một nắm cơm, khi thì vài phong lương khô. Cơm nắm tập thể kèm theo cả một miếng thịt lợn nhưng ăn không thấy ngon bằng cơm nắm mo cau chấm muối vừng của mẹ. Mỗi lần về phép lên đơn vị thì trong cóc ba lô thường có nắm cơm nếp thơm lừng mẹ dậy sớm gói cho. Nhưng có lẽ đã quá lâu rồi tôi không được ăn miếng cơm nắm nữa. Tôi còn nhớ lần cuối ăn cơm nắm là trước một trận đánh ác liệt nơi biên giới. Hôm đó mới tang tảng sáng, anh nuôi đã đưa cơm lên trận địa. Mỗi người chúng tôi được phát một nắm cơm và một miếng thịt ướp muối. Người chiến sĩ nuôi quân đưa nắm cơm cho tôi rồi nói:
- Đây là bữa cơm cuối cùng chúng em nấu cho các anh đấy!
Tôi giật mình hỏi lại:
- Sao lại là bữa cơm cuối cùng?
Người chiến sĩ nuôi quân vừa chia cơm nắm cho mọi người vừa nói tiếp:
- Sau khi phát cơm nắm cho đơn vị xong, tổ nuôi quân chúng em sẽ được biên chế về các bộ phận trực tiếp tham gia chiến đấu!
Nghe người chiến sĩ nuôi quân nói, tôi hiểu trận chiến sắp diễn ra sẽ vô cùng ác liệt. Tất cả các bộ phận đều phải cầm súng ra chiến hào trực tiếp chặn giặc. Trong trận đánh ác liệt ngày hôm đó người chiến sĩ nuôi quân ấy cũng đã hi sinh anh dũng. Hết đạn, anh đã dùng lưỡi lê, dùng báng súng đánh trả bọn giặc tràn lên trận địa. Trước lúc hy sinh, hai bàn tay từng nắm cơm của anh còn xiết chặt cổ một tên giặc.
         Bây giờ người ta không ăn cơm nắm nữa. Ra đường là đã có đủ các loại dịch vụ rồi. Mà cũng chả cần ra đường, ngồi trong văn phòng nhấc máy điện thoại lên là cơm hộp đã mang đến tận nơi. Trẻ em đi pic-nic, đi cắm trại, đi dã ngoại thì đã có bánh mỳ kẹp thịt, bánh gối, bánh bao. Rồi đủ loại mì tôm, cháo, miến, phở ăn liền. Chả ai còn phải lo nắm cơm ăn đường nữa. Nắm cơm ngàn đời của cha ông vẫn đem theo làm lương ăn đi lao động, đi đánh giặc, nắm cơm gói bằng mo cau dần dần mai một trong tâm trí của con người.
 Lớp trẻ ngày nay không thể biết cơm nắm như thế nào. Họ quen với những thứ ăn nhanh cao cấp rồi. Tuy thế, nghe nói ở Hà Nội bây giờ có một cửa hàng gói cơm nắm chấm muối vừng khá đông khách. Cũng có thể nhiều người chán các thứ cao lương mỹ vị muốn tìm về những món ăn dân giã. Cũng có người muốn để nhớ về quá khứ qua một món ăn quê mùa. Riêng tôi nhớ đến nắm cơm muối vừng như luôn nhớ về đất nước một thời gian khó, đất nước trồng cây lúa nước, đất nước từ nông nghiệp đi lên để có hôm nay thoát khỏi đói nghèo, đến với hiện đại, văn minh.
                                                                    Hà Nội, 3-2010