Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Truyện thiếu nhi TRUNG THU CỦA MẸ


       

       Trung thu của mẹ
          Truyện thiếu nhi của Trọng Bảo

          Chị đi chợ sớm. Gánh rau trên vai chị nặng cong đòn gánh. Bé Thu cũng dậy sớm. Sau khi giúp mẹ xếp những mớ rau muống vào cái rổ để mẹ gánh đi rồi bé Thu ngồi vào bàn ôn bài. Khi trời đã sáng hẳn cái Thu mới đứng dậy vươn vai thu sách vở để chuẩn bị tới lớp. Trong buồng có tiếng bà khúc khắc ho. Bà đang bị ốm. Mẹ đi chợ bán rau lấy tiền mua thuốc cho bà.
          Cái Thu mở cái lồng bàn mẹ úp trên bàn. Hai bát cháo còn nóng. Một quả trứng gà đã bóc vỏ được cắt làm đôi để trong cái đĩa. Đó là bữa sáng của hai bà cháu. Bé Thu biết là mẹ gánh rau đi chợ mà chưa ăn gì. Mấy ngày hôm nay bà ốm nên mẹ nó lo lắm.
          Bé Thu múc chậu nước và lấy cái khăn để bà lau mặt. Đoạn nó bưng bát cháo và cả hai nửa quả trứng luộc cho bà. Bà cũng giục nó ăn sáng rồi đi học kẻo muộn.
          Sắp đến tết trung thu. Trên đường làng đã có rất nhiều đứa trẻ con cầm những chiếc đèn ông sao rất đẹp. Buổi tối hôm qua lũ trẻ con tụ tập kéo nhau rồng rắn thắp nến, rước đèn ông sao, đèn kéo quân đi khắp làng. Tiếng trống ếch khua “tom… tom…” rộn rã. Qua ngõ nhà Thu bọn trẻ con í ới gọi:
          - Thu ơi! Đem đèn cùng đi chơi thôi!
          Cái Thu đứng nép vào cánh cổng nhìn bọn trẻ con rồi nói:
          - Bà tớ đang bị ốm. Tớ phải ở nhà với bà và học bài… tối ngày mai nhất định tớ sẽ cùng đi rước đèn với các bạn.
          Cái Thu nói vậy để các bạn khỏi nài nỉ, giục nó đi chơi. Thực ra, nó làm gì có chiếc đèn trung thu nào mà đi rước cùng tụi trẻ con trong xóm. Cái Thu thoáng buồn, nó ước mơ có một cái đèn ông sao để vui trung thu cùng các bạn. Nhưng nhà nó nghèo lắm, chỉ có ba bà cháu, mẹ con. Bà nó lại đang bị ốm. Gánh rau hàng ngày mẹ đem vào tận nội thành để bán rong cũng chả đủ tiền mua thuốc cho bà thì làm gì có tiền mà mua đèn trung thu cho nó.      
           Buổi chiều bé Thu đi học về thì thấy mẹ cũng đã đi chợ về. Bà cũng đang ngồi ở ngoài cửa nhà cùng nhặt rau với mẹ. Bệnh của bà đã đỡ hẳn. Nét mặt bà rạng rỡ lên khi nhìn thấy bé Thu. Cái Thu chào bà và mẹ rồi khoe ngay:
          - Hôm nay con được hai điểm 10 tập viết và làm toán đấy ạ!
          - Giỏi quá! - Chị khen con gái và nói tiếp: - Mẹ và bà có phần thưởng, quà trung thu cho con đây!
          Nói xong chị lấy từ phía sau cánh cửa ra một chiếc đèn ông sao nho nhỏ nhưng rất đẹp. Đôi mắt của bé Thu sáng lên. Nó cầm chiếc đèn ông sao sung sướng nghĩ ngay đến buổi tối hôm nay sẽ được rồng rắn đi rước đèn đón trung thu với các bạn. Ngắm nghía chiếc đèn ông sao một lúc chợt nhớ ra nó reo lên:
          - Con cũng có quà trung thu cho bà và mẹ đấy!
          Cái Thu vội lục lọi trong cặp sách lấy ra một cái gói. Nó mở ra. Đó là một cái bánh nướng loại nhỏ. Chị ngạc nhiên chưa kịp hỏi nó lấy tiền đâu mà mua bánh thì nó nói:
          - Hôm nay có một đoàn các anh chị thanh niên tình nguyện đến trường con tặng quà trung thu. Mỗi đứa được chia một món quà. Con không nhận đèn ông sao và đồ chơi mà xin nhận cái bánh nướng này để dành đem về cùng bà và mẹ “phá cỗ” đón trung thu, để cả nhà ta đều có tết trung thu...
          Chị xúc động ôm lấy con gái rồi khe khẽ bảo: "Con mới chính là trung thu của mẹ!".

                                                                                      Hà nội, trung thu 2012

        Viết cho thiếu nhi

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

TRUNG THU CỦA BÉ - thơ


                          Bé yêu 
               
                  Trung thu của bé

                 
                         Trung thu của bé                 
                     Cả nhà đều lo,                 
                     Bố mua ô tô                 
                     Mẹ mua bánh dẻo.                 
                     Bà thì khéo léo                 
                     Gọt bưởi, gọt hồng                 
                     Làm con chó bông                 
                     Bày lên mâm cỗ.                 
                     Bé vui hớn hở                 
                     Nhận quà: Cảm ơn!                 
                     Bé càng xinh hơn                 
                     Trung thu của bé.

                                       Hà Nội, 22/9/2010
                                      
TRỌNG BẢO
  

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Được một ngày thảnh thơi - thơ

      Được một ngày thảnh thơi
                               
       Được một ngày thảnh thơi
       Bàn làm việc không công văn, tài liệu
       Điện thoại nằm im không sôi réo
       Cũng không ai gõ cửa phòng mình.


       Ngồi suy tư nhớ lại tháng năm xanh
       Lặn lội nơi rừng sâu, núi đỏ
       Bữa đói, bữa no, chiến trường súng nổ
       Chân chùn, gối mỏi, dốc đèo cao...



       Cây là người

       Bạn bè cùng một thuở gian lao
       Bây giờ đã mỗi người mỗi ngả
       Những miền đất thân quen thành xa lạ
       Bởi từ lâu ta chẳng trở về.


       Bao nhiêu năm sống giữa bộn bề
       Nơi phố phường người đông, đất chật
       Giữa những bon chen nhiều khi còn, mất
       Cố giữ mình trong sáng với thời gian.


       Ngày thảnh thơi chợt thấy băn khoăn
       Bởi thế nhân mấy ai thanh thản?
       Khốc liệt đâu chỉ riêng bom đạn
       Còn sự ganh đua hơn, thiệt giữa đời...


                                HN, 20/9/2012
                                   Trọng Bảo

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Tập truyện thiếu nhi CHIẾC LÁ BIẾT BAY

 

                    
          Chiếc lá biết bay
         Tập truyện thiếu nhi đầu tiên của Trọng Bảo
          
          Chiếc là biết bay là tập truyện ngắn thiếu nhi của Trọng Bảo do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành quý III năm 2012. Với 16 truyện ngắn nho nhỏ viết cho thiếu nhi, tập truyện chia làm hai phần. Phần thứ nhất là những truyện đồng thoại rất ngắn viết về thiên nhiên, cây cỏ và loài vật, phần thứ hai là những truyện ngắn viết về số của phận trẻ em trong cuộc sống thường nhật hiện nay.
          Trong phần viết về thiên nhiên và các loài vật là 10 câu chuyện nhỏ nhưng hàm chứa ý nghĩa giáo dục. Đó là câu chuyện về một chiếc lá non vừa nhú ra trên cành cây cao. Chiếc lá non vì khát vọng ngông cuồng muốn bay lên như những đám mây nên đã cố nhô ra trước trận gió lớn. Cơn gió mạnh đã bứt đứt cuống chiếc lá non ấy đưa nó bay vút lên cao. Chiếc lá non bay lên được trên trời cao nhưng đã mất nguồn nhựa sống để tồn tại và bị rơi xuống dòng suối sâu, rách tả tơi héo rũ, bị nước cuốn đi. Khi nó hối hận thì đã quá muộn. Truyện "Chiếc lá biết bay" được tác giả chọn làm tựa đề của tập sách. Truyện “Bài học trong rừng” viết về một chú nhím con theo mẹ đi hái nấm trong rừng gặp lão lợn rừng hung tợn. Câu chuyện muốn đem đến cho các em một chân lý dễ hiểu là “đừng thấy những kẻ to lớn mà vội nghĩ mình là yếu đuối, nhỏ bé rồi buông xuôi, khuất phục, nhưng cũng đừng nhìn những kẻ nhỏ bé mà cho mình là vĩ đại, lên mặt hống hách”. Trong truyện “Ve sầu đi học” thì lại kể câu chuyện một chú ve sầu con, một chú dế con ham chơi chỉ học được mỗi một chữ đã nghĩ là mình biết chữ, là người “có học” mà kênh kiệu, lên mặt khinh người. Truyện “Một cuộc thi tài” kể về một cuộc thi nhảy cao để chọn ứng viên đi dự đại hội đầm sen. Tại cuộc thi, bọn ếch mới có chút thành tích ban đầu đã vội khoe khoang, ăn mừng chiến thắng ầm ĩ, không chịu tiếp tục rèn luyện nên cuối cùng phải thua lũ chẫu chuộc, nhái bén nhờ khổ luyện mà thành công. Những chuyện như “Bầu lãnh đạo”, “Lời thề chó sói”, "Đời lươn chạch” lại cho các bạn đọc nhỏ một sự hiểu biết, nhìn nhận về cuộc sống xung quanh ta. Có độc giả đã nhận xét đây là những chuyện “viết cho thiếu nhi nhưng người lớn nên đọc”. Hai truyện “Tại sao trâu đen, bò vàng” và “Chuyện của loài ngỗng” chỉ là giải thích vui vui về màu lông của trâu, bò và loài ngỗng nhưng lại ẩn chứa trong đó một ý nghĩa, đem lại cho các em hiểu biết về cuộc sống và sự đối nhân, xử thế ở đời. Có tính ngụ ngôn đó là truyện “Thi lại”. Đây lại là một cuộc thi chạy giữa rùa và thỏ. Với mánh khoé gian lận của mình, lão rùa già vẫn thắng được thỏ trong cuộc thi lại này mà không cần phải sử dụng nhiều lực lượng rùa ẩn nấp ở dọc con đường chạy thi để đánh lừa thỏ như lần trước nữa. Và đây cũng là một bài học cho sự cảnh giác của loài thỏ ngốc nghếch, cậy tài mà chủ quan trước mánh lới của loài rùa.
          Phần thứ hai gồm 6 truyện ngắn tác giả viết về những số phận trẻ em hiện tại. Đó là cuộc sống lầm lũi của thằng Mẫn trong “Chân trời xa”. Do tác động của cơ chế thị trường mà gia đình nó lâm vào hoàn cảnh khốn khổ. Thằng Mẫn ra đi tìm “một chân trời xa” với ước mơ nhỏ bé là kiếm đủ tiền mua cho em gái một cái váy để em được vào đội múa của lớp mẫu giáo. Đó là những tháng ngày lang thang trên đường phố của cô bé nhặt rác trong “Dòng sông chảy ngược”, của chú bé bán báo trong truyện “Chiếc đèn ông sao”. Niềm vui và ước mơ của các em thật nhỏ bé và trong sáng khiến người lớn chúng ta cũng thấy nao lòng. Cô bé Nhiên khi bới rác bất ngờ nhặt được một con vịt nhựa cụt mỏ sung sướng nghĩ ngay đến em gái đang ngồi nghịch cát ở nhà. Chú bé Tùng bán báo được bà bán hàng đồ chơi trung thu cho chiếc đèn ông sao bị hỏng của một thằng bé nhà giàu vứt đi mà mừng vui đến thế. Trong các truyện ngắn “Đêm sao sa” và “Chuồn chuồn bay thấp” lại là những trăn trở, nỗi buồn, nghĩ suy về số phận các em bé trong cuộc sống thường ngày quanh ta với những bất hạnh của các em khi gia đình lâm vào hoạn nạn. Nhưng qua các truyện ngắn này tác giả mong muốn các em luôn có một niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Riêng truyện ngắn “Tiếng sáo diều” là viết về một kỷ niệm thời ấu thơ của tác giả. Kỷ niệm ấy gắn với tiếng sáo diều dìu dặt trên bầu trời quê hương. Trong truyện có nhân vật lão Câm - một người thả diều. Lão Câm không nói được nhưng tiếng sáo diều của lão thật tuyệt vời. Nhân vật lão Câm cho bạn đọc nhỏ tuổi một suy nghĩ, một sự thương cảm xa xót.
          Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc, nhất là độc giả nhỏ tuổi tập truyện thiếu nhi Chiếc lá biết bay nhân dịp tết Trung thu 2012 sắp đến. 
                                                                            Hà Nội, ngày 12/9/2012
                                                                               Trọng Bảo
Đọc toàn bộ tác phẩm qua 2 link dưới đây:
http://vandanvn.net/vi/news/Truyen-thieu-nhi/Chiec-la-biet-bay-Tap-truyen-thieu-nhi-cua-Trong-Bao-Phan-1-545/
http://vandanvn.net/vi/news/Truyen-thieu-nhi/Chiec-la-biet-bay-Tap-truyen-thieu-nhi-cua-Trong-Bao-Phan-2-546/

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Tản văn CÂY CỌ QUÊ TÔI

  LTG: Trang Văn học, Báo Quân đội nhân dân Chủ nhật (19-8-2012) đã đăng Tản văn Cây cọ quê tôi. Tác giả xin trân trọng cảm ơn BBT và post lại bài viết trên blog của mình (Trọng Bảo).
    Cây cọ quê tôi 
      QĐND - Chủ nhật, 19/08/2012, 23:33 (GMT+7)
        QĐND - Quê tôi ở vùng trung du Vĩnh Phúc. Từ thuở bé chúng tôi đã gắn bó thân thiết với cây cọ. Lớp học dưới tán lá cọ xanh. Chúng tôi ngồi tập viết những chữ cái đầu tiên trong lớp học lợp bằng lá cọ. Cây cọ cho lá lợp nhà, cho chổi quét sân, cho thân làm cống ao, máng nước, củi đun. Ngay cả cái cuống lá cọ hai cạnh gai góc như răng cưa cũng dùng làm mành che, chiếu trải.
        Cọ là loài cây của người nghèo. Quê tôi ngày trước nghèo lắm. Xóm làng với những căn nhà lợp lá cọ thấp lụp xụp. Lá cọ dùng lợp mái nhà vừa kín, vừa bền, vừa mát. Những thân cây cọ già còn được chẻ ra làm rui mè rất bền. Ngày hè nóng nực, chiếc quạt lá cọ phành phạch suốt đêm. Cơn mưa rào bất ngờ ập xuống chỉ cần bẻ một tàu lá cọ che lên đầu là khỏi ướt. Quả cọ ỏm chín tới ăn thơm ngậy, nhớ mãi. Khi giặc Mỹ đem bom đánh phá miền Bắc, trường học sơ tán khỏi thị trấn, lớp của chúng tôi nửa chìm nửa nổi trong rừng cọ. Xưởng sửa chữa xe tăng, súng pháo của bộ đội cũng nằm dưới tán lá cọ xanh. Chúng tôi đến trường, những người chiến sĩ hành quân ra trận từ miền đất trung du chỉ cần một tàu lá cọ trên lưng là thành vòng ngụy trang vừa che mắt giặc, vừa che mưa nắng.
         Tôi còn nhớ nhà tôi ngày ấy có sáu mẫu rừng lá cọ, gồm hai khoảnh gần nhau do chính tay bố tôi trồng. Ông thường kể cho tôi nghe chuyện khai phá đất đai, "đâm" (tức là trồng) từng cây cọ con và chăm sóc như thế nào để có được hai khoảnh rừng ấy. Cây cọ như cũng biết thương người nông dân nghèo. Tự nó bám rễ vào đất đồi cằn khô mà vươn lên. Cọ là loại cây rễ chùm như cây dừa, cây cau, cây tre. Rễ cọ bám vào đất đồi lan toả, kiếm tìm từng chút dinh dưỡng để nuôi cây lớn lên từng ngày, nuôi lá tốt xanh cho con người lợp nhà, chằm nón. Nhưng cây cọ khác với cây tre. Dưới tán cây tre đất đai bị hút kiệt chất màu mỡ đến xơ xác, cỏ không mọc nổi. Còn dưới tán cây cọ vẫn có thể trồng sắn, trồng chè. Cọ là loại cây của tự nhiên, phục vụ con người một cách tự nhiên với những thứ con người khai thác được của cây mà nó vốn có. Cây cọ không phải thuần dưỡng, cải tạo và không cần chăm sóc gì. Mỗi năm một lần người ta dùng con dao quắm có cán dài (quê tôi gọi là dao phát rừng) phát quang những khóm guột, bụi tế, những cây sim, cây mua dưới gốc cọ. Những cây ấy sẽ khô mục trở thành phân bón cho cọ.
           Bố tôi rất quý hai khoảnh rừng lá cọ của nhà mình. Không kể khi thu hoạch lá cọ, hầu như độ vài ngày ông lại vác con dao cán dài lên vai đi thăm rừng, sờ vỗ từng gốc cây thân thiết như những người bạn. Những năm đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, phong trào hợp tác xã ra đời, sáu mẫu rừng lá cọ nhà tôi được "công hữu hóa", trở thành tài sản chung của tập thể. Dù không còn là tài sản riêng của mình nhưng bố tôi vẫn cứ giữ thói quen đi "thăm rừng" như trước. Hình như ông chưa quen được ngay với cái khái niệm "sở hữu tập thể" đối với hai mảnh rừng trồng cọ của mình. Ông rất bực mỗi khi thăm rừng thấy những cây cọ bị khai thác triệt để cả lá già, lá non, chỉ còn để lại mỗi cái búp. Ông là người suốt đời vất vả lam lũ, từ khi lên sáu, lên bảy mồ côi cha mẹ cho đến lúc qua đời ở tuổi 101. Ông không hiểu thế nào là quy trình quang hợp, trao đổi chất của cây cối. Nhưng ông hiểu cây muốn tồn tại, xanh tốt thì phải có lá. Mỗi khi cùng tôi lên rừng cọ ông thường dặn: "Chặt lá cọ dao phải sắc, phải chặt từ trong ra ngoài, một nhát là đứt cuống lá". Ông rất ghét đám thanh niên trong đội sản xuất khi khai thác lá cọ cho hợp tác xã thường tiện tay chém từ ngoài vào trong vừa dễ, vừa mạnh, vừa nhanh nhưng lưỡi dao thường làm đứt cả những cuống lá non của cây.
          Cây cọ sống với bao thế hệ người dân trung du quê tôi như những người bạn, thân thiết và trọn vẹn nghĩa tình. 
           Bây giờ thì quê tôi ít thấy những mái nhà còn lợp lá cọ. Làng quê bây giờ cũng nhà ống, mái bằng, mái ngói, cao tầng. Cây cọ hình như thu hẹp dần chức năng hơn nhưng không phải là vô dụng. Lá cọ được làm đồ thủ công mỹ nghệ. Mành cọ thành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, khi giàu có, khá giả hơn là có những người xem thường hoặc nhạt tình với những thứ đã từng gắn bó, sẻ chia với mình khi khốn khó, bần hàn. Về quê, tôi gặp nhiều người chặt bỏ cây cọ để trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc bán cho những khu du lịch sinh thái, công viên, nhà nghỉ ở dưới xuôi trồng làm cây cảnh. Họ dùng máy xúc, cần cẩu có gầu ngoạm múc lên cả những cây cọ cao đến năm, sáu mét, xếp lên xe tải nặng chở về xuôi. Những cây cọ có cả hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm gắn bó với đồi rừng miền trung du nay được đưa về Hà Nội, đứng trơ trọi bên đường phố. Những tàu lá cọ xòe ra ngơ ngác giữa chốn thị thành. Nhưng phần lớn những cây cọ bị bứng khỏi rừng, bị xẻ tách khỏi đồng loại của chúng "di cư" về xuôi cũng đều bị chết. Tôi đã từng thấy tại một khu nhà ở, biệt thự cao cấp bên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài người ta đưa từ rừng về hàng trăm cây cọ trồng chi chít, tạo thành cảnh quan rất đẹp. Họ còn cẩn thận đào cả đất nơi những cây cọ vẫn sống đem theo về đổ vào gốc cho cây đỡ nhớ rừng và dần thích nghi với môi trường mới. Nhưng tất cả những cây cọ ấy đều sống lay lắt một thời gian rồi chết lụi dần. Người ta phải trồng thay thế bằng chủng loại khác là cây sữa và cây keo lá chàm.
          Có thể rồi cây cọ quê tôi sẽ mất dần giá trị sử dụng khi đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Song, trong niềm vui mỗi khi thấy ở miền quê trung du những ngôi nhà cao tầng, ngói đỏ vượt lên lũy tre làng thì tôi vẫn không bao giờ quên và luôn yêu quý hình ảnh "rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt" của quê hương.
                                                                   Tản văn của Trọng Bảo

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Tiểu phẩm PHÊ BÌNH NGHIÊM KHẮC

                
PHÊ BÌNH NGHIÊM KHẮC
Tiểu phẩm của Trọng Bảo

         Cơ quan nọ tổ chức đợt phê bình, tự phê bình, sếp liền cho gọi một số người thân cận lên bảo:
        - Sắp tới, cơ quan ta sẽ tiến hành phê bình, tự phê bình nghiêm khắc, yêu cầu cứ thẳng thắn đóng góp, chỉ ra cho lãnh đạo những tồn tại, khuyết điểm để sửa chữa. Các đồng chí là người được phân công sẽ phát biểu ý kiến phê bình tôi. Xin các đồng chí nêu lên những ý kiến của mình cho tôi biết trước để còn chuẩn bị câu trả lời trước công luận!
        Mọi người ồn ào phấn khởi. Một anh xin hỏi:
        - Thế tôi phê bình việc sếp đã có "tình cảm và hành động" quá thân mật với... vợ tôi. Như vậy có được không ạ?
        Sếp giật nảy mình hốt hoảng:
        - Ai...ai... cho phép cậu vu khống lãnh đạo như thế hả?
        - Thì vợ tôi là thư ký của sếp. Một lần đến tìm cô ấy, tôi thấy sếp đang vuốt má, xoa lưng vợ tôi rất thân mật, dịu dàng...
        - Thôi... thôi... việc này cứ tạm dừng lại đã! Mà sao cậu cứ hay bới móc những chuyện linh tinh thế nhỉ? Phê bình như thế là rất không có lợi cho phẩm chất của lãnh đạo, gây dư luận không hay trong cơ quan ta!
        Một cô có ý kiến:
        - Tôi làm việc ở phòng tài chính, nhiều lần thủ trưởng lệnh cho tôi quyết toán số tiền chi mua quà tặng cấp trên, quà biếu thanh tra, chi cho thủ trưởng khi đi công tác ăn nghỉ ở khách sạn loại sang, đi "đặc sản"... rồi tìm cách lẩn khoản đưa vào chỗ tổn thất do thiên tai, bão lụt gây nên... Việc này đưa ra phê bình thủ trưởng có được không ạ?
        Sếp tái mặt vội xua xua tay:
        - Không... không được! Phê bình như vậy thì chỉ tổ làm giảm uy tín của lãnh đạo thôi, không đem lại kết quả gì cả!
         Một anh vốn hay xun xoe nịnh bợ cấp trên xin phát biểu:
         - Thế tôi xin phê bình thủ trưởng quá cứng nhắc, tổng kết cuối năm khi anh em có ý bình bầu thủ trưởng đề nghị cấp trên khen, thủ trưởng đều không nhận... Phê thế có được không ạ?
         Một anh khác hùa theo:
         - Tôi thì nhất định sẽ phải phê bình thật nghiêm khắc thủ trưởng hay làm việc quá giờ, ăn uống thất thường, sức khỏe sẽ giảm sút, ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác của cơ quan ta?
         Sếp hể hả gật đầu lia lịa:
         - Được... được! Tốt quá. Hai cậu phê bình như thế là rất thẳng thắn, rất chân thành, đúng định hướng. Có  như vậy thì lãnh đạo mới dễ tiếp thu, sửa chữa... Phê bình nghiêm khắc như thế mới đúng là thể hiện tinh thần xây dựng cao, giúp cho người có khuyết điểm sửa chữa, tiến bộ chứ...