Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Tản văn NHỚ TÂY BẮC

Nhớ Tây Bắc
Tản văn của Trọng Bảo
          
           Lâu lắm mới trở về Yên Bái
         Qua bến Âu Lâu nhớ một người...
        Câu thơ khiến lòng tôi cứ nao nao. Ô! Lâu quá rồi mình không về Yên Bái, không lên Tây Bắc. Thế mà cũng đã hơn ba mươi năm rồi mình không có điều kiện trở lại nơi đã từng có một khoảng thời gian sống và gắn bó. Đó là cái thời trai trẻ, vô tư. Thời sau chiến tranh, chúng tôi lên Yên Bái chặt cây, dụng nhà. Những người lính trẻ sống giữa đại ngàn rừng già, thác lũ. Rời tay súng, cầm tay dao, tay cuốc. Trung đoàn Tân Trào chúng tôi đóng quân ở nông trường chè Trần Phú (huyện Văn Chấn-Yên Bái).

      Tăm suối
                   Ảnh: Trong làn nước suối miền Tây Bắc mát xanh.
     
        Chúng tôi ở trong nhà các công nhân nông trường. Tôi và anh bạn cùng tên, người Việt gốc Hoa - Hiên Giang Bảo ở nhà chị Tuyết. Ngày ngày chúng tôi vào rừng chặt gỗ, khai thác tre nứa để làm lán trại. Thực ra đó là trại giam để đưa số ngụy binh từ miền Nam ra cải tạo, học tập. Cuộc sống lao động vất vả, khó khăn nhưng cánh lính trẻ chúng tôi lúc nào cũng vui nhộn. Cái dư âm Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn lâng lâng trong tâm trí của những người lính chúng tôi.
  
        Cả một đoàn quân trai trẻ đóng quân giữa một nông trường có đến ngót một ngàn cô gái trẻ chưa chồng thật là vui và cũng xảy ra nhiều chuyện. Tôi nhớ ngày ấy có cô Luyến là công nhân đội 1 hay sang nhà chúng tôi chơi. Luyến xinh gái mà ngót ba mươi tuổi vẫn chưa lấy được chồng. Cái nông trường giữa vùng núi sâu có đến chín mươi phần trăm là nữ này kiếm được một tấm chồng không phải là dễ. Luyến có vẻ thân với Hiên Giang Bảo. Nhưng Hiên Giang Bảo cũng đã có người yêu ở quê nhà Đại Từ-Thái Nguyên rồi. Nhìn cô gái dáng cân đối, khuôn ngực tròn vo, luôn vui tươi, nhanh nhẹn, có một nét gì đó rất đặc biệt đã khắc vào trí nhớ tôi đến bây giờ vẫn không quên. 

       Tôi nhớ những lần đi bè trên ngòi Lao nước trong xanh. Qua những đơn vị sản xuất của nông trường gặp những tốp con gái khoả thân tắm suối. Giữa dòng nước trong veo những bộ ngực thanh xuân căng tròn, dập rờn thấp thoáng. Tôi cũng không bao giờ quên một lần gặp lũ lớn, chiếc bè nứa của tôi xuống thác vỡ tung. Tôi chỉ còn bám vào được một bó nứa to. Nếu không có Hiên Giang Bảo ném cho cây sào chống bè dự bị để chèo chống thì có lẽ cả tôi và bó nứa sẽ bị dìm xuống đáy vực sâu.
Ngày ấy Tây Bắc toàn rừng già, chỗ nào cũng có hoa phong lan. Dọc hai bên bờ suối nhiều loại hoa phong lan nở rất đẹp, hương rất thơm. Là người rất thích phong lan (Đến bây giờ vẫn thế. Ngày nghỉ nào tôi cũng lang thang ở chợ phong lan, chả có tiền mua thì ngắm ké vậy). Hôm nào đi rừng, tôi cũng đem về một cụm phong lan đang nở hoa rất đẹp. Tôi và Hiên Giang Bảo còn có nhiều kỷ niệm như những lần cùng nhau đi trèo cây lấy hoa phong lan. Hôm ấy, tôi và Hiên Giang Bảo trèo lên một cây gỗ khô. Lúc gỡ được chùm hoa phong lan thì cái cây khô long gốc nghiêng ngả. Hiên Giang Bảo trèo phía trên ngọn cây, tôi phía dưới. Hai thằng toát mồ hôi, không dám nói to, thì thào bảo nhau cố thật nhẹ nhàng tụt xuống. Vừa xuống tới gốc thì cái cây khô gãy nhào. Thật hú vía. Sau này tôi chuyển đi đơn vị khác, khi chiến tranh biên giới sắp xảy ra Hiên Giang Bảo cũng phải ra quân. Nó vẫn ở lại Việt Nam. Vì thế khi những trận đánh xảy ra tôi và Hiên Giang Bảo không lâm vào tình huống chĩa súng vào nhau nơi chiến địa. (Khi tôi đưa lại tản văn này lên blog thì nghe tin Hiên Giang Bảo đã mất vì trọng bệnh. Thế là dự định về Đại Từ-Thái Nguyên tìm gặp lại nó đã không thành hiện thực nữa rồi).
Tôi càng không bao giờ quên những gian khổ ngày ấy. Câu nói của cánh lính "Muỗi Tà De, ve Khe Hiền" đến bây giờ tôi vẫn nhớ. Tôi cũng nhớ mãi tấm lòng của bà con, anh chị em công nhân nông trường chè Trần Phú và các làng bản khu vực này. Mấy năm trước, nghe tin lũ quét cuốn trôi hàng chục ngôi nhà, làm hàng chục người dân thị trấn Ba Khe bị chết và mất tích, tôi thấy nhói trong tim. Thị trấn Ba Khe nằm bên bờ suối. Ngày ở Tây Bắc chúng tôi hay ra thị trấn này chơi. Thị trấn ngày trước lèo tèo chỉ có vài chục nóc nhà, một cái cửa hàng mậu dịch, một hiệu ăn uống quốc doanh. Sau này có một lần đi qua, thấy san sát những nhà cửa, hàng quán.
Nhớ lại kỷ niệm những ngày ở Tây Bắc tôi lại thấy nao nao. Đồng đội tôi ngày ấy giờ người còn, người mất, chả gặp được nhau, nhiều cái tên người bây giờ cũng không nhớ hết. Những cô gái công nhân nông trường bây giờ cũng không còn trẻ nữa. Nhưng trong tôi và trong họ thì chắc là kỷ niệm về ngày ấy sẽ mãi mãi vẫn còn xanh.

                                                         Hà Nội, ngày 30-6-2009

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Tập truyện cười “Có tật giật mình” vừa in xong


          
          
            Tập truyện cười “Có tật giật mình”
vừa in xong
          
           Tập truyện cười “Có tật giật mình” của Trọng Bảo do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành vừa mới in xong. Tập sách gồm 55 tiểu phẩm, toàn những chuyện linh tinh trên trời dưới bể mà tôi bất chợt bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày rồi viết lách biến thành truyện cười. Phần lớn các truyện cười, tiểu phẩm in trong cuốn sách này đã được in trên các báo và đưa lên blogs này rồi.
          Tập sách mong manh, chỉ có 1000 cuốn được in, phát hành. Tiếng cười trong sách thì có hạn nhưng tiếng cười trong cuộc đời thì là vô hạn và mãi mãi. Tiếng cười châm biếm luôn là vũ khí của con người. Trên đường nhận sách từ nhà xuất bản về tôi đã phải ký tặng các độc giả hâm mộ mất dăm cuốn. Mong rằng bạn đọc sẽ vui thư giãn và suy ngẫm khi đọc cuốn sách “Có tật giật mình” này!
                                                           
                                                                                        Hà Nội, 10/8/2012
                                                                       Trọng Bảo

              * Mời đọc toàn bộ tác phẩm "Có tật giật mình" tại đường link dưới đây:
              http://vandanviet.net/shop_news.php?l=vn&ac=235&mode=n&cn=835&n=9856

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Về Lâm Thao - thơ













Về Lâm Thao

Chiều nay về lại Lâm Thao
Nhớ thời lính trận thuở nào trẻ trung
Luyện quân bên cạnh Đền Hùng
Pháo xe xếp cạnh kiếm cung ông bà.
Dòng Thao sóng vẫn thiết tha
Mà bao người lính hôm qua không về!
Gặp cây hoa gạo ven đê
Gốc thân giờ đã sù sì thời gian
Sân đình có tiếng hát Xoan
Nhớ em trong buổi liên hoan ngày nào.
Đường làng giờ khuất tường cao
Núi đồi mờ dấu chiến hào năm xưa,
Tôi đi trong nắng ban trưa
Đâu đây vẳng tiếng chuông chùa Thụy Vân,
Ước gì gặp lại cố nhân
Cho đường xa trở nên gần, Lâm Thao….
           Thụy Vân-Lâm Thao, 30/6/2012
                           TB

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Tiểu phẩm Tao không gương mẫu nữa

              

Tao không gương mẫu nữa
Tiểu phẩm vui của Trọng Bảo
          
          Lại kể tiếp câu chuyện về một ông nông dân vùng cao có thành tích chăm chỉ lao động, làm trang trại giỏi, thực hành tiết kiệm trợ, gương mẫu đi đầu trong việc giúp bà con nghèo cùng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ông được mọi người tín nhiệm bầu là “điển hình tiên tiến”, được về thủ đô tham quan và báo cáo thành tích, kinh nghiệm sản xuất.
          Sau một tuần trở về nhà, bà con xúm đến hỏi thăm:
          - Ông ra thành phố có học hỏi được kinh nghiệm gì quý không! Thành phố có đẹp và vui không?
          - Chắc là sau chuyến đi tham quan thủ đô về ông lại càng thêm hăng hái ra sức thi đua lao động sản xuất chứ!
          Ông "điển hình” ậm ừ một lúc rồi nhấm nhẳng nói:
          - Học hỏi, hăng hái cái gì! Từ... từ nay trở đi tao sẽ thôi không gương mẫu nữa cũng chẳng tích cực cố gắng lao động sản xuất làm gì nữa cho khổ thân, mệt xác!
          - Sao thế... sao thế? - Mọi ngườì ngạc nhiên nhao nhao hỏi lại. Ông "điển hình”  khoát tay nói tiếp:
          - Tao được đi thăm thủ đô. Đi rồi tao mới biết. Ở quê ta mọi người lúc nào chỉ thấy hô nhau ra sức hăng hái lao động, động viên nhau tiết kiệm để xây dựng quê hương, làm giàu cho đất nước... Nhưng ở thành phố thì đi đến chỗ nào tao cũng chỉ thấy họ hò hét, động viên nhau ra sức... ăn uống thôi. Chỗ nào cũng thấy “Zô… zô… 100%... 100%...” cả ngày lẫn đêm. Họ ăn quanh năm, suốt tháng. Không hiểu họ lấy tiền, lấy rượu, thịt ở đâu mà ăn uống triền miên thế?
          Bà con há hốc mồm nghe kể chuyện. Ông “điển hình” lại thủng thẳng kể thêm:
          - Họ ngồi ăn đầy các nhà hàng, đầy sân, đầy hè đường. Tao còn nghe nói họ còn làm hẳn cả một khu phố chuyên để "ẩm thực" nữa! Một bữa tiệc họ ăn bằng cả bản ta già trẻ, lớn bé, lợn gà, ngan ngỗng ăn trong một tuần đấy. Tiền một chai rượu ngoại họ uống bằng mấy cái nương sắn, nương ngô của ta. Một buổi nhậu chơi mà mỗi người uống hết 20 đến 30 cốc bia bằng ba, bốn chục ki-lô-gam phân đạm, mấy tấn phân chuồng đấy, hiểu không!
           Ngừng một lát ông “điển hình” nói thêm:
           - Chưa hết đâu nhé! Tao còn nghe nói có nhiều ông còn “ăn” hết cả mấy héc ta đất, mấy trăm tấn sắt thép, xi-măng nữa. Họ ăn ghê lắm. Mới đây có một ông ở “Vi na lai” gì đó ăn tiêu hết hàng trăm tỷ đồng, thăng chức lên đến cấp cục trưởng rồi bình tĩnh trốn thoát đấy!
          Dân bản ai cũng lắc đầu kinh hãi khi nghe ông “điển hình tiên tiến” kể chuyện về chuyến về xuôi tham quan thành phố.