Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

CHỢ NGƯỜI - thơ



                   Chợ lao động              
            
              Chợ người
                    Thơ Trọng Bảo

             Rời quê đến chốn "chợ người"
                    Những mong bán chút mồ hôi của mình
                    Thôi thì tại cuộc mưu sinh
                    Dãi dầu giữa chốn thị thành gian lao.
                    Chợ người mua bán lao xao
                    Nghe lời mặc cả mà đau nhói lòng...                   

                    Quê xa vợ trẻ ngóng trông
                    Con chờ học phí, mẹ mong an bình
                    Phố phường cạm bẫy rập rình
                    Dấn thân cũng tại kiếp mình phù du.
                    Thương người đi bán giấc mơ
                    Chợ người họp đến bao giờ mới tan?


                                     Hà Nội, 18/6/2009

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Tản văn CHỢ TẾT QUÊ TÔI


        Chợ tết 
       CHỢ TẾT QUÊ TÔI
       
          Tản văn của Trọng Bảo

           Phiên chợ Tết quê tôi họp vào ngày 26 tháng Chạp. Đây cũng là phiên chợ cuối cùng trong năm âm lịch. Tôi nhớ ngày bé ở nhà tôi rất háo hức chờ phiên chợ Tết. Tụi trẻ con chúng tôi đứa nào cũng mong được mẹ cho theo đi chợ, mẹ mua cho miếng kẹo kéo nhai quẹo cả răng. Khi đã lớn thì tôi và bọn bạn tự kéo nhau đi chợ. Những năm tháng chiến tranh, chợ sơ tán họp trong rừng cây lá cọ. Những dãy hàng quán lụp sụp. Chợ Tết quê nghèo chả khác những phiên chợ hàng ngày là mấy, vẫn có bán mua những thứ gạo ngô, khoai sắn, than củi. Điều khác nhất là sự xôn xao, náo nhiệt từ đêm trước bởi đã có người buôn bán đến dựng lều, làm quán, là sự lâng lâng trong lòng người đi chợ. Phiên chợ Tết thêm những hàng lá dong, gạo nếp, mía cây còn cả ngọn lá để người ta mua về làm gậy cho ông vải. Đặc biệt là những quán hàng bán tranh ảnh, câu đối, hoa giấy. Câu đối, tranh ảnh móc đầy gốc cây cọ, treo trên dây làm sáng bừng cả phiên chợ quê vốn nghèo nàn, lam lũ.              

          Đám trẻ con choai choai chúng tôi chỉ thích nhất là các hàng bán pháo tép. Những quả pháo tép chỉ tày đầu đũa được tết thành bánh, mỗi bánh pháo tép cài thêm vài quả pháo cối bằng ngón tay cái. Khắp chợ tiếng pháo nổ đì đẹt, mùi thuốc pháo thơm thơm quyện trong mưa bay, mưa bụi, làm át đi cái lạnh, cái rét của gió mùa đông bắc vẫn thổi về không ngớt. 

           Nhiều người đi chợ Tết ở một vùng quê thường quen biết nhau. Các bà, các chị chia nhau miếng trầu, mảnh ngói ăn, hỏi thăm nhau về một năm làm ăn vất vả, về những đận tháng tám, ngày ba giáp hạt, chia sẻ với nhau niềm vui con cái trưởng thành, sụt sịt về chuyện nhà cơm không lành, canh không ngọt... Những người túng thiếu thì đôn đáo đem ra chợ bán con lợn giò, thúng thóc lấy chút tiền lo sắm tết. Miền quê nghèo khó đói kém quanh năm hằn sâu trên nét mặt những người đi chợ Tết. Đã thế cái khổ lại chồng lên cái khổ và nỗi bất hạnh. Tôi còn nhớ như in một phiên chợ Tết tôi gặp một người đàn bà áo vá vai cùng đứa con gái nhỏ đứng khóc lóc ở cổng chợ. Chị bán mấy bao sắn khô được vài đồng mong đong một hai đấu gạo nếp gói vài cái bánh chưng cho con, nhưng số tiền ít ỏi ấy lại bị kẻ gian móc trộm mất. Chợ tết quê xưa thường có một ông giáo già ngồi "bán chữ". Ông viết những câu đối, viết chữ nho. Những chữ NHẪN, chữ TÂM, chữ PHÚC, chữ TÀI, chữ LỘC... bán vài hào cho ai yêu chữ. Tết có một chữ còn tươi màu mực, một bức tranh màu treo trong nhà tự dưng thấy lòng mình bình tâm hơn trước những khó khăn, sóng gió của cuộc đời.

          Từ khi đi công tác xa, cũng phải đến mấy chục năm rồi tôi chả có điều kiện về đi phiên chợ Tết quê nữa. Mãi năm gần đây tôi mới lại có dịp đi chợ Tết quê mình. Chợ tết bây giờ chả khác gì chợ ngày thường, cũng không kém gì ở thành phố. Hàng hoá tràn ngập ngoài đường chả cần đến chợ. Hàng hoá thường ngày và hàng tết chả có mấy sự phân biệt nhiều, có chăng là chỉ khác vài hộp mứt. Bây giờ người ta bán bánh chưng luộc sẵn thay cho bán gạo nếp, lá dong. Bánh kẹo Trung Quốc, bánh kẹo trong nước, ngoài nước tràn ngập khắp nơi, song tiệt nhiên không thể tìm thấy một hàng bán chè lam, bánh nẳng. Đời sống ngày càng sung túc thì những vốn cũ, hồn quê, nét đẹp văn hoá lâu đời của phiên chợ Tết không tránh khỏi nhạt nhòa, tiêu biến.

           Nhớ phiên chợ Tết quê nhà, nhớ về những kỷ niệm ngày xưa xa ngái, năm nay tôi rất muốn về quê đi phiên chợ cuối năm, ngày 26 tháng Chạp. Tôi mong gặp lại bạn bè một thuở. Những người bạn thời chăn trâu, cắt cỏ, đánh trận giả bây giờ nhiều người tóc đã bạc. Cũng có nhiều người bạn ngày thơ ấu nay không còn nữa. Chiến trường đã giữ lại các anh. Phiên chợ Tết năm nào cùng bạn chia nhau vài cái pháo tép, miếng chè lam bây giờ nhớ lại tôi cứ thấy bâng khuâng, bâng khuâng mãi.
                                                                                                                                                                                                                            Vĩnh Phúc -2013       
       

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Truyện ngắn đăng Tạp chí Văn nghệ quân đội


      Số VNQD 765         
         Tạp chí Văn nghệ quân đội số 765 (cuối tháng 1-2013) đã đăng truyện ngắn TRUYỆN VIỄN TƯỞNG của tôi. Đó là một truyện ngắn vui, châm biếm về tham nhũng và bệnh thành tích. Tác giả xin trân trọng cám ơn BBT Tạp chí và đưa lại truyện ngắn này lên blog (Trọng Bảo).  
  
           TRUYỆN VIỄN TƯỞNG

           Một hôm, tôi tình cờ đọc được thông báo của một tờ báo văn nghệ tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn viễn tưởng. Vốn là người mê thích văn chương lại là công chức rỗi việc, tôi quyết định thử viết một truyện viễn tưởng gửi dự thi.
           Sau mấy ngày cặm cụi viết, gạch xóa rồi gõ máy vi tính, tôi cũng hoàn thành một truyện ngắn viễn tưởng. Truyện mang tựa đề “Cuộc đổ bộ lên mặt trời”. Nội dung truyện là: Đến năm 2222, các nhà khoa học trên trái đất đã tìm ra một loại hợp kim đặc biệt có thể chịu được sức nóng hàng triệu, thậm trí hàng trăm triệu độ để chế tạo một con tàu vũ trụ đưa con người từ trái đất đổ bộ lên thám hiểm mặt trời. Lên đến mặt trời, qua hệ thống kính chịu nhiệt độ cao vô hạn các nhà du hành vũ trụ của trái đất vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra ở đây cũng tồn tại sự sống. Giữa một nơi luôn xảy ra các phản ứng nhiệt hạch như các vụ nổ hạt nhân nguyên tử, lửa cháy rừng rực khắp nơi vẫn có con người, sinh vật và cây cỏ. Những cư dân “người mặt trời” da thịt cháy sém đen thui nhưng vẫn đi lại, ca hát. Họ chăn cừu, trồng lúa mỳ trên những cánh đồng lửa khói cháy ngùn ngụt. Biển cả, hồ ao trên mặt trời sôi sùng sục nhưng lạ thay vẫn có các loại cá tôm bơi lội tung tăng… Những nhà du hành vũ trụ của trái đất còn khám phá ra nhiều điều kỳ lạ về sự sống trên mặt trời. Những thông tin của họ gửi về mặt đất đã làm rung chuyển cả thế giới, đảo lộn hết thảy những quan niệm, những định luật về vật lý, hoá học và thiên văn…
            Ngay sau khi vi tính xong và in truyện ngắn siêu viễn tưởng “Cuộc đổ bộ lên mặt trời”, tôi liền cho vào phong bì gửi ngay cho ban tổ chức cuộc thi viết truyện viễn tưởng vì sắp hết hạn nhận bài. Khoảng một tháng sau, tôi nhận được thông báo truyện viễn tưởng của tôi được trao giải đặc biệt. Ban tổ chức trân trọng mời tôi đến dự buổi tổng kết và nhận giải thưởng. Tôi vô cùng vui sướng, không ngờ truyện ngắn đầu tay của mình lại dành ngay được giải thưởng cao.
            Đúng ngày, tôi đến toà báo nọ để dự buổi lễ trao giải cuộc thi. Tại đây, tôi gặp nhiều nhà văn, nhà báo nổi tiếng về viết truyện viễn tưởng. Mọi người đều nồng nhiệt chúc mừng tôi, một cây bút trẻ mà đã viết được một truyện viễn tưởng hay, đúng là một “tuyệt tác”, xứng đáng được nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Tôi khiêm tốn cám ơn các bậc văn sĩ đàn anh.
            Buổi lễ tổng kết và trao giải thưởng bắt đầu. Giữa lúc tôi đang bồng bềnh, lâng lâng với kết quả “xuất chúng” của mình thì chợt nghe ông tổng biên tập toà báo cũng là trưởng ban tổ chức cuộc thi viết truyện viễn tưởng cứ nhắc đi, nhắc lại tên tôi và nhấn mạnh: “Truyện ngắn viễn tưởng “Bản thành tích” của anh - một cây bút vừa mới bước vào “văn trường” mà đã gây được sự chú ý đặc biệt của ban tổ chức và các giám khảo cũng như của bạn đọc, xứng đáng được nhận giải thưởng lớn nhất của cuộc thi lần này”. Nghe vậy, tôi tái mặt toát mồ hôi hột. Tôi chỉ viết và gửi dự thi mỗi một truyện viễn tưởng “Cuộc đổ bộ lên mặt trời” sao lại là truyện “Bản thành tích”! Hay là họ đã sửa đổi tên truyện ngắn của tôi?
            Tôi lập cập mở vội cuốn sách in những truyện viễn tưởng được giải mà ban tổ chức đưa cho lúc nãy ra xem. Truyện ngắn “Bản thành tích”, đề tên tác giả là tôi đăng ngay đầu tập sách. Tôi vội vàng đọc lại và vô cùng sửng sốt nhận ra đó chính là “Bản thành tích chống tham nhũng của đơn vị” mà thủ trưởng cơ quan giao cho tôi viết để đem đi báo cáo điển hình ở hội nghị mừng công toàn ngành. Té ra, hôm trước do vội vàng và sơ ý, tôi đã cho nhầm bản thành tích chống tham nhũng của đơn vị vào phong bì bài gửi dự thi viết truyện viễn tưởng, còn bản thảo truyện ngắn “Cuộc đổ bộ lên mặt trời” thì lại cho vào phong bì công văn gửi lên thủ trưởng cơ quan. Không ngờ “Bản thành tích chống tham nhũng” của đơn vị tôi lại được trao giải cao cuộc thi viết “truyện viễn tưởng hay nhất”.
            Nhận mười triệu đồng tiền thưởng cùng giấy chứng nhận đoạt giải, tôi vội vã phóng xe máy về cơ quan. Dọc đường, tôi thực sự hoảng hốt nghĩ đến nét mặt giận dữ của thủ trưởng khi tìm “bản thành tích chống tham nhũng” lại vớ phải bản thảo truyện “Cuộc đổ bộ lên mặt trời” vớ vẩn của tôi. Phen này không khéo mất việc như chơi.
           Về đến cơ quan, tôi nhét vội gói tiền cùng giấy chứng nhận vào tủ không dám ho he gì chuyện sẽ khao anh em cùng phòng một bữa "no bia" như đã hứa. Giữa lúc đó thì chuông điện thoại réo lên gắt gỏng. Thủ trưởng gọi tôi lên gặp gấp. Tôi thảng thốt, bước thấp, bước cao lên phòng làm việc của thủ trưởng.
           Vừa nhìn thấy tôi, sếp đã hỏi ngay:
           - Cậu đã gửi cho mình bản thành tích chống tham nhũng chưa nhỉ?
           - Dạ! Em… em... đã đưa lên từ ngay đầu tháng rồi ạ!
           Tôi ấp úng trả lời. Sếp gật gật đầu:
           - Thế hả! Suốt tháng nay mình bận tối mắt, hết họp hành lại hội thảo, hội nghị rồi thì đi tham quan học tập, ký kết hợp đồng ở nước ngoài nên chưa kịp đọc.
           Đoạn, sếp chỉ vào chồng công văn chất cao ở góc bàn và bảo:
           - Cậu tìm nó giúp mình!
           Tôi vội vàng lục lọi trong đống công văn của sếp. Đây rồi, bản thảo truyện viễn tưởng “Cuộc đổ bộ lên mặt trời” của tôi đang nằm ở tít phía bên dưới chồng công văn giấy tờ. Tôi gấp vội bản thảo truyện ngắn “Cuộc đổ bộ lên mặt trời” kẹp ngay vào cuốn sổ và ấp úng nói:
           - Thủ trưởng cho em xin lại! Tối nay, em tranh thủ chỉnh lý, bổ sung thêm số liệu cho thật đầy đủ hơn ạ!
           - Thế thì tốt! Tốt quá. Cậu sửa chữa, sáng mai đưa lên ngay. Ngày kia mình phải đi báo cáo thành tích ở hội nghị mừng công toàn ngành ta rồi…
           - Vâng! Vâng ạ, em sẽ cố gắng!
           Tôi đáp, chào thủ trưởng và vội đi ra. Vừa ra đến cửa thì thủ trưởng gọi giật quay lại. Tôi hoảng quá. Sếp mà đổi ý đòi đưa lại bản báo cáo thành tích chống tham nhũng thì chết cha. Nhưng không, sếp gọi tôi lại là để đọc cho tôi ghi thêm những số liệu mới về quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, về việc xử lý những người vi phạm, về việc thu hồi đất đai, nhà cửa, tài chính, tài sản thất thoát và việc giải quyết đơn thư khiếu nại của công nhân viên chức trong đơn vị… Ông dặn tôi phải bổ sung ngay những số liệu rất mới, rất thời sự này vào bản thành tích cho thêm sinh động...
            Ghi xong, tôi chào thủ trưởng ra về, trong lòng lâng lâng niềm vui vì thoát nạn một cách ngoạn mục. Nhưng rồi, tôi lại chợt thấy buồn và tiếc quá. Bởi giá như những số liệu thủ trưởng vừa mới cung cấp, tôi mà biết trước viết vào “Bản thành tích” gửi cho cuộc thi viết truyện viễn tưởng thì giải thưởng còn cao hơn nhiều là cái chắc!
                                                                                        HN, năm 2007-2012
                                                                                                                    Trọng Bảo

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Giới thiệu sách của bạn văn chương


Giới thiệu sách của bạn văn chương

Xem trước bài viết
       Tôi mới nhận được những cuốn sách của bạn bè văn chương và của các tác giả  gửi tặng gồm 2 tập văn xuôi, 2 tập thơ và 2 tập sách dịch. Xin có vài dòng trân trọng giới thiệu trên blogs này.
          1-Tiểu thuyết Hồ đồ của nhà văn Phùng Văn Khai
          Nhà văn Phùng Văn Khai hiện là biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Anh đã có nhiều sách được xuất bản. Và hầu như cuốn sách nào in xong anh đều nhớ và gửi tặng tôi. Hồ đồ là cuốn tiểu thuyết thứ hai của anh do NXB Văn học ấn hành. Tiểu thuyết giống như một bản cáo trạng, lên án những kẻ hồ đồ, gây ra bi kịch nhân sinh, được phát triển thông qua những dòng hồi ức khi sự kiện chất độc da cam đã lùi xa. Tác giả không trực tiếp viết về hiện thực chiến tranh mà lần theo cái bóng của nó, để thấy âm hưởng của cuộc xung đột đẫm máu vẫn còn dai dẳng tồn tại trong ký ức con người. Chiến tranh kết thúc từ lâu nhưng với những người mang di chứng da cam thì dường như không bao giờ bước ra khỏi nỗi ám ảnh chết chóc. Đó là nỗi đau dai dẳng khủng khiếp của những người lính từng tham chiến. Cách hành văn trong tiểu thuyết Hồ đồ rất khác biệt. Đó là cách viết trải dài một mạch liên tục, rất ít đối thoại và xuống dòng. Cách viết này cũng là một thử thách đối với người đọc thiếu kiên nhẫn.
Xem trước bài viết         2-Tập truyện ký Điện Biên Phủ trên không-Bản hùng ca bất tử của tác giả Nguyễn Phương Diện, hiện đang công tác tại Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Nội dung cuốn sách "Điện Biên Phủ trên không-Bản hùng ca bất tử" góp phần tái hiện sinh động một phần cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt của quân và dân ta chống lại lực lượng không quân đồ sộ, bao gồm nhiều chủng loại của đế quốc Mỹ xâm lược trên chiến trường miền Bắc cuối năm 1972. Tác phẩm khắc họa chân dung những con người dũng cảm, những tấm gương hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả máy bay B52 của giặc Mỹ, họ đã làm nên một hình ảnh Việt Nam kiên cường, đau thương nhưng bất khuất, một Việt Nam chiến thắng vẻ vang. Tập truyện ký do NXB Quân đội nhân dân ấn hành nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng lịch sử “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12-1972-12-2012).
         Preview           3-Tập thơ Lời cầu hôn đêm qua của nhà thơ Vũ Thanh Hoa, hiện sống và làm việc tại thành phố Vũng Tàu. Tập thơ Lời cầu hôn đêm qua do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Tập thơ gồm 69 bài thơ tình. Về tập thơ này đã có một nhà văn ở Phú thọ đã viết một bài giới thiệu rất hay. Tôi không hiểu nhiều về thơ, chưa bao giờ viết bài phê bình, giới thiệu về thơ đăng báo vì tôi sợ những câu thơ hay mà mình không hiểu hết. Thơ của Vũ Thanh Hoa là sự khao khát về tình yêu, tình yêu đến tận cùng sự khắc khoải, chờ mong và ảo vọng. Hình như cả tập thơ tình là viết về đêm. Đêm của tình yêu và những giấc mơ đẹp, cũng có cả mộng mị. Với Vũ Thanh Hoa có lẽ chỉ trong giấc mơ tình yêu mới trọn vẹn, bộc lộ hết được nỗi ẩn giấu của lòng mình. Tôi đếm thấy có đến 21 bài thơ Vũ Thanh Hoa nhắc đến giấc mơ (chiêm bao). Đó là các bài Giấc mơ ngày, Đêm thức, Gửi…, Khúc chiều, Lúc hai giờ sáng, Giấc hồ nghi, Hoài nghi, Khúc lặng lẽ, Lùi xa, Lặng lẽ, Trong giấc mơ đêm qua, Lưu đày một giấc mơ, Những chiếc cúc, Phố thở, Tên anh, Tháng sáu đi qua, Vĩ tuyến, Ảo giác, Xin lỗi anh, Vỡ, Lời cầu hôn đêm qua…
Xem trước bài viết         4-Tập hồi ký thơ Đánh mất chiến trường của nhà thơ Kiều Anh Hưong, hiện anh đang công tác tại Hải Phòng. Tập hồi ký thơ do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Cuốn sách này tôi được nhà thơ tặng khi đến dự buổi giới thiệu sách tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9, Nguyễn Đình Chiểu-Hà Nội. Cuốn nhật ký bằng thơ mang tên “Đánh mất chiến trường” của nhà thơ Kiều Anh Hương cho ta nhớ lại một thời chiến trận gian lao đầy bi tráng. Hiện nay không có nhiều những cuốn thơ viết về những ký ức của một thời khói lửa như thế. Người đọc bị lôi cuốn bởi chất lính tươi trẻ, những hồi ức chân thật với những dư âm về chiến tranh của một người lính chiến rất đam mê thi ca, một nhà thơ chiến sỹ. Cuốn sách gồm hai phần. Phần 1 “Trường Sơn của tôi- chiến trường của tôi”, phần 2 “Hồi ức”.  Mỗi phần đều có những điều trăn trở, suy ngẫm về chiến tranh và về hoà bình.         

Xem trước bài viết          5-Tập truyện Chuyện đời (tập 6) của Konstatin Paustovsky do Dịch giả-Tiến sĩ Phan Bạch Châu dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Tiến sĩ Phan Bạch Châu là một chuyên gia đầu ngành về cảng đường thủy và thềm lục địa, ông được nhà nước giao cho nghiên cứu nhiều đề tài khoa học lớn, quan trọng và đã hoàn thành xuất sắc. Là người đam mê văn học, lại có vốn tiếng Nga rất giỏi, ông không ngừng sáng tác, dịch thuật, liên tục cho ra đời những đứa con tinh thần như Một chuyện tình, Mùa lá rụng, Giọt sáng, cơn mưa, Băng giá đầu đời, Nastenka… Đến nay, Tiến sĩ Phan Bạch Châu đã dịch xong 6 tập Chuyện đời của Konstatin Paustovsky. Chuyện đời (tập 6) do NXB Hội Nhà văn ấn hành nói về những chuyến ngao du của Paustovsky với 22 câu chuyện mà nhà văn nhặt nhạnh được qua những chuyến đi, những câu chuyện đầy triết lý và sự suy ngẫm về cuộc đời, về kiếp người.
         
                                                       Xem trước bài viết6-Tập thơ 101 bài thơ trữ tình nước Nga do nhà văn, dịch giả Ngọc Châu chọn dịch. Tập thơ do NXB Thế giới ấn hành. Tác giả Ngọc Châu sống và làm việc tại Hải Phòng. Anh đã dịch nhiều tác phẩm văn học của nước Nga cũng là tác giả của nhiều tập truyện viết cho thiếu nhi như: Mèn và trũi, Mài sắt, Bạch dương, Bé Mây, Lũ quỷ, Người mẹ và con quỷ, Hang ma, Ma xó đi học... Điều đặc biệt của tập “101 bài thơ trữ tình nước Nga” là dịch giả Ngọc Châu với sự điêu luyện của mình, tác giả đã dịch các bài thơ tinh tế, sâu sắc nguyên bản tiếng Nga ra những bài thơ, câu thơ tiếng Việt lung linh, biến ảo của các thể thơ quen thuộc, nhất là thơ lục bát trong văn học truyền thống Việt Nam. Phương pháp của dịch giả Ngọc Châu góp phần tạo nên sự gần gũi giữa hai nền văn hoá Đông-Tây, khiến cho nhiều thi phẩm trữ tình của Nga đến với trái tim yêu thơ của bạn đọc Việt Nam…
          Tôi xin chân thành cảm ơn các tác giả đã yêu mến gửi tặng sách và trân trọng giới thiệu trên blogs này.
Nhân dịp này, cũng xin cáo lỗi cùng các tác giả đã gửi tặng sách cho tôi theo địa chỉ cơ quan, sách bị gửi trả lại do địa chỉ thay đổi. Xin các bạn gửi sách cho tôi theo địa chỉ mới: Trọng Bảo, Phòng 309, nhà M5, Khu văn công quân đội Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
                                                            Hà Nội, tháng 1-2013
                                                         Trọng Bảo

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Bút ký đăng Báo Nhân dân


Báo Nhân dân số ra Thứ hai 14-1-2013 đã đăng bút ký Nơi người lính trở về của tôi. Tác giả xin trân trọng cảm ơn BBT báo và giới thiệu lại trên blog này (Trọng Bảo)
Nơi người lính trở về
Cập nhật lúc 01:13, Thứ hai, 14/01/2013 (GMT+7)
alt
Vườn thanh long ruột đỏ của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hùng
 ở thôn Ðồng Núi, xã Vân Trục (Lập Thạch, Vĩnh Phúc).  
Những người lính ra đi và trở về trên mảnh đất Lập Thạch (Vĩnh Phúc), những cựu chiến binh (CCB) hôm nay vẫn đang góp phần xây dựng quê hương vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

           Từ một vùng quê thuần nông, hiện nay Lập Thạch xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ tổng hợp, chăn nuôi, trồng rừng có hiệu quả. Nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình như: nuôi rắn, chim bồ câu, nuôi bò sữa, tổ chức làng nghề mây tre đan, làm cây cảnh... của các CCB đã đem lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa, nhân rộng. Ðể hỗ trợ các mô hình kinh tế ấy, Hội CCB huyện và các xã đã chủ động trao đổi rút kinh nghiệm, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền các cấp thống nhất cơ chế ủy thác vay vốn. Ðến tháng 10-2012, đã giải quyết cho 1.046 hộ CCB vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, với số tiền gần 20 tỷ đồng. Năm 2012, tỷ lệ hộ CCB khá, giàu tăng từ 40% lên 45%, quỹ hội đạt gần ba tỷ đồng...
           Theo Chủ tịch Hội CCB huyện Nguyễn Văn Én và các Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Oanh, Vũ Hữu Quyền, chúng tôi đi tham quan, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế của CCB trong huyện. Cơ sở sản xuất nước tinh khiết mang thương hiệu Núi Ngọc, của CCB Trần Ðại Phú, ở xã Xuân Hòa là một công ty do sáu gia đình CCB góp vốn thành lập. Tâm sự với tôi, CCB Trần Ðại Phú cho biết, anh nhập ngũ năm 1982, ra quân 1989, hoàn cảnh gia đình lúc ấy rất khó khăn, cho nên anh đã cùng các CCB khác bôn ba vào Nam ra Bắc buôn bán, kiếm việc làm mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Anh em đã bàn nhau góp vốn, lập công ty sản xuất nước tinh khiết. Bây giờ thì thương hiệu nước tinh khiết Núi Ngọc của Công ty cổ phần thương mại Trần Phú của sáu CCB này đã trở nên quen thuộc, có uy tín trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận.  Hiện nay, thu nhập của các hộ gia đình CCB trong công ty đạt hơn 70 triệu đồng/năm. Anh Phú còn cho biết về một dự định xây dựng nhà máy nước tinh khiết tại khu vực Núi Sáng-nơi cụ Ðề Thám ngày xưa từng lập căn cứ địa đánh Pháp. Anh cũng kể thêm về việc trồng hơn 20 ha rừng và việc phát triển chăn nuôi của mình.
            Ðến Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Lập Thạch, Giám đốc Nguyễn Văn Bi, vốn là một người lính Ðoàn 559. Anh đi bộ đội năm 1971. Sau chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, anh phục viên về tiếp tục học Trường đại học Kinh tế quốc dân, rồi từ một cán bộ trở thành giám đốc như hiện nay. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, anh cho biết: Công ty quản lý 46 trạm bơm, 246 hồ đập, hàng trăm trạm bơm dầu dã chiến, bảo đảm tưới tiêu cho 21.247 ha, thuộc hai huyện Lập Thạch và Sông Lô. Công ty hiện có 23 CCB, giám đốc đồng thời cũng là chi hội trưởng chi hội CCB. Công ty đang nhận phụng dưỡng một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và luôn quan tâm đến đời sống của anh em CCB, đặc biệt là việc giúp đỡ, hỗ trợ các CCB, thương binh trong công ty phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Có những người như anh Nguyễn Văn Hải, thương binh hạng hai, gia đình nghèo khó, vợ con đi làm thuê, được công ty giúp đỡ tạo điều kiện nhận thầu hơn 3,8 ha hồ ao thả cá, cấy lúa một vụ, đời sống gia đình ổn định, các con học hành, có việc làm.
            Thăm mô hình "một lúa, một cá" của CCB, thương binh hạng 3/4 Ðỗ Quốc Oanh, ở xã Ðồng Ích, chúng tôi thật sự khâm phục sự bền bỉ của người lính trên mặt trận chống đói nghèo. Trang trại của anh nằm giữa cánh đồng. Nơi đây vốn là một khu gò đá ong khô cằn, trước đã có hai người nhận thầu, nhưng không làm nổi phải bỏ. Anh Oanh kể rằng, buổi đầu nhận thầu làm trang trại, anh phải dùng xà-beng chọc lỗ rồi cắm từng cây bạch đàn, cây keo xuống. Anh đã phải chở đất màu về đổ xuống để cải tạo vườn trồng cây. Khu cánh đồng nuôi cá, anh thuê máy đào một đường băng sâu để gom nuôi và thu hoạch cá. Vượt qua những khó khăn, vất vả ban đầu, đến nay trang trại của anh Oanh có diện tích 150 ha chuyên nuôi  các loại cá giống, cá thương phẩm, cua đồng, tôm và cấy lúa, trồng hoa màu... Mỗi năm, anh thu hoạch từ 40 đến 50 tấn cá, cua, tôm và hơn 10 tấn lúa. Mô hình "một cá, một lúa" của CCB - thương binh Ðỗ Quốc Oanh đã được nêu gương điển hình tại Hội nghị tuyên dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2009 tổ chức tại Bến Tre. Anh Oanh còn được T.Ư Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen do có thành tích làm kinh tế giỏi và giúp đỡ các CCB xóa đói, giảm nghèo. Với doanh thu đạt hơn 800 triệu đồng/năm, anh đang tính toán mở rộng sản xuất, tiếp tục tích tụ ruộng đất để phát triển mô hình kinh tế trang trại. Cùng với việc mở rộng sản xuất, nhưng anh  luôn nghĩ đến việc gìn giữ môi trường, không làm kinh tế bằng mọi giá nếu gây ô nhiễm môi trường. Hằng năm, anh Oanh đều góp từ 60 đến 70 triệu đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.
             Ðến thôn Ðồng Núi, xã Vân Trục  thăm khu vườn trồng cây thanh long ruột đỏ của CCB Nguyễn Mạnh Hùng. Anh Hùng từng là một chiến sĩ lái xe của Ðoàn 559. Năm 1992, sau khi ra quân, anh Hùng làm lái xe thuê tuyến Hà Nội - Bình Thuận. Chính từ những chuyến lái xe qua miền trung đầy nắng gió anh đã nảy ra ý định đưa cây thanh long về với quê mình. Vùng đất đồi núi chuyên trồng sắn quê anh không ngờ lại phù hợp cây thanh long. Từ năm 2007, với sự hỗ trợ của Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh Hùng đã trồng thành công cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi Lập Thạch và cho hiệu quả kinh tế cao. Lúc cao điểm, vườn thanh long của anh có hơn 1.700 trụ. Cây thanh long ruột đỏ trồng ở Vân Trục mỗi năm ra tám vụ quả, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Ðến nay, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Hùng đã được nhân rộng ra toàn xã. Hiện nay, xã Vân Trục có gần 50 ha trồng thanh long, các xã lân cận như Xuân Hòa, Ngọc Mỹ cũng bắt đầu triển khai trồng giống cây này. Anh Hùng cho biết, các trang trại ở huyện Tam Ðảo và ở tận tỉnh Lào Cai đã đến đặt mua giống cây thanh long ruột đỏ của anh, tổng cộng hơn 9.000 trụ. Riêng năm 2012, anh đã thu 500 triệu đồng từ việc bán giống cây thanh long ruột đỏ...
            Ở Lập Thạch còn rất nhiều mô hình phát triển kinh tế khác, đem lại hiệu quả cao của các CCB, góp phần làm nên sự đổi thay ở một vùng quê nghèo khó. Song như anh Nguyễn Văn Én, Chủ tịch Hội CCB huyện Lập Thạch, cho biết: Hội luôn quan tâm, khuyến khích những mô hình kinh tế nào có tính phổ biến, dễ nhân rộng để hướng các CCB cùng học tập, làm theo để cùng nhau vươn lên vượt qua đói nghèo, góp phần làm giàu cho quê hương! 
Bài và ảnh: TRỌNG BẢO

*Mời xem các sáng tác của Trọng Bảo theo đường link: http://lienson.vnweblogs.com/ hoặc truy cập mục: Truyện ngắn

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Tản văn AO LÀNG

   Ao làng
       Trang Văn học-Báo Quân đội nhân dân (11/1/2013) đã đăng tản văn Ao làng của tôi. Tác giả xin chân trọng cảm ơn Ban biên tập báo và xin giới thiệu lại trên blog này (Trọng Bảo)
       QĐND - Thứ Sáu, 11/01/2013, 21:39 (GMT+7)
      Quê tôi ngày xưa, làng thưa nhà, người còn ít. Mấy chục nóc nhà nhưng gia đình nào ngoài vườn trồng cây ăn quả cũng đều có một cái ao để thả cá. Cái ao nằm giữa vườn cây tạo nên phong cảnh hữu tình. Bên này bờ ao chàng trai ngồi câu cá. Bên kia cô gái giặt áo, vớt bèo. Những mối tình nảy nở. Những bóng hình lứa đôi soi bóng nước ao nhà. Những cái ao ngày ấy rất rộng và trong xanh. Những trưa hè, tụi trẻ con chúng tôi thường nhảy ùm xuống ao tắm. Một đoạn cây chuối mấy thằng bám vào bì bõm tập bơi. Rồi từ cái ao làng phẳng lặng, nhỏ bé, chúng tôi biết bơi để ra hồ, ra sông, ra biển lớn đầy sóng gió. Cũng như từ sau bụi tre làng xanh quanh năm bình yên, chúng tôi lớn lên vững bước vào đời với bao sự biến động, thử thách chông gai.
        Tôi còn nhớ khi còn nhỏ rất thích đi câu cá. Chúng tôi có những chiếc cần câu trúc uốn cong rất đẹp và dẻo. Chúng tôi thường kéo nhau đi cả buổi lên rừng tìm cần câu. Quê tôi ngày ấy rừng già rậm rạp, có những cây gỗ quý như lim, de, rùa, mấy người ôm không xuể. Những bụi tre, bụi trúc, tha hồ mà chọn những cây trúc, cây rui thật suôn, thật thẳng về uốn làm cần câu. Mỗi đứa chúng tôi đều có đủ các loại cần câu. Cần câu cá trê, cá chuối phải cứng, cần câu cá rô, cá diếc phải mềm, phải dẻo, cần câu tôm càng thì chỉ là những thanh tre vót mảnh như cái tăm. Những cái ao trong làng ngày ấy rất nhiều các loại cá hoang hay cắn câu như cá trê, cá rô, cá chuối, lươn, trạch... 
         Câu cá ở ao cũng là cả một nghệ thuật, là sự kiên trì. Cá rô ta (thường gọi là rô đồng) ăn nhạy nhưng khó dính vào lưỡi câu. Trừ loại cá rô phi là ham mồi, có con bị giật trượt rách cả mép vẫn cứ lau nhau lao vào đớp mồi. Cả đàn xoắn xuýt quanh mồi câu, có lúc giật lên thấy lưỡi câu móc cả vào lưng, vào bụng cá. Cá trê thì chậm bắt mồi câu nhưng khi đã đớp mồi thì thường nóng vội kéo vút đi ngay. Ban đêm cá trê hay cắn câu hơn ban ngày. Nhưng ngồi câu đừng ngủ gật, lỏng tay cần, cá kéo mạnh lôi luôn cần câu ra giữa ao, trời thu lạnh ngại lội xuống vớt. Có đêm gặp đàn cá ham mồi, tôi giật được cả vài chục con cá trê vàng ươm. Cá trê kho nục hoặc cá trê nướng ăn đều ngon. Câu cá chuối là cả một sự kiên trì và khôn khéo. Cá chuối đẻ trứng hoặc đang nuôi con nhỏ thường dễ câu hơn. Chỉ cần móc lưỡi câu vào một con trạch hay con nhái còn sống thả vào đàn cá con là sẽ giật ngay được con cá mẹ. Cá chuối mẹ ham con, bảo vệ con, thấy có con vật nào ngoe ngoảy giữa đám con của mình là sẽ lao đến đớp ngay. Khi con cá cái bị vướng lưỡi câu, con cá chuối đực vẫn tiếp tục bảo vệ đàn con đến khi chúng lớn mới thôi. Câu được cả con cá đực này không phải là dễ. Mùa thu ao cạn, nước trong veo, nhìn rõ cả con cá chuối nằm im gần bờ. Nó gần như bất động. Muốn câu được nó phải nấp thật kín, cần câu phải thò ra thật nhẹ nhàng, không để gây ra tiếng động và điều quan trọng nhất là phải thả mồi câu ở xa về phía đuôi con cá. Cá chuối rất thính. Khi thấy động ở phía sau nó sẽ quay ngoắt lại và đớp mồi. Còn nếu thả mồi ngay phía trước mặt nó thì nó lập tức phóng vút ngay ra giữa ao, mất tăm.
         Mùa thu, khi mướp đã ra hoa cũng là mùa câu ếch. Ếch sống ở ao thường to và béo. Mùa thu đến, sau một mùa sinh đẻ và ăn uống đầy đủ, ếch chuẩn bị vào hang ngủ đông nên thường ít vận động. Nó hay nổi lên mặt ao ngồi trên những đám bèo. Ra ao chỉ nhìn một lượt đám bèo là phát hiện đang có mấy con ếch đang ngồi hóng mát. Chúng tôi thường móc vào lưỡi câu những cái hoa mướp vàng đã héo vừa rụng để nhử ếch. Cũng giống như câu cá chuối, mồi câu phải thả phía sau con ếch giật giật rồi kéo nhẹ. Thấy động, con ếch sẽ quay lại đớp mồi ngay. Còn nếu buông mồi đột ngột phía trước mặt thì đừng hòng ếch mắc mưu. Cũng chưa thấy ai lý giải vì sao ếch rất thích đớp hoa mướp màu vàng.
        Quanh cái ao làng có bao nhiêu kỷ niệm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất vẫn là tắm ao và câu cá. Lớn lên ra đi tới bao phương trời, tôi vẫn không quên những chuyện của ngày thơ ấu. Bây giờ về quê, đất chật, người đông, ao hồ san lấp gần hết để làm nhà, làm đường. Rồi quy trình gieo trồng canh tác mới, thuốc sâu, phân hóa học rải xuống đồng ruộng ngày càng nhiều nên gần như tiệt diệt, không còn thấy các loại cá hoang như cá rô, cá trê, cá trạch, cá chuối nữa. Đêm đêm, cũng ít nghe tiếng ếch "ồm ộp" kêu trong làng như ngày xưa.
        Nhà tôi vẫn còn giữ được một khoảnh ao nho nhỏ, cũng có thả một ít cá rô phi. Một hôm về quê, tự dưng tôi thèm được câu cá quá. Nhưng không thể tìm đâu ra một cái cần câu. Rừng già đã biến mất từ lâu trên quê tôi nên chẳng còn những khóm trúc mọc hoang trên đồi. Tôi đành chặt một nhánh tay tre làm cần câu. Cá cắn câu, giật con cá lên với cái cần cong queo, cứng ngắc, mất cả cái thú của người đi câu...
         Vậy đó, bây giờ và mai sau nữa, lớp trẻ con làng quê thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ mất dần khái niệm về cái ao làng, về những trò chơi, những thú vui, những chuyện ở nông thôn. Thật tiếc, khi cái ao làng sẽ vĩnh viễn biến mất nơi làng quê Việt.
         Tản văn của TRỌNG BẢO

 
*Mời xem các sáng tác của Trọng Bảo theo đường link: http://lienson.vnweblogs.com/ hoặc truy cập mục: Truyện ngắn

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Truyện ngắn MAI EM SẼ ĐẾN TÌM ANH (phần 2)

 

           
       
Mai em sẽ đến tìm anh
Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Thư về đến gần đơn vị thì gặp đám bạn gái đang kéo nhau ra suối giặt giũ. Vừa nhìn thấy Thư lũ con gái nhau nhau xô đến cật vấn. Lúc nãy bọn chúng đã thấy anh lính công binh vào đơn vị tìm Thư rồi hai người cùng đi vào cánh rừng ven suối.
          - Thế nào đã… làm gì nhau chưa?
          Cái Liên vừa xoa xoa má Thư vừa hỏi. Cái Thuỷ thì nghi ngờ:
          - Chắc chắn là đã làm gì rồi phải không?
          - Làm gì… là làm sao! Chúng mày chỉ được cái hay nghĩ vớ vẩn!
          - Vớ vẩn cái gì! Anh chàng đẹp trai thế cơ mà… Chả lẽ hai người chỉ ngồi không bên bờ suối thả lá xuống dòng nước cho trôi về biển cả à?
          - Thì nói toàn chuyện linh tinh thôi!
          - Bọn tao không tin… nhìn hai má rưng rưng đỏ lựng thế kia mà nói không làm gì thì vô lý quá!
          Cả bọn đang ồn ào nói cười nghiêng ngả thì chiến sĩ liên lạc đại đội xuất hiện gọi to:
          - Báo động! Tất cả về đơn vị tập hợp ngay!
          Đám con gái vội bưng chậu quần áo, xách súng chạy về vị trí đóng quân của đơn vị. Trời đã sụp tối. Ở miền núi đá âm u thường tối sớm. Thư vừa đeo ba-lô, khoác súng, vớ cái máy điện thoại và cuộn dây chạy ra bãi cỏ đầu doanh trại. Cô hơi lo lắng hồi hộp, trống ngực đập mạnh. Thư mong rằng cũng chỉ là báo động luyện tập như những lần trước. Ngày mai chủ nhật Thư đã hẹn sẽ đến tìm Lâm. Lâm hứa sẽ đưa Thư đi thăm một cái hang đá có nhiều thạch nhũ rất đẹp mà anh đã phát hiện trong một lần đi tìm nơi trú quân và cất giấu vật tư chiến tranh cho đơn vị. Thư đỏ mặt khi hình dung chuyện của hai người sẽ xảy ra trong cái hang vắng vẻ ấy.
          Đơn vị tập trung đầy đủ. Đại đội trưởng phổ biến mệnh lệnh chiến đấu rồi tất cả hành quân về các vị trí đảm bảo thông tin liên lạc cho trung đoàn. Bộ phận thông tin hữu tuyến của Thư đảm bảo tuyến đường dây hướng tiểu đoàn 3 và đơn vị công binh. Tiểu đội trú quân trong một hang đá nhỏ nằm trên con đường lên thị trấn Sóc Giang. Tìm chỗ rải tấm tăng làm chỗ ngủ ở góc hang xong Thư quay ra cửa hang thì cái Liên đi nhận gạo trở về. Nó đưa cho Thư hai băng đạn và nói:
          - Tình hình có vẻ căng thẳng lắm mày ạ!
          - Chắc lại báo động sẵn sàng chiến đấu như những lần trước thôi!
          - Lần này khác. Có khả năng chiến tranh sẽ xảy ra!
          Thư hơi run run:
          - Thật thế hả mày?
          - Lúc qua hầm chỉ huy tao nghe lỏm thấy đại đội trưởng đang nói với mấy cán bộ trung đội là ở phía cửa khẩu Bình Mãng bọn địch đã phá hoại các vật cản của ta rồi…
          Chợt nhớ tới lời anh Lâm nói lúc chiều, Thư thảng thốt:
          - Lỡ chiến tranh xảy ra thật thì làm thế nào… tao sợ lắm!
          - Tao cũng sợ! Nếu tao có thế nào thì mẹ tao chết mất…
          - Ôi… mà còn anh Lâm…
          - Anh Lâm của mày làm sao?
          - Anh… anh… ấy chắc đêm nay sẽ lên sát biên giới chuẩn bị nổ mìn ngăn cản xe cơ giới của bọn giặc… Nếu chiến tranh nổ ra thì ngày mai…
          Đang nói Thư chợt im bặt. Cô chợt nhớ đến lời hẹn ngày mai với Lâm. Cái “ngày mai” ấy cả hai đều mong chờ, lo lắng thấp thỏm trong một đêm biên giới thế này. Thư mong một ngày mai sẽ bình yên như mọi ngày trước đó, chỉ một ngày thôi, một ngày không có chiến tranh…
*
         
          Nhưng chiến tranh đã nổ ra đúng buổi sáng ngày chủ nhật (17-2-79). Ngày mà Thư hẹn sẽ đến tìm Lâm. Một ngày mà cô mong đợi hơn tất cả mọi ngày. Thư sợ hãi khi nghe những tiếng nổ dữ dội. Bầu trời sáng rực lên bởi những luồng lửa đạn từ phía bên kia biên giới bắn sang. Trong tiếng đạn pháo đinh tai, chói óc là tiếng người nháo nhác gào gọi nhau thảm thiết, tiếng kêu khóc hoảng loạn, tiếng chó sủa, gà kêu, bò rống tan tác, vỡ đàn, tiếng tre nứa nổ lốp bốp từ những ngôi nhà trúng đạn đang bốc cháy rần rật. Mọi thứ âm thanh hỗn độn hoà vào nhau trong khói lửa, cát bụi mù mịt.
          Thư và Liên ôm nhau trong hốc đá co rúm người vì sợ hãi. Nhưng rồi họ cũng không có thời gian mà sợ hãi mãi. Tiếng chuông máy điện thoại đổ dồn bắt buộc họ trở về với nhiệm vụ. Đường dây hữu tuyến lên các đơn vị dính mảnh pháo, bị trâu bò của dân bản hoảng loạn chạy rông kéo đứt. Hai người lần theo tuyến đường dây. Họ vừa bò vừa chạy khi qua cánh đồng trống mịt mù lửa khói. Những lúc đạn pháo nổ gần Thư và Liên phải nằm bẹp dưới mương nước mãi mới dám đi tiếp. Hai người không rõ chiến sự đã xảy ra trên các hướng như thế nào. Họ chỉ biết là vô cùng ác liệt qua những câu đối thoại ngắn ngủi khi họ quay máy về tổng đài hay gọi lên điểm tựa các đơn vị lúc nối dây, thông máy.
          Mãi đến cuối buổi chiều tiếng súng mới tạm ngớt. Bọn địch chưa chọc thủng được tuyến phòng thủ của quân ta. Thư và Liên quay về vị trí trú quân. Cả hai đều mệt lả và đói. Thư kéo lê khẩu AK chui vào hang. Liên bẻ nắm cơm nguội ngắt đưa cho bạn. Chợt Thư kêu lên:
          - Thôi chết! Mình phải lên chỗ đơn vị công binh ngay! Anh Lâm chắc đang đợi mình…
          Cái Liên gàn:
          - Mày không đi được đâu! Đường lên chỗ đơn vị công binh phải băng qua cánh đồng trống trải nguy hiểm lắm. Mà đường dây lên đó bị đứt chưa khắc phục được, không hiểu tình hình thế nào…
          - Tao nhất định phải đi… tao sẽ kiểm tra đường dây lên trên đó luôn!
          Thư quả quyết. Cô đeo cái máy điện thoại và xách khẩu súng toài người ra khỏi hang. Liên dặn với theo:
          - Cẩn thận bọn thám báo đấy Thư ơi!
          Đạn pháo quân địch đã tạm lắng. Đã cuối ngày, ánh sáng chập choạng. Cánh đồng trồng ngô và thuốc lá lỗ chỗ hố đạn pháo, khét nồng mùi thuốc súng. Thư thận trọng đi dọc con mương nhỏ chạy song song với con đường rải đá lên thị trấn Sóc Giang. Vượt qua thị trấn thì Thư gặp được mấy chiến sĩ đang chốt giữ ở gần trường cấp 1. Thư đang hỏi thăm lối lên đơn vị công binh thì có tiếng hỏi:
          - Thư phải không! Anh là Chiến ở đơn vị công binh đây!
          Một người chiến sĩ quần áo bê bết bùn đất từ một ngách hầm nhô ra. Thư nhận ra người bạn thân của Lâm. Chiến kéo Thư ra phía sau một gộp đá bảo:
          - Bọn anh đang triển khai bãi vật cản ở sân trường cấp 1. Ngày mai có thể bọn giặc sẽ tràn xuống thị trấn đấy!
          - Thế anh Lâm…
          Chiến im lặng rồi nắm chặt bàn tay lạnh cóng của Thư:
          - Lâm… Lâm… không còn nữa Thư ạ!
          Thư suýt khụy xuống. Cô phải níu lấy tay của Chiến để khỏi ngã. Chiến thì thào:
          - Lâm hy sinh anh dũng lắm Thư ạ!
          Thư cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc. Thư cố định tâm để nghe Chiến kể về cái chết của Lâm:
         “Sáng sớm nay xe tăng và bộ binh địch đánh lướt qua bên trái chốt của đại đội bộ binh tràn xuống phía thị trấn Sóc Giang. Đơn vị công binh được lệnh phá đường chặn quân giặc. Lâm và Chiến được giao nhiệm vụ điểm hoả khối thuốc nổ hàng trăm cân để đánh sập cả đoạn đường xuống vực. Hai người tiến hành điểm hoả khối thuốc nổ rồi nhanh chóng lui về vị trí an toàn.
          Nhưng mãi không thấy tiếng nổ, Lâm bảo Chiến:
         - Hỏng rồi! Có lẽ mảnh pháo địch chặt đứt mất dây cháy chậm rồi. Mày yểm hộ để tao lên kiểm tra xem sao nhé!
          Nói xong, Lâm lăn xuống con mương toài người lao lên phía trước. Chiến lo lắng nhìn theo Lâm. Chiếc xe tăng đi đầu của địch đã nhô ra ở quãng đường ngoặt, cách khối bộc phá không xa. Đạn bắn thẳng của chúng cày tung bụi trên mặt đường. Lâm vẫn theo cái rãnh thoát nước bên đường cúi thấp người chạy lên. Khi chỉ còn cách khối bộc phá vài mét thì Lâm chới với ngã sấp xuống. Mọi người cố căng mắt quan sát. Không thấy Lâm động đậy. Khi bộ phận công binh chuẩn bị cử người lên tiếp ứng thì thấy Lâm nhỏm dậy. Lâm cố lết lên phía trước. Lâm đã bị thương, một bên chân đẫm máu và hình như không còn cử động được nữa.
         Chiếc xe tăng địch chồm tới rất nhanh trong khi Lâm vẫn nhích lên từng đoạn một. Khi Lâm đến được chỗ đặt khối bộc phá thì xe tăng và bộ binh địch cũng tiến sát chỗ đặt khối thuốc nổ. Lâm nằm nghiêng người rút dao găm ra kê đoạn dây cháy chậm lên báng súng xiết mạnh. Khi thấy Lâm gắn nụ xoè vào đoạn dây cháy chậm ngay phía trên khối thuốc nổ các chiến sĩ chợt hiểu và thấy lạnh cả xương sống. Lâm quyết định điểm hoả cho khối bộc phá nổ tức thì. Đúng như mọi người dự đoán. Sau khi lắp xong nụ xoè, Lâm ép người nằm im như chết dưới lòng rãnh nước.
          Khi chiếc xe tăng và bộ binh địch tiến sát khối thuốc nổ thì Lâm vụt chồm dậy nhoài người nằm đè lên phía trên khối thuốc nổ và giật nụ xòe. Gần như đồng thời với hành động của Lâm là một tiếng nổ rung trời chuyển đất. Đoạn đường ngang vách núi mịt mù khói bụi. Đất đá văng rào rào. Tiếng súng lặng đi. Khi khói lửa dần tan thì cả một một đoạn đường đã bị đánh sập xuống vực sâu. Chiếc xe tăng cùng những tên lính xâm lược biến mất”.
          Kể xong chuyện Lâm hy sinh cho Thư nghe, Chiến lôi từ trong cóc cái ba-lô đang đeo ra một cái túi nhỏ rồi bảo:
         - Hôm qua Lâm nói hôm nay Thư sẽ lên thăm, nhưng chiến tranh xảy ra. Trước khi đi làm nhiệm vụ Lâm dặn nếu không trở về thì giao cho Thư vật này.
         - Là gì vậy anh?
         - Trong cái túi này là cuốn sổ ghi nhật ký của Lâm và cả mấy tấm ảnh của nó nữa…
         Thư run run cầm cái túi nhỏ. Nhớ đến lời hứa với Lâm chiều hôm qua, Thư nhặt một hòn đất bên bờ công sự bỏ vào cái túi. Lâm đã hi sinh, hồn phách và thể xác của Lâm đã tan hòa vào đất trời sông núi biên cương. Thư muốn đem một nắm đất có phần thịt xương hồn phách của Lâm về quê mình sau khi cuộc chiến tranh này chấm dứt…

         (hết)                                                                    Cao Bằng, năm 1979
                                                                                                            Hà Nội, đầu năm 2013

*Mời xem các sáng tác của Trọng Bảo theo đường link: http://lienson.vnweblogs.com/ hoặc truy cập mục: Truyện ngắn

Truyện ngắn MAI EM SẼ ĐẾN TÌM ANH (phần 1)



              
    
Mai em sẽ đến tìm anh
Truyện ngắn của Trọng Bảo

           Gió bắc thổi hun hút qua vách đá. Rừng núi âm u. Đã qua tết rồi mà trời còn rét lắm. Mùa xuân rồi sao mà lạnh lẽo đến thế. Cái lạnh lẽo thê lương như đang gặm nhấm làm mòn mỏi cả một dải đất cằn khô miền biên ải.
          Họ ngồi bên nhau. Cái lạnh làm cho họ sát lại gần nhau hơn. Họ đều là những người lính. Đơn vị họ mới lật cánh từ Hà Giang sang hướng Cao bằng khi tình hình biên giới ngày càng căng thẳng, nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra. Chàng trai ở đại đội công binh còn cô gái là nữ chiến sĩ thông tin trung đoàn. Màu áo của họ lẫn vào màu cỏ dại và đá núi.
          Chàng trai ngồi im lúng túng. Cô gái vặt trụi lá một cành sim mọc ven suối.
          Mãi sau chàng lính công binh mới ấp úng nói:
          - Anh vừa nhận được thư mẹ…
          - Nhà có chuyện gì mới không anh?
          - Mẹ anh giục về…
          Chàng lính trẻ bỏ lửng câu nói. Cô gái cười khúc khích:
          - Giục về cưới vợ để mẹ chóng có cháu bồng chứ gì?
          - Nhưng… anh không thích cái cô bé nhà bên cạnh mà mẹ bảo về để hỏi cưới ấy… đanh đá lại còn hay mách lẻo nữa…
          - Hi… nhưng người ta xinh…
          - Xinh gì… hồi bé thò lò mũi suốt…
          Cô gái bật cười thành tiếng:
          - Hồi bé ai chả thò lò mũi chứ?
          Chàng lính im lặng. Cô gái vân vê vạt áo:
          - Em cũng mới nhận được thư nhà!
          - Chắc mẹ cũng giục…?
          - Không, mẹ em lo…
          - Lo gì… chiến tranh sắp nổ ra à?
          - Không… mẹ lo con gái có thì…
          Hai người lại im lặng. Chỉ có tiếng suối chảy rì rào qua khe đá. Họ nghe rõ cả tiếng thở của nhau. Cô gái lại chợt hỏi:
          - Liệu chiến tranh có xảy ra không anh nhỉ?
          - Không biết! Nhưng tình hình ngày càng căng thẳng thế này thì không rõ sẽ thế nào? Bọn anh hôm nay về kho trung đoàn lấy vật tư để chuẩn bị sẵn sàng đấy!
          - Vật tư gì quan trọng thế?
          - Bí mật nhé!
          - Vâng…
          - Toàn là kíp nổ mạnh… khi chiến tranh xảy ra, bọn anh sẽ dùng cả tấn thuốc nổ đánh sập một đoạn đường qua vách đá cheo leo để chặn xe cơ giới của bọn địch tràn sang… Thôi chết! Thằng Chiến cùng đi lĩnh vật tư với anh đang ngồi chờ ở ngã ba Đôn Chương. Chắc là nó sốt ruột lắm!
          - Thế thì anh đi… đi…
          Cô gái làm bộ giục. Anh chàng lính công binh tặc lưỡi:
          - Thôi, hay cứ để nó chờ thêm một tý nữa. Anh em mình ngồi với nhau thêm một lát nữa, chả mấy khi gặp được nhau…
          Cô gái nhích lại sát anh lính. Cô cố nén tiếng thở dài lo âu nói:
          - Mong sao cho chiến tranh không xảy ra. Em sợ lắm. Nhà có một mình em là con gái út, lại ở tít tận trên biên giới này.
          - Mẹ anh cũng lo. Mẹ chỉ có một mình anh thôi. Mẹ thương anh lắm. Bố anh hy sinh trong đợt đơn vị đi tiễu giặc phỉ ở Hà Giang, mẹ ở vậy nuôi anh. Mà bố anh ngày xưa cũng là lính ở trung đoàn 246 của mình đấy! Bao giờ đơn vị ổn định, mở lại nhà truyền thống, anh sẽ dẫn em vào xem. Trong nhà truyền thống trung đoàn có ảnh bố anh đấy!
          Cô gái thở dài nhè nhẹ:
          - Ước gì không có chiến tranh anh nhỉ!
          - Anh cũng mong thế! Không có chiến tranh chúng mình sẽ được ra quân, anh sẽ đưa em về quê anh thăm Đền Hùng.
          - Em cũng sẽ dẫn anh về quê em đi trẩy Hội Lim nghe hát quan họ…
          Chàng lính trẻ nhìn vào mắt cô gái. Anh nhận thấy sự lo âu không dấu nổi trong ánh mắt của cô gái. Chàng lính công binh nhìn đồng hồ. Chắc giờ này thằng Chiến đang nóng lòng chờ anh ra để cùng đem số vật tư đã nhận ngược lên biên giới. Lúc nãy lĩnh vật tư ở kho anh dặn Chiến đeo ba lô ra chỗ ngã ba ngồi chờ còn mình tranh thủ tạt qua đại đội thông tin thăm cô bạn gái. Thằng Chiến nhìn anh nháy mắt bảo: “Mày làm gì thì làm nhanh nhanh rồi ra ngay kẻo về đến đơn vị tối mất đấy!”.
          Cô gái thấy anh lính công binh nhìn đồng hồ liền nói khẽ:
          - Anh… anh… ôm em đi!
          -…
          Chàng lính công binh lúng túng. Anh choàng tay qua vai cô gái. Đôi vai tròn của cô gái run lên. Hơi thở của cả hai người dồn dập, đứt quãng không đều. Họ như nghe thấy cả tiếng trống ngực của nhau. Cô gái thì thào. Hơi thở của cô nóng hổi bên tai anh: “Ôm em thật chặt vào…”. Cô kéo cánh tay của anh xuống ngang ngực mình. Chàng lính công binh như đang bị lên cơn sốt. Lần đầu tiên cánh tay anh chạm vào ngực một người con gái. Họ ngồi im lặng không ai nói gì thêm. Cô gái lặng lẽ mở khuy áo rồi ngoặt tay ra phía sau lưng tháo cái móc. Chàng lính trẻ bàng hoàng khi nhìn thấy khuôn ngực trẻ trung và tròn căng của cô gái. Anh sợ hãi không dám đặt tay lên. Một làn gió lạnh làm cô gái rùng mình. Khuôn ngực trẻ trung như hai ngọn măng đang mọc. Cô gái nắm lấy bàn tay thô ráp vì đào hầm hào công sự của người lính công binh đặt lên ngực mình ép chặt, thật chặt. Hai người như lả đi. Trời đất quay cuồng. Lạ lẫm và mê hoặc. Khi đã hồi tĩnh lại anh lính công binh mạnh dạn hơn. Anh hạ thấp một bàn tay luồn xuống phía dưới. Cô gái vội giữ bàn tay anh lại hốt hoảng:
          - Đừng… đừng…
          - Sao thế?
          - Không được… không được đâu! Hôm… hôm nay em đang bị… ngày mai mới hết cơ…
          Chàng lính trẻ vội rụt tay lại. Anh hiểu ý cô gái nói. Hôm nay cô đang bị chuyện phụ nữ, “kéo cờ trắng” như cánh con trai vẫn thường nói với nhau về phụ nữ. Cô gái vừa cài lại khuy áo vừa nhìn vẻ mặt thất vọng của chàng trai mỉm cười nói:
          - Thôi… anh đi đi… ngày mai em sẽ đến tìm anh… ngày mai anh nhé!
          Anh lính công binh nắm chặt tay cô gái:
          - Thư ơi! Ngày mai anh sẽ đợi em ở đầu thị trấn nhé!
          Họ cùng chạy về hướng ngã ba Đôn Chương nơi một người đồng đội của họ đang chờ. Ra khỏi cánh rừng chàng lính trẻ bảo cô gái quay lại. Dùng dằng mãi rồi họ mới chia tay nhau. Đặt một cái hôn nhẹ lên má chàng lính công binh, cô gái thì thầm: “Nhất định ngày mai chủ nhật được nghỉ em sẽ đến tìm anh! Ngày mai anh Lâm nhé...”.

         (còn nữa)                                                          Cao Bằng, năm 1979
                                                                                        Hà Nội, đầu năm 2013

          Giới thiệu về truyện ngắn “Mai em sẽ đến tìm anh”: Năm 2008, sau khi nhận bàn giao căn hộ ở Hà Nội, tôi thực hiện chiến thuật “kiến tha lâu đầy tổ”. Hàng ngày từ cơ quan về tôi đều tranh thủ xách theo một ít sách vở, báo chí, tài liệu ghi chép riêng, để đến khi rời khỏi quân ngũ thì chỉ cầm một cái ba-lô lộn ra khỏi đơn vị là xong. Sau một năm cần mẫn, tôi đã đưa về nhà được gần một nghìn cuốn sách văn học của bạn bè tặng và của mình sưu tầm, mua được sau những lần lang thang ở phố sách Đinh Lễ (Hà Nội).
          Khi thu dọn sách vở để đem về nhà tôi tìm được bản thảo truyện ngắn này và nhiều ghi chép, bản nháp khác ở trong góc tủ. Truyện ngắn này có tựa dề “Niềm tin nơi anh”. Phần hai của truyện đã được phát trong chuyên mục dành cho bạn trẻ, Chương trình Phát thanh QĐND những năm 1980. Hôm nay tôi sửa chữa và đưa toàn bộ truyện ngắn này với tựa đề “Mai em sẽ đến tìm anh” lên blogs. Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn. (Trọng Bảo)

*Mời xem các sáng tác của Trọng Bảo theo đường link: http://lienson.vnweblogs.com/ hoặc truy cập mục: Truyện ngắn