Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 4)

                   
            NGŨ  QU
            Truyện dài của Trọng Bảo

            

            Ông chủ tịch và ông trưởng công an xã cùng tiếp người “liệt sĩ” làng Vực vừa mới trở về đêm qua. Câu chuyện của anh Phương cả làng, cả xã đều đã biết. Ấy vậy mà khi anh đạp xe đến trụ sở uỷ ban xã vẫn có rất nhiều người tò mò kéo đến xem có phải là thật hay không. Có đích thị là người hay là ma. Đang đi làm đồng, họ vác luôn cả cày cuốc, gồng gánh ồn ào kéo vào trụ sở uỷ ban xã. Ông chủ tịch xã phải kêu bảo vệ xua đuổi đám người hiếu kỳ ra khỏi khu vực làm việc của chính quyền tránh sự nhốn nháo nơi công sở. Ông chủ tịch xã tuy vẫn còn rất trẻ nhưng đã có dáng vẻ bệ vệ. Ông ngồi đĩnh đạc trên chiếc ghế bọc da giả có bánh xe quay ngang, quay ngửa đều được. Là người đứng đầu một xã nghèo thuần nông nhưng trông con người ông chủ tịch không có chút gì xuất thân từ nông dân. Mặc dù ông có bằng kỹ sư nông nghiệp, thuộc vào hàng trí thức mới, nhưng gia thế nhà ông cũng phải đến mấy đời chuyên cầm cày theo đít con trâu. Có lẽ khi anh Phương lên đường nhập ngũ hành quân ra mặt trận đánh giặc thì ông chủ tịch vẫn chỉ là một đứa trẻ mục đồng còn cởi truồng cưỡi trâu nhông nhông lội xuống sông tắm.
           Sau khi xem kỹ tờ giấy của Phương và nghe anh trình bày, ông chủ tịch xã trịnh trọng nói:
          - Trước hết thay mặt lãnh đạo chính quyền xã, tôi xin nhiệt liệt chào mừng đồng chí đã trở về với quê hương. Đồng chí cùng lớp thanh niên quê ta lên đường đánh giặc Mỹ và tay sai ngày ấy đã góp phần làm rạng danh truyền thống hào hùng của xã nhà. Mong rằng giờ đây khi trở về địa phương, đồng chí sẽ tiếp tục phát huy bản chất cao quý của người quân nhân, góp phần cống hiến xây dựng quê hương, làng xóm ngày càng giàu đẹp…
          - Vâng! Tôi… tôi… sẽ cố gắng… - Anh Phương đáp và trình bày tiếp chuyện của mình: - Nhưng bây giờ tôi muốn xã giúp đỡ việc làm thủ tục để tôi được hưởng trợ cấp thương bệnh binh hoặc mất sức…
          Ông chủ tịch nhã nhặn: 
          - Thế này đồng chí Phương ạ! Lãnh đạo xã sẽ lập tức làm văn bản báo cáo ngay việc của đồng chí lên trên đề nghị thu hồi lại bằng “Tổ quốc ghi công” của đồng chí, tạm dừng khoản trợ cấp vẫn chi trả hàng tháng cho thân nhân gia đình liệt sĩ để đồng chí yên tâm sinh sống tại quê nhà. Nhưng còn việc làm thủ tục đề nghị công nhận đồng chí là thương bệnh binh, hay mất sức thì phải có đủ các loại giấy tờ cần thiết mới làm được.
           - Giấy tờ gì… mà tôi biết lấy ở đâu ra bây giờ?
           Ông chủ tịch xã giải thích:
           - Đồng chí phải về đơn vị cũ xin lại các loại giấy tờ như chứng nhận là quân nhân, chứng nhận vào chiến trường, tham gia trực tiếp hay phục vụ chiến đấu, giấy chứng thương, giấy giám định sức khoẻ, các loại bằng khen, giấy khen, huân huy chương đem về đây thì chúng tôi mới có thể tiến hành làm thủ tục đề nghị lên trên nghiên cứu, xem xét được!
           - Nhưng bây giờ tôi biết đơn vị cũ của mình đang ở đâu mà xin?
           - Thế thì thật là khó quá đồng chí Phương ạ! Việc đồng chí còn sống trở về người thực, việc thực rõ ràng thế này thì chúng tôi có thể xác nhận và sẽ đề nghị ngay lên trên gạch bỏ tên trong danh sách các liệt sĩ. Nhưng còn việc làm đề nghị để đồng chí được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của nhà nước thì quả là rất nan giải, phức tạp.
           - Vậy thì tôi biết làm thế nào?
           Ông chủ tịch xã đành bảo:
          - Có lẽ đồng chí cứ về nhà nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng lấy lại sức khỏe đã. Lãnh đạo xã sẽ báo cáo lên trên, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo và phòng lao động thương binh xã hội huyện xem thế nào đã nhé!
          - Vâng…
           Anh Phương chán nản đứng dậy. Anh có trình bày thêm thì mọi việc cũng không đi đến đâu. Đầu anh bỗng thấy u u chống rỗng. Ông chủ tịch xã giơ tay phải ra bắt tay người “liệt sĩ” làng Vực. Anh Phương giơ cánh tay trái còn lại ra. Ông chủ tịch lúng túng mãi mới nắm được bàn tay trái đầy những vết sẹo của anh Phương. Ông nói thêm:
          - Bây giờ, xã sẽ cho người xuống nhà đồng chí thu hồi lại cái bằng “Tổ quốc ghi công” để nộp theo cùng bản báo cáo lên cấp trên nhé!
           Anh Phương “ừ hữ” trong cổ họng rồi gật gật đầu.
           Anh chào các lãnh đạo xã rồi tập tễnh bước ra sân trụ sở uỷ ban. Trụ sở uỷ ban xã bây giờ khang trang khác hẳn ngày nào anh còn ở làng. Một toà nhà hai tầng đồ sộ cột to ốp đá xẻ láng bóng thay chỗ cho căn nhà cấp bốn lợp lá cọ lụp sụp ngày xưa. Anh chỉ còn nhận ra cây bàng già sù sì còn sót lại ở góc sân. Ở chỗ gốc cây bàng già này anh đã chia tay Hoà trước khi lên đường nhập ngũ. Hôm ấy Phương, anh Thưởng và thằng Hiệp cùng lên đường nhập ngũ đợt đầu năm 1972. Anh Thưởng là người già dặn nhất bọn. Anh sinh vào đầu năm. Liên là con gái nên không được đi bộ đội. Năm sau thì Liên xin vào thanh niên xung phong đi mở đường Trường Sơn. Thế là mùa xuân năm ấy nhóm “ngũ quỷ” có bốn người ra trận, chỉ còn một người còn ở lại quê nhà. Đó chính là cái thằng ít tuổi nhất bọn. Nó sinh vào cuối năm nên tính tháng chưa đủ tuổi nhập ngũ. Nhưng thực ra thằng Hiệp cũng chỉ sinh trước nó hai tháng, chưa đủ mười tám tuổi song nó vẫn viết đơn bằng máu xung phong đi chiến đấu.
           Phương về đến nhà thấy mẹ đang đứng thờ thẫn trước bàn thờ.
           Mùi hương nhang thơm thoang thoảng.
            Anh nhìn lên bàn thờ. Tấm bằng Tổ quốc ghi công của anh đã được xã cử người đến đem đi rồi. Ông xã đội trưởng có xe máy nên phóng đến nhà anh nên nhanh hơn rất nhiều anh đạp chiếc xe cũ kỹ lọc cọc lại bị tuột xích mấy bận. Khi ông xã đội trưởng đến để gỡ tấm bằng Tổ quốc ghi công mẹ anh đã thắp mấy nén hương khấn vái, kính cáo tổ tiên. Chiếc khung ảnh viền đen đặt sau bát nhang cũng được hạ xuống. Tấm bằng Tổ quốc ghi công và cái ảnh bỏ đi khiến cái bàn thờ bỗng trở nên trống trải, ngơ ngác. Bà Thuân lau đám bụi rơi xuống bàn thờ khi ông xã đội nạy cái đinh để bóc lấy tấm bằng. Bà dự định chiều nay sẽ thịt con gà mái đang đẻ làm mâm cơm cúng, mời lão Vận quét chợ là bạn thân của chồng, anh Thưởng chèo đò và cô Liên là những người bạn cũ cùng thời với con đến uống chén rượu mừng cho thằng con vừa từ cõi chết vừa mới trở về. Còn chuyện “phải mổ lợn khao cả làng vì con đã báo tử lại sống trở về” như nhiều người nói lúc ban sáng thì bà không bao giờ dám nghĩ đến. Bà làm gì có điều kiện mà làm như thế. Trong lòng bà ngổn ngang bao suy nghĩ. Không hiểu sao sau niềm vui mừng bất ngờ đến nghẹn ngào vì thằng con “liệt sĩ” đột nhiên sống lại tìm về nhà trong bà lại vẩn vơ một nỗi âu lo vô cớ.
           Phương hỏi mẹ:
           - Họ mang cái bằng ghi công đi rồi hả mẹ?
           - Ừ! Mà chuyện của con xã họ bảo sao?
           - Họ bảo phải chờ để trên còn thẩm tra, xem xét!
           Phương nói quấy quá cho mẹ yên tâm. Bà Thuân thở dài:
           - Không hiểu sao mẹ cứ thấy lo lo là…
           - Mẹ cứ yên tâm! Không có gì phải lo cả. Con còn khỏe làm gì chả được, cần gì mấy đồng tiền trợ cấp bọ ấy!
            Bà mẹ lo lắng:
            - Làng ta làm gì ra tiền, ruộng nương bây giờ đã chia khoán hết, ao vườn cũng không còn, sông ngày càng ít cá, con thì chỉ còn một tay thế này…
            Phương cười khì khì:
           - Mẹ yên tâm! Mấy chục năm trời một mình con đất khách quê người còn sống được nữa là nay có mẹ, có con thì lo gì?
            Bà Thuân se sẽ thở dài:
            - Ấy là mẹ thấy lo lo thì nói thế thôi.
            Bà nói xong liền cầm cái liềm ra đồng cắt cỏ về cho con bò già còi cọc. Vừa ra đến sân, chợt nhớ bà nói vọng vào:
            - Con nghỉ ngơi đi, có bát cháo trứng mẹ nấu để trên bàn. Còn nóng đấy ăn luôn đi cho khoẻ. Chiều nay có rỗi thì con nhớ sang bên nhà ông Nghĩa chơi. Ông ấy vừa mới ở đây về xong. Ông Nghĩa cứ đợi mãi chờ mày về. Mẹ nói mày lên làm việc trên xã không biết lúc nào mới xong nên ông ấy đành về. Ông ấy hỏi thăm mày đấy!
           - Ông… Nghĩa nào hả mẹ?
           - Chán cho anh quá! Ông Nghĩa nhà ở cuối làng, là bố đẻ của thằng cu Hiệp, cùng học, cùng nhập ngũ một đợt với mày mà không nhớ à?
           - Con nhớ… nhớ ra rồi! Thế thằng Hiệp bây giờ thế nào rồi hả mẹ! Nó vẫn khỏe và vẫn hay có những trò nghịch ngầm như ngày xưa chứ ạ. Con phải sang ngay gặp nó mới được!
           Bà Thuân thốt lên:
           - Ôi giời… đúng là mày chả biết cái gì rồi! Mày muốn gặp thằng Hiệp thì lên trên nghĩa trang liệt sĩ mà gặp… Mộ của nó đang nằm cạnh mộ của mày ở trong ấy đấy. Cũng chả cái nào có cốt cả đâu. Ông Nghĩa sang chơi là hỏi thăm mày xem có biết thằng Hiệp được chôn cất ở chỗ nào không để còn nhờ người đi đem hài cốt nó về đấy con ạ!

                                                                                                        Hà Nội, tháng 4-2013
           (còn nữa)

 

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 3)


        
           NGŨ  QU
           Truyện dài của Trọng Bảo
             

            Dòng sông Đáy con chảy đến đầu làng Vực thì bị bẻ gập lại. Luồng nước chảy rất xiết đâm thẳng vào một mỏm đá chồm hỗm như hình thù giống như một con cóc sù sì nhô đầu ra giữa sông. Dòng nước ùng ục bật trở ngược lên phía thượng nguồn một đoạn rồi mới có lối chảy thoát được về phía hạ lưu.
          Ngay phía trên mỏm đá hình con cóc ấy có một cây đa cổ thụ có dễ tuổi đã máy trăm năm. Rễ cây đa già rủ xuống lòa xòa rủ xuống mặt nước sông giống như một ông lão râu tóc rối bù đang ngồi suy tư sự đời.
          Nơi dòng sông bị gấp lại tạo nên một vùng xoáy nước lớn. Xoáy nước luôn sùng sục giống như như một cái chảo khổng lồ đang sôi nhất là khi mùa mưa lũ. Trong cái xoáy lớn cuồn cuộn ấy có những thân cây gỗ lớn từ trên núi trôi xuống đâm ngang dọc tróc hết cả vỏ. Có bận là một con trâu mộng chết nổi trương phềnh. Những người chuyên đi bè tre nứa, bè gỗ từ thượng nguồn về đến đây thường phải chèo chống rất vất vả mới thoát khỏi cảnh bị quay tròn trôi xuống rồi lại chồi lên mấy bận trong vùng xoáy nước rất mạnh và vô cùng nguy hiểm này.
          Làng Vực ở bên bờ sông Đáy con. Hình thế của làng giống hệt như một con cá chép nằm dài trên cạn. Một con cá bị quăng lên cạn sắp chết vì thiếu nước. Xoáy Vực nằm đúng chỗ miệng của con cá ấy. Có lẽ do con cá mắc cạn sắp chết nên nó ngáp ngáp mạnh quá mà xoáy Vực luôn réo sôi sùng sục. 
          Trong kháng chiến chống Pháp, làng Vực là vùng tự do nằm sát ngay vùng tề. Dòng sông Đáy con mong manh là ranh giới giữa vùng do quân ta kiểm soát và vùng do bọn địch tạm chiếm. Mùa mưa, nước lớn ca nô, tàu chiến địch chạy từ sông Lô lên bắn phá dọc hai bên bờ. Mùa cạn, bọn địch thường bất ngờ vượt sông sang càn quét, đánh phá, giết người, hãm hiếp phụ nữ, bắt cóc cán bộ, đốt nhà, cướp bóc liên miên bất kể ngày đêm. Vì thế mang tiếng là vùng tự do nhưng làng Vực phải chịu cảnh chiến tranh hoang tàn, chết chóc tang thương suốt chín năm trời. Dân làng Vực phải kéo nhau đi tản cư, chỉ còn các cán bộ và du kích ở lại canh phòng, chặn đánh địch bảo vệ xóm làng.
          Sau hoà bình, dân làng Vực mới lục tục kéo nhau về. Họ dựng lại những ngôi nhà bị đốt cháy. Cũng ngay trong cái năm hoà bình ấy làng Vực có năm đứa trẻ ra đời. Bốn trai, một gái. Tuy đứa sinh đầu năm, đứa thì giữa năm, đứa cuối năm nhưng cùng đi học với nhau từ lớp vỡ lòng. Cả năm đứa đều nghịch ngợm như nhau. Dân gian vẫn bảo “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Nhưng có lẽ năm đứa học trò làng Vực ngày ấy phải xếp thứ nhất mới đúng. Năm đứa học trò sinh ra cùng một năm ấy là Thưởng, Phương, Hiệp, Liên và một thằng nữa. Nó là đứa ít tuổi nhất nhưng lại thành đạt và giàu có nhất trong đám bạn bè cùng trang lứa. Cuộc đời nó quả là có rất nhiều cái nhất.
          Cũng trong những năm hoà bình đầu tiên ấy đã xảy ra một chuyện mà những người dân làng Vực vẫn còn nhớ như in. 
          Đó là một buổi sáng sương mù, những người đi chợ sớm qua đò chợt hốt hoảng nhìn thấy thi thể một cô gái lập lờ nổi lên ở xoáy Vực. Cô gái gần như không mặc gì trên người. Một mảnh khăn buộc ngang bụng rách tả tơi. Khuôn ngực cô nham nhở những vết cắn, vết xước, máu vẫn còn rỉ ra. Dân làng Vực đưa cô gái chết trôi lên bờ. Các bà các chị vừa khóc vừa tắm rửa, mặc quần áo cho cô gái chết trôi. Cô gái rất đẹp và còn rất trẻ. Cặp vú như hai ngọn măng vừa mới nhú. Cô gái bị bọn sơn tràng chuyên xẻ gỗ trộm ở rừng Tam Đảo cưỡng hiếp rồi đẩy xuống sông. Cô gái chết trôi được dân làng Vực đặt bên bờ sông, đắp chiếu, bày hoa quả, thắp hương khấn vái, chờ thân nhân đến tìm.
          Nhưng rồi đợi hơn một ngày, không thấy ai đến nhận xác cô gái. Dân làng Vực đành đưa cô gái đi chôn cất. Đám ma cô gái rất đông. Đám thanh nữ làng Vực toả đi các bờ dậu của các nhà trong làng ngắt những bông hoa dâm bụt làm một vòng hoa viếng người bạn gái xấu số. Cái vòng hoa duy nhất ấy được rước đi đầu đám tang trông đỏ lòm như một bát máu tươi. Từ ấy, khúc sông có cái xoáy Vực nơi cô gái chết trôi trở nên u ám, bí hiểm. Bọn trẻ con trong làng sợ không dám nhảy xuống tắm và thách nhau thi bơi ở chỗ dòng sông bị gẫy khúc ấy nữa.
           Bà Thường-mẹ anh Thưởng khi còn sống làm nghề chèo đò chở khách sang ngang ở bến sông làng Vực. Anh Thưởng, là con trai duy nhất của bà. Anh lớn lên bên bờ con sông Đáy con rồi đi bộ đội. Một mình bà Thường với một niêu cơm nhỏ trong túp lều rách trên bến sông. Những buổi chợ phiên, người qua đò rất đông, nhiều bữa bà chả kịp nấu cơm. Bà hóp bụng chịu đói gò lưng ghì chặt mái chèo lựa chiều cho con thuyền vượt qua vùng nước xiết sang ngang. Đêm đêm mỗi khi nghe vẳng tiếng gọi “Đò ơi!”, thì dù mưa gió, giá rét đến đâu bà cũng lập cập khoác chiếc áo tơi dò dẫm xuống bến, cởi dây neo chèo thuyền sang sông đón khách. Bà bảo: “Mình lỡ một giấc ngủ không sao nhưng để khách lỡ một độ đường thì cực lắm!”.
           Từ hôm có cô gái chết trôi về vùng nước xoáy ở bến sông làng Vực thì rất ít khách qua sông vào lúc đêm khuya. Người ta đồn rằng nhiều đêm nghe tiếng gọi đò nghe vời vợi xa xăm từ bên kia sông, bà Thường chèo thuyền sang đều gặp khách là một cô gái mặc quần áo trắng tinh đang đứng đợi. Bóng cô gái mờ ảo. Cô bước lên thuyền nhẹ như bấc, thuyền không chòng chành một chút nào. Nhưng lần nào bà đưa cô gái ra đến giữa sông thì cô cũng biến mất. Bà Thường đành chèo thuyền trở về. Con đò nhỏ của bà xoay vòng mấy lần ở xoáy Vực mới thoát ra được. Lại có người làm nghề cắm đăng bẫy cá trên sông khẳng định rằng nhiều đêm vẫn nhìn thấy bóng một người con gái ngồi trên mỏm đá con cóc phía trên xoáy nước. Đầu tóc cô rũ rượi, đôi mắt đỏ nòng nọc rực lên như lửa.
           Chuyện ma ở bến sông làng Vực mỗi người nói một phách và ngày càng thêu dệt thêm nhiều tình tiết ly kỳ rùng rợn khiến cánh trẻ con trong làng càng thêm sợ hãi. Người lớn yếu bóng vía cũng thấy lành lạnh xương sống. Ai cũng hiểu đó chỉ toàn là những câu chuyện người lớn đã phịa ra để dọa lũ trẻ hay lội xuống bến tắm khi mùa lũ lớn dễ chết đuối. Nhưng, có những chuyện thì không hiểu nổi vì sao lại như thế. Đó là từ sau ngày cô gái chết trôi về bến sông làng Vực thì hầu như năm nào chỗ nước xoáy ấy cũng có người bị chết đuối. Mà người chết lại toàn là đàn ông mới lạ. Có những thi thể từ đâu trôi về. Ở vùng thượng nguồn khi có người ngã xuống sông, bị nước lũ cuốn trôi, người nhà thường đem hương nhang đến khấn vái, có khi đưa cả quan tài đến vùng nước xoáy ở đầu làng Vực chờ sẵn. Thể nào rồi xác người thân của họ cũng sẽ trôi dạt về vướng lại tại đây.
           Lão Vận quét chợ thì khẳng định cô gái bị cưỡng hiếp rồi đẩy xuống sông đã được vua thủy tề thương cảm, nhận làm con nuôi. Cô được thuỷ thần cho được bắt đủ chín mươi chín người trên dương gian về làm quân hầu phục dịch. Nhớ lại mối hận bị làm nhục chết oan ức, cô giết chết toàn đàn ông rồi kéo xác họ về bến sông làng Vực. Thực ra đấy cũng chỉ là lời đồn nhảm không có căn cứ. Chuyện xác người chết trôi từ phía thượng nguồn mắc ở xoáy Vực đã có từ lâu do cấu tạo của dòng chảy và xoáy nước. Bất cứ cái gì trôi nổi đầu nguồn về cũng đều bị vướng lại ở đây. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bọn giặc vẫn thường hay đột kích sang bên này sông bắt cóc cán bộ, dân lành lôi lên cái cầu sắt phía trên tra tấn rồi giết chết ném xác xuống sông. Có người chưa chết hẳn chúng cũng cho vào bao tải rồi đẩy xuống dòng nước xiết. Quân ta đột kích sang vùng tề bắt bọn tay sai, chỉ điểm ác bá có nợ máu với nhân dân cũng đưa lên cầu xử tử. Các xác chết đều trôi về và mắc lại ở xoáy Vực.
           Làng Vực có anh Hừng bị thọt chân nên không phải đi bộ đội. Anh là tay sát cá lại bơi lặn rất giỏi. ở trên bờ, anh đi lại khó khăn nhưng khi xuống nước thì như một con rái cá. Anh chả bao giờ tin câu chuyện ma quỷ của lão quét chợ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, anh Hừng đều lặn xuống chỗ xoáy nước để bắt cá. Anh chẳng cần lưới vó gì, chỉ tay không lặn xuống. Lúc anh ngoi lên thì lũ trẻ trên bờ reo hò ầm ĩ. Hai tay anh cầm hai con cá chép lấp loáng vây đỏ, hai nách kẹp hai con, mồm ngậm một con. Cả thảy là năm con cá. Mỗi con độ bảy tám lạng đến một cân. Anh đem cá bắt được dưới vực sâu lên chợ bán, đổi lấy gạo. Có người bảo anh giỏi bắt cá thế sao không lặn liền mấy hơi bắt lấy vài chục cân mà bán cho được một món tiền. Anh cười hì hì bảo:
           - Dưới đáy vực cá nhiều lắm nhưng bắt làm gì nhiều, tôi bắt chỉ đủ tiền đong gạo, mua mắm thôi.
           - Thế anh có gặp ma ở dưới đó không?
           Một đứa trong đám trẻ con làng Vực tò mò hỏi. Anh trợn mắt dọa:
           - Có chứ! Mắt nó đỏ rực. Nó ngồi trong hang đá chỉ cho tao con cá nào, anh mới dám bắt con đó đấy.
           Chẳng biết anh nói đùa hay thật. Nhưng một hôm, anh vừa lặn xuống đã ngoi lên, mặt mũi tái mét, ánh mắt đờ đẫn hoảng loạn. Đám trẻ con hỏi anh không nói gì lặng lẽ mặc quần áo rồi về làng. Từ đó, không thấy anh bắt cá ở chỗ nước xoáy đầu làng nữa. Bọn trẻ con làng Vực kháo nhau: “Anh Hừng gặp cô gái chết đuối hồi nào. Cô ấy cho anh ấy nhiều cá rồi muốn giữ ở lại làm chồng. Anh ấy sợ quá vội nhao lên bờ rông mất”.
          “Ha... ha... ha...” - Có tiếng cười sằng sặc sau lưng. Đám trẻ con giật mình quay lại và nhận ra đó là anh Thú. Anh Thú là con ông đồ Hạo nhà ở giữa làng. Nhà ông đồ Hạo khá giả. Ông nuôi con ăn học đầy đủ. Nhưng anh càng lớn tính tình càng hung bạo, không chịu nghe lời bố. Khi nhỏ anh thường trốn học đi chơi. Lớn lên, bố mất, anh bỏ nhà đi biệt tăm cả năm trời chả thấy ló mặt về làng. Nghe nói anh đi đào đãi vàng trên vùng núi cao, tham gia nhiều vụ đâm thuê, chém mướn, áp tải hàng cho bọn buôn lậu, rồi anh về thành phố làm bảo kê cho các quán cà phê đèn mờ, nhà hàng karaoke. Anh bị bắt đi tù do một lần đánh người gây thương tích nặng cho đối phương. Lúc ra tù, người anh xăm trổ đầy những hình thù quái dị vừa trông đã phát khiếp. Cả làng đều sợ anh. Trẻ con đang khóc ngằn ngặt nghe nhắc đến tên anh lập tức nín bặt. Anh đi đâu, làm gì, chẳng thèm trình báo chính quyền, ông trưởng công an xóm cũng ngại hỏi.
           Đứng nghe đám trẻ con kháo chuyện ma ở xoáy Vực, anh Thú chìa ra một cái gói vuông vuông chằng dây rất kỹ rồi bảo:
           - Chúng bay có biết cái gì đây không?
           - Không biết ạ!
           - Thuốc nổ đã gắn sẵn kíp rồi đấy!
           - Ôi trời...
           Bọn trẻ con hốt hoảng cuống cuồng xô đẩy nhau chạy rạt về một góc. Anh Thú cười sằng sặc bảo:
           - Theo tao ra chỗ xoáy Vực mà lấy cá!
           Bọn trẻ con tuy sợ hãi nhưng vẫn rẹo rọ đi theo anh, cách một khoảng khá xa. Anh Thú cầm quả bộc phá vừa đi vừa vung vẩy trông phát sợ.
           Đến xoáy Vực, anh Thú đứng trên mỏm đá con cóc. Rít một hơi cho điếu thuốc đỏ rực lên rồi anh dí vào đầu mẩu dây cháy chậm. Khói xanh xì xì ra mấy giây anh mới thả quả bộc phá xuống vực. Một tiếng nổ trầm đục nhưng nước tung lên tận ngọn cây đa rồi trút xuống rào rào như mưa. Sóng chưa kịp lặng cá đã nổi lên trắng cả mặt nước. Bọn cá mương, cá mè, cá trôi chết ngay nổi như phao. Lũ cá chép, cá bống cỡ độ trên một hai cân thì còn cố quẫy quẫy một lúc rồi mới lờ đờ rạt vào bờ. Trẻ con, người lớn ào xuống. Người xúc, kẻ đâm chém cá ồn ào. Cảnh tranh cướp cá náo loạn cả khúc sông.
           Anh Thú ngồi trên bờ rít nốt điếu thuốc lá. Sau một hồi nhốn nháo tranh cướp, những người vớt được cá bắt đầu kéo nhau lên bờ vì lạnh. Khi đi qua chỗ anh Thú, họ đều khép nép và để lại cho anh một con cá to nhất đã bắt được. Khi anh Thú vừa túm cái bao tải đựng đầy cá lại thì có tiếng người gào lên thất thanh:
           - Cá... cá... có một con cá to quá. Nó bị thương rồi!
           Mọi người quay lại xô xuống bến. Giữa vùng xoáy nước có một con cá to bằng thân người lớn đang nổi lên lập lờ. Đuôi con cá khẽ ngoe nguẩy. Mấy người lập tức nhào ngay xuống nước. Họ lao đến ôm lấy con cá lớn rồi dìu nó dần vào bờ. Con cá quẫy mạnh. Nó cố vùng vẫy thoát ra khỏi vòng tay của con người và lặn xuống. Sức ép của quả bộc phá quá mạnh đã làm nó bị choáng và kiệt sức.
           Con cá lớn được lôi lên bờ. Nó nằm dài thượt trên bãi cát trông trắng nhởn. Đôi mắt con cá mở trừng trừng, đỏ rực. Miệng nó ngáp ngáp cố đớp đớp lấy một chút không khí cuối cùng. Nhìn con cá từa tựa giống như cô gái trẻ bị chết trôi dạo trước khi được vớt từ xoáy Vực lên.
           Theo lệnh của anh Thú, người ta xẻ thịt con cá lớn để bán và chia nhau. Máu con cá chảy đỏ cả bến sông, loang hồng trên mặt nước.
           Mấy ngày sau, bến sông còn chưa khô máu cá, anh Thú lại ném một quả mìn nữa xuống xoáy Vực. Quả mìn vừa buông khỏi tay anh đã phát nổ. Anh Thú bị cụt cả hai tay và chột một mắt. Bây giờ thì hàng ngày anh ngồi lê la xin ăn ở cổng chợ.

                                                                                                 Hà Nội, tháng 4-2013
            (còn nữa)

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 2)


            
          
          NGŨ  QU
      Truyện dài của Trọng Bảo

          Việc anh Phương - một liệt sĩ đã từng được toàn xã làm lễ truy điệu trọng thể, có bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ sau bao nhiêu năm được khói hương thờ cúng đột ngột trở về khiến cả làng Vực nhốn nháo cả lên.
          Thông tin sốt dẻo loang ra thật nhanh ngay trong đêm. Ở cái làng nhỏ bé ven sông này chỉ cần đứng ở đầu làng hay cuối xóm ới một tiếng thì mọi nhà đều nghe thấy hết. Dân làng Vực bật dậy ồn ào như ong vỡ tổ. Tiếng mọi người gọi nhau í ới. Chó sủa inh ỏi. Trâu bò giật mình rống lên thảng thốt. Đèn đuốc chập chờn từ trong các ngõ túa ra rồi rùng rùng di chuyển về hướng ngõ nhà bà Thuân-mẹ của anh Phương. Trong cái lạnh giá và sương mù, những ánh đèn vo tròn lại mờ nhòe đi trông như những đốm lửa lân tinh của lũ ma trơi. Việc một người chết bất ngờ lù lù trở về đúng là một chuyện hy hữu lần đầu tiên xảy ra ở làng Vực nên ai cũng muốn đến ngay để “mục sở thị”, chứng kiến sự kiện này.
          Sân nhà của bà Thuân đèn đuốc sáng chưng.
          Mấy con gà trống các nhà xung quanh vừa mới gáy báo sang canh lại vội bật dậy vỗ cánh bồm bộp gáy tiếp thêm vài lần rồi lao ra khỏi chuồng lục cục gọi mái vì ngỡ trời đã sáng hẳn.
          Bà Thuân ngơ ngác cùng người con liệt sĩ đứng giữa sân trong vòng vây nhốn nháo của dân làng. Bà cũng bần thần lâng lâng như mơ, một giấc mơ đầy sự ám ảnh buồn vui lẫn lộn.
          Mọi người tíu tít hỏi thăm. Ai cũng sốt ruột muốn có đầy đủ ngay thông tin về người liệt sĩ sống lại. Anh Phương ấp úng trả lời chả ra đầu ra đũa gì. Giọng anh lắp bắp, ngọng nghịu. Trông anh thật khổ sở. Anh Thưởng phải giúp bạn giải thích thêm về tình huống trong chiến đấu vẫn có những chiến sĩ mất tích, đơn vị không tìm thấy xác báo cáo lên cấp trên. Cấp trên báo lên cấp trên nữa. Lâu lâu rồi cấp trên nữa báo tử về quê cho gia đình quân nhân. Chuyện nhầm lẫn trong chiến tranh cũng là bình thường thôi. Bom đạn, sống chết thường lẫn lộn. Anh Phương bị thương trong một trận đánh, mất cánh tay phải. Khi anh đang được đưa ra hậu phương tiếp tục điều trị thì lại bom máy bay địch ném vào vị trí trú quân của đội tải thương. Căn hầm trú ẩn của anh bị đất vùi kín. Lúc tỉnh lại anh cố ngoi lên rồi lết ra khỏi bãi bom. Bò ra đến bờ suối anh nằm ngất đi. Lúc tỉnh dậy anh lang thang trong rừng với cái đầu bê bết máu rồi gặp một người dân đưa về nhà cứu chữa. Anh bị lạc đơn vị từ bữa ấy. Sức ép quả bom nổ gần làm anh bị giảm trí nhớ. Giấy tờ mất hết, hoà bình rồi anh vẫn chẳng nhớ đơn vị mình đang ở đâu, quê quán ở đâu.
           Ấy là anh Thưởng khái quát tình cảnh của Phương như thế theo lời kể lõm bõm của bạn lúc ở bến sông. Anh cũng chưa thật rõ câu chuyện của Phương cụ thể ra sao. Nhưng chỉ cần thế là mọi người đều hiểu chuyện tại sao anh Phương, con bà Thuân ở làng Vực đã báo tử lại lù lù trở về sau nhiều năm như thế này.
          Bà Thuân liên tục giơ tay lau nước mắt. Bà mừng quá chả nói được câu nào rõ ràng, chỉ khóc. Anh Phương cũng đã quá mệt mỏi vì phải bắt tay cả làng. Già trẻ, lớn bé đều muốn được bắt tay anh. Cánh tay trái của Phương tê dại hẳn đi. Nhiều người xiết chặt, bóp rất mạnh làm bàn tay anh đau quá. Nhưng anh cố gắng gượng không dám kêu, chỉ hơi nhăn mặt, cố gượng gạo cười.
          Lúc lâu sốt ruột, Phương đưa mắt nhìn xung quanh. Anh không trông thấy Hòa, vợ mình đứng ở góc nào. Anh xoay người đảo mắt nhìn vào gian bếp nhỏ. Trong bếp chỉ có mấy đứa con gái trẻ đang hối hả giúp gia chủ đun ấm nước sôi pha chè tiếp khách.
          Anh Thưởng vỗ tay bồm bộp rồi nói to bảo mọi người vào nhà ngồi rồi hẵng nói tiếp chuyện. Anh Thưởng dìu bạn vào ngồi xuống góc phản giữa nhà. Vào trong nhà Phương cứ nhìn trân trân tấm bằng “Tổ quốc ghi công” và tấm ảnh của mình đặt trên cái bàn thờ nhỏ đầy tàn nhang, bụi bặm. Trời cũng đã sáng hẳn. Gió bắc vít cong ngọn tre trước ngõ. Nhiều người lục đục về nhà còn đi làm đồng, ra sông kiếm cá, sang chợ bán sắn. Với lại họ cũng chỉ cần như thế là đủ thông tin để kể lại cho những người khác về chuyện làng mình vừa có một “sự lạ” mới xảy ra là có một liệt sĩ đội mồ sống lại.
          Trong căn nhà nhỏ chỉ còn có hai mẹ con anh Phương, lão Vận, anh Thưởng và mấy người hàng xóm. Lúc này anh Phương mới ngập ngừng hỏi mẹ:
          - Hoà-vợ con đi đâu rồi hả mẹ?
          Bà Thuân bật khóc:
          - Con ơi! Nó đi lấy chồng lâu rồi, con nó bây giờ cũng sắp đi bộ đội được rồi đấy…
          - Sao lại thế ạ! Cô ấy vẫn bảo sẽ chờ con trở về cơ mà!
          Bà Thuân kéo vạt áo chùi mắt:
          - Thì mày đi biền biệt ngần ấy năm có về làng lần nào đâu! Hết chiến tranh mãi mới thấy có giấy báo tử, có bằng ghi công của mày trở về. Truy điệu, chiêu hồn cho mày xong mẹ phải khuyên bảo mãi nó mới chịu đi lấy chồng đấy. Con gái chưa con cái gì ở vậy thờ chồng sao nổi. Nghe mẹ nói, nó bảo cứ chờ để tang mày ba năm xong đã. Tao gạt đi, theo ngày tháng ghi trên giấy báo tử thì mày hy sinh cũng đã đến bốn, năm năm rồi, còn chờ gì nữa, con gái sinh nở có thì con ơi…
          Anh Phương thừ người ra. Trông vẻ mặt anh càng khắc khổ, bơ phờ. Đầu anh ong ong. Anh nhìn thấy những con đom đóm túa ra bay lượn chập chờn ngay trước mắt.
          Bà Thuân lại lau mắt:
          - Nó lấy chồng bên kia sông! Hôm trước sang chợ Diện mẹ gặp nó đi chợ. Hồi này nó gầy quá. Nó lấy phải thằng chồng vũ phu, nát rượu cũng khổ lắm, mặt mũi lúc nào cũng sưng vêu vì bị chồng đánh. Đủ rượu uống nó say là đánh vợ, hết rượu uống nó không say cũng đánh vợ, buồn nó đánh mà vui nó cũng đánh vợ…
          Nghe bà Thuân kể, có nhiều tiếng thở dài thườn thượt. Không khí trong nhà chùng hẳn xuống. Phương càng thấy hụt hẫng, chơi vơi giống tựa như năm nào anh bị quả bom nổ gần, sức ép mạnh đẩy đầu đập mạnh vào vách hầm rồi nén chặt ngực anh đến ngất đi. Phương cố ghìm mình để không bị lên cơn chấn động tâm thần đột ngột như những lần trước đây. Anh Thưởng nghe chuyện thì bực bội lên tiếng:
          - Để hôm nào tôi sang tẩn cho cái thằng nát rượu ấy một trận! Nó chính là một thằng lính cũ thuộc đơn vị của tôi ngày xưa đấy. Dũng sĩ, chiến sĩ thi đua, huân huy chương đủ cả thế mà bây giờ nó đổ đốn trở thành một thằng đầu bò đầu bướu, lưu manh, vũ phu như vậy… Nhưng thôi chuyện của cô Hòa để nói sau. Sáng hôm nay thằng Phương phải lên ngay gặp chính quyền xã, xã đội trưởng để trình diện, báo cáo mọi việc, rồi đề nghị họ thu hồi lại cái bằng Tổ quốc ghi công, làm thủ tục để lấy chế độ chính sách thương binh cho mày… - Anh Thưởng sực nhớ: - Nhưng mà này Phương, mày có giấy tờ gì không?
          - Có! Tao có giấy tờ đây!
          Phương đáp và vội lục lọi các túi áo, túi quần tìm. Tìm mãi Phương mới lôi ra một tờ giấy gấp nhỏ đưa cho anh Thưởng. Anh Thưởng mở ra xem cẩn thận rồi kêu lên:
          - Đây chỉ là giấy chứng nhận của công an cái xã mày đang tạm trú trong miền Nam cấp cho để đi đường tìm về quê quán thôi… Phải có đầy đủ các loại giấy tờ của đơn vị cũ, giấy chứng thương, giấy giám định sức khỏe, giấy ra viện của bên quân y thì mới có thể tiến hành làm được các chế độ chính sách, hiểu không?
          - Nhưng tao làm quái gì có các loại giấy đó! Tao bị thương trong chiến đấu, thất lạc đơn vị, lang thang mãi trong rừng rồi gặp dân, được họ cứu chữa, chăm sóc rồi ở với họ trên núi cao. Hết chiến tranh tao lang thang, vật vờ đầu đường, xó chợ làm thuê kiếm sống. Mãi gần đây mới nhớ được quê quán và lần mò tìm đường về làng đấy. Tao sống sót và trở về được thế này là may mắn lắm rồi…
          - Vẫn biết thế, nhưng…
          Anh Thưởng định giải thích rõ cho Phương hiểu thì có lại tiếng ồn ào ngoài cổng. Thêm một tốp khá đông người làng biết tin kéo đến để xem tận mắt, cầm tận tay một “liệt sĩ” từ cõi vĩnh hằng trở về. Anh Thưởng không hỏi được gì thêm nữa. Anh đành im lặng ngồi nghe mọi người hỏi chuyện Phương. Những câu hỏi dường như bất tận, không ngớt. Một lát sau, anh Thưởng đành chào mọi người để ra về. Anh dự định buổi tối sẽ sang hỏi bạn cho rõ mọi chuyện. Lão Vận cũng nhổm dậy phủi đít theo chân anh Thưởng đi ra ngoài ngõ. Lão về để còn ra ngoài chợ. Hôm nay chợ Liễu không phải làn ngày phiên. Lão ra đấy để làm nhiệm vụ quét chợ, thu hồi các loại “chiến lợi phẩm” là những thứ phế thải mà dân buôn bán bỏ lại. Rồi lão còn phải tranh thủ sửa dọi mái che cái quán cho mụ Béo chuyên bán cá tươi.
          Ra đến đầu ngõ anh Thưởng nhác thấy một người đàn bà đội cái nón rách sùm sụp đi vào. Trông dáng vẻ chị ta quen quen. Anh chợt nhận ra đó là Hoà-vợ cũ của Phương. Anh phỏng đoán chắc là Hoà nghe tin Phương trở về nên vội sang thăm. Ngày thường, thỉnh thoảng anh vẫn gặp Hòa qua sông sang thăm bà Thuân. Bà Thuân chỉ còn có một mình trong căn nhà nhỏ. Cô con gái út lấy chồng miền ngược có khi mấy năm mới về thăm mẹ được một lần. Hòa là một cô gái hiền hậu, chăm làm, sống có tình, có nghĩa. Chỉ tiếc là số Hoà và Phương không có phúc phu thê. Họ chỉ làm chồng vợ được đúng có một tuần khi Phương về phép để chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Một tuần ấy chưa kịp để cho họ hiểu hết thế nào là hạnh phúc thì đã phải chia ly. Phương vào Nam mấy năm thì biệt vô âm tín luôn. Đầu tiên là tin anh mất tích, có cả tin đồn đầu hàng, theo địch. Sau nhiều năm thì có giấy báo tử về làng nhưng không ghi rõ ràng nơi chôn cất, chỉ thấy ghi là “thi hài được mai táng nghĩa trang riêng của đơn vị tại mặt trận phía Nam”.
          Thật buồn cho cô Hòa số khổ, lỡ làng. Cô tái giá, qua đò sang sông lần thứ hai, nhưng lấy phải thằng chồng không ra gì. Hoá ra ở đời vẫn thường hay có bao chuyện cập kênh, chả cái gì được trọn vẹn, chả điều gì là viên mãn, chỉ toàn những sự chớ trêu, ngang trái.
                                                                                              Hà Nội, tháng 4-2013

           (còn nữa) 

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 1)


           
           NGŨ  QU
           Truyện dài của Trọng Bảo

           Lời tác giả:  Năm 2008, khi đi học tại khoá 2-Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (Hội Nhà văn Việt Nam), tôi đã in được ba tập truyện ngắn, ba tập tiểu phẩm và có một số truyện ngắn đăng báo, tạp chí. Trong các sáng tác ấy có hơn mười truyện ngắn viết về số phận của các nhân vật gắn với một dòng sông. Đó là sông Đáy con. Dòng sông nhỏ bắt nguồn từ  Sơn Dương, Tuyên Quang chảy dọc theo sườn tây của dãy núi Tam Đảo đổ ra sông Lô để góp với sông Hồng đôi chút phù sa cho đồng bằng Bắc bộ. Một số bạn học viết văn khi đọc các truyện ngắn này đã nói nếu xâu chuỗi các truyện ngắn lại sẽ thành các chương của một tiểu thuyết thực sự. Họ khuyên tôi viết thành một truyện dài. Nhà phê bình văn học Minh Tâm ở Tạp chí Văn nghệ quân đội sau khi đọc tập truyện ngắn Phong lan đỏ của tôi cũng có cùng quan điểm ấy.
          Vậy nên, tôi mới hạ quyết tâm viết một truyện dài mang tên “Ngũ quỷ” này. Cũng do công việc mới khá bận rộn nên tôi mới chỉ viết được khoảng mươi phần. Trong truyện có nhiều nhân vật, nhiều chi tiết đã xuất hiện trong các truyện ngắn trước đây mà tôi đã viết. Xin trận trọng giới thiệu cùng các bạn đọc. (Trọng Bảo)    

          
            Ảnh dưới: Sông Đáy con mùa lũ (ảnh Trọng Bảo)
                    
    
  
          Đêm đã gần về sáng.
          Trời mùa đông lạnh lẽo.
          Sương đêm giăng mờ trên bến sông.
          Ánh trăng thượng tuần làm không gian càng thêm mờ ảo.
          Mùa này sông Đáy con cạn gần trơ đáy nên bến đò làng Vực khách vắng hiu. Hôm nay là phiên chợ Diện bên kia sông. Nếu là mùa nước lớn ngày chợ phiên thì từ lúc nửa đêm dân buôn đã xuống bến gọi đò ời ời, cáu cẳn khi đò chậm. Ấy vậy mà sang đến bờ chả ai chịu đưa tiền đò, hẹn chiều về sẽ trả cả thể. Dân buôn thường trả tiền đò "khứ hồi" như thế. Họ sợ chưa bán được gì mà đã mất tiền thì thiu, ế hàng. Mùa đông nước cạn những người đi chợ sớm thường tự lội qua sông mà không cần đò. Dòng nước tuy lạnh buốt nhưng chỉ sâu lắp sắp quá bắp chân.
          Không phải chở đò đêm nên anh Thưởng thoải mái nằm yên trong chăn. Nhưng anh không tài nào ngủ được. Từ nửa đêm về sáng anh thường thao thức. Đôi mắt anh cứ chong chong nhìn lên đình màn. Hôm nào mệt quá thiếp đi thì giấc ngủ cũng chập chờn, đầy những mộng mị. Anh kéo cái chăn bông tiết kiệm nặng chình chịch lên phủ kín đầu cho khỏi rét. Anh lo trời lạnh quá thế này vết thương mà giở chứng tái phát thì nguy. Từ ngày cái Sương-con gái anh về học đại học ở Hà Nội anh không còn phải dậy sớm để lo cơm nước cho nó đi học buổi sáng nữa. Anh Thưởng nằm nghe tiếng sương đêm rơi lộp bộp trên mái nhà lợp bằng lá cọ. Mùa đông năm nay sao mà rét thế. Cái rét khiến cây cối khô héo, xác xơ. Cái rét khiến con người mặt mũi bơ phờ, xám ngoét, tê tái cả chân tay. May mà căn nhà của anh nằm gọn lỏn giữa bốn bề các ngôi biệt thự, nhà ống cao tầng nên gió bắc đỡ lùa qua khe tường đắp vắt vào trong nhà. Mấy lần anh gom góp tiền định mua vài nghìn gạch loại ba, gạch phồng, gạch vỡ xây tường quây cho kín gió, đỡ lạnh khi đồng về. Nhưng cái Sương cần tiền đi học nên anh lại tạm hoãn lại.
         Trời đã sắp sáng. Anh Thưởng vừa ngủ thiếp đi thì giật bắn người vì có tiếng kêu thất thanh phía dưới bến sông vọng lên:
         - Ối trời ơi… ma… ma… cứu… cứu… tôi… với…
         Anh Thưởng bật dậy. Làm quái gì có ma chứ! Lại một ai đó thần hồn nát thần tính, nhìn lùm cây gió thổi đung đưa ngỡ là ma quỷ hiện hình. Nhưng tiếng kêu gào có ma vẫn vang lên vẻ hoảng loạn. Tiếng kêu từ dưới sông to dần, mỗi lúc một gần hơn. Người kêu đã lên đến đầu dốc đê. Đó là tiếng của một người đàn bà. Anh Thường đành tung chăn nhổm dậy. Anh vớ cây gậy chống cửa lao ra cổng chạy xuống bến sông. Đã có mấy người nghe tiếng kêu cứu đang lục tục chạy xuống bến. Ánh đèn pin quét loang loáng.
          Một người đàn bà từ dưới bến sông nhao lên. Vừa chạy chị ta vừa kêu cứu, giọng hốt hoảng. Lão Vận là người quét chợ Niễu. Lão tập tễnh đi đến cùng con chó Cún to lộc ngộc. Lão Vận chặn người đàn bà lại hỏi:
         - Ma đâu mà ma! Chị làm gì mà hốt hoảng thế hả?
         - M… a… đúng là ma thật đấy cụ ơi!
         - Ma ở đâu?
         - Ở… ở…
          Chị ta vừa thở vừa ngoặt tay chỉ xuống dòng sông. Anh Thưởng cũng đã đến bên lão Vận. Anh trấn an người đàn bà đi chợ sớm:
          - Chị bình tĩnh lại đi! Trên đời này làm gì có ma mà sợ. Toàn là những lời đồn nhảm nhí thôi…
          Người đàn bà cố trấn tĩnh lại lắp bắp:
          - Ma thật đấy… đầu tóc nó rũ rượi… mắt nó sáng quắc… nó ngồi trên mỏm đá giữa sông… hỏi nó không nói, chỉ “u… ơ… ú... ớ...” thôi nên cháu sợ quá quẳng cả gánh hàng chạy bán sống bán chết đấy cụ với anh ạ… Trời ơi… mấy bao sắn lát khô của cháu không khéo mà trôi mất cả rồi…
          Lão Vận cười khì khì:
          - Chị theo tôi và anh Thưởng xuống sông xem có ma thật hay không?
          - Cháu… cháu… sợ lắm… cháu không đi đâu!
          - Thế chị có định tìm lấy lại gánh sắn nữa không?
          - Ối trời… hai bao sắn cháu định đi chợ Diện bán để đong gạo đấy…
          Người đàn bà líu díu đi sau Lão Vận và anh Thưởng cùng mấy thằng thanh niên làng Vực. Họ đi xuống bến sông. Đoạn dốc xuống đến mép nước sâu hun hút và trơn chuội. Trên đường xuống bến họ nhặt được nón và khăn của người đàn bà đi chợ sớm đánh rơi lúc nãy khi chị ta hoảng sợ bỏ chạy ngược lên đầu dốc đê.
          Sương mù dày đặc. Tầm mắt người nhìn chỉ xa độ vài mét. Từ mặt sông gió thổi ù ù thốc lên nên càng lạnh lẽo hơn.
          Vừa đến sát mét nước con Cún của lão Vận đã hướng ra phía giữa sông hộc lên sủa ầm ĩ. Nó nhảy lên chồm chồm, hai chân trước cào cào xuống đất vẻ rất kích động. Thằng thanh niên chiếu đèn pin ra phía giữa dòng sông. Sát mặt nước sương mù càng dày đặc nên ánh đèn như bị đẩy ngược lại. Đám người đi bắt ma đành phải lội xuống đi ra giữa sông. Con chó của lão Vận cũng nhảy tùm xuống nước phóng lên phía trước. Người đàn bà đi chợ sớm ú ớ chỉ về hướng mỏm đá phía Xoáy Vực. Thằng thanh niên liền rọi đèn pin theo hướng tay chị ta chỉ. Mọi người đều giật mình sững lại khi nhìn thấy trong ánh đèn lờ mờ bởi màn sương mù một bóng người đầu tóc bù sù đang ngồi im phăng phắc trên mỏm đá nhô lên giữa dòng sông.
          Con chó của lão Vận sủa vang chồm tới. Lão Vận phải quát lên con Cún mới chịu lùi lại. Nhưng nó vẫn gầm gừ vẻ tức tối nhe hàm răng nhọn hoắt trắng nhởn ra đe dọa “con ma”.
          Anh Thưởng hỏi to:
          - Ai đấy?
          - Ơ… ơ…. tôi… tôi… là… là… Phư…phư… phơ… ương… đây…
          - Phương… Phương nào…?
          Anh Thưởng giật cái đèn pin trong tay thằng thanh niên bước rấn tới. Ánh đèn rọi gần hơn soi rõ khuôn mặt của người đang ngồi trên mỏm đá. Một khuôn mặt hốc hác, đen đúa. Đôi mắt quầng thâm hơi dài dại. Anh Thưởng chợt thốt lên:
          - Ối! Đúng là mày rồi! Phương ơi… tao, Thưởng đây…
          - Thưởng… Thưởng nào hả?
          - Thưởng lớp 10B, nhập ngũ cùng mày chứ còn là ai nữa… nhớ không?
          - Không nhớ rõ lắm…
          Người ngồi trên mỏm đá vẫn trả lời như đang mơ ngủ. Giọng anh ta lơ mơ, nhẹ bẫng. Anh Thưởng cũng chợt nhớ ra. Anh ngạc nhiên nói:
          - Nhưng mà mày đã chết rồi cơ mà?
          - Tao chết rồi à! Sao tao lại chết? - Người ngồi trên mỏm đá khẽ rùng mình như chợt tỉnh. Giọng anh ta hơi thảng thốt. Anh ta nói năng vẻ khó khăn. Anh Thưởng trả lời:
          - Thì giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công treo lù lù giữa nhà. Mẹ mày năm nào chả cúng giỗ mày. Năm nào tao và cái Liên chả đến thắp hương cho mày!
          - Thôi thế thì đúng là tao chết thật rồi…
          Người ngồi trên mỏm đá có vẻ băn khoăn. Anh Thưởng vui mừng:
          - Thế này thì đúng là họ báo tử nhầm rồi. Mà sao hoà bình lâu rồi mày chả có tin tức gì thế! Nhưng thế này là tốt quá rồi! Về… về nhà thôi. Mày trở về làng đột ngột thế này chắc là mẹ mày mừng lắm.
          - Mẹ tao, vợ tao đều khỏe cả chứ?
          - Thôi, cứ về rồi hẵng nói sau…
          - Nhưng tao mệt quá! Tao đi bộ từ đêm qua từ ga tàu về đến bến sông này. Chân tao đau và mỏi lắm rồi. Lội đến giữa sông tao cứ muốn gục xuống…
          - Để tao dìu mày nhé!
          Anh Thưởng nói. Một thằng thanh niên liền xô lại quỳ xuống ghé lưng bảo:
          - Để cháu cõng chú về làng! Cháu là thằng Hoàn, con bố Hoán. Bố cháu là anh họ của chú đấy!
          Thằng thanh niên cõng ông chú họ đứng dậy. Lúc này mọi người mới nhận ra anh Phương chỉ còn có một cánh tay trái. Ống tay áo bên phải lõng thõng phất phơ trong gió bắc.
          Thằng thanh niên cõng người lội ào ào vào bờ. Anh Thưởng và lão Vận cũng vội lội theo. Con cún của lão Vận hăm hở chạy vút lên phía trước dẫn đường. Người đàn bà đi chợ sớm cũng đã tìm được hai bao tải sắn lát. May mà nước sông cạn, không chảy mạnh nên hai bao tải sắn khô không trôi đi xa được. Chị ta đành gánh hai bao tải sắn lát ướt quay trở về. Hai bao sắn khô đã bị ngấm nước nên không thể đem sang chợ bán được nữa.
                                                                                                  Hà Nội, tháng 4-2013
             (còn nữa
  

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Nửa triệu lượt người ghé thăm

           
                 
             
           Nửa triệu lượt người ghé thăm

          Tính đến ngày 1-4-2013, blogs Trọng Bảo tại Vnweblogs đã được hơn bốn năm và đã có một nửa triệu lượt người truy cập. Blog có 812 bài đăng. Đây đều là những truyện ngắn, bút ký, tản văn, ghi chép, tiểu phẩm, truyện cười, thơ và các phần của hai truyện dài của tôi cùng 7200 ý kiến trao đổi xung quanh các bài viết.
          Từ trang blog này rất nhiều truyện ngắn, tản văn, nhất là các truyện cười, tiểu phẩm được các báo, tạp chí như báo Văn nghệ, báo Người Hà Nội, báo QĐND, báo Giáo dục-Thời đại, báo Tin tức, báo Đại đoàn kết, báo Tuổi trẻ, báo Nông thôn ngày nay, báo Vietnam News, báo Tuổi trẻ cười, báo Làng cười, báo Phú Thọ, tạp chí Nhà văn, tạp chí Văn nghệ quân đội, tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, Đài TNVN, các Webisite trong, ngoài nước sử dụng... Một số truyện ngắn, truyện thiếu nhi đã được chuyển thể thành kịch bản truyền thanh, kịch bản phim hoạt hình. Bắt đầu từ những bài trên blog này tôi đã tập hợp in được 4 tập truyện ngắn, 4 tập truyện cười, tiểu phẩm. Hiện tại còn mấy tập truyện ngắn, tiểu thuyết và tản văn đang nằm trên bàn biên tập của các nhà xuất bản.
          Nhân dịp này, tôi xin trân trọng cảm ơn Ban quản trị Vnweblogs cùng toàn thể các bạn đọc gần xa đã luôn luôn đồng hành cùng tác giả qua từng bài viết đưa lên blog trong hơn bốn năm qua. Do đặc điểm công việc mới, tôi không còn thường xuyên cập nhật được nữa. Nhưng cũng bắt đầu từ tháng tư này, blog Trọng Bảo sẽ lần lượt đăng tải các phần một truyện dài mới mà tôi đang viết. Mong sẽ nhận được sự góp ý của các bạn.

                                                                          Hà Nội, ngày 1/4/2013
                                                                               Trọng Bảo

         Mời truy cập: Blogs TRỌNG BẢO tại đây


        Một số loại hoa phong lan vườn nhà năm 2013  

       
         Hai giò lan vũ nữ và cát lan trổ hoa.

        
         Lan rừng-đai châu nở đúng dịp tết Quý Tỵ

       
         Lan kiếm lá cứng năm nay hoa nở sớm.   

       
        Thanh đạm mới trồng đã cho hoa.

        
          Một bông kim điệp vừa nở.

        
         Loài cát lan này rất thơm.

       
         Thêm một chùm vũ nữ trong vườn.
         (Ảnh Trọng Bảo)