Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 10)


         
           NGŨ QU
      Truyện dài của Trọng Bảo

     

         Bà Thuân bước vào trạm y tế xã Đồng Nhân.
          Bà nhận ngay ra mấy bà, mấy ông quen biết trong xã đang ngồi ở băng ghế chờ đến lượt khám bệnh. Anh y sĩ đang khám bệnh cho một cụ ông buông cái ống nghe nghểnh mặt lên nhìn bà Thuân. Anh ta tròn mắt vẻ rất ngạc nhiên rồi nói:
          - Cụ ơi! Hôm nay trạm xá xã ta chỉ tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí định kỳ hàng tháng cho thân nhân các gia đình liệt sĩ và thương, bệnh binh thôi, không khám bệnh cho nhân dân. Nếu cụ cần khám bệnh thì mời sang bên phòng khám dịch vụ cụ nhé!
          Bà Thuân sững người lại khi nghe anh y sĩ nói như vậy. Bà lúng túng. Thôi chết, bà quên mất. Bây giờ bà đã không còn là mẹ liệt sĩ nữa sao lại đến đây. Bà vẫn cứ giữ nếp quen từ bao năm nay rồi là cứ đúng ngày mùng mười hàng tháng lên trạm xá để khám bệnh, nhận thuốc như mọi lần theo quy định của xã. Hôm nay cũng vậy. Không kịp chào mấy ông bà quen biết đều là thân nhân liệt sĩ đang ngồi chờ đến lượt khám bệnh ở băng ghế, bà Thuân vội quay ngoắt lại lập cập bước ra cửa phòng khám. Bà kéo cái nón rách sụp xuống che mắt. Bà cảm thấy nóng ran cả mặt. “Mình lẩn thẩn mất rồi!” - Bà nghĩ. Bà đâu còn được hưởng chế độ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí nữa mà lại đến đây cơ chứ. Bà bước vội ra phía cổng. Bước chân bà thập thõm, vấp mấy lần chúi người lao về phía trước, suýt ngã.
           Mặc dù việc khám xét, chữa bệnh cho thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh hàng tháng chỉ là chiếu lệ. Thuốc cấp cho họ thì chỉ là mỗi người hai lọ B1, hai lọ VitaminC, một vỉ thuốc bổ, một hộp cao sao vàng. Ai có bệnh mãn tính gì thì thêm một vỉ hoặc một lọ thuốc loại rẻ tiền dùng điều trị loại bệnh ấy. Trị giá tất cả độ mười lăm nghìn đồng một xuất. Nhưng những người dân nghèo như bà Thuân có viên thuốc bổ, hộp cao sao vàng là quý hóa lắm rồi. Mỗi lần nhận thuốc ở trạm xá xã về bà cứ hay giở ra, gói vào, xem xét nâng niu mãi mấy hộp thuốc được cấp.
           Anh Thưởng vừa đạp xe vào cổng trạm xã xã thì gặp bà Thuân đang bước thập, bước cao hớt hải đi ra. Anh liền dừng xe lại hỏi:
           - Bà đã khám bệnh xong rồi ạ?
           - Tôi... tôi... không. Anh vào khám đi! Họ đang cấp thuốc đấy!
           Nói chưa dứt câu bà Thuân đã rảo bước đi luôn. Bà rẽ ngang luôn xuống cánh đồng đi tắt theo bờ ruộng về nhà. Anh Thưởng ngạc nhiên. Anh băn khoăn không hiểu tại sao hôm nay bà Thuân lại vội vã như thế. Những lần trước lên trạm xã khám bệnh lấy thuốc bà ấy đều ngồi nấn ná trò chuyện mãi với mấy bà ở làng bên rồi chia nhau miếng trầu không. Nhìn theo bóng Thuân bà đang khuất dần sau những đám ruộng trồng ngô đông anh Thưởng mới chợt giật mình sực nhớ ra. Từ khi thằng Phương trở về, bà Thuân đâu còn là mẹ liệt sĩ nữa mà được hưởng chế độ khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Chắc là bà ấy quên nên hôm nay đã lỡ lên trạm xá, vào nơi mà bao năm nay vẫn đến... Anh Thưởng  thở dài nhìn theo bóng bà Thuân trên cánh đồng. Cái dáng người gầy yếu nhỏ bé liêu xiêu của bà đã mờ lẫn hẳn trong đám ruộng ngô non đang lên xanh.
          Anh Thưởng thấy buồn quá. Anh không muốn vào trạm xá khám bệnh, lấy thuốc nữa. Anh quay xe lững thững đạp trở về làng Vực. Đôi chân anh rã rời. Tiếng xích xe đạp khô dầu kêu ken két, ken két.
          Vừa uể oải đạp xe, anh Thưởng vừa nghĩ đến những câu chuyện cùa bà Thuân đã phải trải qua trong cuộc đời.
          Bà Thuân lấy chồng khi chưa đầy mười tám tuổi. Ông chồng trông lù đù, chuyên cày thuê cuốc mướn thế mà khi cách mạng tháng Tám nổ ra dám cầm mã tấu cùng đám đông người biểu tình xông vào nhà công sứ trên tỉnh treo cờ đỏ sao vàng. Rồi ông tham gia du kích suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Hoà bình lập lại ông trở về cùng bà nuôi con. Ông chồng mất chưa lâu, con đi bộ đội rồi bặt tin tức, bà Thuân như chết nửa con người. Thông tin về làng mỗi lúc mỗi khác. Khi nghe tin anh Phương hy sinh làm lòng bà tan nát vì thương con. Nhưng thời gian sau lại có tin đồn bay về làng như sét đánh ngang tai bà. Đó là tin Phương chạy theo giặc, phản bội Tổ quốc.
          Bà Thuân suy sụp hẳn. Tin con bỏ quân ngũ đi theo giặc khiến bà lúc nào cũng phải cúi gằm mặt xuống đất, không dám nhìn bà con làng xóm láng giềng nữa. Chính quyền, hàng xóm luôn đề phòng bà, như thể bà cũng đang làm việc cho địch. Nhưng sống thì vẫn cứ phải làm ăn. Không ai muốn làm chung với bà Thuân. Ngày xưa lao động tập thể mà không được làm chung với mọi người thì thật khốn khổ, khốn nạn. Suốt vụ cấy bà phải lầm lũi cắm từng cây mạ ở một góc ruộng. Mùa gặt, bà thui thủi cắt lúa ở cuối cánh đồng.
          Bà Thuân cứ lầm lũi vượt qua năm tháng mà sống như thế. Trong sâu thẳm trái tim người mẹ, bà vẫn không tin là thằng con mình rứt ruột đẻ ra phản bội Tổ quốc, đi theo giặc. Vậy mà sáng nào thức dậy bà thường phải dọn những gói phân trâu, phân bò lũ trẻ con và cả người lớn nữa đêm qua đã ném vào sân nhà có kẻ phản bội.
          Một hôm, khi bà đang cặm cụi cấy lúa ở mảnh ruộng đầu thừa đuôi thẹo gần cây cầu sắt bắc qua sông thì chợt giật nảy mình bởi tiếng quát rất to:
          - Này! Bà kia... bà kia! Bà định làm ám hiệu cho máy bay Mỹ ném bom xuống cầu hả?
          Bà Thuân giật mình thảng thốt ngẩng lên. Một người một bên sườn đeo xà-cột bạt màu ghi, một bên sườn là chiếc đài Xiêng-mao, lưng trùm tấm vải dù ngụy trang loang lổ đang phóng xe đạp lao xuống bờ ruộng. Bà nhận ra anh công an xóm nhà ở gần nhà mình. Anh công an xóm vứt “oạch” cái xe Phượng hoàng xuống vệ đường rồi xăm xăm lội xuống ruộng. Anh ta xông đến giật cái nón bà Thuân đang đội trên đầu. Cái quai nón vướng vào cằm khiến bà ngã dúi dụi xuống ruộng bùn. Anh công an ném cái nón của bà lên bờ ruộng rồi nhảy lên dùng chân dẫm mạnh cho bẹp rúm. Vừa dẫm đạp cái nón vô tội, anh ta vừa gầm gừ: 
          - Này thì... làm ám hiệu cho máy bay Mỹ ném bom, này... thì…
          Khi anh công an đạp xe đi xa rồi, bà Thuân mới lần lên bờ ruộng. Bà nhặt cái nón bẹp rúm lên cố nắn nắn lại. Cái nón bị đạp gẫy vành méo mó không thể tròn lại được nữa. Trước khi úp lên dầu, bà Thuân vốc bùn non xoa lên nón. Bà lại cắm mặt xuống ruộng tiếp tục cấy lúa. Nước bùn, nước mắt và mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Bà khóc cho đời bà, khóc cho con bà. Dù có theo giặc thì thằng Phương vẫn là đứa con bà đã rứt ruột đẻ ra. Bà nhớ khi còn bé, mỗi lần bú no nó đều cắn mạnh vào núm vú bà một cái đau điếng rồi mới chịu nhả ra. Lúc vừa biết đi nó đã lon ton đòi chạy theo mẹ ra đồng. Khi cu cậu biết chăn trâu, cắt cỏ thì xốc vác chăm chỉ, đỡ đần cho bố mẹ. Đang học lớp cuối cấp 3, nó bảo với bà: “Con phải đi bộ đội đánh Mỹ xong về lại học tiếp mẹ ạ!”. Nó làm đơn xung phong tòng quân. Nó bảo mẹ: “Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực!”. Rồi nó cùng đám bạn bè ra đi. “Thế mà tại sao mày lại đi theo giặc Phương ơi!”. - Bà Thuân thầm gọi tên con. Bà kéo vạt áo lên chùi mặt. Nước mắt, nước bùn chảy ròng ròng xuống ngực áo của bà.
          Một ngày cuối thu. Hôm ấy, có một chiếc xe quân sự rẽ vào làng Vực. Nghe tiếng ồn ào đầu ngõ, bà Thuân vội ra khép cổng. Bà đoán là họ có việc đi ngang qua ngõ. Nhưng đoàn người lại rẽ vào nhà bà. Có cả ông bí thư, ông chủ tịch xã đi cùng mấy anh cán bộ huyện đội.
          Vừa ngồi xuống định thái nốt nắm rau lợn ở góc sân, bà Thuân lập cập đứng dậy lùi lại. Trong lòng bà thoáng lo sợ khi nghĩ đến con mình - “cái thằng theo giặc” - chắc lại phạm thêm tội gì đây nên hôm nay họ về để bắt bỏ tù bà. Hóa ra không phải. Họ đến là để báo tử con bà. Anh Phương là liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu chứ không phải là kẻ bỏ ngũ chạy theo giặc như người ta vẫn đồn đại lâu nay. Bà Thuân cứ như tỉnh, như mê. Bà đứng ngơ ngác nhìn mọi người. Người làng xúm lại giúp bà dọn dẹp bàn thờ. Rồi người đem chuối, bưởi, hương nhang đến. Kẻ đưa xôi oản, bánh kẹo vào làm cỗ cúng liệt sĩ. Lão Vận quét chợ bưng đến một cái thủ lợn vừa luộc xong còn đang bốc khói đặt lên bàn thờ. Hương khói nghi ngút. Tất cả dân làng Vực đều đến thắp nén hương cho người đã chết vì đất nước. Trong đám người đến lễ vái trước bàn thờ liệt sĩ có cả những kẻ đã từng ném phân trâu vào nhà bà, hoặc từng vạch than đen ngòm lên cánh cổng nhà bà dòng chữ: “Đả đảo quân theo giặc, bán nước, bưng đít Mỹ ngụy”. 
          Anh công an xóm, người đã từng bao năm theo dõi, quản lý bà mẹ của “kẻ theo giặc”, từng dẫm bẹp cái nón trắng của bà ngày nào để bà khỏi sử dụng làm ám hiệu cho máy bay Mỹ ném bom thì không thể đến để viếng người liệt sĩ của làng được nữa. Hơn chục năm trước, xã Đồng Nhân mở một con đường mới chạy giữa trung tâm xã. Đường làm đến đầu làng Vực thì vướng phải một ngôi miếu nhỏ trên một gò đất. Ngôi miếu này chẳng biết có tự bao giờ, không có bia đá, sắc phong. Gia tự mấy dòng họ trong làng cũng không thấy ghi chép gì về ngôi miếu nhỏ này. Nhiều người bảo ngôi miếu này thờ thực thần, tức là người có công với nước, với xóm làng. Có người lại nói cái miếu này chỉ là thờ hư thần, tức là yêu tinh, ma quỷ. Lão Bản chuyên nghề mổ lợn ở chợ Niễu thì khẳng định là ngày xưa có một lão ăn mày không biết từ đâu đến đói quá nằm chết ở đây, qua một đêm kiến mối đã đùn lên thành mộ. Ngôi mộ lão ăn mày càng ngày càng to lên trở thành một cái gò đất nhỏ đầu làng Vực. Đời sau người ta lập miếu thờ. Thờ gì cũng mặc, vướng vào con đường đang mở thẳng băng là không được. Đám thanh niên sợ không dám phá cái miếu để làm đường. Anh công an xóm hò hét mãi không được cáu tiết rẽ đám thanh niên xông bừa vào trong miếu. Anh ta nhảy lên ban thờ túm luôn pho tượng đất nhỏ lôi ra ném luôn xuống mương nước. Anh còn dọa đái cả vào bát nhang nữa. Đám thanh niên bấy giờ mới dám đập phá tan tành cái miếu.
           Khi con đường khánh thành thì anh công an xóm đột ngột ngã bệnh. Anh ta ốm liệt giường, chả rõ là bệnh gì mà cứ hết sốt lại lạnh, hết tỉnh lại mê, chạy chữa đến ba bốn tháng ròng mới khỏi. Nhưng lạ thay từ ấy hạ bộ của anh ta cứ to dần, to dần lên như cái ấm tích, không đau, không nhức, nhưng không kiểm soát được việc tiểu tiện. Nước giải cứ tự nhiên chảy ra quần lúc nào mà anh ta cũng không hay. Giờ thì anh ta đã lên tuổi ông, có cháu nội, cháu ngoại đủ cả. Nhưng ông ta luôn phải đeo một cái gáo dừa để hứng nước tiểu nên chẳng khi nào dám ló mặt ra khỏi nhà. Bà vợ của ông ta len lén cẩm thẻ nhang đi vào nhà bà Thuân. Khi bà ta vừa cắm mấy nén hương vào cái bát nhang thì một trận gió từ bên ngoài cửa đột ngột thổi thốc vào. Tàn hương bay tung lên đỏ lập loè như đom đóm. Cái bát nhang nhỏ lại cắm quá nhiều hương bung ra, một nén hương bay vèo qua mặt, tóc bà ta bén lửa cháy sèo sèo. Bà ta hoảng sợ vái lạy như tế sao.
           Nhớ lại những chuyện của bà Thuân, anh Thưởng lại thở dài. Anh thấy thương bà Thuân quá. Người mẹ ấy khi con ra mặt trận chiến đấu đã phải chịu đựng biết bao đau thương, khốn khổ. Bây giờ con còn sống trở về cũng sẽ vẫn còn bao nhiêu khốn khổ, đau thương. Đúng là chiến tranh cái sống cái chết đều chung một hướng, niềm vui nỗi buồn đều về cùng một đích và sự khổ đau bao giờ cũng dành phần hơn cho những người đàn bà…

          (còn nữa)                                                                      Hà Nội, tháng 4-2013
  

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 9)


          
           NGŨ QU
           Truyện dài của Trọng Bảo

            

           Lão Vận đang mải mê thu hồi các loại “chiến lợi phẩm” ở cổng chợ. Hôm nay, lão kiếm được khá nhiều những thứ có thể bán được như túi ni-lông, vỏ chai nhựa, lon bia, hộp các tông. Bọn buôn chuyến từ Hà Nội lên còn quẳng cho lão cả mấy cái thùng bằng gỗ thông đựng hàng vải vóc, quần áo may sẵn sau khi đã xuất hết hàng cho người bán lẻ ở chợ.
           Vừa cúi xuống nhặt mảnh một ni-lông thì lão nhận ra anh Phương đang tập tễnh đi phía ngoài đường ngang qua chợ Niễu. Lão Vận vội đặt cái bao tải rách xuống đất ngoảnh ra hỏi:
          - Đi đâu đấy hả Phương?
          Anh Phương không trả lời. Hình như anh không nghe thấy tiếng của lão Vận hỏi. Anh vẫn bước đi như vô định. Lão Vận phải gọi to hơn, anh mới giật mình nhìn vào phía cổng chợ. Nhận ra lão Vận, anh vội chào:
          - Ông ạ!
          - Mày đi đâu mà ngơ ngơ, ngác ngác thế?
          - Con lên xã có chút việc ông ạ!
          Lão Vận nhìn anh Phương lắc đầu:
          - Chả ăn thua gì đâu con ơi!
          - Ông nói thế nghĩa là thế nào ạ?
          - Thì chả phải mày lên xã để đề nghị xác nhận là thương binh, thương tật chứ gì?
          - Vâng…
          - Mày giấy tờ chả có, tiền bạc cũng không, đi lại làm gì nhiều cho tốn thời gian, lại còn rước thêm cái bực vào thân?
          - Thế ông bảo con biết làm thế nào bây giờ?
          Lão Vận nhìn Phương - thằng con của người bạn già năm xưa lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Lão Vận nhớ lại thời lão và bố đẻ của cái thằng Phương này một thời cùng cảnh bần cố nông, chuyên đi cày thuê, cuốc mướn cho địa chủ, vất vả đói rét cùng cực mà vẫn không lúc nào đủ ăn. Lão Vận vẫn nhớ như in một bận đi cày thuê cho địa chủ Kiền, một người nổi tiếng là mưu mô, keo kiệt và ác bá trong vùng. Hôm ấy, cày xong mấy sào ruộng trời mới sáng, lão Vận thả con trâu cho nó gặm cỏ rồi nằm vật ra bờ ruộng. Lão đói quá. Sức trai đinh lực điền như lão mà bữa tối hôm qua chỉ có lưng bát cháo loãng và mấy củ sắn đắng ngắt. Vậy mà hôm nay làm quần quật từ nửa đêm đến sáng nên lão lại càng đói. Đói đến bủn rủn cả chân tay, hoa cả mắt. Lão chống tay ngồi dậy nhìn xung quanh. Trông thấy phía rìa cánh đồng có một đám ruộng trồng khoai lang, lão bèn đứng dậy lần tới. Lão đặt cái cày trên bờ bước xuống ruộng thò tay móc được một củ khoai lang khá to. Lão chùi củ khoai vào vạt áo rồi ngấu nghiến ăn sống. Củ khoai lang sống ấy sao mà ngon đến thế, cứ ngọt lừ trong cổ họng.
          Đang nhồm nhoàm nhai miếng khoai lang sống thì lão Vận bỗng giật nảy người nghe tiếng người quát:
          - Bắt lấy quân ăn cắp!
          Lão Vận ngơ ngác nhìn quanh. Hai người tuần phiên từ phía rặng tre ven làng cầm gậy gộc hùng hổ lao ra. Lão đứng như trời trồng. Một thằng tuần phiên xông tới vung cây gậy tre đực vụt luôn một gậy vào ngang thắt lưng lão đau điếng. Lão Vận khụy xuống. Thằng còn lại lập tức dùng cây gậy chụp vào cổ lão Vận dùng hai tay ghì chặt. Lão Vận hốt hoảng ú ớ cố kêu lên:
          - Tôi… tôi… không phải là kẻ cắp! Tôi đang đi cày ruộng thuê cho cụ chánh Kiền…
          - Không phải à! Mày vừa mới đào trộm khoai lang ruộng nhà cụ chánh mà lại vẫn còn lớn tiếng chối cãi à? Theo chúng tao về đình để xem cụ chánh sẽ xử tội ăn cắp của mày ra sao!
          - Tôi… tôi… xin các anh tha… tha… cho…
          Lão Vận đang ấp úng van xin hai thằng tuần phiên tha cho, một củ khoai lang chả đáng là bao thì lại có tiếng quát to:
          - Hai thằng tuần phiên chúng bay cứ đánh chết mẹ nó đi cho chừa hẳn cái thói trộm đạo quen thân!
          Lão Vận nhận ra tiếng cụ Chánh Kiền. Thì ra cụ chánh đã đứng khuất trong rặng tre đầu làng từ lúc nãy xem bắt trộm. Lão Vận sụp xuống chắp tay vái lạy cụ chánh xin tha tội. Nhưng cụ Chánh Kiền quyết không tha. Cụ trợn mắt phẩy tay ra hiệu cho hai thằng tuần phiên rồi bỏ đi. Thế là một trận đòn bằng gậy tre lập tức tới tấp giáng xuống đầu, xuống cổ và thân thể lão Vận-một kẻ bần cố nông đói rách, khốn khổ. Khi lão ngã gục xuống góc ruộng khoai lang hai thằng tuần phiên mới bỏ đi. Bị đánh đau quá lão Vận ngất đi. Lão nằm úp mặt xuống cái rãnh ruộng khoai đầy nước. Đúng lúc ấy ông Hường, bố thằng Phương vác cày đi qua. Chợt bắt gặp lão Vận đang sặc nước giẫy giụa, ông Hường vội lao đến bế xốc lão lôi lên bờ ruộng. Chỉ chậm một chút nữa thôi nếu mà không có người đến kịp thì lão Vận sặc nước, ngạt thở mà chết. Ông Hường ráng sức cõng lão Vận chạy về làng gọi người cứu chữa. Lão Vận chỉ là bị đánh đau nên mới ngất đi. May mà lão không bị đòn trúng vào chỗ hiểm. Sau khi được mọi người dùng nước gừng xoa bóp, lau mặt mũi tay bằng khăn lạnh lão Vận dần dần tỉnh lại. Sau bận hút chết ấy, tình bạn giữa lão Vận và ông Hường càng thêm gắn bó. Họ chia sẻ cho nhau cái đói, cái no. Sau cách mạng tháng Tám, ông Hường vào du kích tham gia kháng chiến, lão Vận vẫn là một nông dân làm ruộng trên đồng, đánh cá trên sông. Song tình thân của hai người vẫn thân thiết như thuở hàn vi. Hòa bình lập lại họ được chia ruộng của địa chủ rồi cùng vào hợp tác xã. Ông Hường mất được mấy năm thì thằng Phương xung phong đi bộ đội. Vậy mà cũng đã mấy chục năm rồi. Lão Vận càng bùi ngùi nhớ tới người bạn cũ khi nhìn thấy thằng con của bạn như thế này. Lão bảo anh Phương:
          - Kiếm lấy việc gì mà làm, đừng trông đợi gì ở họ con ạ!
          - Con biết làm việc gì bây giờ, ruộng đất thì không có, không được nhận khoán, nhận thầu?
          - Thế trước kia ở trong Nam mày làm những việc gì để sống?
          - Thì… con toàn đi làm thuê, làm mướn. Ai thuê việc gì con làm việc ấy.
          - Bây giờ cũng cứ thế mà làm, ở đâu chả thế.
          - Nhưng ai người ta thuê mướn cái thằng như con chứ!
          - Ngày mai cứ ra đây! Ở chợ thì thiếu gì việc làm, gánh nước, vác hàng, rửa xe, chẻ củi… Cứ làm là sẽ có cái ăn con ạ! Cốt là ở sự chăm chỉ, chịu khó…
          - Nhưng… con ra đây, người ta thuê mướn con, không thuê ông nữa, thế chả làm cho ông bị… mất việc làm à?
          Lão Vận bật cười:
          - Tao có việc làm gì đâu mà lo bị mất! Với lại mày cứ yên tâm, tao đã có khoản “lương quét chợ” hàng tháng của xã trả cho rồi, dững mười cân thóc đấy, ăn làm sao mà hết được. Mày không việc gì mà phải lo cho tao đâu.
          Anh Phương nhìn lão Vận. Tự dưng anh nhớ tới bố mình. Anh nhớ khi mình chưa đi bộ đội lão Vận hay vào trong làng chơi với bố anh. Họ là những người bạn tốt của nhau. Hai người thích ngồi nhâm nhi chén rượu cùng vài hạt lạc rang, miếng bánh đa rồi cùng ôn lại những chuyện ngày xưa khi họ còn trẻ cuộc đời đầy những lao lung, sóng gió. Anh Phương cũng rất quý lão Vận, một con người tốt bụng, thật thà nhưng cuộc đời biết bao trắc trở, bất hạnh, gian lao.
          Lão Vận bảo anh Phương:
          - Bây giờ về nhà tao đi. Tối hôm qua tao câu được một con cá chép ở xoáy Vực nặng phải đến gần hai cân, béo lắm, đang nhốt ở cái chum góc nhà. Về nhà tao làm nồi cháo ăn cho bổ.
          Anh Phương đi theo lão Vận. Không phải vì nồi cháo cá mà anh chợt nhớ ra là từ hôm về làng, anh chưa đến chơi nhà lão Vận.
          Trời đã sâm sẩm tối. Mùa đông trời âm u, nhiều mây nên ngày thường ngắn hơn mùa hè nên tối sớm. Lão Vận và anh Phương cùng nhau đi trên con đường đê gập ghềnh lồi lõm đầy những dấu chân trâu. Gió bắc thổi về ù ù. Hai cái bóng xiêu xiêu lúc thì chập vào, lúc thì ngả ra bởi vì chân của hai người đều tập tễnh…

          (còn nữa)                                                                  Hà Nội, tháng 4-2013

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 8)


                   
          NGŨ  QUỶ
           Truyện dài của Trọng Bảo

          

          Lần này tiếp “người liệt sĩ” trở về chỉ có một mình anh phó chủ tịch phụ trách công tác văn-xã của xã Đồng Nhân. Ông chủ tịch đang ngồi bấm máy vi tính chơi games nhác thấy anh Phương đạp xe trên con đường vào cổng trụ sở vội tắt máy vi tính xách cái cặp khoá số đứng dậy đi luôn. Qua phòng anh phó chủ tịch ông bảo có việc phải lên huyện ngay, dặn phải tiếp người “liệt sĩ” cẩn thận. Ông phóng xe máy lướt ra cổng né sang sát bên phải đường tránh cái xe đạp lọc cọc của anh Phương. Không rõ ông có chào anh không vì tiếng xe ga rú lên to quá.
          Anh phó chủ tịch phụ trách công tác văn xã vừa làm việc với một người xong. Khi người khách vừa quay ra cửa anh phó chủ tịch vội lật tờ báo ông ta để lại gạt nhanh cái phong bì dày dày kẹp bên trong xuống cái ngăn kéo bàn làm việc đã mở sẵn. Ông này là một người ở huyện bên. Ông ta đến để xin chính quyền xã Đồng Nhân chứng nhận cho một sự việc xảy ra đã lâu. Đó là vào những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Một lần, ông có việc đi qua xã Đồng Nhân, gặp đúng lúc máy bay Mỹ ập đến bắn phá vào khu vực trạm sửa chữa xe tăng và kho hàng quân dụng của bộ đội đang sơ tán ở đây. Ông đã cùng với các dân quân xã Đồng Nhân dũng cảm không sợ hy sinh, băng qua lửa đạn, lao vào nơi đóng quân của bộ đội tham gia chữa cháy nhà xưởng, cứu kho vật tư quân sự. Trong trận bom ấy, ông đã bị thương. Một mảnh bom Mỹ làm ông bị mất một ngón tay ở bàn tay trái. Ông có giấy xuất viện của một trạm quân y lúc đó cũng đóng quân ở xã Đồng Nhân này. Nay ông làm hồ sơ để xin xác nhận đã tham gia giúp bộ đội trong trận bom Mỹ năm xưa. Đã có chữ ký xác nhận của mấy người là cựu dân quân của xã Đồng Nhân thời ấy trong bản thành tích chiến đấu của ông, chỉ cần chính quyền xã ký, đóng dấu vào nữa là xong. Mọi giấy tờ ông ta đưa ra đều hợp lý. Anh phó chủ tịch xã được giao xem xét và chứng nhận cho ông ta.
          Tiếp nhận tập hồ sơ của người đàn ông huyện bên anh phó chủ tịch xã nghĩ ngay đến việc chỉ cần tìm gặp những người là dân quân thời kỳ ấy hỏi thêm thì sẽ biết rõ chuyện diễn ra như thế nào. Trong số những dân quân tham gia cứu kho vật tư quân sự và trạm sửa chữa xe tăng của bộ đội trong trận bom năm ấy có nhiều người còn sống. Người trung đội trưởng dân quân xung kích ngày ấy chính là ông Nghĩa, bố của liệt sĩ Hiệp ở làng Vực.
          Sau khi xem xét các loại giấy tờ, anh phó chủ tịch xã vừa đưa mắt nhìn ông khách vừa nói:
          - Bác cứ để hồ sơ ở đây! Chúng tôi xin tiếp nhận và tiến hành thẩm tra, xác minh thật… kỹ rồi sẽ ký xác nhận cho bác sau nhé!
          Ông khách nhìn anh phó chủ tịch xã Đồng Nhân. Đoạn, ông khẽ khàng rút từ trong cặp ra một tờ báo gấp nhỏ đặt lên bàn rồi nói:
          - Xin anh chứng nhận ngay cho! Giấy tờ của tôi đầy đủ và tất cả đều là các văn bản gốc cả đấy ạ! Bên địa phương chúng tôi đang có đợt xem xét, làm chế độ trợ cấp cho những người đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nếu chậm thì sợ sẽ không kịp thời hạn theo quy định anh ạ!
          Vừa nói, ông khách vừa đẩy tờ báo gần về phía anh phó chủ tịch xã.
          Thấy người khách đẩy tờ báo cũ gấp nhỏ về phía mình thì anh phó chủ tịch xã ngần ngừ. Anh làm ra vẻ suy nghĩ, nhưng thực ra anh đã bỏ luôn cái ý định sẽ tiến hành xác minh sự việc cụ thể như thế nào. Hơn nữa, giấy tờ của ông này đúng đều là các văn bản gốc, không thể làm giả được, việc ký giấy chứng nhận chỉ là đúng thủ tục hành chính. Anh phó chủ tịch xã liền rút bút ký nhoằng một chữ vào ô dành cho chính quyền xã Đồng Nhân. Đoạn anh gọi cô văn thư lên đem đi chụp dấu. Nhận tờ giấy chứng nhận có con dấu đỏ chót ông khách suýt xoa cảm ơn anh phó chủ tịch xã Đồng Nhân. Ông ra về trong lòng lâng lâng phấn khởi. Bởi vì chỉ cần có chứng nhận của địa phương nơi ông đã từng tham gia chiến đấu này nữa thôi là đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết. Ông sẽ nộp ngay cho phòng thương binh xã hội huyện làm thủ tục lên trên đề nghị công nhận ông là một thương binh, hoặc chí ít cũng là người có công tham gia chống Mỹ, được nhận tiền trợ cấp hàng tháng, hoặc trợ cấp một lần.
          Chuyện của ông đã tham gia chiến đấu tại xã này như thế nào thì lớp cán bộ xã hiện nay không thể biết rõ. Họ là những người khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ xảy ra tại miền Bắc đều còn rất nhỏ, hoặc là lớp người sinh ra sau chiến tranh. Ông khách hể hả ra về. Lúc đi qua đoạn đường ven rừng, nơi có xưởng sửa chữa xe tăng và kho hàng quân dụng của bộ đội năm xưa, ông dừng lại. Ông lấm lét nhìn xung quanh như sợ có ai đang theo dõi nhìn mình. Ông chợt nhớ lại việc mình đã bị thương trong trận bom của giặc Mỹ hơn ba mươi năm trước như thế nào. Hôm ấy đúng lúc ông đang đi qua khu vực này thì máy bay Mỹ ập đến ném bom. Nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rít trên đầu, ông vô cùng hốt hoảng. Ông vừa buông cái xe đạp bỏ chạy. Nhưng chưa kịp nhảy xuống cái hầm cá nhân thì một quả bom nổ gần hất tung ông ra vệ đường. Chiếc xe đạp của ông văng tõm xuống hồ nước ven đường chìm nghỉm. Cái bao tải chè khô là hàng ông buôn lậu buộc sau xe đạp bung ra tung toé. Chè khô nổi lềnh phềnh đen cả một khoảng mặt nước hồ. Ông chưa kịp hoàn hồn thì thấy bàn tay trái đau tê dại. Một mảnh bom phạt đứt ngón chỏ bàn tay trái của ông, máu me be bét. Nhìn thấy máu chảy ra nhiều ông sợ quá ngất đi. Khi ông tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm trong một trạm quân y. Các bác sĩ quân y đang rửa vết thương, băng bó cho ông. Thì ra, trung đội dân quân của ông Nghĩa chạy đến cứu kho hàng và trạm sửa chữa xe tăng của bộ đội thấy ông nằm bất tỉnh ven đường liền băng bó vết thương rồi đưa luôn vào trạm quân y cấp cứu cùng số chiến sĩ, công nhân quốc phòng, dân quân bị thương. Trong trận bom ấy có mấy chiến sĩ trạm sửa chữa xe tăng đã hy sinh. Các bác sĩ ở trạm quân y đã cấp cứu rồi điều trị cho ông. Họ vẫn nghĩ ông là một dân quân đã tham gia chiến đấu. Mà cho dù ông không phải dân quân, chỉ là một người dân bình thường bị thương đưa đến thì các bác sỹ quân y vẫn tận tình cấp cứu, chữa chạy. Khi vết thương tạm lành trạm quân y đã cấp giấy xuất viện cho ông như nhiều bệnh nhân và thương binh khác. Tờ giấy ra viện ấy đến nay ông vẫn giữ được. Không ngờ bây giờ nó lại có giá trị khi nhà nước có chính sách đãi ngộ những người có công lao trong các cuộc kháng chiến. Chỉ cần có hai người chứng nhận và chính quyền ký xác nhận ông tham gia chiến đấu và bị thương thế này là xong xuôi.
          Khi anh phó chủ tịch xã đang thò tay vào ngăn bàn nắn nắn cái phong bì dày cộp thì anh Phương tập tễnh bước vào. Anh phó chủ tịch xã giật mình rút vội tay ra khỏi ngăn bàn. Anh đứng dậy giơ tay giả bộ vồ vập, hồ hởi:
          - Xin chào… chào người… anh hùng mới trở về!
          Anh Phương nhăn mặt:
          - Tôi không phải là “người anh hùng”! Tôi chỉ là một cựu quân nhân, một thương binh bình thường thôi!
          Anh phó chủ tịch xã biết mình đã tếu táo, đùa cợt không đúng lúc. Anh vội vàng chữa lời:
          - Vâng! Xin lỗi bác. Thế hôm nay bác lên xã có việc gì không ạ?
          - Tôi lên để hỏi xem việc của tôi cấp trên đã giải quyết thế nào rồi!
          Anh phó chủ tịch xã mời anh Phương ngồi xuống cái ghế gỗ cũ kỹ mà ông khách lúc nãy vừa ngồi. Đoạn anh ta ngồi xuống cái ghế bọc da êm ái có bánh xe quay bốn phía đều được. Ngả người dựa lưng vào thành ghế anh phó chủ tịch nói tiếp:
          - Thế này bác ạ! Đồng chí chủ tịch xã lúc nãy trước khi đi họp đã trao đổi với tôi về chuyện của bác rồi.
          - Vậy cụ thể như thế nào?
          Anh phó chủ tịch ngập ngừng một lát rồi mới trả lời:
          - Xã đã có ngay văn bản báo cáo về việc của bác với huyện. Trên huyện cũng vừa mới có công văn phúc đáp gửi về xã. Việc bác đã trở về quê hương là sự thật, thân nhân, làng xóm đều công nhận thì chính quyền xã và huyện có thể xác nhận. Trên đã đồng ý cho thu hồi giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công và xóa tên bác khỏi danh sách các liệt sĩ, rút tên bà Thuân - mẹ của bác ra khỏi danh sách thân nhân liệt sĩ rồi. Nhưng… còn việc bác xin giới thiệu để đi giám định sức khỏe, xếp hạng thương binh thì tạm thời chưa được, cũng là tại vì bác chưa có đủ các loại giấy tờ cần thiết chứ không phải tại xã không muốn. Khi nào đủ điều kiện thì xã sẽ giới thiệu ngay ạ!
          Anh Phương chán nản. Vẫn lại là những gì ông chủ tịch xã lần trước đã nói. Anh định đứng dậy bỏ về thì anh phó chủ tịch nói thêm:
          - Lẽ ra thì ngay từ tháng 12 này gia đình bác đã không được nhận khoản phụ cấp giành cho thân nhân liệt sĩ nữa, vì bác vẫn còn sống và đã trở về. Số tiền trợ cấp đã chi trả cho thân nhân liệt sĩ hồi đầu tháng đúng ra là phải thu hồi để nộp trả lên trên. Nhưng xã đã đề nghị trên xem xét, đồng ý cho gia đình bác tiếp tục hưởng chế độ phụ cấp thân nhân liệt sĩ hết tháng 12 năm nay mà không phải nộp lại khoản tiền 135 nghìn đồng đã lĩnh. Từ tháng một năm tới khoản trợ cấp này của bà Thuân sẽ bị cắt bác ạ!
          Mặt anh Phương tối sầm lại. Anh thấy đầu mình căng thẳng âm u như sắp vỡ. Anh muốn nổi xung. Nhưng anh ghìm lại ngay, bởi những gì mà anh phó chủ tịch xã vừa nói là đúng. Anh đã không còn là liệt sĩ nữa thì mẹ anh cũng không thể và không nên nhận khoản tiền phụ cấp hàng tháng dành cho thân nhân các liệt sĩ nữa.
          Anh Phương đứng dậy. Anh phó chủ tịch chợt nhớ ra vội nói:
          - À suýt quên! Còn một chuyện nữa bác ạ!
          - Việc gì thế?
          - Là việc bác có đơn xin nhận thầu khai thác sử dụng khu thùng đấu, ao hồ vẫn bỏ hoang trong đê ở cuối làng Vực để sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản cũng đang có một chút vướng mắc bác ạ!
          - Vướng… vướng cái gì?
          - Thế này bác ạ! Hiện nay xã Đồng Nhân đã có chủ trương là tất cả ruộng đất, ao hồ, bãi hoang trong xã chỉ được giao thầu cho các cá nhân, tập thể có hộ khẩu thường trú tại xã thôi ạ!
          Anh Phương chăm chú nghe. Anh phó chủ tịch xã ho khan một tiếng rồi mới nói tiếp:
          - Vì thế nên hiện tại thì bác chưa thể nhận thầu sử dụng khu ao hồ ấy được ạ!
          - Tại sao thế?
          - Vì… bác chưa chuyển hộ khẩu về địa phương, trong sổ hộ khẩu của bà Thuân chưa có tên bác!
          - Thế thì bây giờ tôi xin nhập khẩu về với gia đình, với mẹ tôi!
          - Nhưng… nhưng cũng tại bác chưa có giấy tờ xuất ngũ, phục viên về địa phương nên hiện cũng chưa thể nhập khẩu thường trú tại xã cho bác được, chỉ đăng ký tạm trú thôi. Bác hết sức thông cảm cho chúng tôi nhé! Thủ tục hành chính nó đòi hỏi như thế. Khi nào làm xong việc nhập khẩu cho bác về gia đình thì nhất định xã sẽ giao ngay cho bác nhận thầu khai thác khu thùng đấu, ao hồ ấy!
          Anh Phương cố vớt vát:
          - Vậy thì mẹ tôi đứng ra ký kết hợp đồng nhận thầu khu ao hồ ấy có được không?
          Anh phó chủ tịch gãi gãi đầu:
          - Việc này để tôi báo cáo lại với các anh trong uỷ ban xã rồi cùng bàn bạc quyết định! Nhưng có lẽ cũng hơi khó vì bà Thuân, mẹ bác đã hết tuổi lao động lâu rồi, việc bà đứng tên ký hợp đồng sử dụng đất đai không biết có đúng luật hay không?
          Anh Phương đành đứng dậy chào anh phó chủ tịch ra về. Anh không muốn hỏi thêm gì nữa.
          Ra khỏi trụ sở uỷ ban xã anh Phương chợt thấy đầu óc mình trống rỗng. Anh tập tễnh bước ra con đường xi măng cứng nhắc chạy thẳng ra phía chợ Niễu. Anh quên mất là chiếc xe đạp cọc cạch của mình còn đang để chỏng chơ ở sân trụ sở uỷ ban xã.

          (còn nữa                                                                           Hà Nội, tháng 4-2013

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 7)


            

       NGŨ  QU
           Truyện dài của Trọng Bảo

          Liên và con gái về đến làng thì đã quá trưa. Từ đầu làng cô đã nghe mọi người nói về câu chuyện lạ của làng Vực là “liệt sĩ” Hoàng Phương đột ngột trở về. Dặn con gái cứ về trước báo tin cho bà nội biết rồi Liên rẽ vào lối nhà Phương. Cô gặp bà Thuân từ trong ngõ đi ra.
          Vừa nhìn thấy Liên, bà Thuân đã mếu máo:
          - Cháu ơi! Thằng Phương nó vừa trở về sáng sớm hôm qua…
          - Cháu vừa về đến đầu làng ta đã nghe tin. Mừng quá bà ạ! Anh Phương đang ở nhà hả bà?
          - Nó vừa lên xã báo cáo về, đang ở nhà! Cháu vào chơi với em nó nhé!
          Liên băn khoăn:
          - Anh Phương vừa về mà bà lại đi đâu đấy ạ?
          - Tôi ra đồng cắt nắm cỏ cho con bò. Hai hôm nay cứ loanh quanh ở nhà, con bò chả được nắm cỏ tươi nào cả, nó chỉ toàn nhai rơm khô, chắc là rát họng, xót ruột lắm rồi.
          Bà Thuân đáp rồi tong tả đi luôn. Liên nhìn theo bà khẽ thở dài. Cuộc đời của bà bao nhiêu vất vả gian lao. Chồng mất, một mình bà nuôi hai đứa con lớn khôn mà chưa được ngày nào nhờ vả. Con trai học chưa xong cấp 3 đã vào bộ đội, con gái mới lớn đã đi lấy chồng xa. Những năm tháng chiến tranh, bom đạn đầy trời một người mẹ như bà nặng chĩu nỗi lo khi con ở ngoài mặt trận. Khi tin Phương hy sinh về làng bà như chết đi, sống lại mà vẫn phải cắn răng làm lụng nuôi đứa con gái út học hành, khôn lớn. Bây giờ khi bà tuổi đã xế chiều, anh con trai tưởng chết lại đột ngột trở về thế này, niềm vui thật là lớn đấy nhưng chắc chắn khó khăn sẽ lại nhiều hơn lên.
          Phải mất một lúc Phương mới nhận ra người bạn gái trong nhóm ngũ quỷ từ thuở thiếu thời. Liên cũng đã thay đổi nhiều. Dấu vết thời gian và những năm tháng đi thanh niên xung phong mở đường trên dãy Trường Sơn gian khổ, sốt rét, thiếu thốn khiến cho Liên như già đi trước tuổi. Mới ngoài bốn mươi mà tóc cô đã nhiều sợi bạc. Ngày đi học, bốn thằng con trai toàn nghịch những trò dại. Có lần cả bốn thằng táy máy cùng nghịch là hỏng cái guồng nước chạy máy phát điện mô hình trong vườn trường bị thầy hiệu trưởng phạt rẫy cỏ ở sân trường cả ngày. Liên phải về nhà nhổ sắn luộc mang lên tiếp tế cho cả bọn. Liên nhớ có một lần con trâu của cô đứt dây sẹo mũi lồng như điên sang bên kia cánh đồng đuổi đánh nhau với con trâu đực làng bên. Phương đã đuổi theo lừa mãi mới thòng buộc được cái dây thừng qua cổ con trâu đực của Liên để lôi về. Hôm ấy quần nhau với con trâu cả buổi khiến quần áo của Phương rách tả tơi, người sây sát đầy bùn đất. Bà mẹ Phương tưởng con trai nghịch ngợm đánh nhau với lũ bạn đã chưởi cho một trận, dọa không cho ăn cơm. Phương nhịn đói, trốn mẹ chui vào cây rơm góc vườn nằm co cho đỡ lạnh rồi ngủ thiếp đi luôn. Bà mẹ nấu chín cơm chờ mãi không thấy con về thì hốt hoảng chạy đi khắp làng tìm kiếm, gọi con không ra hơi. Lúc gặp Liên bà mới biết chuyện. Liên cũng hoảng hốt, cô vội kêu nhóm ngũ quỷ cùng đi tìm. Anh Thưởng cùng hai thằng con trai trong nhóm lặn cả xuống xoáy Vực tìm kiếm vì có người nói lúc chập tối đã nhìn thấy Phương đi xuống bến sông gột quần áo. Làng Vực tối hôm ấy nhốn nháo cả lên. Mọi người gọi nhau đốt đuốc đi tìm.
          Phương chỉ sực tỉnh khi thấy trong nhà mình ồn ào, đèn đuốc sáng trưng và lại có tiếng khóc của mẹ và em gái. Phương chui ra khỏi đống rơm ở góc vườn lò dò đi vào nhà. Bận ấy, Phương làm cho mẹ, em gái và đám bạn bị một phen hoảng sợ…
          Nhớ lại kỷ niệm một thời xa ngái, Liên chợt bật cười. Phương nhìn cô lúng túng:
          - Cô Liên cười gì thế! Chắc là tại tôi khác xưa nhiều quá hả?
          - Không phải cười anh Phương đâu! Mà gặp lại nhau sau bao nhiêu năm thế này làm mình lại nhớ những chuyện từ cái ngày bé tý còn đi học. Năm đứa lúc nào cũng có nhau. Mình nhớ cái hôm con trâu đực nhà mình đứt dây thừng chạy sang làng bên, anh Phương chạy đuổi theo, lăn lộn trên cánh đồng cả buổi mới bắt được nó kéo về, quần áo anh rách bươm, mặt mày sây sát còn bị mẹ mắng. Anh Phương chui vào cây rơm trốn rồi ngủ quên khiến cả làng bị một phen nhốn nháo đi tìm…
          Phương bùi ngùi:
          - Khi đầu óc tỉnh táo, mình dần dần nhớ lại thì những điều nhớ ra đầu tiên chính là những chuyện từ cái thời thơ ấu ấy đấy! Không ngờ những chuyện tưởng như chẳng có gì đáng nhớ ấy đã giúp mình dần dần nhận ra hình ảnh quê hương, bản quán đấy Liên ạ!
          Nhìn người bạn cũ, Liên chợt thấy nao nao trong lòng. Liên thương những người bạn đồng môn, đồng lứa một thời coi nhau như anh em quá.  Trong nhóm “ngũ quỷ” ngoài cái thằng trẻ nhất nhóm là thành đạt, gia thế đàng hoàng và sống sung túc nhất thì đến có cô là gia đình, cuộc sống không giàu sang nhưng tương đối ổn định nhất. Anh Thưởng thì từ ngày về quê chẳng thấy bao giờ nhắc đến chuyện lấy vợ, chỉ lầm lũi làm việc để nuôi đứa con gái nhặt được trên thuyền. Phương và Hiệp đều báo tử cùng ngày, cùng được xã tổ chức lễ truy điệu một lần sau chiến tranh. Tưởng thế là xong. Bây giờ Phương đột ngột trở về thương tích đầy mình thế này chưa biết rồi sau sẽ ra sao. Nhưng như vậy là nhóm ngũ quỷ chỉ mất một người. Hiệp thì đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Ông Nghĩa- bố Hiệp suốt ngày chống gậy đi dò hỏi tin tức của con. Cứ nghe ai nói có người là bộ đội từng chiến đấu ở miền Nam trở về là lần tìm đến bằng được để hỏi xem có biết gì về nơi chôn cất con mình không. Nhớ khi đến năm cuối cấp ba, Liên lớn bật lên. Con gái đến tuổi dậy thì vẫn đọt nhiên như thế. Liên trở thành hoa khôi của trường. Nhìn Liên tươi tắn, rạng rỡ khiến nhiều chàng trai trong làng trong xã và các bạn nam cùng lớp, cùng trường để ý đến cô. Trong nhóm ngũ quỷ cũng có hai người con trai rất thích Liên. Đó là Hiệp và cái thằng trẻ nhất nhóm kém Liên đến gần sáu tháng tuổi. Hắn luôn quanh quẩn bên Liên. Hắn mê Liên đến mụ mị cả người. Nhưng Liên lảng tránh, từ chối tình cảm của hắn. Có lần hắn còn lập mưu định chiếm đoạt Liên để thành chuyện đã rồi. Nhưng âm mưu không thành và cũng không ai biết nên năm người bọn họ vẫn có thể ở bên nhau. Hồi ấy Liên chỉ thích Hiệp. Hiệp kẻng trai nhất bọn lại hát rất hay. Giọng hát của Hiệp không riêng gì Liên mà nhiều bạn gái khác cũng mê mẩn. Nếu Hiệp không hy sinh thì không biết quan hệ giữa hai người bây giờ sẽ ra sao. Phương thì lại khác, anh luôn coi Liên như một người em gái hơn là bạn. Phương sinh trước Liên đúng bảy tháng. Anh là người hay quan tâm giúp đỡ Liên nhất. Những việc nặng nhọc như khi chi đoàn đi rừng lấy củi, xuống sông đãi cát sỏi gây quỹ, Phương đều san xẻ gánh củi, vác bao sỏi nặng của Liên. Liên cũng luôn coi Phương như là một người anh trai. Bây giờ sau mấy chục năm gặp lại Phương, trong lòng Liên trào lên tình cảm ấy. Liên bùi ngùi nói:
          - Ngày nghe tin anh Phương có giấy báo tử về làng thì mình đang ở Quảng Bình! Nào ngờ bây giờ anh trở về, hay quá!
          - Thế Liên về làng từ hồi nào?
          - Mình quen anh Chung ở đơn vị công binh khi anh đến đội thanh niên xung phong hướng dẫn cách đánh mìn phá đá làm đường. Hỏi chuyện thì biết anh Chung cũng cùng quê, anh ấy học trên trường cấp 3 Ngô Gia Tự nhưng hơn bọn mình một lớp. Mình và anh Chung tổ chức đám cưới tại đơn vị ngay sau chiến tranh. Mình trở về làng trước, sau đó anh Chung cũng được chuyển về tỉnh đội công tác…   
          - Hôm nào anh Chung về nhà nhớ nhắn mình sang chơi nhé!
          - Nhất định rồi… mình định sẽ làm một bữa chiêu đãi cả nhóm… - Liên chợt giật mình vì lỡ lời, cô vội chữa lại: - À… bây giờ chỉ còn có ba, anh em mình và anh Thưởng thôi.
          Phương ngạc nhiên hỏi:
          - Thế còn thằng… sao không mời nó?
          Liên lắc đầu:
          - Nó bây giờ giàu có lắm, sang trọng lắm! Có mời nó cũng không thèm về đâu!
          - Hừ cái thằng… thế thì mặc xác nó! (Xin phép bạn đọc, “cái thằng” thứ năm ít tuổi nhất trong nhóm ngũ quỷ ấy tên là gì thì xin để đến hồi sau sẽ rõ, vì hắn sẽ có mặt ở những phần sau của câu chuyện bên dòng sông này).
          Phương và Liên đang nói chuyện thì anh Thưởng và cái Sương cùng đến. Cái Sương ríu rít hỏi chú Phương đủ mọi chuyện. Trong khi đó, anh Thưởng bàn với Liên việc nhờ chồng tìm cách nào để giúp Phương có được thủ tục làm người còn sống và có được chế độ, một chút chính sách đãi ngộ như những thương bệnh binh khác ở làng từng tham gia chiến tranh, từ chiến trường trở về. Nhưng bàn đi, bàn lại mãi, càng bàn họ càng thấy bế tắc khi Phương hai bàn tay trắng trở về làng thế này…

          (còn nữa)
                                                                                                 Hà Nội, tháng 4-2013

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 6)


         
            NGŨ  QU
            Truyện dài của Trọng Bảo

         

          Lão Vận bước vào chợ. Đàn nhặng xanh thấy động bay lên vù vù tạo nên những âm thanh u... u... u... mãi không dứt. Chợ chỉ họp vào buổi sáng. Buổi chiều và ngày chợ không họp thường chỉ có mấy phản thịt của những người chuyên giết mổ bày bán ở phía ngoài cổng.
          Lão Vận ném cái chổi cọ và cái xẻng cùn xuống đất. Việc đầu tiên của lão là cầm cái bao tải rách đi thu hồi các loại “chiến lợi phẩm”. Đó là những thứ phế thải mà những người mua bán buổi sáng còn bỏ lại. Lão nhặt những cái túi ni-lông còn lành lặn đem ra bến sông giặt sạch đem bán lại cho những người thu mua đồ phế thải về tái chế hoặc những người chuyên bán cá, bán cua đựng cua cá cho khách hàng. Hạt mít, hạt bí lão để riêng đem rửa sạch, phơi khô, tích lũy phòng khi giáp hạt, hết gạo. Hạt nhãn, hạt vải lão gom lại rồi đem lên đồi hoặc ra bãi hoang ngoài bờ sông vùi xuống đất mong sao sẽ có hạt nảy mầm, lớn thành cây, rồi đơm hoa, cho quả.
          Sau khi nhặt nhạnh khắp chợ, lão bắt đầu quét dọn. Lão quét rất kỹ từng dãy lều quán, đùn rác về phía cuối chợ. Chợ quê nghèo, hàng quán chỉ là những cái lán che bằng rơm rạ, thấp lè tè. Cách nhật chợ mới họp một phiên. Người ta gánh hàng đến, trải một mảnh ni-lông ra bày bán. Những thứ thải loại, rác, vỏ dưa, vỏ dừa vứt bừa bãi ngay tại chỗ. Lão Vận quét dọn cật lực hơn một ngày chợ mới sạch sẽ. Sáng hôm sau chợ lại họp, rác rưởi lại ngập ngụa. Lão lại dọn dẹp vào buổi chiều và cả hôm sau nữa khi chợ không họp. Cứ như thế, lặp đi, lặp lại công việc của đời người chuyên quét chợ quê.
          Thực ra, lão Vận mới chỉ làm người quét chợ được độ bảy, tám năm nay. Trước kia, lão là người làm nghề cất vó bè trên sông Đáy con. Dòng sông Đáy con mỏng manh như một sợi chỉ nằm dưới chân núi Tam Đảo. Nhưng khi mùa mưa, lũ từ thượng nguồn đổ về, dòng sông phình ra, nước chảy cuồn cuộn. Khi mùa khô, những tháng cuối năm thì nước lại trong veo. Sông sâu chỉ săm sắp bắp chân nhìn thấy rõ cả những con cá, con tôm nhỏ bơi lội và đá sỏi dưới đáy. Mùa khô, khó kiếm cá lão Vận cột cái bè vào bụi tre ven sông rồi lên rừng nhặt củi khô về bán kiếm tiền đong gạo. Khi không lên rừng lấy củi thì lão lang thang làm thuê, gánh nước thuê cho mấy bà bán bún phở trong chợ Niễu. Chợ quê ngày ấy không có người quét dọn “chuyên nghiệp” như bây giờ nên rác rưởi ngập ngụa, mùi hôi thối xông lên nồng nặc nhất là mùa hè. Mấy bà bán hàng thường phải thuê lão quét dọn quán của mình. Rồi gần như những người buôn bán ở chợ đều thuê lão quét tước, dọn dẹp chỗ ngồi bán hàng.
           Dần dà, lão Vận trở thành người chuyên quét dọn thuê ở chợ Niễu. Tiếng là thuê, nhưng không phải ai cũng trả tiền cho lão, mà nếu có thì cũng chẳng đáng kể. Bà bán cá thường trả công lão cái đầu cá mè. Anh hàng thịt đưa lão mẩu xương, hôm nào hứng lên cắt cho một đoạn lòng già, đoạn dồi lợn dài độ gang tay. Thường là người ta cho lão hai, ba trăm đồng. Nhưng phần lớn là cố tình làm ngơ. Mặc dù buổi chợ, họ vẫn nhìn thấy lão gánh nước thuê vào các hàng quán xung quanh. Lão Vận cũng chẳng đòi hỏi. Trước đây, lão quét tước, dọn dẹp từng chỗ bán hàng cho các chủ sạp thì họ dứt khoát phải trả tiền công. Bây giờ lão quét cả chợ thì lại như làm không công. Gần đây, chắc do nhiều người có ý kiến phản ánh, đề nghị nên ông chủ tịch xã cân nhắc, nâng lên đặt xuống mãi mới quyết định trả “lương quét chợ” cho lão Vận bằng mười ki-lô-gam thóc mỗi tháng. Nghe ra thì có vẻ to tát nhưng kỳ thực giá trị cũng chỉ bằng ba, bốn mươi nghìn đồng. Thôi thế cũng tốt, lão Vận đã có một khoản thu nhập ổn định, đủ ăn, đỡ lận đận mỗi khi giáp hạt. Đời lão cũng đã xế chiều rồi, cần gì nhiều hơn nữa đâu.
          Quét xong tất cả các dãy quán trong chợ thì trời đã sập tối, lão Vận thu nhặt đem các thứ “chiến lợi phẩm” ra về. Đống rác góc chợ ngày mai lão mới đốt hoặc gánh ra đổ ngoài bờ sông.
          Thường là cả ngày ở chợ, chập tối lão Vận mới về đến nhà. Hôm nào cũng thế.
          Lão Vận xách cái đầu cá lần bước về nhà. Túp lều của lão cũng ở bên bờ sông. Về đến gần nhà, lão huýt sáo và gọi:
          - Anh Cún đâu rồi!
          - Hực... - Một con chó to từ trong nhà phóng ra vẫy đuôi mừng rối rít. Nó ngoạm lấy ống quần lão kêu ư ử. Lão Vận vỗ về:
          - Đói lắm rồi hả! Để yên, tao nấu cơm cho mà ăn. Hôm nay có cái đầu cá trắm của bà Béo cho đây này!
          Con chó phóng vút lên hè. Nó chồm hai chân trước lên đẩy cánh cửa mở ra rồi quay lại cào cào xuống đất có ý mời lão vào nhà. Lão Vận châm đèn, tìm cái nồi nấu cơm. Con Cún cứ luẩn quẩn quanh lão. Thấy lão nhặt rau, nó cũng ngoạm một cọng rau muống cắn đứt ra làm mấy đoạn. Lão vỗ vỗ vào đầu nó an ủi:
          - Yên nào! Mày không làm được đâu!
          Lão quay lại đun cành củi vào bếp. Con chó nhổm ngay dậy. Nó chạy đến dùng miệng ngoạm một cành củi đủn vào bếp. Đoạn nó quay lại nhìn lão Vận. Đôi mắt nó sáng long lanh như muốn hỏi ông chủ là làm như vậy có được không. Lão Vận gật gật đầu. Con Cún rên lên ăng ẳng vẻ phấn khởi lắm.
          Cơm chín, lão Vận chia ra làm hai phần. Một loa cơm của lão. Phần còn lại lão đổ vào cái lon sành cho con Cún. Cái đầu cá nấu canh lão chỉ gỡ được một chút thịt còn lại bỏ cả vào cái lon sành cho con chó. Con Cún vừa ăn vừa gừ gừ trong miệng. Nó có vẻ đói lắm. Cả ngày nó chỉ được ăn một bữa. Buổi sáng trước khi ra chợ, lão vẫn thường dặn nó: “Trông nhà nhé!” rồi mới đi. Buổi trưa lão ở luôn ngoài chợ. Ai cho gì, lão ăn nấy, khi thì bắp ngô, bữa khúc sắn luộc. Con Cún ở nhà, nó loanh quanh chui ra, chui vào túp lều. Đói quá thì nó lại lôi mấy khúc xương trâu, xương lợn khô khốc giấu ở gầm giường, góc nhà ra gặp suông để đánh lừa cái bụng. Biết thế nhưng lão Vận không thể đưa con chó ra chợ được. Nó to lớn chạy lông nhông ai cũng khiếp, với lại lão sợ nhất là bọn chuyên bắt trộm chó. Bọn này rất nhanh, chỉ nhoằng một cái thòng lọng tung ra là đã xiết chặt ngay vào cổ con chó. Con chó bị lôi đi không kêu được một tiếng nào. Vì thế mà bữa tối, bao giờ lão cũng dành phần cơm nhiều hơn cho con chó.
           Vài năm gần đây lão mới được ăn cơm. Trước kia khẩu phần của lão chủ yếu là sắn. Nồi cơm chỉ lơ thơ vài hạt gạo bám vào miếng sắn. Tàn tật, ốm yếu như lão có cái mà ăn là may lắm rồi. Con chó hình như cũng hiểu lão nghèo nên cho gì nó ăn nấy. Nồi cơm, nồi canh lão để ngay dưới đất dù có đói đến mấy cũng không bao giờ nó lén ăn vụng. Nó là một con vật trung thành. Lão Vận bảo nó coi nhà - mặc dù nhà lão chẳng có thứ gì đáng coi - thì đố ai dám lại gần túp lều của lão. Thỉnh thoảng, ngày chợ không họp, lão Vận mới cho nó đi theo. Trong khi lão dọn dẹp, quét tước thì con Cún lùng sục khắp chợ đuổi chuột hoặc tìm kiếm những khúc xương mà cánh giết mổ quăng ra đâu đó.
           Lão Vận chẳng còn vợ con. Vợ con lão chết trong trận bom bọn Mỹ rải xuống bến sông khi lão đang chặt củi trên rừng. Lão sống thui thủi một mình. Cạnh cái hố bom rộng toang toác, lão chỉ đủ sức dựng lên một căn nhà nhỏ, gọi là túp lều cũng đúng. Con Cún là bạn thân thiết duy nhất của lão Vận. Lão sống gần như cô độc ngay cái làng mà thời mở cửa đang dần dần chuyển thành thị trấn, thị tứ này. Xung quanh túp lều của lão, những ngôi nhà cao tầng thi nhau mọc lên. Người ta bắt đầu ở sang, ăn sang và chơi sang nên càng ít người muốn gần với kẻ lam lũ, bần cùng. Trông lão lại có vẻ hơi dị dạng nên người ta lại càng ngại tiếp xúc. Chân phải lão không biết bị dị tật hay bị tai nạn mà đi lại tập tễnh, khó khăn. Khi lão gánh nước thuê, thùng nước sóng sánh trào ra gần hết. Nhưng khi quét chợ thì cái bước thấp, bước cao của lão lại làm cho nhát chổi dài ra hơn. Những người cùng trang lứa với lão bây giờ đều khá giả. Tuy họ không coi thường nhưng cũng chẳng ai muốn bắt chuyện với lão. May mà lão còn có con chó làm bạn. Từ khi anh Thưởng về phục viên cùng ở trên bến sông này thì thỉnh thoảng lão mới có người trò chuyện cho đỡ quên tiếng của con người.
            Con chó Cún là do lão nhặt được từ mấy năm trước. Hôm ấy, trời đã sâm sẩm tối, lão vẫn lội xuống sông giặt giũ mấy cái túi ni-lông. Mưa to ở thượng nguồn nên nước sông đang lên. Lúc lão đang chuẩn bị về thì chợt có một cái bao tải buộc túm miệng từ đâu trôi đến rạt vào chân lão. Lão giật bắn người vì trong đó có cái gì đó đang ngọ nguậy. Lão loạng choạng bước vội lên bờ, thở dốc. Lão nhớ chuyện ngày trước bọn giặc bắt được cán bộ du kích thường đưa lên đập nước phía trên tra tấn dã man. Có người bị đánh còn ngắc ngoải chúng cũng nhét vào bao tải thả trôi sông. Những xác người dạt vào bến sông, lập lờ  nổi lên ở xoáy Vực. Nhưng bây giờ là thời khác rồi. Lão Vận trấn tĩnh lại. Lão nhặt một cành cây khều cái bao tải lôi lên bờ mở dây buộc dốc ngược. Lẫn trong đám giẻ rách tuột ra một con chó nhỏ. Nó bị ướt sũng nhưng vẫn còn động đậy. Lão đem con chó về nhà đặt nằm cạnh bếp lửa. Một lúc sau nó bắt đầu rên ư ử rồi ngóc đầu dậy. Nó nhìn lão Vận, hai mắt chớp chớp vẻ biết ơn. Nhìn thân hình con chó còm nhom, sần sùi ghẻ lở, lão Vận hiểu vì sao người ta đã nhét nó vào bao vứt xuống sông. Lão Vận vét cơm nguội cho nó ăn. Hôm sau, lão ra hàng xén ở chợ mua lấy ít diêm sinh về bôi trị ghẻ cho nó.
            Con chó ở với lão Vận từ đó. Mặc dù cũng bữa đói, bữa no, miếng được, miếng mất như lão nhưng con chó vẫn hồi sức và lớn rất nhanh. Một thời gian sau nó đã to lớn lộc ngộc. Con chó khôn lắm. Có lần bọn trộm chó đem bả ném vào gần nhà đợi nó ăn phải ngã xuống là tuồn vào bao tải đem đi. Nhưng nó chỉ ngửi ngửi miếng bả thơm phức mà không ăn. Ai cho cái gì nếu không được sự đồng ý của ông chủ thì nó không bao giờ tự ý ăn cả. Thấy con chó khôn, có người muốn gạ mua, nhưng lão không chịu. Bởi với lão Vận, con chó Cún giống như là một người thân thiết trong nhà.

           (còn nữa)                                                              Hà Nội, tháng 4-2013

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 5)


                  
              NGŨ  QUỶ
               Truyện dài của Trọng Bảo

           

            Rời nhà bà Thuân, anh Thưởng tạt qua nhà cô Liên ở giữa làng. Liên là cô bạn gái duy nhất trong nhóm “ngũ quỷ”. Liên có chồng là cán bộ quân đội đang tại ngũ hiện công tác ở bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Anh Thưởng muốn nhờ Liên hỏi chồng xem có cách nào giúp Phương không. Phương trở về làng cụt một tay, người đầy thương tích của chiến tranh mà không có lấy một thứ giấy tờ gì có thể chứng minh cho bản thân mình thế này. Nhưng khi anh đến thì Liên vắng nhà. Bà mẹ chồng cho biết cô đang đưa con gái út lên tỉnh tham dự cuộc thi học sinh giỏi rồi ở lại chơi với chồng mấy hôm nên chưa về làng. Anh Thưởng đành quay về. Lúc đi qua cổng nhà ông Nghĩa-bố thằng Hiệp, anh tạt vào ngồi nói chuyện với ông khá lâu. Anh cũng muốn vào nhà ông Nghĩa để thắp cho Hiệp một nén hương, báo tin cho nó biết một người bạn thân vừa mới trở về.
           Khi về đến nhà anh Thưởng giật mình thấy cửa ngõ mở toang. Lúc mờ sáng tuy vội chạy ra bến sông nhưng anh vẫn nhớ đóng cổng, cài cửa rất cẩn thận cơ mà. Chợt nghĩ đến kẻ trộm vào nhà anh suýt phì cười. Vì nhà anh chả có thứ gì đáng giá để kẻ trộm mất công đến thăm viếng. Cái ti vi đen trắng cắm điện mãi mới chịu lên hình, khi có hình thì không có tiếng, lúc có tiếng thì lại vô hình là tài sản lớn nhất của anh thì quá cũ kỹ, chẳng đáng tiền. Hơn nữa tên trộm nào mà dại dột lấy cái ti vi ấy đem đi bán thì còn gặp họa, lộ tẩy ngay. Có lẽ cả làng, cả xã này không nhà nào có cái thứ hai giống như thế.
           Anh Thưởng bước vào sân. Hoá ra chẳng phải là kẻ trộm nào đến mà là cái Sương-con gái anh vừa mới về. Nó đang hát véo von ngoài sân giếng. Cái Sương đang đi thực tập ở huyện bên. Nó đi chuyến xe sáng sớm về thăm nhà. Vừa trông thấy bố đi vào cổng, cái Sương đã toe toét:
           - Chết! Bố bỏ nhà cửa toang hoang thế này nhỡ kẻ trộm nó mà vào khênh hết của cải mất thôi!
           Anh Thưởng cười bảo con:
           - Nhà ta có cái quái gì đáng giá mà lo. Kẻ trộm nó mò vào thấy thế nó còn mắng thêm cho chủ nhà nữa đấy!
          Cái Sương hỏi:
          - Thế bố đi đâu sớm thế ạ?
          Anh Thưởng vừa ngồi xuống bậc thềm vừa nói:
          - Bố đưa chú Phương về nhà rồi sang nhà cô Liên, lại tạt qua nhà chú Hiệp!
          - Chú Phương nào thế hả bố?
          - Chú Phương cùng học, cùng đi bộ đội với bố hồi đầu năm 1972 ấy!
          Cái Sương thắc mắc:
          - Sao con không biết chú ấy nhỉ?
          - À quên, chưa nói cho mày biết! Chú Phương là con bà Thuân, chú ấy vừa mới trở về sáng nay, bao nhiêu năm rồi còn gì!
          Cái Sương ngạc nhiên:
          - Ơ… nhưng con tưởng chú ấy đã…
          - Đúng thế! Chú ấy đã có giấy báo tử, là một liệt sĩ đã bao nhiêu năm nay rồi. Nhưng hoá ra chú ấy chưa chết, chỉ bị thương nặng, thần kinh bị ảnh hưởng, lúc nhớ, lúc quên, bị lạc mất đơn vị. Sau chiến tranh chú sống lang thang vất vưởng ở trong miền Nam. Lần mò mãi chú ấy mới tìm về được quê đấy. Gần sáng hôm nay, chú ấy về đến bến sông làng ta. Bố và mọi người vừa mới đưa chú ấy về nhà xong…
           Nghe anh Thưởng kể lại, cái Sương nói sáng nay nó sẽ tranh thủ vào làng thăm bà Thuân và chú Phương ngay. Nó cũng nhớ bà Thuân lắm. Nó bảo có mấy khúc rễ ăn trầu xin được khi đi thực tập ở miền núi dành mang về biếu bà. Anh Thưởng nhìn cái Sương. Nó quả là một đứa con gái hiếu thảo. Anh thấy cuộc đời mình thật là hạnh phúc vì đã có được một đứa con gái ngoan như thế. Hoá ra cuộc đời của người ta nhiều lúc trong nỗi bất hạnh vẫn có được những niềm vui an ủi. Có đứa con gái như cái Sương quả là cuộc đời anh không còn mong gì hơn thế nữa.
           Anh Thưởng chợt nhớ lại những chuyện về cái Sương.
           Ngày ấy, anh Thưởng phục viên về làng đã lâu nhưng chả thấy nói gì đến chuyện vợ con. Nhiều người rỉ tai nhau bảo hồi ở chiến trường anh hoạt động ở vùng nhiễm chất độc da cam rất nặng nên bị ảnh hương. Anh không muốn sẽ đem lại cho một người khác nỗi bất hạnh giống mình. Thực ra câu chuyện tình của đời anh còn có một lý do khác. Ngày còn ở nhà anh cũng yêu một người con gái rất đẹp. Hai người đã thề non, hẹn biển, trao kỷ vật cho nhau. Nhưng rồi duyên cũng chẳng thành. Anh Thưởng vào miền Nam chiến đấu trong đáy ba lô còn giữ cái vỏ gối do người yêu thêu tặng có bốn chữ “mãi mãi đợi anh” và hai con chim bồ câu trắng ngậm mỏ vào nhau. Nhưng trong khi ở chiến trường gian khổ, ác liệt anh cố tìm cách viết thư gửi về hậu phương thì ở nhà người thêu áo gối tặng cho anh đã đến với một người đàn ông khác. Ngày chiến thắng anh Thưởng háo hức trở về với bến sông xưa, nhưng bến cũ, con đò vẫn còn đó mà chẳng còn người năm nao đứng đợi.
           Hợp tác xã bố trí cho anh Thưởng làm một chân trong đội bảo nông. Từ ngày anh làm bảo vệ, tình hình an ninh trong làng, ngoài xóm yên hẳn, ít xảy ra các vụ ăn cắp vặt, hoa màu ngoài ruộng không bị phá hoại và mất trộm như trước. Cũng có nhiều người hỏi anh chuyện vợ con nhưng anh chỉ cười trừ. Lúc còn sống mẹ anh cũng giục và nhờ người mai mối một hai đám nhưng đều không thành. Khi mẹ chết, anh Thưởng trả cái chức tổ trưởng tổ bảo nông cho hợp tác xã rồi trở về bến sông với con đò của người mẹ để lại. Anh trở thành người chờ đò sang ngang thay mẹ. Nhưng con đò của anh không còn đông khách như ngày xưa khi mẹ còn sống nữa vì bây giờ đã có một cây cầu xi-măng kiên cố bắc qua dòng sông Đáy con phía hạ lưu.
           Một buổi sáng mùa đông rét như cắt thịt da. Sương mù giăng kín mặt sông.
           Có một người đàn bà xuống bến gọi đò sang sông. Đó là người khách đầu tiên của một ngày mùa đông lạnh giá. Chị ta chùm khăn kín mặt tay xách cái làn to bước xuống thuyền. Người đàn bà ngồi xuống ở đầu mũi thuyền. Anh Thưởng xoa xoa hai bàn tay cho đỡ cóng rồi lịch kịch đẩy con thuyền rời bến. Tiếng mái chèo khoả nước ràn rạt. Càng ra đến giữa sông sương mù càng dày đặc. Người lái đò và khách chỉ nhìn thấy nhau lờ mờ. Người khách ngồi yên lặng. Anh Thưởng cũng không có thói quen bắt chuyện với khách lạ. Anh khéo léo lựa tay chèo cho con thuyền rẽ nước qua sông trong sương mù vẫn định vị cập đúng vào bến bên kia. Sang đến bến sông, người đàn bà vội vã bước lên bến đi ngay. Tiếng chị ta ấp úng, hẹn buổi chiều quay về sẽ trả tiền đò luôn cả thể. Anh Thưởng quay mũi thuyền trở về. Đến giữa dòng sông thì trời đột ngột nổi gió. Một cơn gió mạnh ào ào thổi dọc lòng sông. Mặt nước dềnh lên. Con thuyền nhỏ bị sóng xô mạnh chòng chành. Anh Thưởng gò mình ghìm mái chèo giữ cho con thuyền thăng bằng. Chợt anh nghe tiếng trẻ con khóc “oe… oe… oe…”. Tiếng khóc hình như rất gần. Vụt nghĩ đến chuyện ma đi đò mà mẹ và mọi người vẫn thường kể, anh Thưởng hơi rùng mình. Nhưng vốn là một chiến sĩ trinh sát, anh trấn tĩnh lại ngay. Anh dừng tay chèo dỏng tai nghe. Anh nhận ra tiếng khóc “oe oe” ở ngay mũi con thuyền của mình. Anh buông mái chèo lần tới và phát hiện ngay ra cái làn của người nữ khách lúc nãy đang còn để ở mũi thuyền. Anh lần túi tìm cái bật lửa. Xoèn xoẹt mãi bật lửa mới cháy. Anh giơ cái bật lửa lên soi. Trong cái làn to có một đứa trẻ con đang quẫy đạp rối rít. Thấy ánh lửa bật sáng nó liền nín khóc ngay. Hai bàn tay nhỏ xíu của đứa bé huơ huơ giơ lên như muốn túm lấy ngón tay anh. Đôi mắt nó sáng long lanh như hai viên ngọc. Đó là một bé gái bụ bẫm, xinh xắn.
           Anh Thưởng thọc tay vào cái làn vỗ vỗ dỗ đứa bé. Bàn tay lạnh cóng của anh chạm vào một bình sữa còn nóng ấm. Thì ra người mẹ này đã có ý định để lại đứa con của mình cho người lái đò trên sông.
           Anh Thưởng bế đứa bé lên bờ.
           Suốt ngày hôm ấy anh ngóng đợi. Nhưng người đàn bà bỏ con ấy không thấy quay lại trả tiền đò như đã hẹn. Mấy ngày sau cũng không thấy chị ta trở lại. Anh Thưởng đành nhận nuôi đứa bé. May anh có cô em gái họ mới sinh nên giúp việc cho con bé bú mớm, thay tã. Con bé lớn lên cùng anh trên bến sông cùng con thuyền rách. Anh địu nó trên lưng chèo đò đưa khách qua sông. Bao nhiêu người khách là phụ nữ đang nuôi con mọn qua đò đã cho con bé bú nhờ khi khát sữa. May mà con bé ít quấy khóc, ít ốm đau. Anh Thưởng đặt tên cho nó là cái Sương để ghi nhớ việc đã nhặt được nó trong một buổi sáng mùa đông sương mù dày đặc.
           Anh Thưởng rất yêu quý bé Sương.
           Hai bố con anh quấn quýt bên nhau.
           Năm bé Sương hai tuổi, đột nhiên anh nhận được một lá thư từ nước ngoài gửi về. Bức thư ấy là của một người đàn bà mà đối với anh chẳng xa lạ gì. Đó chính là người mà ngày xưa đã thêu tặng anh cái vỏ gối có hai con chim bồ câu ngậm mỏ nhau cùng dòng chữ “mãi mãi đợi anh”. Người mà khi anh đi B chiến đấu thì chị ta cũng bỏ đi với người khác.
           Đọc thư, anh mới biết bé Sương chính là con đẻ của chị ta. Hoá ra, chị ta đã có chủ định để đứa con mình dứt ruột đẻ ra ở lại trên thuyền cho người yêu cũ để khỏi vướng bận khi làm thủ tục xuất cảnh đi theo một người đàn ông giàu có ra nước ngoài định cư. Người đàn ông này cũng không phải là chồng của chị ta. Trong thư, chị ta tỏ ra hối hận, xin anh Thưởng tha thứ vì đã phụ tình còn để lại thêm gánh nặng cho anh là phải nuôi dưỡng đứa con đẻ của mình. Chị ta hứa sẽ gửi tiền về chu cấp cho bé Sương.
           Cầm lá thư tay anh Thưởng run bần bật, mặt anh tái xám đi vì vô cùng giận dữ. Đúng là đồ vô liêm sỉ. Anh lập tức viết cho chị ta một bức thư. Trong thư, anh yêu cầu chị ta nếu còn một chút lương tâm thì hãy để cho bé Sương được yên. Anh sẽ nuôi nó lớn khôn thành người mà không cần những đồng tiền của một người mẹ như chị ta.

                                                                                           Hà Nội, tháng 4-2013
         (còn nữa)