Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Truyện ngắn đăng Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh (tiếp)


         *Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 257 ra Thứ năm, ngày 6/6/2013 đăng Truyện ngắn Họa văn chương của tôi. Tác giả trân trọng cảm ơn Ban biên tập báo và xin giới thiệu lại truyện ngắn này trên blog của mình. Vì truyện hơi dài nên xin được ngắt ra làm hai phần để đưa lên blog (Trọng Bảo).

           HỌA VĂN CHƯƠNG
           Truyện ngắn của Trọng Bảo

         

           5- Việc kiểm điểm anh giáo Lê Thi diễn ra không suôn sẻ. Lê Thi dứt khoát không nhận là trong truyện ngắn của mình có động cơ phê phán chủ trương của tỉnh, vu cáo, nói xấu lãnh đạo tỉnh. Ông hiệu trưởng chấp hành chỉ thị của trên nhiều lần gặp gỡ thuyết phục Lê Thi “nhận rõ sai lầm khuyết điểm để sửa chữa, tiến bộ”. Mặc cho ông hiệu trưởng thuyết phục, chi đoàn rồi tổ bộ môn họp lên, họp xuống mấy lần, Lê Thi vẫn kiên quyết không nhận đã phạm “khuyết điểm nghiêm trọng” mà người ta muốn gán cho anh.
          Lê Thi bị đình chỉ đứng lớp để chờ ý kiến chỉ đạo xử lý của trên. Anh thấy hụt hẫng vô cùng. Nhất là khi các bạn đồng nghiệp và đám học trò nhìn anh với vẻ nghi ngại. Họ tránh tiếp xúc với anh, sợ bị liên lụy. Riêng ông hiệu trưởng thì vô cùng tức tối. Nhà trường bao nhiêu năm là một trường kiểu mẫu, trường điểm, điển hình tiên tiến của tỉnh, đang đề nghị tặng huân chương thế mà chỉ vì một “bài viết phản động” đăng báo này mà bao nhiêu công lao đổ hết xuống sông xuống biển.
          Lê Thi vì “mất dạy” nên được tạm giao trông coi phòng thí nghiệm của nhà trường. Nghe tin có khả năng buộc thôi việc anh buồn lắm. Cô bạn gái vốn là con út một ông cán bộ huyện từ bữa nghe tin anh có “sự cố văn chương” cũng mất hút luôn. Gọi điện thì không có người nghe máy.
          Hết giờ, nhà trường vắng hoe. Nhà ở của giáo viên độc thân còn mỗi một mình Lê Thi. Buồn quá, anh lững thững cuốc bộ ra thị trấn. Qua cổng, ông bảo vệ nhìn thấy anh liền ló đầu ra khỏi phòng thường trực nhắc nhở:
          - Mười giờ đêm là tôi đóng cổng đấy! Liệu mà về…
          Lê Thi qua khỏi cổng một đoạn còn nghe thấy tiếng ông ta lẩm bẩm:
          - Mất cả ngủ vì quân phản động!
          Thị trấn miền núi lưa thưa hàng quán. Thỉnh thỏang tiếng xe máy lại rú lên vì bọn choai choai phóng nhanh, đánh võng. Lê Thi đi như vô định trên con đường loang lổ, khấp khểnh những ổ gà. Chợt có tiếng gọi:
          - Này, ông văn sĩ…
          Không nghĩ là ai gọi mình, Lê Thi vẫn bước đi không buồn ngoái lại. Một gã đầu tóc bù xù, râu ria lởm chởm từ cái quán “cháo lòng tiết canh” bên đường nhô ra túm tay Lê Thì giữ lại:
          - Vào đây làm chén rượu cho ấm bụng đã ông nhà văn Lê Thi!
          - Ơ… sao bác biết tên tôi ạ?
          - Thầy nổi tiếng thế, cả huyện, cả tỉnh đều biết chứ riêng gì tôi. Thầy đi đâu đấy, vào... vào đây đã…
          Lê Thi theo gã vào quán. Gã vẫy tay, một người đàn bà bưng mâm ra. Thì ra chính gã là chủ quán “cháo lòng tiết canh” này. Gã rót rượu ra hai cái chén rồi bảo:
          - Làm một chén đi cho khuây khoả rồi tôi sẽ tìm cách giúp…
          - Bác giúp cái gì ạ?
          - Bác… bác… quái gì. Tôi chỉ hơn thầy vài tuổi thôi. Tôi số khổ nên mới trông già khú, xấu như ma thế này đấy!
          Vừa nói, gã vừa cởi cái áo ném lên chõng. Người gã chằng chịt những vết săm hình thù quái dị. Lê Thi tợp một ngụm rượu nhỏ. Anh nhăn mặt vì rượu nặng quá. Gã chủ quán ngửa cổ “ực” một cái hết luôn chén rượu đầy có ngọn. Nhặt khúc dồi cho vào miệng vừa nhai, gã vừa bảo:
          - Nhờ thầy mà thằng con tôi đã biết chăm chỉ học hành, về nhà biết giúp đỡ bố mẹ. Đời tôi tứ chiếng giang hồ, lấy được nhà tôi là cái may, có được thằng con thì nó chơi bời, lêu lổng, học hành lười nhác. May có thầy kèm cặp mà nó mới dần dần chuyển tâm, đổi ý ngoan ngoãn như bây giờ.
          - Là em nào vậy?
          - Thì cái thằng láo lửng nhất lớp của thầy ngày thầy mới về trường này công tác ấy!
          - A… - Lê Thi kêu lên. Anh nhớ ngay tới một cậu học trò cá biệt của lớp 8B mà mình làm chủ nhiệm ngày mới về trường. Nhớ lại những trò nghịch ngợm, bậy bạ của nó, rồi việc mình đã phải vất vả khốn khổ thế nào để giúp nó trở thành một học trò giỏi, ngoan. Anh hỏi:
          - Thế em Tài hôm nay có ở nhà không ạ?
          - Nó sang thăm bà ngoại. Hôm nọ nó đi học về kể lại chuyện của thầy. Tôi liền đi lùng mua bằng được tờ báo văn nghệ của tỉnh. Tôi đã đọc rất kỹ truyện ngắn của thầy rồi. Tôi sẽ có cách giúp thầy…
          Lê Thi cười buồn:
          - Giúp bằng cách nào được. Số tôi nó thế, là người yêu thích văn chương, tập toẹ viết lách chưa đâu vào đâu nhưng phen này có lẽ bị một cái “hoạ văn chương” mất thôi.
          - Thầy cứ yên tâm! Chiều mai thầy ra quán này, tôi sẽ giới thiệu thầy với một người.
          - Để làm gì ạ?
          - Thì thầy cứ ra đây khắc biết!

           6- Lê Thi không tin gì gã chủ quán cháo lòng tiết canh. Nhưng vốn tò mò, chiều hôm sau anh lại ra quán của gã. Quán thưa khách. Lê Thi nhìn thấy gã chủ quán đang ngồi cùng một thanh niên trạc tuổi anh. Vừa trông thấy Lê Thi gã chủ quán đã ầm ầm gọi:
          - Vào đây… vào đây…
          Lê Thi ngồi xuống ghế cạnh hai người. Anh ngạc nhiên vì thấy người thanh niên đang chăm chú đọc tờ báo có đăng truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” của anh. Khi anh ta vừa đọc xong thì gã chủ quán hỏi ngay:
          - Có đúng như tôi đã phân tích không?
          - Đúng! Đây là một truyện ngắn hay, nói lên được những khó khăn, trăn trở trên con đường đổi mới, phát triển của một vùng quê vốn dĩ thuần nông giống như tỉnh ta. Được rồi, các anh cứ yên tâm…
          Lúc này gã chủ quán “cháo lòng tiết canh” mới giới thiệu:
          - Đây là chú Sang, em kết nghĩa của tôi. Còn đây là thầy Lê Thi, giáo viên trường…
          - Em biết rồi, chuyện của thầy em cũng đã nghe nói. Bây giờ em có việc phải đi đã.
          Nói xong anh ta đứng dậy bắt tay gã chủ quán và Lê Thi. Khi anh ta đi rồi, gã “cháo lòng tiết canh” vỗ bộp vào vai Lê Thi vẻ hỉ hả:
          - Thế là xong!
          - Xong cái gì ạ?
          - Là xong chuyện của thầy đấy!
          - Xong thế nào ạ?
          Gã cười hề hề:
          - Truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” của thầy sẽ trở thành một tác phẩm văn học hay của tỉnh ta…
          Thấy Lê Thi chưa hiểu, gã chủ quán “cháo lòng tiết canh” giải thích:
          - Thằng Sang là lái xe của sếp đứng đầu tỉnh ta. Hôm nay được nghỉ nó về quê chơi. Tôi và nó đã bàn cách cứu thầy rồi… He he… nào bây tôi và thầy nâng cốc chúc mừng thắng lợi.
          - Anh chỉ được cái đùa dai và khéo động viên an ủi người khác.
          Lê Thi nói vậy nhưng anh vẫn cầm chén rượu lên làm một hơi. Anh không biết là giữa gã “cháo lòng tiết canh” và lái xe Sang có một mối quan hệ rất đặc biệt. Chính gã “cháo lòng tiết canh” là người trên đường từ trại cải tạo được tha tù về đã cứu Sang khỏi chết đuối trong một trận lũ ống kinh hoàng. Sang đã nhận gã làm anh kết nghĩa, cả đời biết ơn cứu mạng của gã. Còn việc anh lái xe Sang sẽ “cứu” Lê Thi thế nào thì có lẽ phải đến hồi sau mới rõ.

           7- Buổi sáng “khi bình minh đang lên hồng chân mây” như lời một bài hát thì sếp xách cặp ra xe đến cơ quan. Anh lái xe vội buông tờ báo đang đọc nhanh nhẹn mở cửa xe và đỡ cái cặp cho sếp.
          Vừa ngồi vào ghế, sếp đã hỏi:
          - Sang này! Có tình hình gì mới không?
          - Thưa có ạ! Hôm qua, cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên bắn thử liên tục năm quả tên lửa tầm trung. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc phản ứng rất quyết liệt, Nga và Trung Quốc có thái độ vừa phải. Còn I-ran đang lắp ráp thêm hai nghìn máy gia tốc có khả năng làm giàu uranium. IAEA đang đòi thanh sát các cơ sở hạt nhân của I-ran…
          - Tình hình trong nước có gì mới không?
          - Dạ! Xuất khẩu cà phê của ta tụt xuống hàng thứ ba. Xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn do việc một số nước nhập khẩu đòi giảm giá do chất lượng gạo của ta không cao.
          - Còn có gì nữa không?
          - Thưa, còn sự cố Vịnh Hạ Long bị tổ chức New open World đưa ra khỏi danh sách bình chọn bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do ta vi phạm thể thức bình chọn ạ.
          - Hừ… cái gì nóng vội, không theo nguyên tắc là sai ngay. Thế còn tình hình trong tỉnh.
          - Trong tỉnh thì… thì… cũng có nhiều sự kiện hay ạ!
          - Sự kiện gì?
          - Ví dụ như tỉnh ta vừa hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị công nhận đền Thánh Hoá, nơi thờ tự vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ạ.
          - Việc ấy phải nhắc nhở sở văn hoá thông tin mãi đấy.
          - Ngành văn hoá, văn nghệ tỉnh ta cũng có nhiều hoạt động sôi nổi đấy ạ! Nhưng…
          - Nhưng cái gì?
          Lái xe Sang vặn vô lăng khéo léo tránh một cái ổ gà rồi nói tiếp:
          - Có nhiều người vẫn còn giữ lối nhìn nhận và quan điểm cũ kỹ về văn hoá, văn học nghệ thuật sếp ạ!
          - Thế là thế nào?
          - Thì… như việc họ đánh giá về văn học ấy!
          - Cụ thể xem nào?
          - Ví dụ như vụ truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” chẳng hạn. Theo em đây là một tác phẩm văn học hay.
          - Sao mấy tay bên sở kế hoạch đầu tư và sở công nghiệp lại báo cáo đó là một bài viết rất xấu, rất độc hại, đi ngược lại chủ trương của tỉnh trong phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất và lại còn có ý ám chỉ, nói xấu cán bộ lãnh đạo tỉnh nữa?
          - Không phải thế đâu ạ! Em đọc rồi. Truyện này ca ngợi sự đổi mới, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh ta, nhất là trong việc phát triển kinh tế, công nghiệp hoá nhưng vẫn luôn lo lắng gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Tất nhiên trong truyện cũng có sự phê phán, cảnh báo…
          - Phải phê phán, phải cảnh báo chứ… nếu không lại làm bừa, làm ẩu, sai phạm hết cả lũ à!
          - Vâng... vâng đúng thế ạ!
          - Cậu có tờ báo đăng truyện ngắn ấy không?
          - Dạ! Chồng báo để trên bàn thủ trưởng có đủ các loại báo chí đấy ạ!
          - Thì có thời gian đâu mà đọc… Tý nữa, khi tôi vào họp, cậu vòng xe về lấy ngay tờ báo có đăng truyện ấy cho tôi. Giờ nghỉ trưa nay tôi sẽ tranh thủ xem.
          Lái xe Sang mở cốp xe rút ra một tờ báo nói:
          - Em cũng có số báo ấy đây ạ!
          Sếp cầm tờ báo cất vào cặp.
          Buổi chiều, lái xe Sang đang ngồi chơi “phỏm” sát phạt cùng cánh lái xe của các sếp thì điện thoại di động giãy lên bần bật trong túi quần. Sếp gọi lên gấp ngay có việc. Sang vừa đến phòng làm việc của lãnh đạo thì sếp cũng vừa viết xong. Một chữ ký phóng khoáng hất lên. Sếp đưa cho Sang tờ giấy vừa viết và bảo:
          - Đưa ngay sang hội văn nghệ tỉnh!
          Sang nhận tờ giấy rồi vọt ngay ra cửa. Anh liếc nhanh mấy dòng chữ viết rất bay bướm của sếp: “Gửi BCH Hội Văn học nghệ thuật: Tôi đã đọc truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” đăng trên số báo ngày… Đây là một truyện ngắn hay, mạnh dạn, có cách nhìn nhận mới, rất đáng được trân trọng, biểu dương. Ký tên…”.
          Và thế là số phận của truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” đã được định đoạt. Anh giáo trẻ Lê Thi thoát nạn nhờ vậy.
          Câu chuyện của tôi định dừng lại ở đây thì có người hỏi: “Vậy số phận của ông Diêu thế nào?”. Tôi cũng ớ người ra rồi tự hỏi: “Ừ nhỉ! Ông Diêu, ông ấy bây giờ thế nào rồi nhỉ?”.

           8- Ông Diêu tỉnh lại sau mấy ngày hôn mê. Ông đưa mắt nhìn xung quanh. Phòng bệnh có đến sáu bảy bệnh nhân đang nằm ngủ. Người nhà đi theo chăm nuôi nằm lăn lóc dưới đất. Bây giờ có lẽ mới chỉ mới ba bốn giờ sáng. Ông chợt thấy vô cùng hứng khởi. Đột nhiên ông cất cao tiếng hát:
          “Cuộc đời chúng ta
          Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà
          Cuộc đời chúng ta
          Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa
          Đối mặt quân thù
          Chiến đấu không lui...”
          Mọi người trong phòng bệnh giật mình tình giấc. Họ trố mắt nhìn ông Diêu. Ông Diêu vẫn cất cao tiếng hát một cách vô tư. Đây là bài hát mà ông đã sáng tác từ thời chiến tranh. Ông hát một cách vô cùng hào hứng, say sưa. Đám y sĩ, hộ lý rồi các bác sĩ trực đêm nghe tiếng ồn ào ở phòng bệnh nhân cũng chạy đến. Nhìn cảnh ấy có người thốt lên: “Thôi chết! Ông này bị rối loạn thần kinh mất rồi!”. Họ đỡ ông nằm xuống nhưng ông lại bật ngồi dậy, còn toan đứng lên nữa nếu không vướng các loại dây rợ chằng chịt trên người. Ông vẫn hát:
          “Cuộc đời chúng ta
          Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà...”
          Bà vợ và con gái ông Diêu mãi mới đến. Cô con gái nhìn thấy bố như vậy òa khóc. Bà vợ ông thì dậm chân thình thịch:
          - Ông điên mất rồi! Ông không để cho ai yên à. Hay ông lại muốn tất cả đều điên hết như ông.
          Anh bác sĩ khuyên bà bình tĩnh. Anh lựa lời xoa dịu cơn hưng phấn bột phát đột ngột của ông Diêu. Nhưng ông vẫn bừng bừng một khí thế như đang đứng trên trận địa nghi ngút khói lửa cất cao “tiếng hát át tiếng bom” như ngày nào. Cuối cùng họ phải tiêm cho ông một mũi an thần ông mới dịu đi. Ông nhắm mắt như đang ngủ. Từ khóe mắt của ông có giọt lệ tràn ra lăn xuống gò má.
          Trời chưa sáng hẳn. Mà ở bệnh viện thì có việc gì đâu mà người ta cần dậy sớm. Mọi người lại thiu thiu ngủ.
          “Cuộc đời chúng ta
          Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà
          Cuộc đời chúng ta
          Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa
          Đối mặt quân thù
          Chiến đấu không lui...”
          Cả phòng bệnh lại bật dậy bởi tiếng hát ầm ầm của ông Diêu. Trong số các bệnh nhân, người nhà ở cùng phòng có người thì thở dài, có kẻ thì cáu cẳn vì mất giấc ngủ: “Lão này điên thật rồi, đề nghị đưa ngay sang khoa thần kinh!”. Đám y tá bác sĩ trực lại lao đến. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện và trao đổi với bà vợ ông Diêu, họ chuyển ông sang một căn phòng nhỏ khác. Từ ấy, người ta vẫn nghe tiếng hát của ông vang vẳng trong bệnh viện bất cứ lúc nào, sáng sớm, buổi chiều hay cả lúc nửa đêm thanh vắng. Giọng ông hình như mỗi ngày một tha thiết và hay hơn:                           
          “Cuộc đời chúng ta
          Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà
          Cuộc đời chúng ta
          Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa
          Đối mặt quân thù
          Chiến đấu không lui...”
 
           9- Buổi lễ trao giải thưởng hàng năm của tỉnh dành cho văn học, nghệ thuật diễn ra khá trọng thể. Lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến dự trự tiếp trao thưởng và phát biểu ý kiến.
          Truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” được trao giải chính thức cao nhất về văn học. Báo văn nghệ tỉnh đăng lại truyện ngắn và cả bài phê bình của ông Diêu để làm quà tặng cho các đại biểu dự lễ. Thực ra bài phê bình giới thiệu truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” chính là phần hai bản kiểm điểm của ông Diêu dạo trước.
          Lê Thi rất bất ngờ và xúc động khi biết tin “Cánh đồng thao thức” được tặng thưởng. Anh lúng túng khi nhận bằng khen và phong bì tiền thưởng do ông lãnh đạo tỉnh trực tiếp trao. Anh được mời phát biểu cảm tưởng. Trong lời phát biểu của mình, Lê Thi không quên nhắc tới ông Diêu là người đã biên tập và cho đăng truyện ngắn này trên tờ báo văn nghệ tỉnh. Giọng anh nghe thật bùi ngùi, xa xót.
          Kết thúc buổi lễ vừa ra khỏi hội trường thì Lê Thi gặp ngay ông hiệu phó nhà trường đang đứng đợi ở tiền sảnh. Ông dúi vào tay anh một bó hoa đã héo rũ và nói:
          - Hiệu trưởng dặn cậu nhận xong giải thưởng là về trường ngay. Cả ban giám hiệu đang chờ đón mừng cậu. Ngay chiều nay, nhà trường sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ giao lưu gồm toàn thể giáo viên và các em học sinh giỏi văn các khối lớp để nghe cậu nói về tác phẩm “Cánh đồng thao thức” và về giải thưởng cao quý này. Đây cũng là vinh dự, niềm vui chung của cả trường ta đấy. Tôi được giao nhiệm vụ lên tận đây để chúc mừng và đón cậu cùng về trường luôn.
          Lê Thi nhăn mặt. Nhưng rồi anh kịp định tâm. Anh bảo:
          - Thầy hiệu phó cứ về trước đi! Tôi còn có việc bận phải đi!
          Nói xong anh dắt cái xe máy Tàu đạp nổ bành bạch rồi phóng đi luôn, bỏ mặc ông hiệu phó đứng chưng hửng ở trước cửa nhà hội trường.
          Lê Thi phóng xe vào bệnh viện tỉnh. Anh tìm đến phòng bệnh của ông Diêu. Thấy một người mặc áo bệnh nhân đang đi đi lại lại giữa phòng, anh nhận ngay ra đó là ông Diêu. Anh chào:
          - Bác ạ!
          Ông Diêu quay phắt lại hỏi:
          - Đồng chí ở bộ phận nào thể!
          - Thưa bác... cháu là... là...
          - Là ai hả! Là ai mà đang lúc chiến đấu ác liệt, lúc khó khăn gian khổ lại quay về đây hả! Định đào ngũ, thoái lui phải không?
          - Bác ơi!
          - Bác ơi cái gì! Tiến lên. Thanh niên là phải dũng cảm tiến lên, dù khó khăn gian khổ, hiểm nguy đến mấy cũng vẫn phải hăng hái tiến lên! Hiểu không?
          Lê Thi tiến lại gần nắm tay ông Diêu. Ông giằng ra hô to:
          - Đồng chí! Về ngay vị trí chiến đấu... rõ chưa...
          Lê Thi lúng túng không biết làm thế nào bây giờ. Giữa lúc đó thì cô con gái ông Diêu bước vào. Anh hỏi thăm cô về bệnh tình của ông. Anh rút trong túi ra cái phong bì có hai triệu tiền thưởng vừa nhận lúc nãy đưa cho cô và nói:
          - Nhờ em mua quà cho bác!
          Lê Thi chào ông Diêu và cô con gái rồi ra về. Anh bước đi mà lòng nặng chĩu. Chốc chốc Lê Thi lại ngoái lại nhìn căn phòng ở góc bệnh viện nơi ông Diêu đang ở để điều trị bệnh. Ra đến gần cổng bệnh viện rồi mà anh vẫn nghe văng vẳng tiếng hát của ông:
          “Cuộc đời chúng ta
          Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà
          Cuộc đời chúng ta
          Hết chiến trường gần, lại chiến trường xa
          Đối mặt quân thù
          Chiến đấu không lui...”.
 
         (hết)                                                                   Hà Nội, tháng 10-2009        
  

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Truyện ngắn đăng Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh

         *Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 257 ra Thứ năm, ngày 6/6/2013 đăng Truyện ngắn Họa văn chương của tôi. Tác giả trân trọng cảm ơn Ban biên tập báo và xin giới thiệu lại truyện ngắn này trên blog của mình. Vì truyện hơi dài nên xin được ngắt ra làm hai phần để đưa lên blog (Trọng Bảo).

            HỌA VĂN CHƯƠNG
           Truyện ngắn của Trọng Bảo

          

            1- Báo ra. Cả hội vui như tết. Thế là bao nhiêu năm lận đận, chạy ngược, chạy xuôi, ông Diêu, chủ tịch hội văn học nghệ thuật tỉnh cũng hoàn thành tâm nguyện cuả mình trước khi về hưu. Đó là xuất bản được tờ báo văn chương, tiếng nói, diễn đàn văn học của hội và của những người yêu văn chương trong tỉnh.
          Tiếng là hội văn học nghệ thuật tỉnh nghe oai thực ra chỉ có vài ba chục người. Nhưng cái tỉnh miền núi heo hút này cũng lạ. Nghèo thì nghèo đấy nhưng lại lắm người thích văn chương. Khi chia tách tái lập tỉnh, cánh văn nghệ sĩ có tiếng, văn chương có hơi hướng chuyên nghiệp một tý là đều tìm cách chạy về Hà Nội. Số còn lại đều văn vẻ èng èng. Phần đa là các ông chủ doanh nghiệp có tiền, mỗi năm xuất bản đến hai ba tập thơ, đọc một bài biết cả trăm bài. Cũng có một số cựu chiến binh thích viết văn, làm thơ thơ ôn lại một thời trận mạc đọc lên cứ nghe như là quán triệt nghị quyết trước trận đánh, có đủ mục tiêu, nội dung, quyết tâm và biện pháp. Văn, truyện thì bao giờ cũng có mở đầu, thân bài, kết luận đầy đủ và dứt khoát là tuân thủ theo nguyên tắc “ta thắng, địch thua” rất rõ ràng.
          Ông Diêu vốn là dân âm nhạc. Khi còn thanh niên ông ở đội văn nghệ xung kích ôm đàn hát trên trận địa động viên bộ đội, dân quân trực chiến ngẩng cao đầu nhằm thẳng máy bay giặc Mỹ mà nhả đạn. Mèo mù vớ cá rán thế nào trong lúc hứng khởi ông lại xuất thần sáng tác được một bài hát “Quê hương ta ơi” khá hay về tỉnh nhà. Bài hát của ông được phổ biến nhờ đám văn công không chuyên hát ra rả khi biểu diễn phục vụ nhân dân, bộ đội, nghe mãi quen tai cũng thấy hay hay. Lãnh đạo tỉnh rất thích. Nhạc của bài hát được chọn làm nhạc hiệu của chương trình phát thanh rồi sau này là cả chương trình truyền hình của tỉnh. Thế là ông được điều về làm thành viên sáng lập hội văn học nghệ thuật của tỉnh. Ông giữ chức phó rồi chủ tịch hội từ ngày thành lập đến nay.
          Cầm tờ báo còn thơm sực mùi mực in trên tay ông Diêu đọc lại truyện ngắn “Cánh đồng thao thức”. Truyện ngắn này ông đã đọc đi, đọc lại nhiều lần khi biên tập nhưng ông vẫn thích. Quả là một truyện ngắn hay, tác phẩm khá nhất của số báo đầu tiên. Tác giả nó là một giáo viên cấp ba. Ông vẫn còn nhớ vẻ mặt anh ta khi đến gặp ông để gửi bài. Đó là một anh chàng còn rất trẻ, vẻ bẽn lẽn rụt rè:
          - Thưa bác! Cháu là giáo viên, cũng chỉ tập viết văn, cháu xin gửi…
          - Gửi bài đăng báo hả?
          - Dạ…
          Cậu ta gãi đầu, gãi tai vì ngượng ngùng. Tay cầm tập bản thảo cuốn tròn trong tay. Ông Diêu phải động viên anh ta mới dám đưa tập bản thảo cho ông. Để tỏ ra là quan tâm đến tác giả, ông mở ra đọc ngay. Cũng chỉ định là lướt qua để cậu ta yên tâm nhưng càng đọc, ông càng bị cuốn hút vào câu chuyện của cậu ta. Ông quên cả cái ấm đã đổ chè để trên bàn.
          Trong khi đó anh giáo trẻ chăm chú theo dõi nét mặt của ông chủ tịch hội văn nghệ tỉnh, vẻ hết sức hồi hộp. Đọc một mạch xong cái truyện ngắn dài độ sáu trang vi tính, ông Diêu đặt xuống bàn, mặt thừ ra. Anh giáo trẻ lo lắng nghĩ: “Chắc là dở quá rồi!”. Anh giơ tay qua mặt bàn:
          - Bác cho cháu xin lại! Cháu đem về sửa chữa thêm…
          - Ơ… ơ… - Ông Diêu giật mình: - Sao lại xin lại?
          - Cháu… cháu…
          - Cháu cái gì… truyện ngắn này rất khá… sẽ cho đăng ngay trong số báo đầu tiên của hội.
          - Thế…
          - Cậu viết được lắm! “Dân” tổng hợp văn à?
          - Dạ vâng, cháu học đại học văn.
          - Nghiệp văn chương là bạc bẽo lắm… - Chợt nhận ra là không nên nói như vậy với một người đang ngấp nghé bước vào con đường văn chương, ông vội động viên: - Nhưng thôi! Đã mang cái nghiệp vào thân thì cố mà theo cho đến cùng nhé. Cậu cứ mạnh dạn viết đi, cách viết như truyện này là tốt… Tốt lắm…
          - Vâng ạ…
          Anh giáo trẻ sung sướng đáp. Ông Diêu có điện thoại. Anh giáo đứng dậy xin phép ra về. Ông Diêu gật gật đầu, tay phất phất xuống như bảo cậu ta cứ yên tâm. Anh giáo đi rồi ông mới chợt nhớ là quên chưa pha trà mời tác giả và cũng quên chưa hỏi xem cậu ta đang dạy ở trường nào. Ông giở trang cuối tập bản thảo, chỉ thấy ghi “tác giả Lê Thi”. Ông nghĩ cũng chẳng sao, khi truyện đăng lên báo, tác giả sẽ xuất hiện thôi.
          Bây giờ cầm tờ báo mới trên tay, ông Diêu lại nghĩ đến vẻ rụt rè ngượng nghịu của anh giáo trẻ lần đầu bước chân vào cõi văn chương. Ông thấy vui vui khi nghĩ đến cảnh cậu ta nhảy cẫng lên khi tác phẩm đầu tay của mình xuất hiện trên trang nhất của tờ báo văn chương của tỉnh. Ông Diêu gọi cô thư ký toà soạn đem lên năm tờ báo, đóng dấu “kính biếu” cẩn thận để vào trong ngăn bàn. Ông có ý để dành tặng thêm cho tác giả.

          2- Một ngày sau khi số báo đầu tiên của hội văn nghệ tỉnh phát hành thì có tin “sét đánh” từ uỷ ban nhân dân tỉnh dội xuống. Truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” có vấn đề. Ông Diêu sửng sốt: “Có vấn đề là vấn đề gì! Đây là một truyện ngắn hay sao lại có “vấn đề” gì được chứ?”.
          Ông Diêu đứng ngồi không yên. Đến chiều thì anh thư ký chi hội văn học phụ trách biên tập phần văn xuôi của báo hớt hải chạy về tìm ông. Anh này có ông chú làm ở văn phòng tỉnh uỷ. Anh kéo ông Diêu vào phòng khép cửa lại thì thào:
          - Bác ạ! Bên tỉnh có ý kiến cho rằng truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” đăng trên báo ta mang tư tưởng xấu, chống lại chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hóa của tỉnh!
          - Chống là chống ở chỗ nào?
          - Thì họ bảo những lời tâm sự của cánh đồng trồng lúa bao đời nay trong cái đêm cuối cùng thao thức trước khi bị san lấp để trở thành khu chế xuất đó là tư tưởng phản kháng, bất ủng hộ chủ trương, nghị quyết của tỉnh. Họ lại còn nói trong truyện ngắn tác giả còn bêu riếu, nói xấu cán bộ tỉnh…
          - Vô lý… hết sức vô lý…! - Ông Diêu bức xức: - Truyện ngắn này tôi đọc đi, đọc lại mấy lần, thấy có đoạn nào như vậy đâu! Tác giả phê phán việc thu hồi đất nông nghiệp tuỳ tiện, tràn lan, lập nhiều dự án treo bỏ hoang nhiều chân chuyên cấy lúa hai ba vụ “bờ xôi, ruộng mật”, là một việc tốt chứ…
          - Chính là ở chỗ đó đấy bác ơi! - Anh thư ký chi hội văn học lau mồ hôi trán: - Nguy nhất là ở chỗ truyện viết về việc thu hồi đất nông nghiệp, san ủi nói là xây chợ nhưng lại chia lô bán cho cán bộ… họ bảo viết thế là ám chỉ một số cán bộ đầu ngành trong tỉnh ta.
          - Chuyện này xảy ra khắp nước, chỗ nào chả có. Mà “Cánh đồng thao thức” là tác phẩm văn học, là hư cấu, có chỉ đích danh là chuyện xảy ra ở nơi nào đâu, sao họ lại nhập nhằng hiểu sai lệch một cách nghiêm trọng thế nhỉ?
          - Bác ơi! Họ có hiểu đâu là văn học, là hư cấu... mà truyện đăng ở báo của hội ta thì họ hiểu nhất định là viết về tỉnh ta… ai mà giải thích khác được.
          - Thôi ai nghĩ thế nào mặc họ…
          - Nhưng… ngày mai sẽ có chỉ đạo chính thức ạ!
          - Chỉ đạo cái gì?
          - Chỉ đạo hội văn nghệ và toà soạn báo tiến hành kiểm điểm, xác định trách nhiệm và hình thức kỷ luật...
          Ông Diêu sửng sốt:
         - Đến nước ấy cơ à? Tưởng chuyện văn chương hư cấu rút kinh nghiệm là xong thôi chứ…
          Anh trưởng thư ký chi hội văn học nhìn ông Diêu lắc đầu. Anh se sẽ thở dài. Ông Diêu thấy choáng váng. Đầu óc ông căng lên. Hình như ông không còn nghe được anh thư ký chi hội văn học nói gì thêm nữa. Ông lập cập cầm ấm nước rót mà không trúng cái chén nhỏ. Nước chè tràn đổ tóe loe ra bàn. Ông vốn là người hiền lành. Gần hết cuộc đời hoạt động trong ngành văn hoá không mắc phải khuyết điểm gì, không để lại một tỳ vết gì trong lý lịch. Thế mà nay sắp đến lúc nghỉ hưu lại xảy ra một sự cố văn chương thế này.
          Hôm sau có ý kiến chính thức từ bên uỷ ban thông báo sang hội văn nghệ tỉnh tiến hành kiểm điểm, xác định trách nhiệm xem ai là người quyết định cho đăng truyện ngắn “Cánh đồng thao thức”, động cơ của việc này thế nào. Nói là ý kiến chỉ đạo như thế nhưng cũng không rõ là ý kiến của đồng chí lãnh đạo nào, chỉ thấy ông phó chánh văn phòng uỷ ban thông báo là “ý kiến của cấp trên”. Thế thôi.


          3- Cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm của hội văn nghệ và ban biên tập báo tưởng là căng thẳng nhưng lại không phải. Ông Diêu nhận hết trách nhiệm về mình. Ông viết một bản kiểm điểm khá dài dòng. Sau khi sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật ông chuyển hướng đi sâu phân tích truyện ngắn “Cánh đồng thao thức”. Nội dung bản kiểm điểm phần sau trái ngược hẳn phần đầu. Nó trở thành một bài phê bình văn học khá hoàn chỉnh về truyện ngắn “Cánh đồng thao thức”. Nó phủ nhận hoàn toàn những điều đơm đặt không đúng mà người ta đã gán cho truyện ngắn này.
          Khuyết điểm của ông Diêu vì thế thêm nặng. Có ý kiến khuyên ông nên từ chức trước khi bị cách chức. Ông bị nhìn nhận như một người có tư tưởng xấu, chống đối lại chủ trương chính sách. Ông Diêu cũng không ngờ là tình hình lại đi xa đến thế. Bà vợ ông là cán bộ cơ quan tổ chức biết chuyện gầm lên:
          - Ông già lõi đời rồi mà còn dại, mắc mưu một thằng trẻ ranh, đăng giúp nó một bài viết phản động lên báo…
          - Bà thì biết gì về văn học mà nói…
          - Ông thì biết à! Cả đời ông là kẻ “xướng ca vô loài”, hát hò vớ vẩn có làm nên trò trống gì không?
          - Bà câm ngay đi!
          Ông Diêu quát. Bà vợ quát lại:
          - Ông câm đi thì có! Ông có biết nếu không có tôi thì ông có ngồi vào được cái ghế chủ tịch hội ấy không hả… Đúng là đồ bám váy đàn bà... Ông làm mất uy tín của tôi, tôi sắp được đề bạt... thế mà...
          - Bà… bà…
          Ông Diêu đứng vụt dậy giơ tay lên định tát cho bà vợ một cái. Nhưng ông bỗng chới với đổ ụp xuống nền nhà như một thân cây chuối bị đột ngột phạt ngang. Đầu ông va mạnh vào góc bàn. Ông có tiền sử bệnh huyết áp cao. Bà vợ ông hốt hoảng ú ớ mãi mới gọi được người đến cứu. Họ đưa ông vào bệnh viện tỉnh. Ông nằm im bất động trên giường bệnh mặc cho các bác sĩ muốn làm gì mình thì làm…


          4- Anh chàng giáo viên trẻ Lê Thi đang đứng trên lớp thao thao giảng bài phân tích về cảnh Thuý Kiều bán mình chuộc cha thì ông hiệu trưởng xuất hiện. Ông thập thò ngoài cửa lớp ngoắc ngoắc tay ra hiệu cho anh ra ngoài và bảo:
          - Cậu cho học sinh tự học rồi theo tôi lên phòng làm việc của ban giám hiệu ngay!
          - Có chuyện gì thế ạ?
          - Cứ theo tôi khắc biết!
          Lê Thi gọi em lớp trưởng dặn dò xong rồi theo hiệu trưởng lên phòng giám hiệu. Có một người lạ mặc thường phục đang ngồi đợi. Sau này Lê Thi mới biết đó là cán bộ an ninh văn hoá. Anh ta đưa tờ báo văn nghệ của tỉnh ra hỏi:
          - Có phải anh viết bài này phải không?
          Lê Thi vồ ngay lấy tờ báo và reo lên:
          - Ôi… đúng rồi… truyện ngắn của tôi đã được đăng báo rồi…
          Vô cùng hứng khởi, Lê Thi giơ tay ra định nắm tay người mặc thường phục có ý cảm ơn đã đem tặng báo. Lê Thi nghĩ anh ta là cán bộ của toà soạn. Nhưng anh này rụt tay lại và nghiêm nét mặt:
          - Anh có biết là anh đã phạm tội gì không?
          Lê Thi ngơ ngác:
          - Tội… tội…tôi phạm… phạm vào cái gì ạ?
          - Anh phạm tội đã viết bài vu khống lãnh đạo tỉnh!
          Lê Thi trố mắt ngạc nhiên:
          - Bài gì ạ?
          - Thì… chính là cái bài đăng ở tờ báo anh đang cầm trên tay đấy!
          - Đây… đây… là một truyện ngắn, một tác phẩm văn học đấy chứ!
          - Văn học gì gì tôi không biết… - Anh ta nuốt nước bọt: - Trong bài có nhiều chỗ công kích lãnh đạo, phê phán chủ trương phát triển kinh tế và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
          - Anh hiểu sai rồi… đây là văn học, văn học có quyền hư cấu, mà tôi có viết gì về tỉnh ta đâu. Truyện ngắn này tôi viết từ khi còn là sinh viên cách đây mấy năm khi đi thực tập ở mãi tỉnh Hải Dương, bây giờ mới đăng đấy chứ. Có phải là chuyện mới viết đâu! Có cả ngày tháng ghi cuối truyện đây này!
          - Hư cấu, hư kiếc gì, viết từ khi nào tôi cũng không cần biết! Chỉ biết là bây giờ đăng trên tờ báo của tỉnh ta là anh phải chịu trách nhiệm.
          Mặc cho Lê Thi giải thích, anh cán bộ an ninh văn hoá vẫn không nghe. Anh ta chỉ biết là đã xác định được đúng người viết bài. Sau khi trao đổi thêm với ông hiệu trưởng, anh ta ra bến xe khách để kịp chuyến xe cuối cùng từ huyện vùng sâu về tỉnh lỵ.

              (còn nữa)                                                               Hà Nội, tháng 10-2009
               

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 13)

         
        NGŨ QU
             Truyện dài của Trọng Bảo 


            

             Càng gần đến tết trời càng rét.
             Anh Phương ngồi co ro trong một cái quán chợ. Gió bắc lùa hun hút vào khu chợ trống chải, thổi tung những cái túi ni lông xanh đỏ lên trời. Hôm nay chợ Niễu không có phiên. Lão Vận đang cặm cụi dùng cái chổi cọ cùn đùn đống rác to tướng về phía góc chợ. Thằng Đầu bò thì đang lang thang đâu đó ngoài thị trấn xem có ai thuê mướn việc gì để làm không. Cuối năm nhiều người sửa sang cơ ngơi, cổng cửa, xây chát, tô vẽ lại nhà cửa để đón tết. Vì thế thằng Đầu bò và anh Phương mới có việc làm. Toàn là những công việc nặng nhọc như đào đất, san nền nhà, vận chuyển vật liệu xây dựng, đào hố trồng cây cảnh. Tuy thế, càng gần sát tết thì càng ít việc. Có hôm, anh và thằng Đầu bò nằm dài trong quán chợ cả ngày nhai bánh mỳ khô không khốc thay cơm chờ xem có ai cần người làm thuê đến tìm.
           Đang mông lung cố nhớ lại những chuyện ngày xưa hành quân ra trận, chuyện bò vào đồn địch trinh sát thì anh Phương giật nảy mình vì tiếng thằng Đầu bò hét gọi rõ to ngoài cổng chợ:
           - Ông liệt sĩ ơi! Đi thôi.
           Anh Phương vội bật dậy vơ lấy cái mũ cối méo mó chụp lên đầu rồi hỏi:
           - Có ai thuê làm việc gì à?
           Thằng Đầu bò gật gật đầu rồi bảo:
           - Có... có... nhưng là làm việc không lấy tiền công đâu ông ạ!
           Anh Phương ngơ ngác nhìn nó. Thằng Đầu bò bảo:
           - Lên làm cho đền Vực! Cụ thủ từ coi đền thuê chúng mình vận chuyển các chậu cây cảnh, đào hố trồng mấy cái cây bồ đề, dọn cỏ rác sau đền chuẩn bị cho lễ hội đền Vực đầu mùa xuân tới. Tôi đã nói với cụ thủ từ rồi là mình không nhận tiền công của đền chùa, chỉ xin cụ thủ từ và các vãi cho hai thằng một bữa cơm chay là được!
           Anh Phương đi theo thằng Đầu bò lên đền Vực. Anh chợt nhớ lại ngày xưa trước lúc lên đường nhập ngũ bà mẹ anh bảo:
           - Mấy thằng cùng đi bộ đội đợt này nhớ bảo nhau lên đền Vực thắp hương cầu thần, khấn phật để các ngài phù hộ cho “đi đủ về đủ, tránh được hòn tên, mũi đạn nơi trận mạc”. Đền Vực làng ta là thiêng lắm đấy!
            Nghe lời mẹ, Phương rủ anh Thưởng, thằng Hiệp và cả cô Liên nữa cùng nhau lên đền. Lúc cả bọn đang mua hương hoa ngoài cổng chợ Niễu thì cái thằng còn lại trong nhóm ngũ quỷ bất ngờ đạp xe đi qua. Nó không phải nhập ngũ ra mặt trận. Ông chú ruột nó là cán bộ cấp to trên tỉnh đã xin cho nó một xuất sang Liên-xô du học. Gặp bốn người đang cầm hương hoa nó cười nhạo:
           - Ngu! Bọn chúng mày ngu lắm. Chả có thần phật, ma quỷ nào hết! Mà thần phật vô tri đéo là cái gì cả đâu. Cứ có ô to là an toàn nhất, là xong tất.
           - Mày… mày không được nói bậy!
           Anh Phương mắng. Nó phẩy phẩy tay vẻ lếu láo nhăn nhở:
           - Chúng mày có cúng vái suốt ngày thì nhất định có thằng cũng sẽ “sinh Bắc - tử Nam” cho mà coi!
           Thằng Hiệp vội đưa bó hương cho Liên để xông tới tống cho nó một quả đấm vào mõm nhưng anh Thưởng vội can:
           - Thôi chấp làm gì cái thằng hãnh tiến!
           Thằng kia biết là đã hơi quá lời, nó vội cúi đầu đạp xe đi thẳng. Vậy mà nó nói lại đúng. Ba người vào bộ đội, một đi thanh niên xung phong. Bốn đi, chỉ có ba trở về. Anh Phương nhớ lần sau thời gian huấn luyện chia tay nhau theo biên chế về các đơn vị chiến đấu, tự dưng thằng Hiệp dở mồm bảo:
           - Tao cứ có linh cảm là lần này ra đi sẽ không trở về nữa mày ạ! Nếu tao không trở về, mày về thì nhớ lên đền Vực thắp một nén hương cầu thần phật phù hộ cho bố mẹ tao luôn mạnh khoẻ. Bố mẹ tao hay đau ốm lắm…
           Không ngờ lời nó nói hôm ấy lại thành sự thật. Anh Phương nghĩ. Suýt nữa thì chính mình cũng không trở về được làng như nó. Anh ngó nghiêng nhìn chăn chú vào gốc cây hoa đại già ở cổng đền. Hôm ấy, sau khi thắp hương ra thằng Hiệp còn dùng con dao nhíp khắc tên mình lên gốc cây đại ở công đền Vực. Năm tháng qua đi đã lâu, vết khắc đã bị vỏ cây phát triển liền lại xoá mờ hết. Cây hoa đại nay cũng đã già lắm rồi. Thân cây đại sù sì nằm xoài xuống mặt đất nhưng những cành non vẫn vươn lên phía trời xanh.
           Mấy năm trước, khi đào đất làm đường ở gần khu đền Vực, người ta tìm được một tấm bia đá có chạm trổ hoa văn rất đẹp. Những dòng chữ Hán khắc trên mặt bia còn tương đối rõ. Dân làng Vực góp tiền cử đại diện về viện Hán nôm ở tận thủ đô Hà Nội thuê người lên đọc dịch văn bia. Đó là tấm bia ghi chép về việc xây dựng đền Vực. Qua nội dung văn bia dân làng mới biết đền là nơi thờ tự một vị nữ tướng từ thời Hai Bà Trưng. Người đã có nhiều công tích rất lẫm liệt trong cuộc khởi nghĩa của hai bà, cũng là người đã khai khẩn thành lập khu trang ấp mà bây giờ là làng Vực, xã Đồng Nhân.
           Tương truyền đó là một nữ võ tướng tài hoa, xinh đẹp. Xuất thân nàng là một người con gái thôn quê giỏi nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa nhưng cũng rất ham luyện tập côn quyền, võ thuật. Có lần, một bọn sơn tràng thả bè gỗ xuôi sông. Qua bãi sông, nghe tiếng hát mê hồn lại thấy một bóng hồng lẻ loi trên bãi dâu, một thằng nhảy xuống sông bơi vào trêu ghẹo, sàm sỡ. Nhưng bàn tay chuyên cầm dao, cầm búa của nó chưa chạm được vào dải yếm lụa của nàng thì đã bị một cú đá móc. Nó lộn mấy vòng bật ra tận mép nước. Hoảng hốt, nó vùng dậy ôm bụng lảo đảo nhào luôn xuống nước cố bơi ra cái bè gỗ đang neo giữa sông. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa dẹp giặc cứu nước, người con gái giỏi võ nghệ ấy nửa đêm đeo gươm bơi qua sông tìm về Mê Linh tòng quân đuổi giặc. Nàng trở thành một tướng tiền quân của nhị vị nữ vương. Cuộc đời trận mạc trên lưng ngựa xông pha nàng chẳng quản hòn tên, mũi đạn. Nhưng rồi cuộc khởi nghiệp của Hai Bà Trưng gặp nguy khốn bởi thế giặc mạnh, lực ta còn non yếu. Hai bà liên tiếp thua trận, bị giặc truy đuổi, cùng đường, phải trẫm mình xuống dòng Hát giang. Vị nữ tướng dẫn bản quân toàn là các nữ chiến binh lui về trang Đồng Nhân tổ chức phòng ngự suốt mấy năm ròng, đánh thắng thêm nhiều trận khiến quân giặc kinh sợ. Khi thế giặc mạnh thì họ lui, dựa thế sông, thế núi hiểm trở để cầm cự. Khi giặc sơ hở thì họ phản công đánh úp, tiêu hao sinh lực của chúng.
           Trận huyết chiến cuối cùng xảy ra ở trên bến sông này. Bọn giặc rơi vào thế trận phục kích của đội quân do vị nữ tướng chỉ huy. Chúng bị đánh tan tác phải tháo chạy tơi bời. Song, khi mà hàng ngàn người ngựa của chúng đã bị dồn ra tận mép nước, sắp sửa bị nhấn chìm xuống dòng sông đang cuồn cuộn sóng thì đột nhiên xảy ra một chuyện. Trong giờ khắc kịch nguy, sắp bị dìm xuống dòng sông thì tên tướng giặc phương Bắc chợt nảy ra một mưu kế hiểm. Nó gào thét hạ lệnh cho đám bại quân lập tức quay lại và cởi hết quần áo, giáp trụ ra để uy hiếp các nữ chiến binh. Hàng nghìn tên giặc mình trần như nhộng, thân mình đầy lông lá, khua gươm, múa giáo đứng chật cả bãi sông. 
           Đoàn chiến mã của vị nữ tướng chợt khựng lại ở trên bờ sông. Những bàn tay cầm gươm, cầm giáo bỗng trở nên ngập ngừng, lúng túng. Những ánh mắt bối rối, nét mặt họ tái đi. Rồi họ cứ lùi dần, lùi dần. Vó ngựa của các nữ chiến binh lộn xộn. Thế trận của họ bỗng chốc trở nên rối ren. Bọn giặc từ thế thua, bị động trở thành chủ động. Khi cái chết cận kề, cơ may sống sót mỏng manh đã khiến chúng trở nên hung hãn liều lĩnh hơn. Lũ giặc cướp tồng ngồng điên cuồng liều chết lao ngược lên bờ sông. Tiếng hú hét dâm loạn của bầy sói thật là man rợ. Từ thuở sơ khai của chiến tranh thời cổ đại đến nay có lẽ chưa bao giờ có một tình huống nào như vậy.
           Các nữ chiến binh trinh tiết trẻ trung, dũng cảm phải lui quân. Họ cứ lùi mãi, lùi mãi. Họ không thể xông vào chém giết một bầy giặc trần truồng như súc vật. Tính tự trọng, sự kinh tởm và sự xấu hổ, hay nói cách khác là bản tính nữ nhi là nguyên nhân dẫn đến thất bại của họ. Khi thế ỉ dốc đột ngột bị phá vỡ thì tinh thần của các nữ chiến binh cũng suy nhanh. Đoàn quân của vị nữ tướng bị quân giặc phản công đánh tan tác. Máu của các trinh nữ nhuộm đỏ cả dòng nước trong xanh. Vị nữ tướng phải dẫn đám tàn binh chạy ngược dòng sông lẩn trốn sự truy đuổi của quân giặc. Bọn giặc được tiếp viện tiếp tục truy đuổi ráo riết. Thế cùng, lực cạn, quân sĩ bên cạnh hy sinh hết, vị nữ tướng phải gieo mình xuống dòng sông Đáy con tuẫn tiết. Thân xác nàng trôi dạt về và mắc lại ở xoáy Vực. Dân làng Vực đã chôn cất và dựng đền thờ người nữ tướng anh hùng. Đó chính là đền Vực bên bờ dòng sông Đáy con.
           Sau khi tấm văn bia được dịch, dân làng Vực đã tổ chức lễ cầu siêu cho vị nữ tướng và những quân sĩ dũng cảm của bà. Đền Vực trở thành một nơi linh thiêng, khói hương luôn nghi ngút. Có một anh nhà báo trên tỉnh đã về tìm hiểu và viết một bài báo về ngôi đền Vực thờ vị liệt nữ anh hùng.
           Trước sự tích của đền Vực và công tích lẫy lừng của vị nữ tướng, dân làng Vực bàn bạc và quyết định phải trùng tu, nâng cấp ngôi đền. Những người dân làng Vực bắt đầu thực hiện việc quyên góp. Họ phôtôcopy bản dịch văn bia cùng bài báo viết về đền Vực và vị nữ tướng anh hùng mang đi khắp nước. Nghe tin ở đâu có người làng Vực sinh sống là họ lần tìm đến quyên tiền. Quả là một cuộc hành trình vĩ đại của những người nông dân thành tâm hướng về tiên tổ. Có những bà, những chị chưa một lần ra khỏi luỹ tre làng cũng cứ khăn gói lên đường. Ai ủng hộ dù chỉ là một đấu gạo, vài nghìn đồng họ cũng chân thành cảm tạ, cũng ghi chép cẩn thận vào sổ công đức và cấp giấy chứng nhận cho người đóng góp.
           Một buổi sáng, tại một công sở của một cơ quan kinh tế lớn có hai người đàn bà quê mùa lam lũ xin vào gặp ông thủ trưởng. Mấy người bảo vệ vừa trông thấy đã ùa ra xua đuổi quầy quậy. Cơ quan đang chuẩn bị đón ông bộ trưởng xuống thăm và trao huân chương lao động cho thủ trưởng cơ quan. Cờ hoa, biểu ngữ đã chăng lên từ hôm trước. Đám nhân viên nữ mặc áo dài thướt tha, ôm hoa đang đứng chờ sẵn.
           Trong khi đó, hai người đàn bà quê mùa lại cứ nài nỉ, luẩn quẩn ở cổng cơ quan, đuổi mãi không chịu đi. Mấy anh bảo vệ đã nổi xung, họ rút cây gậy xanh đỏ cầm tay. Nhưng khi một người đàn bà nói chính là thím của ông thủ trưởng cơ quan này và việc họ đến đây thì máu Trương Phi của mấy anh bảo vệ nguội hẳn. Họ vội vã cấp báo cho anh trưởng ban hành chính biết.
           Anh trưởng ban vội cấp báo lên ông vụ trưởng.
           Ông vụ trưởng vã mồ hôi hột lật đật chạy lên phòng thủ trưởng.
           Thủ trưởng đang đứng trước gương chỉnh đốn lại trang phục, ngắm nghía dung nhan và tập trước mấy lời thưa gửi, báo cáo, hứa hẹn với cấp trên cho xuôi chảy, khỏi lúng túng ấp úng khi nhận huân chương. Nghe tiếng gõ cửa, ông ta sẵng giọng:
          - Có việc gì thế?
          - Dạ! Báo cáo… báo cáo… 
          Ông vụ trưởng vừa mở cửa vào vừa nói. Thủ trưởng cau mặt:
          - Báo… báo… cái gì, nói ngay đi, bộ trưởng đã đến rồi à?
          - Dạ chưa ạ! Mà… mà là có thím họ của thủ trưởng từ quê lên gặp ạ!
          - Thím… có đúng không? Những kẻ mạo danh bây giờ thiếu gì! Mà bà ấy lên có việc gì?
          - Bà ấy nói gặp thủ trưởng để quyên góp trùng tu đền… đền… đền…
          - Đ… ề… n… V… ự…. c...!
          Thủ trưởng nhắc. Ông vụ trưởng thở phào:
          - Vâng… vâng… đúng thế ạ! Họ còn có đem theo cả bài báo viết về ngôi đền ấy đây ạ. Họ nói là đưa để thủ trưởng đọc rồi quyết định khai tâm công đức, đóng góp để trùng tu xây dựng đền ạ.
          - Báo với chí gì, vứt đi, chỉ toàn viết láo! Thôi bảo thủ quỹ quăng cho họ mấy đồng để họ đi ngay đi. Bộ trưởng sắp đến rồi đấy, hiểu không!
          - Thưa anh là bao nhiêu ạ?
          - Hai triệu! À mà thôi… cho bọn họ hẳn năm triệu để họ biến đi cho nhanh…
          Ông vụ trưởng vừa đi ra đã vội quay ngay lại. Ông chưa kịp báo cáo thêm thì thủ trưởng đã hất hàm:
          - Lại còn việc gì nữa?
          - Dạ! Nhưng hai người đàn bà nói là xin gặp để thủ trưởng ký vào sổ vàng công đức và trao tận tay thủ trưởng giấy chứng nhận đã ủng hộ xây dựng đền Vực ạ!
          - Thôi dẹp… dẹp… dẹp! Vớ vẩn, không cần, bảo họ đi ngay đi!
          Thủ trưởng xua xua tay vẻ bực.
          Ông vụ trưởng đi rồi, thủ trưởng vẫn chưa hết bực. Ông lẩm bẩm: “Đền với điếc, tày cái lỗ mũi! Ông sẽ về quê xây hẳn một cái đền to gấp ba gấp bốn cho mà biết! Mà ông sẽ xây cái mái đền cao vút như cái mái cung điện Pi-e đại đế hồi du học bên Liên-xô mà ông từng biết!”.
          Chả phải viết thêm, bạn đọc cũng đã biết. Ông thủ trưởng này chính là nhân vật thứ năm trong “nhóm ngũ quỷ” của làng Vực-cái làng nhỏ bé bên bờ dòng sông Đáy con chảy qua miền trung du xanh thẳm…

           (còn nữa)                                                                           Hà Nội, tháng 4-2013 

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 12)


            
           NGŨ QUỶ
           Truyện dài của Trọng Bảo

           

            Lại sắp đến tết. Trời vẫn còn rất rét nhưng không khí tết đã rộn ràng.
           Anh Phương trở về quê đã được gần ba tháng. Chuyện “liệt sĩ sống lại” ở làng Vực rồi cũng lắng dần. Ở cái vùng quê nghèo này có lẽ chuyện không bao giờ lắng nhạt chính là chuyện về cuộc sống “cơm-áo-gạo-tiền”. Thời kinh tế thị trường thì các khoản “cơm-áo-gạo” có khá hơn nhiều so với thời bao cấp, phân phối theo chế độ tem phiếu. Riêng chuyện “tiền” thì thời nào cũng thế. Thời nào thì tiền vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng và thời sự nhất. Mà cũng lạ, khi tiền ít thì sức nóng của đồng tiền không cao lắm. Khi tiền nhiều, sức nóng lại tăng lên. Càng nhiều tiền xã hội càng nóng bỏng hơn. Hoá ra khi người ta càng kiếm được nhiều tiền thì lại càng ham, càng lao vào để kiếm thật nhiều tiền hơn như một con thiêu thân, bất chấp nguy hiểm, tù tội. Ở cái vùng quê này đã xuất hiện những người có nhiều tiền. Họ là những cán bộ, những doanh nhân thành đạt. Nhưng đại đa số thì vẫn nghèo, thường xuyên bị “viêm miệng túi”. Người giàu, kẻ nghèo cũng đều luôn phải nghĩ đến tiền là chuyện thường trực hàng ngày. Có lẽ vì thế mà họ lãng quên đi nhiều chuyện khác. Gặp anh Phương ngoài đường nhiều người chỉ kịp giơ tay nói vội:
          - Chào ông “liệt sĩ” nhé!
          Hoặc đầy đủ hơn một chút là:
          - Xin chào ngài “liệt sĩ” làng Vực...
          - Hôm nào rỗi rãi bác “liệt sĩ” nhớ lại đến chơi kể chuyện chiến đấu cho đám nông dân chúng em nghe vui tý chút nhé!
          -...
          Có lẽ họ đã quên mất anh tên là Phương rồi. Nhiều người chỉ nhớ đại loại anh từng là liệt sĩ, từng có bia mộ đàng hoàng trong nghĩa trang, thế thôi. Anh Phương cũng không trách gì những người vô tâm. Ngay bản thân anh cũng còn phải lo kiếm tiền như họ để bảo đảm cho cuộc sống của mình và của mẹ. Mẹ anh đã không còn khoản trợ cấp hàng tháng của thân nhân liệt sĩ nữa. Ở nông thôn, nhất là vùng nông thôn miền núi nghèo thế này mà mỗi tháng có hơn một trăm nghìn đồng trợ cấp cũng đủ tiền đong gạo, tiền muối mắm, rau dưa. Bà Thuân vốn là người tằn tiện. Mỗi tháng chỉ có vài chục nghìn tiền trợ cấp, từ đầu năm nay mới được tăng lên hơn một trăm nghìn, vậy mà bà cũng tích cóp được vài triệu. Nhân dịp ngày 27-7 năm ngoái, bà còn được một doanh nghiệp hảo tâm tặng cho một cuốn sổ tiết kiệm có số dư ghi trong tài khoản là tám trăm ngàn đồng. Vậy chi là bà đã dành dụm được hơn hai triệu đồng phòng khi già yếu. Từ khi anh Phương trở về bà đã có ý định sử dụng số tiền này vào một việc quan trọng. Bà quyết định đi tìm cô Liên, người bạn học của con trai và cũng là người bao năm qua vẫn thường xuyên qua lại chăm sóc, giúp đỡ bà.
          Cô Liên vừa đi chợ về thì bà Thuân cũng vào đến cổng. Hôm nay là chủ nhật nên anh chồng Liên cũng được về tranh thủ. Anh cán bộ tỉnh đội vội chạy ra cổng đón bà Thuân với vẻ mặt ái ngại. Anh nghĩ là hôm nay bà lại đến để hỏi về chế độ cho anh Phương, mà chuyện này thì quả thật là nan giải. Cơ quan quân sự tỉnh của anh cũng chưa biết xử trí ra sao về trường hợp của “liệt sĩ” Phương trở về vì chưa có bất cứ một loại giấy tờ thông tin gì. Cô Liên đặt vội cái làn đi chợ xuống thềm rót nước mời bà Thuân.
          Bà Thuân cười bảo anh chồng cô Liên:
          - Chú làm gì thì cứ đi làm đi, để hai chúng tôi bàn bạc một chuyện hệ trọng!
          Anh chồng cô Liên không hiểu có việc gì. Anh nói:
          - Vâng! Con mời bà vào nhà! Trưa nay bà ở lại chơi xơi cơm với vợ chồng con nhé!
          Để hai người ngồi nói chuyện với nhau ở thềm, anh cầm cái kéo cắt tỉa cây ra vườn. Hai người đàn bà thủ thỉ bàn chuyện với nhau. Cô Liên nghe bà Thuân nói thì nửa mừng, nửa lo. Bà Thuân bàn với cô Liên chuyện tìm vợ cho anh Phương. Việc này quả là vô cùng hệ trọng. Anh Phương đã ngoài bốn mươi tuổi rồi, cao thì chưa tới mà thấp thì đã quá xa. Đám thanh nữ mới lớn gọi anh là chú.  Những cô quá lứa lỡ thì trong làng ngoài xóm thì khối nhưng lại còn có một vấn đề tế nhị nữa mà bà Thuân và cô Liên phải cân nhắc. Anh Phương cưới vợ không phải chỉ để khi trái gió trở trời, khi về già vợ chồng nương đỡ lẫn nhau. Bà Thuân còn mong có người nối dõi tông đường. Nhưng những cô lỡ dở ngót nghét tuổi anh Phương thì còn hy vọng đẻ đái gì nữa. Cô Liên chợt nhớ đến một người. Đó là chị bí thư chi đoàn làng Vực ngày trước của mình. Nhưng Liên hơi băn khoăn, đắn đo. Chị này người khô khô, dáng người thẳng đuồn đuỗn, cằm chìa ra như cái lưỡi cày, mưa rơi ướt mồm không ướt ngực. Là cán bộ đoàn, chị ta luôn giáo huấn đám thanh niên về tình yêu chân chính, về khát vọng, lý tưởng cao quý của tuổi trẻ. Một lần, toàn chi đoàn đi lao động làm mương máng thuỷ lợi cho hợp tác xã. Trong đám thanh niên có một thằng trông rất ngổ ngáo. Hắn là dân làng Vực và là một thanh niên đang được bồi dưỡng phấn đấu vào đoàn nên cũng phải tham gia lao động cùng chi đoàn. Lúc nạo vét bùn dưới mương nước, hắn vớ ngay được một con rắn mồng. Đây là một loại rắn nước rất hiền, không biết cắn người bao giờ. Hắn liền nhét luôn con rắn nước vào túi áo. Thừa cơ khi chị bí thư chi đoàn đang cúi người vét bùn, cái cổ cái áo bà ba trễ xuống, hắn liền nhanh tay thả luôn con rắn mồng vào trong cổ áo của chị ta. Chị bí thư chi đoàn hét lên một tiếng kinh hãi rồi ngã lăn xuống vũng bùn đen hôi thối, bẩn thỉu. Bọn con gái sợ hãi không dám chạy đến cứu người bí thư chi đoàn. Mấy thằng con trai phải ra tay. Bọn chúng xốc nách kéo người nữ bí thư chi đoàn của mình gần như đã ngất đi vì khiếp sợ lên trên bờ mương. Một thằng lúng túng mãi mới tháo được cái thắt lưng to bản có cái bao đựng đạn CKC mà chị bí thư chi đoàn thắt ngang bụng. Chị này cũng là trung đội trưởng dân quân, tinh thần sẵn sàng chiến đấu rất cao. Lúc nào chị ta cũng đeo súng đạn theo bên người. Chính do cái thắt lưng này bó chặt mà con rắn nước không chui ra khỏi người chị ta được. Một thằng thanh niên lúng túng cởi khuy áo rồi lôi con rắn mồng đang ngọ nguậy trong ngực chị bí thư chi đoàn ra ném đi. Lúc này cô Liên và mấy nữ đoàn viên mới dám nhào đến dìu người bí thư của mình lên lán chỉ huy công trường để xoa dầu gió cấp cứu cho chị ta tỉnh lại.
          Sau bận ấy thì con đường phấn đấu trưởng thành của cái thằng thanh niên ngổ ngáo làng Vực đó coi như tịt ngòi hẳn. Hắn bị đưa ngay ra khỏi diện cảm tình để theo dõi bồi dưỡng kết nạp vào đoàn. Hắn cũng đếch cần. Hắn vốn tính ngổ ngáo hay nghịch ngợm quen rồi. Dần dần hắn trở thành một tay bất trị, thích gây gổ đánh nhau, từng bị công an bắt đi cải tạo lao động mấy lần. Đó chính là cái thằng mang biệt danh “Đầu bò” bây giờ chuyên làm thuê ngoài chợ Niễu. Còn chị bí thư chi đoàn kia thì đến nay vẫn chưa lấy chồng. Khi đã hết cái tuổi thanh niên xung phong hăng hái, chị này được chuyển sang làm công tác phụ vận. Chưa có chồng nhưng cũng chẳng thấy có ai tán tỉnh, dạm hỏi chị ta bao giờ. Đám thanh niên trong chi đoàn thì vẫn rỉ tai nhau bảo: “Bà bí thư chi đoàn của chúng mình vẫn còn trinh đấy!”. Khi bất chợt nghĩ đến chị bí thư chi đoàn cũ, cô Liên bỗng bật cười. Bà Thuân thấy cô Liên cười thì phấn khởi hỏi:
          - Đã tìm được đám nào cho em nó rồi hả?
          - Chưa… chưa… bà cứ để thư thư để con còn ngắm nghía cho kỹ càng đã bà ạ!
          Cô Liên lúng túng đáp. Bà Thuân thì thở dài bảo:
          - Còn ngắm nghía gì nữa… đã muộn lắm rồi, kén cá chọn canh làm gì!
          Nhưng rồi một vài đám mà bà Thuân và cô Liên nhăm nhe, ướm thử cho anh Phương đều không thành. Nhiều đám lại còn trở thành một trò đùa xuyên tạc, cười cợt của đám thanh niên vô công rồi nghề. Chuyện nọ xọ chuyện kia khiến đám đàn bà, con gái ế ẩm trong xã rất tức giận. Ngay cả cái chị cựu bí thư chi đoàn làng Vực ngực phẳng như tấm ván cũng sưng xỉa mặt mày. Chị ta đã gặp và mắng Liên một trận vì cô có ý mai mối, gán ghép chị ta với người bạn học cũ của mình. Hình như chị này vẫn còn đang giữ giá, làm cao. Chả gì thì chị ta cũng đường đường là một cán bộ hội phụ nữ xã Đồng Nhân, một xã trọng điểm văn hóa của huyện. Song thực ra thì cũng không hẳn là thế mà cái chính là chị ta đã nghe lỏm được bọn thanh niên trong xã vẫn đồn đại chuyện anh Phương. Bọn chúng kháo nhau anh Phương bị bom làm chấn thương sọ não rất nặng, hồi phục tỉnh táo như bây giờ chỉ là tạm thời. Đến khi thời tiết thay đổi là anh lại lên cơn tâm thần, nhìn quân ta hoá ra quân địch, hay gào thét đập phá lung tung. Vì thế nên chị ta càng sợ. Hơn nữa, anh Phương tiếng là người lính chiến từ mặt trận trở về nhưng giấy tờ tuỳ thân, chứng nhận công lao, thành tích chả có gì ngoài cái giấy báo tử của tỉnh đội và cái bằng Tổ quốc ghi công thì đã bị cấp trên thu hồi mất rồi. Chị ta là cán bộ xã thì không thể tự dưng lấy một người làm chồng lý lịch không rõ ràng như thế.
          Chuyện anh Phương tìm vợ chưa đâu vào đâu nhưng anh thì lại có thêm một biệt danh, một cái tên mới. Đó là “Phương điên”. Ở làng Vực và cả xã Đông Nhân này người ta quen gọi những người bị bệnh tâm thần là điên. Vậy là trước mặt anh thì họ gọi là người anh hùng, là “liệt sĩ” sống lại, trở về, sau lưng anh thì họ gọi là thằng “Phương điên” làng Vực…

          (còn nữa)                                                            Hà Nội, tháng 4-2013

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 11)

        
        NGŨ  QUỶ
          Truyện dài của Trọng Bảo   
       
          

          Anh Phương tập tễnh đi ra chợ.
          Con đưởng tỉnh lộ chạy ngang qua xã Đồng Nhân ngày anh chưa đi bộ đội đắp bằng đất đồi sỏi đỏ lồi lõm đầy những ổ gà. Mùa khô bụi mù mịt, mùa mưa thì trên mặt đường lớp bùn đỏ sền sệt như vữa. Bây giờ con đường đã được mở rộng và rải nhựa phẳng phiu. Hai bên đường đầy những nhà hàng, tiệm sửa xe, hiệu uốn tóc, quán cà phê. Chỉ có cái chợ Niễu là vẫn như xưa. Nó vẫn cũ kỹ, mốc thếch và nhầy nhụa, bẩn thỉu giống như thời bao cấp trước đây. Dưới gốc cây đa cổ thụ giữa chợ vẫn là những dãy quán che bằng lá cọ, lợp tranh lụp sụp. Chỉ có khác là phía sát đường người ta xây một dãy ki-ốt cho thuê, chỉ để một lối ra vào chợ. Quán chợ thì nhếch nhác nhưng cái cổng ra vào thì lại được xây rất hoành tráng, có cổng sắt hẳn hoi. Họ làm như thế để dễ thu tiền thuế, thu lệ phí và không cho xe máy, xe đạp ra vào trong chợ. Chợ quê bao đời nay vẫn là nơi mua bán, giao lưu của dân chúng. Thời bao cấp ngăn sông cấm chợ, hàng hoá hiếm hoi, bói không ra một phản bán thịt lợn. Bây giờ thì khác hẳn. Ngày chợ phiên thịt lợn bán cả dãy. Ngày thường cũng có ba bốn phản thịt phía ngoài cổng chợ.
           Anh Phương nhớ lại những lần khi còn nhỏ được theo mẹ đi chợ, nhất là phiên chợ tết cuối năm. Phiên chợ tết họp vào ngày hai sáu tháng Chạp. Đây cũng là phiên chợ Niễu cuối cùng trong năm âm lịch. Ngày còn bé anh Phương háo hức chờ phiên chợ Tết. Tụi trẻ con đứa nào cũng mong được mẹ cho theo đi chợ. Đến chợ tha hồi ngắm hàng hóa, mua sợi chỉ cước, cái lưỡi câu và được mẹ mua cho miếng kẹo kéo nhai quẹo cả răng. Khi đã lớn thì anh và bọn bạn tự kéo nhau đi chợ. Những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, chợ Niễu sơ tán họp trong rừng cây lá cọ. Từng dãy hàng quán lụp sụp nép mình dưới tán cây. Phiên chợ Tết quê nghèo chả khác những phiên chợ hàng ngày là mấy, vẫn có người bán mua những thứ gạo ngô, khoai sắn, than, củi. Có khác chăng là sự xôn xao, náo nhiệt từ đêm trước bởi đã có người buôn bán kéo đến dựng lều, làm quán, bày hàng sẵn, là sự lâng lâng trong lòng người đi chợ. Phiên chợ Tết còn có thêm những hàng lá dong, gạo nếp, mía cây còn cả ngọn lá để người ta mua về làm gậy cho ông vải. Đặc biệt là những hàng bán tranh ảnh, câu đối, hoa giấy. Câu đối, tranh ảnh móc đầy gốc cây cọ, treo trên dây làm sáng bừng cả phiên chợ quê vốn nghèo nàn, lam lũ.
          Đám trẻ con choai choai chỉ thích nhất là hàng bán pháo tép. Những quả pháo tép chỉ tày đầu đũa được tết thành bánh, cài thêm vài quả pháo cối bằng ngón tay. Tiếng pháo nổ đì đẹt, mùi thuốc pháo thơm thơm quyện trong mưa bay, mưa bụi, làm át đi cái lạnh, cái rét của gió mùa đông bắc.
           Nhiều người đi chợ Tết ở một vùng quê thường quen biết nhau. Các bà, các chị chia nhau miếng trầu, hỏi thăm nhau về một năm làm ăn vất vả, về những đận tháng tám, ngày ba giáp hạt, chia sẻ với nhau niềm vui con cái trưởng thành, sụt sịt về chuyện nhà cơm không lành, canh không ngọt... Những người túng thiếu thì đôn đáo đem ra chợ bán con lợn giò, thúng thóc lấy chút tiền lo tết. Miền quê nghèo khó đói kém quanh năm hằn sâu trên nét mặt những người đi chợ Tết. Đã thế cái khổ lại chồng lên cái khổ, nỗi bất hạnh. Anh Phương nhớ mãi có một lần đi chợ Tết gặp một người đàn bà áo vá và đứa con gái nhỏ đứng khóc ở cổng chợ. Chị bán một gánh sắn nặng được vài đồng mong đong một hai đấu gạo nếp gói vài cái bánh chưng cho con, nhưng số tiền ít ỏi lại bị kẻ gian móc trộm mất…
         Anh Phương đến cổng chợ thì mặt trời đã lên cao. Mấy thằng thanh niên đang ngồi ở cái quán dưới gốc bàng vừa nhìn thấy anh đã rối rít gọi:
          - Mời người anh hùng vào làm một ly “nút lá chuối” chào buổi sáng với bọn em!
          - Chào... chào... mừng anh hùng từ cõi... cõi... trở về... ề... ề...
          - Mời... mời... chú... một... chén... tăm phần tăm...
          - Uống... uống... uống...
          Một thằng mặt hô, đầu sần sùi đầy sẹo mà đám chuyên làm thuê ở chợ vẫn gọi là thằng “Đầu bò” hất hàm hỏi anh Phương:
          - Ông ra chợ làm gì thế?
          - Thì ra xem có ai thuê mướn việc gì thì làm!
          Cả bọn phá lên cười hô hố rũ rượu.
          - Ối giời ơi! Sao lại lạ thế! Bác là một người anh hùng của làng Vực, của xã Đồng Nhân và cả huyện, cả tỉnh này. Việc quái gì mà bác phải đi làm thuê, làm mướn cho khổ... ha... ha... ha...
          - Bác cứ việc ngồi chơi mà hưởng thụ bác ạ, tội gì mà làm việc cho vất vả. Khối thằng chả công lao, đổ máu gì mà nó vẫn cứ hưởng thụ, vẫn sung sướng ngất trời. Vậy thì việc gì mà bác phải làm việc nữa?
          - Bác có làm thì cũng chỉ làm những việc hết sức nhẹ nhàng thôi... như... như là kể chuyện truyền thống này, đi nói chuyện chiến đấu này, giáo dục thế hệ trẻ thôi bác ạ! Bác đừng dãi dầu nắng mưa làm gì cho khổ...
          Đám thanh niên mới lớn nhao nhao. Mỗi thằng một câu chúng phán cứ y như đang là lãnh đạo vậy. Thế rồi, bọn chúng ôm nhau cười nghiêng ngả. Gã đầu bò cáu tiết quát:
          - Chúng bay câm mẹ cái miệng lại đi! Bọn mày tưởng ông ấy nói đùa hả. Ông ấy từ chiến trường sống sót trở về, trên răng dưới các-tút, ruộng vườn không có biết lấy gì mà sinh sống. Bây giờ không có ruộng để cày cấy thì phải đi làm thuê, làm mướn, biến thành ô-sin, con hầu, đứa ở. Chợ quê không có ai thuê thì lên thành phố, thành phố không kiếm được việc gì thì mò lên biên giới làm “cửu vạn”. Đấy chúng mày xem nông thôn thất nghiệp hàng đoàn ra Hà Nội, ai họ bảo làm gì thì làm, họ cho đồng nào thì cầm lấy mà đút vào miệng, không thì treo niêu nhác mõm, hiểu không?
          Một thằng mặt còn non choẹt gãi đầu:
          - Nhưng bác ấy công lao cái thế, anh hùng lừng lẫy thế...
          - Công lao, anh hùng mà để làm gì... Thời thế tạo anh hùng. Thời nào anh hùng nấy. Anh hùng ngày xưa như ông Phương đây, cầm súng ra chiến trường, đánh nam, dẹp bắc, xông pha nơi chiến trận, hy sinh anh dũng nhưng bây giờ ai cần biết đến nữa. Thời nay “anh hùng” là phải tiền nhiều, thật nhiều tiền, cổ phiếu nắm giữ hàng ngàn tỷ, vàng, đô-la xếp đầy két, phải có nhà cao cửa rộng, biệt thự hoành tráng, xe hơi loại xịn, gái đẹp như tiên, suốt ngày cầm gậy xông vào sân gôn, sáng ngồi Hà Nội uống cà phê, tối nhảy đầm ở Vũng Tàu, đêm đánh bạc ở Hồng Kông, Ma Cao... Anh hùng thời nay thế đấy, chúng mày có hiểu không? Mà chúng mày bảo ông Phương đi nói chuyện truyền thống à! Bây giờ đếch ai nó thèm nghe truyền thống mà chuyện với chả trò, nói nhiều mỏi mồm, nó tặng cho một bó hoa, ăn để sống được à. Thôi, chúng mày uống rồi biến mẹ hết đi, kiếm việc gì mà làm không thì cứt cũng chả có mà đổ vào miệng đâu, hiểu không!
          Bọn lau nhau kéo nhau đứng dậy tản hết. Chúng nó cũng toàn là lũ vô công rồi nghề, học chả đến nơi, hành không đến chốn, suốt ngày lang thang, sáng đứng ở quán bắn bi-a, chiều thì ngồi ở cửa hàng Interent chơi games, tối đến rủ nhau lên đê để chích hút, hết tiền thì về nã bố mẹ...
          Bọn chúng đi hết rồi thằng đầu bò bảo anh Phương:
          - Ông vào đây uống chén nước rồi đi theo tôi!
          - Theo ông làm gì?
          - Tý nữa có xe chở xi măng từ thị xã lên, họ thuê tôi xuống muời tấn cho công trình nhà vườn của ông phó chủ tịch thị trấn. Hai anh em ta cùng làm, thôi tiền ít chia nhau, kiếm vài bát gạo cho con là được...
          Thế là anh Phương trở thành một người làm thuê trên chính quê hương mình từ ấy. Hoá ra ở đâu cũng vậy. “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai có mang phần đến cho”- Anh chợt nhớ đến lời ru của mẹ từ ngày còn thơ ấu. Hôm ấy anh và thằng đầu bò làm cật lực. Mỗi người được một trăm ngàn tiền công. Buổi trưa hai người được ông phó chủ tịch thị trấn mời cùng ăn bữa cơm "cất nóc" với kíp thợ xây đổ bê-tông tầng bốn.

          (còn nữa)                                                              Hà Nội, tháng 4-2013