Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

QUA NGÕ NGƯỜI XƯA - thơ

 

 

Qua ngõ người xưa

Anh lính trở về qua ngõ người xưa
Cuối mùa thu lá vàng rơi đầy lối nhỏ,
Anh ngập ngừng nhấc đôi nạng gỗ
Cố giữ ghìm tiếng lọc cọc vang xa…

Có tiếng trẻ thơ nô đùa ở sân nhà
Một cô bé mắt tròn xoe ngơ ngác
Nhìn theo chú bộ đội mái đầu tóc bạc
Đu người trên đôi nạng gỗ qua đường…

Bao nhiêu năm anh ở chiến trường
Vào trận đánh cũng không hề run sợ
Mà sao hôm nay về qua lối cũ
Lại thấy tim mình thoáng sự lo âu...

Vẫn biết rằng chưa hò hẹn gì đâu
Với người lính chỉ là tình yêu một phía
Nhưng giúp anh tháng năm nơi chiến địa
Có niềm tin hy vọng vượt gian lao...

Ngày trở về dáng gầy yếu, xanh xao
Anh đánh đu trên đôi nạng gỗ
Qua ngõ người xưa nhớ về một thuở
Tuổi hai mươi những chờ đợi, mộng mơ.

Con đường năm nao dấu cỏ đã mờ
Người xưa đã sang sông rồi-xa ngái,
Anh lính chiến cố quay đầu ngoái lại
Sân nhà em rộn tiếng trẻ đùa vui...
                    Hà Nội, tháng 9/2013
                        Trọng Bảo 

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Tản văn Nhớ mùa đông năm ấy

 

        

          Nhớ mùa đông năm ấy
          Tản văn của Trọng Bảo

          Ngày 22-12-1978, đơn vị tôi có mặt ở sát đường biên giới Việt-Trung. Tình hình lúc này đã căng như dây đàn. Chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng tôi lao động, luyện tập cả tuần, không có một ngày nào nghỉ. Ngày thành lập quân đội chúng tôi cũng có một bữa liên hoan. Tiểu đoàn mổ lợn, thâm một đĩa lòng và vài miếng thịt mỡ vào xuất ăn hàng ngày. Thế là bộ đội đã phấn khởi lắm rồi. Lúc này chúng tôi đang trú quân ở trong một hang đá. Cái lạnh mùa đông đã lạnh cộng thêm cái lạnh lẽo của chốn hang sâu đầy thạch nhũ lại càng thêm lạnh.
           Hàng ngày đơn vị chúng tôi rời ra khỏi hang đã đào công sự, xây dựng trận địa hoặc đi lấy gạo, vác đạn chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sắp nổ ra. Chúng tôi băng qua cánh đồng vào thị trấn Sóc Giang (Hà Quảng-Cao Bằng) đi bộ về ngã ba Đôn Chương lối lên phía hang Pác Bó nhận đạn và lương thực. Dọc đường chúng tôi gặp những đoàn chiến sĩ, anh chị em thanh niên xung phong đi ngược lên phía đường biên giới. Cuộc chiến tranh sắp nổ ra. Dân ta đã nghèo lại thêm khổ. Năm xưa đánh Mỹ, gạo đạn, lương khô, quân trang ùn ùn đổ ra mặt trận, toàn những thứ ngon, bền đẹp hậu phương dành cho tiền tuyến. Trong cuộc chiến tranh biên giới này, hậu phương vẫn chắt chiu gửi lên biên giới những bao gạo, bao ngô xay, bao cá khô, thùng mắm tôm cô đặc. Tiểu đội tôi nhận gạo sấy và thịt lợn kho mặn nhồi trong túi ni lông rồi khênh vác, gùi về đơn vị. Lúc quay lên biên giới, tôi gặp một cô bạn thân ở trung đoàn bộ. Cô vừa chuyển công văn lên các đơn vị tuyến trước quay trở về tuyến sau. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau một lát ngay trên vệ đường. Cô bạn bảo:
          - Anh ở ngay gần đường biên, sát bọn địch phải thật cẩn thận nhé!
          Tôi đùa:
          - Em yên tâm! Bọn anh ở quá gần địch, trong tầm pháo của bọn chúng, chúng nó mà bắn thì đạn sẽ vọt ra xa hết…
          Cô bạn lại dặn:
          - Các anh đừng chủ quan! Hôm trước ở hướng Trường Hà bọn thám báo chúng nó đột kích vào sâu sang đất ta đấy!
          Tôi bảo:
          - Thôi kệ xác bọn bành chướng em ạ! Hết chiến tranh nhất định bọn anh sẽ kéo về quê em đi dự Hội Lim nghe hát quan họ nhé!
          Cô bạn cười rất tươi khi nghe tôi nhắc đến quê mình. Mấy chiến sĩ nhao nhao: “Cô Mai hát một bài quan họ cho lính chốt nghe đi!”. Tôi vội xua tay: “Thôi hết giờ nghỉ rồi, chúng mình phải đi tiếp cho kịp về đơn vị, cô Mai cũng phải đi nhanh mới kịp về trung đoàn bộ trước khi trời tối, đường rừng nguy hiểm”. Thế là chúng tôi chia tay nhau. (Không ngờ sau này khi chiến tranh xảy ra, bọn địch lại tập kích vào trung đoàn bộ trước, cô bạn ấy đã cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm và hy sinh khi tuổi đời chưa tròn đôi mươi).

          Lại nói về mùa đông năm ấy ở biên giới, chúng tôi khẩn trương chuẩn bị đón nhận một điều tồi tệ nhất. Đó là chiến tranh nổ ra là điều không thể tránh khỏi. Chiến tranh như một bóng đen bao phủ trên miền biên ải. Chiến tranh len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống ngày ấy. Nó gặm nhấm ý chí của những người có mặt nơi tuyến đầu hàng ngày bằng chính sự chuẩn bị và những công việc hàng ngày của họ. Hầm hào được đào sâu hơn, làm chắc chắn hơn, công tác chuẩn bị được tỷ mỷ, chu đáo hơn khi chiến tranh chưa xảy ra. Mọi sự chuẩn bị cho cuộc chiến hàng ngày đều rất khẩn trương. Mỗi người chúng tôi đều có một mã số riêng ghi trên nắp túi áo bên trái và in vào mảnh giấy nhỏ bằng ba đầu ngón tay ép plastic luôn để để trong túi quần, túi áo để nếu ai hy sinh chôn theo sau này biết danh tính. Một chiến sĩ tiểu đội tôi cầm mảnh giấy có một chữ cái và mấy con số cứ băn khoăn hỏi: "Sao mình chỉ có mấy ký tự ngắn ngủi thế này thôi nhỉ?". Một hôm nhận quân trang chiến đấu gồm các loại tăng, võng, bi đông về, trung đội trưởng tập trung các chiến sĩ lại cấp phát cho mọi người. Còn một cuộn vải cuối cùng anh bảo:
          - Đây là các tấm vải dùng để khâm liệm liệt sĩ! Mỗi tiểu đội nhận hai cái…
          Nghe vậy cả trung đội đều lặng đi. Tôi thấy mấy chiến sĩ trong tiểu đội mình mặt cắt không còn giọt máu. Tôi cũng hơi thảng thốt nhưng định thần được ngay. Chiến tranh là như vậy, sẽ có sự hy sinh, chết chóc, không thể khác được. Khi nó chưa nổ ra thì công tác chuẩn bị phải thật chu đáo, tỷ mỷ đến mức tối đa có thể để người chiến sĩ khi vào trận chiến đấu tốt nhất.
          Tôi nhận hai tấm vải liệm nhưng trong tiểu đội tôi không ai muốn nhận giữ nó. Cuối cùng tôi đành giữ một cái, một cái giao cho đồng chí tiểu đội phó. Tôi giở tấm vải liệm ra xem xét rồi gấp lại cho gọn. Đó là một tấm vải mỏng gần giống cái vỏ chăn đơn nhưng người ta chỉ may kín hai cạnh, để hở hai cạnh. Tấm vải có đính sẵn ba giải dây vải ở giữa và hai đầu. Khi dùng khâm liệm liệt sĩ chỉ cần gấp lại và dùng ba giải dây ấy để bó buộc người chết. Mùa đông năm ấy rất rét. Khi cuộc chiến tranh xảy ra bọn địch chọc thủng các phòng tuyến của quân ta, đơn vị chúng tôi rút lui lên cố thủ ở các mỏm núi cao, lẩn khuất trong hang hốc trên sườn núi quần nhau với bọn địch. Đêm nằm trong khe đá lạnh quá tôi thường lôi tấm vải liệm ra để đắp cho ấm. Nhưng rồi có người hy sinh, tấm vải liệm ấy cũng phải sử dụng đến. Nhưng trước khi gói ghém cho người chết thì nó đã ủ ấm thịt da của những người đã sống trong những ngày chiến chinh gian khổ.
          Giữa mùa đông lạnh, trong ngày thành lập quân đội 22-12 này, tôi lại nhớ về một mùa đông lạnh lẽo 35 năm trước. Nhớ về những kỷ niệm và những người đồng đội đã ngã xuống. Mùa đông rồi sẽ đi qua, vạn vật thay đổi biến thiên, nhưng những kỷ niệm chiến trường của những người lính chiến thì không bao giờ phai mờ.
                                                                              Hà Nội, 22/12/2013

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Tản văn MỘT THỜI CHƯA XA

MỘT THỜI CHƯA XA
Tản văn của Trọng Bảo
          LTG: Trang Văn hóa văn nghệ - Báo Kiểm toán, số cuối tháng 9-2013 đã đăng tản văn Một thời chưa xa này của tôi. Tác giả xin chân thành cảm ơn BBT báo và đưa lại trên blog của mình (Trọng Bảo). 
         Ảnh dưới: Cảnh xếp hàng quen thuộc trong thời bao cấp.
         
         
          1-Xếp hàng
          Có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất của những người đã từng sống qua thời bao cấp là chuyện xếp hàng. Có thể quên nhiều chuyện nhưng sẽ rất ít người quên được chuyện xếp hàng. Ngày ấy tất tật mọi việc đều phải xếp hàng. Đi đong gạo, mua dầu hoả, nước mắm phải xếp hàng. Mua vé tàu xe phải xếp hàng, thậm chí đi vào nhà... vệ sinh công cộng cũng phải xếp hàng. Xếp hàng có khi cả ngày, cả đêm. Để đong được vài cân gạo, ít cám chăn nuôi phải dậy rất sớm đi xếp hàng. Tôi còn nhớ ngày ấy sợ nhất là chuyện xếp hàng mua vé tàu xe. Bến xe lên tỉnh, về Hà Nội có khi cả ngày thậm chí hai ba ngày mới có một chuyến, không  mua được vé thì lỡ chuyến, lỡ việc.
          Chính vì chuyện xếp hàng nên dân ta mới sinh ra nhiều sáng kiến. Người ta đặt một cục gạch, một viên đá, một cái nón rách để thay mặt con người xếp hàng giữ chỗ. Cửa hàng bán gạo 8 giờ sáng mới mở cửa thì hai ba giờ sáng người ta đã kéo ra xếp hàng. Tôi còn nhớ khi vào bộ đội làm chiến sĩ quân bưu thường xuyên phải đi trên đường, chúng tôi chuyển công văn, có loại hoả tốc, hẹn giờ nếu lỡ chuyến xe thì không hoàn thành nhiệm vụ cho nên nhiều lần từ chập tối hôm trước đã phải mắc võng, hay rải chiếu "cắm chốt" luôn ở cửa bán vé bến xe, bến tàu để sáng sớm hôm sau mua được vé lên được xe tàu đem công văn đi. Vì xếp hàng nên mới có câu chuyện chen ngang. Mọi người đều ghét nhất là chuyện "chen ngang". Những người có thẻ thương binh đến sau thường được ưu tiên đứng lên đầu hàng để mua hàng hoá, mua vé tàu xe trước. Mọi người bề ngoài, vẻ mặt ai cũng thông suốt điều này. Ai cũng biết các anh thương binh có công với nước, ưu tiên là đúng, nhưng trong thâm tâm ai cũng ghét chuyện "chen ngang" như thế. Bởi cũng có người lợi dụng danh hiệu thương binh để chen ngang mua hàng, mua vé bán lại cho người khác ăn chênh lệch giá. Chung quy cũng là tại thời ấy khó khăn, thiếu thốn quá.
          Khổ nhất là chuyện xếp hàng từ sáng đến trưa, trời mùa hè nóng nực khi đến lượt mình mua hàng, mua vé thì lại là lúc hết hàng, hết vé hay nhân viên hết giờ làm việc. Mà nhân viên bán hàng mậu dịch quốc doanh ngày ấy thật là ghê gớm. Họ bảo hết hàng là hết. Họ bảo hết giờ là nghỉ. Thời bao cấp ấy họ chính là thượng đế chứ không phải khách hàng là thượng đế như bây giờ. Ngày ấy cứ ra đến đường là gặp ngay chuyện xếp hàng. Có những người đang đi thấy phía trước có người xếp hàng là lập tức đứng luôn vào hàng vì nghĩ chắc là đang có cái gì đó bán rộng rãi cho nhân dân, bán rẻ. Xếp hàng trở thành thói quen, thành phẩm chất của con người bao cấp, của chế độ tem phiếu, phân phối. Nhưng nó cũng là nỗi ám ảnh, sợ hãi của dân ta ngày ấy. Bởi lẽ xếp hàng nó gần như đồng nghĩa, đồng hành với sự thiếu thốn, khó khăn.
          Đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước tôi có dịp sang công tác tại đất nước Triều Tiên. Chúng tôi được bạn đưa đi mua sắm tại một cửa hàng mậu dịch quốc doanh rất lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Gặp cảnh rồng rắn xếp hàng dài dằng dặc để mua hàng, tôi liền giơ máy ảnh lên định chụp một kiểu thì bị nhân viên an ninh che ống kính không cho chụp. Tôi bực nói với cậu phiên dịch của đoàn: "Bảo anh ta là ở Việt Nam bọn mình ngày xưa còn xếp hàng dài hơn rất nhiều, để cho mình chụp một kiểu!". Cậu phiên dịch nhẹ nhàng khuyên tôi: "Họ không cho chụp thì thôi đừng chụp nữa anh ạ!". Tôi đành nghe theo cậu ta nhưng trong lòng vẫn bực vì nhiều lần muốn chụp cảnh dân chúng  sinh hoạt ở Bình Nhưỡng cũng đều bị ngăn cản. Ngày ấy chưa có máy ảnh kỹ thuật số, chưa có điện thoại di động hiện đại đủ tính năng quay phim, chụp ảnh như bây giờ nên tôi phải rất khéo léo dùng máy ảnh chụp phim mới chụp được một số hình ảnh của đất nước này. Khổ thế đấy! Đã nghèo nhưng lại rất sợ mọi người biết mình nghèo khổ. Bao cấp không chỉ là vấn đề vật chất mà còn là sự bao cấp cả tư tưởng và ý thức của con người ta nữa. Sự bao cấp này mới thật là trì trệ, kìm hãm sự sáng tạo và đổi mới.
         Lan man chuyện cũ, ghi lại chuyện xếp hàng của một thời chưa xa và hình như nó vẫn còn tồn tại đâu đó quanh ta. Bây giờ có những việc vẫn phải xếp hàng nhưng đã có sự thay đổi về bản chất rồi. 

          2- Chia cá
          Thời bao cấp mọi tài sản đều công hữu. Hợp tác xã quản lý đất đai công cụ sản xuất, ruộng nương, ao hồ. Những cái ao, cái hồ rộng vừa là nơi chứa nước chống hạn, vừa để thả cá. Cá ở ao hợp tác xã chả cần chăm nuôi gì, nó tự ăn rong rêu hoặc là "cá lớn nuốt cá bé" mà sống và lớn lên. Thường là một năm hợp tác xã tổ chức đôi ba lần đánh cá ở những cái ao chung ấy đem chia cho viên. Đó là vào những dịp ngày lễ Quốc tế lao động 1-5, Quốc khánh 2-9 hay nhân dịp tổ chức đại hội xã viên.
          Cá đánh lên phân bổ cho các đội sản xuất. Mỗi đội vài chục cân. Từng đội nhận đem về sân kho của đội mình tiến hành chia cá. Việc chia bôi ngày đó cũng rất tuỳ tiện. Cứ theo lệnh của ông đội trưởng đội sản xuất mà tiến hành. Cái gì dễ chia, dễ cân thì chia theo khẩu. Nhà nào nhiều khẩu thì được nhiều, ít khẩu thì được ít. Cái gì khó thì chia theo hộ, cứ bổ theo đầu hộ gia đình mà chia. Nhà ít người, nhà đông người đều bằng nhau. Cá là loại thường là chia theo hộ gia đình cho dễ. Nói vậy cũng không hẳn là dễ. Ông đội trưởng hoặc ông đội phó thường phải đích thân nhúng tay vào việc chia cá. Những con cá trôi, cá chép nhỏ thì xếp ra từng mô trước. Con to bù con nhỏ, loại ngon bù loại không ngon. Đội sản xuất của tôi có hai mốt hộ gia đình. Cá được chia làm hai mốt mô. Những con cá to thì phải chặt xẻ ra từng miếng chia vào các phần. Mô nào vớ phải cái đuôi hoặc cái đầu thì dứt khoát phải đổi con cá trôi, cá chép to hơn đặt vào đó cho công bằng. 
         Chia xong ngắm ngía chán thấy tương đối đều, ông đội trưởng mới gióng gọi tên đại diện từng hộ vào nhận từng mô, từng phần cá. Mọi người đứng xúm xít xung quanh thường nhăm nhăm trông phần nào hơn hơn một chút là bốc lấy. Nhiều khi cũng cãi vã hay nói cạnh, nói khoé nhau. Ngày ấy nghèo, thiếu thốn đủ thứ, cái cảm giác phần của mình nhiều hơn phần nhà khác cũng tạo nên một tâm lý phấn chấn.
          Tôi nhớ nhiều lần được bố bảo đi nhận cá. Do vần tên bố tôi gần cuối bảng chữ cái nên thường phải nhận phần cuối cùng. Có lần vớ phải cái đầu cá mè to tướng xách về, bố tôi bảo: "Nấu nồi canh dấm đầu cá càng ngon!". Bố tôi bổ đôi cái đầu cá ra làm thật sạch. Tôi cắt mấy quả chuối xanh tước vỏ thái mỏng cho vào nồi canh cá cho đỡ tanh. Nồi canh đầu cá mè nấu với tương mẻ rau xương xông toàn xương là xương nhưng cả tháng trời toàn ăn cơm rau có tý chất tanh cũng thấy ngon miệng.
          Ngày ấy, các loại khác như thịt lợn, thịt bò, nước mắm, rượu mùi, muối ăn, chè bồm cũng đều chia như thế. Cái sân kho hợp tác xã từng chứng kiến bao nhiêu lần chia bôi ồn ào của thời bao cấp. Bây giờ viết lại chuyện cũ lòng lại thấy ngậm ngùi xa xót về một thời thiếu thốn, gian lao.
           3- Đưa trâu đi bình
           Vào hợp tác xã nông nghiệp mọi công cụ sản xuất đều là của chung. Hợp tác xã công hữu trâu bò rồi giao lại cho từng hộ gia đình chăn dắt. Đội sản xuất sẽ điều động trâu bò cho các lao động cày bừa, làm đất, trục lúa khi cần. Hàng năm, các đội sản xuất đều tổ chức "bình trâu bò". Tức là đưa trâu bò tập trung lại để đánh giá xem nó như thế nào. Béo, gầy, già, non, còn tiếp tục để cày bừa hay sẽ thải loại giết mổ lấy thịt bán cho cán bộ có tem phiếu thực phẩm.
           Trước mỗi lần "bình trâu" các gia đình đều lo lắng, chăm sóc cho trâu bò thật cẩn thận. Nhà nào nuôi trâu bò béo khoẻ sẽ được biểu dương. Năm nào hợp tác xã được mùa, thu hoạch khá còn được thưởng nữa. Phần thưởng là vài cân thóc, xông xênh hơn thì là một cái khăn mặt, bánh xà phòng giặt 72% của Liên Xô. Mà ngày ấy có được một cái khăn mặt bông, bánh xà phòng giặt thật là quý giá. Nhà nào mà để trâu bò gầy yếu, không đảm bảo việc cày bừa thì sẽ bị phê bình, nhắc nhở trong cuộc họp của đội sản xuất. Thậm chí còn bị trừ công điểm chăn nuôi, đến vụ phạt trừ mấy cân thóc nữa. Tôi nhớ không nhầm thì mỗi vụ nhà nào giữ trâu bò sẽ được 50 công. Nhà nào để trâu bò ốm, chết sẽ bị phạt. Lo nhất là chăm sóc không cẩn thận khi bình, trâu bò sẽ bị điều ngay cho hộ khác nuôi. Ban bình xét gồm đại diện ban quản trị hợp tác xã, đội trưởng và thư ký đội sản xuất.
           Khi còn nhỏ tôi hay theo bố mẹ đưa trâu đi bình. Trâu bò tập trung hết ra bãi cỏ ở đầu làng. Ban bình xét đi đến từng con trâu, con bò của từng nhà để đánh giá. Họ xác định luôn giá trị bằng tiền của con trâu, con bò ấy một cách nhanh chóng. Nhiều nhà nuôi trâu bò cái đẻ được bê, nghé cũng phải đưa ra bình. Nếu bê nghé đủ tuổi sẽ được bình và giao ngay cho gia đình nào chưa có trâu bò nuôi. Nhà có bê, nghé sẽ được hợp tác xã trả công chăn nuôi bằng tiền, hoặc thóc. Số tiền và thóc chả đáng kể vì những con bê, nghé này đều do bò trâu của hợp tác xã đẻ ra, hộ gia đình chỉ có công chăm sóc mà thôi. Tôi còn nhớ như in những ánh mắt tiếc nuối buồn bã của những người nông dân có con bê, con nghé mà mình đã chăm bẵm bấy lâu bị điều cho nhà khác nhận nuôi. Nếu nhà nào muốn giữ lại con bê, con nghé để nuôi thì lại phải chuyển những con trâu bò bố mẹ cho nhà khác. Điều này chẳng ai muốn vì những con trâu bò đã cày bừa thành thục rồi rất quan trọng. Chăn nuôi nó có công điểm, đến vụ thu hoạch lại có thêm xuất rơm. Khi gặt lúa về đập xong rơm thường được chia theo đầu trâu bò cày. Nhà nào nuôi trâu bò là có phần rơm chia cho. Mỗi phần rơm gánh về nhà chà đập, rũ lại cũng kiếm được vài đấu thóc lép, một vụ cũng có thêm thúng thóc. Mà ngày ấy một thúng thóc ở quê tôi quan trọng biết nhường nào. Tôi cứ nhớ chuyện mẹ tôi hay nói chị B, cô C đi xây dựng gia đình, bố mẹ đẻ cho một hoặc thúng thóc đem về nhà chồng (một thúng thóc bằng 25 ki-lô-gam).
           Lại kể tiếp về việc bình trâu bò. Tôi nhớ nhất là lần con trâu của nhà tôi bị quyết định "hoá kiếp" ngay tại buổi bình trâu. Nó đã già và chậm chạp quá rồi, không cày bừa được nữa nên bị thải loại. Nó được giao ngay cho nhân viên cửa hàng thực phẩm. Tôi thẫn thờ nhìn theo con trâu đã gắn bó cùng bao năm tháng tuổi thơ của mình nơi làng quê heo hút này. Con trâu bị nhân viên cửa hàng thực phẩm lôi đi, hình như cũng hiểu ra điều gì đó. Mấy lần nó cố giằng dây thừng quay đầu lại nhìn tôi. Đôi mắt của nó ươn ướt. Bữa đó trong đội sản xuất có mấy con trâu bò bị thải loại. Bà Cần cũng có một con trâu già phải giao cho cửa hàng thực phẩm. Nét mặt của bà tái mét đi khi nghe ông đội trưởng tuyên bố thải loại con trâu nhà bà để giết mổ làm thực phẩm. Gần như tuổi già của bà gắn bó với con trâu ấy. Bà sống có một mình. Các con bà đều ở riêng hoặc đi lấy chồng xa. Sớm tối bà chỉ có mỗi con trâu làm bạn. Bà chăm sóc nó rất cẩn thận. Tôi thường gặp bà suốt ngày lê la cắt từng nắm cỏ non ngoài đồng đem về cho trâu ăn. Con trâu của bà khi còn trẻ nó rất khoẻ, kéo cày ở những “chân ruộng” sâu, đất nặng cứ băng băng. Bây giờ nó già yếu rồi nhưng bà vẫn muốn nuôi nó. Vì bà đã coi nó là người thân. Bà cũng đã già yếu lắm rồi. Con trâu này mà đem thịt hợp tác xã cũng sẽ không giao con trâu khác cho bà nuôi nữa. Bà Cần cứ giữ chặt sợi dây thừng xỏ mũi trâu trong tay. Rồi bà lập cập xoa xoa đầu con trâu già. Con trâu già cúi gằm đầu xuống. Nó cọ cọ má vào đôi chân đen đủi khô nẻ của bà. Hình như cả bà và con trâu đều khóc...
          Lan man với bao chuyện cũ, viết lại chuyện đưa trâu đi bình ngày xưa, tôi nhớ biết bao cái thuở trên lưng trâu đầy mơ mộng, càng không quên những người nông dân chất phác, bình dị quê tôi ngày ấy.
           4- Năm hào, bát gạo
           Ngày chiến tranh phải dựa vào cơ chế bao cấp để huy động tiềm lực kinh tế cho cuộc chiến. Nông dân làm ăn tập thể năng xuất lao động không cao nhưng vẫn phải giành phần lớn sản phẩm thu hoạch được trong trồng trọt, chăn nuôi để đóng góp nuôi bộ đội, chi viện cho tiền tuyến lớn đánh giặc cứu nước. Vì thế mà gần như quanh năm người nông dân thiếu đói. Vùng quê nghèo khổ như quê tôi lại càng thiếu đói. Lúc nào người dân quê tôi cũng chỉ mong được ăn no chứ chả ai dám mong được ăn ngon. Cả năm rau dưa qua bữa. Chỉ cần sao cho có đủ tinh bột như gạo, ngô, khoai sắn thôi. Nhưng cũng chả bao giờ đủ ăn. Cứ đến giáp hạt tháng tám, ngày ba ai cũng sợ hãi vì đói. Những khi Tết đến thì mới có chút thịt và mỡ. Nhà nhà vợ chồng con cái rán xào vài ngày tết sau đó lại ăn chay cho đến tết sang năm. Nói thế cũng chưa hẳn là hoàn toàn chính xác vì trong năm cũng có vài khi hợp tác xã chia cho dăm lạng thịt, cân cá mè những dịp ngày lễ hay khi tiến hành đại hội xã viên. Nhà nào khá giả nuôi được con gà, con vịt thì cũng có thể giết thịt để ăn những khi có giỗ, chạp.
          Mỗi khi đại hội xã viên hay hội họp đoàn thể thường có liên hoan. Người thay mặt gia đình đi họp đại hội xã viên thường được thông báo mang theo "năm hào, bát gạo" để nộp cho ban tổ chức, góp lại làm một bữa liên hoan. Với 5 hào, 1 bát gạo đóng góp, hợp tác xã chi thêm cho một tý là có thể thịt một con lợn làm một bữa ăn tươi cho đại biểu dự đại hội xã viên. Cạnh nhà tôi có một gia đình ông hàng xóm quanh năm ăn độn. Nồi cơm thì chỉ thấy loáng thoáng vài hạt cơm còn toàn sắn là sắn.
           Khi được thông báo đem "năm hào, bát gạo" đi họp là cả nhà lo lắm. Vì một người đi họp được bát cơm ngon không độn, vài miếng thịt mỡ thì cả nhà sẽ phải một bữa ăn toàn sắn thay cơm để cho ông bố hoặc bà mẹ đem năm hào, bát gạo đi liên hoan. Một lần đến bữa ăn liên hoan, mâm cơm có đĩa thịt lợn luộc, bà mẹ đi họp chợt nhớ đến đứa con gái nhỏ đang ốm mà không có chút thực phẩm gì ăn ở nhà bèn lén gắp một miếng thịt lợn bỏ nhanh vào túi áo để đem về cho con. Ngày ấy chúng tôi đi cắm trại thiếu nhi hay sau đó lớn lên đi dự đại hội đoàn cũng cứ "năm hào, bát gạo" đem theo nộp để cùng liên hoan với nhau một bữa.
          Bây giờ đến bữa ăn toàn thịt, có khi mâm cỗ tiệt nhiên không thấy một ngọn rau tôi lại nhớ đến thời chiến tranh và bao cấp gian khổ ấy. Câu chuyện "năm hào, bát gạo" này có lẽ chỉ có những ai từng một thời sống ở nông thôn, lao động tập thể trong hợp tác xã nông nghiệp mới biết nó là như thế nào!  
          5- Cây sắn quê tôi
          Quê tôi ngày ấy sao mà nghèo đến thế. Quanh năm đói kém. Ngày nào cũng đi làm ngoài đồng mà vẫn không đủ ăn. Lúa gặt về ngồn ngộn sân kho nhưng sau khi phơi khô, quạt sạch phần lớn gánh ra kho thóc của nhà nước để giao nộp. Nào là thuế nông nghiệp, là thóc nghĩa vụ nộp vào kho nhà nước để xay xát thành gạo cung cấp cho cán bộ cơ quan, lực lượng vũ trang. Phần còn lại ít ỏi thì hợp tác xã cân đối giữa các đội sản xuất. Đội sản xuất căn cứ công điểm của từng hộ gia đình để xác định định mức giá trị một ngày công, trên cơ sở đó chia thóc cho xã viên. Thường là mỗi một công được khoảng bảy tám lạng thóc. Năm nào được một cân là khá lắm rồi. Một vụ mỗi gia đình hai lao động chính, hai lao động phụ được khoảng 400 công. Trừ công dân công, công xã hội còn lại khoảng 350 công, nhân với 7 lạng thóc thì được hơn hai tạ thóc. Hơn hai tạ thóc cho bốn năm miệng ăn trong sáu tháng trời làm sao đủ được. Vì thế quê tôi ngày ấy đói quanh năm là thế.
           Đói thì phải đào đất, lật cỏ mà kiếm cái gì ăn được. Quê tôi là vùng trung du, có nhiều đồi đất thấp. Ngoài thời gian lao động theo sự phân công của đội sản xuất nhiều nhà tranh thủ phạt cây cỏ vỡ hoang lấy một khoảnh đất làm nương trồng sắn. Mỗi nhà trồng độ vài ba trăm gốc sắn. Nhờ chăm sóc phân bón cẩn thận nên nhà nào cũng có thu hoạch. Sắn tươi luộc ăn. Sắn độn cơm, một hạt cơm cõng hai miếng sắn. Sắn nấu nhừ làm canh. Sắn thái lát, phơi khô để lúc giáp hạt tháng tám, ngày ba giã lọc lấy bột làm bánh ăn thay cơm. Tôi nhớ ngày ấy bố tôi thường nhào bột sắn làm bánh. Bột được nắm lại to bằng quả trứng  ngỗng. Quá trình nặn bánh thì cho ngón tay chỏ vào giữa làm "nhân". Khi cái bánh được vo tròn thì rút ngón tay ra tạo thành một cái lỗ để khi hấp bánh chóng chín gọi là "bánh hỗng". Bánh sắn ăn trừ bữa ruột gan nóng cồn cào nhưng mà cũng đỡ được cơn đói.
          Song cũng không phải lúc nào người dân quê tôi cũng có sắn tươi, sắn khô để ăn. Tôi nhớ một lần tôi và bố đang dọn dẹp nương sắn chuẩn bị cuốc lên đánh luống để trồng vụ mới thì ông đội trưởng đội sản xuất mò đến bảo:
          - Từ năm nay gia đình ta không được trồng sắn nữa!
          - Tại sao thế!
          Bố tôi ngạc nhiên hỏi lại. Ônng đội trưởng giải thích:
          - Trên có chủ trương công hữu tất cả các tràn nương để hợp tác xã trồng sắn cung cấp cho nhà máy tinh bột...
          - Thế sao không để chúng tôi trồng. Thu hoạch được khá chúng tôi sẽ bán cho nhà máy...
          - Không được cụ ơi! - Ông đội trưởng giải thích: - Chúng ta đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, của cải, tài sản đều phải công hữu, thóc lúa, khoai sắn làm ra sau khi nộp thuế, làm nghĩa vụ với nhà nước còn lại thì sẽ chia đều cho bà con. Nếu nhà nào cũng có cái nương trồng sắn riêng tức là đã làm ăn tư hữu, là đang tiến lên tư bản chủ nghĩa đấy cụ ạ!
          Ông bố tôi là người thật thà. Nghe thấy mình đang tiến lên tư bản chủ nghĩa thì hoảng. Bởi như thế là trái lại với chủ trương, đường lối đã được thường xuyên nghe phổ biến, quán triệt. Ông bảo tôi thôi dọn dẹp cái nương để cho hợp tác xã lấy làm tài sản chung. Sau khi nghe ông đội trưởng sản xuất thông báo, chả nhà nào còn dám tự đốt nương trồng sắn nữa. Tất cả các nương sắn họ đã mất công khai hoang, cải tạo đất, chăm bón đều giao cho hợp tác xã. Vẫn nương ấy, đất ấy từng nhà trồng thì sắn tốt bời bời, cây to, củ nhiều, hợp tác xã trồng thì cây chỉ to bằng cái đũa, lúc thu hoạch nhổ lên được một hai củ sắn ngắn tũn, bé tí, đem bán nhà máy không nhận đưa về chia cho bà con đến vụ trừ vào thóc. Năm cân sắn tính bằng một cân thóc. Câu nói "quy ra thóc" là có từ thời bao cấp, chính là chuyện sắn, ngô, khoai khi hợp tác xã chia cho xã viên đều được "quy ra thóc" như vậy...
          Bây giờ nhớ lại chuyện ngày xưa thấy buồn cho một thời ấu trĩ. Nhiều người là xã viên hợp tác xã từng lo trồng mấy gốc sắn sẽ "tiến lên tư bản chủ nghĩa" như bố tôi, như ông đội trưởng đội sản xuất nay đều không còn nữa nên các cụ không biết bây giờ tiến lên tư bản chủ nghĩa không bao giờ phải đi qua những cái nương sắn ấy đâu. Riêng tôi mỗi tối phóng xe trên đường phố Hà Nội gặp một cái xe đẩy bán sắn luộc thơm phưng phức là lại bùi ngùi nhớ về cây sắn quê mình một thời nghèo khó.
                                         Hà Nội, tháng 7/2013                                                     
   

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần cuối)

 

                 

          NGŨ QU
          Truyện dài của Trọng Bảo 

          Anh Thưởng lầm lũi đi ra chợ Niễu. Anh nhớn nhác ngó nhìn các dãy hàng quán. Có vẻ anh không phải là đi chợ để mua bán gì. Anh gặp chị Thường và con gái ở đầu dãy hàng rau. Anh hỏi:
          - Cô có biết thằng Phương đang ở chỗ nào không?
          - Không anh ạ! Mấy ngày rồi em không nhìn thấy anh ấy ở chợ. Anh thử vào chỗ tổ thu gom rác thải, vệ sinh môi trường ở cuối chợ xem…
          - Tôi đã hỏi rồi! Mấy người cùng bộ phận vệ sinh môi trường nói không biết nó đi đâu mấy ngày nay rồi không đến làm việc. Bực quá!
          Chị Thường ái ngại:
          - Anh tìm anh ấy có việc gì ạ?
          - Tôi tìm nó để thông báo việc chiều nay lên xã để nhận thẻ thương binh. Mấy ông cán bộ ở xã đến nhà tìm nó mấy lần không thấy nhờ tôi đi tìm giúp.
          - Thế thì mừng cho anh ấy quá!
          Chị Thường nói. Chị cũng đang mong gặp anh nhưng đã mấy ngày rồi không thấy anh làm ở chợ như mọi khi. Thời gian trước lần nào chị gánh rau ra chợ cũng gặp anh. Chị đưa cho anh lúc thì mớ rau, bó măng, khi thì vài quả mướp, dăm củ sắn. Lúc thì anh đến tìm chị để gửi cho bé Thương khi thì gói kẹo, lúc cái bánh hoặc cuốn vở để nó tập viết. Anh Phương rất quý bé Thương. Bé Thương cũng vậy. Mỗi khi được theo mẹ ra chợ là nó đòi chị đưa đến chỗ tổ vệ sinh môi trường để gặp anh. Nhìn hai bác cháu quấn quýt bên nhau như hai bố con chị cũng thấy ấm lòng và thầm ước mong chuyện xa xôi. Tình cảm của hai người ngày càng thân thiết hơn. Mấy ngày hôm nay chị có ý chờ nhưng lại không thấy bóng dáng anh đâu nữa.
          Từ nãy giờ bé Thương vẫn chăm chú nghe hai người nói chuyện với nhau. Chợt nó buột miệng bảo:
          - Cháu biết bác ấy đi đâu rồi!
          Anh Thưởng ngạc nhiên:
          - Làm sao cháu biết?
          Bé Thương chỉ cái áo khoác màu đỏ sẫm mình đang mặc khoe:
          - Bác Phương mua tặng cho cháu cái áo này làm kỷ niệm trước khi ra đi đấy bác ạ!
          - Bác ấy nói sẽ đi đâu cháu có biết không?
          - Có ạ! - Cái Thương gật đầu.
          Anh Thưởng ngồi xuống ôm bé Thương. Con bé thỏ thẻ bảo:
          - Hôm trước vào nhà cháu chơi bác ấy nói là “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Bác ấy sẽ lên đường đi B. ạ!

          Nghe con bé nói, anh Thưởng giật mình. Anh vụt nghĩ: “Thôi chết! Không khéo thằng này vết thương cũ lại tái phát, lên cơn động kinh, tâm thần thì hỏng mất…”. Anh hỏi thêm bé Thương:
          - Thế bác ấy có nói với cháu là đi đến bao giờ sẽ về không?
          - Bác ấy bảo đi sẽ không về nữa đâu ạ! “Nước còn giặc, con đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân”, “ra đi không hẹn ngày về”… Cháu nghe bác ấy dặn thế! 
          Con bé kể rồi hỏi lại anh Thưởng:
          - Đi B. là đi tận đâu hả bác?
          Anh Thưởng ngập ngừng trả lời:
          - Là đi xa lắm cháu ạ!
          Chị Thường buồn bã nói:
          - Hôm anh ấy vào nhà chơi chỉ có một mình cháu Thương ở nhà. Lúc về nghe cháu nói lại anh ấy cho cháu cái áo rét rồi hát những bài ca hành quân rồi đi. Hóa ra là hôm đó anh ấy vào chào hai mẹ con em để ra đi mà không biết…
          Anh Thường lắc đầu:
          - Kiểu này có khi là nó bỏ quê đi không trở về nữa rồi…
          Nghe anh Thưởng nói chị Thường và bé Thương đều ngơ ngác. Ba người nhìn nhau. Cả ba đều buồn. Vậy là người lính cũ ấy lại ra đi rồi. Anh Thưởng nghĩ, có thể Phương sẽ trở về nơi mà sau cuộc chiến nó đã từng lang thang kiếm sống, hoặc là sẽ đi đến một miền đất mới. Anh thấy lo lắng cho bạn những năm tháng cuối đời lang thang nơi đất khách quê người với vết thương trên đầu đang có dấu hiệu tái phát. Nếu lên cơn bạo bệnh tâm thần, trí nhớ giảm dần, sức tàn lực cạn nó sẽ trở thành một kẻ cầu bơ cầu bất, cô quạnh giữa dòng đời xuôi ngược đầy rẫy những gian lao, trắc trở, cạm bẫy này. Càng nghĩ, anh Thưởng lại càng thấy bồn chồn, buồn bã hơn…
          Anh Thưởng chào chị Thường và bé Thương lê bước trở về đền Vực.
          Một mùa đông lạnh lẽo lại đang về. Gió bắc thổi dọc triền đề lạnh buốt.
          Anh Thưởng thấy lòng mình cũng lạnh lẽo như mùa đông. Vậy là những người bạn cùng thời trong nhóm “ngũ quỷ” bây giờ chỉ còn một mình anh ở lại trên quê hương. Thằng Hiệp hy sinh đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy mộ, xương cốt còn gửi lại nơi nào. Thằng Hiến thì chết trương dưới dòng sông Đáy con, hồn xiêu phách lạc sau biến cố của cuộc đời đua ganh. Thằng Phương chiến tranh ra trận đã báo tử về làng. Cứ tưởng rằng là một “liệt sĩ sống lại” trở về nó sẽ rất vinh quang trên quê hương, giờ lại bỏ làng ra đi cùng dấu hiệu vết thương tái phát không hẹn ngày trở về. Cô Liên cũng đã bán nhà rời làng Vực lên tỉnh thuê trọ để chăm sóc chồng. Sau lần bị tai nạn giao thông anh chồng của cô Liên trở thành một người luôn phải nằm trên giường bệnh tại một bệnh viện quân y.
          Vậy là tại cái làng Vực bé nhỏ ven sông Đáy con này đã khép lại một thế hệ! - Anh Thưởng nghĩ…
 *
          Vài lời cuối truyện
          Có một dòng sông mỏng manh như sợi chỉ phía sườn tây của dãy núi Tam Đảo. Dòng sông ấy bắt nguồn từ chiến khu căn cứ địa cách mạng Tân Trào, Tuyên Quang. Con sông nhỏ ấy chảy qua miền quê trung du, đổ ra sông Lô để góp với sông Hồng đôi chút phù sa cho đồng bằng Bắc bộ. Đó là sông Phó Đáy, hay dân gian thường gọi là sông Đáy con.
           Sông Đáy con uốn lượn quanh quanh những xóm làng, bờ tre, bãi mía. Dòng sông nhỏ nhoi hiền hòa ấy trong kháng chiến chống thực dân Pháp là ranh giới giữa vùng tự do và địch vùng tạm chiếm. Tại đoạn sông chảy qua quê tôi có một cây cầu sắt nhỏ do người Pháp xây dựng. Có lẽ nó cùng tuổi với cầu Long Biên, Hà Nội. Trên cây cầu sắt ấy bọn giặc đã hành hình bao chiến sĩ cách mạng, giết hại bao người du kích. Chúng bắn chết hoặc tra tấn dã man rồi trói chân tay đẩy họ xuống dòng sông chảy xiết. Máu của những người chiến sĩ nhuộm đỏ nước sông xanh. Nhớ thuở còn đi học, chúng tôi hay ra sông Đáy con bơi lội. Chỗ bến đò phố chợ ngày xưa có một ngôi đền nhỏ. Ông ngoại tôi khi còn sống là thủ từ của ngôi đền trên bến sông ấy. Tôi còn nhớ có lần theo mẹ ra thăm ông ngoại được ông đưa vào ban thờ xin lộc phật, lấy oản. Lúc nhỏ tôi là người ốm yếu, sinh lực kém, hay sợ ma quỷ, đêm ngủ thường hay mê sảng. Khi vào cổng đền nhìn các pho tượng thần gác cổng vẻ mặt dữ dằn tôi đã hoảng. Vào chốn linh thiêng, tôi cứ dúm dó run run. Tuy sợ nhưng tôi vẫn cảm thấy sự kính cẩn, linh thiêng.
            Nhưng rồi người ta đã phá mất ngôi đền trên bến sông Đáy con ấy. Có một thời không hiểu là chúng ta quá cách tân hay là còn mông muội mà cho triệt phá hết đình chùa miếu mạo đền đài. Ngôi đền nhỏ bên sông Đáy con ấy rất linh thiêng, không ai dám phá mặc dù đã có lệnh. Một ông cán bộ xã phải đích thân đạp đổ các pho tượng trên ban thờ, dọa đái vào bát nhang rồi hô hào đám thanh niên xung phong đập tan tành ngôi đền ấy. Đền thờ bị phá bỏ để mở bến phà cho xe ô-tô qua sông, tránh giờ cao điểm phải đi qua cầu Việt Trì dễ bị máy bay Mỹ phát hiện bắn cháy. Ông cán bộ xã sau bận chỉ huy phá đền về ốm một trận thập tử nhất sinh rồi khỏi. Nhưng lạ thay sau trận ốm ấy hạ bộ của ông ta cứ sưng to tày cái ấm tích, không đau, không nhức nhưng không kiểm soát được việc tiểu tiện, đái ra quần lúc nào không biết. Ông luôn phải đeo một cái gáo dừa để hứng nước giải. Được vài năm thì ông ta chết, gia đình cũng thất tán hết. Không biết đó có phải là báo ứng của thần phật, tổ tiên hay không.
           Trước khi ra đến biển, dòng sông chứng kiến bao nhiêu sự kiện đôi bờ, tắm mát cho bao xóm làng, ôm chứa bao nỗi niềm, đã tan hòa bao máu, mồ hôi, nước mắt của những kiếp nhân sinh. Sông thương người dâng tôm cá, để lại bao bãi bồi phù sa xanh tươi ngô mía, bao bến chờ, bến đợi cho những tình yêu lứa đôi. Còn nhớ những năm học cấp 3, mùa nước cạn chúng tôi thường tổ chức ra sông đãi sỏi, gánh cát bán cho công trường khai thác vật liệu xây dựng lấy tiền làm quỹ lớp mua áo quần, sách vở giúp các bạn nghèo, mua tặng phẩm tiễn người nhập ngũ, ra mặt trận.
           Dòng sông của thiên nhiên, chảy giữa thiên nhiên ấy, là nỗi nhớ, là kỷ niệm của bao nhiêu con người đã sinh ra và lớn lên bên sông. Tiểu thuyết này lấy bối cảnh đôi bờ con sông nhỏ ấy. Dòng sông đã cho tôi nghĩ suy và cảm hứng sáng tác. Tôi yêu dòng sông quê mình biết bao. Trong ký ức tôi con sông nhỏ mãi trong mát, hiền hoà. Vậy mà một hôm, tôi nhận được điện của một anh ở tỉnh đội báo tin nước sông Đáy con đang lên cao, phá vỡ con đê gầy gây lụt lớn, đã có có chiến sĩ hy sinh khi chống lũ, cứu dân. Tôi bồn chồn về quê. Nước sông đã rút nhưng vẫn còn để lại những dấu tích của sự tàn phá. Song dòng sông cuồng nộ không vô cớ. Chính con người đã làm con sông giận dữ. Khi xây cây cầu qua sông Đáy con, người ta đã chọn vị trí để mở tuyến đường mới chạy qua làng của một vị quan đầu tỉnh. Chỗ bắc cây cầu mới dòng sông hẹp nhưng có cả một bãi bồi ngoài đê rất rộng. Mùa nước cạn, dòng chảy thu lại, khi lũ lớn, nước tràn lên bãi bồi mênh mang, mau tiêu thoát. Người ta đã đắp đường qua bãi bồi ra cây cầu mới. Đoạn đường như một con đập cao chắn giữa dòng chảy. Nước lũ không tiêu thoát nhanh được đã tàn phá, gây vỡ đê điều, ngập úng.
           Thiên nhiên là như vậy. Ta chỉ có thể dẫn dụ thiên nhiên trở thành thiên lợi chứ không thể bẻ gãy được sức mạnh của thiên nhiên. Hãy để cho những dòng sông luôn chảy giữa thiên nhiên. Tôi mong sao dòng sông Đáy con sẽ mãi hiền hòa như sợi chỉ xanh mong manh giữa một miền quê yên lành.  
           Năm 2008, khi học tập tại khoá 2-Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du-Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã in được bốn tập truyện ngắn, có một số truyện ngắn, tản văn đăng báo, tạp chí. Trong các sáng tác ấy có đến hơn mười truyện ngắn viết về số phận của các nhân vật gắn với một dòng sông Đáy con. Một số bạn học viết văn khi đọc các truyện ngắn này đã nhận xét nếu xâu chuỗi các truyện lại sẽ thành các chương của một tiểu thuyết thực sự. Họ khuyên tôi viết thành một truyện dài. Nhà phê bình văn học Minh Tâm ở Tạp chí Văn nghệ quân đội sau khi đọc tập truyện ngắn Phong lan đỏ của tôi cũng có cùng quan điểm ấy.
          Vậy nên, tôi mới quyết tâm viết truyện dài mang tên “Ngũ quỷ” này. Trong truyện có nhiều nhân vật, nhiều chi tiết đã xuất hiện trong các truyện ngắn trước đây mà tôi đã viết. Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn đọc.                                                                              
           (hết                                                               Hà Nội, tháng 4/2013
                                      

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 29)


                  

          NGŨ QUỶ
          Truyện dài của Trọng Bảo

          Lại sắp đến tết. Thiên nhiên vẫn lặp lại những chu kỳ của nó còn cuộc đời người thì không. Mùa đông hai năm trước làng Vực xảy ra một sự kiện là có một "liệt sĩ" đột ngột trở về. Mùa đông năm ngoái sau cơn mưa rào, sấm sét trái mùa thì có một người chết là thằng Hiến nổi lên ở Xoáy Vực, còn mùa đông năm nay chẳng biết rồi đây sẽ có sự kiện gì xảy ra nữa không ở cái làng Vực nhỏ bé này. Hay đó chính là sự cố lãnh đạo xã Đồng Nhân bị truy tố vì tội lợi dụng chức vụ tham nhũng, chiếm đoạt đất đai.
          Khi mọi người vẫn còn ồn ào bàn chuyện ông chủ tịch cùng mấy cán bộ xã bị công an bắt thì ông Nghĩa vẫn ngày ngày lên đền Vực thắp hương và giúp anh Thưởng quét tước, dọn dẹp nơi thờ phụng vị nữ tướng anh hùng. Nhiều bữa anh Thưởng nấu cơm hai người cùng ăn. Họ giống như hai bố con. Buổi trưa, ông Nghĩa thường mắc cái võng gai nghỉ ngay tại đền, chiều tối mới về nhà. Trưa nay cũng vậy, ông Nghĩa mắc cái võng gai giữa gốc cây quéo già và cây vải non mới cho lứa quả vụ đầu mãi phía khu vườn gần cổng đền.
          Ông Nghĩa ngả lưng xuống chiếc võng gai khẽ đu đưa. Ông nằm vắt tay lên trán suy nghĩ lan man đến những chuyện từ thời còn trai trẻ, nhớ về những chặng đường đời gập ghềnh mình đã trải qua, về những năm tháng chiến đấu trong đội du kích đầy bi tráng. Trời đã quá trưa ngả sang chiều. Ông cứ chập chờn, lơ mơ. Người ông cứ bồng bềnh lâng lâng. Tư duy ông lúc thì rành mạch, lúc lại rất mông lung, rối lẫn...
          Chợt có tiếng ậm è phía phía sau lưng ông. Ông Nghĩa liền ngồi dậy trên võng. Có một người từ phía Xoáy Vực đang vượt lên bờ đê đi về phía ông. Ông Nghĩa nheo nheo mắt nhìn. Đó là một người đàn ông đã luống tuổi. Hắn ta đi đến gần chỗ ông Nghĩa thì dừng lại chăm chăm nhìn. Trông hắn có vẻ quen quen. Hắn đội cái mũ cối Trung Quốc sùm sụp, một bên sườn hắn đeo chiếc xà-cột đen, một bên hông đeo chiếc đài Xiêng-mao kêu xoe xoé. Khi hắn bỏ cái mũ cối ra, ông Nghĩa vô cùng kinh ngạc khi nhận ra đó chính là đội trưởng đội cải cách ruộng đất Hà Văn Bồi. Đội trưởng Hà Văn Bồi trông vẫn rất oai phong giống như ngày nào chỉ huy cuộc đấu tố sôi sục trên bãi sông.
         Ông Nghĩa lập bập hỏi:
         - Ông… ông vẫn còn sống à?
         - Vẫn còn… vẫn còn… vẫn còn...
         - Nhưng hồi ấy ông đã bị sét đánh chết trên bờ đê sông Đáy con rồi cơ mà?
          Đội trưởng Hà Văn Bồi đắc chí:
          - Sét đánh chết thế nào được tôi! Những người như tôi thì sét nào đánh chết được cơ chứ! Tôi sẽ còn sống mãi, tồn tại muôn năm, mãi mãi… mãi... mãi... ha… ha… ha…

          Đội trưởng Hà Văn Bồi vừa cười vừa sấn tới gần. Hai mắt ông ta đỏ nòng nọc nhìn ông Nghĩa gằn giọng hỏi:
          - Tại sao ông không chịu đi tham gia “đấu tố” bọn địa chủ hả?
          - Tôi... tôi...
          Ông Nghĩa ấp úng. Đội trưởng Hà Văn Bồi nói tiếp:
          - Ông phải đi theo tôi để làm bản kiểm thảo không chịu tham gia cải cách...
           Vừa nói, đội trưởng Bồi vừa đưa cánh tay ra định túm lấy cổ ông Nghĩa. Cánh tay của hắn vươn dài mãi ra loằng ngoằng như một con rắn. Một bàn tay không có da thịt mà toàn hài cốt xương xẩu.
           Thôi chết! Hắn ta đúng là ma thật rồi. Ông Nghĩa hoảng quá. Ông vội đứng bật ngay dậy đảo người quờ tay tìm cái gậy vẫn dựng ở gốc cây quéo già. Nhưng khi ông vừa vớ được cái gậy quay lại thì đã không thấy đội trưởng đội cải cách ruộng đất Hà Văn Bồi đâu nữa. Hắn biến hóa nhanh thật! Hay đây chỉ là một giấc mơ thôi. Ông Nghĩa nghĩ. Ông đưa bàn tay lau những giọt mồ hôi túa ra ướt đẫm trên trán. Ông Nghĩa vừa định nằm xuống võng thì lại giật nảy mình khi nhìn thấy bóng một người nữa đang đứng lù lù cạnh gốc cây quéo già. Ông Nghĩa định vung cây gậy lên thì sửng sốt khi nhận ra đó là lão Vận. Lão Vận đang xách trên tay một xâu cá dài thườn thượt vừa bắt ở dưới sông. Những con cá chép đuôi đỏ rực còn đang giãy đành đạch. Ông Nghĩa ngạc nhiên nghĩ: “Lão Vận cũng đã ngoẻo củ từ từ hồi đầu mùa hè rồi cơ mà. Sao lão này vẫn còn đứng ở đây nhỉ?”.
           Lão Vận cười nhăn nhở bảo:
          - Ông Nghĩa ơi! Đi thôi kẻo muộn rồi!
          Ông Nghĩa hỏi lại:
          - Đi đâu?
          - Thì... tôi và ông đi dự buổi "đấu tố" cải cách ruộng đất!
           Nghe lão Vận nói như vậy, ông Nghĩa tức giận quát to:
           - Tôi đã nói với ông rồi! Tôi đéo tham gia cải cách, cải điếc gì đâu, nó tàn nhẫn lắm. Tôi còn phải đi tìm thằng Hiệp con tôi. Nó đang chạy đi đâu chơi mất rồi.
           Lão Vận cười khì khì:
           - Tôi đùa ông tý cho vui thôi. Chứ tôi cũng sợ chuyện cải cách lắm!
           Ông Nghĩa lại đưa bàn tay đen đúa lau mồ hôi túa ra trên trán:
           - Ông đùa kiểu gì mà đùa ác thế, làm tôi sợ hết hồn, hết vía...
           Lão Vận vẫn cười khi khí rồi chỉ tay ra phía xa xa bảo:
           - Thằng Hiệp con ông đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu. Nó đã trở về rồi kia kìa.
           Ông Nghĩa nhìn theo hướng tay lão Vận. Đúng rồi! Đúng là thằng Hiệp, con trai của ông rồi. Nó đang từ bờ đê đi lên phía cổng đền Vực. Thằng Hiệp một tay giơ lên vẫy vẫy chào ông, một tay thì ôm lấy đầu. Ông Nghĩa liền hỏi:
           - Mày làm gì mà lại cuốn vải trắng lên đầu lù lù thế hả?
           - Không phải là vải đâu bố ạ! - Thằng Hiệp trả lời: - Đây là băng để cầm máu đấy. Con bị bọn giặc bắn trúng đầu, bay mất cả một mảng tóc, văng hết cả óc rồi bố ạ!
           Ông Nghĩa nghe con nói vậy thì hoảng hốt:
           - Thế sao mày không đi bệnh viện cấp cứu còn về đây làm gì?
           - Con về để đón bố, bố ạ!
           Thằng Hiệp đáp và chạy ngay đến bên bố. Lão Vận cũng sáp đến. Thằng Hiệp và lão Vận mỗi người một bên nắm lấy một cánh tay của ông. Họ nhấc bổng ông Nghĩa lên, dìu ông bay lượn khắp khu vườn cổng đền Vực, có lúc cao hơn cả ngọn cây cối, ngọn tre. Ông Nghĩa nhìn xuống thấy rõ cả dòng sông Đáy con đang chảy cuồn cuộn, Xoáy Vực sôi sùng sục. Ông nhìn thấy ngôi nhà mình và những ngôi nhà khác trong làng Vực. Ông Nghĩa thích quá. Đây là lần đầu tiên trong đời mình ông biết bay. Ông muốn bay, bay mãi như thế này. Nhưng ông chợt giật mình khi trông thấy cái Hường, con gái út của ông đang vừa gào khóc vừa hớt hải cùng nhiều người dân trong làng đang chạy về phía đền Vực. Nó bị làm sao thế nhỉ! Ông Nghĩa nhìn thấy nhiều người quen như ông Bứa quần ống thấp, ống cao, ông Cành, ông Thuấn, chú Tạo, thằng Nhân thợ xây từ các ngõ trong làng cũng đang nhốn nháo kéo lên đền Vực. Có cả bà Nhâm là y sĩ về hưu đeo cái túi thuốc cấp cứu lạch bạch chạy phía sau. Ông Nghĩa thấy lo lo, trên đền Vực có việc gì thế nhỉ. Ông Nghĩa cố vùng vẫy, trằn người thoát khỏi lão Vận và thằng Hiệp để nhao xuống đất xem có việc gì mà mọi người lại nhốn nháo, hốt hoảng đến thế. Ông Nghĩa theo dân làng hớt hải chạy vào trong khu vườn cây ở trong cổng đền Vực. Mọi người lao lại chỗ gốc cây quéo già, nơi ông vừa mắc võng nằm nghỉ lúc trưa nay. Tất cả nhốn nháo xúm xít xung quanh cái võng đay của ông. Có nhiều tiếng kêu khóc, hốt hoảng. Ông Nghĩa vội kiễng chân lên ngó qua đầu mấy người để nhìn xem đã có chuyện gì xảy ra. Ông vô cùng sửng sốt khi trông thấy người đang nằm trên võng lại chính là mình. Mọi người hối hả giục nhau làm hô hấp nhân tạo, tiêm thuốc trợ tim cho ông. Song ông vẫn nằm thẳng đuồn đuột trên võng.
           Thằng Nhân thợ xây cuống quýt bảo:
           - Cụ Nghĩa bị cảm rồi! Phải đưa ngay cụ ra trạm xá xã cấp cứu!
           Nói xong nó vội xốc ông lên vai.
           - Đúng... nhanh... nhanh lên kẻo chậm mất...
           Dân làng ồn ào đồng tình. Thằng Nhân cõng ông chạy đi ngay. Mọi người cũng vội chạy theo thằng Nhân. Anh Thưởng luống cuống đỡ hai chân cho ông Nghĩa. Đám người chạy tắt qua cánh đồng vừa xong gặt để đến trạm y tế của xã Đồng Nhân. Ông Nghĩa cũng vội hớt hải chạy theo phía sau mọi người. Vừa chạy, ông vừa cố gào lên thật to gọi bọn họ:
           - Tôi đang ở đây cơ mà! Không phải đưa tôi ra trạm xá cấp cứu đâu!
           Nhưng mọi người hình như không ai nghe thấy tiếng kêu của ông Nghĩa. Cũng không ai nhìn thấy ông đang đứng ngay ở phía sau họ. Ông giơ tay túm lấy áo anh Thưởng. Nhưng bàn tay ông không làm sao mà nắm được vạt áo của anh. Đám người làng Vực vẫn hộc tốc cõng ông chạy đi. Ông Nghĩa đành cố sức đuổi theo phía sau họ. Ông Nghĩa bị vấp vào những gốc rạ lổn nhổn trên cánh đồng ngã dúi dụi. Những gốc rạ cứ vướng víu níu chân ông lại. Ông Nghĩa bị tụt dần lại phía sau đoàn người cõng ông đi cấp cứu. Mệt quá, ông ngồi bệt xuống bờ ruộng thở dốc. Nhưng không thể để đám người kia bỏ xa mình, ông lại vội đứng dậy lật đật chạy theo họ. Đoàn người đã đi xa quá rồi. Trông họ chỉ còn như những cái chấm nhỏ li ti ở phía cuối cánh đồng. Ông Nghĩa hoảng quá lại định hét lên thì chợt thấy toàn thân mình nhẹ bẫng như có ai nhấc bổng lên trên không trung. Hoá ra đó lại là lão Vận và thằng Hiệp con trai ông. Họ dìu ông bay là là sát ngay phía trên đầu đoàn người đang thay nhau cõng ông chạy hớt hải dưới cánh đồng đầy rơm rạ.
            Chuyện là thực hay mơ thế này! Ông Nghĩa cấu mạnh vào má mình một cái nhưng không thấy đau. Ông chợt hiểu hoá ra đây không phải là một giấc mơ...
            (còn nữa)                                                           Hà Nội, tháng 4/2013
  

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 28)

 

                     

            NQUỶ
            Truyện dài của Trọng Bảo

            Anh Thưởng nhận việc trông coi đền Vực. Do còn chút sức khoẻ hơn ông thủ từ cũ nên anh làm việc luôn chân, luôn tay cả ngày. Anh quét tước trong đền, ngoài sân luôn sạch sẽ. Đền Vực luôn luôn có du khách đến thăm, làm lễ, góp tiền công đức tu bổ đền. Với số tiền công đức được phép chi tiêu, anh Thưởng đề nghị cho xây mấy cái bồn trồng hoa, cây cảnh, tu sửa lại cái trụ cổng đền bị nghiêng sau dịp lễ hội hồi đầu năm. Thằng Nhân, một thằng thợ chuyên xây vặt quanh xã, quanh làng được anh mời đến. Các loại vật liệu như gạch, cát sỏi đều do các chủ lò gạch, chủ trạm khai thác cát sạn cung tiến. Hàng ngày có nhiều người ở trong làng lên nhận giúp việc trộn vữa, gánh nước mà không nhận tiền công. Nghe tin tu sửa đền Vực ngày nào ông Nghĩa cũng chống gậy lò dò đi lên. Già yếu không đào đất, khuân gạch, phụ hồ được, ông Nghĩa nhận việc đun nước uống cho mọi người. Buổi trưa, anh Thưởng nấu một nồi cơm nhỏ. Anh Thưởng, ông Nghĩa và thằng thợ xây cùng ăn. Những người tự nguyện lên giúp việc thì về nhà ăn trưa hay đảo ra thị trấn làm xuất cơm bụi xong lại quay lên ngả lưng ngay ở sân đền cho mát.
            Ăn trưa xong, thằng Nhân, thợ xây mắc cái võng đay vào hai gốc cây góc sân đền rồi lôi cuốn một sách ra đọc. Đang nằm đọc sách chợt thằng Nhân ngồi bật dậy kêu lên vẻ ngạc nhiên:
            - Cụ Nghĩa ơi! Trong cuốn sách này có đoạn viết về cụ đấy!
            Lập tức mọi người nhốn nháo cả lên. Cụ Nghĩa quanh năm làm ruộng, chăn trâu, suốt ngày cặm cụi ngoài vườn mà lại được nêu tên trong sách cơ à! Lạ nhỉ?
            Họ vội xúm đến chỗ thằng thợ xây. Thằng Nhân đang cầm trên tay một cuốn sách bìa cứng in rất đẹp. Nó đọc to lên cho mọi người cùng nghe đoạn viết về cụ Nghĩa: “Mùa đông năm 1950, lợi dụng khi nước sông cạn, bọn địch ở đồn Và bên kia sông nống ra càn quét khủng bố nhân dân các vùng hai bên bờ sông Đáy con. Đội du kích xã Đồng Nhân đã phối hợp cùng đơn vị bộ đội địa phương dũng cảm chặn đánh, bẻ gãy đợt càn quét của bọn địch, tiêu diệt 27 tên, thu 25 súng, lựu đạn các loại, bắt sống ba tên tù binh. Tên ác ôn Lê Công Thuận, đồn trưởng đồn Và cũng bị bắt sống. Nhưng do sơ xuất, mất cảnh giác trên đường dẫn giải tù binh về phía sau, chiến sĩ du kích Nguyễn Chính Nghĩa, người làng Vực đã để tên đồn trưởng chạy thoát. Nó tiếp tục chống phá cách mạng rất quyết liệt, bắt bớ, gây ra nhiều tội ác với nhân dân trong vùng tạm chiếm. Sau này, đội du kích xã Đồng Nhân đã đột nhập vào tận đồn địch bên kia sông để xử tử tên đồn trưởng ác ôn ấy”.
            Đọc xong đoạn trên, thằng Nhân hỏi ông Nghĩa:
            - Có đúng là sách viết về cụ không ạ?
            Ông Nghĩa cũng rất ngạc nhiên. Nhân vật chiến sĩ du kích Nguyễn Công Nghĩa ở làng Vực thì chính xác là ông rồi. Nhưng sự việc để tên đồn trưởng ác ôn trốn thoát thì lại hoàn toàn khác hẳn. Ngày ấy không phải là do ông đã mất cảnh giác để tù binh trốn thoát. Ông đã dẫn giải tên đồn trưởng bị bắt về đến vị trí tập kết và đã bàn giao nó cho một đội viên du kích khác là ông Trần Văn Cống rồi cơ mà. Sau đó, khi ông Cống tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dẫn tên này về hậu cứ thì xảy ra sự cố. Ông Cống đã tự ý cởi trói cho nó đi đái để nó lợi dụng thời cơ cướp mất súng và chạy trốn mất. Nó lao xuống dòng sông Đáy con lặn mất tăm. Chuyện sơ xuất, mất cảnh giác ấy ông Cống chịu trách nhiệm chứ sao lại đổ lỗi cho ông?
            Ông Nghĩa cầm cuốn sách của thằng Nhân đang đọc lên xem. Đó là cuốn lịch sử truyền thống của xã Đồng Nhân vừa mới in xong.
            Thằng Nhân nói thêm:
            - Hôm trước sửa chữa, lát lại chỗ nền nhà trụ sở uỷ ban xã, thấy có mấy cuốn sách để lăn lóc ở góc nhà cháu liền nhặt một cuốn cầm về đọc. Không ngờ lại vớ đúng cuốn lịch sử xã ta có đoạn viết về cụ. Thì ra thời trai trẻ cụ đã từng là một người du kích chiến đấu dũng cảm… Nhưng sao ngày ấy cụ lại để tên đồn trưởng ác ôn nó trốn thoát mất hả cụ?

            Ông Nghĩa im lặng không trả lời. Hoá ra họ đã bóp méo cả sự thật. Ông là nhân chứng còn sống rành rành đây mà khi viết sử của xã họ không hề đến tham khảo. Ông Nghĩa thấy buồn quá. Trắng đen, tốt xấu, thật giả chỉ mới qua quãng thời gian không lâu đã lẫn lộn thế này thì con gì là chân lý nữa. Ông ngậm ngùi nhớ lại những ngày trai trẻ ở trong đội du kích. Là một chiến sĩ dũng cảm, xông xáo, ông từng cải trang thành một người đánh dậm để lân la đến gần đồn địch. Ông gài được một quả mìn ở ngay cổng đồn giết chết một tên giặc Pháp và mấy thằng lính ngụy. Ông cũng đã từng vật nhau rồi bắt sống được một thằng biệt kích trên bãi ngô làng Vực khi nó mò sang vùng tự do trinh sát tình hình quân ta. Rồi chuyện sau khi trốn thoát, tên đồn trưởng Lê Công Thuận tiếp tục bắt bớ, tra tấn, giết hại nhân dân, hính ông Nghĩa đã đóng giả thành một người đi buôn chuyến tìm cách đột nhập vào tận nơi ở của nó và hạ sát nó. Vậy mà tại sao chi tiết này không nêu trong cuốn lịch sử của xã? Mà họ chỉ viết chung chung là “Đội du kích xã  Đồng Nhân đã đột nhập vào tận đồn Và xử tử tên đồn trưởng ác ôn ấy”.
             Ông Nghĩa càng ngạc nhiên hơn khi đọc đến đoạn trong cuốn lịch sử viết về việc ông Cống đi làm nhiệm vụ phối hợp với một đơn vị bộ đội chủ lực thì bị giặc Pháp bắn trọng thương. Không ngờ, việc ông Cống ngày ấy hoảng sợ khi bọn địch tấn công khủng bố ác liệt đã rời bỏ đội du kích trốn lên vùng Chiêm Hóa, Tuyên Quang - nơi gia đình ông ta tản cư nay lại hoá ra là đang đi làm nhiệm vụ. Ông Nghĩa càng nghĩ càng buồn. Lịch sử bị viết sai như thế thì con cháu sau này sẽ nhận thức sai lệch hết. Ông Nghĩa đọc hết cuốn lịch sử. Ông cũng không thấy nhắc gì về chiến công của ông đặt mìn giết chết thằng quan ba Pháp và mấy thằng ngụy binh. Họ chỉ ghi chung chung chuyện diệt tên sĩ quan Pháp ấy vào số lượng quân địch bị đội du kích xã Đồng Nhân tiêu diệt trong chín năm kháng chiến. Ông Nghĩa thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn sâu thẳm. Tay ông cầm cuốn lịch sử run run.
             Như đoán được nỗi lòng của ông Nghĩa, thằng Nhân bèn an ủi:
             - Thôi đừng buồn cụ ạ! Lịch sử dân tộc, lịch sử đất nước mà họ còn viết sai, làm xô lệch nữa là lịch sử của cấp xã phường... Mà cháu cũng hiểu rồi, nhưng người được nêu công lao trong cuốn sách này đều là người thân của các vị lãnh đạo xã, huyện, tỉnh đương nhiệm đấy cụ ạ!
             Ông Nghĩa nhìn thằng thợ xây khẽ gật đầu.
             Thằng Nhân làm được hai ngày tại đền Vực. Sáng ngày thứ ba nó bảo với anh Thưởng:
             - Hôm nay, bác dặn mọi người trộn ít vữa xây thôi. Cháu chỉ làm đến khoảng nửa buổi sáng thì phải lên trụ sở uỷ ban xã để nhận một công trình mới, xây cái nhà tắm nóng lạnh cho các vị lãnh đạo. Cán bộ xã bây giờ sau khi đánh cầu lông, chơi ten-nít về mà không có cái khoản “nóng-lạnh” là không tắm táp nổi đâu. Buổi chiều cháu sẽ tiếp tục công việc ở đền.
             Xây trát đến nửa buổi thì thằng Nhân phóng cái xe máy cũ đi mất. Đi được một lát thì nó phành phạch phóng xe về. Nó dựng vội cái xe ở giữa sân đền rồi hổn hển nói:
             - Các cụ, các ông, các bác đã biết chuyện gì chưa?
             - Chuyện gì? - Mọi người đang dọn dẹp trong sân ngừng tay hỏi.
             Thằng Nhân mặt mũi vẫn còn tái đi:
             - Xã ta phen này thì đi đứt hết rồi…
             - Có chuyện gì thế? - Anh Thưởng hỏi.
             - Cháu vừa từ trên trụ sở uỷ ban xã vội chạy ngay về đây để báo cho mọi người biết một tin rất thông nóng! Công an vừa đọc lệnh bắt tạm giam rồi!
             - Bắt ai?
             - Bắt chủ tịch xã ta!
             Mọi người nhao nhao:
             - Sao ông ấy lại bị bắt?
             - Thì nghe nói là vì chuyện khai khống diện tích giải phóng mặt bằng làm đường, xây dựng khu công nghiệp để nhận tiền đền bù, rồi cả chuyện bán đất… Nghe đâu tham nhũng ngót cả tỷ đồng đấy!
             - Thế cơ à…
             Mọi người ồn ào cả lên trước cái tin sốt dẻo động trời mà thằng Nhân vừa thông báo. Thằng Nhân mãi mới bình tĩnh kể lại toàn bộ nội dung câu chuyện cho có đầu, có đũa. Cụ thể là khi nó đang gặp anh chánh văn phòng để nhận việc xây công trình nhà tắm “nóng-lạnh” cho lãnh đạo xã thì thấy có hai chiếc xe công an chạy thẳng vào sân trụ sở uỷ ban xã. Một chiếc xe chở người, một chiếc xe dùng để chở tù nhân, can phạm. Mấy anh công an vừa xuống xe liền đi vào thẳng phòng ông chủ tịch xã. Họ đọc lệnh bắt, lệnh khám xét phòng làm việc và nhà riêng của ông chủ tịch. Các cán bộ của xã bấy giờ mới ngã ngửa người ra. Hóa ra ngay từ khi có dự án mở rộng đường quốc lộ, xây dựng khu công nghiệp tại đây thì đã có ngay một dây chuyền tham nhũng hình thành ở xã Đồng Nhân. Ông chủ tịch, bà cán bộ tài chính, ông cán bộ địa chính đã cấu kết với ban giải phóng mặt bằng để kiếm chác. Họ khai khống diện tích cần giải phóng mặt bằng để nhận tiền đền bù chia nhau. Họ còn bớt xén cả tiền đền bù của bà con nhân dân trong xã. Không những thế, bọn họ còn kiếm mỗi người mấy xuất đất tái định cư nữa.
             Kể xong câu chuyện, thằng Nhân quay sang nhìn ông Nghĩa vẻ hứng khởi bảo:
             - Phen này thì cụ vui mừng quá rồi! Những người vẫn thường phủ nhận công lao của cụ, làm sai lệch lịch sử của xã ta đều đã bị bắt hết cả rồi cụ ạ! Cụ phải về thịt gà tổ chức liên hoan đi thôi!
             Ông Nghĩa nhăn mặt không nói gì. Anh Thưởng cau có:
             - Mày trẻ người, non dạ nên còn ngu lắm! Chuyện này thì có gì mà vui mừng chứ. Chỉ là một việc thật đáng buồn thôi! Hiểu không!
             Thằng Nhân ngơ ngác nhìn hai người.
             Ông Nghĩa đứng dậy tìm cái gậy. Ông lầm lũi đi vào trong đền. Ông lập cập châm ba nén hương cắm lên bát nhang rồi lẩm nhẩm khấn vái thần phật và anh linh vị nữ tướng anh hùng. Trong lòng ông đã buồn lại càng thêm buồn. Chủ tịch xã Đồng Nhân chính là con một người bạn chiến đấu thân thiết của ông trong đội du kích năm xưa...

             (còn nữa)                                                           Hà Nội, tháng 4/2013 

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 27)

 

               

           NGŨ QU
           Truyện dài của Trọng Bảo

           Sau vụ cháy, xã Đồng Nhân đầu tư mấy trăm triệu đồng xây dựng lại chợ Niễu. Các dãy hàng quán bây giờ đều xây gạch kiên cố, vôi ve, lợp ngói khang trang. Khi chợ đã hoàn thành, ông chủ tịch xã chỉ đạo sắp xếp lại các ngành hàng kinh doanh, định ra các loại phí cần thu để hoàn vốn xây dựng chợ. Chợt nhớ ra một việc, ông sang bàn với anh phó chủ tịch xã phụ trách kinh tế- tài chính:
          - Phải thành lập ngay một tổ vệ sinh môi trường chuyên trách đảm nhiệm việc thu gom rác thải ở chợ!
          - Đúng là nên thế anh ạ! Nhưng ngày trước chỉ có một mình lão Vận quét cả chợ cũng xong. Bây giờ chợ búa đã khang trang sạch sẽ hơn thì cũng chỉ cần một người thôi!
          - Ngày trước khác, bây giờ khác. Phải thành lập một tổ từ ba cho đến năm người. Tổ này không những quét dọn trong chợ mà còn tiến hành thu gom rác thải trong thị trấn và cả trong các làng nữa. Thời đại văn minh là phải như thế...
          Anh phó chủ tịch băn khoăn:
          - Nhưng lấy tiền đâu mà trả lương cho những năm người ạ!
          - Không phải trả lương. Tổ thu gom rác này sẽ tự chủ hạch toán. Các hộ tiểu thương buôn bán trong chợ, các gia đình trong thị trấn, sau này là cả các hộ dân trong các làng xóm nữa đều phải nộp phí vệ sinh hàng tháng hẳn hoi, không có chuyện thù lao được chăng hay chớ như thời lão Vận còn quét chợ. Mà ta phải tính toán cái khoản phí vệ sinh môi trường này sao cho không những đủ tiền chi lương hàng tháng cho bộ phận thu gom rác mà còn có thêm một nguồn thu mới cho xã nữa...
          - Vâng!
          - Còn nhân sự thì mỗi làng cử ra một người. Riêng làng Vực nhớ là quan tâm ưu tiên cho cái tay “liệt sĩ” sống lại trở về năm ngoái đang không có ruộng đất, không có công ăn việc làm. Dù sao thì người ta cũng là một cựu chiến binh, là người có công lao với nước, với làng xã, quê hương ta đấy.
           Anh phó chủ tịch xã vừa ghi chép vừa hỏi thêm:
           - Tôi nghe nói ông ấy đang được trên xem xét để công nhận là thương binh chống Mỹ, đảm bảo các chế độ chính sách đãi ngộ của nhà nước...
           Ông chủ tịch gật đầu:
           - Đúng vậy! Xã ta sắp tới sẽ có hai trường hợp được trên giải quyết chính sách, một được cấp thẻ thương binh, một được công nhận là liệt sĩ. Đó là tay Phương, “liệt sĩ” sống lại ở làng Vực và người nữa là cụ Cống - bố đẻ ông Hiến, giám đốc sở công nghiệp bị chết đuối ở Xoáy Vực dạo trước...
            Anh phó chủ tịch xã ngạc nhiên nói:
           - Bác Phương thì hoàn toàn xứng đáng rồi. Bác ấy đi bộ đội, đi B, tham gia chiến đấu ở miền Nam, bị thương, bị mất tích có giấy báo tử, có cả huân chương chiến công đơn vị họ gửi về cho xã hẳn hoi. Còn lão Cống vốn là du kích làng Vực hoảng sợ bỏ chạy khi giặc Pháp càn vào làng mà cũng được công nhận là liệt sĩ thì vô lý quá. Chuyện này có nhiều cụ nguyên là du kích thời kháng chiến chống Pháp đều đã khẳng định rồi, có văn bản hẳn hoi. Tại sao bây giờ lại đảo ngược 100% như thế. Liệu có thỏa đáng không anh?
            - Tại sao à... - Ông chủ tịch xã Đồng Nhân đứng dậy vỗ vỗ vào vai anh phó chủ tịch trẻ tuổi: - Tại là vì các cụ ấy đã về với cõi vĩnh hằng gần hết rồi, cụ nào còn sống thì quá già cả, lẫn cẫn, lúc nhớ, lúc quên... và cũng tại là ông em út của lão ấy bây giờ đã là một cán bộ cao lắm rồi, quyền lực lớn lắm rồi. Ông ấy muốn thế thì cứ phải như thế, hiểu không! Mà chuyện này chúng ta cũng có mất gì đâu mà chú cứ phải băn khoăn mãi. Ông thứ trưởng ấy đã nói với tôi rồi. Khi anh ruột của ông ấy được công nhận là liệt sĩ chống Pháp, có công với nước, hài cốt được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của xã, ông ấy sẽ tài trợ và vận động các doanh nghiệp tài trợ để xã ta xây dựng khu tưởng niệm các liệt sĩ thật khang trang, xây một cây cầu xi-măng cốt sắt kiên cố bắc qua con kênh đào để nhân dân khỏi phải đi đường vòng mỗi khi đến viếng các liệt sĩ...
           Ông chủ tịch nói xong đĩnh đạc bước ra khỏi phòng. Anh phó chủ tịch trẻ ngồi ngẩn người ra suy nghĩ mãi mà vẫn chưa hiểu hết mọi nhẽ của sự đời.

           Ông chủ tịch xã vừa về đến phòng làm việc của mình thì anh chánh văn phòng uỷ ban bước vào. Anh bước lại gần hạ giọng nói để ông chủ tịch vừa đủ nghe:
           - Chiều nay, mời anh đi chơi ten-nít, đấu giao hữu với trưởng phòng địa chính huyện ạ!
           - Ờ được rồi! Mấy giờ thì đi nhỉ? Mình đang muốn thử cái vợt vừa mới mua những mấy triệu đây...
           - Bốn giờ chiều anh ạ! Sau buổi giao đấu ông trưởng phòng có nhã ý mời chúng ta một bữa “đặc sản” thú rừng...
            Ông chủ tịch nhăn mặt cắt lời:
            - Sao lại để ông ấy mời! Chúng ta sẽ mời ông ấy, hiểu không?
            - Vâng, vâng ạ!
            Ông chủ tịch căn dặn thêm:
            - Nhớ là chọn chỗ quán nào cho kin kín một chút, tránh để người quen trông thấy cán bộ huyện, xã ngồi ăn uống bù khú với nhau, phiền phức lắm. Lãnh đạo huyện đã có công văn nhắc nhở cán bộ toàn huyện rồi đấy!
           - Vâng, em hiểu rồi!
           - Mà nhớ cẩn thận đấy kẻo lại bị nó lừa cho như lần trước. Đặc sản, đặc xiếc, thú rừng, thú núi gì mà toàn là thịt lợn nái già khú, nhai dai nhách, mỏi cả quai hàm, trẹo cả răng...
           Anh chánh văn phòng khẳng định:
           - Lần này bọn em đã “trinh sát” rất cẩn thận rồi. Quán đặc sản này ở sâu mãi trong chân núi Mồ. Lợn, nhím, tê tê, toàn là thú rừng Tam Đảo hẳn hoi, tươi sống ngoay ngoảy nhốt sẵn trong chuồng, chỉ con nào họ cắt tiết ngay con nấy...
           Ông chủ tịch xua xua tay:
           - Thôi được rồi! Đi chuẩn bị đi...
            Anh chánh văn phòng đáp rồi quay đi. Vừa bước ra đến cửa phòng chợt nhớ ra công việc chính, anh vội quay lại nói:
           - Báo cáo anh! Hiện tại cụ thủ từ đền Vực ốm nặng, nằm mê man liệt giường mấy tháng nay rồi, khó mà qua khỏi. Làng Vực đã họp dân và có kiến nghị cử người khác thay để trông coi, hương nhang cúng tế trên đền Vực ạ!
           - Họ tiến cử ai vậy?
           - Báo cáo anh, làng Vực đề nghị cử ông Thưởng nhà ở gần đền ạ!
           Ông chủ tịch hỏi kỹ thêm:
           - Có phải ông Thưởng là bộ đội phục viên bị nhiễm chất độc da cam không?
           - Vâng! Ông ấy và bà mẹ ngày trước chuyên chèo đò chở khách sang ngang trên bến sông làng Vực đấy anh ạ.
            Ông chủ tịch gật đầu:
            - Được, tốt quá! Cậu làm công văn trả lời cho làng Vực biết chính quyền xã nhất trí. Nhân tiện nhắc nhở làng Vực phải luôn chú ý trông coi, bảo vệ tốt đền Vực là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, hiểu không!
            - Vâng ạ! Em sẽ thảo công văn ngay để anh ký!
            Anh chánh văn phòng đi rồi, ông chủ tịch xã ngồi trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi chợt gật gù thốt lên vẻ tâm đắc:
            - Hay thật! Hôm nay mình làm được một việc tốt, giúp cho hai ông cựu chiến binh có công ăn, việc làm. Một ông quét chợ, một ông quét chùa... đúng là hay thật... hay thật... rất hay...

            (còn nữa)                                                     Hà Nội, tháng 4-2013