Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Trên vùng biển Gạc Ma - thơ


                      

Trên vùng biển Gạc Ma
 
Tàu neo trên vùng biển Gạc Ma
Chúng tôi thả vòng hoa xuống biển
Những cơn sóng ầm ào ập đến
Sóng dội lên từ đáy biển sâu…
 
Chúng tôi đứng lặng trên boong tàu
Cúi đầu tưởng nhớ người đã chết,
Sáu mươi tư đứa con đất Việt
Máu đỏ loang trên biển một ngày.
 
Đạn quân thù xé nát ngực trai
Tay vẫn ôm lá cờ Tổ quốc,
Biển gầm thét trước quân xâm lược
Sóng trào lên nỗi hận căm thù.
 
Các anh nằm dưới đáy biển đến giờ
Hồn phảng phất trên từng ngọn sóng
Máu vẫn đỏ ngầu khi biển động
Khi quân thù còn lảng vảng xung quanh.
 
Chúng tôi lại tiếp tục hải trình
Tiếng còi tàu vang dài từ biệt,
Trường Sa ơi sao mà thân thiết
Bởi bao đồng đội mãi nằm đây…
 
             Trường Sa, 3-2005
                 Trọng Bảo
 

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Ba bài thơ cho một người con gái

           
           Ba bài thơ cho một người con gái
          Tạp văn của Trọng Bảo

          Em sinh ra ở Yên Phong, Bắc Ninh, bên dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy. Quê em có chợ Chờ, chợ Núi, có những xóm làng xanh mát lũy tre xanh, mùa hè đến âm vọng tiếng sáo diều vi vu. Trên những triền đê có những đàn bò thẩn thơ gặm cỏ trong tiếng cười nô đùa của đám trẻ mục đồng. Đặc biệt là quê em có làn điệu dân ca qua họ mượt mà, thiết tha, xao động lòng người.         
         Từ miền quê thanh bình ấy em lên đường, trở thành một người chiến sĩ. Chiếc áo chiến binh màu xanh em khoác lên mình thay cho màu áo trắng sinh viên. Tôi quen biết em tình cờ trong một lần lên trung đoàn bộ nhận pin và ác-quy máy thông tin. Từ đơn vị tôi lên trung đoàn bộ gần ba mươi cây số. Tôi xuống bếp thanh toán gạo và thực phẩm bữa trưa để nấu ăn dọc đường. Đi bộ từ sáng sớm đến gần trưa tôi mới đến trung đoàn bộ. Nhận xong các loại vật tư, tôi đeo ba lô ra bờ con suối nhỏ. Tôi dự định nấu cơm ăn xong sẽ trở về đơn vị. Khi tôi đang lúi húi chụm bếp bắc cái nồi nhỏ nấu cơm bên bờ suối thì có một nữ chiến sĩ từ nơi trú quân của cơ quan trung đoàn đi đến. Giờ nghỉ trưa, cô bé bưng một chậu quần áo ra suối giặt. Khi đi qua nhìn cái nồi tôi vừa đặt lên cái bếp kê bằng ba hòn đá cô bé bảo tôi:
          - Có ít gạo mà anh cho nhiều nước thế thì cơm nhão mất!
          Tôi lúng túng. Cô bé dừng lại giúp tôi gạn bớt nước trong nồi cơm. Rồi vừa vò quần áo cô bé vừa trông chừng nồi cơm giúp tôi. Cùng là lính tráng nơi biên giới nên chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh. Tôi biết quê quán và tên nữ chiến sĩ ấy là M. Cô bé là văn thư bảo mật của trung đoàn. Sau này cô bé chính là nguyên mẫu nhân vật Mai trong truyện dài Dốc núi của tôi. M. giúp tôi nấu cơm, xào tý thịt lợn. Tôi đùa:
          - Hay hai anh em mình đổi công! Em nấu cơm giúp anh, anh sẽ giặt quần áo cho em?
          - Nhưng đồ của con gái có thứ anh không giặt được đâu! Hì…
          Cô bé cười rất tươi. Sau bận ấy mỗi lần lên trung đoàn bộ nhận trang bị, vũ khí tôi đều tìm cách gặp M. Có lần M. dẫn tôi vào chỗ trú quân rồi lấy cơm nhà bếp về mời tôi cùng ăn với hai chị em bộ phận văn thư luôn. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979 xảy ra. Cơ quan trung đoàn bộ bị quân địch tập kích bất ngờ và đánh phá dữ dội. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ cơ quan trung đoàn bộ đã hy sinh. Hai cô gái bộ phận văn thư trung đoàn đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Họ đã huỷ được hết các tài liệu quan trọng, không để rơi vào tay quân giặc. Hai người đã bắn đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng. Hôm đó là một ngày đầu tháng ba. Khi nghe tin M. hy sinh tôi đã viết bài thơ “Tiếng gọi”.

Tiếng gọi
Trước lúc hy sinh em cố gọi: "Mẹ ơi!"
Tiếng gọi chìm trong tiếng súng.
Tiếng gọi tắt nửa trên môi.
Người em gái tuổi chớm đôi mươi
Chưa một lần hò hẹn
Chưa biết đến nụ hôn
Em mang cả trinh nguyên về với đất.
Trái tim em đạn thù găm nát
Nỗi đau từ đó vỡ ra,
Tình yêu từ đó vỡ oà
Em gửi lại cho những người ở lại.
Chúng tôi đứng sát bên nhau
Nòng súng vươn cao lặng lẽ cúi đầu
Phút cuối cùng tiễn đưa người em gái.
Đặt một cành lá xanh
Trên nấm mộ gió mưa tê tái
Tôi chợt nghe như em vẫn còn gọi mãi:
"Mẹ... mẹ ơi!".
        
            Cuối tháng 7 năm 1979, tôi có quyết định về tập trung tại trường văn hóa quân khu để ôn thi đại học. Trước khi rời Cao bằng về xuôi, tôi và một người bạn của M. đến thăm nơi em đang yên nghỉ. Tôi đã viết cho em bài thơ "Thôi em ở lại" để thay lời tạm biệt người con gái ấy.
            Quỳ trước mộ người con gái Kinh Bắc, tôi đọc bài thơ thứ hai này cho em nghe.

Thôi em ở lại
Vậy thôi em ở lại,
Bọn anh ngày mai về xuôi.
Hôm lên chúng mình có ba người
Một mình em con gái
Quê em ở bến sông Cầu.
Em nói ngày ra quân năm sau
Đưa bọn anh về làng Lim đi hội
Nghe quan họ hát thâu đêm...
Thế mà bây giờ chỉ một mình em
Ở lại đây với núi rừng biên giới.
Trận đánh ấy vô cùng dữ dội
Giữa vòng vây quân giặc trùng trùng
Quả lựu đạn cuối cùng
Trên tay em chớp lửa
Quân thù kinh hoàng, tơi tả,
Em hoá thân vào trời đất bao la,
Nên ngày về xuôi chẳng còn đủ ba
Khuyết mất người em gái nhỏ.
Hai đứa anh ngồi bên nấm mộ
Bùi ngùi dặn em trước lúc chia tay:
"Thôi em ở lại đây
Với chập trùng núi đá
Với bạt ngàn hoa lau,
Để mùa Xuân trên bến sông Cầu
Thiếu một người đội nón quai thao đi hội...".
 
          Đọc xong, tôi liền châm lửa đốt tờ giấy chép bài thơ thay một nén nhang tưởng nhớ và từ biệt người liệt nữ. Bài thơ cháy bỏng trên tay tôi, tàn tro rắc rơi trên cỏ.
          Một năm sau, tôi về học tại một trường sĩ quan ở Bắc Ninh. Lần đầu tiên đi Hội Lim, giữa dòng người trẩy hội đông nghẹt, tôi lại nhớ đến M. Tôi cứ nghĩ là em đang đưa tôi đi xem hội, nghe hát quan họ. Em vẫn ở đâu đó quanh đây, giấu khuôn mặt xinh đẹp sau vành nón nhỏ và sẽ bất ngờ xuất hiện ngay bên cạnh tôi với ánh mắt sáng long lanh, nụ cười tinh nghịch trên môi...
          Và, tôi đã viết cho em bài thơ thứ ba này.

Hội Lim tôi lại đi tìm
Hội Lim tôi lại đi tìm
Mong sao gặp ánh mắt em hôm nào,
Trốn sau vành nón quai thao 
Thoảng nghe tiếng gọi ngọt ngào: "Người ơi..."
Hội đông, người chạm vai người
Không em tôi vẫn lẻ loi một mình
Cô đơn khóm trúc đầu đình
Buồn trông liền chị, liền anh dập dìu
Đêm cho câu hát liêu xiêu       
Tay nâng vạt áo bao nhiêu hẹn hò.
Riêng tôi mong sự bất ngờ
Biết đâu hội tự bao giờ đã tan...?.
 
          Cả ba bài thơ trên có trong phần 6 của truyện dài Dốc núi đăng trên blog này. Và cả ba bài thơ ấy đều dành cho một cô gái, một người chiến sĩ quê miền quan họ Bắc Ninh, một người đồng đội dũng cảm của tôi.
          Viết thêm: Riêng bài thơ “Hội Lim tôi lại đi tìm” đã được đăng trên Báo Giáo dục & Đào tạo và số Tết báo Pháp luật Việt Nam.
                                                                      
                                                                           Hà Nội, 8-3-2013

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Truyện ngắn đăng Báo Văn nghệ Trẻ


         Truyện ngắn đăng Báo Văn nghệ Trẻ

         Truyện ngắn “Ngày mai em sẽ tìm anh” tôi viết để tưởng nhớ những người đồng đội đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979 cách nay vừa tròn 34 năm. Họ đã ngã xuống nơi mảnh đất địa đầu của Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ. Có người còn chưa một lần biết đến nụ hôn của tình yêu, có người chưa đầy một tuổi quân đã trở thành liệt sĩ. Truyện ngắn được đưa lên blog, có rất nhiều bạn đọc đã truy cập. Báo Văn nghệ Trẻ số 09 (852) ra ngày 3-3-2013 đăng truyện ngắn Ngày mai em sẽ tìm anh. Tác giả chân thành cảm ơn BBT Báo Văn nghệ Trẻ và các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đức Thiện, Xuân Thu, Phùng Phương Quý, Nguyễn Đức Đát đã đọc, góp ý, chia sẻ về truyện ngắn này (Trọng Bảo).  
          
         * Mời đọc truyện ngắn Ngày mai em sẽ tìm anh:


          Ngày mai em sẽ tìm anh
          Truyện ngắn của Trọng Bảo

          Gió bắc thổi hun hút qua vách đá. Rừng núi âm u. Đã qua tết rồi mà trời còn rét lắm. Mùa xuân rồi sao mà lạnh lẽo đến thế. Cái lạnh lẽo thê lương như đang gặm nhấm làm mòn mỏi cả một dải đất cằn khô miền biên ải.
          Họ ngồi bên nhau. Cái lạnh làm cho họ sát lại gần nhau hơn. Họ đều là những người lính. Đơn vị họ mới lật cánh từ Hà Giang sang hướng Cao bằng khi tình hình biên giới ngày càng căng thẳng, nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra. Chàng trai ở đại đội công binh còn cô gái là nữ chiến sĩ thông tin trung đoàn. Màu áo của họ lẫn vào màu cỏ dại và đá núi.
          Chàng trai ngồi im lúng túng. Cô gái vặt trụi lá một cành sim mọc ven suối.
          Mãi sau chàng lính công binh mới ấp úng nói:
          - Anh vừa nhận được thư mẹ…
          - Nhà có chuyện gì mới không anh?
          - Mẹ anh giục về…
          Chàng lính trẻ bỏ lửng câu nói. Cô gái cười khúc khích:
          - Giục về cưới vợ để mẹ chóng có cháu bồng chứ gì?
          - Nhưng… anh không thích cái cô bé nhà bên cạnh mà mẹ bảo về để hỏi cưới ấy… đanh đá lại còn hay mách lẻo nữa…
          - Hi… nhưng người ta xinh…
          - Xinh gì… hồi bé thò lò mũi suốt…
          Cô gái bật cười thành tiếng:
          - Hồi bé ai chả thò lò mũi chứ?
          Chàng lính im lặng. Cô gái vân vê vạt áo:
          - Em cũng mới nhận được thư nhà!
          - Chắc mẹ cũng giục…?
          - Không, mẹ em lo…
          - Lo gì… chiến tranh sắp nổ ra à?
          - Không… mẹ lo con gái có thì…
          Hai người lại im lặng. Chỉ có tiếng suối chảy rì rào qua khe đá. Họ nghe rõ cả tiếng thở của nhau. Cô gái lại chợt hỏi:
          - Liệu chiến tranh có xảy ra không anh nhỉ?
          - Không biết! Nhưng tình hình ngày càng căng thẳng thế này thì không rõ sẽ thế nào? Bọn anh hôm nay về kho trung đoàn lấy vật tư để chuẩn bị sẵn sàng đấy!
          - Vật tư gì quan trọng thế?
          - Bí mật nhé!
          - Vâng…
          - Toàn là kíp nổ mạnh… khi chiến tranh xảy ra, bọn anh sẽ dùng cả tấn thuốc nổ đánh sập một đoạn đường qua vách đá cheo leo để chặn xe cơ giới của bọn địch tràn sang… Thôi chết! Thằng Chiến cùng đi lĩnh vật tư với anh đang ngồi chờ ở ngã ba Đôn Chương. Chắc là nó sốt ruột lắm!
          - Thế thì anh đi… đi…
          Cô gái làm bộ giục. Anh chàng lính công binh tặc lưỡi:
          - Thôi, hay cứ để nó chờ thêm một tý nữa. Anh em mình ngồi với nhau thêm một lát nữa, chả mấy khi gặp được nhau…
          Cô gái nhích lại sát anh lính. Cô cố nén tiếng thở dài lo âu nói:
          - Mong sao cho chiến tranh không xảy ra. Em sợ lắm. Nhà có một mình em là con gái út, lại ở tít tận trên biên giới này.
          - Mẹ anh cũng lo. Mẹ chỉ có một mình anh thôi. Mẹ thương anh lắm. Bố anh hy sinh trong đợt đơn vị đi tiễu giặc phỉ ở Hà Giang, mẹ ở vậy nuôi anh. Mà bố anh ngày xưa cũng là lính ở trung đoàn 246 của mình đấy! Bao giờ đơn vị ổn định, mở lại nhà truyền thống, anh sẽ dẫn em vào xem. Trong nhà truyền thống trung đoàn có ảnh bố anh đấy!
          Cô gái thở dài nhè nhẹ:
          - Ước gì không có chiến tranh anh nhỉ!
          - Anh cũng mong thế! Không có chiến tranh chúng mình sẽ được ra quân, anh sẽ đưa em về quê anh thăm Đền Hùng.
          - Em cũng sẽ dẫn anh về quê em đi trẩy Hội Lim nghe hát quan họ…
          Chàng lính trẻ nhìn vào mắt cô gái. Anh nhận thấy sự lo âu không dấu nổi trong ánh mắt của cô gái. Chàng lính công binh nhìn đồng hồ. Chắc giờ này thằng Chiến đang nóng lòng chờ anh ra để cùng đem số vật tư đã nhận ngược lên biên giới. Lúc nãy lĩnh vật tư ở kho anh dặn Chiến đeo ba lô ra chỗ ngã ba ngồi chờ còn mình tranh thủ tạt qua đại đội thông tin thăm cô bạn gái. Thằng Chiến nhìn anh nháy mắt bảo: “Mày làm gì thì làm nhanh nhanh rồi ra ngay kẻo về đến đơn vị tối mất đấy!”.
          Cô gái thấy anh lính công binh nhìn đồng hồ liền nói khẽ:
          - Anh… anh… ôm em đi!
          -…
          Chàng lính công binh lúng túng. Anh choàng tay qua vai cô gái. Đôi vai tròn của cô gái run lên. Hơi thở của cả hai người dồn dập, đứt quãng không đều. Họ như nghe thấy cả tiếng trống ngực của nhau. Cô gái thì thào. Hơi thở của cô nóng hổi bên tai anh: “Ôm em thật chặt vào…”. Cô kéo cánh tay của anh xuống ngang ngực mình. Chàng lính công binh như đang bị lên cơn sốt. Lần đầu tiên cánh tay anh chạm vào ngực một người con gái. Họ ngồi im lặng không ai nói gì thêm. Cô gái lặng lẽ mở khuy áo rồi ngoặt tay ra phía sau lưng tháo cái móc. Chàng lính trẻ bàng hoàng khi nhìn thấy khuôn ngực trẻ trung và tròn căng của cô gái. Anh sợ hãi không dám đặt tay lên. Một làn gió lạnh làm cô gái rùng mình. Khuôn ngực trẻ trung như hai ngọn măng đang mọc. Cô gái nắm lấy bàn tay thô ráp vì đào hầm hào công sự của người lính công binh đặt lên ngực mình ép chặt, thật chặt. Hai người như lả đi. Trời đất quay cuồng. Lạ lẫm và mê hoặc. Khi đã hồi tĩnh lại anh lính công binh mạnh dạn hơn. Anh hạ thấp một bàn tay luồn xuống phía dưới. Cô gái vội giữ bàn tay anh lại hốt hoảng:
          - Đừng… đừng…
          - Sao thế?
          - Không được… không được đâu! Hôm… hôm nay em đang bị… ngày mai mới hết cơ…
          Chàng lính trẻ vội rụt tay lại. Anh hiểu ý cô gái nói. Hôm nay cô đang bị chuyện phụ nữ, “kéo cờ trắng” như cánh con trai vẫn thường nói với nhau về phụ nữ. Cô gái vừa cài lại khuy áo vừa nhìn vẻ mặt thất vọng của chàng trai mỉm cười nói:
          - Thôi… anh đi đi… ngày mai em sẽ đến tìm anh… ngày mai anh nhé!
         Anh lính công binh nắm chặt tay cô gái:
         - Thư ơi! Ngày mai anh sẽ đợi em ở đầu thị trấn nhé!
          Họ cùng chạy về hướng ngã ba Đôn Chương nơi một người đồng đội của họ đang chờ. Ra khỏi cánh rừng chàng lính trẻ bảo cô gái quay lại. Dùng dằng mãi rồi họ mới chia tay nhau. Đặt một cái hôn nhẹ lên má chàng lính công binh, cô gái thì thầm: “Nhất định ngày mai chủ nhật được nghỉ em sẽ đến tìm anh! Ngày mai anh  Lâm nhé”…
* 
          Thư về đến gần đơn vị thì gặp đám bạn gái đang kéo nhau ra suối giặt giũ. Vừa nhìn thấy Thư lũ con gái nhau nhau xô đến cật vấn. Lúc nãy bọn chúng đã thấy anh lính công binh vào đơn vị rồi Thư cùng anh lính ấy đi vào cánh rừng ven suối.
          - Thế nào đã… làm gì nhau chưa?
          Cái Liên vừa xoa xoa má Thư vừa hỏi. Cái Thuỷ thì nghi ngờ:
          - Chắc chắn đã làm gì rồi phải không?
          - Làm gì… là làm sao! Chúng mày chỉ được cái vớ vẩn!
          - Vớ vẩn cái gì! Anh chàng đẹp trai thế cơ mà… chả lẽ chỉ ngồi không bên bờ suối thả lá xuống dòng nước cho trôi về biển cả à?
          - Thì nói toàn chuyện linh tinh thôi!
          - Bọn tao không tin… nhìn hai má rưng rưng đổ lựng thế kia mà nói không làm gì thì vô lý quá!
          Cả bọn đang ồn ào nói cười nghiêng ngả thì chiến sĩ liên lạc đại đội xuất hiện gọi to:
          - Báo động! Tất cả về đơn vị tập hợp ngay!
          Đám con gái vội bưng chậu quần áo, xách súng chạy về vị trí đóng quân của đơn vị. Trời đã sụp tối. Ở miền núi đá âm u thường tối sớm. Thư vừa đeo bà lô, khoác súng, vớ cái máy điện thoại và cuộn dây chạy ra bãi cỏ đầu doanh trại. Cô hơi lo lắng. Thư mong rằng lần này cũng chỉ là báo động luyện tập như những bận trước. Ngày mai chủ nhật Thư đã hẹn với Lâm gặp nhau. Lâm hứa sẽ đưa Thư đi thăm một cái hang đá có nhiều thạch nhũ rất đẹp mà anh đã phát hiện trong một lần đi tìm nơi trs quân và cất giấu vật tư chiến tranh cho đơn vị. Thư đỏ mặt khi hình dung chuyện của hai người sẽ xảy ra trong cái hang vắng ấy.
           Đơn vị tập trung đầy đủ. Đại đội trưởng phổ biến mệnh lệnh chiến đấu rồi tất cả hành quân về các vị trí đảm bảo thông tin liên lạc cho trung đoàn. Tiểu đội thông tin hữu tuyến của Thư đảm bảo tuyến đường dây về hướng tiểu đoàn 3 và đơn vị công binh. Tiểu đội trú quân trong một hang đá nhỏ nằm trên con đường lên thị trấn Sóc Giang. Tìm chỗ rải tấm tăng làm chỗ ngủ ở góc hang xong Thư quay ra cửa hang thì cái Liên đi nhận gạo trở về. Nó đưa cho Thư hai băng đạn và nói:
          - Tình hình có vẻ căng thẳng lắm mày ạ!
          - Chắc lại báo động sẵn sàng chiến đấu như những lần trước thôi…
- Lần này khác, có khả năng chiến tranh xảy ra!
          Thư hơi run run:
          - Thật thế hả mày?
          - Lúc qua hầm chỉ huy tao nghe lỏm thấy đại đội trưởng đang nói với mấy anh trung đội trưởng là ở phía cửa khẩu Bình Mãng bọn địch đã phá các vật cản của ta rồi…
          Chợt nhớ tới lời anh Lâm nói lúc chiều, Thư thảng thốt:
          - Lỡ chiến tranh xảy ra thật thì làm thế nào… tao sợ lắm!
          - Tao cũng sợ! Nếu tao có thế nào thì mẹ tao chết mất…
          - Ôi… mà còn anh Lâm…
          - Anh Lâm của mày làm sao?
          - Anh… anh… ấy chắc đêm nay sẽ lên sát biên giới chuẩn bị nổ mìn ngăn cản xe cơ giới của bọn giặc… Nếu chiến tranh nổ ra thì ngày mai…
            Đang nói Thư chợt im bặt. Cô chợt nhớ đến lời hẹn ngày mai với Lâm. Cái “ngày mai” ấy cả hai đều mong chờ, lo lắng thấp thỏm trong một đêm biên giới thế này. Thư mong một ngày mai sẽ bình yên như mọi ngày trước đó, chỉ một ngày thôi, một ngày không có chiến tranh…
*
           Nhưng chiến tranh đã nổ ra đúng buổi sáng ngày chủ nhật (17-2-1979). Ngày mà Thư hẹn sẽ đến tìm Lâm. Một ngày mà cô mong đợi hơn tất cả mọi ngày. Thư sợ hãi khi nghe những tiếng nổ dữ dội. Bầu trời sáng rực lên bởi những luồng lửa đạn từ bên kia biên giới bắn sang. Trong tiếng đạn pháo đinh tai, chói óc là tiếng người gào gọi nhau thảm thiết, tiếng kêu khóc hoảng loạn, tiếng chó sủa, gà kêu, bò rống tan tác, vỡ đàn, tiếng tre nứa nổ lốp bốp từ những ngôi nhà trúng đạn đang bốc cháy rần rật. Mọi thứ âm thanh hỗn độn hoà vào nhau. Khói lửa, cát bụi mù mịt.  
           Thư và Liên ôm nhau trong hốc đá co rúm vì sợ hãi. Nhưng rồi họ cũng không có thời gian mà sợ hãi mãi. Tiếng chuông máy điện thoại đổ ròn bắt buộc họ trở về với nhiệm vụ. Đường dây hữu tuyến lên các đơn vị dính mảnh pháo, bị trâu bò của dân bản hoảng loạn vì đạn pháo chạy rông kéo đứt. Hai người lần theo tuyến đường dây. Họ vừa bò vừa chạy khi qua cánh đồng trống mịt mù lửa khói. Có lúc đạn pháo nổ gần Thư và Liên phải nằm bẹp dưới mương nước mãi mới dám đi tiếp. Hai người không rõ chiến sự đã xảy ra trên các hướng như thế nào. Họ chỉ biết là vô cùng ác liệt qua những câu đối thoại ngắn ngủi khi họ quay máy về tổng đài hay gọi lên điểm tựa các đơn vị.
          Mãi đến cuối chiều tiếng súng mới tạm ngớt. Bọn địch chưa chọc thủng được tuyến phòng thủ của quân ta. Thư và Liên quay về vị trí trú quân. Cả hai đều mệt và đói. Thư kéo lê khẩu AK chui vào hang. Liên bẻ nắm cơm nguội ngắt đưa bạn. Chợt Thư kêu lên:
          - Thôi chết! Mình phải lên chỗ đơn vị công binh ngay! Anh Lâm chắc đang đợi mình…
          Cái Liên gàn:
          - Mày không đi được đâu! Đường lên chỗ đơn vị công binh phải băng qua cánh đồng nguy hiểm lắm. Mà đường dây lên đó bị đứt chưa khắc phục được, không hiểu tình hình thế nào…
          - Tao nhất định phải đi… tao sẽ kiểm tra đường dây lên trên đó luôn.
          Thư quả quyết. Cô đeo cái máy điện thoại và xách khẩu súng toài người ra khỏi hang. Liên dặn với theo:
          - Cẩn thận bọn thám báo đấy Thư ơi!
          Đạn pháo quân địch đã tạm lắng. Đã cuối ngày. Cánh đồng trồng ngô và thuốc lá lỗ chỗ hố đạn pháo, khét nồng mùi thuộc súng. Thư thận trọng đi dọc con mương nhỏ chạy song song với con đường rải đá lên thị trấn Sóc Giang. Vượt qua thị trấn thì Thư gặp được mấy chiến sĩ đang chốt giữ ở gần trường cấp 1. Thư đang hỏi thăm lối lên đơn vị công binh thì có tiếng hỏi:
          - Thư phải không! Anh là Chiến ở đơn vị công binh đây…
          Một người chiến sĩ quần áo bê bết bùn đất từ một ngách hầm nhô ra. Thư nhận ra người bạn thân của Lâm. Chiến kéo Thư ra phía sau một gộp đá bảo:
          - Bọn anh đang triển khai bãi vật cản ở đây… ngày mai có thể bọn giặc sẽ tràn xuống thị trấn đấy…
          - Thế anh Lâm…
          Chiến im lặng rồi nắm chặt bàn tay lạnh cóng của Thư:
          - Lâm… Lâm… không còn nữa Thư ạ!
          Thư suýt khụy xuống. Cô phải níu lấy tay của Chiến để khỏi ngã. Chiến thì thào:
          - Lâm hy sinh anh dũng lắm Thư ạ!
          Thư cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc. Thư đã biết về cái chết của Lâm qua lời kể vội vàng của Chiến.
          “Sáng sớm nay xe tăng và bộ binh địch đánh lướt qua bên trái chốt của đại đội bộ binh tràn xuống phía thị trấn Sóc Giang. Đơn vị công binh được lệnh phá đường chặn quân giặc. Lâm và Chiến được giao nhiệm vụ điểm hoả khối thuốc nổ hàng trăm cân để đánh sập cả đoạn đường xuống vực. Hai người tiến hành điểm hoả khối thuốc nổ rồi nhanh chóng lui về vị trí an toàn.
           Nhưng mãi không thấy tiếng nổ, Lâm bảo Chiến:
           - Hỏng rồi! Có lẽ mảnh pháo địch chặt đứt mất dây cháy chậm rồi. Mày yểm hộ để tao lên kiểm tra xem sao nhé!
           Nói xong, Lâm lăn xuống con mương toài người lao lên phía trước. Chiến lo lắng nhìn theo Lâm. Chiếc xe tăng đi đầu của địch đã nhô ra ở quãng đường ngoặt, cách khối bộc phá không xa. Đạn bắn thẳng của chúng cày tung bụi trên mặt đường. Lâm vẫn theo cái rãnh thoát nước bên đường cúi thấp người chạy lên. Khi chỉ còn cách khối bộc phá vài mét thì Lâm chới với ngã sấp xuống. Mọi người cố căng mắt quan sát. Không thấy Lâm động đậy. Khi bộ phận công binh chuẩn bị cử người lên tiếp ứng thì thấy Lâm nhỏm dậy. Lâm cố lết lên phía trước. Lâm đã bị thương, một bên chân đẫm máu và hình như không còn cử động được nữa.
           Chiếc xe tăng địch chồm tới rất nhanh trong khi Lâm vẫn nhích lên từng đoạn một. Khi Lâm đến được chỗ đặt khối bộc phá thì xe tăng và bộ binh địch cũng tiến sát chỗ đặt khối thuốc nổ. Lâm nằm nghiêng người rút dao găm ra kê đoạn dây cháy chậm lên báng súng xiết mạnh. Khi thấy Lâm gắn nụ xoè vào đoạn dây cháy chậm ngay phía trên khối thuốc nổ các chiến sĩ chợt hiểu và thấy lạnh cả xương sống. Lâm quyết định điểm hoả cho khối bộc phá nổ tức thì. Đúng như mọi người dự đoán. Sau khi lắp xong nụ xoè, Lâm ép người nằm im như chết dưới lòng rãnh nước.
           Khi chiếc xe tăng và bộ binh địch tiến sát khối thuốc nổ thì Lâm vụt chồm dậy nhoài người nằm đè lên phía trên khối thuốc nổ và giật nụ xòe. Gần như đồng thời với hành động của Lâm là một tiếng nổ rung trời chuyển đất. Đoạn đường ngang vách núi mịt mù khói bụi. Đất đá văng rào rào. Tiếng súng lặng đi. Khi khói lửa dần tan thì cả một một đoạn đường đã bị đánh sập xuống vực sâu. Chiếc xe tăng quân xâm lược cùng những tên lính bộ binh hung hăng biến mất”.
           Kể xong chuyện Lâm hy sinh cho Thư nghe, Chiến lôi từ trong cóc cái ba-lô đang đeo ra một cái túi nhỏ rồi bảo:
          - Hôm qua Lâm nói hôm nay Thư sẽ lên thăm, nhưng chiến tranh xảy ra. Trước khi đi làm nhiệm vụ Lâm dặn nếu không trở về thì giao cho Thư vật này.
          - Là gì vậy anh?
          - Trong cái túi này là cuốn sổ ghi nhật ký của Lâm! Lâm dặn nếu nó không trở về thì giao cho Thư. Trong đó có cả mấy tấm ảnh của nó nữa…
           Thư run run cầm cái túi nhỏ. Nhớ đến lời hứa với Lâm chiều hôm qua, Thư vốc một nắm đất bên bờ công sự bỏ vào cái túi. Lâm đã hi sinh, hồn phách và thể xác của Lâm đã tan hòa vào đất trời sông núi biên cương. Thư muốn đem một nắm đất có phần thịt xương hồn phách của Lâm về quê mình sau khi cuộc chiến tranh này chấm dứt…
                                                                                               Cao Bằng, năm 1979
                                                                                               Hà Nội, đầu năm 2013