Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (PHẦN 18)

 

                    
                    
           NGŨ QUỶ
           Truyện dài của Trọng Bảo 
         
          Cái chết của bà mẹ làm anh Phương suy sụp.
          Anh cứ ngỡ mình từ cõi chết trở về sẽ được ở bên mẹ thật lâu. Không ngờ, chỉ sau mấy tháng mẹ anh lại về chốn ấy. Cuộc đời con người hóa ra còn lắm điều không hoàn thiện. Khi người ta hạnh phúc thì bất hạnh đã chầu trực bên cạnh. Khi người ta vui mừng thì nỗi buồn vẫn quẩn quanh đâu đó. Và cả khi người ta giàu sang, viên mãn thì sự nghèo khó vẫn cận kề, áp sát. Biết bao người hôm trước còn ngẩng đầu hiên ngang đứng trên đỉnh vinh quang, hôm sau đã gục mặt dưới vũng bùn nhơ dơ bẩn. Bên cạnh cái thực là sự hư vô. Bên cạnh ánh hào quang nhất định sẽ là vùng bóng tối.
           Anh Phương thấy mình hẫng hụt. Anh như đang rơi xuống một cái hố sâu tối tăm thăm thẳm. Đầu óc anh trở nên mông lung, lúc nhớ, lúc quên như dạo mới trở về làng. Hôm đưa mẹ ra đồng anh đi sau cỗ quan tài như một người mộng du. Bước chân anh lướt trên cỏ như không chạm đất. Bầu trời hôm đám tang bà Thuân cũng âm u, mờ tối. Mưa gió lạnh sụt sùi. Đất khu nghĩa địa nhân dân ven đồi ngấm nước nhão nhoẹt. Nấm mộ của mẹ vun mãi chẳng tròn. Màu đất đỏ lồi lên giữa cỏ xanh nơi mai táng.
           Khi nấm mộ đắp xong, ông trưởng phường bát âm chuyên nghề khóc thuê đám hiếu đội chiếc khăn xô trắng xỉn lên đầu, tay cầm cây gậy giả mái chèo đò, thay đám con cháu khóc nên thành những lời cuối cùng để tiễn biệt người đã khuất. Tiếng người khóc thuê hoà trong tiếng nhị hồ, tiếng kèn đám ma nghe não nùng, thống thiết:
         “Một đời mẹ những gian lao
          Thân cò ruộng lúa, bờ ao tảo tần
          Mùa đông nứt nẻ bàn chân
          Ngày hè áo thấm mấy lần mồ hôi.
          Chăm cho con lớn nên người
          Lá trầu héo quắt nhạt vôi phần mình.
          Con thì mặc áo chiến binh
          Chiến trường bom đạn vây quanh bốn bề,
          Hoà bình ngóng đợi con về
          Cuộc đời mẹ những tái tê cõi lòng… 
          Hôm nay đưa mẹ ra đồng
          Để mình mẹ với mênh mông đất trời
          Thế là mẹ cũng mồ côi
          Cô đơn nấm đất bời bời gió mưa…”.
          Anh Phương giơ bàn tay chùi mắt. Anh Thưởng đứng bên cạnh bên khẽ nhắc bạn cần có vài lời cảm ơn bà con làng xóm đã tận tình đưa mẹ mình ra đồng. Tiếng anh Phương khản đặc ấp úng lẫn trong tiếng mưa, tiếng gió.

          Đám người đi đưa ma đã về hết. Bên nấm mộ mới chỉ còn lại có năm người. Đó là lão Vận, anh Thưởng, cô Liên-hai người bạn từ thời chiến tranh và thằng Đầu bò-chiến hữu thời bình của anh Phương. Cô con gái của bà Thuân khóc lóc nhiều quá lả đi đã được người làng dìu đưa về nhà. Lão Vận hì hục vốc từng nắm đất nhão đắp thêm lên nấm mộ. Thằng Đầu bò cố che mưa gió đốt thêm một nắm nhang.
          Trời đã sụp tối.
          Những đốm lửa hương nhang lập loè.
          - Về thôi! Tối rồi… - Tiếng anh Thưởng.
          - Ừ về cho bà cụ còn yên nghỉ! Cả cuộc đời bà ấy chưa được yên tĩnh lúc nào đâu… - Tiếng lão Vận.
          - Bà ơi! Con về đây… - Tiếng cô Liên.
          - Xin cụ luôn phù hộ cho con… - Tiếng thằng Đầu bò.
          - Mẹ ơi… mẹ ơi… - Tiếng anh Phương.
          - U… u… u… - Tiếng gió.
          - Ào… ào…. - Tiếng mưa.
           Tiếng của linh hồn người chết đáp lại người sống thì không ai nghe được. Nó giống tiếng gió, lại giống tiếng mưa, lại giống như tiếng thở dài trong không gian triền miên vô tận.
           Bóng năm người chập chờn như những bóng ma trong nghĩa địa.
*
          Từ ngày mẹ mất, anh Phương ăn ngủ bất kỳ. Khi mẹ còn sống ngày hai bữa mẹ con ngồi cùng bên mâm cơm. Bữa cơm đơn sơ, rau dưa đạm bạc qua quýt nhưng ấm áp. Bây giờ thì chẳng thành bữa. Nhiều hôm anh gặm một cái bánh mỳ, ăn một bát bún ở ngoài chợ cũng xong bữa. Buổi tối anh về nhà muộn pha bát mỳ tôm chả nấu nướng gì. Có hôm anh đi làm thuê vận chuyển vật liệu xây dựng, phụ hồ nhà chủ mời cơm. Ăn uống thất thường nên anh có vẻ gầy hốc hác hơn trước.
           Một buổi sáng trời trở gió lạnh. Anh Phương tập tễnh đi ra thị trấn. Hôm nay đúng phiên chợ, chắc là có nhiều người thuê mướn khuân vác hàng hóa. Từ sang anh đã thấy mình hơi mệt, đầu óc ong ong u u. Anh Thưởng gặp bạn đi vật vờ trên đường làng liền dừng xe lại bảo:
          - Mày phải chú ý giữ gìn sức khoẻ! Nhà tao gần chợ, buổi trưa vào mà ăn cơm. Tao cũng có một mình. Cái Sương về thành phố học rồi. Mày cứ ăn uống vớ vẩn thế này phát bệnh thì khốn. Mà hôm nay trời lạnh sao mày ăn mặc phong phanh thế!
          Anh Phương gật đầu ậm ừ. Đã mấy lần bạn dặn như vậy rồi.
          Đi đến gần chợ tự dưng anh Phương thấy đầu óc mình quay cuồng. Anh chợt nghe như có tiếng hô khẩu lệnh chiến đấu. Phía trước hình như có tiếng súng nổ và khói lửa. Anh hét lên một tiếng rồi lăn ngay xuống mương nước. Khẩu súng của mình đâu rồi. Đây rồi! Anh quờ tay túm luôn được một đoạn cành cây khô trên bờ mương. Anh ôm cành cây vào ngực rồi lao lên phía trước hô to:     
          - X... u... n... g... p... h... o... n... g...
          Anh Phương lao vào chợ. Quần áo anh ướt sũng lấm bê bết bùn đất. Anh vớ ngay được con dao chọc tiết lợn nhọn hoắt ở cái bàn bán thịt ở cổng chợ. Một tay anh cầm khúc cây, một tay vung con dao vung lên lao tới. Mọi người xô đẩy, đạp nhau mà chạy tán loạn. Nhiều người hốt hoảng hét lên ầm ĩ: "Chạy... chạy... đi! Một thằng điên... nó cầm dao xông vào chợ đấy...".
           Mấy bà đi chợ quẳng cả rổ rau bỏ chạy. Mọi người xô vào nhau ngã dúi dụi khắp chợ. Tiếng chân người chạy rầm rập. Tán loạn. Đúng là vỡ chợ.
          Tiếng nhiều người gào lên:
          - Bắt... bắt... lấy... tước ngay con dao của nó... Nguy hiểm quá...
          Anh Phương vung con dao chọc tiết lợn lên lao về phía dãy hàng rau tiếp tục hô to: "Xung... phong... xung... phong... tiến lên… các đồng… chí ơi…".
          Thỉnh thoảng, anh lại nằm ép xuống bò lê dưới rãnh nước bùn bẩn đen ngòm lều phều những cọng rau, rác rưởi và vảy cá như để tránh đạn quân thù. Mỗi khi anh bật dậy xung phong con dao trong tay chém xỉa lung tung. Những người bám theo tìm cách khống chế anh hốt hoảng chạy rạt ra.
           Một người đàn bà bán rau ôm đứa con gái nhỏ rúc vội vào một góc quán chợ. Chị lấy thân mình che cho con. Anh Phương lao đến chỗ gánh rau của chị ta chém lia lịa. Những mớ rau muống bị phạt làm đôi, làm ba, tơi tả.
           Người bảo vệ chợ nhân lúc anh Phương đang mải đâm chém gánh rau liền áp sát lựa thế lao vào quật ngã và tước được con dao trong tay anh. Mấy người nữa lập tức xông đến hỗ trợ đè nghiến anh Phương xuống vũng bùn giữa chợ. Họ dùng dây trói chân, trói tay anh Phương lại như trói một con lợn. Mặt mũi anh bê bết bùn đen hôi thối. Mặc. Anh Phương vẫn luôn mồm gào lên: “Nhất… định… không… được… đầu… hàng… Các... đồng... chí... xung... phong... xung... phong... x… u… n… g… p… h… o… n… g…".
           Cô Liên cũng đang đi chợ. Cô vứt vội cái làn đựng thức ăn nhào đến xoa đầu, dỗ dành an ủi anh Phương. Anh dịu dần nằm im. Mọi người giúp Liên đưa anh đi về phía trạm y tế xã. Các hàng quán lại trở hoạt động. Tiếng nói cười mặc cả lại râm ran như chẳng có việc gì xảy ra. Người đàn bà bán rau muống và con gái lúc này mới hoàn hồn. Con bé mặt mũi còn tái nhợt. Nhiều người đi chợ giờ mới biết anh Phương không phải là một người điên. Anh bị chấn thương sọ não trong chiến đấu. Do trời trở gió và có lẽ cả do những phiền muộn sau cái chết của mẹ nên vết thương của anh bất ngờ tái phát. Lúc phát bệnh anh cứ nghĩ là mình đang xung trận đánh giặc. May mà anh không chém trúng ai, cũng không phá hỏng đồ đạc hàng hóa gì ngoài việc chém nát một gánh rau muống.
           Người đàn bà bán rau thấy thương xót cho người lính chiến. Chị nhặt nhạnh những ngọn rau muống bị chém tơi tả cho vào rổ. Bà cụ bán bánh cuốn ở dãy đối diện đưa cho chị cái bao tải và bảo:
          - Cho hết vào đây, tôi mua cho mà về.
          Chị ngạc nhiên:
          - Rau nát hết cả rồi bà mua làm gì ạ?
          - Mang về chăn nuôi! Còn ba chục mớ phải không. Mỗi mớ tôi trả đủ ba trăm đồng như chị vẫn bán. Đây mười nghìn, cho thêm con bé một nghìn mua kẹo! Sao hôm nay có gió mùa đông bắc mà không mặc áo rét cho con bé! Hôm qua không nghe dự báo thời tiết trên ti-vi à?
           Người đàn bà bán rau ấp úng. Chị cảm ơn bà cụ bán bánh cuốn rồi quẩy quang gánh dắt con gái ra phía cổng chợ. Con bé nắm chặt tay mẹ. Nó bước đi lập cập vẻ lạnh và vẫn còn sợ hãi.
           Người đàn bà bán rau mua cho con hai cái bánh rán. Con bé vừa nhỏ nhẻ ăn bánh vừa bảo mẹ: "Chú thương binh lúc nãy khổ quá mẹ ạ! Chú ấy bị người ta đè xuống chỗ vũng bùn bẩn để trói... Con thương chú ấy lắm!".
           - Ừ…
           Hai mẹ con ra khỏi chợ. Người đàn bà bảo con chờ để tìm một hòn đá cho cân để gánh con khỏi phải đi bộ. Con bé không chịu. Nó nói vẫn đi bộ cùng mẹ được. Hai mẹ con băng qua con đường trống trải giữa cánh đồng. Gió bắc thổi càng mạnh. Chị nhặt được một cái áo ni-lông loại hai nghìn bị rách toạc của những người đi xe máy vứt đi khoác cho con đỡ rét. Hai mẹ con đi chợ từ lúc trời chưa sáng. Chị không biết đến giữa buổi thì trời trở gió. Nhà chị không có ti-vi để nghe dự báo thời tiết. Bóng hai mẹ con như hai cái chấm nhỏ liêu xiêu giữa cánh đồng đầy gió lạnh… 
          (còn nữa)                                                    Hà Nội, tháng 4- 2013  

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 17)

 

        
          Ảnh: Sông Đáy con mùa lũ (Ảnh TB)
         
          NGŨ QU
          Truyện dài của Trọng Bảo

          Thằng Hiến về đến đầu làng thì gặp bạn cũ. Hắn chợt nhận ra một người quen đang đạp xe phía bên kia đường. Đó là Liên - người bạn gái xinh đẹp trong nhóm ngũ quỷ ngày xưa mà hắn rất thích. Một lần chi đoàn thanh niên làng Vực tổ chức vào rừng lấy củi bán gây quỹ hắn đã suýt nữa chiến đoạt được cô gái ấy. Quê hắn ngày ấy vẫn còn những cánh rừng già cây cối rậm rạp. Hôm ấy, hắn đã lừa được Liên ra chỗ bờ suối vắng vẻ và đưa cho cô cái bi-đông nhựa đựng nước sôi đã pha mấy viên thuốc ngủ. Liên đang định uống thì có tiếng đám bạn gái cùng lớp gọi nhau ầm ĩ vì nhìn thấy một chùm hoa phong lan rừng rất đẹp. Cô liền đưa trả hắn cái bình nước rồi chạy đến chỗ các bạn nữ. Hôm ấy mà Liên uống nước thì hắn đã có được cô rồi.
          Hắn bảo lái xe dừng lại rồi mở cửa bước xuống. Liên đang đạp xe có vẻ vội vã nên không chú ý đến hắn đang đứng ở bên kia đường. Hắn gọi giật:
          - Liên! Đi đâu mà vội thế! Không nhận ra bạn bè cũ à?
          Liên dừng xe ngoảnh sang hỏi thay cho lời chào:
          - Ông mới về làng à!
          - Ừ! Liên đi đâu mà đạp xe hấp tấp thế?
          - Mình lên trạm y tế xã.
          - Có ai ốm à?
          - Bà Thuân, bố anh Phương. Bà ấy bị đá cảm nặng cấm khẩu không nói được rồi mê man từ đêm qua. Mình túc trực suốt đêm qua vừa về qua nhà cho con bé út đi học giờ lại lên với bà ấy. Ông có đi thăm bà ấy không thì cùng đi luôn.
          Thằng Hiến nghĩ bà Thuân là mẹ của người bạn học cũ ngày xưa, có lẽ cũng nên đến thăm bà ấy. Nhưng rồi hắn lại ngần ngừ:
          - Mình chỉ về qua nhà có một lát rồi phải đi ngay. Thôi Liên lên cho mình hỏi thăm sức khỏe bà ấy nhé!
          Liên không nài nỉ thêm. Liên vội đạp xe đi luôn bỏ thằng Hiến đứng bên đường. Cô lạ gì thằng Hiến. Nhưng mẹ của bạn cũ bệnh đã nguy nan lắm rồi vậy mà hắn lâu lâu mới về làng cũng không dành được vài phút đến thăm khiến Liên cảm thấy rất giận. Cũng đã lâu rồi Liên cũng không gặp thằng Hiến. Hắn bây giờ đã là cán bộ cao cấp còn cô chỉ là thường dân. Tài năng của thằng Hiến cô chả biết ra sao, công lao cống hiến chẳng rõ đã có gì ghê gớm chưa nhưng cứ mỗi năm về họp mặt bạn đồng môn Liên lại thấy hắn đi một cái xe ô tô khác nhau, cái năm sau xịn hơn cái năm trước. Trong khi đó các bạn bè cũ cùng lớp người đi xa về có được cái xe máy đã là ghê lắm rồi.
          Thằng Hiến giàu nhưng keo kiệt. Hội hè đồng môn chưa thấy bao giờ hắn đóng góp nhiều hơn anh em khác. Khi mọi người bàn việc ủng hộ các bạn học, hay giúp đỡ các thầy cô già cả đau ốm, gặp hoàn cảnh khó khăn thì hắn ít tham gia, hay viện cớ nói là có việc bận rồi gọi lái xe đi mất.

          Hôm nay, thằng Hiến về làng là theo lệnh của ông chú. Hắn về đến nhà đã thấy một cái xe vận tải và mấy thằng cửu vạn chuyên khuân vác thuê đang chờ sẵn. Những cái cây cảnh, cây thế được đưa lên xe, trùm bạt kín mít rồi chở đi. Khoảng sân nhà hắn trở nên trống trơn. Hắn căn dặn thằng em họ vẫn trông coi nhà cửa ao vườn cho mình việc sửa chữa ngôi nhà theo như ông chú đã nói hôm trước. Hắn nghĩ đúng là phải tạm gác cái ý định xây cất một ngôi nhà thật hoành tráng làm nơi thờ cúng ông bà, bố mẹ và về nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần. Phải cố ẩn mình không thể khoa trương trong lúc này khi ông chú và cả hắn nữa đang củng cố vị trí sau khi nhậm chức. Tuy suy nghĩ vậy nhưng hắn vẫn mường tượng đến một ngày con đường sẽ mở rộng thênh thang phía trước nhà. Hắn sẽ xây một ngôi biệt thự cao tầng sang trọng nhất làng Vực. Ngôi biệt thự sẽ soi bóng xuống dòng sông Đáy con, mùa hè lồng lộng gió, mùa đông lẫn trong hơi nước như sương khói. Hắn sẽ đắp một hòn giả sơn nhô hẳn ra phía bờ sông. Trên hòn giả sơn ấy hắn sẽ trồng một loạt cây gỗ quý cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm đào từ rừng sâu về và sẽ xây một ngôi miếu thờ to, hoành tráng  hơn hẳn cái Đền Vực cũ kỹ rêu phong bên cạnh. Trong miếu hắn sẽ đặt các pho tượng ông bà và bố mẹ hắn để thờ cúng…
          Thằng Hiến đang suy nghĩ, tính toán, mơ về một ngày không xa thì nghe có tiếng ồn ào, nháo nhác phía ngoài cổng. Lại có cả tiếng khóc nữa. Hắn bảo thằng em họ:
          - Mày ra xem có chuyện gì thế!
           Thằng em họ đang hí húi dọn dẹp mấy viên gạch vừa dùng kê chậu cây cảnh ở sân. Nghe hắn bảo, nó vội chạy đi ngay. Một lúc nó hớt hải quay về báo tin:
           - Bà Thuân, mẹ anh Phương “liệt sĩ sống lại” của làng ta vừa mới mất rồi bác ạ!
           - Thế hả! - Hắn nghe xong vội vã bảo thằng em: - Thôi bây giờ tao phải về tỉnh có việc gấp luôn đây. Mày nhớ các việc tao dặn nhé!
           Thằng em họ băn khoăn:
           - Thế bác không qua nhà anh Phương một lát à? Chả gì bác với anh Phương cũng là bạn bè với nhau từ thuở hàn vi. Mọi người vừa mới đưa bà mẹ của anh ấy từ trạm y tế xã về xong. Bà con làng ta đang tập trung ở đấy để thăm hỏi và chuẩn bị tang lễ cho bà cụ!   
           - Tao có việc gấp nên phải về cơ quan ngay, sang đấy sợ dềnh ràng lỡ cuộc họp rất quan trọng chiều nay! Mày cầm lấy mấy triệu này mà mua vật liệu để tu sửa nhà cửa. Nhớ là phải chọn của hàng nào tốt rẻ mà mua và giám sát bọn thợ xây dựng thật cẩn thận khi chúng nó làm kẻo chúng ăn cắp hết đấy, hiểu không!
           - Anh cứ yên tâm!
           - Vậy tao đi đây!
           Thằng Hiến nói xong vội vã ra xe. Anh lái xe nổ máy. Ra đến cổng thấy lái xe định cho xe rẽ phải xuôi thẳng đường về phía tỉnh lỵ thì hắn bảo:
           - Rẽ trái, quay ngược lên đi đường qua thị trấn Hoà Thái...
           Anh lái xe vội nói:
           - Đi đường ấy xa mất hơn chục cây số, đường lại rất xấu khó đi lắm sếp ạ!
           - Không sao, cứ đi đi. Đi lối ấy tao còn có chút việc.
           Anh lái xe chấp hành mệnh của lệnh của thủ trưởng đánh vô-lăng cho chiếc xe rẽ trái. Chỉ mấy phút sau chiếc xe con bóng lộn đã lao ra khỏi làng Vực. Chiếc xe đi đường vòng để tránh không qua cổng nhà anh Phương nơi đang có những tiếng khóc hờ và tiếng người ồn ào.
           Sau một hồi vòng vèo trên con đường nhỏ lồi lõm toàn những ổ gà, ổ trâu, chiếc xe con của thằng Hiến mới gặp lại con đường xuôi về thị xã tỉnh lỵ. Anh lái xe nhìn đồng hồ như sợ chậm giờ rồi tăng ga. Thằng Hiến lại bảo:
           - Cứ đi chầm chậm thôi, thư giãn một chút để chốc nữa leo dốc lên thị trấn Tam Đảo phải cẩn thận, hôm nay trời mưa, đường trơn lắm đấy.
           Anh lái xe ngạc nhiên:
          - Em tưởng sếp phải về tỉnh ngay!
          - Không! Ta lên khu nghỉ mát Tam Đảo. Trưa nay ăn uống ở đó, tay giám đốc công ty cơ khí Ánh Hồng mời, nghỉ ngơi đến chiều muộn thì về tỉnh.
          Anh lái xe lại hỏi:
          - Lúc nãy em nghe sếp bảo phải về cơ quan ngay, chiều nay còn bận họp cơ mà?
          - Họp hành gì… hoãn rồi…
          Hắn ậm ừ trả lời anh lái xe. Hắn nào có bận họp hành gì đâu. Chẳng qua là hắn không muốn đến chỗ đám ma trong một ngày có một cuộc hẹn vui vẻ trên khu du lịch Tam Đảo. Hắn càng không muốn gặp lại người làng và đám bạn bè một thời khốn khó năm xưa.
           (còn nữa)                                                                              Hà Nội, 4-2013 

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Tản văn Ngày cuối cùng Đại tướng ở thủ đô

 

       
           
           Ảnh xe linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua trước Lăng Bác.     

NGÀY CUỐI CÙNG ĐẠI TƯỚNG Ở THỦ ĐÔ
Tản văn của Trọng Bảo 

          Tôi bế thằng cháu nội bé tý chen chân trong biển người đứng giữa đường Phạm Văn Đồng trên phía làn đường đi sân bay Nội Bài. Tất cả mọi người đều đã tràn ra mặt đường. Các chiến sĩ công an, thanh niên tình nguyện không tuýt còi dẹp đường. Họ chỉ giơ tay ôn tồn nói với mọi người: “Xin đồng bào rãn ra dành một lối cho Đại tướng ra sân bay về quê!”. Không ai bảo ai, không chen lấn lộn xộn, mọi người đứng dọc tuyến đường phía Nam cầu Thăng Long rãn ra dành lối cho đoàn xe đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua. Người Hà Nội bùi ngùi đưa tiễn. Đây là ngày cuối cùng Đại tướng ở Hà Nội, lần cuối cùng người đi trên những con đường của thủ đô. 59 năm trước cũng vào những ngày mùa Thu này Đại tướng đã về Hà Nội trong tiếng hò reo và bài ca chiến thắng cùng biển người trùng trùng cờ hoa chào đón. Hôm nay, sau 59 năm cũng đúng vào một ngày mùa Thu, người rời Hà Nội cũng trong trùng trùng biển người và hoa như thế. Chỉ có khác là là không có tiếng hò reo như 59 năm về trước, mà là tiếng nhạc hồn tử sĩ cùng tiếng khóc tiễn đưa.

         
           Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời Thủ đô giữa biển người đưa tiễn.

           Vẫn biết quy luật của tự nhiên, vì người đã trường thọ sẽ về với cõi vĩnh hằng. Tuy vậy, trong nỗi buồn vì người đã ra đi, tôi còn thấy trăn trở khi biết chuyện từ rất lâu Đại tướng đã tìm cho mình nơi an nghỉ lúc từ giã cõi trần. Người đã nghĩ đến việc về lại Việt Bắc chiến khu xưa. Nơi những ngày kháng chiến gian lao Đại tướng sát cánh bên Bác Hồ chiến đấu chống lại quân xâm lược bạo tàn, làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, chấn động cả năm châu. Rồi người tính đến chuyện ở đâu đó quanh thủ đô Hà Nội để luôn gần với Bác Hồ. Là người là học trò xuất sắc, là đồng chí, là bạn chiến đấu của Bác Hồ, Đại tướng muốn luôn được ở bên cạnh Bác ngay cả trong cõi vĩnh hằng. Nhưng cuối cùng thì người quyết định trở về quê hương Quảng Bình đầy gió nóng và cát trắng. Tiệt nhiên trong dự định của người không thấy có ý nghĩ là sẽ yên nghỉ ở nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) là nơi rất gần với Bác Hồ, nơi có bao nhiêu đồng chí cùng thời đã mai táng tại đây. Đó là điều khiến tôi cứ suy nghĩ mãi. Chắc chắn khi ghi lại tâm nguyện cuối đời của mình là muốn được trở về với quê hương Quảng Bình, Đại tướng đã nhớ tới Bác Hồ. Trong lòng Đại tướng lúc ấy nhất định bùi ngùi khi nghĩ là về Quảng Bình sẽ phải xa Bác Hồ mãi mãi. Khi làm phóng viên thông tấn quân sự, tôi đã được nhiều lần vào nhà số 30 Hoàng Diệu đưa tin, chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp khách. Dự các buổi tiếp khách ấy tôi thấy không bao giờ trong câu chuyện của mình Đại tướng quên nhắc đến Bác Hồ. Tượng Bác Hồ đặt ở vị trí trang trọng ở trong phòng khách, phòng làm việc của Đại tướng. Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hình ảnh không thể tách rời.
           Như một người đành dứt áo từ biệt Bác Hồ sáng nay ra đi, chắc Đại tướng cũng buồn nhưng người không thể ở lại Mai Dịch. Nhưng cũng như tôi, mọi người hôm nay ra đường đưa tiễn đều thấy an lòng đôi chút khi biết đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng có đi qua trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng đã chào từ biệt Bác Hồ để về quê yên nghỉ.
           Đoàn xe tang từ từ lăn bánh rời xa nơi phố phường thủ đô Hà Nội, nơi mà bao năm Đại tướng gắn bó. Chiếc linh xa chở linh cữu Đại tướng phủ quốc kỳ đi giữa biển người hướng về phía sân bay Nội Bài. Hàng vạn người đứng chật hai bên đường kính cẩn chắp tay vái chào từ biệt, chúc Đại tướng về quê yên nghỉ. Tôi nâng thằng cháu nội bé tý lên và bảo: “Con ạ cụ đi!”. Thằng bé chưa nói sõi nhìn theo đoàn xe khoanh tay “ạ!” một tiếng thật dài…
                                                                       Hà Nội, sáng 13/10/2013

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Ngôi sao lặn phía chân trời - thơ

 

             
                Ảnh: Trọng Bảo (ngoài cùng, bên trái) đang chụp ảnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các CCB, năm 1994.            
  
Ngôi sao lặn phía chân trời
 
 
Có ngôi sao đã lặn phía chân trời
Một ngọn sóng thôi trào dâng biển cả
Trái tim lớn không còn đập nữa
Cho hồn thiêng về chốn vĩnh hằng
Một cuộc đời sống thật hiên ngang
Dẫu bão táp không hề nghiêng ngả
Mưa có thể làm mòn núi đá
Mà lòng người vẫn chẳng hề phai.
 
Bước chân hơn thế kỷ đường dài
Người đã đi bao nhiêu mặt trận
Lúc đối diện nơi sa trường bom đạn
Khi phong sương trong giá lạnh cuộc đời
Vẫn là người lính chiến tuyệt vời
Biết nổ súng khi nào chắc thắng,
Biết bình thản cho tâm hồn tĩnh lặng
Đợi bông hoa nở thắm trên cành...
 
 Hà Nội, 9/10/2013
 Trọng Bảo

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Truyện viết khi đi đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 Khi còn khoẻ nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về quê tôi (Lập Thạch-Vĩnh Phúc) thắp hương tại đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn-một vị tướng tài đã tận tụy hết lòng phù giúp Lê Lợi dựng nghiệp thành công, nhưng cũng bị chính Lê Lợi sai người dìm chết trên sông Lô. Tôi đã viết truyện ngắn "Bến sông xưa" này trong một lần đi đón Đại tướng về quê mình. Ngay sau khi truyện ngắn này được đưa lên blog, tôi nhận được điện thoại của một cán bộ Sở VH-TTDL Vĩnh Phúc xin được đăng truyện ngắn này trên ấn phẩm của sở trong dịp lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Trọng Bảo).

             Bến sông xưa
            Truyện ngắn của Trọng Bảo       
                  
            1- Buổi sáng mùa đông ảm đạm. Kinh thành còn chìm lẫn trong sương sớm. Sau biến cố thất triều, phố phường chưa trở lại được cái nếp sinh hoạt cũ. Hàng quán mở cửa muộn hơn. Thi thoảng có một tiếng hú và tiếng vó ngựa rầm rập vút qua. Đó là đám lính chạy chiếu thư của tân triều truyền lệnh cho các bộ. Đã bao đời nay việc thay ngôi, đổi chủ thường diễn ra trong loạn ly, máu chảy. Cũng có lúc là sự chuyển giao ôn hòa. Nhưng dù là hình thức chuyển giao chế độ như thế nào thì đám vương gia cựu triều cũng lâm vào thế thất sủng, hoảng loạn, ly tán. Thiếu gì chuyện kẻ mới lên ngôi lo việc diệt trừ tận gốc rễ để phòng hậu họa. Vậy nên việc họ Hồ tiếm ngôi nhà Trần khiến đám quan lại, họ hàng thân, sơ triều cũ bàng hoàng, kinh hãi. Nhiều người phải bỏ kinh trôi dạt tứ phương.
            Lại nói về một buổi sáng mùa đông ảm đạm. Dòng Nhị Hà sóng lặng. Thuyền bè hai bờ tả hữu còn gác mái chờ sáng. Trong cái khoảng tĩnh không ấy có một con thuyền nhỏ lặng lẽ rời bến Chương Dương. Con thuyền cố tránh va chạm với những thuyền bè khác gây nên tiếng động lớn. 
            Chiếc thuyền nhỏ ra đến giữa sông thì quay mũi ngược phía thượng nguồn. Nước sông chảy xuôi miết vào mũi thuyền tạo nên tiếng rào rào như xé. Chủ nhân con thuyền ấy là đôi vợ chồng trẻ. Họ rời kinh thành không hẳn vì sợ loạn ly, có lẽ là cám cảnh suy tàn của một vương triều đem lại bao nhiêu đau thương cho lương dân. Hoặc là họ chưa thích ứng được với tân triều. Tuy nghe chuyện Hồ Quý Ly tuy là một võ tướng nhưng có tư tưởng canh tân, mưu vãn hồi tình cảnh đất nước, song vốn dĩ là người cầu an nên Trần Án(1) vẫn quyết định cùng vợ rời bỏ kinh đô lên miền sơn cước tá túc. Họ đem theo một vài gia nhân, những tay chèo khoẻ mạnh. Mái chèo chém vào sóng nước tạo nên những âm thanh gọn gàng, chắc khoẻ. Con thuyền lướt đi trong màn sương sớm lạnh lẽo và ẩm ướt. Trần Án ngồi ở mũi thuyền, mắt đăm đăm nhìn về phía trước ước lượng từng đoạn đường sông. Chàng có vẻ suy tư, lo cho những điều bất định của ngày sau, không biết đoạn trường phía trước rồi sẽ ra sao. Nhưng rồi Trần Án lấy lại sự bình tâm, tin ở tuổi trẻ và lời dặn của cố nhân “hữu siêng, tất phú”. 
            Chợt có hơi ấm toả ra ở phía sau lưng, Trần Án quay lại. Đặng Thị Hoàn(2) - vợ Trần Án nhẹ nhàng khoác cho chồng tấm áo choàng. Nàng hỏi chồng:   
            - Chàng có điều gì phải lo nghĩ? Có phải chàng ngại nơi thâm sơn, cùng cốc khó bề kiếm kế sinh nhai?    
            - Ta không lo sự tồn tại bởi siêng năng thì chẳng sợ gì khó nghèo!  
            - Thế chàng còn lo nỗi gì nữa?
            - Ta lo tại sự tồn sinh!
            - Trần Án nói giọng buồn buồn. ánh mắt nhìn vô định. Đặng Thị Hoàn hiểu chồng. Hai người lấy nhau đã lâu, đều trẻ trung mà mãi chưa sinh được mụn con nào. Chồng nàng lo lên vùng rừng sâu, nước độc, lao động vất vả, thiếu người nối dõi tông đường, ít nhân lực để khai sơn, phá thạch. Đặng Thị Hoàn lây nỗi buồn của chồng. Nàng lặng lẽ ngồi xuống bên Trần Án. Một cơn gió lạnh lùa sương sớm tạt lên mặt người khiến đôi vợ chồng trẻ rùng mình. Họ càng hiểu sự tha hương và những nỗi chuân chuyên đang chờ ở phía trước.   
             Con thuyền đến ngã ba Hạc Trì thì mặt trời đã lên độ một con sào. Mặt nước quang quẻ. Sóng dồi lớp lớp từ nguồn Lô, nguồn Thao tạo nên sự mênh mông của dòng sông đổ về phía hạ lưu. Một đàn hạc trắng chợt bay ngang sông, tiếng kêu thảng thốt vọng lan mặt nước. Hai vợ chồng sững sờ trước cảnh non nước thần tiên. Ngước lên phía thượng nguồn là núi Nghĩa Lĩnh thờ Tổ uy phong, bên tả, bên hữu là hai dãy Ba Vì và Tam Đảo trấn vững. Trần Án thốt lên: “Quả là một nơi ẩn cư, dụng chí”.   
            Trần Án bảo đám gia nhân tìm bến neo thuyền, dò phong thuỷ định nơi dựng trại. Thấy địa trang Sơn Đông vốn là miền gò đồi rừng rậm bao phủ, sinh cảnh nghèo nàn chưa ai khai phá lại có vượng khí lan toả nên Trần Án bàn với vợ dừng chân định cư. Họ chặt cây rừng dựng buộc thành kèo cột, đắp tranh cỏ làm mái toan tính việc khai hoang, lập ấp. Nhưng buổi đầu ở chốn thâm sơn việc cấy lúa, trồng ngô khoai đâu dễ. Lúa cấy không quen thuỷ thổ nên lay lắt chẳng chịu làm đòng, hạt ngô vùi xuống đất chim chuột moi lên ăn hết. Cái đói, cái lạnh rập rình vây bủa. Nhưng bao giờ cũng vậy, bức bí cùng đường tất sinh sáng kiến. Một bữa vào rừng bẫy thú, lúc ngồi nướng thịt dưới gốc cây dọc, vun lá khô nuôi mồi lửa Trần Án chợt thấy những cái hạt cây bằng ngón tay khô đen cháy rần rật như nến. Đó là hạt quả dọc. Trần Án nảy ra ý nghĩ ép hạt dọc lấy dầu đốt thay cho mỡ lợn vốn là loại thực phẩm rất quý. Ép dầu dọc là một việc công phu. Hạt quả dọc được nhặt về đạp trầy vỏ, phơi ưởi cho ngót bớt nước, giã dập vỡ, đem đồ lên như đồ xôi. Khi mùi thơm nồng ngậy bốc lên là hạt dọc đã chín có thể đem ép lấy dầu. Dụng cụ để ép dầu dọc là một khung gỗ lim. Một đầu khung gỗ được chôn xuống đất thật chắc. Phía thanh xà sát đất đục một lỗ nhỏ để khóa đầu hai tấm ván ép. Thanh xà phía trên đục một rãnh dài để lắp phần trên của hai tấm ván. Hai tấm ván ép dầu dọc như một cái kẹp lớn. Hạt quả dọc đồ chín còn nóng bỏng được đổ vào bao gai gói lại gài vào giữa hai tấm ván ép. Đoạn dùng nêm chêm vào hai đầu rãnh làm hai tấm ván ép chặt vào nhau. Hạt quả dọc nóng bị ép chặt, tinh dầu thoát ra chảy xuống chậu sành. Dầu dọc sánh như mật ong nhưng sẫm hơn, toả ra mùi thơm dìu dịu. Dầu dọc cháy sáng hơn, không khét, nổ lép bép như mỡ lợn lại rất thơm, xua được âm khí. 
            Nhờ học được nghề ép dầu dọc mà cuộc sống của gia đình họ Trần Án ở Sơn Đông đỡ vất vả hơn. Việc ép dầu dọc thường làm vào buổi đêm để tránh nắng làm dầu hao. Ban ngày Trần Án gánh dầu đi bán rong khắp chốn. Một bữa, đi qua đền thờ Tây Thiên quốc mẫu(3) nổi tiếng linh thiêng Trần Án bèn đem dầu dọc vào cung tiến cho đền chùa. Sư cụ trụ trì bảo chàng thắp một nén nhang và lạy tạ Quốc mẫu cầu đảo. Lúc ra đến cửa thì trời đất mù mịt mưa gió, Trần Án xin nghỉ lại tại chùa. Đêm ấy, Trần Án ngủ mơ thấy có người đến bên giường bảo: “Tiên đồng giáng thế ắt sinh anh kiệt”. Trần Án bừng tỉnh nghĩ mãi mà vẫn chưa hiểu sự thể là thế nào. 
     
            2- Khi chồng đi bán dầu Đặng Thị Hoàn ở nhà quản bọn gia nhân ép dầu, làm ruộng. Nàng còn son rỗi nên phóng túng. Một hôm trời nắng, đi cấy ở ruộng về, nàng ra sông Lô tắm. Nước sông trong xanh, nhìn như thấu đáy. Cá tôm lao xao, có con nhảy vút lên khỏi mặt nước khi nàng dìm mình xuống nước. Một toà bảo tháp thiên nhiên ẩn hiện. Dòng nước mát tràn ứ dập dềnh. Thít chặt dải yếm, nàng thoả sức vẫy vùng. Sau khi lặn ngụp đã thích, Đặng Thị Hoàn bơi về phía bờ. Chợt nàng thấy dòng sông như nghiêng đi. Những cuộn sóng cuộn tròn từ phía giữa sông lăn về phía bến. Đặng Thị Hoàn ngỡ ngàng nhìn ra. Một con giao long trồi hẳn lên mặt nước quẫy đảo, vảy rồng lấp lánh, sắc khí, hương thơm lan toả khắp mặt sông. Thoạt đầu Đặng Thị Hoàn hoảng sợ. Sau nàng thấy bình tĩnh lại. Con giao long tạo nên những làn nước như búi dây vô hình quấn riết quanh người nàng. Ngực nàng như bị xiết chặt, dải yếm đứt tung. Nàng cảm nhận được sự mơn man khắp da thịt, có một sự xâm nhập kỳ lạ vào cơ thể. Nàng thấy đê mê, bồng bềnh không trọng lượng tưởng sắp tan biến vào dòng nước. 
            Hồi lâu dòng sông Lô lặng sóng. Con giao long biến mất. Lạ quá, trời sập tối. Bóng tối như tấm lụa đen che chở cho nàng về sơn trại tránh mọi con mắt tò mò của sinh linh trên bến, dưới thuyền.   
            Sau bận ấy Đặng Thị Hoàn thụ thai. Trần Án mừng lắm. Đặng Thị Hoàn sinh hạ được một cậu con trai khôi ngô. Trần nhớ chuyện gặp mộng ở đền Mẫu quốc bèn đặt tên con là Hãn, lót thêm chữ Nguyên. Nguyên Hãn(4) lớn lên có sức khoẻ hơn người, lại thông minh sáng dạ, vợ chồng Trần Án, Đặng Thị Hoàn mừng lắm. Nguyên Hãn giúp bố mẹ chăn trâu, kiếm cá và phụ gánh dầu dọc đi bán. Từ bé Nguyên Hãn đã thích tập kiếm cung, võ thuật lại giỏi bơi lội, đi dưới nước như đi trên cạn. Một hôm ngồi trên bến Đông Hồ câu cá, Nguyên Hãn chợt trông thấy giữa dòng nước xiết một xác người trôi dạt lập lờ. Không do dự, Nguyên Hãn ném cần câu lao xuống nước kéo cái xác vào bờ. Đó là một người con gái trẻ bị chết trôi. Nguyên Hãn đưa cái xác lên chôn cất cẩn thận trên bãi cao. Sau khi đắp điếm mồ mả xong xuôi, cảm thương không muốn để tử nữ vô danh Nguyên Hãn bèn đặt cho nàng một cái tên là Duy để ghi lên bia mộ. Nguyên Hãn chắp tay cầu khấn: “Nàng phận bạc, gặp nạn thiệt thân! Ta chẳng cứu được người, chỉ đắp được cho nàng một nấm mồ. Về sau nếu ta có gặp sự rủi ro, quẫn bách mong nàng phù hộ…”.   
            Chuyện tưởng thế là thôi nhưng sau này khi đầu quân tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, một trận bị giặc Minh vây hãm, dùng chó săn truy đuổi Nguyên Hãn phải chui trốn trong hốc cây bồ đề. Khi đàn chó săn đánh hơi sục đến Nguyên Hãn nhẩm khấn gọi tên người con gái chết trôi năm xưa. Bỗng đâu có một con cáo trắng từ trong hốc cây chạy vọt ra dụ đàn chó săn hung dữ đuổi theo. Nhờ vậy mà Nguyên Hãn thoát chết.   
            Lại nói thêm về thuở thiếu thời, Nguyên Hãn thường giúp cha mẹ làm ruộng, cuốc nương. Chàng vẫn thường cày cuốc ở khu gò đất hoang gần nhà. Một hôm, Nguyên Hãn đào được một thanh sắt dài, trông từa tựa như lưỡi gươm, đem về cất vào góc nhà. Đêm đến thấy ánh sáng lấp lánh từ thanh sắt toả ra. Đoán là báu vật, Nguyên Hãn giữ gìn cẩn thận, lựa những buổi đêm rỗi việc đem ra mài ở hòn đá lớn cạnh Vụng Tó. Hòn đá mài gươm mòn vẹt đi còn thanh sắt lộ hình lưỡi gươm sáng quắc và sắc như nước. Một lần đi bán dầu qua bến đò sông Phó Đáy đoạn qua làng Phú Hậu gặp lúc lão hàng chài kéo lưới từ dưới sông lên nhặt được cái chuôi gươm, Nguyên Hãn liền đổi ba gáo dầu dọc lấy cái chuôi đem về lắp vào lưỡi gươm vừa khít. Chàng thích lắm luôn đeo thanh gươm bên mình. Một tối Nguyên Hãn đi đặt đó đơm cá, nửa đêm kiểm tra các lờ, đó đều đầy tôm cá nhưng sáng ra thì đã rỗng không. Nghi có trộm, chàng liền để ý đi rình. Đêm sau từ chỗ nấp, chàng thấy có bóng người cao lớn lần tìm những lờ, đó của mình lấy tôm cá ra nhai sống. Nguyên Hãn ập đến rút gươm ra dọa. Trong đêm tối lưỡi gươm toả ra một thứ ánh sáng xanh lạnh sắc. Người kia hoảng sợ khụy xuống không chạy nổi. Thì ra đó là một con ma có dáng hình, mặt mũi kỳ quái. Con ma sợ hãi van nài:   
            - Ngài nhờ có gươm thần nên mới bắt được tôi. Nay nếu được tha tội, tôi xin biếu ngài một cái áo. Áo này có trăm cái cúc, nếu cài đủ sẽ có phép tàng hình, không ai nhìn thấy được.   
            Nguyên Hãn nhận cái áo. Quả là nó có thể giúp con người tàng hình. Chàng gọi nó là "ma y". Cái áo của con ma đã giúp Nguyên Hãn nhiều lần thoát nạn hiểm nghèo, lập công lớn, chém đứt lìa đầu tướng giặc Liễu Thăng trong trận đánh ở quan ải Chi Lăng sau này.   
            Khi Trần Nguyên Hãn mười tám tuổi thì cha mẹ đều chết. Nguyên Hãn dẫn hơn một ngàn quân lặn lội từ miền Sơn Đông, Lập Thạch(5) vào Lam Sơn, Thanh Hoá giúp Lê Lợi khởi binh lập nghiệp. Nguyên Hãn được Lê Lợi trọng dụng bởi tài năng quân sự xuất chúng, cầm quân bách trận, bách thắng, được giao trọng trách đứng đầu hàng quan võ, cùng ngồi trong trướng với chủ soái bàn việc kín… Khỏi phải nhắc lại những công danh của Trần Nguyên Hãn, bởi sự ấy mọi người đều rõ.     

            3- Một sáng, cũng phải đến hơn một năm sau ngày lập quốc, Hoàng đế thiết triều với dáng vẻ mệt mỏi. Những năm khởi nghiệp nếm mật, nằm gai, đói rét khiến nhà vua suy kiệt sức lực, lại buồn chuyện Quận vương(6) bậy bạ, lộng quyền, lo lắng bọn Văn Xảo(7) vốn gốc rễ Kinh Lộ sau này có chí khác. Giữa lúc đó thì Nguyễn Trãi dâng biểu tâu việc ghi danh các vị khai quốc công thần để lưu truyền muôn thuở. Liếc thấy tên Trần Nguyên Hãn được viết ở cột nhất, nhà vua chau mày. Khi Nguyễn Trãi lui xuống, nhà vua cầm cây bút lông chấm mực gạch một nét, xoá tên Trần Nguyên Hãn trong bản danh sách công thần. Nguyễn Trãi nhác thấy rùng mình, đổ mồ hôi hột, thấy như có cơn gió lạnh chạy dọc sống lưng. Trần Nguyên Hãn đứng ở xa thì bỗng tối tăm cả mặt mũi tựa có ngọn roi quất ngang mặt. Cố ngước lên nhìn nhà vua, Trần Nguyên Hãn kinh ngạc chợt nhận ra dung nhan thật của Hoàng đế Lê thái tổ. Giữa lúc ấy lại nghe như có tiếng nói vang vọng bên tai: “Đế Việt Vương chi tướng, bất khả đồng diệc lạc” (Nhà vua có tướng mạo giống như Việt Vương Câu Tiễn, không thể cùng hưởng yên vui, sung sướng được). Vậy nên mặc dù được Lê Lợi trọng dụng, Trần Nguyên Hãn vẫn có ý quy hưu. Trước việc Trần Nguyên Hãn cáo quan về vườn nhà vua mừng lắm, coi như bớt một mối lo hậu họa. Nhà vua hạ chiếu cho Trần Nguyên Hãn được từ quan về quê, đòi mỗi năm phải về kinh chầu một lần. Trần Nguyên Hãn và mấy quân thần xuống thuyền ngược dòng Nhị Hà theo lối cha mình ngày trước lên Hạc Trì. Hơn mười năm bôn ba chinh chiến, Trần Nguyên Hãn vẫn để vợ con ở Sơn Đông, Lập Thạch làm ruộng, ép dầu dọc…
            Về đến bến đò sông Lô thì Trần Nguyên Hãn gặp một cụ già tóc râu trắng như cước chặn lại hỏi:  
            - Gươm báu của ngài đâu rồi?    
            - Ta đã trao cho chủ soái để người cầm quân!   
            - Thế còn ma y?   
            - Cũng đưa để nhà vua lập nghiệp!   
            Cụ già nghe vậy lắc đầu thở dài không hỏi thêm nữa và buông áo để Trần Nguyên Hãn đi. Trần Nguyên Hãn đi vài bước quay lại đã không còn thấy cụ già đâu nữa. Trần Nguyên Hãn về làng xây phủ đệ, đóng thuyền đánh cá lại hay tụ tập bạn sơn tràng bàn việc điền viên. Bọn gian thần trong triều vốn căm ghét Trần Nguyên Hãn bởi bản tính cương trực nên mượn cớ ấy để dèm pha là tụ quân mưu phản khiến Lê Lợi thấy lòng dạ bất yên. Nhà vua hạ chiếu cho triệu Trần Nguyên Hãn về kinh. Khi nghe quan khâm sai truyền chỉ, lại thấy các lực sĩ xá nhân đao kiếm hầm hè đứng đen trên chiến thuyền đậu ở bến sông thì Trần Nguyên Hãn đã hiểu. Ngài dặn dò đám gia nhân việc hậu sự, từ biệt vợ con. Ra đến bến sông, Trần Nguyên Hãn ngửa mặt lên trời than rằng:   
            - Tôi với vua cùng mưu việc cứu dân, lập quốc, lòng trung không đổi! Nay khi việc lớn đã thành, nhà vua sớm quên chuyện đồng cam cộng khổ, lại mưu bức hại tôi. Xin trời cao thấu tỏ!   
            Khấn xong cười ha hả mà bước xuống thuyền. Đám quan binh lấm lét nhìn Trần Nguyên Hãn. Thuyền ra đến giữa sông thì neo lại. Quan khâm sai bảo: 
            - Hoàng đế ghi nhớ công lập quốc nên cho ngài được chết toàn thây!
            Đoạn sai tứ nhị lực sĩ trói Trần Nguyên Hãn lại. Nguyên Hãn mặt không biến sắc đứng im mặc cho bọn lực sĩ xông lại bắt trói. Đám lực sĩ dùng dây thừng xiết cổ để giết chết Trần Nguyên Hãn. Chúng ra sức kéo hai đầu dây. Vòng dây thừng thít chặt cổ mà Trần Nguyên Hãn mãi vẫn không chết. Ngài vẫn cười ha hả mà nói:  
            - Ta là con cháu của thần giao long làm sao giết nổi?   
            Đám quan quân, lực sĩ vung gươm đao định chém, Trần Nguyên Hãn bảo:   
            - Để ta tự trầm!   
            Nói xong, Trần Nguyên Hãn vùng vẫy, dây trói đứt lả tả. Ngài vẫn cười ha hả nhưng nước mắt thì lại trào ra giàn giụa đỏ tươi như máu. Bỗng giông gió nổi lên mù mịt. Cả một đoạn sông Lô ầm ầm tiếng sét nổ, sóng nước cuồn cuộn, thuyền bè chao đảo, tôm cá nhao lên. Đám quan quân triều đình vô cùng hoảng loạn. Trần Nguyên Hãn bước ra mạn thuyền gieo mình xuống dòng sông sâu.    
            Một lúc sau, trời trở lại quang quẻ, sóng nước bình yên. Quan quân triều đình trông thấy một con giao long đang từ từ chìm xuống đáy sông. Sóng nước trào lên ngầu đỏ rực.  
            Khi Trần Nguyên Hãn nhảy xuống sông tự vẫn cũng là lúc vua Lê đang ngồi cùng đám cận thần uống rượu. Nâng ly rượu lên định uống, nhà vua chợt kinh hãi nhìn thấy ly rượu của mình đỏ rực màu máu. Nhà vua lập cập buông rơi cái ly. Ly rượu vỡ tan, màu đỏ máu tràn loang trên nền điện. Hoàng đế buột miệng thốt lên: “Ta chót nghe theo lời sàm tấu vu cáo đã gây nên họa lớn cho Nguyên Hãn mất rồi!...”.    

            4- Đêm đã về khuya. Sương lạnh ngưng tụ thành giọt rơi lộp bộp ngoài sân. Câu chuyện của cụ thủ từ Đền Thượng vẫn còn dài. Tôi lặng lẽ ghi chép và cảm nhận sự linh nghiệm như vẫn còn hiện hữu. Ngoài bến Đông Hồ sóng sông Lô vỗ vào bờ đều đều tạo nên những âm thanh day dứt mãi đến muôn đời.
            Cụ thủ từ chợt ngừng câu chuyện và bảo tôi: “Thôi chú đi nghỉ đi! Mai là ngày chính giỗ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, nghe nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ về thắp hương cùng dân làng Sơn Đông tưởng nhớ người xưa. Hai vị danh tướng ấy hai thời đại khác nhau, âm dương cách biệt nhưng hình như có sự đồng cảm với nhau đấy chú ạ...".
                                                                      Hà Nội, 12-2005 


-----------
 Chú thích:
(1)- Trần Án, bố Trần Nguyên Hãn.
(2)- Đặng Thị Hoàn, mẹ Trần Nguyên Hãn.
(3)- Thuộc khu vực núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
(4)- Tức Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, nhân vật chính trong truyện ngắn dã sử này.
(5)- Thuộc tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay.
(6)- Thái tử Tư Tề, do tính khí ngông cuồng sau bị phế xuống làm thứ dân.
(7)- Tức Phạm Văn Xảo, người nổi tiếng văn thơ và tài năng quân sự ở Thăng Long.

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

BÀI VIẾT VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

             Mấy ngày trước chúng tôi đã biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang mệt nặng, khó qua khỏi. Vậy mà khi nghe tin ông từ trần vẫn thấy đột ngột, hẫng hụt. Thế là một con người vĩ đại đã ra đi. Bài này tôi viết năm 2010, xin đăng lại trên blog để tưởng nhớ tới ông-Vị chỉ huy cao nhất của những người lính chúng tôi (Trọng Bảo).

             Năm tháng đời người
             Ghi chép của Trọng Bảo


             Từ khi còn đi học phổ thông, tôi đã biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị danh tướng của chiến thắng Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Vẻ đẹp oai phong của ông tôi chỉ biết qua tấm ảnh vẫn treo trang trọng ở nhà mình. Khi tôi nhập ngũ đã là những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Tự dưng khi vào quân đội, lúc ông còn đang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi thấy tự hào vì được là một người lính của ông. Những năm tháng sau hoà bình đất nước khó khăn, bao nhiêu chuyện xảy ra. Bản lĩnh của người cầm quân của ông vẫn là chỗ dựa trong niềm tin của mọi người, của chúng tôi.
            Tôi còn nhớ lần đầu tiên được gặp ông là khi làm phóng viên đi cùng đoàn đại biểu quân sự cấp cao Cu-ba đến chào ông. Ông đón tiếp các bạn Cu-ba trong một căn phòng bình dị. Chẳng có một thứ lễ tân rườm rà nào. Những người bạn từ bên kia bán cầu lần đầu gặp ông có người cứ đứng lặng nhìn ông không nói được câu nào. Họ xúc động vì từ nơi đầu sóng gió, ngày đêm đối mặt với sự chống phá của đế quốc Mỹ, khi mà hệ thống XHCN đã đổ vỡ tan tành, nay được đến bên người anh hùng đã từng thắng Mỹ. Vẻ thư thái của vị tổng tư lệnh hai cuộc kháng chiến thần thánh của Việt Nam đã truyền cho họ ngọn lửa của niềm tin. Ông ngồi đó vui vẻ trò chuyện với các bạn Cu-ba, hỏi thăm về Phi-đen, về đất nước và cuộc sống của nhân dân Cu-ba. Nhìn vẻ tươi cười thư thái của ông, không ai nghĩ ông đã từng trải qua bao nhiêu sóng gió năm tháng đời người. Tôi chợt nghĩ "Gió mưa, bão táp chỉ làm cho cây tùng già trên đỉnh núi càng thêm vững chãi". 

              
             Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang trao đổi với tác giả bài viết.

            Lần đầu tiên tôi được theo ông đi công tác là dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1994). Chúng tôi theo ông trở lại chiến khu Việt Bắc trong một buổi gặp mặt đại biểu các đơn vị Việt Nam giải phóng quân. Trong buổi gặp gỡ bạn chiến đấu cũ, việc gì, chuyện gì ông cũng nhớ. Ông nhắc lại nhiều chuyện ngày xưa trong kháng chiến. Các cựu chiến binh thì lại cứ muốn nói chuyện hôm nay của ông. Họ quý trọng ông, suy tư về ông. Ông bảo: "Chúng ta hôm nay gặp được nhau ở đây là quý rồi". Câu nói của ông làm cho không khí hội trường vui vẻ hẳn lên. Đang nói chuyện tự dưng ông nhắc tên và hỏi về một người chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi nhất của đơn vị từ năm mươi năm trước. Một người nông dân nhỏ bé, vai đeo túi vải ngồi ở mãi cuối hội trường đứng bật dậy kêu lên: "Em đây anh Văn! Anh vẫn nhớ em ạ?". Ông bảo: "Vẫn nhớ chứ!". Thì ra ông đã làm bao nhiêu việc, giữ bao trọng trách nhưng chuyện người chiến sĩ liên lạc của đơn vị nhịn đói, nhịn khát, không quản hiểm nguy để kịp đưa công văn, chuyển mệnh lệnh chiến đấu từ ngày mới thành lập quân đội mà ông vẫn nhớ.

            Bữa cơm trưa hôm ấy, ông ngồi ăn chung với tất cả mọi người quanh một cái bàn ăn lớn. Tình cờ, tôi ngồi đối diện với ông. Khi ông bưng bát cơm lên và, tôi liền giơ máy ảnh lên chụp. Nhiều người đã chụp ảnh ông. Ảnh ông chỉ huy chiến đấu, ảnh ông hướng dẫn Bác Hồ tham quan diễn tập, ảnh ông duyệt đội danh dự... Nhưng tôi chưa được thấy tấm ảnh nào về ông - một vị danh tướng của Việt Nam - ngồi ăn cơm một cách bình dị như thế này. Vì thế tôi cầm máy ảnh lên. Ngày ấy máy ảnh chưa hiện đại như bây giờ, phim cũng kém, chụp ảnh trong nhà phải dùng đèn flash. Khi thấy ánh đèn chụp ảnh loé lên, ông đặt bát cơm xuống nhìn sang. Tôi lúng túng và hơi sợ, định đứng dậy xin lỗi ông. Nhưng ông đã mỉm cười gật đầu như bảo tôi hãy ăn đi và lại bưng bát cơm lên.

           
            Ảnh: Đoàn cán bộ huyện Lập Thạch-Vĩnh Phúc đến thăm và mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dự lễ đón anh hùng tại huyện. Từ trái qua: Anh Đỗ Đức Thịnh, hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự, ông Phạm Văn Cẩn, hiệu trưởng Trường THPT Triệu Thái, ông Đỗ Văn Tường, Bí thư huyện ủy Lập Thạch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tác giả Trọng Bảo.

            Một lần, trong buổi lễ kỷ niệm của một đơn vị không quân tại Sóc Sơn (Hà Nội), ông cũng về dự. Sau lễ mít tinh tại hội trường, tất cả các đại biểu đều leo lên thăm tượng đài chiến thắng của Không quân Việt Nam trên đỉnh núi. Tôi xách máy ảnh cùng đông đảo phóng viên theo một vị lãnh đạo lên núi. Đến giữa chừng dốc núi nhìn xuống, tôi chợt thấy ông cũng đang đi lên. Ông tuy không còn khoẻ nhưng vẫn theo các đại biểu lên đỉnh núi nơi đặt tượng đài. Thế là, tôi hết chạy lên, chạy xuống hoặc dừng lại chờ. Chạy lên là vì nhiệm vụ phải chụp ảnh cho lãnh đạo, chạy xuống là muốn được chụp ảnh vị Đại tướng kính yêu. Có lẽ hôm ấy, chỉ có một mình tôi chụp ảnh lúc ông lên núi.
             Khi còn khoẻ hầu như năm nào ông cũng về quê tôi (Lập Thạch-Vĩnh Phúc). Ông về đến thắp hương tại đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn-một vị tướng tài đã tận tuỵ giúp Lê Lợi dựng nghiệp thành công nhưng cũng bị chính vua Lê Thái tổ giết chết trên sông Lô. Tôi đã viết truyện ngắn "Bến sông xưa" sau một lần theo bí thư huyện uỷ đi đón ông về quê mình như thế.
             Tôi còn có nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhớ một lần tôi dẫn ông bí thư huyện uỷ, ông hiệu trưởng trường THPT của huyện Lập Thạch vào xin gặp Đại tướng để mời ông về dự lễ đón anh hùng của huyện. Mấy anh em chúng tôi tụ tập ở cơ quan chị con dâu của Đại tướng. Chúng tôi bàn nhau phải có quà gì để tặng cho Đại tướng chứ! Bàn tính mãi mà không nghĩ ra nên tặng ông cái gì. Đã có ý kiến hay là biếu tiền. Giữa lúc đang bàn bạc thì chị con dâu Đại tướng biết chuyện đến tham gia: “Các chú, các anh cứ tặng cụ chục cân gạo tám thơm là được rồi!”. Nghe chị con dâu bàn thế chúng tôi đồng ý ngay. Chị con dâu của Đại tướng cho người đem hai chục cân gạo tám thơm loại đặc biệt ra xe ngay (Chị con dâu của Đại tướng làm ở một khách sạn lớn tại Hà Nội nên luôn có sẵn loại gạo này). Khi chúng tôi xin được thanh toán tiền gạo thì chị con dâu của Đại tướng nhất định không nhận. Chị bảo coi như là một chút đóng góp cho vùng quê mà chị từng lên sơ tán hồi chiến tranh phá hoại.  Khi ngồi lên xe vào nhà Đại tướng, chúng tôi bảo nhau: “Thế này đúng là “lấy của con đem tặng bố rồi!””.
              Dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004), hôm đó là ngày nghỉ, tôi đang ngồi xem ti-vi ở cơ quan thì nhận được điện của cấp trên bảo phải ra ngay nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài phát biểu chúng tôi chuẩn bị cho ông tại buổi lễ kỷ niệm cần sửa chữa đôi chút. Tôi ra đến nhà thì thấy ông đang ngồi đọc bản thảo. Ông xem lại bài phát biểu và chỉ cho tôi những chỗ đã chữa. Những đoạn ông đã sửa chữa thật xác đáng. Người thư ký riêng của ông cứ dặn đi dặn lại tôi: "Những chỗ Đại tướng đã sửa chữa nhớ là phải sửa đấy! Đồng chí phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu không sửa theo ý của cụ!". Tôi đáp: "Anh cứ yên tâm, tôi vẫn là một người lính của Đại tướng cơ mà! Tôi sẽ chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Tổng chỉ huy!".
             Vâng, chúng tôi mãi mãi vẫn là người lính của vị Đại tướng-Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp kính yêu. Nhân dịp mừng thọ ông tròn 100 tuổi (8-2010), tôi viết lại những kỷ niệm này biểu lộ lòng thành kính với Người - Vị chỉ huy cao nhất của những người lính chiến chúng tôi.

                                                                           Hà Nội, 8-2010                                         

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 16)

 

             
 
        NGŨ QU
        Truyện dài của Trọng Bảo

          Ông chú ruột thằng Hiến đã định vị. Thằng Hiến cũng bắt đầu chỉnh định lại hướng. Ông chú ra quyết định đưa hắn về sở công nghiệp tỉnh. Bây giờ với cương vị người đứng đầu tỉnh thì việc này đối với ông quá đơn giản, dễ dàng. Đưa thằng cháu ruột về sở công nghiệp ngoài việc cho thằng cháu về đúng với chuyên ngành mà nó đã được đào tạo, ông còn có một chủ định khác. Thằng cháu ông bây giờ còn là một tay chân thân tín, tin cậy. Thực ra thằng Hiến muốn về làm việc tại sở tài chính nhưng ông lại đưa nó về sở công nghiệp tỉnh. Ông còn muốn nó làm cho ông một việc lớn hơn. Đó là tìm cách từng bước vô hiệu hóa “tiêu diệt” đối thủ đã suýt nữa làm ông mất phiếu ở vòng đua trong kỳ đại hội vừa qua. Đây là một việc lâu dài nhưng nhất định sẽ phải làm. Ông chủ tịch-chú thằng Hiến - đã tính toán đến những bước đi dài hơn sau này.
         Sự việc diễn ra tiếp sau chả phải viết nhiều bạn đọc cũng đã hiểu.
         Thằng Hiến về nhận chức trưởng phòng ở sở công nghiệp tỉnh không lâu thì được bổ nhiệm làm phó giám đốc. Dưới sự chỉ đạo của ông chú hắn lần lần lấn át anh giám đốc sở. Anh giám đốc trẻ bị mắc vào một cái bẫy giăng sẵn khi phê duyệt quy hoạch, thu hồi đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng một khu công nghiệp của tỉnh. Thế là uy tín mất sạch, suýt nữa anh còn bị dính vào vòng lao lý, tù tội nếu không có ông chủ tịch tỉnh ra tay cứu vớt. Anh giám đốc trẻ biết ơn ông chủ tịch tỉnh đã cứu mình mà không biết đó chính là kẻ đã xô mình vào vũng bùn đen rồi lại giơ tay ban ơn kéo lên. Mục đích của ông chủ tịch tỉnh không phải là “tiêu diệt” hoàn toàn anh giám đốc sở mà chỉ muốn gọt nhẵn nhụi mọi tín nhiệm của anh ta thôi.
         Anh giám đốc sở mất tín nhiệm dĩ nhiên thằng Hiến dần dần củng cố được vị trí của mình ở sở công nghiệp. Với bản tính từng làm công tác tuyên truyền hắn biết cách khuếch trương, nâng cao uy tín, năng lực của mình trong mắt mọi người. Ông chú ruột có vẻ rất hài lòng về hắn. Ông thấy tự hào về hắn. Nhớ đến người anh ruột-bố thằng Hiến - bị Tây bắn bị thương thủng phổi khi chạy loạn năm 1947 ông lại ngậm ngùi. Thằng Hiến là đứa con duy nhất của anh ấy, nay nó đã trưởng thành khiến ông yên tâm. Nhưng ông còn một việc nữa nhất định sẽ phải làm song chưa thể làm ngay.
         Một hôm, ông gọi thằng Hiến đến hỏi:
         - Trong đám bạn cùng học với mày ngày xưa có thằng gì đi bộ đội báo tử hy sinh rồi vừa mới trở về làng ấy nhỉ?
         - Thằng Phương! Nó bị thương rồi thất lạc đơn vị mất tích mấy chục năm, đã được cấp bằng "Tổ quốc ghi công", nay đột nhiên trở về trở thành một "liệt sĩ sống lại" của làng Vực đấy.
         - Hôm nọ tao về qua xã nghe báo cáo chuyện của nó rồi!
         - Thế ạ! Hôm trước cháu về hội trường cấp 3 cũng gặp nó. Nó trở về nhưng mất hết giấy tờ, đơn vị cũ không nhớ, hiện nó chả có chế độ chính sách gì, cuộc sống khó khăn lắm.
         - Tao đã chỉ thị cho bên sở lao động-thương binh xã hội tiến hành điều tra xác minh rồi xem xét làm chế độ thương binh cho nó rồi!
         - Thế ạ! - Thằng Hiến nhìn ông chú vẻ khâm phục: - Chú bận quá nhiều việc thế mà vẫn quan tâm đến tình hình cuộc sống bà con làng xóm, tốt quá!
         - Mày thì biết cái gì...

         Ông chủ tịch tỉnh định nói tiếp thì kịp dừng lại. Ông nhìn thằng cháu khẽ nuốt ực một cái. Ông chưa muốn nói rõ cho thằng cháu biết về ý định của mình. Có khi cũng không cần để nó biết mục đích của ông. Việc ông chỉ đạo xem xét, làm chế độ chính sách cho một thằng lính tham gia chiến tranh chống Mỹ cùng làng còn có một mục đích sâu xa khác. Anh ruột ông - tức là bố đẻ của thằng Hiến - vốn là một du kích làng Vực. Khi giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc năm 1947 anh ấy đã hoảng sợ rời bỏ đội du kích chạy lên miền Chiêm Hóa-Tuyên Quang nơi bố mẹ gia đình đang tản cư. Anh ấy bị bọn Tây bắn trọng thương khi đang định vượt sông Lô. Vết thương thủng phổi. May anh trai ông được một đơn vị bộ đội kịp thời cứu chữa rồi gửi lại cho nhân dân địa phương chăm sóc. Anh ấy bị khai trừ khỏi đội du kích vì suy sụp tinh thần và để mất vũ khí khi bỏ chạy. Hoà bình lập lại anh ấy xây dựng gia đình. Khi thằng Hiến được hai tuổi thì vết thương tái phát, anh ấy mất. Từ lâu ông chủ tịch tỉnh đã nung nấu một ý định là làm sao để xác nhận là người anh trai ruột của mình bị thương trong chiến đấu, chết do vết thương tái phát. Nếu làm được như vậy tức là anh trai ông đương nhiên là một người có công, là một liệt sĩ chống Pháp hẳn hoi. Ông muốn nhân dịp xem xét việc công nhận thương binh cho thằng Phương sẽ chỉ đạo sở lao động-thương binh xã hội làm luôn cho trường hợp của anh trai mình. Anh ấy trở thành liệt sĩ không phải để cho gia đình ông hưởng chế độ chính sách. Vài trăm tiền trợ cấp, tiền tuất hàng tháng chả bõ bèn gì, không bằng một ngày ông và thằng Hiến cháu ông đi xuống cơ sở. Mục đích của ông là muốn gia đình mình hoàn toàn trong sạch, không có chuyện có người thoái lui, bỏ ngũ trong kháng chiến. Hiện tại, những người cùng trong đội du kích với anh trai ông thời chín năm kháng chiến chống Pháp nay đều đã chết hoặc già cả, lẫn cẫn hết rồi. Chuyện của anh trai ông ngày ấy cũng đã mù mờ, bây giờ lại càng mù mờ hơn. Lần trước ông đã gợi ý ban tổng kết lịch sử của xã Đồng Nhân đưa ra nhận định việc anh trai ông bị thương ngày ấy là khi đi nhận nhiệm vụ phối hợp với đơn vị chủ lực về lập trận địa bắn tàu chiến giặc Pháp trên sông Lô. Nhưng có nhiều ý kiến của các cựu du kích của xã phản đối. Nay thì thuận lợi rồi. Các cựu du kích phản đối chuyện ấy đều đã chết. Vì thế việc nắn chỉnh lại thông tin, chỉnh lý lại hồ sơ sẽ dễ dàng hơn. Lúc này đây chính là thời cơ để ông làm sạch sẽ gốc gác, lý lịch chuẩn bị cho mình tiến lên những nấc thang mới cao hơn...
         Đang suy nghĩ tính toán, chợt sực nhớ ra, ông liền hỏi thằng Hiến:
         - Nghe nói là mày đang định xây dựng cái nhà thờ ở quê phải không?
         - Vâng ạ! Cháu sẽ cho xây lại cái nhà cũ thật hoành tráng để làm nơi thờ phụng tổ tiên, ông bà và bố mẹ cháu...
         - Dừng ngay lại, hiểu không!
         - Tại sao thế ạ?
         - Mày ngu lắm cháu ạ! Vừa có được tý của đã vội phô trương, chỉ tổ cho thiên hạ họ nhòm ngó, đồn thổi, tung tin thất thiệt, bất lợi. Mày làm như thế khác nào thông báo cho cả làng, cả xã biết tao với mày lắm tiền, nhiều của hả!
         - Nhưng căn nhà cũ của ông bà để lại cho bố mẹ cháu lâu không có người ở đã dột nát sập xệ lắm rồi.
         - Mày cho thay đòn tay dui mè, đảo ngói, co trát lại tường, lát lại sân nhà, làm cái ban thờ mới cho các cụ là được. Còn tiền thì đem quyên góp cho làng một chút để tu bổ Đền Vực, ủng hộ xã một ít để làm đường giao thông nông thôn. Nhưng nhớ là chỉ ủng hộ in ít thôi coi như đó là tiền lương của mình, chớ huênh hoang, hiểu không!
         - Vâng! Cháu đã hiểu rồi.
         Hắn đáp và thầm nghĩ: "Ai ngu gì mà góp nhiều...". Ông chú lại bảo:
         - Mày cứ yên tâm. Rồi sẽ đến lúc ta xây dựng lại căn nhà của ông bà thật đẹp.
         Thằng Hiến im lặng nghe ông chú căn dặn. Ông chủ tịch tỉnh nói thêm:
         - Tao vừa phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông toàn tỉnh. Chỉ một thời gian nữa thôi, một con đường cấp tỉnh lộ rộng rãi trải nhựa sẽ chạy qua ngay phía trước căn nhà, mảnh đất của ông bà chúng ta, hiểu không!
         Thằng Hiến đắn đo một lát rồi mới nói với ông chú:
         - Hôm trước cháu nghe dư luận bên sở giao thông nói nếu nắn con đường liên huyện theo tuyến mới ấy sẽ phát sinh kinh phí rất lớn vì đường chạy cắt qua một bãi sa bồi ngoài đê sông Đáy con rất rộng. Mùa nước cạn khi dòng chảy thu lại bãi sa bồi ấy là nơi dân các làng ven sông vẫn ra trồng trọt hoa màu, chăn thả trâu bò. Mùa lũ lớn, nước dâng lên chảy tràn qua bãi bồi, lòng sông mở ra gấp mấy lần rộng mênh mang nên rất mau tiêu thoát. Đường làm xong sẽ giống như một con đập cao chắn ngang giữa dòng chảy. Nước lũ không tiêu thoát nhanh được sẽ dâng cao đẽ gây vỡ đê điều, ứ ngược vào đồng qua cống tiêu thoát nước gây ngập úng nhiều diện tích trồng trọt phía trong đê chú ạ!
         - Việc ấy mày không phải lo. Cứ làm rồi sẽ có phương án khắc phục...
         - Vâng... vâng... Ấy là cháu nghe dư luận nên nói lại với chú thế!
         - Biết rồi! Mà này... - Ông chú lừ mắt: - Việc giải phóng mặt bằng khu công nghiệp phia nam đầm Trấu nhớ phải thật cẩn thận đấy.
         - Vâng... tất cả kế hoạch, phương án đền bù, sử dụng đất đều do giám đốc sở ký cả ạ! Cháu mới nhận chức phó nên không liên quan gì ạ!
         Ông chú gật gật đầu rồi nói nhỏ:
         - Nhớ là mấy lô đất của tao và con Hằng nhà tao, kể cả những lô đất của mày ở khu ấy đều phải đứng tên người khác, hiểu không?
         - Điều ấy chú cứ yên tâm! Trong số hơn năm mươi lô đất cắt ra sau khi giải phóng mặt bằng khu công nghiệp ấy chỉ có hai lô là đúng tên vợ và con tay giám đốc sở công nghiệp, còn thì toàn là của những cán bộ công nhân viên chức trong tỉnh thôi ạ! Họ đều là những đối tượng thuộc diện được ưu tiên cấp đất làm nhà... Khi thanh tra, vợ con giám đốc sở công nghiệp đều có đất thế nên đại hội vừa rồi tay ấy mới mất phiếu... Kế hoạch của chú hay thật...
         - Mày be bé cái mồm thôi. Về đi. Bây giờ tao có chuyện phải đi đây!
         - Vâng!
         Thằng Hiến đứng dậy chào ông chú ruột. Ông chú nhắc thêm:
         - Mà mày phải lập tức về quê đem mấy chậu cây cảnh, bon-sai đặt ở sân nhà mà mày khoe mỗi chậu giá hàng chục triệu đồng đi ngay, hiểu không? Chỉ được cái huênh hoang...
         - Vâng! Cháu... cháu biết rồi...
         (còn nữa)                                                                       Hà Nội, 4-2013