Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 24)

 

                    

           NGŨ QUỶ
            Truyện dài của Trọng Bảo

            Lão Vận hôm nay có khách.
            Nhà lão đã lâu lắm rồi chẳng có khách nào khác ngoài ba đứa là thằng Thưởng, thằng Phương, cái Liên thỉnh thoảng ghé qua và đám trẻ con chăn trâu ngoài bãi hay vào xin nước uống. Khách của lão Vận cũng chả phải là người lạ, chính là ông Nghĩa, người cùng làng Vực. Ông Nghĩa với lão Vận là bạn vong niên. Lúc trai trẻ họ không thân với nhau lắm, khi về già cũng vậy. Hôm nay, ông Nghĩa lên Đền Vực thắp hương. Lúc ra về lẽ ra rẽ ngoặt vào trong làng thì ông Nghĩa lại đi ra phía bờ sông. Lão Vận đang ôm cái bao tải “chiến lợi phẩm” từ chợ về thì nhận ra ông Nghĩa liền mời vào nhà mình chơi. Cũng đã lâu lắm không gặp nhau nhưng ông Nghĩa vẫn nhận ra lão Vận. Ông theo lão Vận về nhà. Từ ngày người con trai cả là thằng Hiệp hy sinh ở miền Nam ông Nghĩa đâm ra lẩn thẩn. Thời gian gần đây nhiều lúc ông đi mà không nhớ đường về. Song cứ nghe trong vùng có ai là bộ đội xuất ngũ, phục viên từng chiến đấu ở miền Nam là ông lại hỏi đường tìm đến bằng được. Ông đến để hỏi xem họ có biết nơi chôn cất con mình không. Hàng ngày, trừ khi ốm mệt, ông đều lên Đền Vực làm lễ, thắp hương cầu khấn thần phật phù hộ, chỉ đường mách lối để ông tìm thấy mộ của con. Điều mong muốn cuối đời của ông là làm sao đưa được xương cốt của đứa con trở về với quê hương, bản quán trước khi nhắm mắt, xuôi tay.
           Lão Vận cùng ông Nghĩa ngồi trên chiếc chõng tre. Lão Vận bày cái đĩa với nắm lạc rang mua ở chợ. Chai rượu chỉ còn độ non hai chén. Hai người nhấm nháp một chút rồi cùng nhau nhắc lại những chuyện xa xưa xa lắc xa lơ còn đọng lại trong ký ức. Có lẽ kỷ niệm chung đáng nhớ nhất của hai người là câu chuyện xảy ra vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi ấy, lão Vận chỉ là một người chuyên chài lưới, đánh cá trên sông Đáy con, còn ông Nghĩa thì là đội viên đội du kích xã Đồng Nhân. Hai người chỉ giống nhau ở một điểm chung là đều rất nghèo khổ, đều quanh năm đi làm thuê, cuốc mướn cho địa chủ. 
           Một buổi tối nhá nhem nhọ mặt người, lão Vận được một anh du kích mời đi họp với thượng cấp từ trên cử về. Lão vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng vội vã theo người du kích dẫn đường đi ngay.
           Lão Vận được đưa đến một căn nhà nhỏ gần chân núi Mồ-nơi bây giờ là xóm Mới. Đây cũng là sở chỉ huy của đội du kích xã Đồng Nhân. Trong nhà đã có mấy người đang ngồi quanh một ngọn đèn dầu cháy leo lét bằng hạt đỗ. Ánh sáng chập chờn của ngọn đèn không đủ soi rõ mặt người, chỉ có những cái bóng của họ là in rõ trên vách thành những hình thù méo mó, kỳ dị. Lão vừa bước vào cửa thì anh du kích dẫn đường chỉ vào một cái ghế bảo:
           - Mời ông ngồi xuống đây!
           Lão ngồi xuống một cái ghế đẩu còn trống đối diện với mấy người đến trước. Định thần một lúc rồi quen với ánh đèn lờ mờ trong nhà, lão Vận nhận ra ngồi cạnh lão là ông Nghĩa cùng làng và hai người đàn bà khác xóm. Đối diện với lão là hai người đàn ông. Khuôn mặt của họ mờ nhòe trong bóng tối nhưng có những nét quen quen.
           Lại là tiếng anh du kích dẫn đường lúc nãy đang bồng súng đứng ở phía sau:
           - Bây giờ chúng ta bắt đầu vào việc! Kính mời anh Bồi phát biểu!
           Nghe anh đội trưởng nói vậy, lão Vận giật mình. Lão căng mắt ra nhìn. Lão nhận ra đang ngồi trước mặt lão chính là Hà Văn Bồi và đội trưởng du kích Hoàng Thạo. Hà Văn Bồi là người ở bên kia sông. Anh này là cán bộ hoạt động trong lòng địch bị lộ nên chạy ra vùng tự do. Anh ta được trên biệt phái về chỉ đạo đơn vị du kích làng Vực. Trong một trận càn bọn địch lên vùng tự do, không chịu nổi sự ác liệt anh ta đã rời làng Vực lùi về phía sau. Sau đó nghe nói anh ta được điều lên chiến khu nhận công tác khác. Tại sao bây giờ anh ta lại về đây nhỉ?
           Hình như chợt nhận ra là chưa nói đầy đủ rõ ràng, anh du kích dẫn đường lại nói thêm:
           - À quên! Tôi chưa nói rõ! Xin giới thiệu với mọi người, anh Bồi được cấp trên biệt phái về xã ta để làm công tác phát động quần chúng. Anh Bồi bây giờ là đội trưởng đội cải cách ruộng đất. Hôm nay, anh Bồi sẽ gặp gỡ để “bồi dưỡng” các nhân cốt, phát động quần chúng, chuẩn bị cho đợt đấu tranh với bọn địa chủ bót lột sắp tới. Ông Vận, ông Nghĩa, cô Tẻo, bà Mùa đều là những bần cố nông, ba bốn đời nghèo khổ, chuyên đi làm thuê, làm mướn nên chính là tầng lớp cốt cán, tuyệt đối tin cậy đấy.

           Thì ra là vậy. Cải cách ruộng đất là làm gì! Lão Vận thấy trong lòng đầy băn khoăn, thắc mắc. Lão suy đoán chắc là họ sẽ mua hoặc tịch thu ruộng của địa chủ, phú hào chia cho những bọn bần cố nông không tấc đất cắm dùi như lão. Thế thì tốt quá, hay quá, sướng quá. Nghĩ vậy nên mặc dù thấy khó chịu khi phải ngồi nghe cái tay cán bộ biệt phái hèn nhát nói nhưng lão vẫn cố nén nhịn.
           Đội trưởng đội cải cách Hà Văn Bồi đưa mắt nhìn các “cốt cán” bần cố nông rồi hỏi:
           - Bà Mùa mấy đời đi ở cho địa chủ rồi nhỉ?
           - Thưa… nhà tôi hai, à phải đến ba đời đi ở rồi ạ!
           - Thế thì tốt! Vậy còn cô Tẻo?
           - Nhà cháu cũng đã ba đời đi ở cho địa chủ rồi đấy ạ! Cháu… cháu... khổ lắm… hu... hu… hu…
           - Không được khóc… lúc này chưa được khóc… phải nén lòng mình lại, biến căm thù thành ý chí, quyết tâm để đấu tố, phát hiện, vạch mặt, chỉ tên bọn địa chủ ác bá bóc lột tận xương tủy bần cố nông hiểu không?
            Ông đội Hà Văn Bồi nghiêm khắc nhắc nhở. Cô Tẻo sụt sịt:
           - Vâng cháu hiểu…
           - Thế còn ông Vận! Ông đã bị bọn địa chủ bóc lột thế nào?
           Lão Vận nhớ ngay đến những ngày đi cày thuê, cuốc mướn cho cụ Chánh Kiền bới trộm khoai lang bị đánh thừa sống, thiếu chết. Nhưng lão tỏ vẻ băn khoăn đáp:
           - Tôi đi ở cho cụ Chánh Kiền thật, nhưng tôi có thấy ông ấy đâu có "bóc lột" gì tôi. Ông ấy cho tôi ăn, có gì ăn nấy. Làm xong việc thì ông ấy trả công cho tôi. Chuyện tôi bị đánh là do đã đào trộm khoai lang ruộng nhà ông ấy. Mà người đánh tôi là tuần phiên đấy chứ...
          Đội trưởng đội cải cách Hà Văn Bồi cắt lời lão Vận vẻ khó chịu:
          - Thế ông ấy có trả công xứng đáng cho ông không?
          - Có ạ! Ông ấy trả công cho tôi đầy đủ như mọi người khác đến làm thuê...
          Đội trưởng Hà Văn Bồi phải giải thích một thôi một hồi về việc lão đã bị bóc lột "giá trị thặng dư", bị đè nén như thế nào. Lão Vận cố căng tai ra nghe mà không hiểu. Đội trưởng Hà Văn Bồi nghiêm khắc nhắc nhở lão về vai trò tiền phong, về trách nhiệm của tầng lớp bần cố nông trong cuộc cải cách ruộng đất và trong sự nghiệp cách mạng. Lão Vận ngồi im thin thít lắng nghe. Đến lượt ông Nghĩa. Ông Nghĩa thì được đội trưởng Hà Văn Bồi lưu ý thêm là một đội viên du kích và về việc đang là đối tượng thử thách để kết nạp vào tổ chức lãnh đạo tiền phong.
          Suốt buổi, lão Vận thấy hoang mang quá. Kết thúc buổi gặp gỡ, bồi dưỡng hạt nhân lão Vận, ông Nghĩa và mọi người ra về. Lão Vận và ông Nghĩa cùng nhau băng qua một sườn đồi về làng. Đi được một đoạn, ông Nghĩa nói nhỏ với lão Vận:
          - Tôi đéo tham gia vào cái trò đấu tố, đấu tiếc này đâu! Nó bất nhân lắm ông ạ...
           Nói đoạn, ông Nghĩa khoác súng lẩn vào một lùm cây lúp súp đi theo hướng tắt ra phía bờ sông làng Vực. Lão Vận lò dò đi theo một hướng khác. Đang đi chợt lão thấy mót dạ. Lão chui vội vào một bụi cây ven đường. Vừa tụt quần ngồi xuống thì lão nghe có tiếng chân người. Vạch lá nhìn ra, dưới ánh trăng cuối tháng mờ ảo nhưng lão vẫn nhận ra anh Thạo, đội trưởng đội du kích xã Đồng Nhân và đội trưởng đội cải cách ruộng đất Hà Văn Bồi đang đi đến.
          Hai người dừng lại đứng đái ngay cạnh lùm cây lão Vận đang ngồi ở trong. Vừa đái, họ vừa tranh thủ trao đổi công tác. Lão Vận nín thở. Đội trưởng Hà Văn Bồi nói:
          - Gay go thật! Nếu như thế này thì làng Vực không đủ số địa chủ theo tỷ lệ quy định ông ạ!
          - Thì làng Vực bé tý, ruộng đất ít, có một Chánh Kiền địa chủ là được rồi!
          - Được là được thế nào! Theo quy định thì làng Vực phải có hai địa chủ mới tạm ổn!
          - Vậy lấy đâu ra một địa chủ nữa bây giờ?
          - Thế… ông Tam không được à! Ông này cũng có đến sáu mẫu ruộng, gần chục con trâu bò. Địa chủ quá đi chứ!
          - Ông Tam chỉ đáng là thành phần trung nông thôi! Với lại ông Tam có nhiều đóng góp cho kháng chiến. Ông ấy thường xuyên tiếp tế gạo muối cho đội du kích của xã ta, ông ấy còn có một người con đi bộ đội chủ lực... - Anh đội trưởng đội du kích cố nói thêm.
          - Trung nông là thế nào! Ông ấy cũng thuê mướn người làm công đấy! Các cậu mắc phải cái tính nể nang, rất hay xoá nhòa ranh giới địch-ta… Thôi cứ quyết định như thế nhé! Ta sẽ phát động bà con đấu tố hai tên địa chủ làng Vực là Đào Quang Kiền và Vũ Đình Tam. Tôi đã báo cáo việc này với tổ chức rồi. Trên cũng đã đồng ý cho ta "phát hiện" thêm một địa chủ nữa cho đủ tỷ lệ quy định chung…
          Nghe lỏm được câu chuyện của hai người cán bộ đội cải cách khiến lão Vận thấy lạnh sống lưng, sởn cả gai ốc. Hai anh cán bộ đi xa lão Vận mới chập choạng đứng dậy. Suýt nữa thì lão quên cả kéo cái quần lên.
          Hôm tổ chức đấu tố bọn địa chủ dân làng Vực và các làng kéo nhau ra chật cả bãi sông. Chánh Kiền bị trói quặt cánh khỉ vào cột tre tươi đóng trên bãi sông. Ông Tam là “địa chủ nhỏ” nên không bị trói. Đám đông người trong làng, trong xã xúm xít vây xung quanh ra sức kêu gào, rỉa rói kể tội bọn địa chủ bóc lột, làm tay sai cho đế quốc thực dân, quốc dân đảng...
          Bà Mùa nhảy dựng lên chỉ tay tận mặt Chánh Kiền và "địa chủ” Tam tố cáo họ bóc lột, cưỡng bức, cướp của. Rồi vừa khóc, bà Mùa vừa gào to thống thiết:
          - Chúng nó bóc lột tôi đến tận xương tuỷ. Chúng nó bắt tôi làm suốt ngày, suốt đêm. Nó cho tôi ăn cơm độn sắn, trộn cả tro trấu vào… Hu… hu… hu… nó… nó… còn hiếp tôi. Ngày nào nó cũng hiếp tôi ở trong bếp, ở đống rơm ngoài vườn, ở ngoài cầu ao, ngoài ruộng… chúng nó hiếp tôi mọi lúc, mọi nơi… Nó… nó…
          Bà Mùa vô cùng xúc động khi kể tội bọn địa chủ. Khí thế bừng bừng, bà còn định tốc cả váy lên để chứng minh đúng là mình đã bị hiếp như thế nào. Trước tình hình ấy, đội trưởng Bồi vội khoát tay ra hiệu. Mấy du kích lập tức xông lên kéo bà Mùa trở về vị trí ngồi của bộ phận quần chúng cốt cán gương mẫu. Đến lượt cô Tẻo lên phát biểu. Cô Tẻo còn trẻ nên chỉ nhận bị bọn địa chủ hiếp có hai lần. Cô cũng khóc nức lên đòi phải xử tử hết bọn “giai cấp địa chủ phong kiến” thống trị chuyên áp bức bóc lột bần cố nông. Đến lượt lão Vận được mời lên bục. Lão nói giọng run run, vẻ bức xúc, phẫn uất. Nhưng lão lại không kể tội, đấu tố địa chủ như đã được ông đội "bồi dưỡng" hôm trước. Mà ông nói về việc ông Tam hay giúp đỡ người nghèo đói. Chuyện ông Tam đã cứu chữa cho một đứa trẻ mồ côi, mẹ chết do máy bay giặc Pháp ném bom hồi năm 1950. Lão Vận cũng xin được nói thêm về việc bà Mùa tố cáo địa chủ Tam cướp cái vại muối dưa của bà ấy như thế nào:
          - Chiều ba mươi tết... - Giọng lão Vận càng bức xúc: - Bà ấy đem cái vại muối dưa đến khóc lóc, nói nhà không có nổi một đấu gạo nếp gói bánh cho con. Ông Tam xúc cho bà ấy hai đấu gạo nếp, lại cho thêm nửa cân thịt lợn. Ông Tam không lấy nhưng bà ấy cứ để cái vại ở sân rồi đem gạo, thịt ra về. Hôm ấy, tôi cũng đang làm thuê cho nhà ông Tam nên tôi biết. Thế mà bây giờ bà ấy lại xưng xưng nói ông Tam cướp cái vại muối dưa của nhà bà ấy, rồi còn tố cáo ông ấy hiếp bà ấy khắp nơi... Thật đúng là chuyện ăn không nói có, gắp lửa bỏ tay người, lấy oán báo ân...
          Cả đám người đang trong cơn say đấu tố, vạch tội địa chủ sôi sùng sục lên khi nghe lão nói như­ vậy. Đội trưởng đội cải cách Hà Văn Bồi bật dậy thét to như lệnh vỡ:
          - Quân phản động! Đồ... đồ... ôm đít bọn địa chủ phong kiến bóc lột...
          Những tiếng hô vang lên ầm ầm: “Đả đảo… đả đảo địa chủ Đào Quang Kiền, đả đảo... địa chủ Vũ Đình Tam... đả đảo... đả đảo...”. Đội trưỏng Hà Văn Bồi phất tay ra lệnh cho các du kích xông lên lôi cổ lão Vận xuống. Lão Vận bị táng một báng súng vào vai ngã lă­n ra đất. Mồm lão ngoạm đầy cát bụi. Lão lồm cồm bò dậy. Trước khi bị du kích lôi đi lão Vận còn cố ngoái lại nhìn Chánh Kiền và ông Tam. Lão thấy ông Tam đang khóc, nước ông mắt chảy dài trên gò má nhem nhuốc.
          Người ta xử bắn địa chủ Kiền ngoài bãi sông Đáy. Riêng ông Tam, thì bị giam chờ tiếp tục đấu tố thêm vì ông kiên quyết không chịu nhận mình là địa chủ. Sau này sửa sai ông Tam còn được công nhận là người có công với kháng chiến vì đã đóng góp tiền của, lương thực cho bộ đội, du kích. Còn ông Nghĩa lần ấy vác súng trốn ra ẩn trong bụi gai ngoài bãi sông không chịu tham gia đấu tố bọn địa chủ thì bị khai trừ khỏi đội du kích, bị quy tội đi theo quốc dân đảng phản động và cũng mãi sau này ông mới được phục hồi danh dự.
          Hai người bạn vong niên ngồi ôn lại những chuyện từ thời xưa cũ. Họ đều bùi ngùi khi nhắc lại việc ông đội trưởng đội cải cách ruộng đất Hà Văn Bồi sau này là cán bộ phòng nông nghiệp huyện một lần đạp xe đi chỉ đạo đắp đê gặp cơn giông bất ngờ bị sét đánh cháy đen nằm chết bên bờ sông Đáy con. Nơi ông Bồi bị sét đánh cũng chính là nơi ông đã chỉ huy đội du kích xử bắn địa chủ Đào Quang Kiền hơn chục năm về trước...
          (còn nữa                                                             Hà Nội, tháng 4-2013

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 23)

 

                      

           NGŨ QU
           Truyện dài của Trọng Bảo 

          Hội làng Vực năm nay buồn. Bởi lẽ trước ngày khai hội lại có người chết nổi ở Xoáy Vực. Mà người chết lại là dân làng Vực. Đó là điều không hay. Thằng Hiến được người nhà đưa về mai táng sau khi công an tiến hành mổ xẻ khám nghiệm tử thi mất đến nửa ngày.
           Hôm đám ma thằng Hiến, lũ bạn đồng môn ngày xưa có nhiều đứa đến. Có đứa vốn chả ưa gì nó nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, ai còn chấp nê người chết làm gì. Cơ quan nó cũng có mấy đoàn kéo về. Toàn ô tô xịn. Những mấy chục vòng hoa bọc giấy bóng kính, nghe nói mỗi vòng cả trăm nghìn đồng khiến dân làng Vực lác mắt. Đám ma ở quê giỏi lắm thì chỉ có vài vòng hoa tự làm tròn như cái vành nón, buộc lơ thơ mấy bông hoa cúc dại, hoa dâm bụt héo rũ.
           Thả một hòn đất xuống huyệt rồi anh Thưởng lùi ra cho đám thanh niên lấp huyệt và đắp nấm. Anh Thưởng vừa ra khỏi đám đông nhốn nháo kẻ xúc đất, người kêu khóc thì đụng luôn vào anh Phương. Anh Thưởng giật mình. Mấy hôm không gặp mà trông nó có vẻ gầy gùa, khuôn mặt vêu vao. Anh bảo bạn:
          - Ra nhà tao đi! Hôm nay con Sương cũng về, nó mua được mớ cá tươi, đang rán. Ra làm chén rượu cho ấm bụng…
          - Ừ thì đi… - Anh Phương đồng ý.
          Anh Thưởng kéo bạn đi về phía bến sông. Căn nhà của anh Thưởng ngày xưa trơ chọi trên bờ sông bây giờ ngập lút giữa những ngôi nhà bê-tông cao tầng ngất ngưởng. Kinh tế phát triển, bãi sông đã trở thành một dãy phố trên bến dưới thuyền rất đẹp. Nhờ mấy lần được trợ cấp, được hỗ trợ tiền sửa nhà tình nghĩa nên anh Thưởng cũng xây được tường gạch, lợp mái ngói. Ba gian nhà ngoài còn lát được gạch hoa. Thứ gạch hoa nội do địa phương sản xuất, nét hoa văn nhòe nhoẹt.
          Vừa cùng bạn ngồi xuống ghế, anh Thưởng đã lên tiếng gọi cái Sương. Từ gian bếp phía sau cái Sương lật đật chạy lên. Tay nó còn cầm đôi đũa. Con bé lớn quá, lại xinh đẹp nữa. Gặp ngoài đường có lẽ anh Phương không nhận ra. Nó đã học đại học năm thứ ba. Nó học giỏi lắm. Vừa đi học nó vừa đi làm thêm kiếm tiền gửi về cho bố. Anh Thưởng vài năm nay ốm đau luôn. Di chứng chiến tranh, chất độc da cam trong người anh bắt đầu phát tác.
          Cái Sương chào: “Chú ạ!” rồi lại đi xuống bếp. Nó đang rán dở mấy khúc cá.
          Anh Thưởng rót hai chén rượu. Chén của anh thì đầy, chén của bạn thì vơi. Anh không muốn cho Phương uống nhiều dễ kích thích thần kinh. Cái Sương đã bày cho hai người một vài món để nhâm nhi trước. Anh Thưởng nâng chén rượu lên làm một ngụm rồi bỗng rằn mạnh cái chén xuống bàn. Giọng anh nghẹn đắng:
          - Khốn nạn! Thật khốn nạn…
          Anh Phương ngạc nhiên:
          - Có chuyện gì thế?
          Anh Thưởng cũng như chợt bừng tỉnh. Anh lúng túng nhìn xuống bếp. Nét mặt anh tái dại đi nhưng giọng anh thì nhỏ hẳn lại, chùng hẳn xuống. Có lẽ anh sợ cái Sương nghe thấy.
          - Thì chính là chuyện của cái Sương đấy! Suýt nữa thì nó sa vào cạm bẫy của bọn vô nhân ấy…
          - Bọn nào vậy?
          - Bọn… bọn… bọn…
          Anh Thưởng cầm chén rượu ngửa cổ uống cạn. Nét mặt anh nhăn nhúm không rõ vì rượu đắng hay vì nỗi bức bối trong lòng. Anh Phương cũng không muốn hỏi dồn thêm. Anh Thưởng thì ngồi thừ người. Rồi anh Thưởng lại rót rượu, lại uống. Lại rót. Hình như rượu lại làm cho anh bình tâm hơn. Khi cái Sương xin phép đi thăm bạn dắt xe ra khỏi nhà anh mới bắt đầu kể lại mọi chuyện cho bạn nghe.

*
          Cái Sương thi đỗ đại học với số điểm rất cao làm cả làng Vực ngạc nhiên. Bởi từ lâu lắm làng mới có người thi đỗ đại học. Bọn học sinh làng này có đứa học chưa hết phổ thông trung học đã bỏ học về Hà Nội làm “ô-sin” hoặc lên biên giới làm cửu vạn gánh hàng thuê qua biên giới. Đứa nào cố lắm thì cũng chỉ thi đỗ vào trung cấp hoặc cao đẳng là cùng. Cái Sương học đại học ngành công nghệ thông tin ở Hà Nội. Nó học giỏi được học bổng nên anh Thưởng cũng đỡ một khoản tiền chu cấp hàng tháng. Mấy trăm tiền trợ cấp thương tật của anh mua rau chả đủ nói chi học phí đại học của con. Từ năm học thứ hai cái Sương đã tìm được việc làm tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhờ nó rất giỏi ngoại ngữ và vi tính. Tuy làm hợp đồng nửa buổi vì còn phải lên lớp học nhưng lương tháng của nó cũng được vài triệu. Nó còn chi tiêu tiết kiệm và dành chút ít gửi về thêm cho bố chữa bệnh. Anh Thưởng thì hết thường trú ở bệnh viện này đến bệnh viện khác. Con đò rách cũng chả còn ai chèo chống. Bây giờ đời sống khá lên họ toàn đi ô tô, xe máy nên chẳng còn mấy ai đi đò. Anh Thưởng vỡ hoang được bãi đất ven sông. Mùa khô anh trồng ngô hoặc mía. Mùa mưa anh cất vó, cất tôm cũng qua bữa. Đám đất trống xung quanh nhà anh đều được người ta mua làm nhà cao bốn năm tầng. Thành thử căn nhà của anh bị quây cả bốn phía. Đứng ở sân mà cứ như đang đứng dưới đáy giếng sâu hun hút.
           Vừa học cái Sương vừa đi làm thêm cho một công ty có vốn nước ngoài. Vợ chồng ông chủ công ty nọ cũng là người gốc Việt mang quốc tịch nước ngoài. Bà vợ ông ta thỉnh thoảng mới về Việt Nam. Họ mua một ngôi biệt thự cao cấp ở khu đô thị mới Đình Mỹ vừa làm trụ sở, vừa làm nơi ăn nghỉ, sinh hoạt.
           Một bữa, ông chủ bảo có tài liệu cần xử lý gấp bảo cái Sương ở lại làm thêm. Bà vợ ông chủ cũng mới sang Việt Nam. Họ hứa sẽ cho cái Sương cùng ra nước ngoài một chuyến để tham quan học tập. Mọi thủ tục xin hộ chiếu và vi-sa đã xong. Cái Sương thích lắm. Nó lập tức gọi điện về báo tin cho bố biết.
           Dịch xong mấy thứ tài liệu ông chủ đưa cho thì đã muộn. Ông chủ pha cho cái Sương một cốc sữa rồi ra khỏi phòng. Có tiếng nhạc chuông điện thoại vang lên. Uống được một ngụm nhỏ cái Sương vội vàng đặt cốc sữa xuống bàn mở túi xách tìm điện thoại. Lúng túng nó làm đổ cốc sữa. Vừa lau xong chỗ sữa đổ ra bàn thì ông chủ bước vào với một bộ đồ ngủ. Đôi mắt ông ta rừng rực lửa. Cái Sương hốt hoảng bật dậy lùi lại. Ông chủ lao đến như một con thú vồ mồi. Ông ta ôm chầm lấy cái Sương. Cái Sương hoảng hốt kêu cứu. Nhưng căn phòng làm việc kín chả ai nghe tiếng của nó. Cái Sương chống cự quyết liệt giằng thoát ra khỏi vòng tay ông chủ lùi vào một góc nhà. Ông chủ có vẻ ngạc nhiên. Cốc sữa lúc nãy ông ta đã pha một liều thuốc kích dục mạnh tại sao con bé này vẫn kháng cự quyết liệt thế nhỉ. Lẽ ra nó phải sà ngay vào vòng tay của ông chứ! Ông ta lại lao đến. Nhưng sức lực của một thằng say rượu và say thuốc kích dục không thể làm gì được cái Sương. Ông ta bị cái Sương đẩy mạnh ngã dập đầu vào cạnh bàn choáng váng. Cái Sương mở được cửa lao ra ngoài.
            Ông bảo vệ đã đóng cổng. Ông vừa mở cái hăng-gô cơm định ăn thì nghe tiếng đập cửa phòng thường trực. Ông vội chạy ra. Nhìn thấy cái Sương quần áo rách tả tơi, đầu tóc rũ rượi, ông đoán ngay được mọi việc. Ông vội vớ cái áo bông bộ đội cũ khoác lên người nó, mở cánh cổng đẩy nó thoát ra ngoài. Ông cũng kịp nhét vào tay cái Sương một tờ giấy bạc năm mươi nghìn và dặn cứ chạy thẳng về phía nhà ga, nơi có đồn công an…
           - Chuyện là như vậy! - Anh Thưởng bảo: - Hôm đó, từ lúc nghe cái Sương gọi điện về nói là nó được đi Thái Lan một tuần công tác cùng ông bà chủ tự nhiên tao cứ thấy bất yên trong lòng. Suốt đêm tao cứ trằn trọc mãi. Gần sáng tao vừa chợp mắt thì mơ thấy cô gái bị chết trôi năm nào, lại nghe tiếng người khóc và tiếng kêu cứu. Tao bật dậy, mồ hôi vã ra đầm đìa mặc dù đã cuối thu trời bắt đầu lạnh. Tao nằm xuống định ngủ tiếp nhưng tự nhiên nhớ đến lời mẹ dặn không được để người qua sông ban đêm lỡ đò tội lắm. Tao tìm cây gậy chống thuyền lần xuống bến sông. Con thuyền nhỏ vẫn buộc ở gốc tre sát mặt nước. Tao chống thuyền ra đến giữa sông. Mặt nước vỡ ra dưới ánh trăng thượng tuần lờ mờ. Dòng sông lặng sóng im lìm. Đang định quay thuyền về thì tao chợt nhác thấy hình như bờ sông bên kia có bóng người đang ngồi gục gần mép nước. Tao vội chống thuyền áp ngay vào. Đúng là có người thật. Tao nhảy xuống gọi. Người ngồi đó vẫn im không động đậy. Khi tao lay nhẹ người đó mới choàng tỉnh. Cái áo choàng trên người rơi xuống. Tao hốt hoảng kêu lên: “Sương… Sương mày đấy hả con!”. Đúng là cái Sương. Nhận ra bố nó òa khóc nức nở. Nó đã đi suốt đêm để về nhà. May có năm mươi nghìn ông bảo vệ công ty đưa cho mà nó có tiền mua vé tàu về quê. Túi sách, đồ đạc của nó còn bỏ lại phòng tên giám đốc công ty…
           Anh Phương hỏi:
          - Thế bây giờ nó vẫn tiếp tục đi học chứ?
           Anh Thưởng bảo:
           - Phải đến mấy tuần sau nó mới hoàn hồn. May mà chưa có việc gì xảy ra. Tao đưa nó về trường để nó tiếp tục đi học. Tao cũng cấm nó từ nay không được làm thêm nữa. Tao bán bớt nửa mảnh đất vỡ hoang ven sông cho họ làm nhà hàng cà phê bãi cho du khách ngắm sông đón gió để lấy tiền cho nó ăn học.
           - Thế thì mọi việc tốt rồi!
           - Tốt gì mà tốt! Mày chưa biết đấy thôi… 
           - Còn chuyện gì nữa thế?
           Tợp một ngụm rượu, anh Thưởng nói, giọng khàn đi vì giận:
           - Khốn nạn quá mày ạ! Sau khi cái Sương chạy thoát khỏi phòng thằng giám đốc mất dạy đó thì vợ nó đi dạo phố về. Thì ra việc định cưỡng bức cái Sương có sự đồng tình ngầm của con vợ nó. Hoá ra cái công ty này chỉ là một đường dây chuyên đưa người, nhất là phụ nữ ra nước ngoài lao động trái phép, để gả bán và kể cả làm nghề bán dâm nữa. Vợ chồng thằng khốn này lục lọi, kiểm tra cái túi của con Sương bỏ lại. Mày biết thế nào không? Qua giấy tờ trong túi của nó, người đàn bà, vợ thằng giám đốc kia mới nhận ra cái Sương chính là con đẻ của mình…
            Anh Phương giật mình sửng sốt trước bất ngờ của câu chuyện. Anh hỏi:
            - Thế cái Sương đã biết chuyện này chưa! Mà sao ông lại biết đó là chính mẹ cái Sương?
            - Thì… chính con mẹ vô lương ấy đã về đây rồi mà. Cái Sương chạy về nhà được mấy hôm thì mẹ nó cũng tìm về theo. May mà hôm ấy cái Sương đi vắng. Con mẹ của nó đã quỳ ở chỗ này này… - Anh Thưởng hắt toẹt chén rượu đang uống dở xuống chỗ góc cửa: - Mẹ nó quỳ để van xin tao tha thứ. Chuyện phụ tình thì tao không kể đến làm chi. Thời chiến tranh bọn mình có đi, không có ngày về, chả trách gì những người không kiên tâm chờ đợi. Chuyện bỏ rơi con thì là mang tội với con mình, tuy vì chuyện này mà tao phải gánh chịu khổ, nhưng tao cũng không oán thán gì. Thôi thì tao tuy vất vả, gian khổ nhưng lại có được một đứa con gái ngoan ngoãn, hiếu thảo. Nhưng cái chuyện suýt làm hại đời con gái do mình đẻ ra thì tao không thể tha thứ… Thế mà đồ vô lương ấy lại còn dám mở miệng xin được nhận lại con nữa đấy…
            Anh Thưởng nói giọng đầy sự giận dữ bức xúc. Rồi anh im lặng ngửa cổ dốc tuột chén rượu vào cổ họng và vớ cái chai rót tiếp.
            Mãi chả thấy anh nói gì thêm. Anh Phương sốt ruột hỏi:
            - Chuyện sau đó thế nào?
            - Thế nào à? Tao rút con dao lê ném lên bàn và bảo: “Nếu cô còn một chút lương tâm và lòng tự trọng của con người thì hãy ra ngay Xoáy Vực đâm đầu xuống đấy mà chết. Người làng Vực sẽ làm ma cho cô, không để cô phải nằm thối rữa dưới đáy sông đâu. Còn nếu cô dám hé miệng ra nhận con thì tôi sẽ đâm cô chết ngay tại đây, hiểu không!”. Thấy tao quyết liệt thế cô ta hoảng sợ vội vã bỏ đi. Nhưng tao vẫn lo lắm mày ạ. Tao rất muốn cái Sương có mẹ. Nhưng dứt khoát nó không được có một người mẹ như thế. Nó phải được sống trong sáng, lương thiện hiểu không!
             Anh Thưởng càng có vẻ còn đang rất xúc động. Anh nói tiếp:
            - Cuộc đời đúng là khốn nạn quá mày ạ! Hôm trước đưa cái Sương trở lại  trường xong tao đã tìm đến cái công ty nó đã làm thuê.
            - Ông định tìm tay giám đốc để trả thù cho cái Sương...
            - Không! - Anh Thưởng cắt lời: - Là tao muốn tìm ông bảo vệ để cảm ơn ông ấy một câu. Nhưng tìm đến nơi hỏi thì mới biết ông ấy đã bị đuổi việc vì đã mở cổng cho cái Sương chạy thoát và còn biết quá nhiều chuyện của ông bà chủ. Dò hỏi mãi tao cũng tìm được nhà ông bảo vệ ấy. Hoá ra ông ấy cũng từng là một thằng lính chiến như bọn mình. Ông ấy cùng ở mặt trận B3-Tây Nguyên với tao. Nhà ông ấy còn mẹ già, vợ không có việc làm và hai đứa con nhiễm chất độc da cam, người chả ra người, ngợm chả ra ngợm, suốt ngày nằm lăn lóc trên giường nói cười vô thức, chả biết làm gì. Tất cả chỉ trông vào đồng lương bảo vệ của ông ấy. Thế mà… Thấy tao cứ băn khoăn, xin lỗi mãi ông ấy cáu: “Anh này hay nhỉ! Con anh cũng như con tôi, nó bị hại thì phải cứu chứ. Mất việc thì mất, tôi cũng đéo cần! Mẹ kiếp! Hôm đó mà biết thằng giám đốc giở trò khốn với con bé thì tôi đã đạp cửa xông vào đâm luôn cho nó một nhát rồi!”. Ông ấy nói vậy nhưng tao vẫn cứ thấy ái ngại cho hoàn cảnh của ông ấy quá…
            Anh Phương lắc đầu chán nản:
            - Mẹ kiếp, toàn là một lũ khốn nạn!
            - Đúng! Toàn lũ khốn nạn…
            - Khốn nạn…
            - Rất khốn nạn…
             Hai thằng lính cũ đều thấy buồn nản.
             Họ lại rót.
             Lại uống. Uống mãi mà chẳng ai say.
             Ngoài trời đổ mưa.
             Mưa trái mùa.
             Cơn mưa không to nhưng mặt đất chan chan nước và lạnh lẽo.
                                                        
             (còn nữa                                                       Hà Nội, tháng 4-2013

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 22)

 

                 
          NGŨ QUỶ
          Truyện dài của Trọng Bảo

          “M ưa trái vụ, lũ trái mùa” là chuyện chẳng hay ho tốt đẹp gì. Đang giữa mùa đông tự dưng có một trận mưa rào ầm ầm đổ xuống. Một tiếng sét nổ vang rung chuyển cả mặt đất. Và cũng chỉ có một tiếng sét mồ côi duy nhất ấy thôi sau đó là mưa. Mưa không to nhưng mặt đất cứ chan chan nước. Trời đã lạnh có mưa nên càng thêm lạnh lẽo, ảm đạm. Mưa đến tối hẳn thì ngớt. Sau cơn mưa vần vũ màn đêm đen nhạt dần đi. Mây bị gió dát mỏng nên ánh trăng le lói mờ mờ phủ bạc trên mặt đất.
          Anh Thưởng cầm đèn pin đi xuống bến sông. Anh giật mình thấy nước sông đang dềnh lên. Lạ quá, chả lẽ giữa mùa đông mà lại có lũ. Đúng là lũ về thật. Ở phía đầu nguồn chắc là mưa cũng to nên mới có lũ. Anh Thưởng cột lại con thuyền rách thật chắc chắn để nước khỏi cuốn trôi mất rồi mới về ngủ. Anh chìm đi trong một giấc ngủ đầy mộng mị. Trong mê anh gặp toàn là bọn ma quỷ. Bọn chúng ngoi lên từ xoáy Vực bò lổm ngổm trên bến sông. Những con ma chuyên hút máu người thè lưỡi dài đỏ lòm. Những con ma trơi thì bay lập lòe khắp bãi ngô ven sông. Anh Thưởng cứ miền man trong giấc ngủ đầy ác mộng suốt đêm. Anh chỉ tỉnh hẳn khi nghe có tiếng ồn ào ngoài ngõ. Anh chống tay ngồi dậy. Cả người đau nhức ê ẩm. Anh mở cửa bước ra thềm. Có mấy người đang hớt hải chạy về phía đền Vực. Anh vội chạy theo hỏi:
          - Có chuyện gì thế?
          - Chuyện lạ lắm. Cơn mưa đêm qua làm sân đền Vực trồi lên một pho tượng rất lạ...
          - Thế hả?
          - Lạ hơn nữa là tia sét lúc chập tối hôm qua là đánh xuống trúng cây đa phía trên mỏm đá Xoáy Vực làm cho lá cây cháy vàng trông rất đáng sợ bác ạ!
           Anh Thưởng theo mọi người ra đền Vực. Chỗ mép sân đền sát bờ sông nước mưa xối chảy mạnh làm trồi lên một hòn đá hình thù rất giống một người phụ nữ đang quỳ mắt nhìn xuống dòng sông. Còn cây đa cổ thụ có tuổi mấy trăm năm luôn xanh tốt thế mà lá trở nên vàng ruộm. Chẳng biết có đúng là do bị sét đánh hôm qua không. Mọi người túm tụm ở sân đền bàn tán. Họ nói đây là một điềm gở, làng ta sắp có đại họa đến nơi rồi.
          Từ sau hôm ấy dân làng Vực thấp thỏm chờ đợi. Họ đợi một sự biến thiên hoặc một sự kiện gì đó sẽ xảy ra trong làng, trên bến sông Đáy con và trong lòng Xoáy Vực sâu thăm thẳm.         
           Rồi ngày ấy cũng đến. Một buổi sáng tinh mơ, dân làng Vực bị đánh thức bởi tiếng người gào thất thanh từ dưới sông vọng lên. Đó là tiếng một người đi chợ sớm định lội qua sông sang bên kia bờ. Tiếng kêu là có người bị chết đuối khiến người ta nghi ngờ. Bây giờ đang là mùa khô, nước sông Đáy con rất cạn làm sao có người lại bị chết đuối được chứ.
           Mọi người ở trong làng, ngủ canh hoa màu ngoài bãi hớt hải chạy xuống bến sông. Khi định hướng người kêu tất cả đổ dồn về chỗ xoáy Vực.
           Mùa này nước ở Xoáy Vực cũng rất cạn. Dòng nước chảy lờ đờ như ngái ngủ, mất hết vẻ hoành tráng hung hăng sôi sùng sục gào thét như khi mùa mưa lũ lớn từ thượng nguồn tràn về.
           Khi anh Thưởng chạy ra bờ sông thì mọi người đã đứng đen đặc trên bờ sông chỗ Xoáy Vực. Mọi người chỉ chỏ, nhốn nháo. Trời lạnh nên chưa ai nhảy xuống sông vớt xác người. Anh Thưởng túm được một thằng bé con đang chúi đầu chạy ngược từ dưới sông lên hỏi:
          - Ai bị chết đuối thế?
          - Cháu không biết! Ông này trông lạ lắm bác ạ!

          Quái lạ! Đã lâu lắm rồi không có người nào bị chết đuối ở Xoáy Vực. Sao bây giờ lại có người bị tử vong ở đây. Hay là con ma nữ ở Xoáy Vực lại bắt đầu nổi hứng thèm bắt người về làm quân hầu phục dịch… Nhưng dân làng Vực lâu nay vẫn bảo là con ma nữ chết trôi ấy đã dạo trước bị anh Thú nổ một quả mìn có sức công phá lớn làm tan biến hết linh khí đã về cõi niết bàn để đầu thai kiếp khác rồi cơ mà.
           Anh Thưởng xuống sát mép nước. Anh len vào đám người hiếu kỳ đứng vây quanh Xoáy Vực. Mấy anh dân quân cơ động đang dùng cây sào dài khều cái xác nổi lập lờ vào gần bờ. Người chết đuốí đã nổi lên chứng tỏ đã nằm dưới đáy Xoáy Vực từ tối hôm trước. Xác người chết nằm úp mặt xuống nước, hai cánh tay dang ra như đang bơi. Đó là một người đàn ông. Hắn ta mặc một bộ com lê sẫm màu loại đắt tiền. Khi cái xác được lật ngửa lên, anh Thưởng buột miệng kêu: “Thằng Hiến!”. Đúng rồi, đó chính là thằng Hiến, người cùng làng, bạn học với anh suốt thời phổ thông, một thành viên trong nhóm “ngũ quỷ” ngày nào. Anh Thưởng nhớ là hôm qua, lúc anh đạp xe lên xã nhận tiền trợ cấp về thì có một chiếc xe Toyota bóng lộn phóng tạt qua. Chiếc xe phóng nhanh nhưng anh vẫn nhận ra thằng Hiến đang ngồi trên xe. Lúc ấy anh Thưởng đoán là nó về quê xem xét lại nhà cửa, bàn thờ tổ tiên vì vài hôm nữa là đến ngày hội làng đền Vực rồi. Ngày hội đền cả làng Vực nhà nào cũng làm mâm cỗ để cúng tổ tiên và vị nữ tướng của Hai Bà Trưng. Vậy mà sáng nay hắn lại chết ở ngay Xoáy Vực dưới chân đền.
           Anh Thưởng lại càng ngạc nhiên và băn khoăn bởi vì thằng Hiến là người từ nhỏ vẫn rất giỏi môn bơi lội. Nó từng đoạt giải nhất cuộc thi bơi tại đại hội thể dục thể thao học sinh phổ thông trung học toàn tỉnh. Hồi ấy, nó vẫn dạy bơi cho bọn bạn trai trong lớp. Mỗi khi xuống nước nó như một con rái cá. Mùa lũ, Xoáy Vực như một cái chảo khổng lồ sôi sùng sục mà nó vẫn dám phóng xuống tắm. Thế mà bây giờ nó lại chết đuối khi mùa nước cạn, xoáy Vực lặng sóng, trong xanh như một cái bể bơi trong nhà.
           Cái chết của thằng Hiến khiến dân làng Vực đồn đại lắm chuyện. Có người nói chiều tối hôm qua đã nhìn thấy hắn từ đền Vực ra quán chợ ngồi uống rượu say rồi ra ghềnh đá ngồi bị đá cảm trượt chân ngã xuống Xoáy Vực. Có người bảo hắn chết do đâm đầu xuống sông tự tử. Nhiều người thì lại thì thào rỉ tai nhau rằng hắn bị thánh vật rồi ném xuống nước. Thực thực, hư hư, chẳng biết đúng sai thế nào.
           Anh Thưởng thì nghĩ khác. Anh nghĩ có lẽ không phải là thằng Hiến chết vì dòng nước mà chết bởi dòng đời. Cuộc đời này hình như vẫn còn tuân theo luật nhân quả.
           Xã Đồng Nhân thời ấy có một ông bưu tá. Ông này bị ban lãnh đạo xã quản lý rất chặt chẽ. Thư từ, công văn gì gửi cho dân trong xã đều phải ghi đầy đủ vào sổ sách và báo lại cho ông chủ tịch biết. Theo chỉ đạo của ông chủ tịch và lãnh đạo xã, các loại giấy báo gọi đi học hành tại các trường đại học, trung cấp đều phải có lệnh của xã mới được chuyển. Thường là để sau khi hoàn thành các đợt tuyển quân mới chuyển những giấy gọi đi học của đám học sinh vừa thi đại học, cao đẳng xong. Thành thử khi đám học sinh phổ thông đã yên ổn vào biên chế ở đơn vị quân đội rồi thì giấy báo vào đại học, cao đẳng mới được gửi đến nhà. Thằng Hiến thì lại khác. Khi còn đang học năm cuối cấp ba, một hôm nó nói với mấy người bạn cùng làng: “Tao chả cần phải học hành thi cử khốn khổ như bọn chúng mày làm gì. Học hết lớp 10 (hồi ấy lớp 10 là cuối cấp ba) là tao sẽ đi học ở Liên Xô”. Nghe hắn nói cả bọn không tin. Nhưng sự thật lại đúng như vậy. Thì ra chỉ có bọn học sinh bố mẹ là nông dân đặc sệt thì chẳng bao giờ biết trước được tương lai ra sao ngoài việc chắc chắn sẽ được gọi nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu.
            Nhưng rồi mọi việc biến thiên. Trời đất xoay vần, chả ai lường trước được. Hắn đang lên như diều, chức giám đốc sở công nghiệp đã trong tầm tay. Vậy mà sự nghiệp đang lên như diều ấy bỗng bị đứt phựt một cái. Bắt đầu có lẽ từ việc ông chú ruột hắn được điều về trung ương giữ chức thứ trưởng. Ông ta cũng lên quá nhanh. Mới đảm nhiệm chức chủ tịch tỉnh chưa lâu đã được lên trung ương nhậm chức mới. Ông chú lên cao quá hóa ra lại bất lợi cho thằng Hiến. Ở tỉnh hắn không còn người che chở, chỉ bảo thường xuyên nữa. Cái bóng của ông chú không còn bao chùm ở tỉnh nên hắn và nhiều kẻ đã bị lộ sáng. Những việc làm khuất tất trước đây của hắn người ta ngại hoặc không dám sờ đến vì còn nể sợ ông chủ tịch tỉnh nay thì khác. Mấy vụ đất đai dự án bắt đầu lộ diện dần dần, việc lợi dụng để chiếm đất, thu lợi từ việc giải toả, đền bù đã rõ hắn là kẻ chủ mưu. Hắn nhao lên Hà Nội tìm ông chú. Nhưng ở vị trí mới ông chú cũng chưa củng cố được chỗ đứng vững vàng, chưa có tay chân thân tín và thiết kế được đường dây quyền lực. Ông đành bảo hắn:
           - Mày lo liệu mà che đậy sao cho kín! Nhớ là chớ để ảnh hưởng tới tao đấy.
           Nghe ông chú dặn như vậy thằng Hiến đã hiểu rõ tình thế của mình. Hắn cũng biết hoàn cảnh lúc này đúng là “nước xa không cứu được lửa gần”. Trong tình huống này ông chú cấp cao ô lớn của hắn cũng đành bó tay. Người ta mới đang ở giai đoạn điều tra các vụ việc, chưa có luận cuối cùng, nhưng thằng Hiến đã hiểu: Thế là hết.
           Và gần đến ngày hội đền làng Vực thằng Hiến trở về quê.
           Chập tối hôm trước người làng còn trông thấy hắn đi bộ ra chợ. Họ thấy hắn vào quán mua một thẻ hương rồi đi về phía đền Vực. Hắn đã vào xin thắp nén hương tạ lỗi với thần phật, tổ tiên tại đền. Cụ thủ từ coi giữ đền Vực lầm rầm khấn giúp cho hắn. Nhưng cầu xin mấy lần mà vẫn không gieo được quẻ. Hai đồng xu không chịu sấp ngửa theo mong muốn. Cụ thủ từ đành an ủi hắn: “Thôi thì nhất sự tại dương, vạn sự tại âm. Xin thí chủ cứ tĩnh tâm…”.
            Sáng hôm sau, khi nghe có tiếng người kêu cứu dưới bến sông, cụ thủ từ đền Vực vội nhỏm dậy. Cụ lật đật vào điện thờ châm ba nén hương chắp tay khấn khứa rồi cắm vào bát nhang. Ba đốm lửa bỗng cháy rực lên rồi phụt tắt tựa như có ai vừa hắt một gáo nước lạnh vào những nén hương đang ngun ngún cháy...
         (còn nữa)                                              Hà Nội, tháng 4/2013

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 21)

 

                    
          NGŨ QUỶ
          Truyện dài của Trọng Bảo
         
          Bất ngờ lão Vận gặp anh Thưởng ở bến sông. Lão đang định đem đống túi ni-lông nhặt được xuống sông để giặt giũ cho sạch đất cát. Gặp anh Thưởng lão Vận sực nhớ tới chuyện thằng Phương và cô gái bán rau. Lão liền bảo anh Thưởng:
          - Về nhà tao để cùng bàn bạc một chuyện hệ trọng nhé!
          - Có chuyện gì thế ông?
           Anh Thưởng có vẻ tò mò, quan tâm. Lão Vận ậm ờ:
          - Chuyện này quan trọng lắm!
          Anh Thưởng theo lão Vận về nhà. Hai người vào đến cổng con chó Cún đang nằm trên hè đã nhỏm dậy. Nó hộc lên một tiếng nhưng lại im ngay và ngoe ngẩy cái đuôi. Con chó đã nhận ra ông chủ và một người quen đang đi vào nhà. Anh Thưởng hỏi thăm sức khỏe lão. Mấy hôm trước lão ốm nhưng anh không sang thăm được vì còn bận về Hà Nội tìm đến chỗ con gái có việc gấp. Lão Vận ậm ừ trả lời qua quýt. Chuyện ốm đau của lão chả quan trọng. Lão muốn bàn với anh một chuyện khác. Đó là chuyện mai mối vợ con cho thằng Phương. Nghe lão nói về người đàn bà bán rau ở chợ Niễu, anh Thưởng thấy ưng ngay. Nhưng anh lại đắn đo bảo lão Vận:
          - Thằng này tính tình rất gàn dở. Trái ý là nó không nghe. Chuyện này ông đừng nói ra vội, để mai cháu sẽ bàn thêm với cô Liên xem sao!
          - Phải đấy! Nó chỉ nghe lời mỗi con Liên thôi. Hai đứa chúng mày bàn bạc, cố vun vén cho nó thành gia thất thì tốt…
          Anh Thưởng gật đầu:
          - Ông cứ yên tâm!
          Nhưng rồi câu chuyện lại bỏ lửng ở đấy. Chồng cô Liên bị tai nạn xe máy rất nặng nằm mê man bất tỉnh tại bệnh viện quân y trên thị xã. Cô Liên phải tức tốc gửi nhà cửa cho người anh họ trông coi để lên bệnh viện chăm sóc chồng. Anh Thưởng thì chả biết gì chuyện mối mai. Anh sợ chuyện không khéo léo tế nhị sẽ xôi hỏng bỏng không. Cuộc sống ở một vùng quê cũng có những thay đổi khác trước. Nông dân chán cảnh làm ruộng thu nhập thấp, lại phải nộp đủ loại khoản thu cho xã nên có người bỏ ruộng hoang lên biên giới làm cửu vạn, thành phố làm thuê, kiếm sống thu nhập khá hơn suốt ngày cầm cày theo đít con trâu. Anh Phương cũng theo bọn thanh niên ra Hà Nội kiếm việc làm. Hóa ra làm thuê, nhặt rác ở thành phố khá hơn hẳn việc cày cấy ở quê. Chuyện làm thuê, kiếm sống đối với anh Phương đã thành bản năng quen thuộc từ thời phiêu bạt sau chiến tranh. Anh đã quen với cảnh ngày ngày đào đất, khuân gạch, dọn nhà, tối tối ra vỉa hè, góc phố ngả lưng rồi. Anh bám trụ ở Hà Nội, thỉnh thoảng mới mò về nhà. Căn nhà đóng cửa lâu ngày không có người ở sân vườn rêu phủ, cỏ mọc rậm. Cũng vì thế nên câu chuyện lão Vận và anh Thưởng bàn nhau hồi năm ngoái cũng dần dần bị quên lãng. Nhưng rồi kiếp số con người có tiền định, nhân duyên nhiều khi là tại ông trời.

           Một ngày cuối năm, anh Phương trở về quê để chuẩn bị làm giỗ cho mẹ. Lúc xuống xe ở thị trấn, anh tạt qua chợ Niễu mua ít thức ăn và hoa quả. Đang ngơ ngơ ngó quanh xem có thấy lão Vận hay thằng Đầu bò không thì có tiếng trẻ con gọi:
          - Bác… bác bộ đội thương binh ơi!
          Anh Phương không để ý vì anh không còn là bộ đội và cũng chẳng phải là thương binh. Anh đang định đi sang phía sạp hàng tạp hóa thì có ai đó giật giật tay áo. Anh Phương quay lại ngẩn người ra:
          - Cháu… cháu… là…
          - Cháu tên là Thương, con mẹ Thường. Hồi trước bác vào nhà cháu và cho cháu kẹo ấy!
          - À… bác nhớ ra rồi. Thế cháu đi chợ một mình à?
          - Cháu đi với mẹ…
          Lúc này anh Phương mới nhận ra người đàn bà đang đứng cạnh gánh rau gần ngay đấy. Chị Thường gật đầu chào anh. Anh Phương hỏi một câu hơi thừa:
          - Hai mẹ con đi chợ à?
          - Hôm nay ngày phiên chợ lại đúng vào chủ nhật, lớp mẫu giáo nghỉ học nên em phải cho con bé cùng theo đi bán gánh rau! - Chị Thường giải thích rồi hỏi thêm: - Bác đi đâu mà lâu rồi em không gặp...
          - Tôi đi Hà Nội làm thuê, cũng đã mấy tháng rồi hôm nay mới về làng để chuẩn bị làm giỗ cho mẹ…
          - Thảo nào mấy lần đi bán rau em không thấy bác làm… ở chợ!
          Anh Phương lấy từ trong cái túi đang khoác trên vai ra một cái bánh mỳ dài dài đưa cho bé Thương bảo:
          - Cháu ăn đi khỏi đói! Bánh mỳ Hà Nội đấy!
          Con bé lễ phép xin bác. Nó rất thích cái bánh mỳ dài thườn thượt mà có lẽ là lần đầu nó được nhìn thấy. Ở chợ quê chỉ có bán loại bánh mỳ dài độ gang tay xốp tơi bóp lại chỉ được một tý tẹo. Anh Phương chào hai mẹ con rồi tự dưng buột miệng mời:
          - Trưa mai, mời hai mẹ con sang nhà tôi ăn giỗ nhé!
          Chị Thường nhìn theo cái dáng người đi xiêu xiêu của anh Phương đi ra phía cổng chợ. Cái Thương vừa bẻ mẩu bánh mỳ nhai ỏn ẻn vừa bảo mẹ:
          - Bác ấy trông rất khác trước mà con vẫn nhận ra đấy mẹ ạ!
          - Ừ… - Chị Thường bảo con: - Trưa rồi mẹ con mình về thôi!
          - Còn mấy bó rau mẹ không bán nữa ạ!
          - Thôi mang về con ạ!
          Chị Thường mua mấy bìa đậu rồi cùng con gái đi ra phía cổng chợ. Hai mẹ con trở về nhà trên con đường đầy gió giữa cánh đồng.
           Trưa hôm sau, chị Thường dẫn bé Thương sang nhà anh Phương. Chị mua một thẻ nhang và mấy quả cam để thắp hương cho bà mẹ anh Phương. Đám giỗ bà mẹ anh Phương chỉ có mấy người khách. Đó là lão Vận, anh Thưởng, vợ chồng cô Liên và vợ chồng người em gái anh Phương từ miền ngược về. Nhìn thấy hai mẹ con chị Thường bước vào cổng lão Vận và anh Thưởng đều ngạc nhiên. Hai người nhìn nhau không hiểu tại sao. Cô Liên đang ngồi rửa rau vội nhỏm dậy ra đón hai mẹ con chị Thường. Cô Liên nghĩ ngay là lão Vận và anh Thưởng trong thời gian cô đi vắng đã làm được cái chuyện mai mối mà ba người đã bàn. Anh Phương thì hoàn toàn vô tư chả nghĩ gì khác mà chỉ nghĩ rằng là hai mẹ con cô Thường từ xóm Mới đến “ăn giỗ” như hôm qua anh đã mời họ khi gặp ở chợ. Hai mẹ con chị Thường cũng rất tự nhiên vì không biết có chuyện tính toán từ rất lâu của lão Vận, anh Thưởng và cô Liên. Chị sà ngay vào bếp giúp mọi người làm cỗ. Riêng cô em gái của anh Phương thì đoán già đoán non. Thành thử trong bữa giỗ hôm ấy nhiều câu chuyện cứ loanh quanh, thăm dò ý tứ, ướm thử lẫn nhau không rõ ràng. Trong việc này có lẽ chỉ có bà mẹ của anh Phương là hiểu rõ mọi chuyện nhất. Nhưng bà đã ở một thế giới khác rồi, không thể giao tiếp được với mọi người nữa. Có chăng chỉ là một chút biểu hiện tâm linh mơ hồ cố gắng như để mọi người biết là bà vẫn đang quẩn quanh trong nhà, đang theo dõi câu chuyện của mọi người. Đó là giữa lúc mọi người đang lầm rầm khấn vái thì tự dưng chân nhang bị hóa. Ngọn lửa cháy rừng rực trên bát nhang nhảy múa giữa bàn thờ.
           Lão Vận thấy thế bảo mọi người:
           - Bà ấy đang vui mừng đấy!
           Không biết người chết rồi như bà Thuân còn có thể vui mừng được nữa hay không. Nhưng anh Thưởng thì thực sự thấy vui. Anh mong cho cuộc đời của người bạn sau nhưng khúc quanh co, trắc trở, sau những lần cái chết cận kề, những nỗi gian chuân, bất hạnh sẽ có một tương lai, một hạnh phúc tuy muộn mằn nhưng sáng sủa hơn…
             
         (còn nữa                                             Hà Nội, tháng 4-2013

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 20)

 

         
         
       NGŨ QUỶ
          Truyện dài của Trọng Bảo    

          Về đến gần chợ Niễu thì anh Phương gặp lão Vận. Lão đang ôm mấy tấm bìa hộp các-tông từ trong chợ đi ra. Trông lão hồi này có vẻ gầy yếu hơn trước. Tuy thế đôi mắt của lão vẫn còn có vẻ tinh nhanh. Lão nhận ngay ra anh Phương đang chúi đầu đi phía bên kia đường. Lão liền dùng lại hỏi:
          - Mày đi đâu về đấy. Đã khỏi hẳn chưa?
          - Con có ốm đau bệnh tật gì đâu mà khỏi! Cái vết thương trên đầu nó giở chứng nên con mới bị như thế. Nó im thì con lại bình thường thôi ông ạ!
          Lão Vận ái ngại nhìn anh Phương:
          - Hôm trước tao ra chợ muộn, nghe chuyện mày lên cơn tâm thần hò hét, bò lê lăn lộn ở chợ tao lo quá!
          Anh Phương nói để lão yên tâm:
          - Con sẽ không bao giờ bị thế nữa đâu ông ạ!
          - Ừ… - Lão Vận gật gật đầu. Nét mặt nhăn nhúm của lão hơi rãn ra. Lão hỏi lại:
          - Thế mày vừa đi đâu về thế! Lúc nãy thằng Đầu bò gặp tao nó cứ hỏi mày mãi. Nó đang tìm tìm mày đấy. Hình như là có ai thuê mướn việc gì đó, nó gọi mày cùng làm.
          - Thế ạ! Để con đi tìm nó xem sao! - Anh Phương định đi thì chợt nhớ ra liền nói thêm: - Ông ạ! Con vừa vào xóm Mới, tìm đến nhà cái chị bán rau hôm nọ xin lỗi vì việc chém nát gánh rau.
          - Ừ, phải thế con ạ! - Lão Vận gật đầu: - Con bé bán rau ấy thì tao biết! Thỉnh thoảng nó vẫn cho tao mớ rau ngót về nấu canh. Hoàn cảnh gia đình nó khổ lắm đấy…
          - Vâng…
          Anh Phương đáp và chào lão rồi tất tả đi luôn. Lão Vận dặn với theo:
          - Tối nay vào nhà tao ăn cơm nhá. Đừng có ăn mỳ tôm mãi mà xót ruột lắm con ạ.   
          Không biết anh Phương có nghe được tiếng lão Vận dặn không. Anh lùi lũi đi vào khu phố mới phía sau chợ nơi có nhiều ngôi nhà rãn dân đang xây dựng. Lão Vận bước vào chợ. Lão chợt nghĩ ra một chuyện. Lão thần người ra: “Phải rồi! Thằng Phương với con bé bán rau ấy mà thành vợ, thành chồng có khi lại tốt đấy!” - Lão Vận tính toán, việc này phải bàn thêm với thằng Thưởng và cái Liên mới được. Lão cảm thấy vui vui với suy nghĩ của mình. Lão Vận thương thằng Phương như là con đẻ của mình. Lão sống cô đơn không có con. Thực ra, lão Vận cũng có một gia đình, có vợ và một thằng con trai khôi ngô. Nhưng đó là chuyện đã lâu lắm rồi. Nhìn thằng Phương và nhớ đến người bạn vong niên thuở xa xưa cùng khổ lão lại thấy bùi ngùi. Vậy là năm tháng trôi nhanh, những kiếp người mong manh theo thời gian cứ hao mòn, lụi tàn dần và biến mất. Rồi theo dòng thời gian nghiệt ngã ấy, một lớp người khác lại sinh ra. Những thế hệ khác nhau thật khó dung hòa, đồng cảm. Lão bây giờ lão không còn ai là bạn ngoài con chó Cún trung thành. Lão Vận tập tễnh ngoài chợ làm thuê, quét dọn chợ cả ngày, tối về thui thủi một mình trong túp lều nhỏ. Chả ai buồn chuyện trò với lão ngoài ba đứa ở nhóm ngũ quỷ và thằng Đầu bò. Bọn chúng thỉnh thoảng còn ngồi uống với lão một chén rượu suông, hỏi han vài câu rồi lại lăn xả vào cuộc mưu sinh xô bồ, náo nhiệt của cái thời mà chúng vẫn bảo là “thời kinh tế thị trường”, đồng tiền là thống soái. Tiền thì lão chưa thấy ở đâu, chỉ thấy xã hội ngày càng nhiễu nhương bất ổn, tình làng xóm mỗi ngày mỗi phai nhạt hơn đi.
         Thực ra thì lão Vận cũng đã được thấy và được cầm một số tiền rất lớn đến năm mươi triệu đồng. Số tiền ấy cả đời lão có mơ cũng chả dám mơ đến. Trong túi lão lúc nào rủng rỉnh lắm là khi bán các loại "chiến lợi phẩm" có được hai trăm ngàn đồng đã ghê gớm lắm rồi. Ấy vậy mà hôm đó lão đã cầm trong tay những năm mươi triệu đồng.

          Hôm ấy, khi đã sắp tối, chiếc xe vận tải chở hàng tạp phẩm từ thị xã mới về đến cổng chợ Niễu. Bà chủ hàng to béo bước xuống xe chỉ bảo hai thằng thanh niên dỡ hàng xuất bán cho những người bán lẻ ở chợ và quanh vùng đến nhận. Bà ta ngồi chễm chệ trên một cái ghế nhựa đến tiền. Bà ta đếm thành từng kẹp một triệu đồng cho dễ kiểm. Đôi bàn tay mập mạp đeo đầy nhẫn vàng của bà ta cầm một tập tiền lớn. Lão Vận cầm cái bao tải đứng ở gần cái xe chở hàng. Lão chờ khi họ xuất hàng xong đi rồi thì nhặt nhạnh những mảnh giấy gói, hộp các-tông, bao ni lông họ bỏ lại. Lần nào cũng vậy, trước khi leo lên xe bà chủ hàng cũng vẫy lão Vận đến và bảo:
          - Cho lão mấy cái hộp giấy! Lão nhớ dọn sạch chỗ xe vừa đổ hàng kẻo ban quản lý chợ họ nhắc nhở nhé!
           Lão Vận gật gật đầu.
           Hôm nay cũng thế, vừa trông thấy lão Vận, bà ta có vẻ hào phóng:
           - Trong cái hộp kia còn mấy con cá khô vụn, cho lão cả đấy!
            Nói xong, bà ta chui tọt vào ca-bin. Hai thằng bốc vác nhảy lên thùng xe. Chiếc xe ô tô rú máy phóng đi. Lão Vận bắt đầu thu dọn chỗ chiếc xe tải vừa đổ hàng. Trời đã nhá nhem tối. Lão gấp vội mấy tấm bìa để bó lại bê về nhà. Con Cún đến giờ này hẳn là đã đói lắm rồi. Chắc nó đang mong lão về. Lão Vận chợt giật nảy mình khi bàn tay chạm vào một cái gói vuông vuông. Lão cầm giơ lên xem. Lão nhận ra đó chính là gói tiền mà bà chủ xe hàng lúc nãy đã cầm. Tim lão Vận đập thình thịch. Chưa bao giờ lão có số tiền lớn thế này trong tay. "Với số tiền này thì chắc chắn mình sẽ đổi đời"- Lão Vận nghĩ. Lão nhét ngay gói tiền vào bụng, nhớn nhác ngó nhìn xung quanh. Bên kia đường thằng Phương và thằng Đầu bò đang ngồi cạnh gốc cây giở cái bao tải ra. Hai thằng đang chuẩn bị ăn bữa tối. Buổi tối, sau một ngày làm thuê hai thằng bao giờ cũng cùng nhau ngồi chén bánh mỳ hoặc thứ gì ăn được và chia tiền công ở gốc cây bàng già trước khi về nhà.
          Lão Vận bỏ lại đống bìa các-tông rồi thu lu ôm gói tiền trước bụng thập thõm bước đi luôn. Thằng Đầu bò nhác trông thấy lão vội gọi:
          - Lão lại đây ăn một cái bánh mỳ cho đỡ đói!
          Như không nghe thấy thằng Đầu bò gọi, lão Vận cứ chúi đầu bước đi. Anh Phương cũng gọi theo:
          - Ông ơi...
          Lão Vận vẫn không dừng lại. Thằng Đầu bò bảo:
          - Mặc xác lão. Từ hôm lão bị cảm ngã gục ở chợ đến nay tôi thấy lão có vẻ ngơ ngơ, ngác ngác, tai nghễnh ngãng thế nào ấy. 
          Anh Phương ái ngại nhìn theo lão Vận. Lão Vận đi một hồi lâu thì quay lại. Lão lại ngồi xuống tiếp tục thu gom đống phế liệu ở cổng chợ. Xong xuôi, lão khoác cái bao tải lên vai đi về phía bến sông. Lão vừa đi được một đoạn thì có tiếng xe máy gầm rú từ đầu thị trấn phóng về phía chợ. Hai chiếc xe máy phanh "kít" ngay trước mặt lão Vận. Hai thằng thanh niên và người đàn bà buôn chuyến chủ xe hàng tạp phẩm lúc chiều nhảy xuống. Một thằng kêu lên:
          - Đúng là lão già này rồi bà ạ!
          Người đàn bà liền lôi cái bao tải trên vai lão Vận ném xuống đất nghiến răng hỏi:
          - Ông có nhặt được gói tiền của tôi không?
          - Tôi... tôi...
          Lão Vận ấp úng. Một thằng thanh niên liền xông đến bóp cổ lão Vận. Thằng kia đổ tung cái bao tải phế liệu của lão Vận ra mặt đường. Người đàn bà sà xuống bới tìm. Không có gì ngoài giấy vụn, bao ni-lông cũ và mấy cái đầu cá khô. Người đàn bà bật dậy vung bàn tay vả mạnh vào mặt lão Vận và rít lên:
          - Tiền của tôi đâu?
          - Tôi... tôi... đã...
          Thằng thanh niên đang bóp cổ lão liền xiết chặt hai bàn tay hơn. Lão Vận ngạt thở giãy giụa ằng ặc. Máu mồm, máu mũi lão trào ra. Lão ú ớ kêu cứu nhưng không thành lời vì đang bị bóp cổ. Giữa lúc ấy thì có tiếng quát thật to:
          - Chúng mày là bọn nào mà dám hành hung người giữa đường thế này hả!
          Anh Phương và thằng Đầu bò từ đâu đột ngột xông đến. Thằng Đầu bò lao vào túm cổ thằng đang bóp cổ lão Vận đạp nó ngã lăn xuống vệ đường. Thằng còn lại rút phắt con dao ra vung lên. Nhưng anh Phương còn nhanh hơn nó rất nhiều. Chỉ bằng một động tác đảo người anh đã đoạt được con dao trong tay hắn. Người đàn bà lùi lại nhưng vẫn không ngừng kêu lên ầm ĩ về chuyện bị mất tiền. Nghe tiếng ồn ào, người dân các nhà hai bên đường đang khép cửa ăn cơm tối, hoặc ngồi xem thời sự trên ti-vi liền mở cửa chạy túa ra. Có người tay còn bưng bát cơm đang ăn dở. Họ xúm quanh người đàn bà đang kêu khóc mất tiền hỏi han. Nhiều người nhận ra người quen vì họ vẫn thường lấy hàng bán sỉ của bà ta để đem về bán lẻ. Nghe rõ mọi chuyện, mọi người bàn tán ồn ào:
          - Lão này tưởng lành hiền thế mà ghê thật... năm mươi triệu đồng chứ ít ỏi gì đâu!
          - Thì... trông thấy tiền ai chả tham... đúng là chỉ có lão chứ còn ai vào đây nữa!
          - Nếu lão không trả lại thì cứ gô cổ lại...
          - Tham thì thâm...
          Giữa lúc mọi người đang ồn ào thì anh trưởng công an xã và đội dân phòng ập đến yêu cầu tất cả về trụ sở uỷ ban giải quyết. Mọi người hiếu kỳ rồng rắn theo vào trụ sở uỷ ban xã. Anh Phương và thằng Đầu bò luôn đi sát có ý bảo vệ lão Vận trước đám người đang phẫn khích vì bắt được kẻ gian.
          Vào đến trụ sở, anh trưởng công an xã yêu cầu bà chủ hàng, hai thằng thanh niên và lão Vận ngồi vào cái băng ghế trước mặt để làm việc. Con dao của thằng thanh niên mà anh Phương tước được đặt lên bàn để làm vật chứng. Anh trưởng công an cũng cho mọi người vào cả trong phòng làm việc mà không yêu cầu họ ra ngoài. Anh chỉ yêu cầu mọi người im lặng. Đoạn anh lấy từ trong cặp ra một tờ giấy để lập biên bản về vụ gây mất trật tự an ninh, đánh người của bà chủ hàng và hai thằng thanh niên. Anh yêu cầu họ và lão Vận cùng ký vào biên bản. Anh Phương và thằng Đầu bò cũng được mời ký vào biên bản với tư cách là người làm chứng.
          Xong xuôi, anh trưởng công an xã yêu cầu bà chủ hàng buôn chuyến và hai thanh niên cùng đi đứng dậy rồi nghiêm khắc nói:
          - Tôi thay mặt chính quyền xã Đồng Nhân cảnh cáo bà và hai anh về tội vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng và đánh người vô căn cứ. Cùng với việc bị cảnh cáo ba người còn phải nộp phạt vi phạm hành chính theo quy định...
          Bà chủ hàng nhảy dựng lên:
          - Nhưng là tại lão ta nhặt được tiền của tôi không chịu trả!
          Anh trưởng công an xã cho ba người ngồi xuống rồi nghiêm nét mặt:
          - Dù có đúng là như thế thì cũng không được phép đánh người!
          Nghe anh trưởng công an xã nói như vậy trong đám người đang đứng trong phòng ở phía sau có nhiều tiếng ồn ào. Người thì ủng hộ, có người thì tỏ vẻ phản đối. Anh trưởng công an đặt tờ biên bản xuống bàn rồi quay lại cái tủ phía sau lưng mở khoá. Anh lấy ra một cái gói để lên bàn rồi nói:
          - Lão Vận nhặt được gói tiền này đã đem đến nộp ngay cho công an xã. Chúng tôi đã kiểm đếm cẩn thận và lập biên bản. Tổng số là năm mươi triệu tám trăm bốn hai ngàn đồng chẵn. Trong gói còn có cả chứng minh thư nhân dân và sổ ghi chép của bà nữa. Bà đếm lại đi xem có đủ không rồi ký nhận lại tiền rồi công khai xin lỗi lão Vận trước mặt tất cả mọi người...
          Mọi người bấy giờ mới "ồ" cả lên.
          Người đàn bà nhận gói tiền đếm lại rồi ký vào biên bản. Đoạn bà ta đứng dậy hướng về phía lão Vận chắp tay ấp úng nói lời xin lỗi. Mọi người vẫn không ngớt xôn xao bàn tán. Có nhiều người lên tiếng chê bai, lên án bà chủ hàng. Người đàn bà lúng túng kéo hai thằng thanh niên đứng dậy định đi thì anh trưởng công an xã giơ tay ra hiệu cho bà ta ngồi xuống rồi nói tiếp:
          - Bà và hai anh chưa đi được đâu! Các người phải ở đây để chờ chúng tôi đưa lão Vận sang trạm y tế khám đã. Nếu ông ấy bị chấn thương, bị đau do các người đánh, nhẹ thì phải bồi thường chi phí thuốc thang chữa trị, nặng thì còn phải lập hồ sơ xử lý hình sự nữa!
          Người đàn bà và hai thằng thanh niên đi cùng sợ tái mặt. Mấy anh công an viên, dân phòng lập tức áp sát đứng ngay phía sau ba người như thể đề phòng họ chạy trốn. Lão Vận liền nhổm dậy xua xua tay:
          - Tôi... tôi... không... không việc gì đâu... cho họ về đi... - Lão nói vẻ khó khăn, giọng khản đặc. Mấy ngày rồi lão bị ốm mệt, nói không ra hơi và họng còn đau do lúc nãy bị bóp cổ và bị đánh.
          Thằng Đầu bò trợn mắt sừng sộ:
          - Không được! Phải bồi thường sức khỏe cho lão Vận!
          Người đàn bà luống cuống mở cái gói lấy ra hai cặp tiền chìa về phía lão Vận. Anh Phương lập tức gạt tay bà ta lại:
          - Cất ngay những đồng tiền của bà đi!
          Nói đoạn, anh dìu lão Vận đứng dậy đi ra ngoài. Mọi người cũng đi theo. Đám đông ồn ào. Những người lúc nãy tin và bênh vực lão Vận thì đi cùng với lão về phía bến sông. Những người khi nãy hò hét cho rằng lão Vận là người tham lam, là tên ăn cắp thì cúi mặt rạt ra hai bên đường.
          Một cơn gió bất ngờ thổi thốc từ dưới cánh đồng hất lên lạnh rát mặt người.
          
          (còn nữa)                                           Hà Nội, tháng 4-2013
  

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Truyện dài NGŨ QUỶ (phần 19)

 

                  
  
           NGŨ QUỶ
           Truyện dài của Trọng Bảo

           Anh Phương tỉnh lại ngơ ngác nhìn xung quanh.
           Anh nhận ra hai người bạn thân của mình là anh Thưởng và cô Liên. Buổi sáng sau khi đưa anh đến trạm y tế xã. Ông bác sĩ già vốn là một quân nhân về hưu làm thêm ở trạm quyết định tiêm cho anh một liều thuốc an thần. Ông có vẻ rất âm hiểu về những chứng bệnh do vết thương của người lính trong chiến tranh. Anh Phương chìm trong giấc ngủ. Bây giờ tỉnh lại, anh thấy mình tỉnh táo, đầu óc quang quẻ, không còn một chút âu lo, suy nghĩ vướng vứu gì nữa.
           Chống tay ngồi dậy anh hỏi hai người bạn:
           - Tại sao tôi lại ở đây?
           - Thế mày không nhớ tý gì à? - Anh Thưởng hỏi lại.
           - Không nhớ lắm… tôi chỉ nhớ mang máng là hôm qua lúc đang đi ra thị trấn làm thuê thì thấy đầu óc choáng váng… sau chả biết gì nữa. Hình như là ngủ mê… trong mơ tao gặp toàn những người đồng đội cùng chiến đấu, sống chết cùng nhau ở mặt trận năm xưa. Mà rất lạ là có nhiều thằng chết lâu rồi tôi vẫn gặp. Có thằng vết thương thủng bụng, lòi cả ruột gan ra ngoài mà vẫn nhìn tôi cười nhăn nhở, gọi tôi đi trinh sát đồn địch, đi lấy gạo. Lạ hơn nữa là tôi còn gặp cả thằng Hiệp. Nó dặn tôi là đánh xong trận này về quê kéo nhau ra xoáy Vực tắm cho mát...
          - Mày vừa bị lên cơn chấn động tâm thần, vết thương trên đầu tái phát đấy…
          Anh Thưởng nói. Cô Liên khẽ giật giật tay áo anh Thưởng ý muốn bảo: “Đừng nói thêm nữa kẻo anh ấy suy nghĩ”. Anh Thưởng hiểu ý ngừng lời. Nhưng anh Phương hỏi ngay:
          - Lúc tôi lên cơn có đập phá, đánh ai không?
          - Không…
          Anh Phương không chịu:
          - Anh Thưởng với cô Liên nói thật đi! Tôi có đánh ai, có đập phá, làm hỏng cái gì không?
          - Thực ra thì…
          Liên ấp úng. Anh Phương nhăn mặt:
          - Cô cứ nói thật đi. Nếu đập phá làm hỏng cái gì thì phải đền, nếu đánh người thì phải đến xin lỗi rồi chạy chữa cho người ta…
          Liên đành kể hết mọi chuyện xảy ra lúc sáng ở chợ. Anh Phương nghe xong im lặng một lát rồi hạ giọng nói với hai người bạn:
          - Hồi trước, khi còn lang bạt kiếm ăn ở trong miền Nam, mỗi lần lên cơn chấn động tâm thần do vết thương cũ tái phát, tôi chỉ hát hò ầm ĩ, hoặc hô “một… hai… một… hai…” rồi đi đều, đi nghiêm chán thì gục xuống ngủ luôn. Lúc tỉnh lại lại đi làm thuê. Lần này không hiểu sao tôi lại như thế này. Có lẽ bệnh của tôi bây giờ đã nặng thêm lên mất rồi!
          Anh Thưởng an ủi:
          - Không phải vậy đâu. Có lẽ tại mày làm việc vất vả, ăn uống thất thường nên mới thế. Từ nay cứ an tâm tĩnh dưỡng sẽ dần hồi phục. Mà mày cũng đừng suy nghĩ nhiều nữa. Tao nghe nói trên họ đang xem xét để làm chế độ chính sách cho mày rồi đấy!
          Anh Phương lắc đầu bất cần:
          - Chuyện ấy bây giờ tôi không cần nữa. Giờ thì chỉ còn một mình cái thân tôi, tôi tự lo được cuộc sống của mình. Tôi đéo cần trợ cấp, trợ kiếc, chế độ, chế điếc gì nữa đâu. Những thằng lính chiến trong chiến tranh bom đạn ầm ầm còn chả sợ, chả tiếc thì hòa bình còn sợ, còn tiếc đếch gì nữa...

          Anh Thưởng nhăn mặt. Anh có vẻ hơi bực với cái tính ương bướng, ngang ngạnh của bạn. Anh đang định nói thêm thì Phương lại hỏi:
          - Cái chị phụ nữ có đứa con gái nhỏ bị tôi chém nát gánh rau muống ấy nhà ở đâu nhỉ?
          - Hình như chị ấy nhà trong khu xóm Mới. - Cô Liên đáp.
          - Chị ấy tên là gì?
          - Chị này quê ở dưới xuôi mới lên đây xin đất làm nhà nên em cũng không biết tên là gì. Mà anh hỏi chị ấy làm gì?
          - Thì băm nát cả gánh rau cũng phải có lời xin lỗi người ta một tiếng chứ!
          Anh Phương đáp rồi thừ người ra. Đôi mắt anh nhìn mông lung ra ngoài cánh đồng. Trời đã về chiều, gió bắc càng thổi mạnh. Gió từ ngoài cánh đồng thốc vào khu trạm y tế quét ràn rạt trên mái nhà lợp tôn. Ông bác sĩ quân y đến khám lại cho anh Phương. Ông cho anh Phương thêm vài viên thuốc an thần, căn dặn cách uống trước khi để hai người bạn đưa về nhà.
*
          Anh Phương đi bộ vào khu xóm Mới. Xóm Mới nằm ngay dưới núi Mồ cách xa thị trấn phố chợ. Ngày xưa đây là một khu rừng rậm rạp, có nhiều cây to. Đám học sinh cấp 3 và chi đoàn thanh niên làng Vực vẫn vào đây lấy củi bán gây quỹ.
          Anh Phương hỏi thăm và tìm được đến nhà người đàn bà bán rau muống ở chợ hôm trước. Ở cái xóm Mới có mươi nóc nhà này ai cũng biết chị Thường “rau muống”. Một thằng nhóc chăn trâu ở đầu xóm xăng sái dẫn anh Phương vào cổng một ngôi nhà nhỏ lợp lá cọ nép mình ở ven chân núi. Vừa vào đến ngõ nó đã gào to:
          - Thương ơi! Nhà mày có khách hỏi thăm này!
          Một con bé đang nhảy lò cò trên cái sân nhỏ trước nhà vội chạy ra. Vừa nhìn thấy anh Phương con bé liền lùi lại. Nó nhận ra đó chính là người đã hô "xung phong" và xông vào chợ chém nát gánh rau muống của mẹ con nó hôm trước. Thằng bé chăn trâu bảo:
          - Chú này hỏi thăm nhà mày đấy!
          - Nhưng mẹ em không ở nhà. Mẹ em đang đi hái rau muống ngoài ruộng…
          - Mày chạy ra gọi mẹ về ngay đi!
          - Thế anh Tài phải ở đây coi nhà cho em nhé!
          Thằng bé chăn trâu phì cười:
          - Nhà mày có cái gì đâu mà lo bị trộm?
          Con bé len lén nhìn anh Phương rồi lật đật chạy đi. Chỉ một lát sau hai mẹ con chị Thường đã về. Ruộng rau của chị ngay phía bên kia đồi. Chị Thường hơi sững lại khi nhìn thấy anh Phương dù con bé cũng đã nói trước cho chị biết. Anh Phương ấp úng:
          - Hôm nay tôi đến để xin lỗi cô và cháu! Hôm trước ở chợ tôi… tôi… phát bệnh đột ngột không biết gì nên đã làm cho cô và cháu sợ. Tôi cũng đã chém nát gánh rau của cô, tôi xin được đền… Tôi thật đáng trách quá…
          Chị Thường vội xua tay:
          - Anh đừng nghĩ ngợi chuyện ấy nữa. Gánh rau có đáng giá gì đâu. Với lại tuy gánh rau bị nát nhưng bà cụ bán bánh cuốn vẫn mua hết cho rồi.
          - Dù sao tôi cũng không nên làm thế!
          Chị Thường nhìn anh vẻ thông cảm. Chị định an ủi anh Phương là lúc phát cơn tâm thần thì có biết gì đâu mà… Nhưng sợ anh mếch lòng nên chị lại thôi. Nhà chị ở dưới quê cũng ở gần một trại thương binh nên chị biết về chuyện các anh thương binh bị chấn thương sọ não trong chiến tranh thường hay phát cơn tâm thần, hò hét, phá phách, đánh người. Chị từng chứng kiến chuyện một anh thương binh hay lên cơn tâm thần cầm thanh củi lao ra đường. Gặp ai anh cũng nghĩ là quân địch, cũng bắt phải giơ tay đầu hàng, nếu không sẽ bị đánh. Mọi người trong xóm gần trại điều dưỡng thương binh đều dặn nhau là khi thấy thương binh tâm thần thì lập tức giơ hai tay đầu hàng là an toàn. Anh thương binh tâm thần này lao ra bờ sông, gặp một thương binh cụt tay đang ngồi trên bờ câu cá liền chĩa thanh củi làm súng hô to: “Giơ tay lên! Hàng thì sống, chống cự thì chết!”. Người thương binh cụt một tay vội giơ cánh tay còn lại lên. Anh thương binh tâm thần quát: “A! Thằng này, mày ngoan cố không chịu giơ hai tay đầu hàng hả!”. Quát xong, anh liền đẩy người thương binh cụt tay lộn cổ xuống sông. Những người đuổi theo anh thương binh tâm thần vội nhảy xuống sông cứu người thương binh cụt tay. Nước sông chảy xiết, may mà mọi người cứu được. Anh thương binh tâm thần đó sau đó ít lâu trong một lần phát bệnh ôm một viên gạch làm bộc phá lao ra đường quốc lộ. Các nhân viên nữ ở trạm điều trị đuổi theo không kịp. Anh thương binh tâm thần đã ôm viên gạch lao vào đầu một chiếc ô tô đang chạy nhanh. Có lẽ lúc ấy anh vẫn nghĩ mình là một cảm tử quân sẵn sàng hy sinh ôm khối thuốc nổ xông lên đánh xe tăng quân địch.
          Nhớ lại chuyện anh thương binh tâm thần ở quê, thị Thường hơi ngài ngại. Một thoáng đắn đo chị mới dám mời anh Phương vào trong nhà. Anh Phương hình như cũng hiểu sự lo ngại của mẹ con chị chủ nhà. Anh bảo:
          - Hôm vừa rồi lần đầu tiên tôi mới bị thế. Trước đây tôi chưa bao giờ bị phát bệnh như thế cả!
          Chị Thường an ủi:
          - Anh chịu khó uống thuốc và tĩnh dưỡng chắc không còn như thế nữa đâu!
          - Vâng…
          Lúc này anh Phương mới chợt nhớ ra. Anh chìa cái gói nhỏ đang cầm ở tay về phía con bé:
          - Có gói kẹo cho cháu đây!
          Bé Thương nép vào mẹ không dám nhận. Chị Thường xoa đầu con bảo:
          - Con cám ơn bác đi!
          Con bé khoanh tay ngoan ngoãn cảm ơn anh Phương.
          Anh Phương ngồi nán lại một lúc hỏi thăm hoàn cảnh của hai mẹ con. Hóa ra, người đàn bà mà anh băm nát mất gánh rau cũng có số phận éo le, khốn khổ. Nhà nghèo, chồng đi làm thuê phụ hồ bị sập giàn giáo chết, chỉ có duy nhất một đứa con gái nên các anh em nhà chồng không chia cho cho hai mẹ con phần đất hương hỏa. May có ông cậu đã lên đây khai hoang, lập ấp từ sau hoà bình biết tin đã về quê đón hai mẹ con lên cho một khoảnh đất để làm nhà, trồng rau. Hôm trước khi anh Phương lên cơn tâm thần, hai mẹ con đi chợ rất sớm, khi mặt trời chưa lên. Bé Thương được mẹ cho đi chợ thì thích lắm. Lẽ ra hôm ấy nó phải đến lớp mẫu giáo. Nhưng cô giáo bị ốm nên nó phải nghỉ học. Không dám để con bé ở nhà một mình nên chị đành cho nó cùng ra chợ…
          Anh Phương thấy thương cảm cho hoàn cảnh của hai mẹ con. Anh đưa mắt nhìn con bé. Con bé thật xinh xắn, dễ thương. Nó vẫn nép sau lưng mẹ chăm chú nhìn anh. Mãi lúc anh Phương chào hai mẹ con ra về, bé Thương mới dám đến gần nắm tay anh thỏ thẻ:
          - Cháu chào bác ạ!
          Anh Phương xoa đầu con bé rồi đi ra cổng. Đi được một đoạn anh vẫn còn nghe tiếng con bé nheo nhéo gọi: "Anh Tài ơi vào nhà em ăn kẹo! Bác bộ đội thương binh vừa cho em đấy...".
          (còn nữa)                                                       Hà Nội, tháng 4-2013