Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Tản văn Một mét chiến hào Điện Biên

   

      Ảnh: Hoa ban miền Tây bắc
 
Một mét chiến hào Điện Biên
Tản văn của Trọng Bảo

          Mùa hè năm 1999, cũng vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đang nghỉ phép ở quê thì nhận được điện thoại của ông Đỗ Văn Tường, Bí thư huyện uỷ Lập Thạch-Vĩnh Phúc. Ông thông báo: "Ngày mai Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ về thắp hương tại đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn tại xã Sơn Đông, nhà báo cố gắng đến nhé!". Tôi hứa sẽ đến sớm. Bí thư huyện uỷ  Đỗ Văn Tường còn cho biết thêm đã mấy lần đại tướng về thăm đền thờ Trần Nguyên Hãn. Hai vị danh tướng có tài "kinh bang tế thế" ấy đều là những người có công khai quốc công thần, tuy âm dương cách biệt nhưng hình như có sự đồng cảm với nhau.

            Trần Nguyên Hãn là một vị tướng giỏi có công lao rất lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, trợ giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, lập ra nhà Hậu Lê. Song cũng chính vì công lao của ông lớn quá, tính tình của ông lại cương trực khiến cho lũ tham quan, nịnh thần ganh ghét. Chúng gièm pha, xúc xiểm khiến Lê Lợi dần dần không còn tin dùng Trần Nguyên Hãn nữa. Chán nản trước sự đời và hiểu được cái xu thế: "Tướng tài thời loạn, quan hoạn thời bình" nên Trần Nguyên Hãn đã dâng tấu xin được quy hưu. Ông trở về vùng quê nghèo Lập Thạch là nơi đã sinh thành để lập ấp, làm ruộng, vui cảnh điền viên. Thế nhưng đám quan tham kia vẫn không buông tha ông. Chúng tiếp tục xúi bẩy Vua Lê Thái tổ, vu cho ông tội tụ tập mưu phản. Lê Lợi u mê tin vào bọn ấy đã hạ chỉ, sai quan quân bắt trói Trần Nguyên Hãn rồi dìm chết tại bến Đông Hồ trên Sông Lô. Cũng có tài liệu khác thì lại viết là ông đã tự trầm mình xuống sông tự vẫn. Đó cũng chỉ là một sự bức tử mà thôi. Nhân dân đã lập đền thờ Trần Nguyên Hãn ngay trên bến sông, nơi ông bị dìm chết.

            Chuyến đi đón vị danh tướng của thời nay về viếng vị danh tướng của thời xưa đã giúp tôi có thêm tư liệu để viết xong truyện ngắn có tính dã sử "Bến sông xưa" mà tôi đã ấp ủ từ lâu.

          Tháng 5 năm 1963, khi trả lời phỏng vấn của "Tuần báo Cách mạng châu Phi", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định cùng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ, của nghệ thuật quân sự Việt Nam, của quyết tâm sắt đá của quân, dân ta là những nhân tố quyết định dẫn đến thắng lợi của Điện Biên Phủ, còn có một nguyên nhân nữa là ý chí được hun đúc từ hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước. Đó là ý chí giành độc lập tự do cho Tổ quốc, đem lại ruộng đất cho nông dân. Ông nhấn mạnh đó chính là động lực để những người lính không sợ đổ máu hi sinh cầm súng lao vào trong lửa đạn, là sự thôi thúc những đoàn dân công ngày đêm ăn đói, nhịn khát thồ gánh gạo từ hậu phưong lên mặt trận Tây Bắc xa xôi tiếp tế cho bộ đội. Ý nghĩa và bài học đó đến hôm nay vẫn luôn tươi mới. Chúng ta đang xây dựng đất nước với mong muốn phát triển Việt Nam sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới. Lớp người hôm nay chỉ quen nghe tiếng pháo hoa, chưa từng nghe tiếng pháo giặc, chỉ biết những dự án hàng trăm, hàng ngàn hec-ta xây dựng những sân gôn, khu công nghiệp. Song xin đừng quên là chỉ một mét chiến hào Điện Biên thôi mà hàng chục, thậm chí hàng trăm người đã ngã xuống, máu liệt sĩ thấm sâu vào lòng đất. Và cũng xin đừng bao giờ quên cái giá của độc lập, tự do và của từng tấc đất Việt Nam là rất đắt.
                                                                Hà Nội, tháng 5-2009