Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Truyện ngắn MA Ở CẦU AO (phần 2)

 

     


          MA Ở CẦU AO
          Truyện ngắn của Trọng Bảo
 
          Tôi gặp chị Sinh ở Sài Gòn cuối năm 1975. Sau những giây phút vui mừng tay bắt mặt mừng vì người cùng làng gặp nhau chị Sinh chợt hỏi tôi:
          - Lâu rồi Nguyên có nhận được thư nhà không?
          - Em mới nhận được thư của bố mẹ. Thế còn chị. Chị có hay nhận được thư của anh Diện không?
           Chị Sinh cười buồn:
          - Mình với anh Diện chia tay rồi. Anh ấy đã lấy vợ cùng học ở nước ngoài từ cuối năm ngoái.
          Tôi giật mình:
          - Sao lại thế! Hồi giữa năm ngoái anh ấy về nước gặp em còn nói là rất nhớ chị, dặn em đi bộ đội vào Nam gặp chị chuyển lời hỏi thăm cơ mà!
          Chị Sinh lắc đầu:
          - Giả dối hết... anh ấy về lần đó là để chuẩn bị cưới vợ đấy!
          - Thế mà sao em lại không biết nhỉ?
          Chị Sinh xua xua tay:
          - Thôi bỏ cái chuyện vớ vẩn ấy đi... lòng dạ con người ai biết thế nào. Với lại mình lính tráng đánh đấm suốt ngày, người ngợm khô cứng làm sao còn sánh được với người ta là phó tiến sĩ nữa chứ?
           Chị Sinh nói như có vẻ năn thân. Tôi ngắm nhìn chị Sinh thật kỹ. Chị vẫn đẹp lắm. Những năm tháng chiến tranh ở rừng vẫn không làm mất đi ở chị sự dịu dàng và những nét hấp dẫn của một người con gái đẹp. Tôi chợt nhớ đến cái đêm ở cầu ao sau nhà. Chị Sinh bây giờ đã là một cán bộ trung đội thông tin. Hóa ra chị và tôi đều ở cùng một quân đoàn. Đơn vị chúng tôi chuẩn bị "lật cánh" ra làm nhiệm vụ ở biên giới phía Bắc. Lúc chia tay chị Sinh chợt hỏi tôi:
           - Nguyên vẫn còn giữ gói tóc mình đưa hôm nhập ngũ chứ?
           Tôi ớ người:
           - Ơ... chị chả dặn em là khi nào anh Diện về nước thì đưa cho anh anh à! Em đã đưa cho anh ấy rồi. Anh ấy nhận rồi cất ngay vào trong cái cặp da rất đẹp.
           Chị Sinh bùi ngùi:
           - Thôi được! Lần này ra Bắc gặp anh ấy mình sẽ xin lại. Chỉ sợ anh ấy không còn giữ được...
           Chị Sinh nói xong chào tôi để về đơn vị. Tôi nhìn theo chị Sinh. Chị bước đi có vẻ hơi vội. Mái tóc dài của chị ném qua, ném lại trên tấm lưng tròn.
            Nhưng rồi chị Sinh không có dịp gặp lại anh Diện để xin lại gói tóc của mình. Anh Diện ở suốt bên Liên-xô để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ không thấy về nước lần nào. Mãi sau này gặp lại anh Diện tôi ngỏ ý muốn xin lại gói tóc của chị Sinh nhưng anh ấy bảo là để ở nhà bị lũ trẻ con nhà mình lấy đem đi đổi kẹo mạch nha mất rồi. Tôi biết anh ấy nói dối vì đã vứt bỏ mái tóc dài óng mượt ấy của chị Sinh đi rồi. Trong khi đó thì đơn vị của tôi và chị Sinh thì đóng quân ở tít trong rừng sâu biên giới với nhiệm vụ mở đường, vỡ đất làm kinh tế. Những năm tháng sau chiến tranh thật gian lao. Dân đói, lính đói. Chúng tôi ăn hạt bo bo cầm choòng, xà beng leo lên núi đục đá làm đường. Có thằng đói quá run lẩy bẩy ngã lộn cổ xuống khe núi phải đưa đi cấp cứu. Chị Sinh ở đại đội thông tin có đỡ hơn cánh lính bộ binh chúng tôi một chút nhưng cũng vẫn phải phát nương, làm rẫy, tự túc một phần lương thực và tham gia 50% ngày công lao động ngoài mặt đường. Bẵng đi một thời gian tôi không gặp chị Sinh. Một hôm, nghe tin chị bị ốm đang phải nằm điều trị ở bệnh xá trung đoàn. Tôi quyết định băng rừng đến thăm chị. Trạm xá trung đoàn ở gần đường quốc lộ 2. Từ chỗ đơn vị tôi trú quân để làm nền đường ra đến trạm xá của trung đoàn phải băng đèo vượt suối hết cả buổi sáng mới tới nơi. Chị Sinh bị ngã nước và sốt rét. Thấy tôi đến thăm chị vui lắm. Chị bảo sắp khỏi bệnh rồi. Nhưng tôi nhìn chị thấy mà lo. Chị gầy yếu quá. Da mặt chị xanh tái, mái tóc dày và dài gần chấm gót ngày nào bây giờ rụng mất nhiều lại xác xơ. Chị dặn tôi:
           - Viết thư về nhà đừng kể chuyện mình bị ốm kẻo gia đình mình biết lại lo lắng nhé!
           Tôi gật đầu rồi hỏi chị:
            - Nghe nói toàn đơn vị mình sắp chuyển quân sang án ngữ hướng Cao Bằng, chị có đi không?
          - Đi chứ! Mình là chiến sĩ của trung đoàn cơ mà!
          - Nhưng hình như lính của các đơn vị nữ được chuyển về tuyến sau, chuyển ngành hoặc đi học đấy chị ạ!
          - Nhưng mà mình xin ở lại và cấp trên cũng đồng ý rồi. Ngày mai, mình ra viện về đơn vị để làm công tác chuẩn bị...
           Tôi lặng nhìn chị Sinh. Tại sao chị lại không đi học hoặc chuyển ngành như các chị em khác trong đại đội thông tin mà lại xung phong lên tuyến trước. Tình hình biên giới phía Bắc rất căng thẳng. Chiến tranh đang cận kề. Đường ra trận lần này khác xa thời đánh Mỹ. Những đoàn quân vừa qua chiến tranh chưa kịp hưởng hòa bình đã bước vào trận mới. Không có sự hồ hởi mà chỉ có những nét đăm chiêu suy tư hiện rõ trên mặt từng người lính. Những bước chân nặng nề ngược chiều gió bắc. Chúng tôi đi theo lối cũ của cha ông.
           Tôi chia tay chị Sinh để quay về đơn vị trong rừng sâu. Chị Sinh tiễn tôi ra tận cổng trạm xá trung đoàn. Đó là lần cuối cùng tôi gặp chị Sinh. Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra (2-1979) tôi và chị Sinh ở hai hướng khác nhau. Cuộc chiến ác liệt, kẻ mất, người còn. Suốt tuyến biên cương mịt mù đạn lửa. Tất cả các trận địa, vị trí phòng ngự của trung đoàn tôi đều bị quân địch tấn công dữ dội ngay từ ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh. Cái chiến thuật "biển người", lấy thịt đè người của bọn bành trướng thật không dễ đối phó. Tuyến trước, tuyến sau của đơn vị tôi không chi viện được cho nhau, không liên lạc được với nhau, đạn dược hết, người chết, bị thương không kể xiết. Sau chiến tranh tôi mới biết tin chị Sinh hy sinh. Sở chỉ huy của trung đoàn bị bọn địch tập kích. Bọn chúng tổ chức nhiều đợt tấn công liên tục suốt ngày đêm. Các cán bộ, chiến sĩ cơ quan trung đoàn bộ vẫn kiên cường chiến đấu. Họ đánh lui từng đợt tấn công của quân địch để bảo vệ hang đá sở chỉ huy. Đạn dược, lương thực cạn dần. Bọn địch dùng hơn tấn thuốc nổ đánh sập cửa hang chôn sống những người lính Việt Nam trong lòng núi đá. Chị Sinh là một người trong số hai mươi cán bộ, chiến sĩ bị kẹt trong hang. Khối đá nặng hàng trăm tấn sập xuống che lấp cửa hang khiến họ không thể chui ra. Một người dân bản Nà Sác kể lại rằng những ngày sau khi bọn giặc rút đi ông đã trèo lên chỗ cửa hang vẫn nghe tiếng kêu cứu ở bên trong lòng núi vọng ra rất rõ. Ông bùi ngùi nói: "Nhiều tiếng kêu cứu, có cả những tiếng rên la vì đau, vì đói ấy vọng qua khe đá từ lòng núi ra mấy ngày đêm liền mới lịm dần rồi tắt hẳn". Một số chiến sĩ công binh bí mật vượt qua đội hình quân địch tiếp cận cửa hang nhưng cũng không có cách nào phá được khối đá lớn để cứu đồng đội. Họ bị bọn lính sơn cước phát hiện bắn chết ngay lối lên hang đá. Phải đến gần mười năm sau công binh trung đoàn mới dùng bộc phá đánh vỡ khối đá nặng hàng trăm tấn để mở cửa hang sở chỉ huy trung đoàn ngày trước. Đơn vị công binh tìm thấy hài cốt của những cán bộ, chiến sĩ nằm rải rác trong hang đá. Nhiều hài cốt xác định ngay được danh tính vì trong túi áo của họ vẫn còn mã số của từng người. Trước khi chiến tranh xảy ra mỗi người chúng tôi đều được cấp một miếng bìa in mã số riêng của mình ép plattics cẩn thận để ai bị chết thì chôn theo đánh dấu mộ chí. Miếng bìa ấy chúng tôi luôn để trong túi áo ngực. Chị Sinh và một nữ chiến sĩ thông tin ôm nhau chết ở trong một hốc đá. Hai bộ hài cốt quấn vào nhau, các khốc xương của hai bàn tay còn lồng vào nhau, hai mái tóc dài rơi trên nền đá lạnh. Bên cạnh họ là hai khẩu súng AK hết đạn đã hoen gỉ qua năm tháng và một chiếc máy hữu tuyến. Cuốn nhật ký của chị trong ba lô vẫn trang cuối cùng viết dở, những nét chữ run run. Chắc là chị đã viết trong cơn đói đang hành hạ. Những người lính biên thùy đã chết đói ở trong hang đá bịt bùng như thế.
          Chuyện về chị Sinh thật buồn.
          Một ngày đầu đông, tôi trở về thăm quê. Đêm làng quê vẫn bình yên như xưa. Tôi ngồi lặng lẽ thật lâu trong căn nhà gỗ nhỏ nghe tiếng dế kêu ri rỉ ngoài vườn. Có lẽ đã gần sáng, dân làng đã chìm trong giấc ngủ sâu.
           Chợt nghe như có tiếng khỏa nước ở cầu ao phía sau nhà. Tôi dỏng tai nghe ngóng. Đúng là tiếng khua nước không phải là tiếng gió. Đêm thanh vắng tiếng nước khua rất rõ. Tôi nhẹ nhàng mở cửa bước ra thềm. Tôi đi vòng qua mấy bụi chuối ra chỗ cầu ao. Ánh trăng hạ huyền mờ ảo cũng giống như mấy chục năm trước. Tôi trông ra chỗ cầu ao ngày xưa và giật thót mình. Có một người đang ngồi trên cầu ao lưng quay lại phía tôi. Đó là một người con gái nhưng vóc dáng gầy gò, mái tóc thưa dài phủ không kín lưng. Một tấm lưng trần trong suốt như thủy tinh. Tôi hốt hoảng tự hỏi đó là người hay là ma. Có lẽ là ma thật rồi. Tự dưng tôi thấy ớn lạnh sống lưng, đầu óc mơ hồ, thảng thốt. Tôi định quay lại trở vào trong nhà thì người ngồi trên cầu ao bất ngờ quay lại. Tôi vô cùng sửng sốt nhận ra đó chính là chị Sinh. Khuôn mặt chị tuy gầy nhưng đôi mắt vẫn sáng như ngày nào. Nhưng… chị Sinh chết đã lâu lắm rồi cơ mà. Tôi lắp bắp định lên tiếng chào nhưng không thể cất nên lời. Chị Sinh lên tiếng hỏi:
          - Nguyên mới về thăm nhà à?
          Tôi lập cập đáp và hỏi lại:
          - Vâng… vâng… chị… cũng… mới về làng ạ?
          Chị Sinh gật đầu:
          - Mình cũng vừa về… mình đói lắm… có cái gì ăn cho mình xin một ít…
          Tôi nói:
          - Chị chờ… chờ để em vào trong nhà lấy nhé!
          Chị Sinh vội ngăn tôi lại:
          - Đừng… đừng… Nguyên đừng đi vội… Nguyên hãy cầm… cầm lấy tay mình một lát đi… mình đang rét lắm…
           Nói xong, chị Sinh đưa tay về phía tôi. Cánh tay của chị cứ dài dài ra mãi, từ cầu ao vươn tới tận bụi chuối chỗ tôi đang đứng. Cánh tay chị cũng trong suốt như thủy tinh và vô cùng lạnh lẽo. Tôi hoảng quá hét lên: “Ma… ma…” và giẫy giụa cố thoát khỏi bàn tay rất lạnh của chị Sinh…
           Tôi giật mình bừng tỉnh, trán túa mồ hôi. Hóa ra đó chỉ là một giấc mơ. Trời đang trở gió. Những cơn gió bắc lạnh lùng bắt đầu tràn về. Tôi định trùm chăn ngủ tiếp thì nghe như có tiếng gọi, tiếng khua nước ở phía sau nhà. Tôi cấu tay mình một cái thấy đau biết không còn là mơ ngủ nữa. Tôi vớ cây đèn sạc đi ra phía cầu ao. Cái cầu ao bằng miếng gỗ cũ kỹ mọc đầy rêu đã được thằng em thay bằng một tấm bê-tông phẳng lì. Tôi soi đèn xuống cầu ao. Có một vũng nước như ai vừa mới từ dưới ao ngoi lên ngồi trên cầu ao. Tôi dọi đèn ra phía giữa ao. Hơi nước và sương mù dày đặc khiến ánh sáng không thể chiếu xa nhưng vẫn thấy rõ có vệt sánh nước rẽ ra như ai đang bơi về phía bên kia bờ. Tôi tự nhủ hay đúng là chị Sinh vừa mới ngồi ở cái cầu ao này như cái đêm năm nào trước ngày nhập ngũ.
           Hôm sau, tôi bảo thằng em làm một mâm cơm cúng đem ra chỗ cầu ao. Mâm cơm này tôi muốn dành để cúng chị Sinh. Tôi thầm khấn gọi chị về mà ăn lấy một bữa cho no. Bố mẹ chị đều đã mất cả rồi. Nhà chị chỉ còn một cô em gái lấy chồng xa. Mộ của chị thì vẫn ở một nghĩa trang mãi trên miền biên ải. Có lẽ chị Sinh đang là một con ma đói giống như khi còn sống mà phải nằm chết đói, chết khát trong chốn hang sâu.
            Chẳng biết chuyện ma quỷ có thật hay không. Lúc mấy nén nhang cháy hết thằng em tôi bưng mâm cỗ vào nhà. Một cơn gió mạnh bỗng thổi ào qua làm một cây chuối đang mang buồng đổ gục xuống ao. Sóng nước mặt ao dềnh lên. Thằng em tôi giật mình trượt chân, đĩa xôi và con gà trên mâm rơi tõm luôn xuống ao. Nó liền nhảy ngay xuống mò tìm mãi nhưng không thấy. Chả lẽ cá dưới ao đã kịp đớp mất hay đúng là chị Sinh đã nhận và đem lễ cúng đi rồi…

           (hết)                                                                      Hà Nội, 25/11/2015


Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Truyện ngắn MA Ở CẦU AO (phần 1)

       

MA Ở CẦU AO
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Làng tôi ngày xưa người thưa. Mấy chục nóc nhà nhưng hầu như gia đình nào ngoài khoảnh vườn trồng cây ăn quả cũng đều có một cái ao để thả cá. Cái ao nằm giữa vườn cây tạo nên phong cảnh thật hữu tình. Bên này ao anh ngồi câu cá, bên kia bờ cô gái giặt áo, vớt bèo. Những mối tình nảy nở. Những bóng hình lứa đôi soi bóng nước ao nhà. Những cái ao ngày ấy rất rộng và trong xanh và trong mát. Những trưa hè, tụi trẻ con trong làng thường nhảy ùm xuống ao tắm. Một đoạn cây chuối mấy thằng bám vào bì bõm tập bơi.
Phía sau nhà tôi là một cái ao rất rộng, có lẽ phải đến mấy mẫu Bắc bộ. Cái ao này vốn là của gia đình địa chủ Vũ Bân. Thời cải cách ruộng đất ao được chia cho mấy gia đình bần cố nông cùng chung nuôi cá, thả bèo cho lợn. Đến thời kỳ hợp tác xã thành lập cái ao được công hữu trở thành tài sản chung. Đội sản xuất vừa thả cá vừa tích nước để chống hạn. Bố tôi vào rừng tìm đến nơi cánh thợ xẻ đang khai thác xin một tấm bìa gỗ lim đem về. Ông đục đẽo, chôn cọc làm một chiếc cầu ao. Cái cầu ao sau nhà là nơi đãi gạo, rửa rau, rửa chân và dụng cụ khi đi làm đồng về. Cầu ao cũng là nơi tôi hay ngồi câu cá. Cạnh cầu ao là một gốc sung già cành chi chịt những quả. Quả sung chín rụng tõm xuống ao làm mồi cho cá đớp.
Tôi rất thích đi câu cá. Bọn chúng tôi có những chiếc cần câu trúc uốn cong rất đẹp và dẻo. Chúng tôi thường kéo nhau đi cả buổi lên rừng tìm cần câu. Quê tôi ngày ấy rừng già rậm rạp, có những cây gỗ quý như lim, de, rùa mấy người ôm không xuể. Những bụi tre, bụi trúc, rừng rui cũng nhiều, tha hồ mà chọn những cây trúc, cây rui thật suôn, thật thẳng về uốn làm cần câu. Mỗi đứa chúng tôi đều có đủ các loại cần câu. Cần câu cá trê, cá chuối phải cứng, cần câu cá rô, cá diếc phải mềm, phải dẻo, cần câu tôm càng thì chỉ là những thanh tre vót mảnh như cái tăm. Những cái ao trong làng ngày ấy rất nhiều các loại cá hoang hay cắn câu như cá trê, cá rô, cá chuối, lươn, trạch...
 Câu cá ở ao cũng là cả một nghệ thuật và sự kiên trì. Cá rô ta thường gọi là rô đồng ăn nhạy nhưng khó dính vào lưỡi câu. Trừ loại cá rô phi là ham mồi, có con bị giật trượt rách cả mép vẫn cứ lau nhau lao vào đớp mồi. Cả đàn xoắn xuýt quanh mồi câu, có lúc giật lên thấy lưỡi câu móc cả vào bụng cá. Cá trê thì chậm bắt mồi câu nhưng khi đã đớp mồi thì thường nóng vội kéo vút đi ngay. Đêm cá trê hay cắn câu hơn ban ngày. Nhưng ngồi câu đừng ngủ gật, lỏng tay cần, cá kéo mạnh lôi luôn cần câu ra giữa ao, trời thu lạnh ngại lội xuống vớt. Có đêm gặp đàn cá ham mồi tôi giật được cả vài chục con cá trê màu vàng ươm. Cá trê kho nục hoặc cá trê nướng ăn đều ngon. Câu cá chuối là cả một sự kiên trì và khôn khéo. Cá chuối cái đẻ trứng hoặc đang nuôi con nhỏ thường dễ câu hơn. Chí cần móc lưỡi câu vào một con trạch hay con nhái còn sống thả vào đàn cá con là sẽ giật ngay được con cá cái. Cá chuối cái ham con, rất quyết liệt bảo vệ con, thấy có con vật nào ngoe ngoảy giữa đám con của mình là sẽ lao đến đớp ngay. Khi con cá cái bị vướng lưỡi câu, con cá chuối đực vẫn tiếp tục bảo vệ đàn con đến khi chúng lớn mới thôi. Câu được cả con cá đực này không phải là dễ. Mùa thu ao cạn, nước trong veo, nhìn rõ cả con cá chuối nằm im gần bờ. Nó gần như bất động. Muốn câu được nó phải nấp thật kín, cần câu phải thò ra thật nhẹ nhàng, không để gây ra tiếng động và điều quan trọng nhất là phải thả mồi câu ở xa về phía đuôi của con cá. Cá chuối rất thính. Khi thấy động ở phía sau nó sẽ quay ngoắt lại và đớp mồi. Còn nếu thả mồi ngay phía trước mặt nó thì nó lập tức phóng vút ngay ra giữa ao lặn mất tăm.
 Năm tôi đang học dở lớp 10 thì giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Đám học trò cuối cấp ba chúng tôi lần lượt lên đường nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu. Con gái cũng xung phong ra trận. Ngày ấy thanh niên nam nữ ít người còn ở lại hậu phương. Khi chưa có lệnh gọi nhập ngũ, chúng tôi vẫn phải gắng sức học hành cho thật tốt. Lớp học sơ tán vào trong rừng cọ. Khi máy bay ném bom bắn phá rát quá thì nhà trường cũng tạm cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Buổi đêm, giáo viên chia nhau xuống các xóm dạy cho từng nhóm học sinh. Làng tôi có năm đứa cùng học lớp 10. Chúng tôi tụ tập ở nhà cái Thường gần chân đồi để thầy cô giáo đến hướng dẫn học bài mới. Đêm đến làng xóm vắng lặng. Người già, trẻ con ở luôn trong lán trại nơi sơ tán đề phòng máy bay Mỹ thả bom trúng xuống làng. Ở làng buổi đêm chủ yếu chỉ còn các dân quân làm nhiệm vụ tuần tra canh gác và đám học sinh lớn chúng tôi.
 Đêm ấy yên tĩnh. Máy bay giặc Mỹ không quần đảo trên bầu trời như hằng đêm. Trăng cuối tháng mờ ảo. Chúng tôi được thầy cho nghỉ học sớm để chuẩn bị sáng sớm tinh mơ ngày mai đi đưa tiễn gần hai chục thanh niên trong xã lên đường nhập ngũ. Tôi về đến nhà thì đã nửa đêm. Cả nhà đang ở nơi sơ tán. Cất sách vở và cái đèn dầu vào góc bàn tôi tìm cái cần câu đi ra cầu ao phía sau nhà. Mồi câu là những chú giun tôi đã chuẩn bị sẵn từ chiều để trong cái ống tre. Đêm làng quê mờ ảo trong ánh trăng hạ huyền. Vừa chui định qua bụi chuối tiêu sát bờ ao thì tôi giật mình sững lại. Có tiếng nước khua nhè nhẹ ở cầu ao. Tôi hơi hoảng hốt khi trông thấy có một bóng người mờ mờ trắng ngồi trên cầu ao, mái tóc dài rũ xuống nổ lênh phềnh trên mặt nước. Tôi cố căng mắt ra nhìn. Mặt trăng cuối tháng đã mòn lại chui vào mây nên không trông rõ ràng. Là người hay là ma. Khi tôi còn nhỏ bà và bố mẹ thường bảo ở cái cầu ao có một con ma. Lớn lên tôi mới hiểu là bà và bố mẹ dọa lũ trẻ con chúng tôi như vậy để khỏi ra chỗ cầu ao chơi ngã chết đuối. Biết vậy những tôi cũng thấy hơi sờ sợ. Cái cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng. Mặt trăng dần chui ra khỏi đám mây. Tôi căng mắt ra nhìn. Đúng là có một người, một con ma nữ đang ngồi trên cầu ao. Một con ma nữ khỏa thân. Màu trắng xanh mờ là của làn da. Màu đen như mun là mái tóc. Tôi tự nhủ nếu là người thì là ai nhỉ. Mấy nhà bên cạnh đều đi sơ tán hết và không nhà nào có con gái lớn. Nếu là ma thì có lẽ đây là lần đầu tiên tôi gặp ma. Tôi thấy run bắn, tim đập thình thịch. Tôi định bỏ chạy nhưng hai chân cứ ríu lại. Khi còn nhỏ thể trạng tôi yếu ớt, ngủ mê hay gặp ác mộng. Lớn lên tuy có khá hơn nhưng tôi vẫn hơi sợ mỗi khi nghe chuyện ma quỷ.
Trăng bỗng như sáng hơn. Con ma nữ khỏa thân đột nhiên đứng dậy trên chiếc cầu ao. Mái tóc nó dài bay bay theo gió. Hay là người không phải là ma? Tôi rướn người lên nhìn. Đó là một người con gái nhưng có lẽ là ma. Người con gái ma nữ ấy đứng kiễng chân trên cái cầu ao mong manh. Đôi chân trắng thon láng nước. Hai cánh tay ma nữ ra như muốn tắm cả ánh trăng nữa. Tôi không nhìn rõ khuôn mặt con ma vì mái tóc đen dày bay che khuất, con ma lại nhìn ra phía giữa ao. Không dám thở mạnh, tôi cố nhấc chân để lùi lại mắt vẫn chăm chú nhìn về phía cầu ao. Tay phải cầm cái cần câu của tôi chợt chạm vào một tàu lá chuối khô tạo nên tiếng sột soạt nhè nhẹ. Con ma nữ giật mình quay lại, hai ban tay bưng lấy ngực. Tôi hốt hoảng ngồi thụp xuống. Con ma đứng yên trên chiếc cầu ao nhìn chăm chăm vào bụi chuối tiêu. Một cơn gió bất ngờ thổi mạnh. Những tàu lá chuối khô trước mặt tôi đu đưa qua lại sào sạc. Có lẽ nhận ra đó chỉ là một cơn gió nên con ma nữ yên tâm. Vẫn nhìn về phía bụi chuối, con ma nữ từ từ buông hai bàn tay ra khỏi ngực. Tôi bàng hoàng khi thấy một cơ thể trần trụi trắng xanh, một bộ ngực con gái tràn đầy vênh lên lấp lóa trong ánh trăng. Tôi nhìn rõ từng chi tiết, những đường cong đầy hấp dẫn ma mị trên cơ thể con ma nữ nhưng vẫn không trông rõ mặt con ma bởi mái tóc đen dài bị gió thổi tung tràn che lấp mất khuôn mặt. Đứng yên một lát rồi con ma nữ trụt xuống ao biến mất. Một vệt sóng xô về phía bên kia bờ ao nơi có một khu vườn rậm rạp, sẫm tối bóng đêm. Mặt trăng cũng sa xuống thấp khất dần vào những đám mây vần vũ chân trời phía tây.
 Phải mất một lúc sau tôi mới định thần để quay vào nhà. Hình ảnh con ma nữ khỏa thân ở cầu ao sau nhà cứ ám ảnh mãi trong đầu tôi. Tôi chợt tỉnh sau giấc ngủ chập chờn. Có tiếng gọi ngoài cổng. Đã gần sáng. Tôi vội bật dậy để theo đám bạn trong lớp đi đưa tiễn những người lên đường nhập ngũ hôm nay. Chúng tôi đến chỗ tập trung của xã thì trời sáng hẳn. Trên một bãi đất rộng dưới tán rừng lá cọ có một tấm phông trang trí đơn giản để làm lễ giao nhận quân. Thanh niên nam nữ trong xã có mặt rất đông. Những chiến sĩ dân quân vao mang súng, lưng đeo vòng ngụy trang. Những thanh niên nhập ngũ hôm nay đã được phát ba lô, quân phục mới tinh. Tiếng nói cười râm ran, có cả những giọt nước mắt của những người thân đưa tiễn con em ra trận.
Tôi đang len lỏi giữa đám đông thì có tiếng gọi giật phía sau:
- Nguyên ơi!
Đó là tiếng con gái. Tôi vội quay lại. Một người con gái mặc bộ quân phục mới tinh, vai đeo ba lô, đầu đội chiếc mũ mềm, mái tóc ngắn đang chen đến. Tôi vô cùng ngạc nhiên nhận ra đó là chị Sinh. Chị Sinh là người cùng làng. Chị Sinh hơn tôi hai tuổi. Tôi vội hỏi ngay:
- Chị... chị cũng đi bộ đội đợt này à?
- Ừ! Mình được biên chế về đơn vị thông tin. Nguyên thấy mình mặc quân phục có đẹp không?
Quả là bộ phân phục mới rất vừa vặn với cơ thể của chị. Tôi bảo:
- Đẹp... nhưng mà con gái mà mặc quân phục vào trông hơi... cưng cứng và khô khô thế nào ấy chị ạ!
- Hừ... Thôi, Nguyên ra đây mình nhờ một chút!
Chị Sinh nói giọng nhẹ như tiếng gió. Chị có vẻ hơi mếch lòng. Chị đang vui vì được mang trên mình bộ quần áo bộ đội mới tinh thế mà lại có người chê thẳng thắn thế. Chị túm lấy tay tôi kéo ra chỗ gốc cây cọ ở bìa rừng. Đặt chiếc ba lô xuống vừa mở cái túi cóc chị Sinh vừa ngập ngừng hỏi tôi:
- Tối hôm qua Nguyên có đi câu cá không?
Tôi giật mình ấp úng:
- Không... không... hôm qua em đi ngủ từ chập tối...
- Thế thì tốt...
Chị Sinh thở phào. Tôi cố dấu sự bàng hoàng, lúng túng. Hóa ra con ma nữ khỏa thân đêm qua ở cầu ao chính là chị Sinh. Nhà chị ở mãi giữa xóm sao lại ra tắm đêm ở cái ao cạnh nhà tôi thế này. Nhưng mà con ma nữ đêm qua tóc nó rất dài còn mái tóc của chị Sinh thì lại rất ngắn.
Chị Sinh lấy trong túi cóc ba lô ra cái gói bằng một chiếc khăn mù xoa thêu hoa đưa cho tôi rồi bảo:
- Khi nào anh Diện đi học ở nước ngoài về nhờ Nguyên đưa cho anh ấy nhé!
- Cái gì đây hả chị?
Tôi hỏi lại và nắn nắn cái gói. Bàn tay tôi có cảm giác thấy một sự mềm mại. Chị Sinh khoác chiếc là lô lên vai rồi bảo:
- Là búi tóc của mình đấy! Mình cắt gửi lại cho anh Diện giữ làm kỷ niệm trước khi ra chiến trường, để anh ấy luôn nhớ đến mình mãi mãi. Anh ấy rất thích vuốt mái tóc dài này của mình.
Thì ra vậy. Thảo nào mà mái tóc của chị lại ngắn như vậy. Anh Diện và chị Sinh yêu nhau đã lâu, rất thắm thiết. Nhưng họ chưa tổ chức đám cưới vì anh Diện được cử đi học ở tận Liên-xô. Anh ấy là con trai duy nhất của một người liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp. Đối với tôi anh Diện còn là chỗ họ hàng xa. Cầm gói tóc thơm mùi bồ kết của chị Sinh tôi cứ bần thần mãi. Vậy con ma nữ khỏa thân đêm qua ở cầu ao đúng là chị Sinh rồi. Chị ấy thật là đẹp. Sau này khi đọc nhật ký của chị Sinh tôi mới biết là chị muốn tắm ở cái ao làng trước khi ra trận, vẫy vùng ở biển lớn. Cũng chính từ cái ý nghĩ đầy mộng mơ và vô cùng lãng mạn ấy của chị mà tôi lần đầu tiên được tận thấy một tuyệt phẩm của tạo hóa.
 Lúc chuẩn bị lên xe để về đơn vị chị Sinh nói nhỏ với tôi:
 - Mình biết đêm qua Nguyên có đi câu cá... Nhưng Nguyên đừng nói với ai đã chuyện gặp... ma ở cầu ao nhé! Mình đi đây, hẹn ngày chiến thắng gặp lại...
 Chị Sinh giơ tay bắt tay tôi thật chặt. Bàn tay chị nóng bỏng. Tôi ngỡ ngàng nhìn theo chị Sinh. Chiếc ba lô đeo kéo vít ra phía sau làm vồng ngực chị căng lên tròn trịa. Chiếc xe chở tân binh rẽ ngoặt phóng ra hướng quốc lộ. Bụi đường bay lên mù mịt.
Đó là một ngày cuối năm 1972...
(hết phần 1)                                                                Hà Nội, 25/11/2015


Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần cuối)

 

          
                     

            TRĂNG LẠNH
         Truyện dài của Trọng Bảo

         Thằng Nam huấn luyện ở Bắc Thái mấy tháng thì cùng đơn vị hành quân đi B chiến đấu. Ở chiến trường đạn bom gian khổ nhưng nó luôn nhớ và ngóng tin tức quê hương. Thỉnh thoảng, thằng Nam mới nhận được một thư của gia đình hoặc của anh chị em trong trung đội dân quân làng Hạ. Nó biết tin trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của giặc Mỹ, trung đội dân quân làng Hạ cùng đơn vị bộ đội cao xạ 37ly bắn rơi thêm một chiếc máy bay phản lực Mỹ, bắt sống tên giặc lái, bảo vệ an toàn cây cầu sắt trên sông Phó Đáy, giữ vững giao thông trên tuyến quốc lộ 2C. Nhưng trong trận ấy dân quân làng Hạ có thêm mấy người nữa bị thương.
            Khi cùng đơn vị hành quân vào chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn, thằng Nam bất ngờ gặp một người bạn cùng làng. Đó chính là thằng Thứ. Hai đứa vui mừng ôm chầm lấy nhau, kể cho nhau nghe đủ mọi chuyện, nhất là những chuyện về làng Hạ. Thằng Nam kể câu chuyện tình của chị Nhân với Dương Thụy rồi bảo:
           - Cái tay phó tiến sĩ ấy đúng là đồ Sở Khanh mày ạ! Hắn chuồn mất hút mạng lươn luôn, không hỏi han, liên lạc gì với chị Nhân nữa...
           Thằng Thứ nghe vậy nổi cáu cắt lời thằng Nam:
           - Sao chúng mày không nện cho nó một trận hả?
           - Nện sao được! Hắn là con một ông cán bộ cấp to, giả vờ bị bệnh để khỏi phải đi bộ đội. Hắn bám theo các cán bộ lớn tuổi và đám phụ nữ cơ quan đi sơ tán lên quê ta. Sau trận bom hôm ấy và nhất là sau chuyện chị Nhân bị sảy thai, sợ bị kiểm điểm kỷ luật, hắn xin ông bố đưa đi ngay. Rồi hắn chuồn ra nước ngoài nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ. Biết nó ở đâu mà nện!
             Thằng Thứ nuốt hận hỏi tiếp:
             - Thế còn chị Nhân?
             - Chị Nhân buồn và chán nản lắm. Chị ấy từ chức tiểu đội trưởng, xin đi thanh niên xung phong mở đường. Nghe nói chị ấy cũng đã vào trong này rồi đấy.
             Thằng Thứ im lặng. Nó mong gặp lại chị Nhân ở mặt trận để một lần nữa xin lỗi chuyện ngày nào ở ruộng bèo hoa dâu. Sau lần ấy thằng Nam và thằng Thứ đều cùng đơn vị tham gia các trận đánh ác liệt ở cửa ngõ Sài Gòn. Thằng Nam bất ngờ gặp lại thằng Thứ trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Hôm ấy, thằng Nam cùng tiểu đội nhận nhiệm vụ an táng một chiến sĩ vừa hy sinh trong trận đánh ở Xuân Lộc đi mai táng. Thằng Nam và đồng đội đưa thi hài người lính ấy vào khu vực nghĩa trang ở mặt trận. Tại đây đã có những nấm mộ nhiều chiến sĩ các đơn vị hy sinh trong các trận đánh trên đường tiến về giải phóng Sài Gòn. Sau khi chôn cất người lính vừa hy sinh xong, thằng Nam mới nhìn sang một nấm mộ mới chôn ngay bên cạnh. Thằng Nam chợt trố mắt sửng sốt khi đọc dòng chữ viết vội bằng sơn đen trên một tấm bia làm bằng gỗ: “ Quang Thứ, sinh năm 1953, quê xã Hòa Sơn, Vĩnh Phú, hy sinh ngày 27-4-1975”. Đúng là thằng Thứ bạn thân cùng quê với mình đây rồi. Thằng Nam thấy tim mình nhói đau, cổ họng đắng ngắt. Nó thầm khóc và gọi bạn: “Khổ thân mày quá Thứ ơi! Sao mày lại nằm lại ở cái nơi xa xôi thế này. Mày đã dặn tao là ngày chiến thắng hai thằng sẽ cùng nhau trở về quê hương trung du cơ mà”.
             Mấy tháng sau ngày giải phóng miền Nam, thằng Nam được về phép thăm nhà. Nó phấn khởi lên tàu ra Bắc. Toa xe quân sự toàn là lính quê ở miền Bắc. Những người sống sót sau trận chiến vui trên đường trở về nhà. Suốt hành trình mấy ngày đêm toa tàu luôn râm ran tiếng nói cười. Hầu như thằng lính nào trên đường ra bắc tay cũng xách một cái khung xe đạp, trên nắp ba lô gài một con búp-bê mắt nhắm mở, tóc vàng hoe. Thằng Nam cũng thế. Nhưng nó không mang khung xe đạp mà chỉ có một con búp-bê nho nhỏ.
             Ra đến Hà Nội, thằng Nam chuyển sang tàu ngược Lào Cai. Đến ga thị xã Vĩnh Yên thì quá trưa. Xe ca về huyện ngày chỉ có một chuyến đã chạy từ sáng sớm mà mua được vé cũng rất khó. Thằng Nam quyết định cuốc bộ về làng. Sự háo hức được trở về nhà sau bao năm đi xa thì hơn hai chục cây số đối với nó bây giờ chả là gì so với chặng đường dài hành quân ra trận. Đi một mạch thì chỉ đến gần tối là nó đã có mặt ở nhà rồi. Thằng Nam khoác chiếc ba lô nhẹ tênh trên vai vừa đi vừa ngắm cảnh. Thỉnh thoảng, nghe có tiếng ô tô phía sau nó ngoái cổ lại xem nếu là xe tải thì vẫy xin đi nhờ. Nếu đó là xe con thì thôi, vì chẳng ai cho một thằng lính quèn như nó lên xe, muốn thu tiền cũng khó. Thằng Nam guồng chân cuốc bộ. Chả mấy chốc nó đã đến chỗ ngày xưa từng bị anh công an chặn lại khi đạp xe đi mua quả bóng ở thị xã trở về. Hôm ấy, nó đạp xe bỏ chạy bạt mạng làm rơi mất hai bánh chè mạn khô.  Thằng Nam đang hồi tưởng lại chuyện cũ thì có tiếng còi xe ô tô. Nó ngoái lại và trông thấy một chiếc xe U-oát đang phóng rất nhanh cuốn bụi mù mịt. Biết khó có thể xin đi nhờ nên thằng Nam liền quay mặt tiếp tục rảo bước. Chiếc xe con vượt qua thằng Nam thì phanh kít lại. Một người thò đầu ra hỏi:
            - Đồng chí thượng sĩ có đi nhờ xe không?
            Thằng Nam ngạc nhiên. Nó đi nhanh đến chỗ chiếc xe nhìn người vừa hỏi và reo lên vui mừng:
            - Ối! Chào xã đội trưởng Phạm Bản! Cho em đi nhờ xe về quê với!
            Chiến sĩ lái xe trợn mắt nhìn thằng Nam quặc lại:
            - Ai là xã đội trưởng của cậu hả! Đây là đồng chí thượng úy, tiểu đoàn trưởng của chúng tôi đấy!
             Phạm Bản cũng bảo:
            - Mà mày chào cũng sai bét rồi. Khi mày lên đường nhập ngũ tao vẫn chỉ là xã đội phó cơ mà, có được phục chức xã đội trưởng đâu. Nhưng thôi, chuyện cũ qua lâu rồi, lên xe đi!
            Thằng Nam vội chui vào xe ngồi ở ghế sau. Chiếc xe lập tức chuyển bánh. Phạm Bản và thằng Nam nói chuyện rôm rả, vui vẻ. Bây giờ thì thằng Nam mới biết là ngay sau khi nó lên đường nhập ngũ thì xã đội phó Phạm Bản cũng tái ngũ. Anh vào ngay chiến trường. Với những chiến công xuất sắc và tài năng chỉ huy đơn vị chiến đấu, Phạm Bản được phong cấp, đề bạt chức vụ khá nhanh. Phạm Bản hiện giờ là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn trinh sát. Anh đang đi tiền trạm để chuẩn bị cho đơn vị lật cánh ra làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Trên đường lên biên giới anh tranh thủ tạt qua thăm nhà. Trò chuyện với nhau thằng Nam cũng mới biết nó và Phạm Bản hiện đang ở cùng một quân đoàn. Thượng úy Phạm Bản bảo
             - Nếu mày muốn tao sẽ xin cho chuyển về cùng đơn vị, anh em có nhau.
              - Được thế thì tốt quá anh ạ! - Thằng Nam đáp.
             Xe chạy một loáng đã về đến xã Hòa Sơn. Mới hơn ba giờ chiều. Thằng Nam bảo lái xe cho mình xuống đầu làng Hạ. Tiểu đoàn trưởng Phạm Bản dặn nó khi nào hết phép trở lại đơn vị nhớ sang tiểu đoàn của anh chơi. Thằng Nam gật đầu và chia tay với Phạm Bản. Nó khoác chiếc ba lô rẽ vào làng mình.
             Đến đám ruộng ghềnh đầu làng thằng Nam chợt trông thấy một người phụ nữ trẻ đang nhổ cỏ ở ruộng trồng lạc. Người phụ nữ quay lưng lên phía đường nên không rõ mặt. Người phụ nữ này chỉ còn một cánh tay phải. Một cô bé độ bốn năm tuổi xinh xắn đứng bên cạnh đang líu lo kể chuyện ở lớp mẫu giáo. Nhìn dáng người phụ nữ có vẻ quen quen. Thằng Nam định lên tiếng chào hỏi thì người phụ nữ đột nhiên quay đầu lại. Thằng Nam reo lên vui mừng:
             - Liên... Liên đấy phải không?
             Cái Liên đứng dậy đưa cánh tay phải lên gạt mồ hôi. Tay áo bên trái bay bay trong gió chiều. Cái Liên cũng reo lên vẻ vui mừng không kém:
            - Ôi... Nam... Nam đã về đấy à?
            Đoạn, cái Liên quay sang bảo đứa bé:
             - Hằng, con chào... chú... À không, chào bác Nam đi con!
            Con bé khoanh tay lễ phép: "Cháu chào bác Nam ạ!". Thằng Nam càng ngạc nhiên, có nghe chuyện Liên lấy chồng bao giờ đâu mà con gái đã lớn thế này. Chuyện Liên bị thương trong một trận chiến đấu bắn máy bay thì nó đã biết. Nhưng Liên bị mất hẳn cánh tay trái thế này thì thằng Nam cũng không ngờ. Cái Liên buông nắm cỏ dắt con gái lên đường gặp thằng Nam. Thằng Nam đặt cái ba lô xuống vệ cỏ gỡ con búp-bê gài trên nắp ba lô ra đưa cho bé Hằng:
             - Bác tặng cháu con búp-bê này!
             Con bé thích quá nhưng không dám cầm vì chưa được mẹ cho phép. Nó ngước đôi mắt tròn xoe lên nhìn mẹ. Cái Liên bảo:
             - Nam đem về là để làm quà cho các cháu ở nhà cơ mà!
             Thằng Nam đặt con búp-bê vào tay bé Hằng rồi nói:
              - Thấy anh em mua thì mình cũng mua một con chứ nhà mình có cháu nhỏ nào đâu mà chơi búp-bê.
              Bé Hằng được mẹ cho phép nhận quà thích quá vội cảm ơn bác Nam rối rít rồi ôm con búp-bê áp lên má đu đưa như ru em ngủ. Hai mắt con bé long lanh vì niềm vui sướng bất ngờ. Nhìn con bé thật xinh, thật giống mẹ.
              Trên đường vào làng, thằng Nam hỏi cái Liên về những người đồng đội cũ trong trung đội dân quân thường trực làng Hạ. Cái Liên kể tóm tắt cho thằng Nam nghe mọi chuyện đã xảy ra trong quãng thời gian nó đi xa. Đầu tiên là chuyện của chị Nhân. Bị trụy thai với tay phó tiến sĩ "họ dê" trong chiến đấu chị rất nuồn. Phó tiến sĩ Dương Thụy lại biến mất tăm. Quá mệt mỏi với những lời đàm tiếu chê trách, chị Nhân viết đơn xin đi thanh niên xung phong. Đơn của chị được chấp thuận ngay. Lãnh đạo xã cũng mong chị đi cho đỡ ảnh hưởng thành tích của lực lượng dân quân xã Hòa Sơn nhiều năm quyết thắng. Đầu năm 1973, sau hiệp định Pa-ri, chị Nhân trở về quê lấy chồng. Chồng chị là một chiến sĩ công binh mà chị đã gặp trên tuyến đường Trường Sơn. Anh chồng chị đã công tác trên tuyến đường này hơn chục năm. Anh chồng chị Nhân cũng được về phục viên sau đó. Khi chị Nhân có mang, nhà chồng vui lắm. Họ chờ đợi một đứa cháu đích tôn để nối dõi tông đường.
             Nhưng đứa con chị Nhân sinh ra đã khiến bà mẹ chồng ngất đi. Không ai biết là di chứng chất độc da cam mà chỉ nghĩ đích thị là loài yêu quái lộn kiếp thành người. Thằng con của chị Nhân đầu to hơn cả thân người, không có tai, con ngươi lồi hẳn ra khỏi hốc mắt, tay chân thì co quắp, thiếu ngón. Nó không biết nói, biết đi, chỉ biết ngửa mặt lên trời mà cười. Sau đứa con này, chị Nhân mãi không có thai lại nữa. Anh chồng chị chán nản, sa vào rượu chè, cờ bạc. Bà mẹ chồng thì suốt ngày nguyền rủa chị đem ma quỷ đến nhà. Mặc dù đứa con dị tật ấy chưa chắc chỉ là lỗi của riêng chị. Chị Nhân cắn răng chịu đựng lầm lũi làm lụng nuôi con. Nỗi đau bất hạnh biến chị thành một cái bóng đi về vô cảm. Vào một ngày cuối năm, bà mẹ chồng gọi chị đến trước bàn thờ tổ tiên. Vừa run rẩy kéo vạt áo lau nước mắt, bà vừa nghẹn ngào nói: "Thôi thì mẹ xin cắn rơm, cắn cỏ lạy con! Chồng con là độc đinh, trưởng họ. Con hãy buông tha cho nó. Để nó cưới vợ khác, lấy người nối dõi tông đường, hương khói cho tổ tiên con ơi…". Chị Nhân gạt nước mắt đưa con về ở với mẹ đẻ. Mẹ con, bà cháu dắt díu nhau bỏ làng ra đi. Họ dựng một căn nhà nhỏ gần chân núi Sáng, đói no nhờ vào nương sắn và gánh hàng rau mua đầu chợ, bán cuối chợ của chị.
             Nghe chuyện của chị Nhân thằng Nam thấy buồn quá. Nó hỏi về anh Hừng. Cái Liên bảo:
             - Anh Hừng bây giờ khá hơn rồi. Con gái đầu anh ấy vừa thi đỗ vào trường đại học. Hiện thì anh ấy đang ở ngoài bến sông...
             - Anh ấy làm gì ở ngoài bến sông thế?
             - Anh ấy trông nhà cho lão Vận. - Kể đến cái Liên mới chợt nhớ ra: - Lão Vận chết rồi. Số lão ấy cô đơn, chết không ai biết. Nghe con chó của lão Vận kêu thảm thiết trong nhà bọn trẻ con vạch liếp ngó vào thấy lão ấy nằm còng queo cạnh cái bếp nguội lạnh mới chạy đi báo cho ông Đạt đội trưởng biết. Khi dân làng đến thì lão Vận chết cũng phải đến nửa ngày rồi. Lúc khâm liệm, trong cái quan tài đóng sẵn tìm thấy một lá thư và số tiền lão tích cóp để lại ủng hộ làng Hạ xây dựng lớp mẫu giáo. Lão ấy nghèo nhưng cái tâm thì thật giàu. Anh Hừng ra trông nhà, thắp hương cho lão Vận và tranh thủ kiếm cá trên sông bán thêm tiền nuôi con ăn học.
              Thằng Nam bảo:
              - Thôi bây giờ mình về nhà đã. Tối nay sẽ ra với anh Hừng và thắp hương cho lão Vận. Ngày mai chúng mình cùng đi thăm chị Nhân nhé! Mình sẽ mượn xe đạp đèo Liên, cho bé Hằng cùng đi luôn!
              Cái Liên vội nói:
              - Thế Nam không còn nhớ à?
              - Nhớ cái gì cơ chứ!
              Thằng Nam hỏi lại. Cái Liên nhắc:
              - Mai là ngày giỗ của chị Tình và cái Na. Chúng mình lên nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho họ. Ngày kia hẵng lên chỗ chị Nhân nhé!
             Thằng Nam giờ mới sực nhớ lại cái ngày bi thương sáu năm về trước qua bom Mỹ rơi trúng trận địa Đồi Ma. Nó gật đầu bảo cái Liên:
              - Thôi thế cũng được! Mình về qua nhà cho bố mẹ mừng sau đó lên xã xuất trình giấy nghỉ phép để chính quyền biết, không thì họ lại nghĩ là mình bỏ ngũ về nhà.
             Thằng Nam nói xong chào cái Liên và bé Hằng rẽ vào ngõ nhà mình. Cái Liên nói với theo:
             - Chủ tịch xã bây giờ là ông Vũ Sinh, trưởng công an xã ngày xưa. Phó chủ tịch xã là cái Hiên cùng trung đội dân quân trực chiến với chúng mình thời còn trận địa phòng không trên Đồi Ma đấy…
              Buổi sáng hôm sau đúng hẹn, thằng Nam tìm cái Liên để cùng lên nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Sơn. Căn nhà nhỏ của hai mẹ con Liên ở một góc vườn, trong khuôn viên mấy sào thổ cư của bố mẹ đẻ. Bé Hằng được mẹ xin cô giáo lớp mẫu giáo cho nghỉ một buổi. Thằng Nam, cái Liên và bé Hằng cùng nhau đi bộ lên nghĩa trang liệt sĩ xã. Trông ba người họ giống như một gia đình.
             Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Sơn gần khu nghĩa địa làng Hạ.  Khi thằng Nam và hai mẹ con Liên đến nơi thì thấy một người mặc quân phục đang lúi húi nhổ cỏ bên mộ chị Tình. Mùi hương trầm thoảng thơm ngát. Nghe tiếng động, người mặc quân phục ngẩng đầu nhìn. Cái Liên bật kêu lên:
             - Anh Thức! Anh cũng về thăm chị Tình à?
             - Chào cô Liên và cậu…
             Cái Liên vội đỡ lời anh Thức:
             - Đây là anh Nam, cũng là dân quân làng Hạ ngày xưa đấy!
             - A… nhớ ra rồi. Tại cậu mặc quân phục trông khác quá, mình không nhận ra ngay!
             Anh Thức nhớ ngày chị Tình hy sinh nên về thắp hương cho chị. Anh Thức cùng thằng Nam và cái Liên bày hoa quả trên mộ chị Tình và mộ cái Na. Họ thắp hương cắm lên mộ của hai người và các mộ liệt sĩ xung quanh. Đã gần trưa. Có tiếng còi xe con giục phía dưới chân đồi, anh Thức chào mọi người để trở về đơn vị. Anh Thức đi rồi cái Liên bảo thằng Nam:
             - Chúng mình sang bên kia thắp cho lão Vận một nén hương nhé!
             Ba người dắt nhau sang khu nghĩa địa nhân dân. Họ cùng đứng lặng hồi lâu trước một nấm mộ nhỏ bé lấp khuất dưới một lớp cỏ hoang dại um tùm…

                    (hết)                                                                     Hà Nội, 11-2014


Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 41)

 

 
             

        TRĂNG LẠNH
           Truyện dài của Trọng Bảo

           Hừng "thọt" thập thò mãi mới dám gõ cửa phòng làm việc của ban chỉ huy quân sự xã. Đây là lần đầu tiên Hừng "thọt" đến tận trụ sở làm việc của lãnh đạo xã Hòa Sơn tại nơi sơ tán trong khu rừng lá cọ. Người mà Hừng "thọt" đang cần gặp là xã đội phó Phạm Bản.
            Phạm Bản đang ngồi đọc tài liệu huấn luyện dân quân. Hừng "thọt" gặp xã đội phó Phạm Bản thắc mắc về những chuyện ở trung đội dân quân làng Hạ. Sau chiến công bắn rơi máy bay phản lực Mỹ việc khen thưởng, việc đề bạt người thay thế trung đội trưởng Tình đã hy sinh khiến cho đám dân quân có nhiều điều thắc mắc, không thông. Tuy thế, không ai dám kiến nghị lên trên. Hừng "thọt" quyết định trực tiến đi gặp xã đội phó Phạm Bản. Sau khi nghe Hừng "thọt" nêu những bức xúc của mình, Phạm Bản bảo:
           - Tôi cũng có việc cần lên trận địa Đồi Ma ngay bây giờ, chúng ta vừa đi vừa nói chuyện nhé!
           - Vâng!
           Hừng "thọt" đáp và đứng dậy đi ra cửa. Phạm Bản khoác cái xà-cột bạt cũ kỹ lên vai đi ra sau. Vừa đi hai người vừa trao đổi. Phạm Bản giải thích cho Hừng "thọt" việc tại sao cái Liên và chị Nhân không được khen thưởng gì trong trận chiến đấu vừa qua. Lý do là khi ban chỉ huy xã đội đưa ra để lãnh đạo xã xem xét thì có ý kiến của công an xã nêu việc chị Nhân chửa hoang vừa bị xẩy thai, cái Liên thì mới để mất vũ khí. Thế nên cả hai đều không được cấp trên tặng giấy khen và trao phần thưởng là một chiếc ca sắt tây tráng men có in dòng chữ "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Mặc dù trong chiến công bắn rơi máy bay phản lực Mỹ thì chị Nhân và cái Liên là những người rất dũng cảm. Chuyện đề bạt chức vụ cũng vậy. Ban chỉ huy xã đội dự kiến đề bạt chị Nhân giữ chức trung đội trưởng trung đội dân quân làng Hạ, cái Liên giữ chức vụ khẩu đội trưởng khẩu đội 12ly7 nhưng trưởng công an xã Vũ Sinh kiên quyết phản đối cũng vì những lý do trên. Hiện tại, trung đội dân quân làng Hạ tạm thời giao cho cái Hiên phụ trách.
            Nghe xã đội phó Phạm Bản giải thích, Hừng "thọt" vẫn chưa thông:
            - Thế thằng Nam, nó chiến đấu rất dũng cảm, giao nhiệm vụ gì cũng sẵn sàng nhận và hoàn thành, tại sao trên lại không cho nó làm khẩu đội trưởng khẩu đội 12ly7?
            - Thằng Nam đã có lệnh gọi nhập ngũ rồi!
            Xã đội phó Phạm Bản đáp gọn lỏn. Hừng "thọt" trố mắt ngạc nhiên. Phạm Bản vỗ vai hắn nói tiếp:
            - Khẩu đội 12ly7 sẽ do cậu làm khẩu đội trưởng. Từ ngày mai trên trận địa Đồi Ma sẽ tăng cường thêm một khẩu 12ly7 nữa. Sắp tới, bọn Mỹ sẽ đánh phá ác liệt hơn rất nhiều đấy!
            Hừng "thọt" giãy nảy:
             - Em chân cẳng tấp tểnh thế này làm chỉ huy sao được chứ!
            Phạm Bản thủng thẳng:
            - Để cậu làm khẩu đội trưởng là cần người trụ lại ở trận địa trong lúc bom đạn mù trời như trận vừa rồi để chỉ huy chiến đấu, không phải để khi ác liệt bỏ chạy cho nhanh nên chân cẳng tập tễnh không thành vấn đề!
           Vậy là mọi việc đã rõ ràng. Hừng "thọt" thôi không còn thắc mắc gì nữa. Nhưng hắn lại cảm thấy buồn. Hóa ra người ta vẫn còn định kiến nặng nề với những khuyết điểm của cá nhân. Khi bom đạn mù trời, sống chết sát sạt thì không ai phân biệt, cứ chiến đấu dũng cảm là được. Nhưng khi bình yên thì việc phân định công lao, chia phần chiến thắng, khen thưởng, đề bạt bổ nhiệm thì phải xem xét kỹ đến lý lịch, tiền sự, gốc tích nhân thân như thế nào. Ai đã có lỗi thì không thể có công, có phần. Đó cũng là câu chuyện của muôn thuở. Chiến tranh là thế mà hòa bình rồi cũng thế.
            Phạm Bản và Hừng "thọt" lên đến đỉnh Đồi Ma. Các chiến sĩ dân quân đang khẩn trương khôi phục lại trận địa sau trận bom. Không khí nặng nề vì trung đội dân quân làng Hạ bị tổn thất lớn sau trận đánh vừa qua nhưng không ai tỏ ra bị quan, hoảng sợ. Căn nhà hầm đã được làm lại mái. Giữa nhà kê một cái bàn nhỏ trên đặt một cái bát cắm đầy chân nhang và một lọ hoa rừng. Đó là bàn thờ chị Tình và cái Na. Vậy là từ nay trên đỉnh Đồi Ma có hai nơi để thờ những người phụ nữ. Một là bát hương trong hõm đá thờ các trinh nữ là thần giữ của ngày xưa và một là bát hương trong nhà hầm thờ các liệt nữ ngày nay.
            Sau khi kiểm tra việc củng cố lại công sự trận địa, bố trí các loại hỏa lực, xã đội phó Phạm Bản gọi thằng Nam đến. Thằng Nam đang hì hục khoét hầm trú ẩn cạnh khẩu 12ly7. Thằng Nam ngạc nhiên không hiểu có việc gì mà xã đội phó trực tiếp gọi đến nó. Thằng Nam vội quẳng cái xẻng cùn rồi chui vào căn nhà hầm. Trong hầm đã có mấy dân quân đang ngồi nghỉ giải lao ngồi uống nước ở đấy. Phạm Bản mở cái xà-cột cũ kỹ lục lọi một lúc rồi lấy ra một tờ giấy đưa cho thằng Nam. Vừa cầm tờ giấy đọc lướt qua, thằng Nam đã nhảy cẫng vì vui mừng. Đó là tờ lệnh gọi nó nhập ngũ. Thế là nó được đi bộ đội trực tiếp cầm súng vào miền Nam chiến đấu. Trong đầu nó hình dung con đường ra trận thật đẹp và lãng mạn.
            Thằng Nam định bàn giao luôn khẩu súng K44 cho trung đội dân quân để về làng chuẩn bị vì sáng sớm ngày kia nó đã phải lên huyện tập trung rồi. Nhưng Hừng "thọt" vội ngăn lại bảo:
            - Mày cứ về nhà chuẩn bị, chia tay với gia đình, anh em, bà con làng xóm. Tối mai lên trận địa Đồi Ma liên hoan với bộ phận trực chiến của dân quân một bữa rồi hẵng đi!
            Cái Liên cũng đồng tình:
            - Đúng rồi! Phải liên hoan chia tay với trung đội chứ. Hôm nay thì không kịp chuẩn bị. Tối mai lên Đồi Ma với tụi mình Nam nhé!
            - Đồng ý!
            Thằng Nam nhận lời với vẻ rất phấn khởi. Nó đang háo hức vì được gọi nhập ngũ. Thằng Nam xin phép chỉ huy trung đội về làng ngay để thông báo với gia đình chuyện nhập ngũ. Hừng "thọt" bàn với cái Hiên và cái Liên việc chuẩn bị liên hoan tiễn thằng Nam lên đường nhập ngũ. Cả bọn thống nhất làm một mâm cơm cúng chị Tình và cái Na và cũng để liên hoan tiễn chân thằng Nam luôn. Bàn bạc xong xuôi, Hừng "thọt" tập tễnh đi xuống bến sông Phó Đáy. Hừng "thọt" tìm lão Vận để kiếm thêm một con cá tươi cho bữa liên hoan tối ngày mai.
            Bữa cơm cuối cùng của thằng Nam trên trận địa Đồi Ma chỉ gồm có bộ phận canh gác phòng không và khẩu đội 12ly7. Xã đội phó Phạm Bản hứa nhưng chắc có việc bận nên không thấy lên. Mọi người ăn uống trò chuyện đến tận khuya. Có một chai rượu gạo Hừng "thọt" mang đến nên mỗi người làm một chén nhỏ. Đây là bữa liên hoan đầu tiên kể từ khi trung đội dân quân làng Hạ gặp một biến cố lớn, hai người hy sinh. Với chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, trung đội dân quân làng Hạ được cấp trên khen thưởng lớn nhưng không ai nghĩ đến việc tổ chức liên hoan mừng công. Họ vẫn còn chưa nguôi ngoai vì sự tổn thất, mất mát trong trận đánh ấy. Những người bị thương cũng chưa ai trở lại trận địa. Chị Nhân đang tạm nghỉ ở nhà uống thuốc nam. Hai chiến sĩ khác đang ở bệnh viện vì vết thương chưa lành hẳn. Riêng phó tiến sĩ Dương Thụy thì được gia đình đưa đi mất tăm luôn ngay sau trận bom hôm ấy.
           Sau bữa liên hoan, thằng Nam quyết định ngủ lại trận địa với Hừng "thọt". Hai anh em nằm trong hầm tâm sự gần như suốt đêm. Họ đã quen những đêm thức trắng để trực chiến như vậy rồi.
           Gần sáng, thằng Nam trở dậy. Nó lay lay Hừng "thọt" nói:
           - Thôi em phải đi đây!
           Hừng "thọt" bảo:
           - Ừ! Mày đi mạnh khỏe, nhớ là khi ra trận phải thật cẩn thận đấy!
            - Vâng! Anh cứ yên tâm... Hẹn ngày chiến thắng anh em mình gặp lại nhau, lại cùng đi trực chiến trên Đồi Ma nhé!
            Thằng Nam đi rồi, Hừng "thọt" vừa ngáp ngủ vừa lẩm bẩm một mình: "Mày trở về được là may lắm rồi. Lúc mày về hết chiến tranh thì còn trực chiến, trực chót trên Đồi Ma làm cái gì nữa chứ!".
            Thằng Nam theo đường giao thông hào tụt xuống dưới chân đồi. Lòng hào giao thông mới dọn dẹp, san phẳng những chỗ nước xoáy thành rãnh nên rất dễ đi. Đã qua rằm, trời gần sáng nên trăng chưa kịp lặn. Mặt trăng không thật tròn đầy nhưng vẫn còn rất sáng. Mảnh trăng vàng treo lơ lửng mãi tận phía rừng xa. Ánh trăng mênh mông trải thảm trên cánh đồng làng Hạ cũng mênh mông.
           Thằng Nam đi đến lưng dốc thì có tiếng gọi rất khẽ ở ngã ba tuyến hào giao thông:
            - Nam ơi! Đợi mình với...
           Thằng Nam ngạc nhiên nhận ra là giọng cái Liên. Nó dừng lại chờ và hỏi:
            - Liên cũng về làng bây giờ à?
            - Không... mình... mình đi tiễn Nam một đoạn.
             Cái Liên nhô ra rất nhanh. Hình như nó đã đứng chờ ở đây lâu rồi. Cái Liên không mang theo súng. Nó mặc một bộ quần áo sáng màu, không đeo vòng lá ngụy trang. Ban đêm nên không sợ máy bay Mỹ phát hiện. Thằng Nam liền bảo:
            - Không phải tiễn đâu. Liên về ngủ đi, mai còn phải trực chiến!
            - Ngày mai Nam ra trận rồi. Mình muốn... tặng cho Nam một cái này!
            Tiếng cái Liên rất nhỏ như đang thì thào bên tai thằng Nam. Cái Liên tiến lại gần thằng Nam. Nó kéo thằng Nam rẽ vào một lối hào giao thông khác. Đó là lối giao thông hào rẽ xuống phía bến sông Phó Đáy qua phía trước sườn đồi toàn những bụi cây gai xấu hổ rậm rạp. Thằng Nam hơi giằng lại. Nó không muốn đi lối này vì phải vòng qua cánh đồng về làng Hạ hơi xa. Thằng Nam bảo:
            - Thôi chúng mình đứng đây nói chuyện một lúc rồi mình còn phải về làng chào bố mẹ để còn lên đường cho kịp thời gian giao quân.
            Cái Liên buông tay thằng Nam và đứng dựa lưng vào thành hào giao thông rồi hỏi:
            - Nam có biết chuyện gì sắp xảy ra với làng Hạ chúng ta không?
            - Không! Mà có chuyện gì ngoài việc ngày mai làng ta tiếp tục tiễn ba thanh niên lên đường nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu?
             Cái Liên nói giọng chùng xuống:
             - Ngày mai, sau khi Nam cùng mấy anh em trong làng, trong xã lên đường nhập ngũ rồi thì họ sẽ tổ chức báo tử và làm lễ truy điệu cho anh Xuyên và mấy người nữa đấy!
            - Thế à?
            - Giấy báo tử đã gửi về xã từ mấy hôm trước. Nhưng lãnh đạo xã họ muốn để bọn Nam lên đường yên tâm nên sau khi giao quân xong mới làm lễ truy điệu cho các liệt sĩ. Lần này làng Hạ có gia đình anh Xuyên, toàn xã Hòa Sơn có bốn gia đình sẽ nhận được giấy báo tử liệt sĩ...
            Thằng Nam lặng im không hỏi thêm. Cái Liên cũng lặng đi một lát rồi mới nói, giọng còn xúc động:
           - Buồn quá! Tại sao con trai làng ta cứ ra đi mà không ai trở về thế nhỉ?
           - Chiến tranh mà...
           Cái Liên thì thào:
           - Nhưng Nam nhất định phải trở về nhé!
           - Ừ... nhất định...
           Thằng Nam đáp nhưng cũng không tin ở lời mình nói lắm. Cái Liên lại thì thào bảo:
           - Đưa tay đây, mình tặng Nam cái này làm kỷ niệm...
           Thằng Nam chìa tay phải cho cái Liên. Trong đầu nó thoáng nghĩ thầm: "Chắc lại là một cái khăn mùi-xoa thêu chim bồ câu hay cái vỏ gối có thêu hoa lá và hai chữ "Quyết thắng" chứ gì!". Cái Liên cầm tay của thằng Nam nâng lên soi dưới ánh trăng. Và, thật bất ngờ, cái Liên ấp bàn tay thằng Nam vào bên ngực trái của mình. Ngực áo cái Liên đã mở sẵn khuy tự bao giờ rồi. Bàn tay thằng Nam chạm vào một bầu vú căng tròn mịn màng của người con gái cùng làng. Thằng Nam hốt hoảng định rụt tay mình lại nhưng cái Liên cứ giữ chặt ở trên ngực mình. Cái Liên hổn hển bảo:
            - Mình muốn... tặng Nam là cái này...
            Cái Liên níu thằng Nam đổ người áp chặt vào mình. Nó lần tìm và kéo nốt bàn tay còn lại của thằng Nam đặt lên bên ngực kia của mình. Sau giây phút bất ngờ, thảng thốt, thằng Nam dần lấy lại sự bình tĩnh. Lần đầu tiên nó được đặt bàn tay trực tiếp lên khuôn ngực một người con gái mềm mại, tròn căng và đẹp như thế này. Nó cảm nhận được sự kỳ diệu đang ở trong lòng bàn tay của mình. Cái Liên để yên một lúc lâu rồi lại đột nhiên gỡ bàn tay phải của thằng Nam ra vít mạnh đưa xuống phía dưới. Thằng Nam thêm một lần nữa bị bất ngờ bởi những điều nó lần đầu được biết. Bàn tay thằng Nam chạm vào một sự rối bời nhưng đầy lạ lùng, hấp dẫn đến tận cùng trên cơ thể của người con gái. Nó như mê đi... Mọi việc tiếp theo diễn ra rất nhanh. Cái Liên chủ động mọi việc. Khi thằng Nam lúng túng không biết làm như thế nào vì đối với nó đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời và hoàn toàn mới lạ. Cái Liên lại phải hạ tay xuống để trợ giúp thằng Nam định vị. Đoạn cái Liên vòng hai tay ôm thằng Nam kéo giật mạnh về phía mình. Thằng Nam thấy người như hẫng đi, chơi vơi khi đã xâm nhập trọn vẹn vào cơ thể của người con gái đẹp cùng làng.
           Sự việc diễn ra và xong rất nhanh nhưng cả cái Liên và thằng Nam đều thấy rất hài lòng thỏa mãn. Cái Liên chỉnh sửa lại quần áo rồi đi tiễn thằng Nam thêm một đoạn nữa xuống tận đầu cánh đồng làng Hạ. Trời sáng rõ, trăng đã tàn. Bình minh hồng lên ở phía chân trời. Hai đứa chia tay nhau hẹn ngày gặp lại. Một người quay lại trận địa, một người đi ra chiến trường. Đó cũng là ngày cuối cùng khi đất nước còn chiến tranh thằng Nam ở làng. Một ngày mà với nó là một kỷ niệm mãi mãi không thể nào quên...

           (còn nữa)                                   Hà Nội, 11-2014 
     

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 40)


        TRĂNG LẠNH
          Truyện dài của Trọng Bảo

          Chị Tình nằm đó, lặng yên trong hội trường.
        Thằng Nam và cái Liên đã bóc bỏ hai chữ "Hạnh phúc" để dán lên dòng chữ "Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Thị Tình". Các bức tường hai bên và phía sau hội trường thì vẫn còn nguyên những hình họa tiết tươi vui của một đám cưới chưa kịp bóc.
         Sắp tới giờ tổ chức buổi lễ thì anh Thức và một chiến sĩ mới đến. Trận địa đơn vị pháo cao xạ bên kia sông cũng bị trúng bom Mỹ. Một chiến sĩ đơn vị cao xạ hy sinh và ba chiến sĩ khác bị thương. Anh Thức phải lo cho xong mọi việc ở đơn vị mình rồi mới sang dự lễ truy điệu của người vợ sắp cưới. Anh lặng lẽ đặt lên nắp quan tài chị Tình một cái lược, hai chiếc nhẫn và một cái hộp đựng bàn chải, thuốc đánh răng. Tất cả đều được làm bằng đuya-ra, một thứ hợp kim lấy từ xác máy bay Mỹ mà đơn vị anh đã bắn rơi. Đây cũng là những vật kỷ niệm anh dự định sẽ tặng chị trong ngày cưới. Người chiến sĩ đi cùng trân trọng đặt lên một bó hoa tươi. Đó chính là bó hoa hồng mà các chiến sĩ đơn vị cao xạ chuẩn bị để tặng cô dâu trong tiệc cưới. Chỉ khác là dải nơ hồng buộc bó hoa đã được thay bằng một dải băng đen. Cái Liên cũng đặt lên trên nắp quan tài người chỉ huy của mình một cái gói nhỏ bằng giấy màu hồng nhạt. Đó là tặng phẩm đám cưới của nó và chị Nhân. Trong cái gói nhỏ ấy có một bộ đồ lót của phụ nữ màu trắng mỏng tang dành cho cô dâu mặc trong đêm tân hôn.
          Bốn người gồm trung úy Thức, cái Liên, thằng Nam và người lính cao xạ cùng đứng cúi đầu từ biệt người đã khuất. Anh Thức bảo sau lễ truy điệu anh phải lên đường đi nhận nhiệm vụ mới ngay. Anh được bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đoàn phó tại một đơn vị tên lửa, loại vũ khí mới mà anh đã được cử đi tập huấn sử dụng và chỉ huy bắn mấy tháng trước. Đơn vị tên lửa của anh nhận nhiệm vụ hành quân gấp vào tuyến lửa khu bốn để "đón lõng" bắn hạ máy bay chiến lược B52 của giặc Mỹ.
           Buổi lễ truy điệu diễn ra trong tình trạng báo động phòng không được nâng cấp sau trận bom lúc trưa nay. Hội trường đóng kín các cửa để ánh sáng lóa của cây đèn măng-xông khỏi lọt ra bên ngoài. Trên lễ đài khói hương nghi ngút. Tiếng khóc nghẹn của mẹ và em gái chị Tình. Chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu đọc điếu văn, giọng đầy đau thương, xúc động. Giữa lúc đang tổ chức lễ tang chị Tình thì lại nhận được tin cái Na đã chết tại bệnh viện dã chiến của quân đội, vết thương quá nặng nên nó không qua nổi. Chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu thông báo cho các đại biểu biết buổi tối ngày mai sẽ tổ chức lễ truy điệu nữ chiến sĩ dân quân Mai Thị Na tại làng Hạ. Bố mẹ cái Na đã đưa nó về nhà rồi. Vậy là trận bom lúc gần trưa nay trung đội dân quân làng Hạ có hai người hy sinh, bốn người bị thương, mất đúng một phần năm quân số. Làng Hạ kể từ hôm nay có thêm hai liệt sĩ mà không cần giấy báo tử.
          Lễ truy điệu xong thì đã quá nửa đêm. Anh Thức rất buồn khi vĩnh biệt người vợ sắp cưới. Mặt anh hốc hác, sạm đen vì khói đan. Anh chia tay những người dân quân dũng cảm làng Hạ rồi cùng người chiến sĩ đi ngay trong đêm cho kịp thời gian hành quân. Anh không thể ở lại để đưa chị Tình về nơi an nghỉ cuối cùng. Mờ sáng hôm sau chị Tình sẽ được đưa đi mai táng ở trên một quả đồi lá cọ phía sau làng Hạ. Suốt đêm ấy, các chiến sĩ dân quân đã bồng súng thay nhau đứng canh cho chị yên nghỉ trong hội trường. Chôn cất chị Tình xong thì trời đã tang tảng sáng, cái Liên rủ thằng Nam cùng tranh thủ đi thăm chị Nhân và những dân quân bị thương đang nằm điều trị ở bệnh viện quân y số 9 sơ tán tại xã bên. Sau đó hai người vòng lên trận địa Đồi Ma luôn. Hai đứa đi tắt qua một khu rừng lim sang xã bên. Con đường mòn cắt qua mấy dòng suối lổm ngổm sỏi đá nên rất khó đi. Hai người đến khu rừng bệnh viện quân đội sơ tán thì bị chặn lại. Một chiến sĩ vệ binh đeo băng đỏ đề nghị họ xuất trình giấy tờ. Khi biết cái Liên và thằng Nam đều là dân quân làng Hạ, những người bằng súng bộ binh đã bắn rơi máy bay phản lực hiện đại của Mỹ hôm qua, chiến sĩ vệ binh nhiệt tình hướng dẫn họ đến nơi những người đồng đội bị thương đang điều trị.
          Chị Nhân và hai nữ dân quân đang nằm ở một căn phòng trong ngôi nhà dã chiến nửa chìm nửa nổi. Thấy cái Liên và thằng Nam đến hai nữ dân quân bị thương nhẹ ở tay và ở đầu liền ngồi dậy. Chị Nhân thì vẫn nằm nghiêng quay mặt vào vách nhà hầm như đang ngủ.
          Vừa bước vào phòng cái Liên đã lên tiếng hỏi:
          - Mọi người đã đỡ chưa?
          - Tao với cái Linh đã đỡ rồi! Chỉ vài hôm nữa là xuất viện về tiếp tục chiến đấu được ngay. Chỉ có chị Nhân là vẫn...
          Cái Mận cánh tay trái băng trắng toát treo trên cổ đáp rồi hất hàm về phía chị Nhân. Cái Liên ngạc nhiên hỏi lại:
          - Chị Nhân bị thương nặng lắm à?
          Cái Mận vội vã tụt xuống khỏi giường giơ cánh tay không bị thương lên ra hiệu. Rồi nó kéo cái Liên ra bên ngoài cửa phòng thì thào:
          - Chị Nhân đã bị... sảy thai rồi! Chị Nhân đang rất buồn. Mày lựa lời động viên an ủi chị ấy nhé! Chuyện này cũng đừng nói cho ai biết kẻo chị ấy sẽ bị kiểm điểm kỷ luật mất thôi...
          Cái Liên trợn tròn mắt, há miệng ngạc nhiên. Nhưng rồi nó hiểu ra ngay mọi chuyện. Thì ra, chị Nhân đã có thai với tay phó tiến sĩ "họ dê" kia rồi. Cái Liên nghĩ thầm: "Thảo nào dạo này trông chị có vẻ đẫy đà hơn, đi đứng chậm chạp, nhất là không bao giờ tắm chung với mình. Thì ra, chị ấy sợ mình phát hiện ra quầng vú bị thâm do nghén”. Cái Liên bây giờ mới biết là chị Nhân đã buộc chặt bụng cố giấu không để mọi người biết đã có thai mấy tháng. Hôm qua, do bị sức ép của quả bom nổ gần, chị Nhân bị hất đập bụng vào thành công sự nên cái thai đã động mạnh. Khi chị đang tham gia đào bới tìm người dưới hố bom thì bị sảy thai, máu ra ướt sũng hai ống quần. Lúc ấy mọi người lại cứ tưởng chị bị thương vào đùi, vội vàng cáng ngay đến bệnh viện quân đội. May mà chị được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
          Cái Liên và cái Mận quay vào phòng. Chị Nhân đã nằm quay lại và đang nói chuyện với thằng Nam. Cái Liên cố nén hỏi:
          - Anh Thụy đang nằm ở đâu?
          Chị Nhân nói, giọng có vẻ còn rất buồn và mệt mỏi:    
          - Anh ấy nằm cách đây một đoạn. Tối hôm qua sau khi được cấp cứu tỉnh lại, anh ấy còn sang đây hỏi thăm tình hình của mọi người...
           Cái Liên bảo thằng Nam cùng sang thăm Dương Thụy. Hai đứa đi theo tuyến giao thông hào rộng phía trước ngôi nhà nửa chìm nửa nổi sang khu nhà dành cho các thương bệnh binh nam giới ở ngay gần bên cạnh. Trong căn nhà hầm này cũng kê mấy chiếc giường cho bệnh nhân. Chỉ có một người mặc quân phục đang nằm trên cái giường ở góc nhà. Một chị phụ nữ mặc áo blu trắng đang dọn dẹp gấp chăn màn trên cái giường giữa phòng. Đó là một y tá của bệnh viện quân đội. Cái Liên chào chị rồi hỏi:
           - Chị ơi! Anh dân quân làng Hạ bị thương nằm ở đây đâu rồi ạ?
          Chị y tá bảo:
          - Đấy là phó tiến sĩ Dương Thụy…
          - Đúng rồi! Hôm qua anh ấy bị thương đưa đến đây cấp cứu.
          - Ông này đâu có bị thương! Mà ông ấy chỉ bị ngất đi vì… hoảng sợ quá thôi!
          Chị y tá nói nhấm nhẳng. Cái Liên phải hỏi lại cặn kẽ thì mới hiểu rõ mọi sự. Hóa ra là hôm qua khi máy bay Mỹ lao xuống ném bom, bắn rốc-két vào trận địa Đồi Ma, phó tiến sĩ Dương Thụy sợ quá đã bỏ chạy xuống chân đồi, vứt luôn hòm đạn 12ly7 ở lưng chừng dốc. Đấy cũng chính là hòm đạn mà lão Vận đã nhặt được và vác lên trận địa. Cũng do quá hoảng loạn nên Dương Thụy bị ngất xỉu đi, mặt úp xuống vũng bùn nhão, may mà có người kịp phát hiện. Chỗ Dương Thụy bị ngã ngất cũng là đoạn hào cụt mà đám con gái làm chỗ đi vệ sinh, nơi lần trước vị phái viên quân sự cấp trên Lê Thanh Tục đã lao vào ẩn nấp khi máy bay Mỹ ập đến ném bom.
          Cái Liên đến gần chị y tá hỏi thêm:
          - Thế vị phó tiến sĩ ấy đâu rồi hả chị?
          - Đi rồi!
          - Đi đâu ạ?
          - Không biết! Bố mẹ ông ấy vừa mới đưa xe con đến đón xong. Họ đề nghị cho ông ấy xuất viện gấp để đưa ngay về một bệnh viện trung ương có phương tiện, trang thiết bị hiện đại, thuốc men đầy đủ, tốt hơn, bác sĩ giỏi hơn để tiếp tục điều trị và an dưỡng.
           Cái Liên khẽ thở dài. Nét mặt nó hơi cau lại. Vậy là tay phó tiến sĩ “họ dê” này lặng lẽ ra đi mà không nói một lời nào với người yêu là chị Nhân đang nằm điều trị ở ngay phòng bệnh bên cạnh. Hắn ta đã bỏ chạy khỏi trận địa và người yêu như thế đấy. Mãi sau này cái Liên và các đám dân quân làng Hạ mới biết Dương Thụy đã được ông bố xin cho đi du học tại Liên-xô để nghiên cứu và bảo vệ luận án tiến sĩ về văn hóa với tiến trình phát triển của xã hội loài người...

           (còn nữa)                                              Hà Nội, 11-2014