Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần cuối)

 

          
                     

            TRĂNG LẠNH
         Truyện dài của Trọng Bảo

         Thằng Nam huấn luyện ở Bắc Thái mấy tháng thì cùng đơn vị hành quân đi B chiến đấu. Ở chiến trường đạn bom gian khổ nhưng nó luôn nhớ và ngóng tin tức quê hương. Thỉnh thoảng, thằng Nam mới nhận được một thư của gia đình hoặc của anh chị em trong trung đội dân quân làng Hạ. Nó biết tin trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của giặc Mỹ, trung đội dân quân làng Hạ cùng đơn vị bộ đội cao xạ 37ly bắn rơi thêm một chiếc máy bay phản lực Mỹ, bắt sống tên giặc lái, bảo vệ an toàn cây cầu sắt trên sông Phó Đáy, giữ vững giao thông trên tuyến quốc lộ 2C. Nhưng trong trận ấy dân quân làng Hạ có thêm mấy người nữa bị thương.
            Khi cùng đơn vị hành quân vào chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn, thằng Nam bất ngờ gặp một người bạn cùng làng. Đó chính là thằng Thứ. Hai đứa vui mừng ôm chầm lấy nhau, kể cho nhau nghe đủ mọi chuyện, nhất là những chuyện về làng Hạ. Thằng Nam kể câu chuyện tình của chị Nhân với Dương Thụy rồi bảo:
           - Cái tay phó tiến sĩ ấy đúng là đồ Sở Khanh mày ạ! Hắn chuồn mất hút mạng lươn luôn, không hỏi han, liên lạc gì với chị Nhân nữa...
           Thằng Thứ nghe vậy nổi cáu cắt lời thằng Nam:
           - Sao chúng mày không nện cho nó một trận hả?
           - Nện sao được! Hắn là con một ông cán bộ cấp to, giả vờ bị bệnh để khỏi phải đi bộ đội. Hắn bám theo các cán bộ lớn tuổi và đám phụ nữ cơ quan đi sơ tán lên quê ta. Sau trận bom hôm ấy và nhất là sau chuyện chị Nhân bị sảy thai, sợ bị kiểm điểm kỷ luật, hắn xin ông bố đưa đi ngay. Rồi hắn chuồn ra nước ngoài nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ. Biết nó ở đâu mà nện!
             Thằng Thứ nuốt hận hỏi tiếp:
             - Thế còn chị Nhân?
             - Chị Nhân buồn và chán nản lắm. Chị ấy từ chức tiểu đội trưởng, xin đi thanh niên xung phong mở đường. Nghe nói chị ấy cũng đã vào trong này rồi đấy.
             Thằng Thứ im lặng. Nó mong gặp lại chị Nhân ở mặt trận để một lần nữa xin lỗi chuyện ngày nào ở ruộng bèo hoa dâu. Sau lần ấy thằng Nam và thằng Thứ đều cùng đơn vị tham gia các trận đánh ác liệt ở cửa ngõ Sài Gòn. Thằng Nam bất ngờ gặp lại thằng Thứ trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Hôm ấy, thằng Nam cùng tiểu đội nhận nhiệm vụ an táng một chiến sĩ vừa hy sinh trong trận đánh ở Xuân Lộc đi mai táng. Thằng Nam và đồng đội đưa thi hài người lính ấy vào khu vực nghĩa trang ở mặt trận. Tại đây đã có những nấm mộ nhiều chiến sĩ các đơn vị hy sinh trong các trận đánh trên đường tiến về giải phóng Sài Gòn. Sau khi chôn cất người lính vừa hy sinh xong, thằng Nam mới nhìn sang một nấm mộ mới chôn ngay bên cạnh. Thằng Nam chợt trố mắt sửng sốt khi đọc dòng chữ viết vội bằng sơn đen trên một tấm bia làm bằng gỗ: “ Quang Thứ, sinh năm 1953, quê xã Hòa Sơn, Vĩnh Phú, hy sinh ngày 27-4-1975”. Đúng là thằng Thứ bạn thân cùng quê với mình đây rồi. Thằng Nam thấy tim mình nhói đau, cổ họng đắng ngắt. Nó thầm khóc và gọi bạn: “Khổ thân mày quá Thứ ơi! Sao mày lại nằm lại ở cái nơi xa xôi thế này. Mày đã dặn tao là ngày chiến thắng hai thằng sẽ cùng nhau trở về quê hương trung du cơ mà”.
             Mấy tháng sau ngày giải phóng miền Nam, thằng Nam được về phép thăm nhà. Nó phấn khởi lên tàu ra Bắc. Toa xe quân sự toàn là lính quê ở miền Bắc. Những người sống sót sau trận chiến vui trên đường trở về nhà. Suốt hành trình mấy ngày đêm toa tàu luôn râm ran tiếng nói cười. Hầu như thằng lính nào trên đường ra bắc tay cũng xách một cái khung xe đạp, trên nắp ba lô gài một con búp-bê mắt nhắm mở, tóc vàng hoe. Thằng Nam cũng thế. Nhưng nó không mang khung xe đạp mà chỉ có một con búp-bê nho nhỏ.
             Ra đến Hà Nội, thằng Nam chuyển sang tàu ngược Lào Cai. Đến ga thị xã Vĩnh Yên thì quá trưa. Xe ca về huyện ngày chỉ có một chuyến đã chạy từ sáng sớm mà mua được vé cũng rất khó. Thằng Nam quyết định cuốc bộ về làng. Sự háo hức được trở về nhà sau bao năm đi xa thì hơn hai chục cây số đối với nó bây giờ chả là gì so với chặng đường dài hành quân ra trận. Đi một mạch thì chỉ đến gần tối là nó đã có mặt ở nhà rồi. Thằng Nam khoác chiếc ba lô nhẹ tênh trên vai vừa đi vừa ngắm cảnh. Thỉnh thoảng, nghe có tiếng ô tô phía sau nó ngoái cổ lại xem nếu là xe tải thì vẫy xin đi nhờ. Nếu đó là xe con thì thôi, vì chẳng ai cho một thằng lính quèn như nó lên xe, muốn thu tiền cũng khó. Thằng Nam guồng chân cuốc bộ. Chả mấy chốc nó đã đến chỗ ngày xưa từng bị anh công an chặn lại khi đạp xe đi mua quả bóng ở thị xã trở về. Hôm ấy, nó đạp xe bỏ chạy bạt mạng làm rơi mất hai bánh chè mạn khô.  Thằng Nam đang hồi tưởng lại chuyện cũ thì có tiếng còi xe ô tô. Nó ngoái lại và trông thấy một chiếc xe U-oát đang phóng rất nhanh cuốn bụi mù mịt. Biết khó có thể xin đi nhờ nên thằng Nam liền quay mặt tiếp tục rảo bước. Chiếc xe con vượt qua thằng Nam thì phanh kít lại. Một người thò đầu ra hỏi:
            - Đồng chí thượng sĩ có đi nhờ xe không?
            Thằng Nam ngạc nhiên. Nó đi nhanh đến chỗ chiếc xe nhìn người vừa hỏi và reo lên vui mừng:
            - Ối! Chào xã đội trưởng Phạm Bản! Cho em đi nhờ xe về quê với!
            Chiến sĩ lái xe trợn mắt nhìn thằng Nam quặc lại:
            - Ai là xã đội trưởng của cậu hả! Đây là đồng chí thượng úy, tiểu đoàn trưởng của chúng tôi đấy!
             Phạm Bản cũng bảo:
            - Mà mày chào cũng sai bét rồi. Khi mày lên đường nhập ngũ tao vẫn chỉ là xã đội phó cơ mà, có được phục chức xã đội trưởng đâu. Nhưng thôi, chuyện cũ qua lâu rồi, lên xe đi!
            Thằng Nam vội chui vào xe ngồi ở ghế sau. Chiếc xe lập tức chuyển bánh. Phạm Bản và thằng Nam nói chuyện rôm rả, vui vẻ. Bây giờ thì thằng Nam mới biết là ngay sau khi nó lên đường nhập ngũ thì xã đội phó Phạm Bản cũng tái ngũ. Anh vào ngay chiến trường. Với những chiến công xuất sắc và tài năng chỉ huy đơn vị chiến đấu, Phạm Bản được phong cấp, đề bạt chức vụ khá nhanh. Phạm Bản hiện giờ là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn trinh sát. Anh đang đi tiền trạm để chuẩn bị cho đơn vị lật cánh ra làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Trên đường lên biên giới anh tranh thủ tạt qua thăm nhà. Trò chuyện với nhau thằng Nam cũng mới biết nó và Phạm Bản hiện đang ở cùng một quân đoàn. Thượng úy Phạm Bản bảo
             - Nếu mày muốn tao sẽ xin cho chuyển về cùng đơn vị, anh em có nhau.
              - Được thế thì tốt quá anh ạ! - Thằng Nam đáp.
             Xe chạy một loáng đã về đến xã Hòa Sơn. Mới hơn ba giờ chiều. Thằng Nam bảo lái xe cho mình xuống đầu làng Hạ. Tiểu đoàn trưởng Phạm Bản dặn nó khi nào hết phép trở lại đơn vị nhớ sang tiểu đoàn của anh chơi. Thằng Nam gật đầu và chia tay với Phạm Bản. Nó khoác chiếc ba lô rẽ vào làng mình.
             Đến đám ruộng ghềnh đầu làng thằng Nam chợt trông thấy một người phụ nữ trẻ đang nhổ cỏ ở ruộng trồng lạc. Người phụ nữ quay lưng lên phía đường nên không rõ mặt. Người phụ nữ này chỉ còn một cánh tay phải. Một cô bé độ bốn năm tuổi xinh xắn đứng bên cạnh đang líu lo kể chuyện ở lớp mẫu giáo. Nhìn dáng người phụ nữ có vẻ quen quen. Thằng Nam định lên tiếng chào hỏi thì người phụ nữ đột nhiên quay đầu lại. Thằng Nam reo lên vui mừng:
             - Liên... Liên đấy phải không?
             Cái Liên đứng dậy đưa cánh tay phải lên gạt mồ hôi. Tay áo bên trái bay bay trong gió chiều. Cái Liên cũng reo lên vẻ vui mừng không kém:
            - Ôi... Nam... Nam đã về đấy à?
            Đoạn, cái Liên quay sang bảo đứa bé:
             - Hằng, con chào... chú... À không, chào bác Nam đi con!
            Con bé khoanh tay lễ phép: "Cháu chào bác Nam ạ!". Thằng Nam càng ngạc nhiên, có nghe chuyện Liên lấy chồng bao giờ đâu mà con gái đã lớn thế này. Chuyện Liên bị thương trong một trận chiến đấu bắn máy bay thì nó đã biết. Nhưng Liên bị mất hẳn cánh tay trái thế này thì thằng Nam cũng không ngờ. Cái Liên buông nắm cỏ dắt con gái lên đường gặp thằng Nam. Thằng Nam đặt cái ba lô xuống vệ cỏ gỡ con búp-bê gài trên nắp ba lô ra đưa cho bé Hằng:
             - Bác tặng cháu con búp-bê này!
             Con bé thích quá nhưng không dám cầm vì chưa được mẹ cho phép. Nó ngước đôi mắt tròn xoe lên nhìn mẹ. Cái Liên bảo:
             - Nam đem về là để làm quà cho các cháu ở nhà cơ mà!
             Thằng Nam đặt con búp-bê vào tay bé Hằng rồi nói:
              - Thấy anh em mua thì mình cũng mua một con chứ nhà mình có cháu nhỏ nào đâu mà chơi búp-bê.
              Bé Hằng được mẹ cho phép nhận quà thích quá vội cảm ơn bác Nam rối rít rồi ôm con búp-bê áp lên má đu đưa như ru em ngủ. Hai mắt con bé long lanh vì niềm vui sướng bất ngờ. Nhìn con bé thật xinh, thật giống mẹ.
              Trên đường vào làng, thằng Nam hỏi cái Liên về những người đồng đội cũ trong trung đội dân quân thường trực làng Hạ. Cái Liên kể tóm tắt cho thằng Nam nghe mọi chuyện đã xảy ra trong quãng thời gian nó đi xa. Đầu tiên là chuyện của chị Nhân. Bị trụy thai với tay phó tiến sĩ "họ dê" trong chiến đấu chị rất nuồn. Phó tiến sĩ Dương Thụy lại biến mất tăm. Quá mệt mỏi với những lời đàm tiếu chê trách, chị Nhân viết đơn xin đi thanh niên xung phong. Đơn của chị được chấp thuận ngay. Lãnh đạo xã cũng mong chị đi cho đỡ ảnh hưởng thành tích của lực lượng dân quân xã Hòa Sơn nhiều năm quyết thắng. Đầu năm 1973, sau hiệp định Pa-ri, chị Nhân trở về quê lấy chồng. Chồng chị là một chiến sĩ công binh mà chị đã gặp trên tuyến đường Trường Sơn. Anh chồng chị đã công tác trên tuyến đường này hơn chục năm. Anh chồng chị Nhân cũng được về phục viên sau đó. Khi chị Nhân có mang, nhà chồng vui lắm. Họ chờ đợi một đứa cháu đích tôn để nối dõi tông đường.
             Nhưng đứa con chị Nhân sinh ra đã khiến bà mẹ chồng ngất đi. Không ai biết là di chứng chất độc da cam mà chỉ nghĩ đích thị là loài yêu quái lộn kiếp thành người. Thằng con của chị Nhân đầu to hơn cả thân người, không có tai, con ngươi lồi hẳn ra khỏi hốc mắt, tay chân thì co quắp, thiếu ngón. Nó không biết nói, biết đi, chỉ biết ngửa mặt lên trời mà cười. Sau đứa con này, chị Nhân mãi không có thai lại nữa. Anh chồng chị chán nản, sa vào rượu chè, cờ bạc. Bà mẹ chồng thì suốt ngày nguyền rủa chị đem ma quỷ đến nhà. Mặc dù đứa con dị tật ấy chưa chắc chỉ là lỗi của riêng chị. Chị Nhân cắn răng chịu đựng lầm lũi làm lụng nuôi con. Nỗi đau bất hạnh biến chị thành một cái bóng đi về vô cảm. Vào một ngày cuối năm, bà mẹ chồng gọi chị đến trước bàn thờ tổ tiên. Vừa run rẩy kéo vạt áo lau nước mắt, bà vừa nghẹn ngào nói: "Thôi thì mẹ xin cắn rơm, cắn cỏ lạy con! Chồng con là độc đinh, trưởng họ. Con hãy buông tha cho nó. Để nó cưới vợ khác, lấy người nối dõi tông đường, hương khói cho tổ tiên con ơi…". Chị Nhân gạt nước mắt đưa con về ở với mẹ đẻ. Mẹ con, bà cháu dắt díu nhau bỏ làng ra đi. Họ dựng một căn nhà nhỏ gần chân núi Sáng, đói no nhờ vào nương sắn và gánh hàng rau mua đầu chợ, bán cuối chợ của chị.
             Nghe chuyện của chị Nhân thằng Nam thấy buồn quá. Nó hỏi về anh Hừng. Cái Liên bảo:
             - Anh Hừng bây giờ khá hơn rồi. Con gái đầu anh ấy vừa thi đỗ vào trường đại học. Hiện thì anh ấy đang ở ngoài bến sông...
             - Anh ấy làm gì ở ngoài bến sông thế?
             - Anh ấy trông nhà cho lão Vận. - Kể đến cái Liên mới chợt nhớ ra: - Lão Vận chết rồi. Số lão ấy cô đơn, chết không ai biết. Nghe con chó của lão Vận kêu thảm thiết trong nhà bọn trẻ con vạch liếp ngó vào thấy lão ấy nằm còng queo cạnh cái bếp nguội lạnh mới chạy đi báo cho ông Đạt đội trưởng biết. Khi dân làng đến thì lão Vận chết cũng phải đến nửa ngày rồi. Lúc khâm liệm, trong cái quan tài đóng sẵn tìm thấy một lá thư và số tiền lão tích cóp để lại ủng hộ làng Hạ xây dựng lớp mẫu giáo. Lão ấy nghèo nhưng cái tâm thì thật giàu. Anh Hừng ra trông nhà, thắp hương cho lão Vận và tranh thủ kiếm cá trên sông bán thêm tiền nuôi con ăn học.
              Thằng Nam bảo:
              - Thôi bây giờ mình về nhà đã. Tối nay sẽ ra với anh Hừng và thắp hương cho lão Vận. Ngày mai chúng mình cùng đi thăm chị Nhân nhé! Mình sẽ mượn xe đạp đèo Liên, cho bé Hằng cùng đi luôn!
              Cái Liên vội nói:
              - Thế Nam không còn nhớ à?
              - Nhớ cái gì cơ chứ!
              Thằng Nam hỏi lại. Cái Liên nhắc:
              - Mai là ngày giỗ của chị Tình và cái Na. Chúng mình lên nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho họ. Ngày kia hẵng lên chỗ chị Nhân nhé!
             Thằng Nam giờ mới sực nhớ lại cái ngày bi thương sáu năm về trước qua bom Mỹ rơi trúng trận địa Đồi Ma. Nó gật đầu bảo cái Liên:
              - Thôi thế cũng được! Mình về qua nhà cho bố mẹ mừng sau đó lên xã xuất trình giấy nghỉ phép để chính quyền biết, không thì họ lại nghĩ là mình bỏ ngũ về nhà.
             Thằng Nam nói xong chào cái Liên và bé Hằng rẽ vào ngõ nhà mình. Cái Liên nói với theo:
             - Chủ tịch xã bây giờ là ông Vũ Sinh, trưởng công an xã ngày xưa. Phó chủ tịch xã là cái Hiên cùng trung đội dân quân trực chiến với chúng mình thời còn trận địa phòng không trên Đồi Ma đấy…
              Buổi sáng hôm sau đúng hẹn, thằng Nam tìm cái Liên để cùng lên nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Sơn. Căn nhà nhỏ của hai mẹ con Liên ở một góc vườn, trong khuôn viên mấy sào thổ cư của bố mẹ đẻ. Bé Hằng được mẹ xin cô giáo lớp mẫu giáo cho nghỉ một buổi. Thằng Nam, cái Liên và bé Hằng cùng nhau đi bộ lên nghĩa trang liệt sĩ xã. Trông ba người họ giống như một gia đình.
             Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Sơn gần khu nghĩa địa làng Hạ.  Khi thằng Nam và hai mẹ con Liên đến nơi thì thấy một người mặc quân phục đang lúi húi nhổ cỏ bên mộ chị Tình. Mùi hương trầm thoảng thơm ngát. Nghe tiếng động, người mặc quân phục ngẩng đầu nhìn. Cái Liên bật kêu lên:
             - Anh Thức! Anh cũng về thăm chị Tình à?
             - Chào cô Liên và cậu…
             Cái Liên vội đỡ lời anh Thức:
             - Đây là anh Nam, cũng là dân quân làng Hạ ngày xưa đấy!
             - A… nhớ ra rồi. Tại cậu mặc quân phục trông khác quá, mình không nhận ra ngay!
             Anh Thức nhớ ngày chị Tình hy sinh nên về thắp hương cho chị. Anh Thức cùng thằng Nam và cái Liên bày hoa quả trên mộ chị Tình và mộ cái Na. Họ thắp hương cắm lên mộ của hai người và các mộ liệt sĩ xung quanh. Đã gần trưa. Có tiếng còi xe con giục phía dưới chân đồi, anh Thức chào mọi người để trở về đơn vị. Anh Thức đi rồi cái Liên bảo thằng Nam:
             - Chúng mình sang bên kia thắp cho lão Vận một nén hương nhé!
             Ba người dắt nhau sang khu nghĩa địa nhân dân. Họ cùng đứng lặng hồi lâu trước một nấm mộ nhỏ bé lấp khuất dưới một lớp cỏ hoang dại um tùm…

                    (hết)                                                                     Hà Nội, 11-2014


2 nhận xét:

  1. Truyện hấp dẫn quá. Cảm ơn Trọng Bảo .

    Trả lờiXóa
  2. Gửi Hai Nguyen: Cám ơn Hai Nguyen đã đọc tiểu thuyết của TB. Chúc năm mới thành công mới!

    Trả lờiXóa