Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Truyện ngắn MA Ở CẦU AO (phần 1)

       

MA Ở CẦU AO
Truyện ngắn của Trọng Bảo
Làng tôi ngày xưa người thưa. Mấy chục nóc nhà nhưng hầu như gia đình nào ngoài khoảnh vườn trồng cây ăn quả cũng đều có một cái ao để thả cá. Cái ao nằm giữa vườn cây tạo nên phong cảnh thật hữu tình. Bên này ao anh ngồi câu cá, bên kia bờ cô gái giặt áo, vớt bèo. Những mối tình nảy nở. Những bóng hình lứa đôi soi bóng nước ao nhà. Những cái ao ngày ấy rất rộng và trong xanh và trong mát. Những trưa hè, tụi trẻ con trong làng thường nhảy ùm xuống ao tắm. Một đoạn cây chuối mấy thằng bám vào bì bõm tập bơi.
Phía sau nhà tôi là một cái ao rất rộng, có lẽ phải đến mấy mẫu Bắc bộ. Cái ao này vốn là của gia đình địa chủ Vũ Bân. Thời cải cách ruộng đất ao được chia cho mấy gia đình bần cố nông cùng chung nuôi cá, thả bèo cho lợn. Đến thời kỳ hợp tác xã thành lập cái ao được công hữu trở thành tài sản chung. Đội sản xuất vừa thả cá vừa tích nước để chống hạn. Bố tôi vào rừng tìm đến nơi cánh thợ xẻ đang khai thác xin một tấm bìa gỗ lim đem về. Ông đục đẽo, chôn cọc làm một chiếc cầu ao. Cái cầu ao sau nhà là nơi đãi gạo, rửa rau, rửa chân và dụng cụ khi đi làm đồng về. Cầu ao cũng là nơi tôi hay ngồi câu cá. Cạnh cầu ao là một gốc sung già cành chi chịt những quả. Quả sung chín rụng tõm xuống ao làm mồi cho cá đớp.
Tôi rất thích đi câu cá. Bọn chúng tôi có những chiếc cần câu trúc uốn cong rất đẹp và dẻo. Chúng tôi thường kéo nhau đi cả buổi lên rừng tìm cần câu. Quê tôi ngày ấy rừng già rậm rạp, có những cây gỗ quý như lim, de, rùa mấy người ôm không xuể. Những bụi tre, bụi trúc, rừng rui cũng nhiều, tha hồ mà chọn những cây trúc, cây rui thật suôn, thật thẳng về uốn làm cần câu. Mỗi đứa chúng tôi đều có đủ các loại cần câu. Cần câu cá trê, cá chuối phải cứng, cần câu cá rô, cá diếc phải mềm, phải dẻo, cần câu tôm càng thì chỉ là những thanh tre vót mảnh như cái tăm. Những cái ao trong làng ngày ấy rất nhiều các loại cá hoang hay cắn câu như cá trê, cá rô, cá chuối, lươn, trạch...
 Câu cá ở ao cũng là cả một nghệ thuật và sự kiên trì. Cá rô ta thường gọi là rô đồng ăn nhạy nhưng khó dính vào lưỡi câu. Trừ loại cá rô phi là ham mồi, có con bị giật trượt rách cả mép vẫn cứ lau nhau lao vào đớp mồi. Cả đàn xoắn xuýt quanh mồi câu, có lúc giật lên thấy lưỡi câu móc cả vào bụng cá. Cá trê thì chậm bắt mồi câu nhưng khi đã đớp mồi thì thường nóng vội kéo vút đi ngay. Đêm cá trê hay cắn câu hơn ban ngày. Nhưng ngồi câu đừng ngủ gật, lỏng tay cần, cá kéo mạnh lôi luôn cần câu ra giữa ao, trời thu lạnh ngại lội xuống vớt. Có đêm gặp đàn cá ham mồi tôi giật được cả vài chục con cá trê màu vàng ươm. Cá trê kho nục hoặc cá trê nướng ăn đều ngon. Câu cá chuối là cả một sự kiên trì và khôn khéo. Cá chuối cái đẻ trứng hoặc đang nuôi con nhỏ thường dễ câu hơn. Chí cần móc lưỡi câu vào một con trạch hay con nhái còn sống thả vào đàn cá con là sẽ giật ngay được con cá cái. Cá chuối cái ham con, rất quyết liệt bảo vệ con, thấy có con vật nào ngoe ngoảy giữa đám con của mình là sẽ lao đến đớp ngay. Khi con cá cái bị vướng lưỡi câu, con cá chuối đực vẫn tiếp tục bảo vệ đàn con đến khi chúng lớn mới thôi. Câu được cả con cá đực này không phải là dễ. Mùa thu ao cạn, nước trong veo, nhìn rõ cả con cá chuối nằm im gần bờ. Nó gần như bất động. Muốn câu được nó phải nấp thật kín, cần câu phải thò ra thật nhẹ nhàng, không để gây ra tiếng động và điều quan trọng nhất là phải thả mồi câu ở xa về phía đuôi của con cá. Cá chuối rất thính. Khi thấy động ở phía sau nó sẽ quay ngoắt lại và đớp mồi. Còn nếu thả mồi ngay phía trước mặt nó thì nó lập tức phóng vút ngay ra giữa ao lặn mất tăm.
 Năm tôi đang học dở lớp 10 thì giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Đám học trò cuối cấp ba chúng tôi lần lượt lên đường nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu. Con gái cũng xung phong ra trận. Ngày ấy thanh niên nam nữ ít người còn ở lại hậu phương. Khi chưa có lệnh gọi nhập ngũ, chúng tôi vẫn phải gắng sức học hành cho thật tốt. Lớp học sơ tán vào trong rừng cọ. Khi máy bay ném bom bắn phá rát quá thì nhà trường cũng tạm cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Buổi đêm, giáo viên chia nhau xuống các xóm dạy cho từng nhóm học sinh. Làng tôi có năm đứa cùng học lớp 10. Chúng tôi tụ tập ở nhà cái Thường gần chân đồi để thầy cô giáo đến hướng dẫn học bài mới. Đêm đến làng xóm vắng lặng. Người già, trẻ con ở luôn trong lán trại nơi sơ tán đề phòng máy bay Mỹ thả bom trúng xuống làng. Ở làng buổi đêm chủ yếu chỉ còn các dân quân làm nhiệm vụ tuần tra canh gác và đám học sinh lớn chúng tôi.
 Đêm ấy yên tĩnh. Máy bay giặc Mỹ không quần đảo trên bầu trời như hằng đêm. Trăng cuối tháng mờ ảo. Chúng tôi được thầy cho nghỉ học sớm để chuẩn bị sáng sớm tinh mơ ngày mai đi đưa tiễn gần hai chục thanh niên trong xã lên đường nhập ngũ. Tôi về đến nhà thì đã nửa đêm. Cả nhà đang ở nơi sơ tán. Cất sách vở và cái đèn dầu vào góc bàn tôi tìm cái cần câu đi ra cầu ao phía sau nhà. Mồi câu là những chú giun tôi đã chuẩn bị sẵn từ chiều để trong cái ống tre. Đêm làng quê mờ ảo trong ánh trăng hạ huyền. Vừa chui định qua bụi chuối tiêu sát bờ ao thì tôi giật mình sững lại. Có tiếng nước khua nhè nhẹ ở cầu ao. Tôi hơi hoảng hốt khi trông thấy có một bóng người mờ mờ trắng ngồi trên cầu ao, mái tóc dài rũ xuống nổ lênh phềnh trên mặt nước. Tôi cố căng mắt ra nhìn. Mặt trăng cuối tháng đã mòn lại chui vào mây nên không trông rõ ràng. Là người hay là ma. Khi tôi còn nhỏ bà và bố mẹ thường bảo ở cái cầu ao có một con ma. Lớn lên tôi mới hiểu là bà và bố mẹ dọa lũ trẻ con chúng tôi như vậy để khỏi ra chỗ cầu ao chơi ngã chết đuối. Biết vậy những tôi cũng thấy hơi sờ sợ. Cái cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng. Mặt trăng dần chui ra khỏi đám mây. Tôi căng mắt ra nhìn. Đúng là có một người, một con ma nữ đang ngồi trên cầu ao. Một con ma nữ khỏa thân. Màu trắng xanh mờ là của làn da. Màu đen như mun là mái tóc. Tôi tự nhủ nếu là người thì là ai nhỉ. Mấy nhà bên cạnh đều đi sơ tán hết và không nhà nào có con gái lớn. Nếu là ma thì có lẽ đây là lần đầu tiên tôi gặp ma. Tôi thấy run bắn, tim đập thình thịch. Tôi định bỏ chạy nhưng hai chân cứ ríu lại. Khi còn nhỏ thể trạng tôi yếu ớt, ngủ mê hay gặp ác mộng. Lớn lên tuy có khá hơn nhưng tôi vẫn hơi sợ mỗi khi nghe chuyện ma quỷ.
Trăng bỗng như sáng hơn. Con ma nữ khỏa thân đột nhiên đứng dậy trên chiếc cầu ao. Mái tóc nó dài bay bay theo gió. Hay là người không phải là ma? Tôi rướn người lên nhìn. Đó là một người con gái nhưng có lẽ là ma. Người con gái ma nữ ấy đứng kiễng chân trên cái cầu ao mong manh. Đôi chân trắng thon láng nước. Hai cánh tay ma nữ ra như muốn tắm cả ánh trăng nữa. Tôi không nhìn rõ khuôn mặt con ma vì mái tóc đen dày bay che khuất, con ma lại nhìn ra phía giữa ao. Không dám thở mạnh, tôi cố nhấc chân để lùi lại mắt vẫn chăm chú nhìn về phía cầu ao. Tay phải cầm cái cần câu của tôi chợt chạm vào một tàu lá chuối khô tạo nên tiếng sột soạt nhè nhẹ. Con ma nữ giật mình quay lại, hai ban tay bưng lấy ngực. Tôi hốt hoảng ngồi thụp xuống. Con ma đứng yên trên chiếc cầu ao nhìn chăm chăm vào bụi chuối tiêu. Một cơn gió bất ngờ thổi mạnh. Những tàu lá chuối khô trước mặt tôi đu đưa qua lại sào sạc. Có lẽ nhận ra đó chỉ là một cơn gió nên con ma nữ yên tâm. Vẫn nhìn về phía bụi chuối, con ma nữ từ từ buông hai bàn tay ra khỏi ngực. Tôi bàng hoàng khi thấy một cơ thể trần trụi trắng xanh, một bộ ngực con gái tràn đầy vênh lên lấp lóa trong ánh trăng. Tôi nhìn rõ từng chi tiết, những đường cong đầy hấp dẫn ma mị trên cơ thể con ma nữ nhưng vẫn không trông rõ mặt con ma bởi mái tóc đen dài bị gió thổi tung tràn che lấp mất khuôn mặt. Đứng yên một lát rồi con ma nữ trụt xuống ao biến mất. Một vệt sóng xô về phía bên kia bờ ao nơi có một khu vườn rậm rạp, sẫm tối bóng đêm. Mặt trăng cũng sa xuống thấp khất dần vào những đám mây vần vũ chân trời phía tây.
 Phải mất một lúc sau tôi mới định thần để quay vào nhà. Hình ảnh con ma nữ khỏa thân ở cầu ao sau nhà cứ ám ảnh mãi trong đầu tôi. Tôi chợt tỉnh sau giấc ngủ chập chờn. Có tiếng gọi ngoài cổng. Đã gần sáng. Tôi vội bật dậy để theo đám bạn trong lớp đi đưa tiễn những người lên đường nhập ngũ hôm nay. Chúng tôi đến chỗ tập trung của xã thì trời sáng hẳn. Trên một bãi đất rộng dưới tán rừng lá cọ có một tấm phông trang trí đơn giản để làm lễ giao nhận quân. Thanh niên nam nữ trong xã có mặt rất đông. Những chiến sĩ dân quân vao mang súng, lưng đeo vòng ngụy trang. Những thanh niên nhập ngũ hôm nay đã được phát ba lô, quân phục mới tinh. Tiếng nói cười râm ran, có cả những giọt nước mắt của những người thân đưa tiễn con em ra trận.
Tôi đang len lỏi giữa đám đông thì có tiếng gọi giật phía sau:
- Nguyên ơi!
Đó là tiếng con gái. Tôi vội quay lại. Một người con gái mặc bộ quân phục mới tinh, vai đeo ba lô, đầu đội chiếc mũ mềm, mái tóc ngắn đang chen đến. Tôi vô cùng ngạc nhiên nhận ra đó là chị Sinh. Chị Sinh là người cùng làng. Chị Sinh hơn tôi hai tuổi. Tôi vội hỏi ngay:
- Chị... chị cũng đi bộ đội đợt này à?
- Ừ! Mình được biên chế về đơn vị thông tin. Nguyên thấy mình mặc quân phục có đẹp không?
Quả là bộ phân phục mới rất vừa vặn với cơ thể của chị. Tôi bảo:
- Đẹp... nhưng mà con gái mà mặc quân phục vào trông hơi... cưng cứng và khô khô thế nào ấy chị ạ!
- Hừ... Thôi, Nguyên ra đây mình nhờ một chút!
Chị Sinh nói giọng nhẹ như tiếng gió. Chị có vẻ hơi mếch lòng. Chị đang vui vì được mang trên mình bộ quần áo bộ đội mới tinh thế mà lại có người chê thẳng thắn thế. Chị túm lấy tay tôi kéo ra chỗ gốc cây cọ ở bìa rừng. Đặt chiếc ba lô xuống vừa mở cái túi cóc chị Sinh vừa ngập ngừng hỏi tôi:
- Tối hôm qua Nguyên có đi câu cá không?
Tôi giật mình ấp úng:
- Không... không... hôm qua em đi ngủ từ chập tối...
- Thế thì tốt...
Chị Sinh thở phào. Tôi cố dấu sự bàng hoàng, lúng túng. Hóa ra con ma nữ khỏa thân đêm qua ở cầu ao chính là chị Sinh. Nhà chị ở mãi giữa xóm sao lại ra tắm đêm ở cái ao cạnh nhà tôi thế này. Nhưng mà con ma nữ đêm qua tóc nó rất dài còn mái tóc của chị Sinh thì lại rất ngắn.
Chị Sinh lấy trong túi cóc ba lô ra cái gói bằng một chiếc khăn mù xoa thêu hoa đưa cho tôi rồi bảo:
- Khi nào anh Diện đi học ở nước ngoài về nhờ Nguyên đưa cho anh ấy nhé!
- Cái gì đây hả chị?
Tôi hỏi lại và nắn nắn cái gói. Bàn tay tôi có cảm giác thấy một sự mềm mại. Chị Sinh khoác chiếc là lô lên vai rồi bảo:
- Là búi tóc của mình đấy! Mình cắt gửi lại cho anh Diện giữ làm kỷ niệm trước khi ra chiến trường, để anh ấy luôn nhớ đến mình mãi mãi. Anh ấy rất thích vuốt mái tóc dài này của mình.
Thì ra vậy. Thảo nào mà mái tóc của chị lại ngắn như vậy. Anh Diện và chị Sinh yêu nhau đã lâu, rất thắm thiết. Nhưng họ chưa tổ chức đám cưới vì anh Diện được cử đi học ở tận Liên-xô. Anh ấy là con trai duy nhất của một người liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp. Đối với tôi anh Diện còn là chỗ họ hàng xa. Cầm gói tóc thơm mùi bồ kết của chị Sinh tôi cứ bần thần mãi. Vậy con ma nữ khỏa thân đêm qua ở cầu ao đúng là chị Sinh rồi. Chị ấy thật là đẹp. Sau này khi đọc nhật ký của chị Sinh tôi mới biết là chị muốn tắm ở cái ao làng trước khi ra trận, vẫy vùng ở biển lớn. Cũng chính từ cái ý nghĩ đầy mộng mơ và vô cùng lãng mạn ấy của chị mà tôi lần đầu tiên được tận thấy một tuyệt phẩm của tạo hóa.
 Lúc chuẩn bị lên xe để về đơn vị chị Sinh nói nhỏ với tôi:
 - Mình biết đêm qua Nguyên có đi câu cá... Nhưng Nguyên đừng nói với ai đã chuyện gặp... ma ở cầu ao nhé! Mình đi đây, hẹn ngày chiến thắng gặp lại...
 Chị Sinh giơ tay bắt tay tôi thật chặt. Bàn tay chị nóng bỏng. Tôi ngỡ ngàng nhìn theo chị Sinh. Chiếc ba lô đeo kéo vít ra phía sau làm vồng ngực chị căng lên tròn trịa. Chiếc xe chở tân binh rẽ ngoặt phóng ra hướng quốc lộ. Bụi đường bay lên mù mịt.
Đó là một ngày cuối năm 1972...
(hết phần 1)                                                                Hà Nội, 25/11/2015


2 nhận xét:

  1. Câu chuyện này của Trọng Bảo thực sự là đã cuốn hút tôi . "Nỗi buồn chiến tranh". Tôi đã đọc hết hai phần của câu chuyện. Cảm ơn Trọng Bảo

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Hai Nguyen đã ghé thăm và đọc truyện ngắn này của tôi. Chúc một năm mới mạnh khỏe, an khang!
      Trọng Bảo

      Xóa