Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 35)

 

 
       

          TRĂNG LẠNH
          Truyện dài của Trọng Bảo

           Đã lâu lắm rồi cái Liên lại mới lại được cùng chị Nhân trực chiến ban đêm trên trận địa Đồi Ma. Mấy tháng vừa rồi do mất khẩu súng CKC nên cái Liên bị đưa về tuyến sau làm công tác hậu cần và chịu sự quản lý, theo dõi rất chặt chẽ của công an. Khẩu súng tìm thấy, cái Liên cũng được trở lại trận địa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cùng anh chị em trong trung đội.
            Hai chị em nằm gác chân lên nhau rì rầm trò chuyện trong căn nhà hầm. Giống như nhiều lần trước đây, cái Liên nằm nghiêng vòng tay ôm lấy chị Nhân. Nó chợt kêu lên thảng thốt:
           - Sao... sao... ngực chị lại to lên nhiều thế này?
           Chị Nhân vội bịt miệng cái Liên lại và bảo:
           - Mày chỉ được cái hay vớ vẩn! Tao... của tao vẫn như thế thôi, có gì khác đâu. Mà mày khe khẽ cái mồm thôi, thằng Nam và thằng Biên ở hầm bên cạnh vẫn chưa ngủ đâu, chúng nó nghe thấy bây giờ!
            Cái Liên thò tay nắn lại ngực chị Nhân một lần nữa rồi thầm thì với vẻ băn khoăn:
            - Đúng mà! Đúng là to hơn hẳn... Chị và cái tay phó tiến sĩ "họ dê" kia đã làm gì nhau rồi phải không?
             Chị Nhân vội chối đây đẩy:
             - Không có... làm gì có chuyện ấy!
             - Em không tin...
             Cái Liên nói rồi lật người nằm ngửa nhìn lên nóc nhà. Đêm nay trời nhiều mây nên tuy giữa tháng song mặt trăng không lúc nào ló rạng. Trong căn nhà hầm ánh sáng mờ đục như giữa vùng sương mù. Cây đèn phòng không để trong hốc đất nhỏ ở góc nhà tỏa ra một thứ ánh sáng thật âm u, khó chịu. Nó biết chắc là chị Nhân nói dối. Cứ nhìn cái dáng đi, ánh mắt long lanh ươn ướt của chị Nhân là nó đoán biết hết mọi chuyện đã xảy ra trong thời gian nó bị quản thúc. Các cụ đã bảo: "Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó" quả là không sai. Biến đổi của cơ thể người con gái không thể dấu nổi khi họ đã yêu và đã cho và nhận. Cái Liên chợt thấy trong lòng mình có một nỗi buồn miên man cứ dâng dâng lên mãi. Nỗi buồn này khác hẳn với sự buồn bã, lo lắng khi để mất khẩu súng. Trong thời gian khẩu súng bị mất chưa tìm thấy trong lòng nó là nỗi buồn và sự sợ hãi thường trực hằng ngày rất căng thẳng, cồn cào và bức bối. Còn bây giờ thì là một sự lo lắng rất đỗi bâng quơ, một nỗi buồn man mát, miên man từ mãi trong tận sâu thẳm lòng người. Nỗi buồn này không phải của hôm nay mà như là của những ngày đang tới. Cái Liên cảm thấy hơi lo lắng cho chị Nhân, người mà nó luôn coi như một người chị gái thân thiết, một người bạn và người đồng đội. Nó linh cảm thấy một điều gì đó không an lành, không sáng trong, giống như ánh trăng đêm nay đang dần dần chuyển dịch đến gần với chị Nhân. Cái Liên chợt thấy lo lắng, bất an. Nó lật người ôm lấy chị Nhân thật chặt. Chị Nhân giật mình cố gỡ vòng tay nó ra và hỏi:
            - Mày bị làm sao thế?
            - Em thấy lo cho chị lắm!
            Chị Nhân an ủi:
            - Có việc gì mà mày lại phải lo lắng đến thế?
            - Em không tin cái tay phó tiến sĩ ấy lắm!
            - Anh ấy làm sao mà mày lại không tin?
            Cái Liên đắn đo một lát rồi bảo:
            - Thì... em có linh cảm là...
            - Mày là hay linh cảm linh tinh lắm.
            Cái Liên hỏi sang chuyện khác:
            - Nghe nói hôm trước bố mẹ đẻ của tay phó tiến sĩ ấy lên tận đây hả chị?
            - Ừ! Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật trung ương mà bố anh ấy làm hiệu trưởng, mẹ là giảng viên đã sơ tán về ở trên vùng Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang. Bố mẹ anh ấy tạt qua làng Hạ thăm con...
            - Thế hai ông bà ấy có gặp chị không?
            - Có...
            - Họ bảo thế nào?
            - Bảo thế nào là sao?
            Cái Liên sốt ruột:
            - Thì... họ có chấp nhận chị không?
            - Tại sao họ lại phải chấp nhận! Tao và anh ấy có nói chuyện gì đâu. Anh Thụy chỉ giới thiệu với bố mẹ anh ấy rằng tao là người làng Hạ, là chiến sĩ dân quân cùng đơn vị mình thôi!
             Cái Liên khẽ thở dài:
             - Chị dại quá! Sao chị không nói ra luôn với ông bà ấy để xem thái độ, phản ứng của họ ra sao chứ! Cứ ậm ừ mãi thì họ biết chị là thế nào?
             - Mày thật vớ vẩn. Sao lại nói chuyện ấy ra cơ chứ, ngượng lắm.
             Cái Liên vẻ hơi bực:
             - Nhưng hắn không nói ra, chị cũng không dám nói ra thì biết thái độ của họ thế nào. Lỡ họ không chấp nhận chị thì sao. Em nghe nói là đám con trai thành phố là chúa hay hoa lá cành...
             Chị Nhân cũng thấy hơi lo lo. Nhưng chị vẫn nói để cái Liên yên tâm:
             - Anh ấy hứa hết chiến tranh sẽ đưa tao về thủ đô thăm hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột… Nhà anh ấy gần chợ Đồng Xuân đấy!
             - Việc ấy có gì là ghê gớm! Hết chiến tranh hoặc là chả cần hết chiến tranh, hôm nào tình hình yên yên một chút, em sẽ đưa chị đi chơi Hà Nội một chuyến cho biết!
             Chị Nhân biết là cái Liên đã từng được nhà trường cho đi thăm thủ đô Hà Nội khi nó là học sinh giỏi, năm học lớp 7 giành được giải nhì môn toán toàn tỉnh. Chị nói thêm cho nó yên lòng:
             - Anh ấy hứa khi nào hết chiến tranh sẽ xin cho tao vào học tại trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật mà bố anh ấy đang làm hiệu trưởng.
              Cái Liên nghi ngờ:
             - Sao lại phải hết chiến tranh! Bây giờ trường ấy đã sơ tán về gần quê mình đây rồi. Chị nói với anh ấy xin cho đi học luôn có phải tiện không!
             - Nhưng... tao với mày lúc này còn đang là những chiến sĩ dân quân thường trực sẵn sàng chiến đấu cơ mà?
             - Vứt mẹ cái chức danh chiến sĩ dân quân ấy đi. Mà chị chả từng nói là chiến tranh mỗi người một nhiệm vụ, ra mặt trận hay ở hậu phương, đi học đều cần thiết cả. Nhiệm vụ học hành để xây dựng đất nước sau này chả rất quan trọng à. Chị có điều kiện thì cứ đi học đi, đánh nhau để bọn em. Nếu ai cũng chỉ biết hăng hái lao đầu vào cuộc chiến đấu với quân thù thì đến khi chiến thắng, lúc hòa bình rồi sẽ toàn là một đám lính trận chuyên đánh đấm, xây dựng làm ăn kinh tế, phát triển đất nước thế quái nào được?
             Chị Nhân im lặng. Cái Liên nói rất đúng nhưng để làm được như vậy không phải là dễ. Chị tin ở tình yêu. Nhưng chị cũng hiểu từ tình yêu đẹp đến với cuộc sống hạnh phúc thực tế còn là một khoảng cách rất xa.
             Chị Nhân chợt hỏi:
             - Lâu nay mày có nhận được thư của thằng Xuyên không?
             - Không chị ạ! Nghe nói bọn hắn đã vào sâu lắm rồi! Thư từ không gửi ra được nữa.
              - Mong rằng những người làng ta sẽ bình yên trở về...
              Chị Nhân nói và ôm chặt lấy cái Liên. Có một cơn gió lùa vào căn nhà hầm. Ngọn gió mang theo cái không khí ẩm ướt của trận mưa lúc ban chiều. Hình như phía thượng nguồn mưa lớn. Tiếng nước sông Phó Đáy chảy ầm ào. Thằng Nam trở dậy để xuống bến sông với lão Vận đi bắt cá. Nó nói vóng sang báo cho chị Nhân và cái Liên biết rồi tụt nhanh xuống dốc đi về phía dòng sông đang cuồn cuộn chảy...

              (còn nữa)                                   Hà Nội, 11-2014 

     

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 34)

 

 
       

       TRĂNG LẠNH
          Truyện dài của Trọng Bảo

          Đêm trăng sáng.
          Bờ đê ướt đẫm ánh trăng.
          Một vùng trung du bất chợt thật bình yên trong một đêm chiến tranh. Khoảng không gian đêm về như lắng xuống sau một ngày ồn ào vật vã của gió, của nắng, của tiếng bom rơi, đạn nổ cùng tiếng gầm rít của những chiếc phi cơ chiến đấu bay dọc, xiên ngang xé nát cả bầu trời. Đêm trở về thanh thản cho lòng người thanh thản sau bộn bề bao nỗi lo toan. Ánh trăng là của sự thanh bình, bao đời nay vẫn thế. Khói lửa của đạn bom không thể làm vẩn đục được mãi một khoảng trời xanh của ánh trăng thanh.
          Trăng sáng ngời ngời. Ánh trăng tràn xuống những xóm làng còn đang thấp thỏm bởi bao nỗi lo mất mùa đói kém và nạn bom rơi, đạn lạc. Ánh trăng chảy dài theo dòng nước con sông Phó Đáy trông như dát bạc long lanh. Dòng sông nhỏ nhoi về khuya vẫn lặng lẽ tải phù sa xuôi hướng đồng bằng. Con đò cũ kỹ nằm im lìm trên bến vắng gác mái chèo dưới ánh trăng thanh. Những bãi ngô non thẫm xanh hai bên bờ dòng nước chảy. Cây cầu sắt mong manh bắc qua con sông nhỏ cũng thật mong manh. Dưới ánh trăng xanh cây cầu màu xám nằm ngang qua dòng nước bạc trong giống tựa như một chiếc bút chì đặt trên trang giấy trắng tinh nguyên. Trận địa pháo phòng không mới xây dựng bên sông tĩnh lặng trong đêm cảnh giác. Những nòng pháo in trên nên trời đầy ánh trăng như những dấu sắc trong vở học trò.
           Hai người sánh bước bên nhau trên triền đê vắng, tay trong tay.
           Đây là lần đầu tiên hai người hẹn hò, đi chơi vơi nhau. Cũng là nhờ có nhiệm vụ mà nên. Trung đội dân quân làng Hạ của chị Tình được giao nhiệm vụ sang sông từ sáng sớm nay. Họ giúp đơn vị pháo cao xạ của trung úy Thức xây dựng trận địa trên một gò đất ở ven sông Phó Đáy. Trận địa đơn vị pháo cao xạ 37ly chủ yếu làm nhiệm vụ "đón lõng" chặn đánh các tốp máy bay Mỹ từ trên dãy núi Tam Đảo lao xuống bắn phá thủ đô Hà Nội và cùng các lực lượng khác tham gia bảo vệ cây cầu sắt bắc qua sông. Trung đội dân quân làng Hạ rất phấn khởi vì có một đơn vị cao xạ của bộ đội phối hợp bảo vệ mục tiêu trên quốc lộ 2C. Theo kế hoạch của ban chỉ huy quân sự xã Hòa Sơn, chị Tình trực tiếp dẫn hai tiểu đội qua sông giúp đỡ bộ đội. Họ mang theo cơm nắm ăn trưa để làm việc cả ngày. Khi máy bay Mỹ không hoạt động các chiến sĩ pháo cao xạ và dân quân vừa đào công sự, đắp ụ để pháo vừa hò hát rất vui vẻ. Những lúc có tiếng động cơ máy bay thì họ nhanh chóng cơ động xuống sát bờ sông nơi có những lũy tre dày và bờ đất cao để ẩn nấp, phòng tránh. Họ làm việc khẩn trương để đến đêm, khi công sự, ụ pháo làm xong những khẩu 37ly sẽ được đưa ngay vào trận địa sẵn sàng chiến đấu. Buổi trưa, bộ đội và dân quân quây quần dưới những bụi tre um tùm sát bờ sông cùng ăn cơm. Đám lính trẻ tranh nhau những nắm cơm độn sắn chấm muối vừng của dân quân. Họ nhường cho các cô gái những bát cơm nóng do nuôi quân nấu tận trong chân núi vừa đem ra.
          Đến cuối buổi chiều, trận địa pháo phòng không 37ly đã cơ bản hoàn thành. Trung đội trưởng Tình định dẫn đơn vị trở về bên kia sông thì trung úy Thức đề nghị chị em dân quân ở lại giúp bộ đội đưa pháo vào công sự, trận địa. Khi những khẩu pháo đã yên vị trong công sự, vươn nòng lên trời cao thì trăng cũng đã nhú lên. Ánh trăng tràn vào trận địa. Bộ đội và dân quân quây quần bên mâm pháo cùng vui một bữa liên hoan chung. Hôm nay cũng đúng là kỷ niệm ngày thành lập đơn vị pháo cao xạ nên bữa ăn có nhiều món hơn. Sau bữa tối, đám lính trẻ và dân quân còn ngồi quanh mâm pháo hò hát mãi rồi mới chia tay nhau. Trung úy Thức đề nghị trung đội trưởng dân quân ở lại "rút kinh nghiệm công tác và bàn phương án hiệp đồng chiến đấu". Cái Liên nghe thấy thế hơi bữu môi. Nó giả bộ nghiêm mặt nói vẻ đáo để:
           - Dân quân làng Hạ chỉ có mỗi một trung đội trưởng thôi đấy nhé! Anh đừng có bắt cóc mất mà chúng em không có người chỉ huy đâu. Sáng mai mà chị Tình không về chúng em sẽ sang tận nơi đòi người đấy!
           Trung úy Thức cười bảo:
            - Cứ yên trí! Anh sẽ đưa trung đội trưởng của các em về tận trận địa an toàn tuyệt đối!
            - Thế thì tụi em yên tâm rồi!
            Trước khi chạy theo lũ bạn, cái Liên còn cố ghé tai chị Tình nói nhỏ:
            - Chị phải tóm thật chặt lấy anh trung úy đẹp giai ấy nhé!
            Chị Tình hơi giật mình vì cái Liên nói như vậy. Con ranh này như đang đi guốc trong bụng người khác. Chị lên giọng khẽ nạt nó:
            - Mày im đi! Không được nói linh tinh. Tao ở lại một tý có nhiệm vụ quan trọng cần trao đổi với các anh bộ đội. Lát nữa sẽ về ngay.
            Cái Liên vẫn chưa tha:
            - Chả có nhiệm vụ nào là quan trọng hơn đâu! Đừng có bỏ phí một đêm trăng rất đẹp thế này chị ơi! Thôi em về trước đây...
             Nói xong nó chạy biến luôn. Trung úy Thức mời chị Tình vào trong căn nhà bạt dành cho chỉ huy đại đội. Anh tìm trong ba lô đưa cho chị mấy cuốn sách hướng dẫn về phương pháp huấn luyện bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh. Kèm theo trong mấy cuốn sách huấn luyện ấy là một cuốn sổ ghi chép bìa cứng rất đẹp và một cây bút Trường Sơn mới tinh anh tặng chị. Cây bút và cuốn sổ này là phần thưởng của anh tại đại hội thi đua quyết thắng của trung đoàn. Chị Tình cất cuốn sổ và mấy tập sách giáo khoa về quân sự vào cái túi vẫn đeo theo bên người. Đoạn, hai người cùng nhau đi lên bờ đê.
            - Trăng đẹp quá! - Chị buột miệng thốt lên.
            - Trăng đẹp và người... cũng đẹp...
            Anh nói và cầm lấy tay chị. Chị Tình hơi giật mình vì hành động đột ngột của anh. Nhưng chị không rút tay lại. Chị để bàn tay nhỏ nhắn của mình trong bàn tay thô ráp vì kéo pháo nhưng ấm áp của anh.
            Họ nắm tay nhau đi giữa ánh trăng vàng. Bờ đê ướt đẫm ánh trăng.
            Hai người dừng lại ở một quãng đê khá xa trận địa pháo phòng không. Từ đây có thể nhìn rõ ngọn Đồi Ma bên kia sông. Họ ngồi sát bên nhau nói đủ chuyện. Họ kể cho nhau nghe về những kỷ niệm từ thuở ấu thơ, những tháng năm gian khổ khi họ là người chiến sĩ, người dân quân. Trời về khuya, sương đêm buông xuống thêm dày. Chị ngả đầu vào vai anh. Vai anh thật ấm. Anh là chàng trai quê biển, chị là cô gái miền rừng. Chiến tranh đã đưa họ đến với nhau trong một đêm trăng huyền ảo như thế này. Đó là điều mà không ai trong hai người trước khi gặp nhau từng nghĩ đến. Chị mong hết chiến tranh để về miền quê biển cùng anh. Anh mong ngày hòa bình để xây một mái nhà nho nhỏ bên bờ sóng của đại dương mênh mông.
            Anh đặt môi lên má chị. Lần đầu tiên chị biết đến nụ hôn. Trái tim chị đập mạnh như muốn vỡ tung. Chị thấy cơ thể mình như đang tan chảy ra. Hai người ôm chặt nhau không muốn rời. Họ ngồi bên nhau trên bờ đê cho tới tận lúc trăng tà.
             Anh đưa chị qua cầu đến tận chân trận địa Đồi Ma. Người lính chia tay cô dân quân trở để về trận địa bên kia sông...

             (còn nữa)                               Hà Nội, 11-2014

 

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 33)

 



     TRĂNG LẠNH
      Truyện dài của Trọng Bảo

        Vũ Sinh rất cay cú về việc thằng Nam tìm được khẩu súng CKC bị mất. Rõ ràng là một cán bộ công an, người hôm nào trên dãy núi Sáng rậm rạp từng tìm ra nơi tên phi công Mỹ ẩn náu hẳn hoi mà lại không bằng một thằng dân quân nhãi ranh, miệng còn hơi sữa, riêng ý nghĩ ấy đã làm cho Vũ Sinh bức bối nhiều đêm không ngủ. Vũ Sinh càng thấy mất thể diện và cáu hơn vì có nhiều tiếng xì xầm của dư luận bàn ra, tán vào là "chuyên môn công tác an ninh không bằng khung thành bóng đá". Nghe đã tức anh ách. Song Vũ Sinh cũng phải công nhận là thằng Nam rất thông minh. Nó biết tận dụng thông tin từ quần chúng nhân dân, kể cả bọn trẻ con. Thông tin tốt nhiều khi không phụ thuộc vào đối tượng cung cấp nguồn thông tin ấy. Mấy ông cán bộ lão thành về hưu hay lên lớp, dặn dò Vũ Sinh nào là phải tích cực "xây dựng thế trận an ninh vững vàng trước tình hình mới" chỉ cho trưởng công an xã biết bao nhiêu là kinh nghiệm quý báu trong việc phá án ở cơ sở nhưng cuối cùng vẫn không tìm ra khẩu súng của dân quân bị mất. Đó là điều Vũ Sinh thất vọng và buồn nhất. Điều thứ hai mà Vũ Sinh cảm thấy bức bối và buồn hơn là anh vừa được đề bạt lên cấp trưởng thì đúng lúc tìm thấy khẩu súng mà lại là chiến công của người khác thế mới đau chứ.
            Trưởng công an xã Vũ Sinh càng thất vọng hơn khi nghiên cứu rất kỹ lý lịch đến ba đời nhà thằng Bớt, rà đi, soát lại mãi cũng không tìm ra ai là kẻ ôm chân đế quốc, phong kiến, xỏ nhầm dày Tây. Đời ông và bố nó còn có công lao, đóng góp với cách mạng nữa. Ông nó từng là cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động trước cách mạng tháng tám, bố nó là thầy giáo tham gia phong trào bình dân học vụ rồi là du kích trong kháng chiến. Vậy tại sao thằng Bớt lại lấy trộm vũ khí của dân quân. Nguyên nhân hóa ra rất đơn giản mà trưởng công an Vũ Sinh không ngờ tới, không tin, kể cả khi thằng Bớt đã khai ra như thế.
            Thằng Bớt vốn là một đứa lười biếng, lêu lổng. Khi ông Đáng, bố nó còn sống thằng Bớt đã chẳng chịu chuyên tâm học hành cho đến nơi, đến chốn. Ông giáo già góa vợ lại chiều con nên nó càng sinh hư. Ông giáo làng buồn vì đến khi nhắm mắt không lo cho con thành sự nghiệp. Nhà thằng Bớt có một bãi nương trồng sắn trên sườn Đồi Ma và một mảnh ruộng vỡ hoang ở dưới chân đồi. Trung đội dân quân làng Hạ xây dựng trận địa trên Đồi Ma đào hào giao thông từ đỉnh đồi xuống cánh đồng. Khi trời mưa to tuyến hào giao thông tạo thành một dòng chảy làm trôi hết lúa mới cây trên mảnh ruộng vỡ hoang nhà thằng Bớt. Việc vận chuyển vật liệu xây dựng công sự trận địa và luyện tập của dân quân còn làm gãy mầm cây sắn trên mảnh nương nhà gã. Vì thế thằng Bớt rất căm đám dân quân làng Hạ. Mặt khác, khi chưa có trận địa trên Đồi Ma thằng Bớt cũng kiếm được chút đỉnh, đủ uống rượu mỗi khi có người đến cúng bái hoặc dò tìm vàng và đồ cổ trên đồi. Đó là chuyện gã giúp lão Thống, thầy cúng đi mua hương nhang, đồ dùng tế lễ, cúng bái. Nhiều lần, theo kịch bản của lão thầy cúng gã bí mật leo lên cây đa giả làm ma quỷ kêu khóc, quãi cát để moi thêm tiền các khổ chủ. Từ khi dân quân có mặt suốt ngày đêm trên Đồi Ma làm lão thầy cúng và thằng Bớt mất một chỗ hành nghề, kiếm tiền béo bở.
           Một hôm gặp thằng Bớt, lão thầy cúng liền khích nó:
           - Mày chịu bọn dân quân hả?
           - Không chịu thì làm thế nào được!
Lão thầy cúng gợi ý:
            - Đốt mẹ cái nhà hầm đi, hoặc quẳng mấy khẩu súng của chúng nó xuống suối cho chúng nó chừa…
            - Tôi chả dại. Đi tù mọt gông!
           Thằng Bớt lủng bủng trong miệng rồi bỏ đi. Lão Thống nói vóng theo:
           - Thế thì cứ chịu bẹp lép như con gián thôi con ạ!
           Sự ức chế, bực bội đối với đám dân quân trên Đồi Ma trong lòng thằng Bớt bắt đầu nảy sinh và lớn dần từ đó. Một hôm, bà chị gái giúp gã đi gặt ở mảnh ruộng vỡ hoang. Bà chị quẩy một gánh lúa nhẹ tênh về bảo:
          - Nước mưa từ trên đồi chảy xuống xối qua, ruộng trôi hết cả đất màu và phân bón, lúa lốp, toàn rơm là rơm thôi. Gặt làm gì cho mất công?
           Thằng Bớt tức tối. Gã đi tìm đám dân quân để phản ánh thì gặp thằng Nam đang đi từ trận địa xuống. Thằng Nam nghe chưa hết chuyện đã bảo:
           - Đấy là mảnh ruộng vỡ hoang, xâm phạm vào diện tích đất công. Hợp tác xã chưa công hữu là may mắn lắm rồi. Anh có kiến nghị lên đến tận… trời thì cũng đến thế thôi. Chả ai bênh cái đồ tư hữu, tư sản đâu! Không khéo người ta lại tịch thu mất thửa ruộng ấy thì treo niêu...
           - Tao không thèm đôi co với mày! Đồ oắt con!
           Thằng Bớt chỉ tay vào mặt thằng Nam quát. Nhưng thằng Nam không sợ. Nó là một chiến sĩ dân quân cơ mà. Thằng Nam vỗ vỗ tay vào báng khẩu súng đang đeo và cười khinh khỉnh vẻ coi thường kẻ chậm tiến. Thằng Bớt ức lắm. Gã nghiến răng nhủ thầm: “Đã thế thì ông sẽ cho lũ chúng mày biết tay!”.
           Từ ấy, thằng Bớt luôn nuôi trong lòng một ý nghĩ đen tối. Ý nghĩ ấy cứ lớn dần lên mãi. Thằng Bớt đợi thời cơ đến. Hôm ấy, khi phần lớn trung đội dân quân làng Hạ đi làm nhiệm vụ, thằng Bớt theo giao thông hào bò lên trận địa Đồi Ma. Ban đầu gã định phóng hỏa đốt cháy căn nhà hầm cho bõ tức. Nhưng suy đi tính lại hắn thấy làm như thế bất lợi. Khi căn nhà bị cháy số dân quân có mặt trên đồi sẽ phát hiện ra thủ phạm ngay. Nghĩ vậy nên thằng Bớt liền cất cái bật lửa vào túi. Gã thận trọng bò vào căn nhà hầm và trông thấy hai khẩu súng đang để trên giá. Lập tức, gã ôm hai khẩu súng định chuồn theo giao thông hào xuống chân đồi. Nhưng vì có tiếng chân người nên thằng Bớt đành bỏ lại một khẩu súng ở giữa căn nhà hầm để chuồn cho nhanh gọn. Bọc cái áo cho kín khẩu CKC lấy được, thằng Bớt tụt xuống chân đồi. May mà không ai phát hiện ra gã. Cánh đồng xung quanh Đồi Ma rất vắng người vì là khu vực quân sự, nguy hiểm, gần mục tiêu bắn phá của máy bay Mỹ. Thằng Bớt men theo con mương chạy một mạch về khu vườn trồng dứa nhà mình. Thằng Bớt ném khẩu súng xuống cái giếng hoang rồi dùng chà cây gai xấu hổ phủ kín. Gã yên tâm tin sẽ không ai phát hiện ra việc làm của mình. Một thời gian dài sau vẫn không ai nghi ngờ gã càng yên tâm. Gặp đám dân quân đi mò tìm vũ khí ở các hồ ao gã còn đến đứng xem với vẻ mặt rất đắc ý. Thằng Bớt không ngờ có hai đứa trẻ con mò vào vườn nhà gã ăn trộm dứa đã biết việc làm khuất tất của mình. Gã cũng không chú ý đến chiếc khăn tay của cái Liên buộc ở dây đeo khẩu súng còn vướng lại trên trên cây gai xấu hổ sát thành cái giếng hoang.
          Trưởng công an xã Vũ Sinh hoàn toàn không tin vào những lời thú tội của thằng Bớt. Vũ Sinh nghi ngờ thằng Bớt có liên hệ với một tổ chức phản động nào đó. Nhưng vì thằng Bớt ngay sau đó đã bị dẫn giải lên công an huyện để tiếp tục điều tra và giam giữ nên Vũ Sinh không còn có cơ hội để tiếp tục truy ra tổ chức phản động này nữa.
           Sau khi tìm thấy khẩu CKC bị mất các quyết định kỷ luật đối với trung đội dân quân làng Hạ có sự thay đổi. Trung đội trưởng Tình và cái Liên đều được "giảm án" chỉ bị cảnh cáo, không bị giáng chức vụ và khai trừ ra khỏi hàng ngũ dân quân nữa. Thêm cái Na bị kỷ luật khiển trách vì suýt nữa cũng để mất vũ khí. May mà hôm đó có động nên thằng Bớt đành phải bỏ lại khẩu súng của cái Na. Lão Thống-thầy cúng bị công an gọi lên cảnh cáo vì tội xúi giục phạm tội và hành nghề mê tín dị đoan. Duy chỉ có Phạm Bản thì quyết định giáng chức xuống xã đội phó do cấp trên quyết định nên mãi không thấy sửa lại, mặc dù lãnh đạo xã Hòa Sơn đã có báo cáo, kiến nghị lên trên. Thời nào cũng vậy, việc sửa sai cấp trên bao giờ cũng thường chậm chạp hơn cơ sở.
          Cái Liên được trở lại tham gia trực chiến và canh gác phòng không trên trận địa Đồi Ma. Sau vụ mất súng cái Liên trở nên chín chắn hơn, ít nói hơn. Nhưng tựa như cái cây bị hạn gặp mưa, nét mặt và cơ thể của nó không còn ủ rũ nữa mà rân rân lấy lại sự tràn căng, tươi tắn, hy vọng. Hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cái Liên chỉ là một nỗi buồn đáng nhớ, chặng đường đời vẫn còn đang ở phía trước. Nó chỉ sợ là sẽ bị loại khỏi đội ngũ các chiến sĩ dân quân. Ở một vùng quê này điều đáng sợ nhất không phải là chiến tranh và đói khổ mà là sự cô lập, là sự tách rời khỏi tập thể khi mà mình còn đang trẻ. Lúc nhìn khẩu súng CKC được vớt từ dưới đáy giếng âm u lên cái Liên cảm thấy như chính bản thân mình đã được vớt lên từ dưới lớp bùn đen lên. Cái Liên vô cùng biết ơn thằng Nam nhưng nó không biết phải nói như thế nào. Nó tự thề phải luôn ghi nhớ ơn này mãi trong lòng mình. Cái Liên thấy ân hận vì đã có những suy nghĩ xấu về thằng Nam.
          Thằng Nam coi việc tìm thấy khẩu súng là một chuyện bình thường. Đối với nó điều quan trọng nhất là minh oan được cho đồng đội, lấy lại danh dự cho đơn vị. Nhiều người thắc mắc hỏi tại sao không được khen thưởng, thằng Nam chỉ cười khì không trả lời. Chị Tình quyết định trích quỹ của chi đoàn mua cho thằng Nam thêm một quả bóng đá nữa và tạo điều kiện thời gian để nó tiếp tục huấn luyện và tổ chức cho các đội bóng trẻ con thi đấu...
          Tình hình Hòa Sơn trở lại bình thường, đỡ căng thẳng hơn khi chưa tìm thấy khẩu súng bị mất. Chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu thấy đỡ lo lắng hơn. Hằng ngày anh vẫn đạp xe đi về giữa thị trấn huyện lỵ và ủy ban xã Hòa Sơn. Ngày ngày, trên dãy núi Tam Đảo luôn lởn vởn những chiếc máy bay phản lực Mỹ. Tiếng bom nổ xa xa vọng về không gây khuấy động nhiều sự yên ả của một vùng trung du thẳm xanh.
         Chiều tà, một áng mây thành giăng giăng ở phía chân trời...

         (còn nữa)                          Hà Nội, 11-2014      

 

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 32)

 

 
           
               
           
          TRĂNG LẠNH
          Truyện dài của Trọng Bảo

           Chuyện thằng Nam tìm ra tung tích khẩu súng CKC của trung đội dân quân thường trực làng Hạ bị mất không phải là một sự tình cờ. Nó đã phải tốn hao bao nhiêu công sức, trí tuệ, suy nghĩ rất nhiều ngày. Khi thấy công an xã, công an huyện bằng nhiều biện pháp chuyên môn nghiệp vụ vẫn không tìm ra dấu vết của khẩu súng thằng Nam đã nghĩ đến một cách khác. Việc tổ chức cho bọn trẻ con đá bóng chính là một kế hoạch mà nó đã bàn bạc rất cụ thể với trung đội trưởng Tình. Vốn trưởng thành từ một đứa trẻ rất nghịch ngợm nên thằng Nam đã có một suy nghĩ khác mọi người là: "Mọi việc có thể người lớn không biết nhưng trẻ con thì lại biết!". Thằng Nam thành lập và huấn luyện ba đội bóng trẻ con tức là nó đã có trong tay ba đơn vị trinh sát với gần năm mươi chiến sĩ tý hon ở khắp các làng xóm trong xã Hòa Sơn.
            Hàng ngày, trước các trận thi đấu bóng đá bọn trẻ con đều thông báo cho thằng Nam biết mọi thông tin mà chúng biết. Từ chuyện bà Hậu làng Thượng đêm qua bị kẻ trộm bắt mất con gà mái đang nhảy ổ đẻ đến chuyện ông Đông làng Hạ sáng nay đi cày sớm bị trâu húc què chân, hay việc cái ao thả cá của hợp tác xã ở xóm Mới vừa bị vỡ bờ do mưa to, người lớn trẻ con bắt được rất nhiều cá nhưng chỉ nộp lại vài con cho đội sản xuất. Rồi chuyện nhà nào hết gạo, nhà nào phải ăn khoai sắn thay cơm... Nói chung, những việc hằng ngày xảy ra ở Hòa Sơn có nhiều khi thằng Nam còn nắm vững hơn cả các ông chủ tịch và công an xã.
            Từ những thông tin của bọn trẻ con mê bóng đá, thằng Nam chú ý đến một chuyện. Đó là câu chuyện của thằng bé tên là Cu Sứt ở xóm Mới. Cu Sứt kể lại câu chuyện một hôm nó và thằng em rủ nhau đi ăn trộm dứa. Hai anh em tháo chiếc dây thừng dắt trâu rồi chui vào một khu vườn trồng dứa ven đồi. Cu Sứt bò trước, thằng em bò theo sau. Bẻ được quả dứa nào thì hai thằng dùng dây thừng buộc vào thành một xâu dài. Khi được gần chục quả thì kéo theo xâu dứa chui rào trở ra ngoài vườn. Hôm ấy, chỉ có một mình chui vào vườn, đang bẻ trộm dứa thì Cu Sứt nghe tiếng chân người chạy thình thịch. Cu Sứt chui vội vào một bụi dứa um tùm. Mặc cho gai dứa cào rách mặt, máu ứa ra đau rát nhưng nó vẫn cố nằm im không dám thở mạnh. Vì nếu bị người ta phát hiện ăn trộm dứa thì nó sẽ bị đưa đi tù ngay như người lớn vẫn thường dọa như thế. Một người chạy nhanh qua chỗ Cu Sứt đang ẩn nấp. Người đó đi về phía cuối vườn, chỗ cỏ tranh và cây xấu hổ um tùm. Cu Sứt nghe một tiếng động mạnh như có một vật gì ném xuống nước. Lúc người đó quay lại Cu Sứt trông rõ đó chính là gã chủ của vườn dứa này. Khi gã chủ vườn dứa đã đi về phía căn nhà khuất sau đồi Cu Sứt liều mạng bò đến chỗ cỏ tranh và cây gai xấu hổ um tùm. Nó vạch bụi gai ra và phát hiện có một miệng giếng hoang người ta đã bỏ không dùng từ lâu. Xung quanh miệng giếng cỏ cây hoang dại mọc rất rậm rạp. Câu chuyện này mãi gần đây khi thằng Nam hỏi bọn trẻ xem có trông thấy, nghe thấy ai vứt hoặc ném cái gì xuống sông suối, ao hồ hay không thì Cu Sứt mới sực nhớ ra và kể lại.
Thằng Nam lập tức cùng Cu Sứt tìm cách tiếp cận khu vườn trồng dứa để trinh sát. Hóa ra khu vườn này là của gia đình ông Đáng. Ông Đáng là một thầy giáo già dạy lớp vỡ lòng. Ông đã mất cách đây mấy năm. Khu vườn này do anh con trai cai quản, thu hoạch. Đó chính là cái gã mà Cu Sứt đã trông thấy hôm chui vào vườn bẻ trộm dứa. Gã tên là Bớt. Gã này tính tình không giống ông bố hiền lành hay giúp đỡ người khác. Từ khi còn đi học gã thường hay gây gổ đánh lộn với bạn bè. Tính tình lại tắt mắt, thấy của người khác để hớ hênh là nẫng ngay. Tuy thế, thằng Nam rất băn khoăn, nếu đúng là gã đã lấy trộm khẩu súng thì là để làm gì. Gã này tuy ngổ ngáo, hay ăn cắp vặt, từng bị công an xã cảnh cáo mấy lần nhưng chắc cũng không phải là một kẻ phản động, Việt gian bán nước hại dân gì. Một lần đang đi làm ngoài đồng có máy bay bay thấp gã vô cùng hoảng sợ nằm ẹp xuống ruộng không dám ngóc đầu nhìn lên. Gã là một phần tử chậm tiến. Khi được gọi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự không hiểu gã làm thế nào mà lần nào các bác sĩ cũng ghi là không đủ sức khỏe nhập ngũ. Cũng có thể là gã có căn bệnh nội tâm gì đó.
           Cuối buổi chiều, chờ khi gã chủ nhà phóng chiếc xe đạp thống nhất ra quốc lộ 2C, thằng Nam và Cu Sứt mới chui vào trong vườn dứa để trinh sát. Thì thào dặn Cu Sứt chú ý cảnh giới, thằng Nam bò đến góc vườn tìm kiếm. Quả đúng là trong bụi cây gai xấu hổ rậm rạp có một cái giếng bỏ hoang đã lâu. Thành giếng thấp nên cây cỏ phủ kín rất khó phát hiện. Thằng Nam che mắt nhìn xuống giếng chỉ thấy một khoảng tối om om. Nó nhặt một hòn đất thả xuống giếng, nghe một tiếng "tũm" vọng lên. Giếng có nước. Rất có khả năng tên trộm đã vứt khẩu súng CKC của cái Liên xuống cái giếng bỏ hoang này. Có tiếng Cu Sứt báo hiệu, thằng Nam định bò quay ra thì chợt nhìn thấy một vật gì trăng trắng nằm cạnh thành giếng chỗ gốc cây gai xấu hổ. Đó là một mảnh vải phin mỏng đang mắc vào gốc cây gai xấu hổ. Thằng Nam gỡ lấy mảnh vải đút vội vào túi.
           Thằng Nam và Cu Sứt chui ra bên ngoài khu vườn trồng dứa. Trời vẫn chưa tối hẳn. Lúc này thằng Nam mới nhìn kỹ mảnh vải nó nhặt được lúc nãy. Tuy đã cũ mốc vì mưa nắng nhưng Thằng Nam vẫn nhận ra đó là một chiếc khăn mùi xoa tự may bằng vải phin mỏng. Ở góc khăn có thêu một chữ L bằng chỉ đỏ. Đây đúng là cái khăn của cái Liên vẫn dùng lau mồ hôi khi luyện tập mà nó vẫn buộc vào dây đeo của khẩu CKC. Tuy vậy, thằng Nam vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn là khẩu CKC đang nằm dưới đáy cái giếng bỏ hoang trong bụi rậm. Nó quyết định bí mật lặn xuống giếng để tìm kiểm xem kết quả như thế nào rồi mới báo cáo lại cho trung đội trưởng Tình biết. Thế nhưng đang chuẩn bị tụt xuống giếng thì biết tin xã đội trưởng phát lệnh báo động tập hợp toàn trung đội, lại có cả công an lên trận địa Đồi Ma thằng Nam hiểu ngay là liên quan đến khẩu súng bị mất. Chỉ kịp dặn Cu Sứt ở lại canh chừng, thằng Nam vội vã chạy như điên quay về đơn vị. May mà khu vườn dứa ở ngay đầu xóm Mới, cách trận địa Đồi Ma không xa lắm.
           Sau khi nghe thằng Nam báo cáo lại tình hình, xã đội phó Phạm Bản quyết định:
           - Rất có khả năng khẩu súng đang giấu ở đây! Trung đội dân quân làng Hạ lập tức cử một tiểu đội nhanh chóng bao vây, phong tỏa khu vườn dứa và tổ chức tìm kiếm.
           Đoạn, Phạm Bản quay sang nói với trưởng công an xã Vũ Sinh:
           - Công an xã nên tổ chức kiểm tra, bắt giữ ngay đối tượng đáng nghi ngờ này. Tôi sẽ cử dân quân tăng cường lực lượng hỗ trợ cho công an.
            - Được rồi!
            Vũ Sinh đáp gọn lỏn rồi gọi ông công an viên tức tốc chạy đi ngay. Tiểu đội của chị Nhân được cử đi làm nhiệm vụ đột xuất này. Xã đội phó Phạm Bản và trung đội trưởng Tình đích thân chỉ huy cuộc tìm kiếm đột xuất này. Từ lúc nghe thằng Nam nói tìm đã thấy tung tích khẩu CKC cái Liên mặt mũi càng thêm tái nhợt đi như một người chết đuối. Nó bỏ lại các loại dụng cụ cấp dưỡng trên Đồi Ma đòi được đi theo bộ phận tìm kiếm khẩu súng. Nhưng hai chân cái Liên cứ líu ríu cả lại, không bước nổi. Chị Nhân phải cử cái Na dìu nó đi.
            Bộ phận truy tìm vũ khí vận động về hướng xóm Mới. Đến khu vườn dứa họ nhanh chóng triển khai đội hình bao vây mục tiêu. Cu Sứt từ trong một bụi cây chui ra báo cáo: "Anh Bớt vẫn đang ở trong nhà!". Trưởng công an xã Vũ Sinh rất nhanh cùng công an và dân quân ập vào khống chế đối tượng tình nghi. Ngay lúc đó, xã đội phó Phạm Bản và các dân quân cũng nhanh chóng tiến đến vị trí cái giếng hoang. Họ vạch cỏ, chặt bụi cây xấu hổ để miệng giếng lộ hẳn ra. Cái giếng được đào trên đồi cao nên sâu hun hút giống như một cái lỗ chui xuống âm phủ. Thằng Nam mở cuộn dây thừng ném một đầu xuống giếng rồi nói:
           - Giữ lấy một đầu dây thừng để em xuống giếng!
           Hừng "thọt" và thằng Biên vội cầm lấy một đầu dây thừng buộc vào đoạn gốc cây xấu hổ bên thành giếng. Thằng Nam nắm lấy sợi dây tụt xuống giếng. Thành giếng bỏ hoang lâu ngày đầy rêu trơn tuột, những bụi cây dương xỉ mọc um tùm. Tụt đến gần mặt nước thằng Nam đã buông tay khỏi sợi dây thừng thả người rơi "ùm" xuống giếng. Xã đội phó Phạm Bản quát:
           - Cẩn thận kẻo có cây cọc nó đâm vào người đấy!
           Thằng Nam lấy hơi rồi lặn luôn xuống đáy giếng tìm kiếm. Mãi chả thấy nó ngoi lên khiến tất cả mọi người đều nín thở lo lắng. Đột nhiên, mọi người bỗng thấy nước giếng cuồn cuộn rồi nhô lên cái nòng của khẩu súng CKC sau đó thằng Nam mới nhô lên. Nó gào to:
            - Thấy... thấy rồi!
            Tất cả đều reo lên vui mừng. Thằng Nam buộc khẩu súng vào đầu sợi dây thừng để mọi người kéo lên trước. Khẩu súng CKC được lôi ngay lên. Cái Liên nhào ngay đến ôm chặt lấy khẩu súng và bật khóc ầm ĩ. Khẩu súng bị ngâm dưới nước lâu ngày nên các bộ phận bằng sắt đều bị gỉ vàng và bám đầy bùn đen làm bẩn hết cái áo màu xanh xi-lâm của cái Liên. Tên Bớt được công an xã áp giải ra chỗ cái giếng hoang. Gã cúi đầu thú nhận việc đã lẻn lên trận địa Đồi Ma lấy cắp khẩu súng của dân quân. Chiếc còng số 8 cũ kỹ của trưởng công an xã Vũ Sinh vang lên một tiếng "tách" rất to và gọn ghẽ. Vũ Sinh đã bắt được kẻ dám cả gan mò lên trận địa ăn cắp vũ khí của dân quân, một đối tượng mà anh không hề ngờ tới. Công việc tiếp theo của trưởng công an xã Vũ Sinh là phải tiến hành ngay việc điều tra tìm hiểu xem động cơ nào mà tên Bớt lấy trộm khẩu súng của dân quân, nó có thuộc một tổ chức phản động, gián điệp hay Việt gian bán nước nào không! Rồi còn phải nghiên cứu, rà xét, đào bới thật kỹ lý lịch ba đời nhà nó xem trước, trong và sau cách mạng tháng Tám có ai làm việc cho bọn đế quốc, phong kiến hay không? Nói chung, với trưởng công an xã Vũ Sinh thì đây là một sự việc rất hệ trọng trong cuộc đấu tranh trên mặt trận an ninh vô cùng khó khăn phức tạp để bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền nhân dân.
           Mọi người vẫn đang râm ran bàn tán về việc bất ngờ tìm thấy khẩu súng bị mất. Ai cũng khâm phục sự thông minh, nhanh nhẹn của thằng Nam. Những người trước đây hay phê phán nó ham chơi, lơ là nhiệm vụ nay cảm thấy hối hận. Nhiều người lên tiếng đề nghị ban chỉ huy quân sự xã phải khen thưởng ngay cho thằng Nam. Lúc này, trung đội trưởng Tình mới sực nhớ ra và kêu lên:
           - Ơ... chúng mày kéo thằng Nam lên đi chứ!
           Thôi chết! Mọi người mải vui mừng vì tìm thấy khẩu súng mà quên béng mất thằng Nam vẫn đang còn ở dưới đáy cái giếng hoang. Họ vội ngó xuống giếng. Không thấy bóng thằng Nam đâu. Tất cả mọi người đều hốt hoảng, nhớn nhác. Thằng Biên bám vội vào sợi dây thừng để tụt xuống giếng xem sao. Giữa lúc đó thì mặt nước dưới giếng lại sủi lên cuồn cuộn. Nhiều người rú lên kinh hãi khi thấy một cái đầu màu xanh đỏ trồi lên với hai mắt xếch trợn ngược, lông mày rậm. cái mồm răng nhe ra hằm hằm gớm ghiếc. Người này trong tay đang cầm một thanh long đao và từ từ nhô lên khỏi mặt nước giếng đen ngòm. Đám dân quân nhốn nháo, ai đó thảng thốt kêu lên: "Ma... ma...". Có những tiếng lên đạn lách cách. Mấy khẩu súng lập tức chĩa ngay xuống giếng sẵn sàng nhả đạn.  Giữa lúc đó thì thằng Nam cũng nhô lên khỏi mặt nước ở ngay bên cạnh. Nó ngửa cổ nhe răng cười toe toét và gào to bảo mọi người ở trên:
           - Kéo lên đi!
           Mọi người lập tức kéo sợi dây thừng lên. Hóa ra đó chỉ là một bức tượng Ông ác làm bằng đất nung thường được đặt ở cổng các nhà chùa, am miếu. Có lẽ bức tượng này đã bị ai đó bê ném xuống giếng những năm trước đây khi chúng ta chủ trương phá bỏ các đình chùa, miếu mạo để loại trừ nạn mê tín dị đoan.
           Thằng Nam cũng được kéo lên khỏi giếng. Người nó ướt sũng, bê bết bùn đất. Cái Liên nhìn thằng Nam với con mắt đầy sự biết ơn.
           Sau khi tìm thấy khẩu súng CKC bị mất, đám dân quân vô cùng phấn khởi hành quân trở về trận địa Đồi Ma. Họ khênh theo luôn cả bức tượng Ông ác và dự định sẽ đặt ở sau mỏm đá chỗ có đặt bát hương thờ vị nữ thần trinh tiết giữ của của bọn Tàu ngày xưa. Thằng Nam bảo để Ông ác góp phần canh gác, bảo vệ trận địa của dân quân. Theo nó, chính Ông ác này đã có công lao canh giữ khẩu súng CKC dưới đáy cái giếng hoang suốt thời gian qua. Trưởng công an xã Vũ Sinh và ông công an viên thay vì dẫn giải cái Liên đã áp giải tên Bớt ra quốc lộ 2C lên chiếc xe U-oát chuyên chở tội phạm của công an huyện vẫn còn đang chờ sẵn ở đấy...

          (còn nữa)                                  Hà Nội, 11-2014
 
 

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 31)

 

          

        TRĂNG LẠNH
           Truyện dài của Trọng Bảo

          Trung đội dân quân thường trực làng Hạ được lệnh báo động khẩn cấp, tập trung toàn bộ quân số, vũ khí tại địa điểm trận địa Đồi Ma để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Tất cả phải có mặt đầy đủ từ lúc năm giờ sáng. Mùa hè thì lúc này trời cũng đã sáng rõ. Cái Liên và Hừng "thọt" ở bộ phận hậu cần đem theo cả xoong nồi lỉnh kỉnh leo lên dốc.
           Cái Liên vừa gồng gánh dụng cụ nhà bếp vừa càu nhàu nói với Hừng "thọt":
           - Cái thằng Nam chết tiệt! Nó chạy đi đằng nào mất hút rồi. Nó để mặc cho hai anh em mình phải è cổ ra mang vác nặng nhọc thế này, thật bực mình quá đi mất!
            Hừng "thọt" đang đeo cái chảo nấu cơm đen nhẻm trên lưng chống gậy tập tễnh bước đi ở phía trước. Nghe cái Liên phàn nàn, Hừng "thọt" bèn ngoái đầu lại bảo:
           - Nó nói với tao là có một việc gì đó khẩn cấp lắm, phải đi ngay mới kịp. Chắc là lại phải đi chuyển tiếp công văn, giấy tờ gì quan trọng đấy...
            Cái Liên chưa hết bực bội:
            - Công văn, giấy tờ gì nó. Em thấy nó đem theo một cuộn dây thừng cắm đầu cắm cổ chạy về phía xóm Mới. Thằng này chắc lại nghĩ ra một trò gì vớ vẩn đấy mà. Không tin được nó đâu...
            Hừng "thọt" lắc đầu khoát tay bảo:
            - Thôi, cứ mặc xác nó! Anh em mình đi lên ngay trận địa cho kịp thời gian quy định.
            Cái Liên không nói thêm nữa. Nó hậm hực quẩy gánh dụng cụ làm bếp lên vai.
           Khi Hừng "thọt" và cái Liên leo lên đến đỉnh Đồi Ma thì gần như tất cả trung đội dân quân thường trực làng Hạ đều đã có mặt ở đấy. Mọi người đang đứng ngồi phân tán trong nhà hầm, quanh gốc cây đa và phía sau mỏm đá. Nhiều tiếng xì xào bàn tán, phỏng đoán về nhiệm vụ mới mà trung đội dân quân làng Hạ sắp được giao đảm nhận. Không một ai biết chính xác đó sẽ là nhiệm vụ gì. Trung đội trưởng Tình đang tranh thủ hội ý với các tiểu đội trưởng để nắm tình hình tư tưởng của các chiến sĩ dân quân trong việc sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Nhưng chính bản thân chị là cán bộ trung đội song cũng không được biết đó sẽ là nhiệm vụ gì. Chị chỉ biết sáng nay, đích thân xã đội trưởng sẽ lên tận trận địa Đồi Ma để giao nhiệm vụ mới cho trung đội dân quân thường trực làng Hạ. Chị Tình cũng thấy trong lòng thấp thỏm bồn chồn giống như tất cả các chiến sĩ của mình. Tất cả mọi người đều lo lắng nếu sẽ phải rời khỏi trận địa Đồi Ma, nơi mà họ đã gắn bó trong suốt thời gian qua. Có lẽ ai cũng buồn vì chưa lập được chiến công, thành tích nào tại trận địa mà họ đã bỏ ra bao nhiêu công lao xây dựng và luyện tập thuần thục các phương án bắn máy bay Mỹ bay thấp bằng súng bộ binh.
            Khi các chiến sĩ dân quân trên trận địa Đồi Ma đang bàn tán và thấp thỏm chờ đợi nhiệm vụ mới thì xã đội trưởng Phạm Bản cũng bắt đầu đi đến chân dốc. Cùng lên Đồi Ma với xã đội trưởng còn có hai người nữa. Đó là phó trưởng công an xã Vũ Sinh và một công an viên. Phạm Bản đi trước. Anh cúi người leo lên dốc. Chiếc xà-cột may bằng vải bạt cũ kỹ đeo chéo qua vai. Trong chiếc xà-cột cũ ấy có hai tờ quyết định. Một là quyết định giáng chức vụ của Nguyễn Thị Tình từ trung đội trưởng xuống giữ chức trung đội phó. Tờ quyết định thứ hai là quyết định khai trừ, tước bỏ danh hiệu chiến sĩ dân quân đối với công dân Trần Thị Liên. Hai quyết định này Phạm Bản sẽ chịu trách nhiệm công bố trước toàn thể cán bộ, chiến sĩ trung đội dân quân thường trực làng Hạ. Thực ra thì trong cái xà-cột cũ kỹ bạc phếch của Phạm Bản còn một tờ quyết định nữa mà anh vừa mới được chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu trao cho lúc sáng sớm hôm nay. Đó là quyết định hạ chức vụ của anh từ xã đội trưởng xuống giữ chức xã đội phó. Tất cả các quyết định trên đều có sự liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc mất súng của trung đội dân quân thường trực làng Hạ.
            Phó trưởng công an xã Vũ Sinh đi sau xã đội phó Phạm Bản. Tuy dáng người nhỏ bé nhưng Vũ Sinh vẫn cố ưỡn ngực ra khi leo lên dốc. Trong cái xà-cột cùng may bằng vải bạt nhưng còn rất mới của Vũ Sinh cũng có hai tờ quyết định quan trọng. Một là quyết định bắt giữ công dân Trần Thị Liên, nguyên chiến sĩ dân quân thuộc trung đội dân quân làng Hạ vì tội để mất vũ khí chiến đấu. Còn một tờ quyết định nữa mà Vũ Sinh cũng vừa mới được chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu trao cho sáng nay. Đó là quyết định của cấp trên đề bạt anh lên giữ chức vụ trưởng công an xã Hòa Sơn. Trong cái xà-cột mới của Vũ Sinh còn có một vật thứ ba quan trọng nữa đó là chiếc còng số 8 cũ kỹ. Vũ Sinh rất tự hào là với chiếc còng số 8 này anh đã từng nhân danh luật pháp còng tay bắt giữ mấy chục tên chuyên trộm cắp, gây gổ đánh nhau, trốn nghĩa vụ quân sự, đào bỏ ngũ. Lần này, chiếc còng số 8 sẽ được chính thức còng tay bắt giữ một tên gián điệp hẳn hoi. Theo kế hoạch công tác thì ngay sau khi xã đội phó Phạm Bản công bố quyết định khai trừ Trần Thị Liên ra khỏi lực lượng dân quân thì trưởng công an xã Vũ Sinh sẽ công bố luôn lệnh bắt giữ đối tượng này. Ông công an viên đi cùng sẽ phối hợp hỗ trợ việc bắt giữ đối tượng. Sau đó, họ sẽ dẫn giải đối tượng xuống quốc lộ 2C ngay dưới chân Đồi Ma, có xe chuyên dụng chở phạm nhân của công an huyện đợi sẵn đưa đi luôn đến địa điểm chuyên giam giữ, cải tạo bọn tội phạm trong một thung lũng ở chân núi Tam Đảo. Mọi việc phải diễn ra thật bất ngờ và nhanh gọn để kẻ phạm tội không kịp đề phòng, đối phó hay chạy trốn.
          Khi các cán bộ quân sự, an ninh của xã lên đến đỉnh Đồi Ma, trung đội trưởng Tình lập tức thổi còi tập hợp đơn vị. Các chiến sĩ dân quân mang theo đầy đủ vũ khí trang bị, lưng đeo vòng lá ngụy trang nhanh chóng tập hợp thành đội hình ở bãi đất trống bằng phẳng dưới gốc cây đa sẵn sàng nghe phổ biến nhiệm vụ mới. Trung đội trưởng Tình chợt chột dạ khi thấy phó trưởng công an xã Vũ Sinh đi ngay phía sau xã đội trưởng Phạm Bản. Chị cố giữ bình tĩnh hô khẩu lệnh cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị đứng nghiêm rồi chạy đến giơ tay chào và báo cáo cấp trên:
           - Báo cáo xã đội trưởng! Trung đội dân quân thường trực làng Hạ đội ngũ đã chỉnh tề, quân số có mặt hai mươi chín, vắng mặt một đồng chí không rõ lý do, là đồng chí Nam. Vũ khí trang bị mang theo đầy đủ. Xin chỉ thị của xã đội trưởng!
           Phạm Bản giơ tay chào lại và đáp:
           - Được! Đồng chí cho trung đội nghỉ!
          Trung đội trưởng Tình hô toàn đơn vị "nghỉ" rồi chạy về vị trí đầu hàng quân đứng chờ nhận chỉ thị mệnh lệnh của xã đội trưởng. Phạm Bản bước lên phía trước hàng quân. Anh bắt đầu mở cái xà-cột cũ kỹ lấy tài liệu ra. Hàng quân đứng im phăng phắc chờ đợi. Lúc này trưởng công an xã Vũ Sinh đã tiến đến phía sau lưng trung đội trưởng Tình nhắc khẽ:
           - Từ hôm nay trở đi, chỉ nên gọi đồng chí Phạm Bản là xã đội phó thôi nhé!
           Nghe Vũ Sinh nói như thế, chị Tình càng thêm lo lắng, bồn chồn. Chị đã hiểu lờ mờ những chuyện sắp xảy ra trên đỉnh Đồi Ma sáng hôm nay. Trong khi ấy ở cuối hàng quân cái Liên cũng đã sợ đến tái mét cả mặt đi. Hai chân nó run run sắp không đứng vững. Khi nhìn thấy các công an cùng đi với xã đội trưởng Phạm Bản lên trận địa cái Liên hiểu họ đến chính là vì vụ việc mất vũ khí của nó. Từ khi làm mất khẩu súng CKC cái Liên hiểu rằng cuộc đời và sự nghiệp của mình đã khép lại. Tương lai trở nên mù mịt. Ước mơ khi chiến tranh kết thúc được đi học trung cấp, cao đẳng rồi về làm một cô giáo dạy học ở trường làng của nó coi như chấm hết. Nó sẽ phải phí hoài tuổi thanh xuân, mục xương trong nhà tù như người ta vẫn đồn đại. Đêm nào cái Liên cũng ngủ mơ thấy công an đến bắt và đưa nó đi tù. Nhà tù với những điều khủng khiếp đến với những giấc mơ hằng đêm của nó. Hôm nay thì giấc mơ ấy đã thành sự thật rồi. Bữa trước, sau khi nghe mẹ nói lại lời nhắn của ông Lực nó cũng đã hình dung được kết cục sẽ diễn ra đúng như thế này. Tuy rất sợ hãi nhưng cái Liên vẫn không quên nhiệm vụ của mình. Nó vội quay sang thì thào bàn giao công việc hậu cần lại cho Hừng "thọt":
           - Lương thực còn tám cân gạo, sắn khô thì còn mười ba cân tất cả anh nhé! Thực phẩm thì chỉ còn có ba cân cá biển khô, hai chai nước mắm. Đây là toàn bộ số tiền chi tiêu từ nay đến hết tháng dùng để mua rau, mua muối. Tổng còn lại ba mươi hai đồng, năm hào chẵn. Anh cầm lấy rồi nhớ báo cáo lại với trung đội trưởng Tình giúp em nhé...
            Hừng "thọt" ngạc nhiên:
            - Sao lại thế! Mày định sẽ đi đâu ngay bây giờ à?
            Cái Liên buồn bã nói, giọng nó trở lại bình tĩnh hơn:
            - Đi đâu được nữa hả anh... Công an họ lên trận địa là để bắt em đưa đi tù đấy! Lát nữa trở về làng, anh sang ngay nhà em an ủi, động viên mẹ em để bà đỡ lo lắng cho em nhé!
            Hừng "thọt" tái xám cả mặt đi khi nghe cái Liên nói như vậy. Đôi chân tật nguyền và bị thương của Hừng "thọt" như sắp quỵ xuống. Hắn thảng thốt càu nhàu bảo:
            - Tao chịu thôi! Biết động viên bà mẹ của mày như thế nào bây giờ...
            - Em xin anh đấy!
            Cái Liên cố nài nỉ, nước mắt nó ứa ra chảy dài trên má. Hừng "thọt" lúng túng:
            - Thôi được... mày cứ yên tâm...
           Lúc này, xã đội phó Phạm Bản đã mở được cái xà-cột cũ kỹ. Anh lấy ra hai tờ quyết định, chọn một tờ và bắt đầu đọc một cách khó khăn:
           - Việt Nam... dân chủ cộng hòa, độc lập... tự do... hạnh phúc... Ban chỉ huy quân sự... Số 102/QĐ... quyết định tước danh hiệu...
           Nhiều tiếng xì xào nổi lên. Phạm Bản dừng lại đưa mắt nhìn xuống hàng quân. Vũ Sinh cảm thấy bực mình vì sự lề mề, ề à đột xuất, không đúng với tác phong vốn có của một nhà quân sự như Phạm Bản. Trưởng công an xã muốn mọi việc cần phải diễn ra nhanh chóng và dứt khoát hơn.
           Phạm Bản lại bắt đầu ngắc ngứ đọc tiếp:
           - Quyết định tước danh hiệu dân quân...
           Đứng phía dưới Vũ Sinh thở phào và bắt đầu mở cái xà-cột mới của mình lấy ra tờ quyết định của ngành công an và cái còng số 8 cũ kỹ cầm sẵn trên tay. Không khí trên đỉnh Đồi Ma đột nhiên trở nên ong ong nóng bức và vô cùng căng thẳng. Từng cơn gió nóng từ phía chân đồi thổi thốc lên quần quật giằng xé những vòng lá ngụy trang trên lưng các chiến sĩ dân quân. Hình như có tiếng động cơ máy bay ầm ì từ phía xa xa vọng đến. Phạm Bản lại tạm dừng đọc quyết định để nhắc nhở bộ phận dân quân làm nhiệm vụ cảnh giới chú ý nghe ngóng, quan sát, chuẩn bị gõ kẻng báo động phòng không, ra lệnh cho khẩu đội 12ly7 triển khai vũ khí chiến đấu, sẵn sàng nổ súng giáng trả nếu máy bay Mỹ ập đến bắn phá vào trận địa và mục tiêu bảo vệ...
            Giữa lúc đang rất căng thẳng ấy thì thằng Nam từ dưới chân đồi hộc tốc chạy lên. Nó lảo đảo lao vào giữa đội hình. Vừa thở hổn hển vì quá mệt thằng Nam vừa cố hét lên thật to:
            - Tìm... tìm... thấy... thấy khẩu... súng CKC rồi...
            Nói chưa hết câu thằng Nam đã ngã lăn ra đất, miệng nó há ra ngáp ngáp như một con cá bị quăng lên bờ, sắp chết. Mọi người nhốn nháo xúm cả lại. Phạm Bản nhét vội tờ quyết định đang công bố vào túi lao đến. Trưởng công an xã Vũ Sinh và ông công an viên đứng như trời trồng giữa đỉnh đồi ngơ ngác nhìn mọi người. Phạm Bản quỳ xuống đỡ thằng Nam ngồi dậy. Anh quát bảo mọi người giãn rộng ra lấy không khí cho thằng Nam thở.
            Phạm Bản dùng tay vuốt lau mồ hôi và bùn đất trên mặt cho thằng Nam rồi hỏi:
            - Tìm thấy khẩu súng bị mất ở đâu?
Thằng Nam nói không ra hơi:
            - Tìm… tìm… thấy…
            Thằng Nam quá mệt. Chắc là nó đã phải chạy từ xa đến và cố lao thật nhanh lên dốc nên bị kiệt sức. Thân thể thằng Nam ướt đẫm, mặt mày xây xước, quần áo tả tơi, cuộn dây thừng vẫn khoác qua vai. Nó há rộng mồm ra cố đớp đớp thêm một chút không khí nữa rồi mới thều thào nói tiếp, giọng đứt quãng:
           - Đi... đi... theo em để... lấy khẩu... súng… nhanh lên...

           (còn nữa)                             Hà Nội, 11-2014
 
 

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Truyện dài TRĂNG LẠNH (phần 30)

 

 
       

      TRĂNG LẠNH
        Truyện dài của TRỌNG BẢO

         Việc gì phải đến rồi cũng sẽ đến.
         Vụ mất súng của trung đội dân quân thường trực làng Hạ cần phải được giải quyết dứt điểm. Công an huyện và công an xã Hòa Sơn cùng cơ quan quân sự đã đi đến thống nhất cách xử lý. Kế hoạch "thả con săn sắt, bắt con cá rô" của phó công an xã Vũ Sinh sau một thời gian thực thi vẫn không đem lại kết quả. Không tìm thấy khẩu súng bị mất cũng chưa phát hiện ra một tổ chức phản động, gián điệp, Việt gian nào. Công an xã và công an các làng đã mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc này. Tình hình cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc thì ngày càng thêm ác liệt. Thêm nhiều cơ quan, đơn vị từ thủ đô Hà Nội tiếp tục sơ tán về vùng trung du. Do đó phải giải quyết dứt điểm vụ việc của trung đội dân quân làng Hạ.
          Tân chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu chủ trì buổi họp về công tác quốc phòng-an ninh của xã Hòa Sơn. Từ ngày chính thức thay thế cựu chủ tịch xã Trần Khuông đây là lần đầu tiên chủ tịch Nguyễn Trung Hiếu chủ tọa một buổi họp bàn về nhiệm vụ quan trọng này. Thường là anh ủy quyền cho phó chủ tịch phụ trách hoặc cho xã đội trưởng và trưởng công an xã. Song vì sự việc mất súng của dân quân xã Hòa Sơn đã trở thành một vụ việc nghiêm trọng không chỉ trong huyện mà còn cả trong tỉnh. Lãnh đạo cấp trên mỗi khi nhận xét, lấy dẫn chứng về công tác quân sự quốc phòng, an ninh thường đưa vụ việc mất súng của dân quân Hòa Sơn ra làm ví dụ về sự mất cảnh giác, buông lỏng quản lý kỷ luật, thiếu tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Mọi cố gắng trong sản xuất, xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa và trong phong trào thi đua "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt" của Hòa Sơn vì thế đều bị đánh giá thấp. Chủ tịch Nguyễn Trung Hiếu hiểu rằng khẩu súng bị mất sẽ lấy đi tất cả mọi cố gắng và thành tích của Hòa Sơn trong năm nay và nhiều năm tiếp sau nữa. Vì thế, anh muốn tổ chức một cuộc họp để bàn biện pháp khắc phục hậu quả của vụ việc này một cách tốt nhất để Hòa Sơn lại vững bước đi lên, tiếp tục trở lại là lá cờ đầu của toàn huyện trong mọi phong trào cách mạng. Một mặt là vì thành tích chung của chính quyền và nhân dân toàn xã, mặt khác cũng vì con đường sự nghiệp của chính mình. Thành tích chung của Hòa Sơn trong lúc này sẽ trở thành thành tích riêng của chủ tịch xã trong tương lai gần khi cấp trên xem xét, cất nhắc.
           Mở đầu cuộc họp, chủ tịch Nguyễn Trung Hiếu phê bình nghiêm khắc xã đội trưởng Phạm Bản về công tác quân sự, quốc phòng và trong việc quản lý, giáo dục lực lượng dân quân. Việc để mất vũ khí chiến đấu chính là sự buông lỏng quản lý dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Chủ tịch xã nhắc nhở lực lượng công an xã kém năng động, sáng tạo và chưa thật tinh thông về nghiệp vụ chuyên môn. Vụ mất vũ khí của dân quân đã qua mấy tháng vẫn không tìm ra một chút manh mối nào. Hơn nữa, từ vụ việc này lại xuất hiện thêm nhiều tin đồn thất thiệt, dư luận không hay làm giảm uy tín của lãnh đạo, của lực lượng dân quân mà công an xã không truy tìm được nguồn thông tin xuyên tạc khiến cho nhân dân càng thêm hoang mang, thiếu tin tưởng. Sắp tới cuộc chiến tranh sẽ càng thêm ác liệt nếu cứ để tình trạng thế này mãi sẽ rất bất lợi cho Hòa Sơn...
           Nghe chủ tịch xã nhận xét, phó công an xã Vũ Sinh rất cay cú. Anh đã trổ hết tài năng, nghiệp vụ công an ra mà việc điều tra vẫn dẫm chân tại chỗ. Vũ Sinh nghĩ: "Mẹ kiếp! Nhất định là có bàn tay của kẻ thù, của bọn phản động trong việc này vậy mà không lần ra một tý ti dấu vết nào mới bực mình chứ!". Công an đã thẩm vấn, theo dõi sát đối tượng làm mất súng và hàng chục đối tượng khác nhưng cũng không phát hiện ra một điều gì khả nghi. Nghĩ đến đây, phó công an xã Vũ Sinh chợt giật thót mình khi nhớ lại buổi trưa trong khe suối khi theo dõi cái Liên. Anh chợt nuốt nước miếng tự nhủ: "Tiếc quá! Con bé đẹp thật, vậy mà lại theo địch làm gián điệp...". Trong ý nghĩ của Vũ Sinh thì cái Liên chắc chắn là một tên gián điệp hoặc không thì cũng đã bị bọn gián điệp móc nối để lấy trộm vũ khí. Anh đã có kiến nghị cách giải quyết vụ việc này lên trên rồi. Tội làm gián điệp dù chưa rõ ràng nhưng tội làm mất súng thì đã rõ. Cần phải đưa vào nhà tù, biệt giam ngay.
          Khi phó công an Vũ Sinh đang nghĩ về bọn gián điệp, phản động đã móc nối với dân quân lấy trộm vũ khí thì xã đội trưởng Phạm Bản cũng đang đau đầu về việc này. Hai tháng nay anh rất lo lắng về vụ mất súng của dân quân. Anh không tin là cái Liên làm gián điệp nhưng cũng không thể hiểu tại sao khẩu súng lại mất. Khi sự tìm kiếm ngày càng vô vọng thì anh càng giảm niềm tin ở mọi người xung quanh kể cả niềm tin ở chính bản thân mình. Từng là một quân nhân, Phạm Bản hiểu ra một điều cứ với tình trạng như thế này thì nếu cuộc chiến xảy ra thì sự thất bại là sẽ không tránh khỏi.
           Cuộc họp hôm nay cơ bản chỉ là một sự độc thoại của chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu vì phó công an và xã đội trưởng không đưa ra được một ý kiến, một giải pháp, một phương hướng nào có tính khả thi để giải quyết vụ việc. Họ chỉ trình bày thêm những tình hình, dư luận nhân dân chung quanh vụ việc. Chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu không thèm nghe thêm những ý kiến ấy. Anh đi đến kết luận cuộc họp:
           - Vụ việc mất súng của trung đội dân quân làng Hạ là vô cùng nghiêm trọng. Nó ảnh hưởng rất lớn đến thành tích của xã ta, nó làm đổ vỡ hết những cố gắng, tiến bộ của toàn xã. Nhưng vì vụ việc đã xảy ra rồi, có họp thêm, bàn thêm cũng chẳng tác dụng gì. Thủ phạm làm mất súng cũng đã rõ, những người liên quan chịu trách nhiệm cũng đã rõ nên chúng ta sẽ đi đến những quyết định cuối cùng...
           Khi chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu chưa kết luận xong việc xử lý vụ mất súng thì trong căn nhà nhỏ cuối làng bà Vân, mẹ cái Liên đã ngồi ôm mặt khóc bên đống sắn đang nạo dở trong gian bếp. Thông tin có thể con gái phải đi tù vừa đến tai bà xong. Ông Lực, người chuyên đun nước uống cho lãnh đạo ở trụ sở ủy ban xã sau khi xách một phích nước vào phòng họp vội hộc tốc chạy ngay về làng ngay. Ông đã nghe lỏm được điều quan trọng nhất trong phần kết luận của chủ tịch Nguyễn Trung Hiếu. Ông Lực ghé tai bà Vân thì thào:
          - Bà bảo cái Liên phải trốn đi ngay!
          - Trốn đi đâu được dưới gầm trời này hả ông?
          - Không biết! Nhưng nếu không muốn vào tù thì phải rời làng đi ngay kẻo nay mai họ sẽ bắt trói giải đi đấy!
          Bà Vân buông con dao nạo sắn gào lên:
          - Ối trời ơi là trời ơi! Sao mà khốn khổ thế này con ơi...
          Ông Lực hốt hoảng nói:
          - Bà be bé cái mồm thôi kẻo ai nghe thấy biết tôi báo tin này cho bà thì chết!
           Bà Vân kể lể:
           - Khổ quá, tôi đã bảo nó rồi, đừng có vào dân quân, dân kiếc làm gì. Mình súng ống bé tý, máy bay nó bay tít trên trời cao bắn thế nào nó được. Mà có bắn được nó thả bom xuống chẳng phải đầu thì phải tai. Bây giờ đánh đấm chưa được đã rước tai họa vào thân rồi! Tôi biết làm gì bây giờ hả ông?
           - Thì cứ báo cho con Liên biết để nó liệu mà tính. Thế con Liên đi đâu rồi?
          - Nó đang nấu nướng cho dân quân bên nhà thằng Hừng...
          Ông Lực dặn thêm:
          - Bà gọi nó về rồi nói nhỏ cho nó biết. Chớ có lu loa lên mà hỏng việc. Mà tuyệt đối không được nói là tôi báo tin này đâu nhé! Họ mà biết thì tôi cũng phải đi tù luôn vì đã tiết lộ bí mật quân sự đấy. Thôi bây giờ tôi lại phải trở về chỗ trụ sở ủy ban xã đây. Họ cần sai bảo công việc gì mà không thấy mặt bực lên trừ mất hết công điểm thì treo niêu đấy bà ạ!
           Nói xong ông Lực bước ra khỏi gian bếp nhà bà Vân. Ông nhớn nhác ngó quanh rồi nhảng qua rào lên mé rừng cọ có lối đi tắt về nơi đặt trụ sở sơ tán của chính quyền xã Hòa Sơn. Vừa chạy gằn ông Lực vừa lo siêu nước đặt trên bếp bị cạn, các lãnh đạo hết nước uống thì nguy. Ông lẩm bẩm: "Không hiểu tại sao dạo này lãnh đạo uống nhiều nước thế nhỉ. Trời đã nóng lắm đâu".
          Ông Lực về đến trụ sở ủy ban xã thì cuộc họp về quốc phòng-an ninh đã xong. Siêu nước đang đun dở trên bếp không cần dùng đến nữa. Xã đội trưởng Phạm Bản và phó công an xã Vũ Sinh đã ra về hoặc đi làm nhiệm vụ rồi. Chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu đang dắt chiếc xe đạp Phượng hoàng mới tinh ra khỏi phòng làm việc để chuẩn bị rời nhiệm sở về nhà. Trời chưa tối, máy bay Mỹ vẫn có thể ập đến nhưng mọi người đã quen với tác phong "giặc đến là đánh, giặc đi lại sản xuất, công tác tốt" rồi...

           (còn nữa)                         Hà Nội, 11-2014