Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Tản văn Đường làng

  Đường làng
 Tản văn của Trọng Bảo

 
Với mỗi đời người, đường làng là con đường dài nhấ  
 
         
        Làng tôi xưa xanh ngát những lũy tre. Làng tôi xưa hiền hòa đầm ấm. Tôi rất nhớ những con đường làng nho nhỏ trong làng. Hai bên đường là những rặng dâm bụt, rạng cúc tần cắt xén thành hàng rào vuông vắn. Làng tôi ngày trước đất rộng, nhà thưa nên có những vườn cây ăn quả hai bên đường. Những cây ổi quả chín vàng, những cây mận quả tím sẫm. Con đường xuyên qua giữa làng luôn luôn rợp mát bóng cây. Bọn chúng tôi đi học í ới gọi nhau từ trong khắp các con đường làng, các ngõ xóm bé nhỏ ùa ra con đường quốc lộ rộng thênh thang nhưng đầy bụi bặm của các loại xe cơ giới. Khi máy bay Mỹ tăng cường bắn phá miền Bắc chúng tôi chủ yếu đi trong các con đường làng để đến lớp học sơ tán trong rừng lá cọ. Con đường trong làng vừa râm mát vừa tránh máy bay địch. Đường làng cũng là nơi đám trẻ con nô đùa vui chơi trò ú tim, tập trận giả. Mùa gặt, con đường làng rơi đầy những sợi rơm vàng, thơm ngát hương lúa mới. Tôi nhớ như in có một lần bộ đội hành quân qua làng, màu áo xanh của các anh lẫn trong màu cây lá. Đường làng tôi bữa ấy vui như hội. Bát nước chè xanh, củ sắn lùi mà sao ấm áp tình quân dân đến thế.

  Đêm đêm, khi trời không trăng con đường trong làng nhiều cây cối nên tối om om. Những con đom đóm lập lòe bay lên từ ao tù, vườn rậm ra khiến lũ trẻ con sợ ma không dám chạy ra ngoài đường. Vào những đêm trăng sáng, con đường làng như một dải khăn voan mờ ảo, ướt đẫm bụi sương khuya.

          Từ con đường làng nhỏ bé ấy lũ chúng tôi lên đường. Đám trai trẻ làng tôi đã đi đến biết bao nhiêu con đường dài của đất nước. Nhiều người đã có mặt trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ hay bước chân ở bãi biển Trường Sa đầy nắng và cát trắng. Những ai đó từ con đường làng này đã ra đi, trèo đèo lội suối khắp các chiến trường miền Nam, biên cương phía Bắc, có mặt chiến đấu trên đất Campuchia hay nước bạn Lào xa xôi. Họ đã đi từ một con đường làng, một ngõ xóm bình yên đến với những dặm trường gian khổ hy sinh. Vậy mà, có bao người ra đi ấy không bao giờ còn được trở lại đi trên con đường làng mình nữa. Họ đã nằm lại trên các chiến trường ác liệt. Khi đi trên những con đường ở miền Tây Bắc giữa rừng già hay lúc hành quân qua lối mòn trên những sườn núi đá Cao Bằng chênh vênh tôi lại nhớ đến con đường nho nhỏ của làng mình. Con đường ấm những bàn chân của những người nông dân quê mùa thật thà chất phác. Con đường làng ấy đã đi vào ký ức của tôi cùng một thời tuổi trẻ không thể nào quên.

          Làng tôi bây giờ thưa vắng những lũy tre. Con đường làng đang chờ bê tông hóa. Hai bên đường không còn những bờ rào bằng cây xanh. Thay vào đó là những bức tường cao vút đầu người cắm đầy mảnh chai chống trộm. Nhà nào cũng kín cổng cao tường, gà chưa lên chuồng cánh cổng đã đóng. Trong làng cũng không còn những khoảnh ao mặt nước trong xanh cho trẻ con tắm mát mùa hè. Đêm đêm, đi trên con đường làng không còn nghe tiếng cá quẫy dưới ao. Ao hồ trong làng đã bị lấp hết để xây nhà, xây biệt thự. Hai bên đường làng ngày xưa là các vườn cây ăn quả. Bên đường làng hôm nay là hàng cột điện bê tông. Điện về ban đêm làng sáng như ban ngày. Mảnh trăng treo trên rừng xa nhạt nhòa lu mờ trong ánh điện. Vậy mà đi trên đường làng bây giờ luôn có cái cảm giác bất an. Trong ngõ bất ngờ một cái xe máy lao vút ra không kịp tránh. Buổi tối đến, đường làng cũng không còn tiếng trẻ con ríu rít nô đùa như ngày xưa. Đám trẻ con bây giờ vùi đầu vào làm bài tập hay còn mê mải chơi games. Người lớn cũng ngại ra đường sang nhà thăm hỏi nhau cùng uống bát nước chè xanh. Họ sợ ra đường không may gặp phải một thằng nghiện, thằng say gây gổ. Thế đấy, thời gian vẫn còn tươi mới mà làng đã đổi thay nhiều quá. Mỗi lần về làng, mỗi lần một khác. Những ngôi nhà ống cao tầng mọc lên hai bên đường. Những dấu vết của thời thơ ấu nay không còn nữa. Nhưng trong tôi ký ức về con đường làng ngày ấy mãi mãi vẫn vẹn nguyên. 

                                           Vĩnh Phúc, tháng 3-2016