Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Truyện ngắn TẤM VẢI LIỆM



2126303823_019e4e37c3


Tấm vải liệm
Truyện ngắn của Trọng Bảo
 
       1- Tôi và Nam cùng nhập ngũ lại là người cùng làng. Nam kém tôi một tuổi. Nếu xét về họ hàng xa bắn "ba tầm súng đại bác" thì Nam còn phải gọi tôi là anh họ. Nhưng vì cùng lớn lên chung ngõ học với nhau từ lớp một cho đến hết cấp ba nên chúng tôi cứ mày tao quen rồi. Khi cùng học phổ thông Nam học môn toán rất giỏi. Nhiều lần nếu không có nó cho nhìn bài thì chỉ còn nước nộp giấy trắng.
        Tôi chỉ bực tính tình Nam nhút nhát hay sợ ma. Ngày xưa ở làng quê không có điện. Đêm đến quanh năm ánh đèn dầu lù mù. Buổi tối ngồi học chúng tôi cũng chỉ có ánh sáng của những cái đèn dầu nhỏ như hạt đỗ. Tối nào học nhóm nếu tôi đi qua cổng không gọi thì Nam không dám đi vì con đường sang xóm bên với các bạn cùng nhóm phải đi qua một bãi tha ma chi chít mả cũ mả mới có những con đom đóm to bằng hạt ngô bay chập chờn xanh lét. Vào bộ đội tôi và thằng Nam vẫn ở cùng tiểu đội. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới nhờ năng nổ xông xáo xung phong nhận các nhiệm vụ nên tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đội phó. Còn thằng Nam đã là quân nhân rồi mà mãi cũng không bớt được cái tính nhút nhát. Những ca gác đêm một mình một vị trí hay đi chuyển công văn khẩn qua cánh rừng hoang vắng là nó rất ngại. Nhiều lần tôi phải đổi phiên gác cho nó tránh bớt những thời điểm đêm khuya thanh vắng hay các vị trí đứng gác gần bãi tha ma hoặc chỗ ngôi miếu cổ cạnh doanh trại.
         Thằng Nam vẫn có ước mơ làm sinh viên đại học. Đi bộ đội nó còn đem theo đến nửa ba lô sách giáo khoa lớp 10 để ôn tập. Nó bảo tôi: "Khi nào ra quân nhất định sẽ thi vào đại học. Em sẽ học ngành nông nghiệp để tìm ra một giống lúa mới có năng xuất thật cao phù hợp với vùng đất phèn chua lầy thụt quê mình". Tôi bảo: "Mày chỉ viển vông chiến tranh đến nơi rồi còn học hành gì nữa! Vứt mẹ mấy cuốn sách đi mà đeo thêm vài cân gạo...". Thằng Nam im lặng không tranh cãi với tôi nữa.
         Tình hình biên giới căng thẳng, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mọi sự chuẩn bị cho cuộc chiến đều rất khẩn trương. Để phòng tình huống xấu xảy ra trong chiến đấu mỗi người chúng tôi đều có một mã số riêng thêu trên nắp túi áo bên trái và in vào mảnh giấy nhỏ bằng ba đầu ngón tay ép plastic để trong túi quần, túi áo. Chẳng may ai hy sinh thì chôn theo để sau này bốc mộ xác định danh tính. Một hôm nhận quân trang chiến đấu gồm các loại tăng võng bi đông về tiểu đội trưởng Quân tập trung cả tiểu đội lại cấp phát cho mọi người. Còn một cuộn vải cuối cùng anh bảo:
        - Đây là hai tấm vải dùng để khâm liệm liệt sĩ! Tiểu đội giao cho đồng chí Nam và đồng chí Tuấn mỗi người giữ một cái.
         Nghe vậy cả tiểu đội đều lặng đi. Thằng Nam mặt cắt không còn giọt máu. Tôi cũng hơi thảng thốt nhưng định thần được ngay. Chiến tranh là như vậy. Khi nó chưa nổ ra thì công tác chuẩn bị phải thật chu đáo tỷ mỷ đến mức tối đa để người chiến sĩ khi vào trận có thể chiến đấu tốt nhất.
         Nghe tiểu đội trưởng giao nhiệm vụ thằng Nam chối đây đẩy:
         - Em không... không giữ cái đấy đâu...
         Nhìn mặt nó tái dại đôi mắt hoảng hốt và như sắp phát khóc tôi thấy thương nó quá. Anh em khác trong tiểu đội cũng ngại phải giữ tấm vải liệm nên tìm cách lảng đi. Tôi bảo:
         - Thôi được! Không ai muốn giữ tấm vải này thì để tôi giữ cả cho.
         Tôi nhận vì tôi là tiểu đội phó phải có trách nhiệm về công tác hậu cần của cả tiểu đội. Tôi trải hai tấm vải liệm ra để gấp lại cho gọn. Đó là những tấm vải mỏng gần giống cái vỏ chăn đơn nhưng người ta chỉ may kín hai cạnh để hở hai cạnh. Tấm vải có đính sẵn ba giải dây vải ở giữa và hai đầu. Khi dùng khâm liệm liệt sĩ chỉ cần gấp lại và dùng ba giải dây đó để bó buộc.
         Tôi nhét hai tấm vải liệm vào ba lô đeo về nhà ở.
         Tôi mang cái ba lô về nhà ở thằng Nam vội ôm chăn chiếu chuyển ra một góc nhà sàn nằm. Lâu nay nó vẫn nằm cạnh tôi. Cũng từ ấy không bao giờ nó lục ba lô của tôi tìm lương khô hay lấy kem đánh răng nữa.
 
          2- Chiến tranh nổ ra. Những trận đánh vô cùng ác liệt. Quân Trung Quốc bị tiêu diệt nhiều sinh lực nhưng đơn vị chúng tôi cũng bị nhiều tổn thất. Sau một tuần bị bao vây trong thị trấn Sóc Giang tiểu đoàn chúng tôi gần cạn hết đạn dược lương thực quân số bị tiêu hao. Đến ngày thứ tám chúng tôi được lệnh chuẩn bị rút lui lên núi. Tiểu đội trưởng Quân căn dặn từng người:
          - Nhớ là cố gắng đem hết súng đạn lương thực. Cái gì không cần thiết thì bỏ lại vì khi vượt vòng vây chúng ta sẽ phải vượt qua suối và leo lên một vách núi dựng đứng rất khó đi và nguy hiểm.
           Chúng tôi khẩn trương chuẩn bị. Quần áo ngoài bộ đang mặc trên người thì thêm một bộ để thay đổi chỉ đem theo tăng võng chăn màn vứt bớt hai cái khăn mặt hai đôi tất vừa mới phát cũng vứt một giữ một cho đỡ nặng. Giấy tờ nhật ký sổ sách ghi chép chúng tôi đốt hết để đề phòng khi phá vây bị bắt lọt vào tay bọn địch. Trong túi quần túi áo trong ba lô chỉ còn có những mảnh giấy ghi mã số riêng của từng người.
           Trong đêm tối sau những đợt pháo địch bắn cầm canh từng tốp nhỏ chúng tôi tụt khỏi hang đá trên sườn ngọn núi giữa thị trấn băng qua cánh đồng lên dãy núi trùng điệp nơi mà bọn địch chưa chiếm được. Tôi được giao giao nhiệm vụ chỉ huy bộ phận đi cuối cùng khoá đuôi đơn vị sẵn sàng lập thành một chốt đánh chặn địch truy kích cho đơn vị rút lui an toàn. Tôi bảo anh em trong tiểu đội:
           - Nhớ bám sát nhau! Lúc qua bản Nà Liền phải hết sức nhẹ nhàng tránh gây tiếng động chó sủa bọn địch phát hiện.
            Tôi kéo tay thằng Nam khẽ dặn:
            - Đi sát ngay phía sau tao nhé!
            - Vâng! A... n...h... cứ... yên... tâm.
            - Sao mày có vẻ run lập cập thế?
            - Em thấy hơi sợ...
            - Không việc gì đâu đừng lo.
            Tôi động viên thằng Nam. Suốt tuần vừa rồi nó là chiến sỹ thông tin 2W chưa trực tiếp đánh trận nào.
            Đúng như chỉ huy tiểu đoàn đã tính toán. Đơn vị chúng tôi bí mật vượt qua vòng vây của địch một cách an toàn. Chúng tôi phải mất gần như suốt đêm mới vượt qua được vách núi cheo leo đá tai mèo sắc như dao để lên lũng Mật. Trời sáng rõ. Sương mù tan. Nhìn xuống dưới cánh đồng thấy rõ cả xe tăng và bộ binh địch đang lúc nhúc hành quân. Thỉnh thoảng tiếng pháo lại nổ chói tai vì bắn vào vách đá và gây nên những vọng âm mãi mới tan làm màng nhĩ tai u u rất khó chịu.
           Chúng tôi được lệnh dừng lại nghỉ. Trời rét lắm lại ở núi đá nên càng thêm lạnh buốt. Tôi vội cùng anh em tìm những khe đá hơi bằng phẳng rải tăng võng ra để nằm tranh thủ ngủ để tối đến còn hành quân tiếp hoặc xuống bản tìm kiếm lương thực. Chợt thấy thằng Nam ngồi co ro ở một góc khe đá tôi hỏi:
           - Mày tìm chỗ phẳng nằm mà ngủ một lát đi chứ! Tối nay còn đi lấy gạo đấy.
           - Lúc vượt qua suối vì đỡ anh thương binh trượt ngã cái ba lô của em bị trôi mất rồi.
           - Thế thì nằm vào đây với tao cho khỏi rét mà ngủ.
           Thằng Nam vừa chui vào nằm xuống cạnh tôi đã bật ngay dậy hốt hoảng:
           - Anh... anh... đắp bằng tấm vải liệm à?
           Thì ra nó vừa nằm xuống thì cái dây buộc của tấm vải liệm loằng ngoằng vướng ngay vào cổ. Tôi phì cười:
            - Nó chỉ là một tấm vải thôi việc gì mà sợ! Nằm xuống đi cho ấm!
            - Thôi... thôi... anh ngủ đi... em chịu thôi...
            Tôi cáu vì cái tính nhút nhát của nó:
            - Thế thì mặc xác mày!
            Nói vậy nhưng tôi cũng không ngủ được. Tôi ngồi dậy lột cái võng đang rải ném cho nó. Đoạn tôi chui hẳn vào trong tấm vải liệm nửa rải nửa đắp rồi ngủ thiếp đi vì mệt.
 
            3- Đơn vị chúng tôi cứ ban ngày thì ẩn nấp trong các thung lũng khe đá buổi tối thì chuyển quân sang vị trí khác tránh sự truy kích của bọn địch và tổ chức cho các bộ phận đột nhập xuống bản tìm lương thực. Nhiều hôm chạm địch không lấy được lương thực mà còn tổn thất thêm lực lượng. Quân số của đơn vị cứ vơi dần sau những chặng hành quân gian khổ trên vách đá núi cao đói rét và bị địch đuổi đánh. Một số anh em lực lượng thanh niên xung phong bị thất lạc chạy lên núi cũng nhập luôn vào đội hình đơn vị chúng tôi.
             Sau trận đơn vị bị lực lượng tinh nhuệ của địch tập kích vào đội hình trú quân thì cả hai tấm vải liệm của tiểu đội tôi đều được sử dụng hết. Cũng từ sau hôm ấy thằng Nam mới dám nằm gần tôi. Hai đứa đắp chung một cái võng mỏng manh. Lúc tạnh thì tăng rải làm chiếu võng làm chăn cho ấm. Lúc mưa thì rải võng làm chiếu tăng làm chăn đắp cho khỏi ướt. Mùa Xuân năm ấy sao mà mưa rét đến thế. Cái rét cái đói hành hạ chúng tôi ngày càng khốn khổ. Rồi cả cái võng hai đứa đắp chung ấy cũng không còn. Chúng tôi không nỡ để một cô thanh niên xung phong nằm xuống không có cái gì bó buộc.
            Một buổi sáng còn sương muối còn mù mịt thì tiểu đội trưởng Quân gọi tôi:
            - Tuấn ơi đi ngay!
            - Đi đâu!
            - Đi xuống bản Nà Sác! Bộ phận của thằng Nam tối hôm qua xuống bản lấy lương thực đến giờ vẫn chưa thấy về! Có chuyện không hay rồi.
            Tôi vội vàng xách súng cùng tiểu đội trưởng Quân và một chiến sĩ trinh sát tiểu đoàn tụt xuống dốc núi. Chúng tôi tìm được chiến sĩ Lai nằm gục ở chân dốc. Cái ba lô gạo đeo trên lưng thấm máu. Lai bị thương nhẹ vào đùi nhưng vì đói quá nên lả đi không leo lên núi được. Lai thều thào cho chúng tôi biết hai người vào bản lấy được gạo ngô quay ra thì gặp địch. Nam đã quay chặn địch và bảo Lai rút lui. Nam đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Nam bị bọn địch bắn chết bên bờ suối.
             Mãi đến tối chúng tôi mới tiếp cận được chỗ Nam hy sinh. Chúng tôi đưa Nam qua suối rửa mặt cho Nam. Chúng tôi lang thang dùng dây võng buộc chặt Nam vào người cõng nó lên núi.
             Chúng tôi dùng xẻng bộ binh đào một cái rãnh trong khe đá đặt Nam xuống. Không còn một tấm vải liệm nào tôi rút cái khăn mặt duy nhất của mình trong ba lô ra phủ lên mặt cho Nam.
 
            4- Hơn ba mươi năm qua rồi, Nam đã được đưa về quê hương. Hài cốt của nó được gói trong tấm lụa đặt trong hộp gỗ sạ hương phủ quân kỳ và mai táng trong nghĩa trang liệt sĩ của xã. Nhưng câu chuyện về Nam và tấm vải liệm bây giờ tôi mới viết.
 
                                                                                       Hà Nội, tháng 4-2009